Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 25

Đức Chúa Trời chúng ta “đầy lòng trắc ẩn”

Đức Chúa Trời chúng ta “đầy lòng trắc ẩn”

1, 2. (a) Phản ứng tự nhiên của người mẹ trước tiếng khóc của con sơ sinh là gì? (b) Tình cảm nào còn mạnh mẽ hơn cả lòng trắc ẩn của người mẹ?

VÀO giữa đêm, đứa trẻ sơ sinh khóc. Người mẹ vội choàng dậy. Kể từ khi đứa con chào đời, bà không ngủ say được như trước. Bà đã biết phân biệt tiếng khóc của con. Vì vậy, bà thường có thể biết con mình cần bú, bồng bế nâng niu, hoặc cần được chăm sóc về những mặt khác. Nhưng bất luận con khóc vì lý do gì, người mẹ đều đáp ứng. Người mẹ không thể cầm lòng được trước những nhu cầu của con.

2 Lòng trắc ẩn của người mẹ đối với con ruột mình là một trong những tình cảm tha thiết nhất của con người. Tuy nhiên, có một tình cảm vô cùng mạnh mẽ hơn—đó là lòng trắc ẩn dịu dàng của Đức Chúa Trời chúng ta, Đức Giê-hô-va. Xem xét kỹ đức tính đáng chuộng này có thể giúp chúng ta gần gũi Đức Giê-hô-va hơn. Vậy chúng ta hãy bàn luận xem thế nào là trắc ẩn và Đức Chúa Trời biểu hiện đức tính ấy qua cách nào.

Thế nào là lòng trắc ẩn?

3. Nghĩa của động từ Hê-bơ-rơ thường được dịch là “tỏ lòng trắc ẩn” hay “có lòng thương hại” là gì?

3 Trong Kinh Thánh, lòng trắc ẩn và lòng thương xót có mối tương quan mật thiết. Một số từ tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp biểu đạt ý nghĩa của lòng trắc ẩn dịu dàng. Chẳng hạn, hãy xem động từ ra·cham′ trong tiếng Hê-bơ-rơ, thường được dịch là “tỏ lòng trắc ẩn” hay “có lòng thương hại”. Một tác phẩm tham khảo giải thích rằng động từ ra·cham′ “diễn đạt tình cảm trắc ẩn sâu xa và dịu dàng dậy lên trong lòng, chẳng hạn như khi thấy sự yếu đuối hoặc đau khổ của những người chúng ta yêu quý hoặc cần chúng ta giúp đỡ”.  Từ Hê-bơ-rơ này, Đức Giê-hô-va dùng để nói về Ngài, liên quan đến từ dùng để chỉ “dạ con” và có thể miêu tả là “lòng trắc ẩn của người mẹ”. *Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19; Giê-rê-mi 33:26.

“Đàn-bà há dễ quên... con trai ruột mình sao?”

4, 5. Kinh Thánh dùng tình cảm người mẹ dành cho con sơ sinh để dạy chúng ta như thế nào về lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va?

4 Kinh Thánh dùng tình cảm người mẹ dành cho con sơ sinh để dạy chúng ta về ý nghĩa lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va. Nơi Ê-sai 49:15, chúng ta đọc: “Đàn-bà há dễ quên con mình cho bú, không thương [ra·cham′] đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn-bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi”. Lời miêu tả cảm động đó nhấn mạnh chiều sâu của lòng trắc ẩn Đức Giê-hô-va đối với dân Ngài. Tại sao thế?

5 Khó lòng tưởng tượng được người mẹ lại quên cho bú và chăm sóc đứa con sơ sinh của mình. Suy cho cùng, một hài nhi không thể tự lực; đêm ngày đứa bé cần được mẹ chú ý và thương mến. Tuy nhiên, đáng buồn là việc mẹ bỏ con không phải là hiếm nghe nói đến, nhất là trong “những thời-kỳ khó-khăn” ngày nay có đặc điểm là “vô-tình”. (2 Ti-mô-thê 3:1, 3) Dầu vậy, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Ta cũng chẳng quên ngươi”. Lòng trắc ẩn dịu dàng mà Đức Giê-hô-va dành cho các tôi tớ Ngài không bao giờ suy suyển. Lòng trắc ẩn ấy mãnh liệt khôn lường, mạnh hơn cả tình cảm tự nhiên dịu dàng nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng —tức lòng trắc ẩn của người mẹ thường có đối với con sơ sinh. Không có gì đáng ngạc nhiên khi một nhà bình luận nói về Ê-sai 49:15: “Đây là một trong những lời diễn đạt mạnh mẽ nhất, nếu không muốn nói là mạnh nhất trong Cựu Ước về tình yêu thương của Đức Chúa Trời”.

6. Nhiều người bất toàn có quan điểm nào về lòng trắc ẩn dịu dàng, nhưng Đức Giê-hô-va bảo đảm điều gì với chúng ta?

6 Lòng trắc ẩn dịu dàng có phải là dấu hiệu của sự yếu đuối  không? Nhiều người bất toàn có quan điểm đó. Chẳng hạn triết gia La Mã cùng thời với Chúa Giê-su và là nhân vật thông thái hàng đầu ở La Mã là Seneca đã dạy rằng “lòng thương hại là sự yếu đuối về tinh thần”. Seneca là người cổ xúy chủ nghĩa Khắc Kỷ, một triết lý coi trọng sự điềm tĩnh đến mức vô cảm. Seneca nói, người khôn ngoan có thể giúp đỡ những người hoạn nạn nhưng không được bộc lộ lòng thương hại, vì cảm xúc ấy sẽ cướp đi sự thanh thản trong tâm trí. Người có quan niệm sống vị kỷ đó không thể nào có lòng trắc ẩn chân thành. Nhưng Đức Giê-hô-va tuyệt nhiên không giống như thế! Trong Lời Ngài, Đức Giê-hô-va bảo đảm với chúng ta rằng Ngài “đầy lòng thương-xót [nghĩa đen là “lòng trắc ẩn”] và nhân-từ”. (Gia-cơ 5:11) Như chúng ta sẽ thấy, lòng trắc ẩn không phải là tính yếu đuối nhưng là đức tính năng động và mạnh mẽ. Chúng ta hãy xem xét cách Đức Giê-hô-va biểu hiện lòng trắc ẩn, như người cha yêu thương.

Đức Giê-hô-va biểu hiện lòng trắc ẩn đối với cả một nước

7, 8. Dân Y-sơ-ra-ên đã chịu cảnh đau khổ nào ở Ai Cập cổ đại, và Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào trước nỗi đau khổ của họ?

7 Lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va thể hiện rõ qua cách Ngài đối xử với dânY-sơ-ra-ên. Vào cuối thế kỷ 16 TCN, hàng triệu người Y-sơ-ra-ên bị bắt làm nô lệ ở Ai Cập cổ đại và chịu áp bức khắc nghiệt. Người Ê-díp-tô “gây cho đời dân ấy nên cay-đắng, vì nỗi khổ-sở nhồi đất, làm gạch”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:11, 14) Trong cơn gian truân, người Y-sơ-ra-ên cầu xin Đức Giê-hô-va cứu giúp. Đức Chúa Trời đầy lòng trắc ẩn đã đáp ứng thế nào?

8 Đức Giê-hô-va động lòng thương xót. Ngài phán: “Ta đã thấy rõ-ràng sự cực-khổ của dân ta tại xứ Ê-díp-tô, và có nghe thấu tiếng kêu-rêu vì cớ người đốc-công của nó; phải, ta biết  được nỗi đau-đớn của nó”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:7) Chứng kiến sự đau khổ hoặc nghe tiếng kêu than của dân Ngài, Đức Giê-hô-va không khỏi cảm thương họ. Như chúng ta đã thấy trong Chương 24 của sách này, Đức Giê-hô-va là một Đức Chúa Trời có lòng thấu cảm. Lòng thấu cảm—tức khả năng cảm nhận nỗi đau của người khác—tương tự như lòng trắc ẩn. Nhưng Đức Giê-hô-va không chỉ cảm thương dân Ngài; lòng trắc ẩn thôi thúc Ngài hành động vì dân Ngài. Ê-sai 63:9 nói: “Ngài đã lấy lòng yêu-đương thương-xót mà chuộc họ”. Bằng “cánh tay quyền-năng”, Đức Giê-hô-va đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi nước Ê-díp-tô. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:34) Sau đó, Ngài cung cấp đồ ăn bằng phép lạ và đem họ vào một vùng đất màu mỡ.

9, 10. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va nhiều lần giải cứu dân Y-sơ-ra-ên sau khi họ đã định cư ở Đất Hứa? (b) Trong thời của Giép-thê, Đức Giê-hô-va giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi sự áp bức nào, và điều gì thôi thúc Ngài làm thế?

9 Lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va không ngừng lại ở đấy. Khi đã định cư ở Đất Hứa, dân Y-sơ-ra-ên nhiều lần sa vào sự bất trung và do đó gánh chịu đau khổ. Nhưng rồi họ tỉnh ngộ và kêu cầu Đức Giê-hô-va. Hết lần này đến lần khác, Ngài giải cứu họ. Tại sao vậy? “Vì [Ngài] có lòng thương-xót dân-sự”.—2 Sử-ký 36:15; Các Quan Xét 2:11-16.

10 Hãy xem xét những việc diễn ra trong thời của Giép-thê. Vì dân Y-sơ-ra-ên bỏ Ngài và thờ các thần giả nên Đức Giê-hô-va để cho dân Am-môn áp bức họ trong 18 năm. Cuối cùng, dân Y-sơ-ra-ên ăn năn. Kinh Thánh cho chúng ta biết: “Họ bèn cất khỏi giữa mình các tà-thần, rồi trở lại phục-sự Đức Giê-hô-va; lòng Ngài buồn-rầu về sự khốn-khổ của Y-sơ-ra-ên”. (Các Quan Xét 10:6-16) Khi dân Ngài biểu lộ lòng ăn năn thành thật, Đức Giê-hô-va không thể chịu đựng nữa khi thấy họ đau khổ . Vì vậy Đức Chúa Trời, Đấng đầy lòng trắc ẩn dịu dàng, đã ban cho Giép-thê quyền giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay kẻ thù.—Các Quan Xét 11:30-33.

11. Qua cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên chúng ta rút ra được bài học nào về lòng trắc ẩn?

 11 Cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên dạy chúng ta bài học gì về lòng trắc ẩn dịu dàng? Trước hết, chúng ta thấy lòng trắc ẩn không phải chỉ là ý thức thông cảm cảnh ngộ đáng thương mà người khác phải chịu. Hãy nhớ lại ví dụ về người mẹ, lòng trắc ẩn thôi thúc bà đáp ứng khi nghe tiếng khóc của đứa con. Tương tự thế, Đức Giê-hô-va không dửng dưng trước tiếng kêu cầu của dân Ngài. Lòng trắc ẩn thôi thúc Ngài giải tỏa nỗi đau khổ của họ. Ngoài ra, cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên dạy cho chúng ta biết rằng lòng trắc ẩn tuyệt nhiên không có nghĩa là yếu đuối, vì đức tính dịu dàng này thôi thúc Ngài hành động mạnh mẽ, quyết liệt vì dân Ngài. Nhưng có phải Đức Giê-hô-va chỉ biểu lộ lòng trắc ẩn đối với các tôi tớ Ngài như một tập thể chăng?

Lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va đối với từng cá nhân

12. Luật Pháp phản ánh lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va đối với từng cá nhân như thế nào?

12 Luật Pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên cho thấy lòng trắc ẩn của Ngài đối với từng cá nhân. Chẳng hạn, hãy xem xét lòng quan tâm của Ngài đối với người nghèo. Đức Giê-hô-va biết những hoàn cảnh bất trắc nảy sinh có thể đẩy một người Y-sơ-ra-ên vào cảnh nghèo khó. Người nghèo phải được đối xử ra sao? Đức Giê-hô-va nghiêm cấm dân Y-sơ-ra-ên: “Chớ cứng lòng nắm tay lại trước mặt anh em nghèo của mình đó. Ngươi phải giúp cho người, chớ cho mà có lòng tiếc; vì tại cớ ấy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ ban phước cho mọi công-việc của ngươi, và mọi điều ngươi đặt tay vào mà làm”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:7, 10) Ngoài ra, Đức Giê-hô-va còn ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên không được gặt lúa ở rìa chung quanh cánh đồng hay nhặt lúa còn sót lại. Việc mót lúa được dành cho người bất hạnh. (Lê-vi Ký 23:22; Ru-tơ  2:2-7) Khi cả nước tuân thủ luật lệ nhân đạo này được lập ra vì người nghèo trong vòng họ, những người nghèo túng ở Y-sơ-ra-ên không phải đi ăn xin. Luật ấy không phản ánh lòng trắc ẩn dịu dàng của Đức Giê-hô-va sao?

13, 14. (a) Làm thế nào những lời của Đa-vít trấn an chúng ta rằng Đức Giê-hô-va quan tâm sâu xa đến từng cá nhân? (b) Có thể minh họa thế nào việc Đức Giê-hô-va ở gần những người “có lòng đau-thương” hay “có tâm-hồn thống-hối”?

13 Ngày nay cũng thế, Đức Chúa Trời đầy yêu thương quan tâm sâu sắc đến từng cá nhân chúng ta. Chúng ta có thể vững tin rằng Ngài hiểu rõ bất cứ sự đau khổ nào mà chúng ta có thể trải qua. Người viết Thi-thiên Đa-vít ghi: “Mắt Đức Giê-hô-va đoái-xem người công-bình, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu-cầu của họ. Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối”. (Thi-thiên 34:15, 18) Nói về những người được đề cập trong lời này, một học giả Kinh Thánh bình luận: “Họ có lòng đau thương và ăn năn vì lầm lỗi, đồng thời không có lòng tự trọng; họ tự thấy mình thấp kém, và không tin nơi giá trị của chính mình”. Những người như thế có thể nghĩ rằng Đức Giê-hô-va ở quá xa và họ không đáng cho Ngài quan tâm đến. Nhưng không phải vậy. Những lời của Đa-vít làm chúng ta yên lòng; Đức Giê-hô-va không bỏ rơi những người “thấy mình thấp kém”. Đức Chúa Trời chúng ta đầy lòng trắc ẩn, biết rằng vào những lúc như thế chúng ta cần đến Ngài hơn bao giờ hết, và Ngài ở gần chúng ta.

14 Hãy xem xét một kinh nghiệm. Một người mẹ ở Hoa Kỳ vội chở ngay đứa con trai hai tuổi mắc bệnh bạch hầu nặng vào bệnh viện. Sau khi chẩn bệnh, các bác sĩ báo cho người mẹ biết họ phải giữ đứa bé lại qua đêm. Đêm đó người mẹ nghỉ ở đâu? Trên cái ghế trong phòng bệnh, ngay cạnh giường con! Con trai bé bỏng của bà mắc bệnh, nên bà nhất định phải ở gần con. Chắc chắn chúng ta có thể mong đợi nhiều hơn thế nữa nơi Cha yêu thương của  chúng ta ở trên trời! Xét cho cùng, chúng ta được tạo nên theo hình Ngài. (Sáng-thế Ký 1:26) Những lời cảm động nơi Thi-thiên 34:18 cho biết rằng khi chúng ta “có lòng đau-thương” hay “có tâm-hồn thống-hối”, tức thống khổ, thì Đức Giê-hô-va “ở gần”, giống như người cha yêu thương—luôn thương xót và sẵn sàng trợ giúp.

15. Đức Giê-hô-va giúp cá nhân chúng ta qua những cách nào?

15 Thế thì, Đức Giê-hô-va giúp mỗi cá nhân chúng ta như thế nào? Không nhất thiết là Ngài loại trừ nguyên nhân gây đau khổ cho chúng ta. Nhưng Đức Giê-hô-va cung cấp nhiều phương tiện để giúp những ai kêu cầu Ngài. Lời Ngài, tức Kinh Thánh, đưa ra những lời khuyên thiết thực có thể làm tình thế thay đổi. Trong hội thánh, Đức Giê-hô-va cung cấp những giám thị có khả năng thiêng liêng, họ nỗ lực phản ánh lòng trắc ẩn của Ngài trong việc giúp anh em đồng đức tin. (Gia-cơ 5:14, 15) Là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”, Ngài ‘ban thánh-linh cho người xin Ngài’. (Thi-thiên 65:2; Lu-ca 11:13) Thánh linh có thể truyền “sức lực vượt quá mức bình thường” cho chúng ta để chịu đựng cho đến khi Nước của Đức Chúa Trời loại trừ hết mọi vấn đề khó khăn. (2 Cô-rinh-tô 4:7, NW) Chúng ta không biết ơn về tất cả những sắp đặt này sao? Chúng ta chớ quên rằng những sắp đặt ấy là sự biểu hiện của lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va.

16. Thí dụ cao đẹp nhất về lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va là gì, và gương ấy ảnh hưởng thế nào đến cá nhân chúng ta?

16 Tất nhiên, thí dụ cao đẹp nhất về lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va là việc Ngài ban Con yêu quý nhất làm giá chuộc cho chúng ta. Đó là sự hy sinh đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va, và sự hy sinh ấy mở đường cho sự cứu rỗi chúng ta. Hãy nhớ rằng sự cung cấp giá chuộc đó áp dụng cho từng cá nhân. Xa-cha-ri, cha của Giăng Báp-tít, có lý do chính đáng khi nói tiên tri rằng sự cung cấp này đề cao “lòng trắc ẩn” của Đức Chúa Trời chúng ta.—Lu-ca 1:78, Tòa Tổng Giám Mục.

 Khi Đức Giê-hô-va rút lại lòng trắc ẩn

17-19. (a) Kinh Thánh cho thấy thế nào lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va không phải vô giới hạn? (b) Điều gì khiến lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va đối với dân Ngài có giới hạn?

17 Chúng ta có nên cho rằng lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va vô giới hạn không? Trái lại là đằng khác, Kinh Thánh cho thấy rõ trong trường hợp những người chống lại đường lối công bình của Ngài, Đức Giê-hô-va chính đáng rút lại lòng trắc ẩn. (Hê-bơ-rơ 10:28) Để thấy tại sao Ngài hành động như thế, hãy nhớ lại gương của nước Y-sơ-ra-ên.

18 Mặc dù Đức Giê-hô-va nhiều lần giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay kẻ thù, cuối cùng lòng thương xót của Ngài cũng có giới hạn. Dân ngoan cố này thờ hình tượng, thậm chí mang những hình tượng ghê tởm đó vào ngay trong đền thờ của Đức Giê-hô-va! (Ê-xê-chi-ên 5:11; 8:17, 18) Chúng ta được biết thêm: “Chúng nhạo-báng sứ-giả của Đức Chúa Trời, khinh-bỉ các lời phán Ngài, cười-nhạo những tiên-tri của Ngài, cho đến nỗi cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng dân-sự Ngài, chẳng còn phương chữa được”. (2 Sử-ký 36:16) Dân Y-sơ-ra-ên đã đi đến mức không còn có lý do chính đáng để mong hưởng lòng trắc ẩn, và họ khơi dậy cơn thịnh nộ công bình của Đức Giê-hô-va. Hậu quả là gì?

19 Đức Giê-hô-va không còn có thể thương xót dân Ngài nữa. Ngài tuyên bố: “Ta sẽ chẳng áy-náy, chẳng dè-nể, chẳng thương-xót, chẳng chi ngăn ta hủy-diệt chúng nó”. (Giê-rê-mi 13:14) Do đó, Giê-ru-sa-lem và đền thờ ở đó bị hủy diệt, và dân Y-sơ-ra-ên bị bắt lưu đày sang Ba-by-lôn. Thật thảm khốc biết bao khi những người tội lỗi phản nghịch đến mức Đức Chúa Trời không thể mở rộng lòng trắc ẩn được nữa!—Ca-thương 2:21.

20, 21. (a) Điều gì sẽ xảy ra trong thời chúng ta khi lòng trắc ẩn của Đức Chúa Trời đã đến mức giới hạn? (b) Sự cung cấp đầy trắc ẩn nào của Đức Giê-hô-va sẽ được bàn đến trong chương sau?

20 Thế còn ngày nay? Đức Giê-hô-va vẫn không thay đổi.  Vì lòng trắc ẩn, Ngài giao cho các Nhân Chứng của Ngài sứ mạng rao giảng “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời” cho dân trên khắp đất. (Ma-thi-ơ 24:14) Khi những người có lòng ngay thẳng hưởng ứng, Đức Giê-hô-va giúp họ hiểu thông điệp Nước Trời. (Công-vụ 16:14) Nhưng công việc này sẽ không kéo dài mãi. Khó có thể gọi là trắc ẩn nếu Đức Giê-hô-va cứ để cho thế gian độc ác này cùng với tất cả sự nghèo khó và đau khổ trong đó kéo dài vô hạn định. Khi lòng trắc ẩn của Đức Chúa Trời tới mức giới hạn, Đức Giê-hô-va sẽ đến để phán xét hệ thống này. Ngay cả lúc ấy, Ngài sẽ hành động vì lòng trắc ẩn—lòng trắc ẩn đối với “danh thánh” của Ngài và đối với các tôi tớ tận tụy của Ngài. (Ê-xê-chi-ên 36:20-23) Đức Giê-hô-va sẽ xóa bỏ sự gian ác và dẫn đến một thế giới mới công bình. Nói về kẻ ác, Đức Giê-hô-va phán: “Mắt ta cũng chẳng đoái-tiếc chúng nó, và ta không thương-xót; ta sẽ làm cho đường-lối chúng nó đổ lại trên đầu chúng nó”.—Ê-xê-chi-ên 9:10.

21 Cho đến khi ấy, Đức Giê-hô-va có lòng trắc ẩn đối với người ta, ngay cả đối với những người sắp bị hủy diệt. Những người tội lỗi chân thành ăn năn có thể hưởng lợi ích từ một trong các cung cấp đầy trắc ẩn nhất của Đức Giê-hô-va—sự tha thứ. Trong chương sau, chúng ta sẽ bàn về một số minh họa thật hay trong Kinh Thánh, cho thấy khi Đức Giê-hô-va tha thứ, Ngài tha thứ trọn vẹn.

^ đ. 3 Điều đáng chú ý là nơi Thi-thiên 103:13, động từ Hê-bơ-rơ ra·cham′ hàm ý lòng thương xót, tức lòng trắc ẩn, người cha biểu hiện đối với con cái.