Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 4

“Đức Giê-hô-va... có quyền lớn”

“Đức Giê-hô-va... có quyền lớn”

1, 2. Ê-li đã từng chứng kiến những điều lạ lùng nào trong đời, nhưng từ hang đá trên Núi Hô-rép ông nhìn thấy những sự kiện kỳ lạ nào?

Ê-LI đã từng chứng kiến nhiều điều lạ lùng trước đó. Trong giai đoạn trốn chạy, chim quạ mang thức ăn đến cho ông mỗi ngày hai lần. Suốt thời kỳ đói kém kéo dài, ông chứng kiến vò bột và bình dầu cung cấp không hề cạn. Ông còn thấy ngay cả lửa từ trời giáng xuống, đáp ứng lời ông cầu nguyện. (1 Các Vua, chương 17, 18) Song, Ê-li chưa từng chứng kiến bất cứ điều nào như điều sau đây.

2 Khi ngồi thu mình ở gần miệng hang đá trên Núi Hô-rép, ông chứng kiến một loạt sự kiện kỳ lạ. Trước hết là gió. Cơn gió này hẳn đã hú lên, gào thét đinh tai, vì nó mạnh đến độ xẻ núi và phá tan vách đá. Kế đến là một trận động đất, phóng ra các lực vô cùng mạnh đã tích tụ trong lòng đất. Sau đó là lửa. Khi ngọn lửa quét ngang qua vùng ấy, Ê-li chắc đã cảm thấy một luồng hơi nóng như thiêu đốt.—1 Các Vua 19:8-12.

“Nầy Đức Giê-hô-va đi ngang qua”

3. Ê-li đã thấy bằng chứng về đức tính nào của Đức Chúa Trời, và chúng ta có thể thấy bằng chứng về đức tính này ở đâu?

3 Tất cả những sự kiện khác nhau mà Ê-li chứng kiến có chung một điều—chúng biểu dương quyền năng phi thường của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên không cần phải chứng kiến phép lạ chúng ta mới nhận biết rằng Đức Chúa Trời có quyền năng. Đức tính này thật hiển nhiên. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng các vật sáng tạo chứng tỏ “quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài”. (Rô-ma 1:20) Hãy nghĩ đến những tia chớp lóa mắt, tiếng sấm sét ầm ầm vang dội trong cơn mưa bão, nét huy hoàng của thác nước hùng vĩ, vẻ bao la bát ngát của bầu trời đầy sao! Bạn không nhận thấy quyền năng Đức Chúa Trời biểu hiện trong đó sao? Song, ít người trong thế gian ngày nay thật sự công nhận quyền năng Đức Chúa Trời. Số người quan niệm đúng về quyền năng Ngài thậm chí còn ít hơn nữa. Tuy nhiên, sự hiểu biết về  đức tính này của Đức Giê-hô-va cho chúng ta nhiều lý do để đến gần Ngài hơn. Trong phần này, chúng ta khởi đầu học hỏi chi tiết về quyền năng vô song của Đức Giê-hô-va.

Một đức tính thiết yếu của Đức Giê-hô-va

4, 5. (a) Có mối liên quan nào giữa danh Đức Giê-hô-va và sức mạnh, tức quyền năng, của Ngài? (b) Tại sao việc Đức Giê-hô-va chọn con bò đực để biểu trưng cho quyền năng Ngài là thích hợp?

4 Đức Giê-hô-va có quyền năng vô song. Giê-rê-mi 10:6 nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, chẳng ai giống như Ngài! Ngài là lớn, danh Ngài có sức-mạnh lớn lắm”. Hãy lưu ý, sức mạnh, tức quyền năng, gắn liền với danh Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ, danh này có nghĩa “Đấng làm cho thành tựu”. Điều gì làm cho Đức Giê-hô-va có khả năng trở thành bất cứ điều gì Ngài muốn? Thứ nhất là quyền năng. Đúng thế, Đức Giê-hô-va có khả năng vô hạn để hành động, để thực hiện ý định Ngài. Quyền năng là một trong những đức tính thiết yếu của Ngài.

5 Vì chúng ta không thể hiểu quyền năng Ngài mạnh đến mức nào, nên Đức Giê-hô-va dùng minh họa giúp chúng ta. Như chúng ta đã thấy, Ngài dùng con bò đực để biểu trưng cho quyền năng Ngài. (Ê-xê-chi-ên 1:4-10) Chọn minh họa này thật thích hợp, vì ngay cả bò nhà cũng là con vật to lớn và mạnh mẽ. Những người sống ở xứ Pha-lê-tin vào thời Kinh Thánh hiếm khi gặp con vật nào mạnh hơn. Nhưng họ đã biết một loại bò đực đáng sợ hơn—loại bò rừng nay đã tuyệt giống. (Gióp 39:12-15) Hoàng Đế La Mã Julius Caesar có lần nhận xét rằng so với voi, bò này hầu như không nhỏ hơn mấy. Ông viết: “Chúng rất mạnh và chạy rất nhanh”. Hãy tưởng tượng khi đứng cạnh con vật như thế chúng ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé và yếu ớt làm sao!

6. Tại sao chỉ một mình Đức Giê-hô-va được gọi là Đấng “Toàn-năng”?

6 Tương tự thế, so với Đức Chúa Trời quyền năng, Đức Giê-hô-va, con người thật nhỏ bé và yếu ớt. Đối với Ngài, ngay cả những nước hùng mạnh cũng chỉ là lớp bụi trên cân.  (Ê-sai 40:15) Khác với bất cứ tạo vật nào, Đức Giê-hô-va có quyền năng vô hạn, vì chỉ mình Ngài được gọi là Đấng “Toàn-năng”. * (Khải-huyền 15:3) Đức Giê-hô-va có “quyền-năng... rất cao” và “sức-mạnh... lớn lắm”. (Ê-sai 40:26) Ngài là nguồn sức mạnh vô tận, dồi dào. Ngài không tùy thuộc nguồn sức mạnh nào khác vì “quyền-năng thuộc về Đức Chúa Trời”. (Thi-thiên 62:11, chúng tôi viết nghiêng). Song, Đức Giê-hô-va sử dụng quyền năng Ngài bằng những cách nào?

Cách Đức Giê-hô-va sử dụng quyền năng

7. Thánh linh của Đức Giê-hô-va là gì, và các từ trong nguyên ngữ được dùng trong Kinh Thánh gợi ý gì?

7 Đức Giê-hô-va là nguồn thánh linh vô hạn. Đó là quyền năng hoạt động của Đức Chúa Trời. Thật thế, nơi Sáng-thế Ký 1:2 (NW), Kinh Thánh đề cập quyền năng là “sinh hoạt lực” của Đức Chúa Trời. Trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp, những từ dịch là thánh linh có thể được dịch là “gió”, “hơi thở”, và “luồng gió” trong các văn cảnh khác. Theo các nhà biên soạn tự điển, những từ trong nguyên ngữ gợi ý về một lực vô hình đang hoạt động. Tương tự như gió, thánh linh Đức Chúa Trời vô hình, mắt chúng ta không thấy, nhưng hiệu quả của thánh linh có thật và nhận thức được.

8. Trong Kinh Thánh, thánh linh của Đức Chúa Trời được gọi bằng những từ nào theo lối nói ẩn dụ, và tại sao lối ví von ấy thích hợp?

8 Thánh linh của Đức Chúa Trời có tính đa dụng vô tận. Đức Giê-hô-va có thể dùng nó để thực hiện bất cứ ý định nào Ngài muốn. Vậy, trong Kinh Thánh, thánh linh của Đức Chúa Trời được gọi một cách thích đáng, theo lối nói ẩn dụ như “ngón tay”, “tay quyền-năng giơ thẳng ra”. (Lu-ca 11:20; Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:15; Thi-thiên 8:3) Giống như một người dùng tay thực hiện nhiều loại công việc đòi hỏi sức lực hay sự khéo léo ở các mức độ khác nhau, Đức Chúa Trời cũng dùng thánh linh của Ngài để hoàn thành bất cứ ý định nào—như tạo ra nguyên tử vô cùng nhỏ hoặc rẽ nước Biển Đỏ hoặc ban cho các tín đồ  Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất khả năng nói tiếng ngoại quốc.

9. Quyền cai trị của Đức Giê-hô-va rộng lớn đến mức nào?

9 Đức Giê-hô-va cũng hành sử quyền năng trên cương vị Chúa Tối Thượng Hoàn Vũ. Bạn có thể tưởng tượng nổi hàng triệu triệu thần dân thông minh, có khả năng, sốt sắng thi hành mệnh lệnh của bạn không? Đức Giê-hô-va nắm quyền cai trị như thế. Ngài có những tôi tớ loài người, thường được ví như một đoàn đông trong Kinh Thánh. (Thi-thiên 68:11; 110:3) Dù vậy, con người là sinh vật yếu ớt so với thiên sứ. Khi quân A-si-ri tấn công dân của Đức Chúa Trời, chỉ một thiên sứ đã giết 185.000 binh lính trong nội đêm đó! (2 Các Vua 19:35) Thiên sứ của Đức Chúa Trời là “các đấng có sức-lực”.—Thi-thiên 103:19, 20.

10. (a) Tại sao Đấng Toàn Năng được gọi là Đức Giê-hô-va vạn quân? (b) Ai có quyền nhất trong các tạo vật của Đức Giê-hô-va?

10 Có tất cả bao nhiêu thiên sứ? Tiên tri Đa-ni-ên được ban cho một sự hiện thấy về những việc trên trời, ông chứng kiến hơn 100 triệu tạo vật thần linh đứng trước ngai Đức Giê-hô-va, nhưng không có gì cho biết ông đã thấy toàn thể các thiên sứ. (Đa-ni-ên 7:10) Vậy có thể có hàng trăm triệu thiên sứ. Do đó Đức Chúa Trời được gọi là Đức Giê-hô-va vạn quân. Tước hiệu này miêu tả địa vị quyền năng của Ngài, là Đấng Chỉ Huy một lực lượng vô số thiên sứ mạnh mẽ, có tổ chức. Ngài đặt Con yêu dấu của Ngài, “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên”, đứng đầu tất cả những tạo vật thần linh ấy. (Cô-lô-se 1:15) Trên cương vị thiên sứ trưởng—đứng đầu các thiên sứ, sê-ra-phim và chê-ru-bim—Chúa Giê-su có quyền nhất trong các tạo vật của Đức Giê-hô-va.

11, 12. (a) Quyền năng của lời Đức Chúa Trời thể hiện qua những cách nào? (b) Chúa Giê-su đã xác nhận thế nào về mức độ quyền năng của Đức Giê-hô-va?

11 Đức Giê-hô-va còn có phương tiện khác để hành sử quyền năng. Hê-bơ-rơ 4:12 nói: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm”. Bạn có nhận thấy quyền lực phi thường của lời Đức Chúa Trời, tức thông điệp do thánh linh soi dẫn hiện được bảo tồn trong Kinh Thánh không? Lời ấy có thể củng cố, xây  dựng đức tin và giúp chúng ta thực hiện những thay đổi sâu sắc trong đời sống. Sứ đồ Phao-lô khuyến cáo anh em cùng đức tin coi chừng những kẻ có lối sống vô luân trắng trợn. Kế đó ông viết thêm: “Trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế”. (1 Cô-rinh-tô 6:9-11) Đúng vậy, quyền lực của “lời Đức Chúa Trời” đã tác động đến lòng người và giúp họ thay đổi.

12 Quyền năng Đức Giê-hô-va hết sức bao la và cách sử dụng quyền năng ấy hiệu nghiệm đến độ không gì có thể cản trở Ngài được. Chúa Giê-su phán: “Đức Chúa Trời làm mọi việc đều được”. (Ma-thi-ơ 19:26) Đức Giê-hô-va điều khiển quyền năng để thực hiện những ý định nào?

Ý định chi phối cách sử dụng quyền năng

13, 14. (a) Tại sao chúng ta có thể nói Đức Giê-hô-va không phải là một nguồn năng lượng vô tính cách? (b) Đức Giê-hô-va dùng quyền năng Ngài trong những cách nào?

13 Thánh linh của Đức Chúa Trời mạnh hơn nhiều so với bất cứ lực nào khác; và Đức Giê-hô-va không phải là một lực vô tính cách, hoặc chỉ là nguồn năng lượng. Ngài là Đức Chúa Trời có thật, hoàn toàn làm chủ quyền năng mình. Song, động lực nào thôi thúc Ngài dùng quyền năng ấy?

14 Như chúng ta sẽ thấy, Đức Chúa Trời dùng quyền năng để sáng tạo, hủy diệt, che chở, khôi phục—tóm lại, để làm bất cứ điều gì phù hợp với ý định hoàn hảo của Ngài. (Ê-sai 46:10) Trong vài trường hợp, Đức Giê-hô-va dùng quyền năng để cho biết những nét quan trọng trong tính cách và tiêu chuẩn của Ngài. Trên hết, Ngài điều khiển quyền năng để hoàn thành ý muốn—tức biện minh cho quyền tối thượng và làm thánh danh Ngài qua Nước của Đấng Mê-si. Không gì có thể ngăn cản nổi ý định ấy.

15. Đức Giê-hô-va dùng quyền năng thực hiện ý định nào liên quan đến các tôi tớ Ngài, và quyền năng ấy được biểu dương như thế nào trong trường hợp của Ê-li?

15 Đức Giê-hô-va cũng dùng quyền năng Ngài để giúp ích mỗi người chúng ta. Hãy lưu ý điều mà 2 Sử-ký 16:9 nói: “Vì con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài”. Kinh nghiệm của Ê-li  đề cập ở phần đầu, là một ví dụ. Tại sao Đức Giê-hô-va biểu dương cho ông thấy quyền năng đáng sợ của Ngài? Ta hãy xem nào, Hoàng Hậu Giê-sa-bên đã thề bắt Ê-li để xử tử. Nhà tiên tri đang trên đường chạy trốn hầu bảo toàn mạng sống. Ông cảm thấy cô đơn, sợ hãi và nản lòng—như thể mọi công khó của ông đều vô ích. Để an ủi con người đang lo âu này, Đức Giê-hô-va nhắc Ê-li nhớ đến quyền năng Ngài một cách sống động. Cơn gió, trận động đất, và lửa cho thấy Đấng quyền năng nhất trong vũ trụ ở đó cùng Ê-li. Vậy ông còn sợ gì Giê-sa-bên khi Đức Chúa Trời toàn năng ủng hộ ông?—1 Các Vua 19:1-12. *

16. Tại sao chúng ta cảm thấy yên lòng khi suy ngẫm về quyền năng vĩ đại của Đức Giê-hô-va?

16 Dù hiện nay không phải lúc làm phép lạ, Đức Giê-hô-va không thay đổi kể từ thời Ê-li. (1 Cô-rinh-tô 13:8) Ngày nay cũng như ngày xưa, Ngài thiết tha muốn sử dụng quyền năng vì lợi ích của những người yêu mến Ngài. Đúng, Ngài ngự trong cõi thần linh cao quý, nhưng Ngài không xa cách chúng ta. Quyền năng Ngài vô hạn, vì vậy khoảng cách không gây trở ngại cho Ngài. Thay vì thế, “Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu-khẩn Ngài”. (Thi-thiên 145:18) Có một lần, tiên tri Đa-ni-ên kêu cầu Đức Giê-hô-va giúp đỡ, một thiên sứ đã xuất hiện ngay cả trước khi ông dứt lời cầu nguyện! (Đa-ni-ên 9:20-23) Không gì có thể cản trở Đức Giê-hô-va giúp đỡ và củng cố những người Ngài yêu mến.—Thi-thiên 118:6.

Quyền năng Đức Chúa Trời có khiến Ngài trở thành Đấng khó đến gần không?

17. Quyền năng Đức Giê-hô-va khiến chúng ta sợ theo nghĩa nào, nhưng không gây ra loại sợ nào?

17 Quyền năng Đức Chúa Trời có nên khiến chúng ta sợ Ngài không? Chúng ta phải trả lời cả “có” lẫn “không”. “Có”, theo nghĩa là đức tính này đủ làm chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời,  một sự tôn kính sâu sắc mà chúng ta đã bàn luận vắn tắt trong chương trước. Kinh Thánh cho biết sự kính sợ ấy là “khởi-đầu sự khôn-ngoan”. (Thi-thiên 111:10) Tuy nhiên, chúng ta cũng trả lời “không”, theo nghĩa là quyền năng Đức Chúa Trời không phải là lý do để chúng ta cảm thấy kinh khiếp hay tránh không dám lại gần Ngài.

18. (a) Tại sao nhiều người nghi ngờ những người có quyền thế? (b) Làm sao chúng ta biết quyền năng Đức Giê-hô-va không thể làm Ngài trở nên bại hoại?

18 Năm 1887, Huân Tước Acton, nhà quý tộc người Anh, đã viết: “Quyền hành thường gây bại hoại; càng có quyền càng dễ lạm quyền”. Lời phát biểu của ông thường được nhắc lại, có lẽ vì rất nhiều người thấy đó là sự thật không thể chối cãi. Con người bất toàn thường lạm quyền, như lịch sử nhiều lần xác minh. (Truyền-đạo 4:1; 8:9) Vì lý do này nhiều người nghi ngờ và xa lánh những người có quyền thế. Song, Đức Giê-hô-va có quyền năng tuyệt đối. Quyền năng đó có khiến Ngài bại hoại về bất cứ phương diện nào không? Chắc chắn không! Như chúng ta đã biết, Ngài là thánh, hoàn toàn không bại hoại. Đức Giê-hô-va không giống những người đàn ông và đàn bà bất toàn, có quyền thế trong thế gian bại hoại này. Ngài chưa bao giờ và sẽ không bao giờ lạm dụng quyền năng.

19, 20. (a) Đức Giê-hô-va luôn hành sử quyền năng Ngài phù hợp với những đức tính nào khác, và tại sao điều này khiến chúng ta yên lòng? (b) Bạn minh họa thế nào về tính tự chủ của Đức Giê-hô-va, và tại sao đức tính này lôi cuốn bạn?

19 Hãy nhớ rằng quyền năng không phải là đức tính duy nhất của Đức Giê-hô-va. Chúng ta sẽ còn học về đức tính công bình, khôn ngoan và yêu thương của Ngài. Nhưng chúng ta không nên cho rằng những đức tính của Đức Giê-hô-va được biểu lộ một cách cứng nhắc, máy móc, như thể Ngài chỉ thể hiện mỗi lần một đức tính mà thôi. Ngược lại, trong những chương tiếp theo chúng ta sẽ biết Đức Giê-hô-va luôn luôn hành sử quyền năng hài hòa với tính công bình, sự khôn ngoan và lòng yêu thương của Ngài. Hãy nghĩ đến một đức tính khác của Đức Chúa Trời, một đức tính mà ít nhà cai trị nào trong thế gian này có—tính tự chủ.

 20 Hãy tưởng tượng bạn gặp một người đàn ông to lớn, vạm vỡ đến nỗi bạn phát sợ. Tuy nhiên, với thời gian bạn nhận thấy ông có vẻ hiền hòa. Ông luôn sẵn sàng và sốt sắng dùng sức mạnh để giúp đỡ và bênh vực người khác, đặc biệt với những người yếu thế và không tự vệ được. Không bao giờ ông lạm dụng sức mạnh của mình. Bạn thấy ông bị vu khống vô cớ, song cách xử sự của ông vẫn kiên định nhưng lại trầm tĩnh, đường hoàng, ngay cả tử tế nữa. Bạn thắc mắc không biết mình có thể biểu lộ thái độ hiền hòa và tự chủ không, nhất là nếu bạn có sức mạnh đến thế! Khi dần dần hiểu người ấy, chẳng phải bạn bắt đầu cảm thấy muốn đến gần ông sao? Chúng ta có nhiều lý do hơn để đến gần Đức Giê-hô-va toàn năng. Hãy xem xét câu Kinh Thánh được trích đầy đủ dùng làm cơ sở cho đầu đề của chương này: “Đức Giê-hô-va chậm giận và có quyền lớn”. (Na-hum 1:3, chúng tôi viết nghiêng). Đức Giê-hô-va không hấp tấp dùng quyền năng để trừng phạt người ta, ngay cả kẻ ác. Ngài hòa nhã và tử tế. Ngài tỏ ra “chậm giận” trước nhiều hành động khiêu khích.—Thi-thiên 78:37-41.

21. Tại sao Đức Giê-hô-va không cưỡng ép người ta làm theo ý định Ngài, và điều này dạy chúng ta biết gì về Ngài?

21 Hãy xem xét tính tự chủ của Đức Giê-hô-va theo một góc độ  khác. Nếu có quyền lực vô hạn, bạn có nghĩ rằng đôi khi mình có khuynh hướng buộc người khác làm theo ý mình không? Tuy có tất cả quyền năng, song Đức Giê-hô-va vẫn không ép buộc người ta phụng sự Ngài. Mặc dù phụng sự Đức Chúa Trời là đường lối duy nhất dẫn đến sự sống vĩnh cửu, Đức Giê-hô-va vẫn không ép chúng ta phụng sự Ngài. Thay vì thế, Ngài ân cần tôn trọng phẩm giá mỗi người bằng cách cho họ tự do chọn lựa. Ngài báo trước hậu quả của việc chọn lựa sai lầm và cho biết phần thưởng của việc lựa chọn đúng. Nhưng Ngài để chúng ta tự quyết định. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20) Đức Giê-hô-va tuyệt nhiên không muốn chúng ta phụng sự vì bị ép buộc hoặc vì kinh khiếp quyền năng đáng sợ của Ngài. Ngài tìm kiếm những người sẵn lòng phụng sự Ngài vì tình yêu thương.—2 Cô-rinh-tô 9:7.

22, 23. (a) Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va vui thích ủy quyền cho người khác? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong chương tới?

22 Hãy xem xét lý do cuối cùng tại sao chúng ta không cần phải sống trong nỗi khiếp sợ Đức Chúa Trời Toàn Năng. Người có quyền thế thường sợ phải chia sẻ quyền hành với người khác. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va vui thích ủy quyền cho những người trung thành thờ phượng Ngài. Ngài ủy thác khá nhiều uy quyền cho người khác, chẳng hạn như Con Ngài. (Ma-thi-ơ 28:18) Đức Giê-hô-va cũng ủy quyền cho các tôi tớ Ngài qua một cách khác. Kinh Thánh giải thích: “Hỡi Đức Giê-hô-va! sự cao-cả, quyền-năng, vinh-quang, toàn-thắng, và oai-nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài... Quyền-năng và thế-lực ở nơi tay Chúa: tay Chúa khiến cho được tôn-trọng và ban sức-mạnh cho mọi người”.—1 Sử-ký 29:11, 12.

23 Đúng vậy, Đức Giê-hô-va sẽ vui lòng ban thêm sức cho bạn. Ngài còn ban “sức lực vượt quá mức bình thường” cho những ai muốn phụng sự Ngài. (2 Cô-rinh-tô 4:7, NW) Ngài tử tế sử dụng quyền năng theo đúng các nguyên tắc đạo đức. Bạn không cảm thấy muốn đến gần một Đức Chúa Trời đầy năng lực này sao? Trong chương kế tiếp chúng ta sẽ tập trung bàn luận cách Đức Giê-hô-va dùng quyền năng sáng tạo.

^ đ. 6 Từ Hy Lạp dịch “Toàn-năng” có nghĩa đen là “Đấng cai trị mọi vật; Đấng có mọi quyền hành”.

^ đ. 15 Kinh Thánh nói rằng “không có Đức Giê-hô-va trong trận gió..., cơn động đất..., đám lửa”. Khác với những người thờ phượng các thần của thiên nhiên trong huyền thoại, tôi tớ Đức Giê-hô-va không tìm kiếm Ngài trong các lực thiên nhiên. Ngài quá vĩ đại, không vật gì do Ngài sáng tạo, có thể chứa được Ngài.—1 Các Vua 8:27.