Có đời sống sau khi chết không?
Có đời sống sau khi chết không?
“Vì cây-cối dẫu bị đốn còn trông-cậy, sẽ còn mọc lên nữa... Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?”—MÔI-SE, MỘT NHÀ TIÊN TRI THUỞ XƯA.
1-3. Khi có người thân yêu chết, nhiều người tìm sự an ủi như thế nào?
TẠI một nhà quàn ở thành phố Nữu Ước, bạn bè và quyến thuộc lặng lẽ xếp hàng đi qua chiếc quan tài mở nắp. Họ nhìn chăm chú vào thi thể của một cậu trai trẻ 17 tuổi. Bạn học của cậu không sao nhận ra được cậu. Hóa liệu pháp đã làm tóc cậu rụng; ung thư làm cậu gầy mòn. Có thể nào đây thật là bạn của họ sao? Mới vài tháng trước, cậu có đầy ý tưởng, thắc mắc, đầy sinh lực—đầy nhựa sống! Bà mẹ đau khổ của cậu cố tìm hy vọng và an ủi nơi ý tưởng con bà vẫn còn sống ở một nơi nào đó. Bà vừa khóc vừa nhắc đi nhắc lại những gì bà được dạy: “Bây giờ Tommy sung sướng hơn. Đức Chúa Trời muốn Tommy lên thiên đàng với Ngài”.
2 Cách nơi đó khoảng 11.000 ki-lô-mét, ở Jamnagar, Ấn Độ, ba người con trai của một thương gia 58 tuổi khiêng thi thể cha đặt trên giàn thiêu. Dưới ánh nắng buổi sáng chói lọi, người con trai cả bắt đầu nghi lễ hỏa táng bằng cách dùng ngọn đuốc châm lửa vào đống củi, và đổ nước hoa và hương thơm trên tử thi của cha. Tiếng nổ lách tách của than lửa bị lấn át bởi tiếng sư sãi tụng kinh bằng tiếng Phạn lặp đi lặp lại những lời mang ý nghĩa: “Nguyện cho linh hồn không bao giờ chết tiếp tục cố gắng trở nên một với thực thể tối hậu”.
3 Trong khi ba anh em quan sát hỏa táng, mỗi người âm thầm tự hỏi: ‘Tôi có tin có đời sống sau khi chết không?’ Vì được theo học tại các phần đất khác nhau trên thế giới, họ có câu trả lời khác nhau. Người em út tin mãnh liệt là người cha yêu dấu của họ sẽ đầu thai vào một đời sống có danh giá hơn. Người em giữa tin là người chết như người đang ngủ chẳng còn biết gì hết. Người anh cả giản dị cố gắng chấp nhận thực tế của cái chết, nghĩ rằng chẳng ai biết chắc về điều gì xảy ra khi mình chết.
Một câu hỏi, nhiều câu trả lời
4. Câu hỏi nào đã làm cho con người bối rối trải qua nhiều thời đại?
4 Có đời sống sau khi chết không? Đây là một câu hỏi gây bối rối cho người ta trong nhiều ngàn năm nay. Một học giả Công Giáo, ông Hans Küng nói: “Ngay cả các nhà thần học cũng bối rối khi gặp phải câu hỏi này”. Qua nhiều thời đại, ở xã hội nào thì người ta cũng suy ngẫm về đề tài này, và đưa ra đủ thứ câu trả lời.
5-8. Các tôn giáo khác nhau dạy gì về sự sống sau khi chết?
5 Nhiều người theo đạo đấng Christ trên danh nghĩa tin có thiên đàng và hỏa ngục. Mặt khác, Ấn Độ Giáo tin vào luân hồi. Bình luận về quan điểm của Hồi Giáo, ông Amir Muawiyah, một phụ tá tại trung tâm Hồi Giáo, nói: “Chúng tôi tin là sẽ có một ngày phán xét sau khi chết, khi bạn phải đứng trước Thượng Đế là đức Allah, giống như bước ra
tòa án vậy”. Theo sự tin tưởng của đạo Hồi thì đức Allah sẽ đánh giá đời sống của mỗi người và rồi định đoạt người ấy lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục.6 Ở Sri Lanka, cả Phật Giáo lẫn Công Giáo đều để cửa ra vào và cửa sổ mở toang khi trong nhà có người chết. Người ta thắp lên một cái đèn dầu và để quan tài theo hướng chân của người chết quay ra phía cửa trước. Họ tin rằng làm như vậy sẽ dễ cho thần linh hay linh hồn của người quá cố ra khỏi nhà.
7 Ông Ronald M. Berndt thuộc Đại Học Western Australia cho biết thổ dân tại Úc tin là “không thể hủy diệt con người về thiêng liêng được”. Một số bộ lạc Phi Châu tin là sau khi chết thì dân thường sẽ thành ma, còn người sang trọng sẽ thành thần linh tổ tiên được tôn trọng như những người lãnh đạo vô hình của cộng đồng có quyền nghe lời cầu xin.
8 Tại một số vùng đất khác, sự tin tưởng liên quan đến cái được gọi là linh hồn người chết là một sự tin tưởng pha trộn giữa truyền thống địa phương và đạo đấng Christ trên danh nghĩa. Chẳng hạn, nhiều người Công Giáo và người Tin Lành ở Tây Phi có tục lệ che phủ gương soi khi có người chết để không ai có thể nhìn vào gương và thấy được thần linh của người chết. Rồi 40 ngày sau khi người thân yêu chết, gia đình và bạn bè cử hành lễ linh hồn lên thiên đàng.
Một đề tài phổ quát
9, 10. Đại đa số các tôn giáo đều đồng ý niềm tin căn bản nào?
9 Về câu hỏi điều gì xảy ra khi chúng ta chết, người ta có những câu trả lời khác nhau tùy theo tập tục và sự tin tưởng khác nhau của họ. Tuy nhiên, đa số các tôn giáo đều đồng ý về một ý tưởng căn bản: Một cái gì đó nằm bên trong một người—một linh hồn, một thần linh, một hồn ma—bất tử và tiếp tục sống sau khi chết.
10 Sự tin tưởng linh hồn bất tử rất phổ quát trong hàng ngàn các tôn giáo và giáo phái tự xưng theo đấng Christ. Đó cũng là giáo lý chính thức của đạo Do Thái nữa. Trong Ấn Độ Giáo, sự tin tưởng này là nền tảng của thuyết luân hồi. Hồi Giáo tin rằng linh hồn hiện hữu cùng lúc với thân xác nhưng tiếp tục sống sau khi thân xác chết. Những đạo khác—đạo theo thuyết vạn vật hữu sinh ở Phi Châu, Thần Đạo, ngay cả Phật Giáo nữa—dạy về cùng đề tài này dưới những hình thức khác nhau.
11. Một vài học giả xem ý tưởng linh hồn bất tử như thế nào?
11 Một số người lại có quan điểm ngược lại cho rằng chết là hết. Đối với họ, ý tưởng cho rằng sự sống có lý trí và tình cảm tiếp tục trong một linh hồn vô nhân cách, mờ ảo tách biệt khỏi thân xác xem ra nằm ngoài khả năng lý luận. Nhà văn và học giả Tây Ban Nha vào thế kỷ 20, ông Miguel de Unamuno viết: “Tin tưởng vào linh hồn bất tử là ước ao rằng linh hồn không bao giờ chết nhưng mong ước mạnh mẽ như vậy là bỏ qua lý trí và thành cuồng tín”. Trong số những người không tin linh hồn con người bất tử, có Aristotle và Epicurus, hai triết gia nổi tiếng vào thời xưa, thầy thuốc Hippocrates, triết gia David Hume, người Scotland, học giả Averroës, người Ả-rập, và ông Jawaharlal Nehru, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ sau khi nước này giành được độc lập.
12, 13. Những câu hỏi quan trọng nào được nêu lên về sự dạy dỗ linh hồn bất tử?
12 Câu hỏi là: Chúng ta có thật sự có một linh hồn bất tử không? Nếu linh hồn quả thật không bất tử, vậy làm sao một sự dạy dỗ sai lầm như thế lại là một phần không thể thiếu trong đại đa số các tôn giáo ngày nay? Ý tưởng đó bắt nguồn từ đâu? Và nếu linh hồn thực sự chấm dứt lúc chết thì có hy vọng gì cho người chết?
13 Chúng ta có thể nào tìm được câu trả lời đúng và thỏa mãn cho các câu hỏi đó không? Có! Những câu hỏi này và những câu hỏi khác sẽ được trả lời trong các trang sau đây. Trước hết chúng ta hãy cùng xem xét học thuyết linh hồn bất tử bắt nguồn như thế nào.
[Câu hỏi thảo luận]