Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Linh hồn bất tử—Nguồn gốc phát sinh học thuyết

Linh hồn bất tử—Nguồn gốc phát sinh học thuyết

Linh hồn bất tử—Nguồn gốc phát sinh học thuyết

“Về đời sống tâm linh, không một đề tài nào chiếm hết đầu óc của người ta như đề tài tình trạng của con người sau khi chết”.—“ENCYCLOPÆDIA OF RELIGION AND ETHICS”.

1-3. Socrates và Plato đã phát huy ý tưởng linh hồn bất tử như thế nào?

MỘT học giả và cũng là thầy giáo 70 tuổi bị buộc tội bất kính và dạy những điều làm bại hoại đầu óc non nớt. Trước phiên tòa, dẫu biện hộ tài ba, ông vẫn bị một bồi thẩm đoàn thiên vị xử có tội và tuyên án tử hình. Vài giờ trước khi bị hành quyết, người thầy giáo già nua còn trình bày cho các đồ đệ vây quanh một loạt luận cứ khẳng định là linh hồn bất tử, và cái chết chẳng có gì đáng sợ hãi cả.

2 Người bị kết án không ai khác hơn là Socrates, triết gia Hy Lạp nổi tiếng vào thế kỷ thứ năm TCN. * Đồ đệ của ông là Plato ghi lại những biến cố này trong những thiên khảo luận Apology Phaedo. Socrates và Plato được coi là nằm trong số những người đầu tiên phát huy ý tưởng linh hồn bất tử. Nhưng họ không phải là những người khởi xướng học thuyết này.

3 Như chúng ta sẽ thấy, ý tưởng con người bất diệt phát xuất từ nguồn gốc xa xưa hơn nhiều. Tuy nhiên, Socrates và Plato đã đánh bóng ý niệm và biến nó thành một triết thuyết và do đó làm cho nó hấp dẫn hơn đối với giai cấp trí thức vào thời của họ và đến mãi sau này.

Từ Pythagoras đến các Kim Tự Tháp

4. Trước Socrates, quan điểm của Hy Lạp về đời sống sau khi chết là gì?

4 Nhiều người Hy Lạp sống trước Socrates và Plato cũng đã tin là linh hồn tiếp tục sống sau khi chết. Pythagoras, nhà toán học Hy Lạp nổi tiếng vào thế kỷ thứ sáu TCN, cho rằng linh hồn là bất tử và phải chịu luân hồi. Trước Pythagoras, có Thales người thành Mi-lê mà người ta cho là triết gia Hy Lạp nổi tiếng trước nhất. Theo ông Thales, một linh hồn bất tử hiện hữu không những trong con người, thú vật, cây cối mà còn trong cả những vật như thỏi nam châm nữa, vì chúng có thể làm sắt di chuyển. Người Hy Lạp thời xưa cho rằng linh hồn người chết được thuyền đưa qua sông Styx để đến một lãnh vực bao la dưới lòng đất gọi là cõi âm ty. Nơi đó, các quan án sẽ tuyên án linh hồn hoặc bị hành hạ nơi nhà tù có tường cao hoặc được hạnh phúc nơi được gọi là Elysium.

5, 6. Người Ba Tư coi linh hồn như thế nào?

5 Ở I-ran, hay là Ba Tư, về phía đông, có một tiên tri tên là Zoroaster sống vào thế kỷ thứ bảy TCN. Ông đưa ra một cách thờ phượng sau này được gọi là Bái Hỏa Giáo. Đây là tôn giáo của Đế Quốc Ba Tư, một cường quốc bá chủ thế giới trước khi Hy Lạp trở thành cường quốc. Kinh sách của đạo thờ lửa nói: “Trong sự Bất Tử, linh hồn của Người Công Bình sẽ mãi mãi Vui Vẻ, còn linh hồn của Kẻ Nói Dối chắc chắn sẽ bị hành hạ. Đây là những Luật do Ahura Mazda [có nghĩa là “thần khôn ngoan”] ban hành qua uy quyền tối thượng của Ngài”.

6 Học thuyết về linh hồn bất tử cũng là một phần của tôn giáo có trước đạo thờ lửa ở I-ran. Chẳng hạn, những bộ lạc cổ xưa ở I-ran chăm sóc linh hồn người quá cố bằng cách dâng cúng thức ăn và quần áo để họ dùng nơi âm phủ.

7, 8. Người Ai Cập cổ xưa tin gì về việc linh hồn tiếp tục sống sau khi thân xác chết?

7 Tin có đời sống sau khi chết là niềm tin chính yếu của tôn giáo nước Ai Cập. Người Ai Cập cho rằng linh hồn người chết sẽ được thần Osiris, thần thủ lĩnh âm phủ, xét xử. Chẳng hạn, một tài liệu bằng giấy chỉ thảo mà người ta cho là viết vào thế kỷ 14 TCN diễn tả Anubis, thần của người chết, dẫn linh hồn của người ký lục Hunefer đến trước ngai của Osiris. Trái tim của viên ký lục, tượng trưng cho lương tâm của ông, được để lên trên một đĩa cân, còn đĩa cân bên kia là cái lông chim mà nữ thần chân lý và công lý mang trên đầu. Một thần khác là Thoth ghi kết quả. Vì trái tim của Hunefer không trĩu nặng vì tội lỗi; nó cân nhẹ hơn cái lông chim, nên Hunefer được phép vào cõi của Osiris và nhận được sự bất tử. Tài liệu bằng giấy chỉ thảo cũng cho thấy một nữ yêu quái đứng gần cái cân, sẵn sàng nuốt chửng người quá cố nếu trái tim của người này nặng hơn cái lông chim. Người Ai Cập cũng ướp xác người chết. Họ đã ướp và bảo tồn xác của các vua Ai Cập trong các kim tự tháp đồ sộ, vì nghĩ rằng sự sống còn của linh hồn tùy thuộc vào việc bảo tồn xác.

8 Như vậy các nền văn minh khác nhau vào thời xưa đã có chung một sự dạy dỗ—linh hồn bất tử. Có phải họ đã nhận sự dạy dỗ này từ cùng một nguồn gốc không?

Điểm bắt nguồn

9. Tôn giáo nào ảnh hưởng đến các nước Ai Cập, Ba Tư, và Hy Lạp vào thời cổ xưa?

9 Sách The Religion of Babylonia and Assyria (Tôn giáo của Ba-by-lôn và A-si-ri) nói: “Trong thế giới cổ xưa, Ai Cập, Ba Tư, và Hy Lạp đều chịu ảnh hưởng của tôn giáo Ba-by-lôn”. Sách này giải thích tiếp: “Căn cứ vào sự tiếp xúc ban đầu giữa Ai Cập và Ba-by-lôn như những tấm bảng El-Amarna tiết lộ, thì đã có vô số cơ hội để quan điểm và tục lệ của Ba-by-lôn du nhập vào tôn giáo của Ai Cập. Ở Ba Tư, giáo phái Mithra mang dấu vết rõ rệt của các sự tin tưởng của Ba-by-lôn... Ngày nay, các học giả đều công nhận là đã có sự pha trộn mạnh mẽ các dạy dỗ của người Xêmít vào các chuyện thần thoại và sự thờ phượng của Hy Lạp thời ban đầu. Điều này quá rõ, không cần thảo luận thêm. Phần lớn các dạy dỗ của người Xêmít mang đặc điểm của Ba-by-lôn”. *

10, 11. Ba-by-lôn có quan điểm nào về sự sống sau khi chết?

10 Nhưng chẳng phải quan điểm của Ba-by-lôn về những gì xảy ra sau khi chết khác khá nhiều với quan điểm của người Ai Cập, Ba Tư và Hy Lạp hay sao? Chẳng hạn, hãy xem xét Thiên hùng ca về Gilgamesh của dân Ba-by-lôn. Người anh hùng già nua Gilgamesh bị thực tại của cái chết ám ảnh. Ông khởi đi tìm kiếm sự bất tử nhưng không tìm được. Trong cuộc hành trình ông gặp một thiếu nữ bán rượu; nàng khuyến khích ông tận dụng đời sống hiện tại, vì ông sẽ chẳng tìm được đời sống vô tận mà ông kiếm đâu. Toàn thể thiên hùng ca muốn nói là cái chết không thể tránh được và hy vọng bất tử chỉ là ảo ảnh mà thôi. Phải chăng điều này chứng tỏ Ba-by-lôn không tin vào sự sống sau khi chết?

11 Giáo sư Morris Jastrow Jr., thuộc Đại Học Pennsylvania, Hoa Kỳ, viết: “Cả dân chúng lẫn người dạy dỗ tư tưởng tôn giáo [của Ba-by-lôn] không bao giờ nghĩ là sự sống một khi đã hiện hữu rồi lại có thể bị hủy diệt hoàn toàn. Cái chết [theo quan điểm của họ] là một sự chuyển qua một loại sống khác, và việc phủ nhận sự bất tử chỉ có nghĩa là người ta không thể tránh khỏi sự thay đổi về kiếp sống do cái chết gây ra mà thôi”. Đúng vậy, người Ba-by-lôn cũng tin là sự sống vẫn tiếp tục dưới một hình thức nào đó sau khi chết. Họ biểu lộ điều này qua việc họ chôn đồ đạc với người chết để người này dùng trong đời sau.

12-14. a) Sau trận Nước Lụt, nơi nào phát sinh ra sự dạy dỗ về linh hồn bất tử? b) Học thuyết này lan tràn ra khắp đất như thế nào?

12 Vậy rõ ràng học thuyết về linh hồn bất tử bắt nguồn từ Ba-by-lôn xa xưa. Theo Kinh-thánh, một quyển sách được công nhận là lịch sử xác thực, thì thành Ba-bên, hay là Ba-by-lôn, do Nim-rốt, chắt của Nô-ê, sáng lập. * Sau trận Nước Lụt toàn cầu vào thời Nô-ê, chỉ có một thứ tiếng và một tôn giáo. Khi sáng lập thành phố và xây cất một cái tháp tại đây, Nim-rốt khởi xướng một tôn giáo khác. Lời tường thuật của Kinh-thánh cho thấy, sau khi tiếng nói trở thành lộn xộn ở Ba-bên, những người xây cất thành còn dở dang này tản mát ra khắp nơi, mang theo tôn giáo của họ (Sáng-thế Ký 10:6-10; 11:4-9). Do đó, sự dạy dỗ về tôn giáo của Ba-by-lôn lan tràn ra khắp mặt đất.

13 Theo truyền thuyết, Nim-rốt chết một cách đau đớn. Sau khi ông chết thì người Ba-by-lôn hẳn có chiều hướng tôn sùng ông với tư cách là người sáng lập, xây dựng, và là vua đầu tiên của thành của họ. Bởi vì thần Marduk (Mê-rô-đác) được coi như thần sáng lập Ba-by-lôn, nên một số học giả nghĩ rằng Marduk tượng trưng cho Nim-rốt được thần thánh hóa. Nếu điều này đúng thì ý tưởng, theo đó, người ta có một linh hồn tồn tại sau khi chết, phải đã phổ thông ít nhất vào thời điểm Nim-rốt chết. Dầu trong trường hợp nào, lịch sử tiết lộ là sau trận Nước Lụt, Ba-bên, hay Ba-by-lôn chính là nơi phát sinh sự dạy dỗ linh hồn bất tử.

14 Dù vậy, làm sao học thuyết này lại trở thành chính yếu trong đại đa số tôn giáo thời nay? Phần tới sẽ xem xét sự xâm nhập của nó vào tôn giáo Đông Phương.

[Chú thích]

^ đ. 2 TCN nghĩa là “Trước Công Nguyên”, còn CN là “Công Nguyên”, thường được gọi là A.D., hay Anno Domini nghĩa là “trong năm của Chúa”.

^ đ. 9 El-Amarna là địa điểm của thành phố Akhetaton đổ nát của người Ai Cập. Người ta nói thành này được xây cất vào thế kỷ 14 TCN.

^ đ. 12 Xin xem Kinh-thánh—Lời Đức Chúa Trời hay lời loài người?, trang 37-54, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 6]

Quan điểm của người Ai Cập về linh hồn trong âm phủ

[Hình nơi trang 7]

Socrates tranh luận rằng linh hồn bất tử