Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ý tưởng linh hồn bất tử xâm nhập Do thái Giáo, các đạo tự xưng theo đấng Christ và Hồi Giáo

Ý tưởng linh hồn bất tử xâm nhập Do thái Giáo, các đạo tự xưng theo đấng Christ và Hồi Giáo

Ý tưởng linh hồn bất tử xâm nhập Do thái Giáo, các đạo tự xưng theo đấng Christ và Hồi Giáo

“Tôn giáo cũng là một phương cách hòa giải người ta với sự kiện là một ngày nào đó họ phải chết, dù bằng lời hứa về một đời sống tốt hơn sau khi chết, hoặc bằng tái sinh hoặc cả hai”.—GERHARD HERM, TÁC GIẢ NGƯỜI ĐỨC.

1. Đa số các tôn giáo đưa ra lời hứa về đời sống sau khi chết căn cứ trên sự tin tưởng nào?

KHI hứa một đời sống sau khi chết, hầu hết các tôn giáo đều căn cứ vào sự tin tưởng là mỗi người có một linh hồn bất tử, và sau khi chết, linh hồn sẽ đi vào một cõi khác, hoặc tái sinh vào một sinh vật nào đó. Như đã trình bày trong phần trước, sự tin tưởng linh hồn bất tử là phần chính yếu của các tôn giáo Đông Phương ngay từ lúc khởi đầu. Nhưng còn Do Thái Giáo, các đạo tự xưng theo đấng Christ và Hồi Giáo thì sao? Làm thế nào học thuyết này lại trở thành giáo lý chủ chốt của các đạo này?

Do Thái Giáo hấp thụ các khái niệm của Hy Lạp

2, 3. Theo cuốn Encyclopaedia Judaica, Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ có dạy linh hồn bất tử không?

2 Do Thái Giáo có cội nguồn từ thời Áp-ra-ham cách đây khoảng 4.000 năm. Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ bắt đầu được viết từ thế kỷ 16 TCN, và hoàn tất vào thời điểm Socrates và Plato hình thành thuyết linh hồn bất tử. Phần Kinh-thánh này có dạy linh hồn bất tử không?

3 Cuốn Encyclopaedia Judaica (Bách khoa tự điển Do Thái) trả lời: “Chỉ sau khi Kinh-thánh hoàn tất thì sự tin tưởng về linh hồn bất tử mới thành hình rõ rệt, và trở thành một trong những hòn đá góc của đạo Do Thái và các đạo Ki-tô khác”. Sách này cũng nói: “Vào thời Kinh-thánh được viết ra, người được xem là toàn thể con người chứ không có việc phân biệt linh hồn và thân xác”. Cuốn bách khoa đó cũng nêu rõ là những người Do Thái ban đầu tin nơi sự sống lại của người chết, và sự tin tưởng này “khác biệt với sự tin tưởng nơi... linh hồn bất tử”.

4-6. Làm thế nào học thuyết linh hồn bất tử trở thành “một trong những hòn đá góc” của Do Thái Giáo?

4 Vậy làm thế nào học thuyết ấy lại trở thành “một trong những hòn đá góc” của Do Thái Giáo? Lịch sử cho chúng ta câu trả lời. Vào năm 332 TCN, Đại Đế A Lịch Sơn chiếm được phần lớn Trung Đông trong cuộc chinh phục chớp nhoáng. Khi tiến vào thành Giê-ru-sa-lem, ông được người Do Thái rầm rộ đón tiếp. Theo sử gia Do Thái vào thế kỷ thứ nhất là Flavius Josephus, họ thậm chí chỉ cho ông vua này xem lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên viết trước đó hơn 200 năm, mô tả rõ cuộc chinh phục của A Lịch Sơn trong vai trò “vua nước Gờ-réc” (Đa-ni-ên 8:5-8, 21). Những người kế vị A Lịch Sơn tiếp tục kế hoạch Hy Lạp hóa của ông qua việc để cho đế quốc Hy Lạp dần dần xâm nhập mọi mặt từ ngôn ngữ, văn hóa đến triết học. Một sự trộn lẫn hai nền văn hóa—Hy Lạp và Do Thái—là điều không thể tránh được.

5 Khoảng đầu thế kỷ thứ ba TCN, lần đầu tiên Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ được dịch ra tiếng Hy Lạp. Bản dịch này được gọi là bản Septuagint. Nhờ bản dịch này, dân ngoại mới biết và kính trọng tôn giáo của người Do Thái, thậm chí có một số người cải sang đạo Do Thái nữa. Nhưng mặt khác, người Do Thái lại quen thuộc với tư tưởng Hy Lạp; một số người trở thành triết gia, một điều hoàn toàn mới lạ đối với họ. Philo ở Alexandria vào thế kỷ thứ nhất CN là một trong những triết gia người Do Thái đó.

6 Phi-lo ngưỡng mộ Plato và ông nỗ lực dùng triết lý Hy Lạp để giải thích Do Thái Giáo. Sách Heaven—A History nói: “Bằng cách phối hợp triết lý của Plato và truyền thống Kinh-thánh, Phi-lo đã dọn đường cho những nhà tư tưởng đạo Ki-tô [cũng như đạo Do Thái] sau này”. Phi-lo tin gì về linh hồn? Sách trên nói tiếp: “Đối với ông, chính cái chết đem linh hồn trở về trạng thái nguyên thủy trước khi được sinh ra. Vì linh hồn thuộc về thế giới thần linh nên sự sống trong thể xác chẳng qua là một giai đoạn ngắn ngủi và thường là bất hạnh”. Những nhà tư tưởng khác của Do Thái tin vào linh hồn bất tử gồm cả Isaac Israeli, thầy thuốc Do Thái nổi tiếng vào thế kỷ thứ 10 và Moses Mendelssohn, một triết gia Do Thái lai Đức vào thế kỷ 18.

7, 8. a) Sách Talmud mô tả linh hồn như thế nào? b) Văn chương huyền bí Do Thái sau này nói gì về linh hồn?

7 Một quyển sách cũng đã ảnh hưởng sâu xa đến tư tưởng và đời sống của người Do Thái là sách Talmud—sách này tóm lược luật truyền khẩu, được bổ sung sau này bằng các lời giảng giải và bình luận do các thầy dạy đạo Do Thái thâu lượm từ thế kỷ thứ hai CN đến thời Trung Cổ. Sách Encyclopaedia Judaica nói: “Các thầy dạy sách Talmud tin linh hồn tiếp tục sống sau khi chết”. Sách Talmud thậm chí nói đến việc người chết tiếp xúc với người sống. Sách Encyclopædia of Religion and Ethics (Bách khoa tự điển về tôn giáo và đạo đức) viết: “Có lẽ vì chịu ảnh hưởng của thuyết Plato, [các thầy dạy đạo Do Thái] tin linh hồn có kiếp trước”.

8 Văn chương huyền bí Do Thái sau này, tức là Cabala, còn dạy cả đầu thai nữa. Sách The New Standard Jewish Encyclopedia nói về niềm tin này như sau: “Ý tưởng đó hình như phát xuất từ Ấn Độ... Trong văn chương Cabala, nó xuất hiện đầu tiên trong sách Bahir, và rồi từ Zohar trở đi, được các nhà thực hành thần bí chấp nhận rộng rãi, và đóng một vai trò quan trọng trong trong văn học và tín ngưỡng Hasid”. Tại Do Thái ngày nay, rất nhiều người coi đầu thai như là một giáo thuyết đạo Do Thái vậy.

9. Hầu hết các hệ phái Do Thái Giáo ngày nay có lập trường gì về linh hồn bất tử?

9 Do đó, ý tưởng linh hồn bất tử du nhập vào Do Thái Giáo qua ảnh hưởng triết học Hy Lạp, và được hầu hết các hệ phái của tôn giáo này ngày nay chấp nhận. Còn việc học thuyết này xâm nhập vào các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ thì sao?

Các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ chấp nhận tư tưởng của Plato

10. Một học giả Tây Ban Nha nổi tiếng kết luận gì về sự tin tưởng của Chúa Giê-su về linh hồn bất tử?

10 Đạo thật do Chúa Giê-su Christ thiết lập. Miguel de Unamuno, một học giả Tây Ban Nha nổi tiếng vào thế kỷ 20, viết như sau về Chúa Giê-su: “Ngài tin vào sự sống lại của thân xác, theo cách của người Do Thái chứ không tin vào linh hồn bất tử theo cách của thuyết Plato [Hy Lạp]... Chúng ta có thể thấy bằng chứng về điều này trong bất cứ sách giải thích chân thật nào”. Ông kết luận: “Linh hồn bất tử là một giáo điều triết lý ngoại đạo”.

11. Khi nào triết lý Hy Lạp bắt đầu xâm nhập vào đạo đấng Christ?

11 Khi nào và làm sao “giáo điều triết lý ngoại đạo” này lại xâm nhập vào đạo đấng Christ được? Sách New Encyclopædia Britannica nêu rõ: “Từ giữa thế kỷ thứ 2 CN, những tín đồ đạo Ki-tô nào được học chút ít về triết lý Hy Lạp bắt đầu cảm thấy nhu cầu diễn tả đức tin của họ bằng các từ mà triết lý Hy Lạp dùng, để thỏa mãn về phương diện trí thức, và cũng để giúp những người ngoại có học cải đạo nữa. Triết lý thích hợp với họ nhất là triết lý Plato”.

12-14. Origen và Augustine đóng vai trò nào trong việc trộn lẫn triết học Plato và đạo đấng Christ?

12 Hai triết gia thuộc loại này đã ảnh hưởng lớn đến các giáo lý của các đạo tự xưng theo đấng Christ; đó là Origen ở Alexandria (sống khoảng năm 185 đến 254 CN), và Augustine ở Hippo (354-430 CN). Quyển New Catholic Encyclopedia (Tân bách khoa tự điển Công Giáo) nói về họ như sau: “Chỉ với Origen bên Giáo Hội Đông Phương và Thánh Augustine bên Giáo Hội Tây Phương, linh hồn được định nghĩa rõ là vật thể thiêng liêng, và một ý niệm triết học về bản chất linh hồn được thành hình”. Origen và Augustine đã hình thành khái niệm về linh hồn dựa trên căn bản nào?

13 Theo sách New Catholic Encyclopedia thì Origen là đệ tử của Clement ở Alexandria, một “Giáo Phụ đầu tiên công khai mượn truyền thống Hy Lạp về linh hồn”. Ý tưởng của Plato về linh hồn hẳn là ảnh hưởng đến Origen sâu xa. Nhà thần học Werner Jaeger nhận xét trong cuốn The Harvard Theological Review như sau: “[Origen] đưa toàn bộ thuyết linh hồn của Plato vào đạo đấng Christ”.

14 Augustine được một số người trong đạo tự xưng theo đấng Christ coi là nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời xưa. Trước khi cải sang “đạo đấng Christ” vào lúc 33 tuổi, Augustine ham thích triết học và đã là một đồ đệ của phái Plato Cải Cách. * Vào lúc đổi đạo, ông vẫn nuôi triết lý này trong tâm trí. Sách The New Encyclopædia Britannica nói: “Đầu óc ông là cái lò, trong đó tôn giáo của Tân Ước hầu như hoàn toàn tan chảy trộn lẫn với truyền thống Plato về triết lý Hy Lạp”. Cuốn New Catholic Encyclopedia thừa nhận: “Học thuyết [về linh hồn] của Augustine, mà sau này trở thành tiêu chuẩn cho Tây Phương cho đến tận cuối thế kỷ 12, vay mượn rất nhiều từ học thuyết Plato Cải Cách”.

15, 16. Sự hưng thịnh của các học thuyết của Aristotle vào thế kỷ 13 có làm thay đổi quan điểm của giáo hội về giáo lý linh hồn bất tử không?

15 Vào thế kỷ 13, học thuyết Aristotle thịnh hành ở Âu Châu, lý do chính là vì có sự lưu hành rộng rãi các tác phẩm bằng tiếng La-tinh của các học giả Ả-rập là những người uyên thâm về các tác phẩm của Aristotle. Một học giả Công Giáo là Thomas Aquinas chịu ảnh hưởng sâu xa tư tưởng của Aristotle. Nhờ các tác phẩm của Aquinas, quan điểm của Aristotle dành được ảnh hưởng lớn hơn là quan điểm của Plato trong sự dạy dỗ của giáo hội. Tuy nhiên, sự thắng thế này không ảnh hưởng gì đến sự dạy dỗ về linh hồn bất tử.

16 Aristotle dạy là linh hồn không tách biệt với thân xác và không tồn tại sau khi chết, và nếu có cái gì vĩnh cửu nơi con người, ấy là trí tuệ trừu tượng và vô nhân cách. Quan điểm như thế này về linh hồn không phù hợp với sự tin tưởng của giáo hội, theo đó, linh hồn còn tồn tại sau khi chết. Do đó, Aquinas sửa đổi quan điểm về linh hồn của Aristotle, nói rằng linh hồn bất tử có thể chứng minh bằng lý luận. Như vậy sự tin tưởng của giáo hội về linh hồn bất tử vẫn còn nguyên vẹn.

17, 18. a) Phong trào Cải Cách vào thế kỷ 16 có đưa ra sự cải cách về sự dạy dỗ linh hồn bất tử không? b) Phần lớn các giáo hội thuộc tôn giáo tự xưng theo đấng Christ có lập trường nào về linh hồn bất tử?

17 Vào thế kỷ 14 và 15, trong giai đoạn đầu của thời kỳ Phục Hưng, thuyết Plato được khôi phục. Thậm chí gia đình Medici nổi tiếng ở Ý giúp thiết lập một học viện ở Florence để đẩy mạnh việc nghiên cứu triết học Plato. Trong thế kỷ 16 và 17, ảnh hưởng của Aristotle mất dần. Và Phong Trào Cải Cách vào thế kỷ 16 không hề đưa ra sự sửa đổi nào trong sự dạy dỗ về linh hồn. Mặc dù các nhà Cải Cách Tin Lành phủ nhận giáo lý luyện ngục, nhưng họ lại chấp nhận ý tưởng thưởng phạt đời đời.

18 Do đó, giáo lý về linh hồn bất tử là niềm tin chính trong phần lớn các giáo hội thuộc tôn giáo tự xưng theo đấng Christ. Một học giả Hoa Kỳ viết về điều này như sau: “Thực ra, đối với phần lớn chúng ta ở vùng đất này, tôn giáo nghĩa là bất tử, chứ chẳng có gì khác. Đức Chúa Trời là Đấng lập ra sự bất tử đó”.

Sự bất tử và Hồi Giáo

19. Hồi Giáo được thành lập khi nào và do ai?

19 Hồi Giáo bắt đầu khi Muḥammad được gọi làm tiên tri lúc khoảng 40 tuổi. Nhiều người Hồi Giáo tin là Muḥammad nhận được những mặc khải trong một thời gian khoảng 20 tới 23 năm, có lẽ từ năm 610 CN đến lúc ông chết năm 632 CN. Những mặc khải này được ghi trong kinh Koran, cuốn thánh kinh của Hồi Giáo. Vào lúc Hồi Giáo được thành lập thì khái niệm của Plato về linh hồn đã thâm nhập Do Thái Giáo và các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ rồi.

20, 21. Hồi Giáo tin gì về Đời Sau?

20 Hồi Giáo tin rằng đức tin của họ là kết quả của các mặc khải ban cho những người Do Thái và tín đồ đấng Christ trung thành thuở xưa. Kinh Koran dẫn chiếu Kinh-thánh cả phần tiếng Hê-bơ-rơ lẫn phần tiếng Hy Lạp. Nhưng về sự dạy dỗ linh hồn bất tử thì kinh Koran đi theo hướng khác. Kinh Koran dạy là người ta có một linh hồn tiếp tục sống sau khi chết. Kinh này cũng nói đến việc người chết sống lại, ngày phán xét, và số phận sau cùng của linh hồn—hoặc là ở trong vườn lạc thú trên trời hoặc bị phạt trong hỏa ngục cháy bừng.

21 Hồi Giáo cho rằng linh hồn người chết đi xuống Barzakh hay “Nơi phân rẽ” là “nơi hay tình trạng người chết ở trước khi Phán Xét” (Surah 23:99, 100, Thánh kinh Qur-an, phần cước chú). Tại đây, linh hồn vẫn ý thức và sẽ phải trải qua cái được gọi là “Hình phạt của nấm Mồ” nếu người đó ác, hoặc được hưởng hạnh phúc nếu người đó trung thành. Nhưng người trung thành cũng phải chịu hành phạt vì vài tội đã phạm khi còn sống. Trong ngày phán xét, mỗi người sẽ chịu số phận vĩnh viễn và tình trạng trung gian này sẽ chấm dứt.

22. Các triết gia Ả-rập đưa ra những lý thuyết khác nhau nào về số phận của linh hồn?

22 Ý tưởng linh hồn bất tử hình thành trong Do Thái Giáo và trong các đạo tự xưng theo đấng Christ hình như là do ảnh hưởng của học thuyết Plato, còn với Hồi Giáo, ý tưởng ấy hiện hữu ngay từ ban đầu. Dĩ nhiên không phải các học giả Ả-rập đã không cố gắng trộn lẫn giáo lý của Hồi Giáo với triết lý Hy Lạp. Thực ra, cả khối Ả-rập đều bị Aristotle ảnh hưởng rất nhiều. Những học giả Ả-rập nổi tiếng như Avicenna và Averroës đã giải thích và bình luận tỉ mỉ về tư tưởng của Aristotle. Tuy nhiên, trong khi cố gắng hòa đồng tư tưởng Hy Lạp với sự dạy dỗ của Hồi Giáo, họ lại chế ra các lý thuyết khác. Chẳng hạn, Avicenna tuyên bố linh hồn của một người là bất tử. Còn Averroës lại không chấp nhận điều này. Dù quan điểm là gì chăng nữa, linh hồn bất tử vẫn tiếp tục là niềm tin của Hồi Giáo.

23. Do Thái Giáo, các đạo tự xưng theo đấng Christ và Hồi Giáo có lập trường nào về linh hồn bất tử?

23 Như vậy, rõ ràng Do Thái Giáo, các đạo tự xưng theo đấng Christ, và Hồi Giáo tất cả đều dạy học thuyết linh hồn bất tử.

[Chú thích]

^ đ. 14 Học thuyết Plato Cải Cách phỏng theo triết lý Plato do Plotinus đề ra vào thế kỷ thứ ba ở La Mã.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 14]

Cuộc chinh phục của A Lịch Sơn Đại Đế đã đưa đến việc pha trộn văn hóa Hy Lạp và Do Thái

[Hình nơi trang 15]

Origen, phía trên, và Augustine cố gắng hòa đồng triết học Plato với đạo đấng Christ

[Hình nơi trang 16]

Avicenna, phía trên, tuyên bố linh hồn con người là bất tử. Averroës chống lại quan điểm đó