Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ý tưởng linh hồn bất tử xâm nhập tôn giáo Đông Phương

Ý tưởng linh hồn bất tử xâm nhập tôn giáo Đông Phương

Ý tưởng linh hồn bất tử xâm nhập tôn giáo Đông Phương

“Tôi luôn luôn nghĩ rằng linh hồn bất tử là một sự thật phổ quát mà mọi người chấp nhận. Do đó, tôi thật ngạc nhiên khi biết một số người uyên bác cả Đông lẫn Tây tranh luận gay go về sự tin tưởng này. Bây giờ tôi tự hỏi làm thế nào ý tưởng về bất tử đã du nhập vào ý thức Ấn Độ Giáo”.—MỘT SINH VIÊN ĐẠI HỌC LỚN LÊN TRONG ẤN ĐỘ GIÁO.

1. Tại sao chúng ta muốn hiểu biết về việc phát triển và lan rộng của thuyết con người bất diệt trong các tôn giáo khác nhau?

Ý TƯỞNG con người có một linh hồn bất tử đã xâm nhập vào Ấn Độ Giáo và các tôn giáo Đông Phương như thế nào? Đây là câu hỏi mà ngay cả những người Tây Phương cũng muốn biết dù không mấy quen thuộc với các tôn giáo này, vì sự tin tưởng ấy ảnh hưởng đến quan điểm của mọi người về tương lai. Sự dạy dỗ linh hồn bất tử là một nét chung trong hầu hết các tôn giáo ngày nay, nên việc biết ý niệm này đã phát triển như thế nào có thể đem lại sự thông cảm và giao tiếp tốt hơn.

2. Tại sao Ấn Độ là nguồn gốc đáng chú ý xuất phát ảnh hưởng về tôn giáo ở Á Châu?

2 Ông Ninian Smart, giáo sư ngành nghiên cứu tôn giáo thuộc Đại Học Lancaster, Anh Quốc nhận xét: “Trung tâm có ảnh hưởng quan trọng nhất về tôn giáo ở Á Châu là Ấn Độ. Không phải chỉ vì nước này sản xuất ra một số đạo—Ấn Độ Giáo, Phật Giáo, giáo phái Jain, đạo Sikh v.v..., nhưng vì một trong những đạo này là đạo Phật có ảnh hưởng sâu đậm đến nền văn hóa của hầu như toàn vùng Á Đông”. Theo học giả Ấn Độ Giáo, ông Nikhilananda, thì rất nhiều nền văn hóa này “vẫn coi Ấn Độ như quê hương về thiêng liêng vậy”. Vậy sự dạy dỗ về linh hồn bất tử đã xâm nhập vào Ấn Độ và các vùng khác ở Á Châu như thế nào?

Thuyết luân hồi của Ấn Độ Giáo

3. Theo một sử gia, ai có thể đã đưa ý niệm linh hồn tái sinh đến Ấn Độ?

3 Vào thế kỷ thứ sáu TCN, trong khi Pythagoras cùng đệ tử của ông ở Hy Lạp đang cổ võ thuyết linh hồn tái sinh thì các nhà hiền triết Ấn Độ Giáo sống dọc theo bờ sông Ấn Hà và sông Hằng Hà ở Ấn Độ đang khai triển cùng một ý niệm. Theo sử gia Arnold Toynbee thì sự xuất hiện đồng thời của sự tin tưởng này “trong thế giới Hy Lạp và tại Ấn Độ khó có thể là tình cờ”. Ông còn nêu rõ là “một nguồn gốc chung [về ảnh hưởng] có thể là đám dân du cư lai Âu Á đã đặt chân đến Ấn Độ, Tây-Nam Á Châu, vùng thảo nguyên dọc theo bờ biển phía bắc của Biển Đen, bán đảo Balkan và Tiểu Á vào thế kỷ thứ 8 và thứ 7 TCN”. Rõ ràng các bộ lạc du cư lai Âu Á đã mang theo ý tưởng tái sinh đến Ấn Độ.

4. Tại sao ý niệm linh hồn tái sinh hấp dẫn đối với các nhà hiền triết Ấn Độ Giáo?

4 Ấn Độ Giáo đã bắt đầu ở Ấn Độ sớm hơn nhiều, khoảng năm 1500 TCN, khi dân A-ri-an tràn đến. Ngay từ lúc sơ khai, Ấn Độ Giáo đã dạy rằng linh hồn khác biệt với thể xác và linh hồn tồn tại sau khi chết. Vì thế, tín đồ Ấn Độ Giáo thực hành thờ cúng tổ tiên và dâng thức ăn cho linh hồn người chết. Nhiều thế kỷ sau đó, khi ý tưởng linh hồn tái sinh lan tới Ấn Độ thì ý tưởng này hẳn là hấp dẫn đối với các nhà hiền triết Ấn Độ Giáo đang vật lộn với câu hỏi vốn phổ quát về gian ác và đau khổ của nhân loại. Phối hợp ý tưởng tái sinh này với Luật Nghiệp Báo, luật nhân quả, các nhà hiền triết Ấn Độ Giáo sáng chế ra lý thuyết đầu thai, theo đó, các nhân đức và thất đức trong đời sống một người khiến người được thưởng hay bị phạt trong kiếp sau.

5. Theo Ấn Độ Giáo, mục tiêu tối hậu của linh hồn là gì?

5 Nhưng có một ý niệm khác ảnh hưởng đến sự dạy dỗ của Ấn Độ Giáo về linh hồn. Sách Encyclopædia of Religion and Ethics (Bách khoa tự điển về tôn giáo và đạo đức) nói: “Sự thật hình như là ngay khi thuyết tái sinh và nhân quả thành hình, thậm chí trước đó nữa, một ý niệm khác... đã manh nha trong một nhóm nhỏ người trí thức ở phía Bắc Ấn Độ—ý niệm triết học về Brahman-Ātman [Brahman tối cao và vĩnh cửu, hiện thực tối hậu]”. Người ta phối hợp ý tưởng này với thuyết đầu thai để định nghĩa mục tiêu tối hậu của Ấn Độ Giáo—giải thoát khỏi vòng sinh tử để hòa nhập với hiện thực tối hậu. Ấn Độ Giáo tin rằng điều này có thể đạt được bằng cách phấn đấu để sống phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của xã hội và có sự hiểu biết đặc biệt về Ấn Độ Giáo.

6, 7. Sự tin tưởng hiện nay của Ấn Độ Giáo về Kiếp Sau là gì?

6 Bởi thế, những nhà hiền triết Ấn Độ Giáo uốn nắn ý tưởng linh hồn tái sinh và lồng trong học thuyết đầu thai bằng cách phối hợp ý tưởng ấy với luật nhân quả và ý niệm của Hiện Thực Tối Hậu. Ông Octavio Paz, nhà thơ được giải thưởng Nobel và cũng là cựu đại sứ Mexico tại Ấn Độ, viết: “Khi Ấn Độ Giáo lan rộng thì ý tưởng về luân hồi, tức là linh hồn tái sinh qua các kiếp, cũng lan rộng... và trở thành trọng điểm của đạo Bà-la-môn, Phật và các tín ngưỡng khác ở Á Châu”.

7 Thuyết luân hồi vẫn còn là giáo lý rường cột của Ấn Độ Giáo hiện nay. Triết gia Ấn Giáo Nikhilananda nói: “Đạt được sự bất tử không phải là đặc quyền của một số nhỏ ưu đãi mà là quyền mọi người đều có từ lúc sinh ra. Đây là niềm tin quyết của mọi tín đồ Ấn Độ Giáo sùng đạo”.

Vòng tái sinh trong Phật Giáo

8-10. a) Phật Giáo định nghĩa kiếp như thế nào? b) Một học giả Phật Giáo giải thích như thế nào về sự tái sinh?

8 Phật Giáo được thành lập ở Ấn Độ khoảng năm 500 TCN. Theo truyền thống Phật Giáo, một hoàng tử Ấn Độ tên là Sĩ-đạt-ta Cồ-đàm, sau này là Phật, sau khi nhận được giác ngộ, đã lập ra Phật Giáo. Vì bắt nguồn từ Ấn Độ Giáo nên giáo lý Phật Giáo nói chung cũng tương tự như Ấn Độ Giáo. Theo Phật Giáo, kiếp sống là một vòng sinh tử liên tục, và cũng như trong Ấn Độ Giáo, thân phận của mỗi người trong cuộc đời hiện tại đều do việc làm trong kiếp trước của họ định đoạt.

9 Nhưng Phật Giáo không giải nghĩa đặc tính của linh hồn tồn tại sau khi chết. Ông Arnold Toynbee nhận xét: “[Phật] chỉ thấy nơi tâm thần con người một loạt chuyển tiếp những tình trạng tâm lý bỏ dở do dục vọng buộc lại với nhau”. Tuy nhiên, Phật tin rằng một cái gì đó—một tình trạng tâm lý hay một lực nào đó—được chuyển qua từ một kiếp này đến một kiếp khác. Tiến sĩ Walpola Rahula, một học giả Phật Giáo, giải thích:

10 “Một cá thể chẳng qua là một sự tổng hợp các lực và năng lượng thể lý và tinh thần. Cái gọi là sự chết là sự ngưng hẳn mọi hoạt động của thể xác. Các lực và năng lượng này có ngưng theo sự ngừng hoạt động của thể xác không? Phật Giáo nói ‘Không’. Ý chí, lý trí, dục vọng, khao khát vẫn tồn tại, vẫn tiếp tục, vẫn càng nhiều hơn; đây là một lực phi thường có thể di chuyển toàn thể đời sống, toàn thể kiếp sống thậm chí cả thế giới nữa. Đây là lực mạnh nhất, năng lực lớn nhất vũ trụ. Theo Phật Giáo, lực này vẫn tác động khi cơ thể ngưng hoạt động, hay là chết; nó vẫn tiếp tục biểu lộ dưới dạng khác, tạo ra sự tái kiếp được gọi là tái sinh”.

11. Quan điểm của Phật Giáo về Kiếp Sau là gì?

11 Quan điểm của Phật Giáo về Kiếp Sau như thế này: Kiếp sống là vĩnh cửu trừ khi người nào đạt được mục tiêu sau cùng là Niết Bàn, sự giải thoát khỏi vòng tái sinh. Niết Bàn không phải là cõi phúc vĩnh cửu cũng không phải là hòa nhập với hiện thực tối hậu. Nó chỉ là tình trạng hư vô—“nơi không có sự chết” vượt lên trên sự hiện hữu cá nhân. Cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học định nghĩa “Niết Bàn” là “thế giới tưởng tượng, nơi con người thoát khỏi vòng luân hồi và mọi sự đau khổ”. Thay vì tìm kiếm sự bất tử, Phật Giáo khuyến khích vượt lên trên sự bất tử bằng cách đạt đến Niết Bàn.

12-14. Những hình thức khác nhau của Phật Giáo truyền đạt ý tưởng bất tử như thế nào?

12 Khi lan rộng ra nhiều nơi khác nhau ở Á Châu, Phật Giáo thay đổi sự dạy dỗ cho thích ứng với những tin tưởng ở địa phương. Chẳng hạn, Phật Giáo Đại Thừa, một hình thức Phật Giáo chiếm đa số ở Trung Hoa và Nhật Bản, tin vào Bồ Tát hay là những Phật tương lai. Bồ Tát tạm gác việc vào Niết Bàn để nghiệm được muôn vàn sự tái sinh hầu phục vụ người khác và giúp họ đạt đến Niết Bàn. Do đó, một người có thể chọn lựa tiếp tục đầu thai ngay cả sau khi đạt tới Niết Bàn rồi.

13 Một sự điều chỉnh khác đặc biệt có ảnh hưởng bên Trung Quốc và Nhật Bản là học thuyết Miền Cực Lạc về phía Tây do Phật A Di Đà lập ra. Những ai kêu cầu danh của Phật với đức tin sẽ được tái sinh trong Miền Cực Lạc hay là địa đàng, nơi có điều kiện thuận lợi hơn để đạt đến sự giác ngộ cuối cùng. Sự dạy dỗ này làm phát sinh ra điều gì? Giáo sư Smart, được nói đến ở trên, giải thích: “Như có thể đoán trước, sự đẹp đẽ sáng ngời của cõi cực lạc, được diễn tả sống động trong một số kinh điển của Phái Đại Thừa, đã thay thế niết bàn vốn là mục tiêu tối hậu trong tâm trí của nhiều người”.

14 Phật Giáo Tây Tạng lồng thêm những sự tin tưởng địa phương khác. Chẳng hạn, sách Tây Tạng về người chết diễn tả số phận của một người trong trạng thái lơ lửng trước khi được tái sinh. Người chết sẽ phải phơi ra dưới ánh sáng chói lọi của hiện thực tối hậu, và những ai không thể chịu đựng được ánh sáng ấy sẽ không đạt được sự giải thoát và phải tái sinh. Vậy rõ ràng là Phật Giáo dưới nhiều hình thức khác nhau đã truyền đạt ý tưởng bất tử.

Thờ cúng tổ tiên trong Thần Đạo Nhật Bản

15-17. a) Thờ cúng thần linh tổ tiên trong Thần Đạo phát triển như thế nào? b) Sự tin tưởng vào linh hồn bất tử là nền tảng của Thần Đạo như thế nào?

15 Nhật Bản cũng có tôn giáo trước khi Phật Giáo du nhập vào thế kỷ thứ sáu CN. Đó là một tôn giáo không có tên, và gồm những sự tin tưởng liên quan đến luân lý và phong tục của người dân. Tuy nhiên, trước sự xâm nhập của Phật Giáo, người ta thấy cần phân biệt tôn giáo của Nhật Bản và tôn giáo ngoại bang. Vì vậy, họ mới đặt tên là “Thần Đạo” nghĩa là “đường của các vị thần”.

16 Thần Đạo nguyên thủy tin như thế nào về Kiếp Sau? Sách Kodansha Encyclopedia of Japan giải thích: “Công việc cấy lúa ở vùng đất sình lầy đòi phải có các cộng đồng ổn định và được tổ chức hẳn hoi. Người ta đã phát triển các nghi lễ mùa màng và những nghi thức này đóng một vai trò khá quan trọng trong Thần Đạo sau này”. Sự sợ hãi linh hồn người chết đã khiến những người cổ xưa này nghĩ ra những nghi lễ làm vừa lòng người chết. Điều này đưa đến sự thờ cúng thần linh tổ tiên.

17 Theo tín điều Thần Đạo, linh hồn “người chết” vẫn còn cá tính nhưng bị cái chết gây nên vết nhơ. Nếu gia đình cúng vái thì linh hồn được tinh sạch tới độ hết dữ và thành hiền từ và nhân đạo. Với thời gian, vong linh tổ tiên sẽ thăng thành thần tổ tiên hay thần phù hộ gia cang. Vì có cùng thời với Phật Giáo, Thần Đạo tiếp nhận một số dạy dỗ của Phật Giáo, gồm cả học thuyết về cõi cực lạc. Do đó, chúng ta thấy tin tưởng vào sự bất tử là niềm tin chính yếu trong Thần Đạo.

Bất tử trong Lão Giáo, thờ cúng tổ tiên trong Khổng Giáo

18. Lão Giáo nghĩ gì về sự bất tử?

18 Đạo Lão do Lão Tử sáng lập. Hình như ông sống ở Trung Hoa vào thế kỷ thứ sáu TCN. Theo Lão Giáo, mục đích của đời sống là hài hòa hoạt động của con người với Đạo—con đường của thiên nhiên. Lối suy nghĩ của Lão Giáo về sự bất tử có thể tóm lược như sau: Đạo là nguyên tắc điều hòa vũ trụ. Đạo không có khởi đầu cũng chẳng có cuối cùng. Sống hòa hợp với Đạo, một người sẽ dự phần vào đó và thành vĩnh cửu.

19-21. Các giai thoại của Lão Giáo dẫn tới nỗ lực nào?

19 Trong cố gắng hội nhập vào thiên nhiên, Lão Giáo cuối cùng đặc biệt chú ý đến sự trường cửu và khả năng phục hồi của thiên nhiên. Họ suy diễn rằng sống phù hợp với Đạo, hay là thiên nhiên, người ta có thể khám phá ra bí mật của thiên nhiên và được miễn khỏi đau đớn, tật bệnh, và khỏi cả cái chết nữa.

20 Lão Giáo khởi nghiệm thiền, tập thở, kiêng ăn để kháng lão cho lâu chết. Chẳng bao lâu, huyền thoại bắt đầu truyền tụng về những đằng vân bay trên mây, ẩn hiện tùy ý, sống trường sinh trên núi thiêng hay nơi các hòn đảo xa xôi, uống sương hay ăn quả đào tiên. Lịch sử Trung Hoa cho biết vào năm 219 TCN, Tần Thủy Hoàng phái một đoàn thuyền với 3.000 trai và gái đến sơn đảo Bồng Lai, nơi tiên ở, để tìm cây thuốc trường sinh. Dĩ nhiên, họ trở về tay không.

21 Cuộc tìm kiếm trường sinh bất tử đưa những người theo đạo Lão đến việc chế ra thuốc trường sinh bằng thuật chế kim. Lão Giáo nói sự sống là sự kết hợp âm dương nên các nhà giả kim, bắt chước theo quá trình của thiên nhiên, nghĩ pha chì (màu tối tức âm) với thủy ngân (màu sáng tức dương) có thể thành thuốc trường sinh.

22. Ảnh hưởng của Phật Giáo đã đưa lại kết quả gì trên đời sống tôn giáo người Trung Hoa?

22 Vào thế kỷ thứ bảy CN, Phật Giáo xâm nhập vào đời sống tôn giáo của người Trung Hoa. Kết quả là có sự pha trộn giữa các dạy dỗ của Phật Giáo, cầu vong và thờ cúng tổ tiên. Giáo sư Smart nói: “Cả Phật Giáo lẫn Lão Giáo giúp thành hình rõ rệt hơn sự tin tưởng sự sống sau khi chết từng chỉ sơ sài trong tục thờ cúng tổ tiên của người Trung Hoa thời xưa”.

23. Lập trường của Khổng Tử về việc thờ cúng tổ tiên là gì?

23 Khổng Tử là nhà đại hiền triết khác của Trung Hoa vào thế kỷ thứ sáu TCN. Triết lý của ông là nền tảng cho Khổng Giáo. Khổng Tử không nói nhiều đến Đời Sau; thay vì thế ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đạo đức và hạnh kiểm mà xã hội chấp nhận. Dù sao ông tán thành thờ cúng tổ tiên và đặt nặng việc cử hành nghi lễ liên quan đến thần linh của tổ tiên quá cố.

Những tôn giáo Đông Phương khác

24. Giáo phái Jain dạy gì về linh hồn?

24 Giáo phái Jain được thành lập ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ sáu TCN. Người sáng lập là ông Mahāvīra. Ông dạy rằng mọi vật sống đều có linh hồn trường cửu và linh hồn chỉ được cứu khỏi sự kìm kẹp của Nghiệp Báo bằng lối sống cực kỳ khắc khổ và kỷ luật tự giác và triệt để bất bạo động đối với mọi sinh vật. Đến nay giáo phái Jain vẫn còn tin như vậy.

25, 26. Những sự tin tưởng nào của Ấn Độ Giáo được tìm thấy trong đạo Sikh?

25 Ấn Độ cũng là nơi sản xuất ra đạo Sikh, một tôn giáo có khoảng 19 triệu tín đồ. Tôn giáo này bắt đầu vào thế kỷ 16 khi thầy đạo Nānak quyết định lấy những gì hay nhất của Ấn Độ Giáo và của Hồi Giáo rồi gộp lại thành một tôn giáo hợp nhất. Đạo Sikh tiếp nhận tin tưởng linh hồn bất tử, đầu thai và Nghiệp Báo của Ấn Độ Giáo.

26 Rõ ràng tin tưởng đời sống tiếp tục sau khi chết là một phần chính yếu trong hầu hết các tôn giáo Đông Phương. Vậy còn các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ, Do Thái Giáo và Hồi Giáo thì sao?

[Câu hỏi thảo luận]

[Bản đồ nơi trang 10]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

TRUNG Á

KASHMIR

TÂY TẠNG

TRUNG HOA

ĐẠI HÀN

NHẬT BẢN

Banaras

ẤN ĐỘ

Buddh Gaya

MYANMAR

THÁI LAN

SRI LANKA

CAMBODIA

JAVA

THẾ KỶ THỨ 3 TCN

THẾ KỶ THỨ 1 TCN

THẾ KỶ THỨ 1 CN

THẾ KỶ THỨ 4 CN

THẾ KỶ THỨ 6 CN

THẾ KỶ THỨ 7 CN

Phật Giáo đã ảnh hưởng toàn vùng Á Đông

[Hình nơi trang 9]

Thuyết đầu thai là rường cột của Ấn Độ Giáo

[Hình nơi trang 11]

Một tín đồ Lão Giáo cố trở thành trường sinh bằng cách sống phù hợp với thiên nhiên

[Hình nơi trang 12]

Khổng Tử tán thành việc thờ cúng tổ tiên