Đi đến nội dung

Đức Giê-hô-va là ai?

Đức Giê-hô-va là ai?

Đức Giê-hô-va là ai?

VỪA đi vừa dọn đường xuyên qua cánh rừng rậm ở Cambodia, ông Henri Mouhot, một nhà thám hiểm người Pháp sống vào thế kỷ 19, dừng chân trước một kênh hào rộng vây quanh một ngôi đền. Đó là Đế Thiên Đế Thích, đền thờ lớn nhất thế giới. Nhìn thoáng qua, ông Mouhot đã có thể biết ngay rằng công trình kiến trúc bị rêu phủ đó là do tay người ta dựng nên. Ông viết: “Được xây cất cách đây lâu lắm rồi bởi một người nào đó tài nghệ cỡ Michelangelo, đền này lớn hơn bất cứ công trình kiến trúc nào mà người Hy Lạp hoặc La Mã đã để lại cho chúng ta”. Mặc dù ngôi đền đó đã bị bỏ hoang hàng bao thế kỷ, ông vẫn biết chắc rằng đã có một nhà thiết kế dựng nên công trình phức tạp đó.

Thật đáng chú ý, một cuốn sách dạy về sự khôn ngoan viết cách đây nhiều thế kỷ đã dùng một lý luận tương tự, nói rằng: “Vả, chẳng có một cái nhà nào không phải bởi có người dựng nên; mà Đấng đã dựng nên muôn vật, ấy là Đức Chúa Trời”. (Hê-bơ-rơ 3:4) Nhưng một số người có thể nói: ‘Công trình của thiên nhiên khác với những gì do người ta làm ra’. Tuy nhiên, không phải nhà khoa học nào cũng đồng ý với câu này.

Sau khi thừa nhận rằng “các hệ thống sinh hóa không phải là vật vô tri vô giác”, ông Michael Behe, giáo sư phụ tá sinh hóa học tại Đại Học Lehigh, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, hỏi: “Có thể nào các hệ thống sinh hóa được thiết kế một cách khéo léo không?” Tiếp theo, ông cho thấy rằng các nhà khoa học hiện đang thiết kế những sự thay đổi cơ bản trong các sinh vật qua những phương pháp như kỹ thuật di truyền. Đúng vậy, cả vật vô tri lẫn vật có tri giác đều có thể được “cấu tạo”! Nghiên cứu thế giới nhỏ li ti của tế bào sống, ông Behe thấy các hệ thống cực kỳ phức tạp được cấu tạo bởi các thành phần lệ thuộc lẫn nhau để hoạt động. Ông kết luận thế nào? “Sau nhiều nỗ lực nhằm khảo sát tế bào—tức khảo sát sự sống ở mức độ phân tử—ta đi đến kết luận hùng hồn và minh bạch là nó đã được ‘thiết kế!’”

Vậy ai đã thiết kế mọi hệ thống phức tạp này?

Ai là Đấng Thiết Kế?

Lời giải đáp được ghi trong cuốn sách cổ dạy về sự khôn ngoan đã được trích dẫn ở trên—cuốn Kinh Thánh. Trong lời mở đầu, Kinh Thánh trả lời một cách thật giản dị và rõ ràng cho câu hỏi ai đã thiết kế muôn vật: “Ban đầu, Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”.—Sáng-thế Ký 1:1.

Tuy nhiên, để phân biệt với mọi đấng khác mà người ta gọi là Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa cho biết danh có một không hai của Ngài: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là Đấng đã dựng nên các từng trời,... đã trải đất với mọi sự ra bởi nó, đã ban hơi sống ở trên nó”. (Ê-sai 42:5, 8) Đúng vậy, Giê-hô-va là danh của Đức Chúa Trời, Đấng đã thiết kế vũ trụ và tạo ra người nam cùng người nữ trên đất. Nhưng Đức Giê-hô-va là ai? Ngài là Đức Chúa Trời như thế nào? Và tại sao bạn phải lắng nghe tiếng Ngài?

Ý nghĩa của danh Ngài

Trước hết, danh của Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va, có nghĩa gì? Danh Đức Chúa Trời được viết bằng bốn chữ cái Hê-bơ-rơ (יהוה) và xuất hiện gần 7.000 lần trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Theo người ta hiểu thì danh Đức Chúa Trời là thể căn nguyên của động từ ha·wahʹ (“trở thành”) trong tiếng Hê-bơ-rơ, và vì vậy có nghĩa “Đấng làm cho thành tựu”. Nói cách khác, Đức Giê-hô-va khôn khéo trở thành bất cứ vai trò nào Ngài muốn để thực hiện ý định Ngài. Ngài là Đấng Tạo Hóa, Đấng Phán Xét, Đấng Cứu Chuộc, Đấng Duy Trì sự sống, v.v... nhằm thực hiện lời Ngài đã hứa. Ngoài ra, động từ Hê-bơ-rơ ở trong thể cho thấy hành động đang được thực hiện. Điều này cho thấy Đức Giê-hô-va đang làm thành tựu các ý định của Ngài. Đúng vậy, Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống!

Các đức tính nổi bật của Đức Giê-hô-va

Kinh Thánh cho thấy Đấng Tạo Hóa và Đấng làm thành tựu ý định của mình là nhân vật rất dễ mến. Chính Đức Giê-hô-va tiết lộ những cá tính nổi bật của Ngài, và nói: “Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm-giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian-ác, tội-trọng và tội-lỗi”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7) Đức Giê-hô-va được tả là Đức Chúa Trời đầy dẫy ân huệ. Từ ngữ Hê-bơ-rơ dùng ở đây cũng có thể dịch là “tình yêu thương trung tín”. Khi thực hiện ý định đời đời của Ngài, Đức Giê-hô-va trung tín tiếp tục tỏ lòng yêu thương đối với các tạo vật Ngài. Chẳng lẽ bạn không quí chuộng tình yêu thương như thế hay sao?

Đức Giê-hô-va cũng chậm giận và mau tha thứ lỗi lầm của chúng ta. Thật là ấm lòng khi ở gần người nào không chỉ trích mà ngược lại sẵn sàng tha thứ chúng ta. Thế nhưng, điều này không có nghĩa Đức Giê-hô-va dung túng việc làm sai trái. Ngài tuyên bố: “Ta, Đức Giê-hô-va, ưa sự chánh-trực, ghét sự trộm-cướp và sự bất-nghĩa”. (Ê-sai 61:8) Là Đức Chúa Trời công bằng, Ngài không dung túng mãi mãi những kẻ xấc xược phạm tội, cứ ngoan cố làm điều ác. Vậy, chúng ta có thể chắc chắn rằng đến kỳ định, Đức Giê-hô-va sẽ sửa chữa những sự bất công trên thế giới xung quanh chúng ta.

Cần có sự khôn ngoan để giữ lòng yêu thương và công lý cho thật thăng bằng. Đức Giê-hô-va điều hòa hai đức tính này một cách tuyệt diệu khi đối xử với chúng ta. (Rô-ma 11:33-36) Dĩ nhiên, chúng ta có thể thấy sự khôn ngoan của Ngài ở khắp nơi. Các kỳ quan trong thiên nhiên chứng tỏ điều này.—Thi-thiên 104:24; Châm-ngôn 3:19.

Thế nhưng, chỉ có sự khôn ngoan thôi thì chưa đủ. Để thực hiện trọn vẹn ý muốn của Ngài, Đấng Tạo Hóa cũng cần phải có quyền năng tột bực. Kinh Thánh cho thấy Ngài là Đức Chúa Trời quyền năng: “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo ra những vật nầy? Ấy là Đấng đã khiến các cơ-binh ra theo số nó... chẳng một vật nào thiếu, vì sức-mạnh Ngài lớn lắm”. (Ê-sai 40:26) Quả thật, Ngài có thể dùng ‘sức-mạnh lớn lắm’ để thực hiện ý muốn của Ngài. Chẳng lẽ những đức tính như thế lại không thu hút bạn đến với Đức Giê-hô-va hay sao?

Lợi ích của việc biết Đức Giê-hô-va

Đức Giê-hô-va “chẳng phải dựng nên [trái đất] là trống-không”, nhưng Ngài “đã làm nên để dân ở”, tức là những người có mối quan hệ đầy ý nghĩa với Ngài. (Ê-sai 45:18; Sáng-thế Ký 1:28) Ngài quan tâm đến các tạo vật Ngài trên đất. Ngài cho loài người một sự khởi đầu hoàn hảo ở một nơi giống như một khu vườn, một địa đàng. Nhưng loài người đang hủy hoại đất, khiến Đức Giê-hô-va rất phật lòng. Thế nhưng, đúng với ý nghĩa của danh Ngài, Đức Giê-hô-va sẽ hoàn thành ý định nguyên thủy của Ngài đối với loài người và trái đất. (Thi-thiên 115:16; Khải-huyền 11:18) Ngài sẽ phục hồi Địa Đàng trên đất cho những ai sẵn sàng làm con cái biết vâng lời Ngài.—Châm-ngôn 8:17; Ma-thi-ơ 5:5.

Cuốn sách chót của Kinh Thánh miêu tả phẩm chất của đời sống trong Địa Đàng: “Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhứt đã qua rồi”. (Khải-huyền 21:3, 4) Đó là sự sống thật mà Đức Giê-hô-va muốn bạn vui hưởng. Ngài quả thật là Cha nhân từ biết bao! Bạn có sẵn lòng học biết nhiều hơn về Ngài và về những gì bạn phải làm để sống trong Địa Đàng không?

Trừ khi được ghi rõ, các câu Kinh Thánh trích dận trong tờ giấy này là của bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội.