Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 CHƯƠNG 28

“Chỉ có Ngài là trung tín”

“Chỉ có Ngài là trung tín”

1, 2. Tại sao có thể nói rằng Vua Đa-vít không lạ gì chuyện bất trung?

VUA ĐA-VÍT không lạ gì chuyện bất trung. Có một thời, triều đại ông hỗn loạn vì tràn ngập những âm mưu chống lại ông của các thành viên trong nước. Ngoài ra, Đa-vít còn bị những người thân thiết nhất phản bội. Hãy xem trường hợp Mi-canh, vợ đầu tiên của Đa-vít. Ban đầu bà “yêu-mến Đa-vít”, chắc chắn đã ủng hộ vương quyền của chồng. Tuy nhiên sau đó, bà bắt đầu ‘khinh-bỉ người trong lòng’, thậm chí xem Đa-vít “như một kẻ không ra gì”.—1 Sa-mu-ên 18:20; 2 Sa-mu-ên 6:16, 20.

2 Kế đến là A-hi-tô-phe, mưu sĩ thân cận của Đa-vít. Mưu của ông ấy được coi trọng như thể do chính Đức Giê-hô-va nói ra. (2 Sa-mu-ên 16:23) Nhưng, cuối cùng chính người cố vấn thân tín này đã phản bội và tham gia vào một cuộc phản loạn có tổ chức để chống lại Đa-vít. Và ai lại là kẻ chủ mưu? Chính Áp-sa-lôm, con trai Đa-vít! Con người đầy mưu mô này đã nắm cơ hội “dụ lấy lòng người Y-sơ-ra-ên”, tự lập mình làm người cạnh tranh ngôi báu. Khí thế cuộc phản loạn của Áp-sa-lôm lan nhanh, buộc Vua Đa-vít phải chạy trốn hầu bảo toàn mạng sống.—2 Sa-mu-ên 15:1-6, 12-17.

3. Đa-vít có sự tin cậy nào?

3 Không còn ai trung tín với Đa-vít sao? Trong suốt nghịch cảnh, Đa-vít biết quả có người trung tín. Đó là ai? Không ai khác hơn là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. “Với người trung tín, Chúa sẽ đối xử trung tín”, Đa-vít nói về Đức Giê-hô-va như thế. (2 Sa-mu-ên 22:26, NW) Thế nào là trung tín? Và Đức Giê-hô-va là hiện thân của đức tính cao quý này như thế nào?

Thế nào là trung tín?

4, 5. (a) Thế nào là “trung tín”? (b) Lòng trung tín khác với lòng trung thành như thế nào?

4 Lòng “trung tín” hiểu theo nghĩa dùng trong phần Kinh  Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, là lòng tử tế, yêu thương gắn bó không rời đối tượng cho đến khi thực hiện được mục tiêu liên quan đến đối tượng ấy. Lòng trung tín đòi hỏi nhiều hơn lòng trung thành. Suy cho cùng, một người có thể trung thành chỉ vì có ý thức về bổn phận. Ngược lại, trung tín bắt nguồn từ tình yêu thương. * Ngoài ra, từ ngữ “trung thành” cũng có thể áp dụng cho những vật vô tri. Chẳng hạn, người viết Thi-thiên nói mặt trăng “đứng giữa trời cao làm nhân chứng trung thành” vì nó xuất hiện đều đặn vào ban đêm. (Thi-thiên 89:37, [89:38, Tòa Tổng Giám Mục]) Nhưng không thể nói mặt trăng là trung tín. Tại sao? Bởi vì lòng trung tín là biểu hiện của tình yêu thương—một điều mà các vật vô tri không thể biểu lộ.

Mặt trăng được gọi là nhân chứng trung thành, nhưng chỉ những tạo vật sống, thông minh mới có thể thật sự phản ánh lòng trung tín của Đức Giê-hô-va

5 Hiểu theo nghĩa dùng trong Kinh Thánh, trung tín là tình cảm nồng hậu. Chính sự biểu hiện của nó cho thấy mối tương quan mật thiết giữa người biểu lộ đức tính ấy và người nhận. Lòng trung tín như thế không dao động. Không như sóng biển bị gió thổi đi đây đi đó. Ngược lại, lòng trung tín, tức lòng yêu thương trung tín, thì vững vàng và có sức mạnh để vượt qua trở ngại gay go nhất.

6. (a) Lòng trung tín hiếm như thế nào giữa con người, và Kinh Thánh cho biết gì về điều này? (b) Cách nào là tốt nhất để biết lòng trung tín bao hàm những gì, và tại sao?

 6 Công nhận là ngày nay hiếm khi thấy lòng trung tín. Quá nhiều lần, bạn thân “làm hại” nhau. Càng ngày chúng ta càng nghe nói nhiều về việc người hôn phối ruồng bỏ nhau. (Châm-ngôn 18:24; Ma-la-chi 2:14-16) Những hành động phụ bạc phổ biến đến mức chúng ta có thể lặp lại lời của nhà tiên tri Mi-chê: “Người tin-kính [“trung thành”, Trịnh Văn Căn] đã mất đi khỏi đất”. (Mi-chê 7:2) Dù con người thường không biểu lộ lòng yêu thương nhân từ, nhưng lòng trung tín là một trong những đặc điểm nổi bật của Đức Giê-hô-va. Thật thế, muốn biết lòng trung tín bao hàm những gì, tốt nhất là xem xét cách Đức Giê-hô-va biểu hiện khía cạnh cao cả này của tình yêu thương.

Lòng trung tín vô song của Đức Giê-hô-va

7, 8. Tại sao có thể nói rằng chỉ Đức Giê-hô-va là trung tín?

7 Kinh Thánh nói về Đức Giê-hô-va: “Chỉ có Ngài là trung tín”. (Khải-huyền 15:4, NW) Như thế có nghĩa gì? Chẳng phải là cả con người lẫn thiên sứ đã có những lần biểu lộ lòng trung tín nổi bật sao? (Gióp 1:1; Khải-huyền 4:8) Thế còn Chúa Giê-su Christ? Ngài không là đấng “thành tín” chính của Đức Chúa Trời sao? (Thi-thiên 16:10, Nguyễn Thế Thuấn) Thế thì, tại sao có thể nói rằng chỉ có Đức Giê-hô-va là trung tín?

8 Trước tiên, hãy nhớ rằng trung tín là một khía cạnh của tình yêu thương. Vì “Đức Chúa Trời sự yêu-thương”—Ngài chính là hiện thân của đức tính này—cho nên ai có thể biểu hiện lòng trung tín trọn vẹn bằng Đức Giê-hô-va? (1 Giăng 4:8, chúng tôi viết nghiêng). Thật vậy, thiên sứ và con người đều có thể phản ánh các đức tính của Đức Chúa Trời, nhưng chỉ Đức Giê-hô-va là trung tín tột bậc. Là “Đấng Thượng-cổ”, Ngài đã biểu hiện lòng yêu thương nhân từ lâu hơn bất cứ tạo vật nào dưới đất hay trên trời. (Đa-ni-ên 7:9) Vì vậy, Đức Giê-hô-va là tiêu biểu cho lòng trung tín. Ngài biểu lộ đức tính này  một cách mà không tạo vật nào có thể sánh được. Hãy xem xét một số thí dụ.

9. Đức Giê-hô-va “trung tín trong mọi công việc Ngài” như thế nào?

9 Đức Giê-hô-va “trung tín trong mọi công việc Ngài”. (Thi-thiên 145:17, NW) Theo cách nào? Thi-thiên 136 cung cấp câu trả lời. Một số hành động giải cứu của Đức Giê-hô-va đã được kể ra, gồm sự giải thoát phi thường đưa dân Y-sơ-ra-ên băng qua Biển Đỏ. Điều đáng lưu ý là mỗi câu thơ của bài Thi-thiên này đều nhấn mạnh: “Vì sự nhân-từ [tức lòng trung tín] Ngài còn đến đời đời”. Bài Thi-thiên này nằm trong phần “Câu hỏi để suy ngẫm” nơi trang 289. Đọc những câu thơ ấy, bạn hẳn thán phục nhiều cách khác nhau mà Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ lòng yêu thương nhân từ đối với dân Ngài. Thật vậy, Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng trung tín với những tôi tớ trung thành của Ngài bằng cách lắng nghe tiếng họ kêu cầu và hành động vào thời điểm qui định. (Thi-thiên 34:6) Lòng yêu thương trung tín của Đức Giê-hô-va đối với các tôi tớ Ngài không dao động miễn là họ vẫn giữ lòng trung tín với Ngài.

10. Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng trung tín như thế nào liên quan đến các tiêu chuẩn của Ngài?

10 Ngoài ra, Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng trung tín với các tôi tớ bằng cách giữ đúng những tiêu chuẩn của Ngài. Khác với một số người tính khí thất thường, bị chi phối bởi tính bốc đồng và cảm xúc, Đức Giê-hô-va không dao động quan điểm về điều đúng và điều sai. Qua hàng ngàn năm, Ngài vẫn không thay đổi quan điểm về thuật thông linh, thờ hình tượng và giết người. Ngài nói qua tiên tri Ê-sai: “Cho đến khi các ngươi già nua tuổi tác, trước sau gì Ta vẫn là Ta”. (Ê-sai 46:4, TTGM) Vì vậy, chúng ta vững tin rằng khi theo những hướng dẫn rõ ràng về đạo đức trong Lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ nhận được lợi ích.—Ê-sai 48:17-19.

11. Hãy đưa ra những thí dụ để chứng minh rằng Đức Giê-hô-va trung tín giữ lời hứa.

11 Đức Giê-hô-va cũng biểu lộ lòng trung tín bằng cách giữ lời hứa. Khi Ngài báo trước điều gì, điều đó tất ứng nghiệm. Vì thế, Ngài phán: “Lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng  ta, thì chẳng trở về luống-nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận-lợi công-việc ta đã sai-khiến nó”. (Ê-sai 55:11) Bằng cách trung tín giữ lời hứa, Đức Giê-hô-va biểu hiện lòng trung tín đối với dân tộc Ngài. Ngài không để cho họ nóng lòng mong đợi một điều mà Ngài không chủ tâm thực hiện. Về phương diện này, Đức Giê-hô-va có tiếng là hoàn hảo, tôi tớ Ngài là Giô-suê đã có thể nói: “Trong các lời lành mà Đức Giê-hô-va đã phán cho nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào là không thành: thảy đều ứng-nghiệm hết”. (Giô-suê 21:45) Vậy có thể vững tin rằng chúng ta sẽ không bao giờ thất vọng vì Đức Giê-hô-va không thực hiện lời hứa của Ngài.—Ê-sai 49:23; Rô-ma 5:5.

12, 13. Tình yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va “còn đến đời đời” qua những cách nào?

12 Như đã nói ở trên, Kinh Thánh cho biết tình yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va “còn đến đời đời”. (Thi-thiên 136:1) Như thế nghĩa là sao? Trước hết, khi Đức Giê-hô-va tha thứ tội lỗi có nghĩa là tha thứ vĩnh viễn. Như đã bàn trong Chương 26, khi Đức Giê-hô-va tha thứ những lỗi lầm trong quá khứ của một người, Ngài không nhắc đến nữa. Vì “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”, nên mỗi người chúng ta phải biết ơn rằng tình yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va còn đến đời đời.—Rô-ma 3:23.

13 Nhưng tình yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va kéo dài đến đời đời theo nghĩa khác nữa. Lời Ngài nói rằng người công bình “như cây trồng gần dòng nước, sanh bông-trái theo thì-tiết, lá nó cũng chẳng tàn-héo; mọi sự người làm đều sẽ thạnh-vượng”. (Thi-thiên 1:3) Hãy hình dung một cây, cành lá sum sê không bao giờ tàn héo! Cũng như vậy, nếu chân thật yêu thích Lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ sống lâu, bình yên và thịnh vượng. Những ân phước mà Đức Giê-hô-va vì lòng trung tín, ban cho các tôi tớ trung thành của Ngài sẽ kéo dài mãi mãi. Quả thật, trong thế giới mới công bình mà Đức Giê-hô-va sẽ lập, loài người biết vâng lời sẽ hưởng tình yêu thương nhân từ của Ngài cho đến vô tận.—Khải-huyền 21:3, 4.

 Đức Giê-hô-va ‘không từ-bỏ người trung tín của Ngài’

14. Đức Giê-hô-va biểu lộ sự cảm kích đối với lòng trung tín của tôi tớ Ngài bằng cách nào?

14 Đức Giê-hô-va thường biểu lộ lòng trung tín của Ngài. Vì Đức Giê-hô-va hoàn toàn trước sau như một, nên lòng trung tín Ngài biểu lộ đối với những tôi tớ trung thành không bao giờ suy giảm. Người viết Thi-thiên nói: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công-bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn-mày. Vì Đức Giê-hô-va chuộng sự công-bình, không từ-bỏ người thánh của Ngài [‘những ai thành tín với Ngài’, NTT]”. (Thi-thiên 37:25, 28) Đúng vậy, là Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va xứng đáng được chúng ta thờ phượng. (Khải-huyền 4:11) Tuy nhiên, vì trung tín nên Đức Giê-hô-va quý trọng những hành động trung thành của chúng ta.—Ma-la-chi 3:16, 17.

15. Hãy giải thích cách đối xử của Đức Giê-hô-va với dân Y-sơ-ra-ên làm nổi bật lòng trung tín của Ngài như thế nào.

15 Vì lòng yêu thương nhân từ, Đức Giê-hô-va nhiều lần giải cứu dân Ngài khỏi cơn nguy hiểm. Người viết Thi-thiên cho chúng ta biết: “Ngài bảo-hộ linh-hồn của các thánh Ngài [‘những ai thành tín với Ngài’, NTT], và giải-cứu họ khỏi tay kẻ dữ”. (Thi-thiên 97:10) Hãy xem xét cách Ngài đối xử với dân Y-sơ-ra-ên. Sau khi được giải thoát bằng phép lạ qua Biển Đỏ, dân Y-sơ-ra-ên đã công bố về Đức Giê-hô-va trong một bài ca: “Ngài lấy lòng thương-xót dìu-dắt dân nầy mà Ngài đã chuộc lại”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:13) Chắc chắn việc giải cứu tại Biển Đỏ là hành động thương xót, tức yêu thương trung tín, của Đức Giê-hô-va. Vì vậy Môi-se đã nói với người Y-sơ-ra-ên: “Đức Giê-hô-va tríu-mến và chọn lấy các ngươi, chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi dân khác đâu; thật số các ngươi là ít hơn những dân khác. Nhưng ấy vì Đức Giê-hô-va thương-yêu các ngươi, và giữ lời thề mà Ngài đã lập cùng tổ-phụ các ngươi, nên Đức Giê-hô-va nhờ tay mạnh rút các ngươi ra, chuộc khỏi nhà nô-lệ, và cứu khỏi tay Pha-ra-ôn, vua xứ Ê-díp-tô”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:7, 8.

16, 17. (a) Dân Y-sơ-ra-ên đã bộc lộ lòng vô ơn trắng trợn nào, song Đức Giê-hô-va đã biểu hiện lòng trắc ẩn ra sao đối với họ? (b) Hầu hết dân Y-sơ-ra-ên cho thấy họ “chẳng còn phương chữa được” như thế nào, và điều này cho chúng ta gương khuyến cáo nào?

 16 Dĩ nhiên, tập thể người Y-sơ-ra-ên đã không biểu lộ lòng biết ơn đối với tình yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va vì sau khi được giải cứu, “họ cứ phạm tội cùng Ngài, phản-nghịch cùng Đấng Chí-Cao trong đồng vắng”. (Thi-thiên 78:17) Qua hàng thế kỷ, họ nhiều lần phản nghịch, bỏ Đức Giê-hô-va mà thờ các thần giả và tham gia những thói tục ngoại giáo, là những điều vô ích chỉ mang lại ô uế mà thôi. Tuy vậy, Đức Giê-hô-va không hủy bỏ giao ước của Ngài. Trái lại, qua tiên tri Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va kêu gọi dân Ngài: “Hỡi Y-sơ-ra-ên bội-nghịch, hãy trở về! Ta sẽ không lấy nét mặt giận nhìn ngươi đâu, vì ta hay thương-xót [“vì ta trung tín”, NW]”. (Giê-rê-mi 3:12) Tuy vậy, như đã bàn trong Chương 25, hầu hết người Y-sơ-ra-ên đã không chịu thay đổi. Thực tế, họ “nhạo-báng sứ-giả của Đức Chúa Trời, khinh-bỉ các lời phán Ngài, cười-nhạo những tiên-tri của Ngài”. Hậu quả là gì? Cuối cùng “cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng dân-sự Ngài, chẳng còn phương chữa được”.—2 Sử-ký 36:15, 16.

17 Chúng ta rút ra được bài học nào? Ấy là Đức Giê-hô-va không trung tín cách mù quáng cũng không mắc lừa. Đúng là Đức Giê-hô-va “đầy-dẫy ân-huệ”, tức đầy dẫy lòng yêu thương nhân từ, và vui thích biểu lộ lòng thương xót khi có lý do. Nhưng nếu người phạm tội chứng tỏ là người gian ác bất trị thì sao? Trong trường hợp như thế, Đức Giê-hô-va tuân thủ những tiêu chuẩn công bình của chính Ngài và trừng phạt. Như Môi-se đã nói, Đức Giê-hô-va “chẳng kể kẻ có tội là vô-tội”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7.

18, 19. (a) Tại sao việc Đức Giê-hô-va trừng phạt người ác tự nó là một hành động trung tín? (b) Bằng cách nào Đức Giê-hô-va sẽ biểu lộ lòng trung tín đối với những tôi tớ Ngài đã bị bắt bớ cho đến chết?

18 Sự trừng phạt của Đức Chúa Trời đối với người ác tự nó là một hành động trung tín. Như thế nghĩa là sao? Chúng  ta thấy một bằng chứng trong sách Khải-huyền, trong mệnh lệnh Đức Giê-hô-va truyền cho bảy thiên sứ: “Hãy đi, trút bảy bát thạnh-nộ của Đức Chúa Trời xuống đất”. Khi vị thiên sứ thứ ba “trút bát mình xuống các sông cùng các suối nước” thì nước hóa thành huyết. Rồi thiên sứ nói với Đức Giê-hô-va rằng: “Hỡi Đấng hiện có, đã có, tức là Đấng Thánh [“Đấng trung tín”, “NW”], Ngài là công-bình, vì Ngài đã phán-xét thể nầy; bởi vì chúng nó đã làm đổ huyết của các thánh-đồ cùng của các đấng tiên-tri, và Ngài đã cho chúng nó uống huyết: Thật là đáng lắm”.—Khải-huyền 16:1-6.

Đức Giê-hô-va sẽ trung tín nhớ đến và làm sống lại những người đã trung tín cho đến chết

19 Hãy lưu ý rằng giữa lúc tuyên bố thông điệp phán xét, vị thiên sứ nói Đức Giê-hô-va là “Đấng trung tín”. Tại sao? Bởi vì khi tiêu diệt kẻ ác, Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng trung tín đối với tôi tớ của Ngài, nhiều người trong số đó bị bắt bớ cho đến chết. Biểu lộ lòng trung tín, Đức Giê-hô-va giữ hình ảnh những người này rất sống động trong ký ức. Ngài mong mỏi gặp lại những người trung thành đã chết, và Kinh Thánh xác nhận rằng Ngài có ý định ban thưởng cho họ sự sống lại. (Gióp 14:14, 15) Đức Giê-hô-va không quên những tôi tớ trung tín của Ngài chỉ vì họ không còn sống. Ngược lại, ‘vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống’. (Lu-ca 20:37, 38, TTGM)  Việc Đức Giê-hô-va có ý định làm sống lại những người trong ký ức Ngài là bằng chứng mạnh mẽ về lòng trung tín của Ngài.

Bernard Luimes (hình trái) và Wolfgang Kusserow (hình giữa) đã bị bọn Quốc Xã hành hình

Moses Nyamussua (hình phải) đã bị một phe nhóm chính trị đâm chết bằng giáo

Lòng yêu thương trung tín mở đường cho sự cứu rỗi

20. Ai là “những bình đáng thương-xót”, và Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng trung tín như thế nào đối với họ?

20 Trong suốt lịch sử, Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng trung tín phi thường đối với những người trung thành. Thực vậy, trong nhiều ngàn năm, Đức Giê-hô-va “đã lấy lòng khoan-nhẫn lớn chịu những bình đáng giận sẵn cho sự hư-mất”. Tại sao? “Để cũng làm cho biết sự giàu-có của vinh-hiển Ngài bởi những bình đáng thương-xót mà Ngài đã định sẵn cho sự vinh-hiển”. (Rô-ma 9:22, 23) Những “bình đáng thương-xót” này là những người có lòng hướng thiện, được xức dầu bằng thánh linh để cùng kế tự với Đấng Christ trong Nước  Trời của ngài. (Ma-thi-ơ 19:28) Bằng cách mở ra con đường cứu rỗi cho những bình đáng thương xót, Đức Giê-hô-va giữ sự trung tín đối với Áp-ra-ham, người mà Ngài đã lập một giao ước như sau: “Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước”.—Sáng-thế Ký 22:18.

Vì lòng trung tín của Đức Giê-hô-va, tất cả tôi tớ trung thành của ngài có một hy vọng đáng tin cậy cho tương lai

21. (a) Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng trung tín qua cách nào đối với đám đông “vô-số người” có triển vọng thoát khỏi “cơn đại-nạn”? (b) Lòng trung tín của Đức Giê-hô-va thôi thúc chúng ta làm điều gì?

21 Đức Giê-hô-va cũng biểu lộ lòng trung tín tương tự đối với đám đông “vô-số người” có triển vọng thoát khỏi “cơn đại-nạn” và sống đời đời trong địa đàng. (Khải-huyền 7:9, 10, 14) Dù những tôi tớ Ngài bất toàn, Đức Giê-hô-va trung tín ban cho họ cơ hội sống vĩnh cửu trong địa đàng. Ngài làm thế bằng cách nào? Bằng giá chuộc—biểu hiện lớn nhất của lòng trung tín của Đức Giê-hô-va. (Giăng 3:16; Rô-ma 5:8) Lòng trung tín của Đức Giê-hô-va thu hút những người có lòng khao khát sự công bình. (Giê-rê-mi 31:3) Bạn có cảm thấy gần gũi hơn với Đức Giê-hô-va vì lòng trung tín sâu đậm Ngài đã và sẽ còn biểu lộ không? Vì ao ước đến gần Đức Chúa Trời, mong sao chúng ta đáp lại tình yêu thương của Ngài bằng cách củng cố quyết tâm phụng sự Ngài một cách trung tín.

^ đ. 4 Điều đáng chú ý là trong Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới từ “trung tín” nơi 2 Sa-mu-ên 22:26 được dịch ở những chỗ khác là “yêu thương nhân từ” hay “yêu thương trung tín”.