Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 29

“Biết sự yêu-thương của Đấng Christ”

“Biết sự yêu-thương của Đấng Christ”

1-3. (a) Điều gì thôi thúc Chúa Giê-su muốn giống như Cha ngài? (b) Chúng ta sẽ xem xét những khía cạnh nào của tình yêu thương của Chúa Giê-su?

BẠN có bao giờ thấy một bé trai cố bắt chước giống hệt bố em không? Em có thể bắt chước dáng đi đứng, cách nói chuyện hoặc cử chỉ của bố mình. Theo thời gian, đứa bé thậm chí có thể thấm nhuần những giá trị đạo đức và thiêng liêng của cha em. Thật vậy, tình yêu thương và lòng khâm phục đối với người cha đầy yêu thương thôi thúc bé trai muốn trở nên giống như bố.

2 Thế còn mối quan hệ giữa Chúa Giê-su và Cha ngài trên trời thì sao? Có lần, Chúa Giê-su nói: “Ta yêu-mến Cha”. (Giăng 14:31) Không ai có thể yêu thương Đức Giê-hô-va nhiều hơn người Con này; ngài đã ở bên Cha rất lâu trước khi những tạo vật khác được tạo ra. Tình yêu thương ấy đã thôi thúc người Con tận tụy này muốn giống như Cha ngài.—Giăng 14:9.

3 Trong những chương trước, chúng ta đã bàn về việc Chúa Giê-su noi gương Đức Giê-hô-va một cách hoàn hảo như thế nào về quyền năng, công bằng và sự khôn ngoan. Nhưng Chúa Giê-su đã phản ánh tình yêu thương của Cha ngài như thế nào? Chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh của tình yêu thương của Chúa Giê-su—tinh thần hy sinh, lòng trắc ẩn dịu dàng và sẵn lòng tha thứ.

“Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn”

4. Chúa Giê-su đã nêu gương vĩ đại nhất về tình yêu thương quên mình như thế nào?

4 Chúa Giê-su đã nêu gương xuất sắc về tình yêu thương quên mình. Tinh thần hy sinh quên mình đòi hỏi đặt nhu cầu  và mối quan tâm của người khác lên trên nhu cầu của chính mình một cách vị tha. Chúa Giê-su đã biểu lộ tình yêu thương ấy thế nào? Chính ngài giải thích: “Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn là vì bạn-hữu mà phó sự sống mình”. (Giăng 15:13) Chúa Giê-su sẵn lòng hy sinh mạng sống hoàn toàn của ngài vì chúng ta. Đó là sự biểu hiện tình yêu thương vĩ đại nhất chưa từng có người nào thực hiện được. Nhưng Chúa Giê-su cũng biểu lộ tình yêu thương quên mình ấy qua những cách khác nữa.

5. Tại sao khi rời địa vị ở trên trời Con độc sinh của Đức Chúa Trời đã thể hiện tình yêu thương quên mình?

5 Trước khi xuống trái đất làm người, Con độc sinh của Đức Chúa Trời có một địa vị cao vô song ở trên trời. Ngài có quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va và với vô số tạo vật thần linh. Dù có các lợi thế này, nhưng Con yêu quý “đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ và trở nên giống như loài người”. (Phi-líp 2:7) Ngài sẵn lòng xuống trái đất sống giữa loài người tội lỗi trong một thế gian “phục dưới quyền ma-quỉ”. (1 Giăng 5:19) Chẳng phải Con Đức Chúa Trời đã thể hiện tình yêu thương quên mình sao?

6, 7. (a) Trong thánh chức trên đất, Chúa Giê-su đã biểu lộ tình yêu thương quên mình qua những cách nào? (b) Gương cảm động nào về tình yêu thương vị tha được ghi lại nơi Giăng 19:25-27?

6 Trong suốt thánh chức trên đất, Chúa Giê-su đã biểu lộ tình yêu thương quên mình qua nhiều cách. Ngài hoàn toàn vị tha. Ngài để trọn tâm trí vào thánh chức đến độ hy sinh những tiện nghi bình thường mà người ta thường có. Ngài phán: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu”. (Ma-thi-ơ 8:20) Là một người thợ mộc khéo léo, Chúa Giê-su đã có thể dành ra một ít thì giờ để xây một căn nhà đủ tiện nghi hoặc đóng những bộ bàn ghế tinh xảo để có thêm tiền. Nhưng ngài đã không dùng tài khéo léo để mưu cầu vật chất.

7 Một gương thật cảm động về tình yêu thương quên mình của Chúa Giê-su được ghi lại nơi Giăng 19:25-27. Hãy tưởng tượng bao nhiêu điều hẳn đã chiếm trọn tâm trí Chúa Giê-su  vào buổi chiều ngài chết. Khi chịu đau đớn trên cây gỗ, ngài quan tâm đến các môn đồ, đến công việc rao giảng, nhất là đến lòng trung kiên cùng Cha, và việc lòng trung kiên ấy sẽ ảnh hưởng thế nào đến danh của Cha ngài. Thật vậy, toàn thể tương lai nhân loại đè nặng lên vai ngài! Tuy vậy, chỉ ít phút trước khi chết, Chúa Giê-su cũng biểu lộ lòng quan tâm đối với Ma-ri, mẹ ngài, lúc ấy dường như đã góa bụa. Chúa Giê-su yêu cầu sứ đồ Giăng chăm lo cho Ma-ri như chính mẹ ruột ông, và sau đó sứ đồ này đã rước bà về nhà mình. Chúa Giê-su đã lo liệu như thế để chăm lo về thể chất lẫn tinh thần cho mẹ ngài. Thật là một biểu hiện dịu dàng của tình yêu thương vị tha!

“Ngài động lòng thương-xót”

8. Đâu là nghĩa của từ Hy Lạp mà Kinh Thánh dùng để miêu tả lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su?

8 Giống như Cha ngài, Chúa Giê-su đầy lòng trắc ẩn. Kinh Thánh miêu tả Chúa Giê-su nỗ lực giúp những người khốn khổ vì ngài xúc động sâu xa. Để miêu tả lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su, Kinh Thánh dùng một từ Hy Lạp được dịch là “động lòng thương-xót”. Một học giả nói: “Từ này diễn tả... tình cảm tác động đến tận thâm tâm một người. Đây là một từ mạnh mẽ nhất trong tiếng Hy Lạp dùng để diễn đạt lòng trắc ẩn”. Hãy xem xét một số tình huống mà lòng trắc ẩn sâu xa tác động đến Chúa Giê-su, thôi thúc ngài hành động.

9, 10. (a) Tình huống nào đã khiến Chúa Giê-su và các sứ đồ đi tìm nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi? (b) Khi một đám đông quấy rầy sự riêng tư của Chúa Giê-su, ngài phản ứng thế nào, và tại sao?

9 Được thôi thúc để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng. Lời tường thuật nơi Mác 6:30-34 cho thấy động cơ chính yếu nào đã thôi thúc Chúa Giê-su biểu lộ lòng thương xót. Hãy hình dung cảnh này. Các sứ đồ rất phấn khởi vì họ vừa hoàn tất một chuyến rao giảng rộng lớn. Khi trở về gặp Chúa Giê-su, họ hăng say kể lại mọi điều tai nghe mắt thấy. Nhưng một đám đông tụ tập, khiến Chúa Giê-su và các sứ đồ thậm chí không có thì giờ để ăn. Luôn là người tinh tế, Chúa Giê-su nhận thấy các sứ đồ mệt mỏi. Ngài bảo họ: “Hãy đi tẻ ra trong nơi vắng-vẻ, nghỉ-ngơi  một chút”. Họ xuống thuyền, băng qua đầu phía bắc Biển Ga-li-lê đến một nơi yên tĩnh. Nhưng đám đông đã thấy họ đi. Những người khác cũng nghe nói về điều này. Tất cả đều chạy dọc theo bờ biển phía bắc và đến bờ bên kia trước khi thuyền cặp bến!

10 Chúa Giê-su có bực bội vì họ quấy rầy sự riêng tư của ngài không? Hoàn toàn không! Lòng ngài cảm động khi thấy đám đông có đến hàng ngàn người đang chờ ngài. Mác viết: “Thấy đoàn dân đông lắm, thì Ngài động lòng thương-xót đến, vì như chiên không có người chăn; Ngài bèn khởi-sự dạy-dỗ họ nhiều điều”. Chúa Giê-su xem những người này là những cá nhân có nhu cầu thiêng liêng. Họ giống như chiên bơ vơ lạc lõng, không có người chăn hướng dẫn hoặc bảo vệ. Đáng lẽ ra những nhà lãnh đạo tôn giáo phải là những người chăn đầy lòng quan tâm, nhưng Chúa Giê-su biết rằng họ nhẫn tâm bỏ mặc người dân thường. (Giăng 7:47-49) Lòng ngài cảm thương dân chúng, vì vậy ngài bắt đầu dạy họ “về nước Đức Chúa Trời”. (Lu-ca 9:11) Hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su đã động lòng thương xót ngay cả trước khi thấy phản ứng của người ta đối với những điều ngài dạy. Nói cách khác, lòng trắc ẩn không nảy sinh do việc ngài dạy dỗ đám đông, nhưng đúng ra là động cơ thôi thúc ngài dạy.

Ngài giơ tay rờ người và chữa lành cho ông

11, 12. (a) Thời Kinh Thánh, những người phong bị đối xử ra sao, nhưng Chúa Giê-su đã phản ứng thế nào khi “một người mắc bịnh phung đầy mình” đến gần ngài? (b) Việc Chúa Giê-su sờ đến người phong có thể đã tác động đến ông như thế nào, và sự việc mà một bác sĩ đã trải qua minh họa điều này thế nào?

11 Được thôi thúc làm dịu nỗi đau khổ. Những người mắc đủ các chứng bệnh được thu hút đến gần ngài vì nhận biết Chúa Giê-su có lòng trắc ẩn. Điều này đặc biệt hiển nhiên khi một lần nọ, Chúa Giê-su đi trước và đám đông theo sau, thì “một người mắc bịnh phung đầy mình” tiến đến gần ngài. (Lu-ca 5:12) Thời Kinh Thánh, những người mắc bệnh phong bị cách ly để tránh gây ô uế cho người khác. (Dân-số Ký 5:1-4) Tuy nhiên, theo thời gian, giới lãnh đạo ra-bi cổ xúy một quan niệm tàn nhẫn đối với bệnh phong và áp đặt luật lệ khắt khe riêng của  họ. * Nhưng, hãy lưu ý Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước người bệnh phong: “Có một người phung đến cùng Ngài, quì xuống cầu-xin rằng: Nếu Chúa khứng, có thể khiến tôi sạch được. Đức Chúa Jêsus động lòng thương-xót, giơ tay rờ người, mà phán rằng: Ta khứng, hãy sạch đi. Liền khi đó, phung lặn mất, người trở nên sạch”. (Mác 1:40-42) Chúa Giê-su biết rằng ngay cả việc người phong có mặt ở đó cũng đã trái luật pháp. Tuy nhiên, thay vì đuổi người ấy đi, Chúa Giê-su động lòng thương xót sâu xa đến độ ngài đã làm một việc không thể tưởng tượng nổi. Chúa Giê-su đã sờ vào ông ấy!

12 Bạn có thể tưởng tượng việc được Chúa Giê-su sờ vào có ý nghĩa gì đối với người phong ấy không? Để minh họa, hãy xem xét một kinh nghiệm. Bác sĩ Paul Brand, một chuyên gia về bệnh phong, kể về một người bệnh ở Ấn Độ được ông điều trị. Trong khi chẩn bệnh, bác sĩ đặt tay lên vai người bệnh phong và qua một người thông dịch, giải thích phương pháp trị liệu mà người bệnh phải theo. Thình lình, người phong bật khóc. Bác sĩ hỏi: “Tôi đã nói điều gì sai chăng?” Người thông dịch hỏi bệnh nhân bằng tiếng mẹ đẻ rồi đáp: “Không, thưa bác sĩ. Anh ấy khóc vì bác sĩ đã choàng tay qua vai anh. Nhiều năm rồi chưa có ai chạm vào người anh cho đến khi anh ấy đến đây”. Đối với người phong đến gặp Chúa Giê-su, việc ngài sờ đến ông thậm chí còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa. Sau chỉ một cái sờ ấy, căn bệnh khiến ông bị ruồng bỏ đã khỏi!

13, 14. (a) Khi đến gần thành Na-in Chúa Giê-su đã gặp đám tang nào, và điều gì khiến trường hợp này đặc biệt thương tâm? (b) Lòng trắc ẩn đã thôi thúc Chúa Giê-su làm gì cho bà góa thành Na-in?

13 Được thôi thúc để xóa tan nỗi đau buồn. Chúa Giê-su xúc  động sâu xa trước nỗi đau buồn của người khác. Thí dụ, hãy xem lời tường thuật nơi Lu-ca 7:11-15. Câu chuyện diễn ra khi Chúa Giê-su đi đến vùng phụ cận thành Na-in miền Ga-li-lê, lúc ấy là vào khoảng giữa giai đoạn thánh chức của ngài. Khi gần đến cổng thành, Chúa Giê-su gặp một đám tang. Tình cảnh này đặc biệt đau lòng. Người thanh niên vừa mới chết là con trai độc nhất, và người mẹ là góa phụ. Một lần trước đó, có lẽ người ta đã thấy bà trong một đám tang như thế—của chồng bà. Lần này là con trai, có lẽ là nơi nương tựa duy nhất của bà. Trong đám đông người đi theo bà, có lẽ có những người than khóc, hát những lời ai oán và nhạc công thổi những điệu nhạc não nùng. (Giê-rê-mi 9:17, 18; Ma-thi-ơ 9:23) Tuy nhiên, mắt Chúa Giê-su dán chặt vào người mẹ quá đau thương, chắc chắn lúc đó đang bước đi cạnh chiếc cáng khiêng thi hài con trai bà.

14 Chúa Giê-su “động lòng thương-xót” người mẹ đang khóc thương con. Ngài nói với giọng an ủi: “Đừng khóc!” Không đợi yêu cầu, ngài bước đến gần và sờ vào chiếc cáng. Những người khiêng—và có lẽ cả đám đông—ngừng lại. Bằng giọng dõng dạc, Chúa Giê-su nói với thi hài: “Hỡi người trẻ kia, ta biểu ngươi chờ dậy”. Chuyện gì xảy ra sau đó? “Người chết vùng ngồi dậy và khởi-sự nói”, như vừa được đánh thức sau một giấc ngủ say! Tiếp đến là lời kể lại rất cảm động: “Chúa Jêsus giao người lại cho mẹ”.

15. (a) Những lời tường thuật trong Kinh Thánh về việc Chúa Giê-su động lòng thương xót cho thấy mối liên quan nào giữa lòng trắc ẩn và hành động? (b) Làm thế nào chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su về phương diện này?

15 Chúng ta học được gì từ những lời tường thuật này? Trong mỗi trường hợp, hãy lưu ý đến mối liên quan giữa lòng trắc ẩn và hành động. Chúa Giê-su đã không thể nhìn cảnh ngộ khốn khổ của người khác mà không động lòng thương xót, và ngài không thể động lòng trắc ẩn mà lại không hành động. Làm thế nào chúng ta có thể noi gương ngài? Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta có bổn phận rao truyền tin mừng và đào tạo môn đồ. Động cơ của chúng ta chủ yếu là tình yêu  thương đối với Đức Chúa Trời. Song, chúng ta hãy nhớ rằng đây cũng là công việc vì lòng trắc ẩn. Khi cảm thương người khác như Chúa Giê-su, lòng chúng ta sẽ thôi thúc chúng ta cố gắng hết sức để chia sẻ tin mừng với họ. (Ma-thi-ơ 22:37-39) Còn việc biểu hiện lòng trắc ẩn đối với anh em cùng đức tin đang khổ sở hoặc đau buồn thì sao? Chúng ta không thể chữa những đau đớn về thể chất hoặc làm cho người chết sống lại bằng phép lạ. Tuy nhiên, chúng ta có thể biểu lộ lòng trắc ẩn qua hành động bằng cách chủ động bày tỏ lòng quan tâm hoặc giúp đỡ một cách thích hợp và thiết thực.—Ê-phê-sô 4:32.

“Lạy Cha, xin tha cho họ”

16. Việc Chúa Giê-su sẵn lòng tha thứ hiển nhiên như thế nào, ngay cả lúc ở trên cây khổ hình?

16 Chúa Giê-su phản ánh hoàn toàn tình yêu thương của Cha ngài bằng một cách quan trọng khác—ngài ‘sẵn lòng tha-thứ’. (Thi-thiên 86:5) Sự sẵn lòng này hiển nhiên ngay cả khi ngài ở trên cây khổ hình. Buộc phải chịu cái chết nhục nhã, bị đinh đóng xuyên qua tay và chân, Chúa Giê-su đã nói về điều gì? Ngài có xin Đức Giê-hô-va trừng phạt những kẻ đã hành hình ngài không? Ngược lại, những lời sau cùng của Chúa Giê-su là: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì”.—Lu-ca 23:34. *

17-19. Qua những cách nào Chúa Giê-su cho thấy ngài tha thứ sứ đồ Phi-e-rơ dù ông đã chối ngài ba lần?

17 Một gương khác về sự tha thứ của Chúa Giê-su có lẽ còn cảm động hơn, đó là cách ngài đối xử với sứ đồ Phi-e-rơ. Hiển  nhiên Phi-e-rơ rất mực yêu thương Chúa Giê-su. Ngày 14 Ni-san, vào đêm cuối cùng Chúa Giê-su sống trên đất, Phi-e-rơ đã nói với ngài: “Thưa Chúa, tôi sẵn lòng đi theo Chúa, đồng tù đồng chết”. Thế nhưng, chỉ vài giờ sau đó, Phi-e-rơ đã ba lần chối cãi ngay cả việc biết Chúa Giê-su! Kinh Thánh cho chúng ta biết chuyện gì đã xảy ra khi Phi-e-rơ chối lần thứ ba: “Chúa xây mặt lại ngó Phi-e-rơ”. Lòng nặng trĩu tội lỗi, Phi-e-rơ “đi ra ngoài, khóc-lóc thảm-thiết”. Khi Chúa Giê-su chết trong ngày hôm đó, có lẽ sứ đồ này đã tự hỏi: ‘Chúa có tha thứ cho mình không?’—Lu-ca 22:33, 61, 62.

18 Phi-e-rơ đã không phải chờ lâu mới biết. Chúa Giê-su được sống lại vào sáng ngày 16 Ni-san, và xem chừng trong cùng ngày hôm đó ngài đã đích thân gặp Phi-e-rơ. (Lu-ca 24:34; 1 Cô-rinh-tô 15:4-8) Tại sao Chúa Giê-su lại đặc biệt chú ý đến sứ đồ đã chối ngài một cách quyết liệt đến thế? Chắc là Chúa Giê-su muốn trấn an Phi-e-rơ lúc ấy đã ăn năn, rằng ông vẫn được ngài yêu thương và quý trọng. Nhưng Chúa Giê-su còn làm nhiều hơn thế để trấn an Phi-e-rơ.

19 Một thời gian sau, Chúa Giê-su hiện ra với các môn đồ tại Biển Ga-li-lê. Vào dịp này, Chúa Giê-su đã ba lần hỏi Phi-e-rơ (người chối Chúa ba lần) về tình yêu thương của ông đối với ngài. Sau lần thứ ba, Phi-e-rơ đáp: “Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi việc; Chúa biết rằng tôi yêu Chúa!” Thật vậy, Chúa Giê-su có khả năng đọc thấu lòng người, biết rõ Phi-e-rơ yêu thương và trìu mến ngài. Song, Chúa Giê-su đã cho Phi-e-rơ cơ hội để xác nhận tình yêu thương của ông. Hơn thế nữa, Chúa Giê-su giao phó cho Phi-e-rơ nhiệm vụ “chăn dắt” và “chăm sóc chiên con” của ngài. (Giăng 21:15-17, Tòa Tổng Giám Mục) Trước đó, Phi-e-rơ đã nhận nhiệm vụ rao giảng. (Lu-ca 5:10) Nhưng giờ đây, biểu hiện lòng tin cậy khác thường, Chúa Giê-su giao phó thêm trọng trách cho ông—chăm lo những người sẽ trở thành môn đồ Đấng Christ. Một thời gian ngắn sau đó, Chúa Giê-su giao cho Phi-e-rơ vai trò quan trọng trong hoạt động của các môn đồ. (Công-vụ 2:1-41) Phi-e-rơ ắt hẳn đã cảm thấy nhẹ nhõm xiết bao khi biết Chúa Giê-su đã tha thứ và vẫn tin cậy ông!

 Bạn có “biết sự yêu-thương của Đấng Christ” không?

20, 21. Làm thế nào chúng ta có thể “biết sự yêu-thương của Đấng Christ” một cách trọn vẹn?

20 Thật vậy, Lời Đức Giê-hô-va miêu tả thật tuyệt tình yêu thương của Đấng Christ. Tuy nhiên, làm sao chúng ta đáp lại tình yêu thương của Chúa Giê-su? Kinh Thánh khuyên giục chúng ta nên “biết sự yêu-thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông-biết”. (Ê-phê-sô 3:19) Như chúng ta đã thấy, những lời tường thuật về cuộc đời và thánh chức của Chúa Giê-su trong các sách Phúc Âm dạy cho chúng ta biết nhiều về tình yêu thương của Đấng Christ. Tuy nhiên, để “biết sự yêu-thương của Đấng Christ” một cách trọn vẹn đòi hỏi nhiều hơn là chỉ học những gì Kinh Thánh nói về ngài.

21 Từ Hy Lạp dịch là “biết” có nghĩa là biết “qua thực hành, qua kinh nghiệm”. Khi chúng ta biểu lộ tình yêu thương theo như cách Chúa Giê-su đã làm—vị tha quên mình vì người khác, lấy lòng trắc ẩn đáp ứng nhu cầu của họ, thật lòng tha thứ cho họ—khi ấy chúng ta có thể thật sự hiểu được những cảm nghĩ của ngài. Như thế qua kinh nghiệm, chúng ta “biết sự yêu-thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông-biết”. Và chúng ta chớ bao giờ quên rằng càng trở nên giống Đấng Christ bao nhiêu, chúng ta sẽ càng đến gần Đấng mà Chúa Giê-su noi gương một cách hoàn hảo, Đức Chúa Trời đầy yêu thương của chúng ta, Đức Giê-hô-va.

^ đ. 11 Luật của các ra-bi quy định rằng không ai được đến gần một người bệnh phong trong vòng bốn cu-đê (1,8 mét). Nếu có gió, phải ở xa người bệnh phong ít nhất là 100 cu-đê (khoảng 45 mét). Sách Midrash Rabbah kể chuyện một người ra-bi trốn những người phong và chuyện một người ra-bi khác đã ném đá vào người phong để họ không đến gần. Vì vậy, những người phong hiểu nỗi đau khổ của việc bị hất hủi, cảm giác bị khinh miệt và bị ruồng bỏ.

^ đ. 16 Phần đầu của Lu-ca 23:34 không có trong một số bản chép tay cổ. Tuy nhiên, vì những từ này có trong nhiều bản chép tay có thẩm quyền nên trong bản New World Translation và nhiều bản dịch khác có những từ này. Bằng chứng cho thấy Chúa Giê-su nói về những người lính La Mã đã đóng đinh ngài. Họ không hiểu mình đang làm gì vì không biết Chúa Giê-su thật sự là ai. Dĩ nhiên, những nhà lãnh đạo tôn giáo xúi giục vụ hành quyết đó đáng bị khiển trách hơn nhiều vì họ đã hành động có chủ ý và hiểm độc. Nhiều người trong bọn họ không thể nào tha thứ được.—Giăng 11:45-53.