Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG MƯỜI BỐN

Cùng sống đến già

Cùng sống đến già

1, 2. a) Khi đến tuổi già, người ta có những sự thay đổi nào? b) Làm sao những người tin kính Đức Chúa Trời trong thời Kinh-thánh được viết ra có sự mãn nguyện trong tuổi già?

KHI về già, chúng ta có nhiều thay đổi. Thân thể suy yếu mất dần sinh lực. Nhìn trong gương thì thấy những nếp nhăn mới và tóc bạc dần—ngay cả hói nữa. Trí nhớ của chúng ta có lẽ kém đi. Chúng ta có thêm những mối liên hệ mới khi con cái kết hôn và khi có cháu. Đối với một số người, việc về hưu khiến họ có một lối sống khác.

2 Thật ra, tuổi già có thể có nhiều khó khăn (Truyền-đạo 12:1-8). Tuy nhiên, hãy xem tôi tớ Đức Chúa Trời trong thời Kinh-thánh được viết ra. Mặc dù cuối cùng họ phải chết, nhưng họ có được cả sự khôn ngoan lẫn hiểu biết, là những điều đem lại cho họ nhiều mãn nguyện trong tuổi già (Sáng-thế Ký 25:8; 35:29; Gióp 12:12; 42:17). Làm sao họ vui vẻ khi về già? Chắc chắn là nhờ sống phù hợp với những nguyên tắc được ghi lại trong Kinh-thánh mà chúng ta thấy ngày nay (Thi-thiên 119:105; II Ti-mô-thê 3:16, 17).

3. Phao-lô cho người già cả lời khuyên nào?

3 Trong thư viết cho Tít, sứ đồ Phao-lô có lời hướng dẫn khôn ngoan cho những người ngày càng lớn tuổi. Ông viết: “Những người già-cả phải tiết-độ, nghiêm-trang, khôn-ngoan, có đức-tin, lòng yêu-thương và tánh nhịn-nhục vẹn-lành. Các bà già cũng vậy, phải có thái-độ hiệp với sự thánh; đừng nói xấu, đừng uống rượu quá độ; phải lấy điều khôn-ngoan dạy-bảo” (Tít 2:2, 3). Làm theo những lời này có thể giúp bạn đương đầu với sự thử thách khi về già.

THÍCH NGHI VỚI VIỆC CON CÁI TỰ LẬP

4, 5. Nhiều bậc cha mẹ phản ứng ra sao khi con cái rời gia đình, và một số thích nghi với hoàn cảnh mới như thế nào?

4 Việc thay đổi vai trò đòi hỏi người ta phải thích nghi. Điều này đúng biết bao khi con cái trưởng thành rời gia đình và kết hôn! Đối với nhiều bậc cha mẹ, đây là điều đầu tiên nhắc nhở họ là họ đã bắt đầu già. Dù vui mừng khi thấy con cái đến tuổi trưởng thành, nhưng cha mẹ thường lo lắng không biết mình đã làm hết sức chưa để chuẩn bị cho con có đời sống tự lập. Và họ có lẽ cảm thấy nhớ nhung con cái.

5 Việc cha mẹ tiếp tục lo lắng cho hạnh phúc của con, dù con đã ở riêng, là điều dễ hiểu. Một bà mẹ nói: “Chỉ cần được nghe con cái thường xuyên, để biết là chúng an toàn, vậy là tôi đủ vui rồi”. Một người cha kể: “Lúc con gái chúng tôi dọn ra riêng là lúc thật khó khăn. Chúng tôi cảm thấy có một khoảng trống lớn trong gia đình bởi vì trước kia việc gì chúng tôi cũng hay làm với nhau”. Những bậc cha mẹ này đối phó với việc con cái vắng mặt trong nhà như thế nào? Trong nhiều trường hợp, họ có thể tỏ lòng quan tâm và giúp đỡ người khác.

6. Điều gì có thể giúp những mối liên hệ trong gia đình theo đúng thứ tự?

6 Khi con cái kết hôn, vai trò của cha mẹ thay đổi. Sáng-thế Ký 2:24 nói: “Người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt”. Nhận biết nguyên tắc của Đức Chúa Trời về vấn đề làm đầu và trật tự gia đình sẽ giúp cha mẹ giữ mọi việc theo đúng thứ tự (I Cô-rinh-tô 11:3; 14:33, 40).

7. Một người cha vun trồng thái độ tốt nào khi các con gái ông rời nhà để lập gia đình?

7 Một cặp vợ chồng cảm thấy đời sống có một khoảng trống sau khi hai con gái lấy chồng và dọn đi. Mới đầu, người chồng giận hai con rể mình. Nhưng khi nhớ lại nguyên tắc làm đầu, ông ý thức được rằng hai người con rể giờ đây phải gánh trách nhiệm trong gia đình riêng của họ. Vì vậy, khi con gái xin lời khuyên của ông, ông hỏi con xem người chồng nghĩ gì và rồi ông cố gắng ủng hộ con rể. Giờ đây hai con rể xem ông là bạn và sẵn sàng nghe ông khuyên nhủ.

8, 9. Một số bậc cha mẹ làm gì để thích nghi với sự tự lập của con cái đã trưởng thành?

8 Còn những cặp mới lấy nhau, dù không làm điều gì trái với Kinh-thánh, nhưng không làm điều cha mẹ nghĩ là tốt nhất thì sao? Một cặp vợ chồng có con đã kết hôn giải thích: “Chúng tôi luôn giúp con cái hiểu quan điểm của Đức Giê-hô-va, nhưng nếu chúng tôi không đồng ý với quyết định của chúng, chúng tôi cũng chấp nhận và ủng hộ và khuyến khích chúng”.

9 Trong vài xứ tại Á châu, một số người mẹ đặc biệt thấy khó chấp nhận sự tự lập của các con trai họ. Tuy nhiên, nếu họ tôn trọng trật tự và quyền làm đầu theo đạo đấng Christ, họ sẽ thấy bớt xích mích với con dâu. Một nữ tín đồ đấng Christ thấy “càng ngày càng quí” việc các con trai chị dọn ra riêng. Chị vui mừng khi thấy con cái có khả năng quán xuyến gia đình mới của họ. Và điều này có nghĩa là vợ chồng chị được nhẹ bớt gánh nặng thể xác và tinh thần mà hai người phải gánh vác trong lúc về già.

LÀM VỮNG LẠI TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG

10, 11. Lời khuyên nào trong Kinh-thánh sẽ giúp người ta tránh một số cạm bẫy trong tuổi trung niên?

10 Người ta phản ứng khác nhau khi đến tuổi trung niên. Một số người đàn ông đổi cách ăn mặc để trông trẻ hơn. Nhiều người đàn bà lo lắng về những sự thay đổi trong thời kỳ mãn kinh. Điều đáng buồn là một số người ở tuổi trung niên làm người hôn phối buồn giận và ghen tức bằng cách tán tỉnh, ve vãn người khác phái trẻ tuổi hơn. Tuy nhiên, người đàn ông lớn tuổi tin kính Đức Chúa Trời phải “khôn-ngoan”, chế ngự những ham muốn không chính đáng (I Phi-e-rơ 4:7). Các người đàn bà đứng tuổi cũng vậy, phải cố duy trì hôn nhân cho được bền vững, vì yêu chồng và mong muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va.

11 Dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời, Vua Lê-mu-ên ghi chép lời ca ngợi “người nữ tài-đức”, là người “trọn đời... làm cho chồng được ích-lợi, chớ chẳng hề sự tổn-hại”. Người chồng theo đạo đấng Christ sẽ thông cảm sự kiện vợ mình phải cố sức đương đầu với bất cứ sự xáo trộn nào về mặt cảm xúc trong tuổi trung niên. Tình yêu thương sẽ khiến anh ‘khen-ngợi chị’ (Châm-ngôn 31:10, 12, 28).

12. Làm sao vợ chồng có thể gần gũi nhau hơn khi năm tháng trôi qua?

12 Trong những năm bận rộn nuôi con, vợ chồng bạn có lẽ sẵn lòng bỏ những ước muốn riêng của mình sang một bên để lo cho nhu cầu của con cái. Sau khi con cái dọn ra riêng, đó là lúc bạn trở lại tập trung vào đời sống vợ chồng của bạn. Một người chồng nói: “Khi các con gái tôi rời nhà, tôi bắt đầu tìm hiểu vợ tôi trở lại”. Một người chồng khác nói: “Chúng tôi chú ý đến sức khỏe của nhau và nhắc nhở nhau việc cần tập thể dục”. Vậy để không cảm thấy cô đơn, anh và vợ anh tiếp đãi những người khác trong hội thánh. Đúng vậy, tỏ lòng chú ý đến những người khác mang lại nhiều ân phước. Hơn nữa, điều này làm vui lòng Đức Giê-hô-va (Phi-líp 2:4; Hê-bơ-rơ 13:2, 16).

13. Sự cởi mở và thẳng thắn đóng vai trò nào khi cả hai vợ chồng về già?

13 Bạn và vợ bạn chớ để sự khó khăn xảy ra trong việc trò chuyện. Hãy nói chuyện với nhau một cách cởi mở (Châm-ngôn 17:27). Một người chồng nói: “Chúng tôi càng hiểu nhau hơn nhờ quan tâm và ân cần với nhau”. Vợ anh đồng ý, nói rằng: “Càng lớn tuổi, chúng tôi càng thích ngồi uống trà, trò chuyện và hợp tác với nhau”. Việc bạn cởi mở và thẳng thắn có thể giúp thắt chặt tình nghĩa vợ chồng của bạn, làm mối liên hệ đó được vững chắc để chống lại sự tấn công của Sa-tan, kẻ phá vỡ hôn nhân.

VUI VỚI ĐÀN CHÁU

14. Bà ngoại của Ti-mô-thê dường như có vai trò nào trong việc dạy ông trở thành tín đồ đấng Christ?

14 Đàn cháu là “mão triều-thiên” của người già (Châm-ngôn 17:6). Có các cháu ở cạnh có thể thật sự là điều thích thú—sống động và vui tươi. Kinh-thánh khen Lô-ít, là bà ngoại, cùng với con gái bà là Ơ-nít, đã chia sẻ niềm tin cho cháu trai là Ti-mô-thê từ lúc còn thơ ấu. Người trẻ này lớn lên biết rằng cả mẹ lẫn bà ngoại đã xem trọng lẽ thật của Kinh-thánh (II Ti-mô-thê 1:5; 3:14, 15).

15. Đối với các cháu, ông bà có thể góp phần quí giá nào, nhưng nên tránh điều gì?

15 Thế thì, đây là một phương diện đặc biệt mà ông bà có thể góp phần quí báu nhất. Hỡi các bậc làm ông bà, bạn đã từng chia sẻ sự hiểu biết về ý định Đức Giê-hô-va với con cái bạn. Bây giờ bạn cũng có thể làm giống như vậy với một thế hệ khác! Nhiều trẻ nhỏ rất thích thú được nghe ông bà kể những câu chuyện Kinh-thánh. Dĩ nhiên, bạn không giành lấy trách nhiệm của cha chúng trong việc dạy con cái lẽ thật của Kinh-thánh (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7). Đúng hơn là bạn bổ túc trách nhiệm của người cha. Mong rằng lời cầu nguyện của bạn cũng giống như của người viết thi thiên: “Hỡi Đức Chúa Trời, dầu khi tôi đã già và tóc bạc rồi, xin chớ bỏ tôi, cho đến chừng tôi đã truyền ra cho dòng-dõi sau sức-lực của Chúa, và quyền-thế Chúa cho mỗi người sẽ đến” (Thi-thiên 71:18; 78:5, 6).

16. Làm sao ông bà có thể tránh trở thành nguyên nhân gây căng thẳng trong gia đình?

16 Điều đáng buồn là một số ông bà quá nuông chiều các cháu khiến cho ông bà và cha mẹ các cháu có sự căng thẳng. Tuy nhiên, tính nhân hậu thành thật của bạn sẽ có thể làm cho các cháu dễ tâm sự với bạn khi chúng không cảm thấy muốn thổ lộ vấn đề với cha mẹ chúng. Đôi khi những người trẻ hy vọng rằng ông bà hay nuông chiều cháu sẽ bênh vực chúng chống lại cha mẹ. Vậy thì phải làm gì? Hãy dùng sự khôn ngoan và khuyến khích các cháu cởi mở với cha mẹ chúng. Bạn có thể giải thích rằng điều này làm Đức Giê-hô-va vui lòng (Ê-phê-sô 6:1-3). Nếu cần, bạn có thể tình nguyện mở đường cho các cháu bằng cách nói cho cha mẹ chúng biết vấn đề trước. Hãy thẳng thắn với các cháu về những kinh nghiệm bạn rút tỉa được trong nhiều năm qua. Sự chân thật và thẳng thắn của bạn có thể có lợi cho chúng.

THÍCH NGHI KHI VỀ GIÀ

17. Người viết thi thiên có sự quyết tâm nào mà các tín đồ lớn tuổi nên noi theo?

17 Năm tháng trôi qua, bạn thấy mình không thể làm được tất cả những gì trước kia mình thường làm hoặc tất cả những gì mình muốn nữa. Làm sao một người chấp nhận và đối phó với tuổi già? Trong tâm trí, bạn có lẽ cảm thấy mình mới 30 tuổi, nhưng khi liếc nhìn trong gương, bạn thấy một thực tại khác hẳn. Chớ nên chán nản. Người viết thi thiên nài xin Đức Giê-hô-va: “Xin Chúa chớ từ-bỏ tôi trong thì già-cả; cũng đừng lìa-khỏi tôi khi sức tôi hao-mòn”. Hãy kiên quyết noi theo sự quyết tâm của người viết thi thiên. Ông nói: “Tôi sẽ trông-cậy luôn luôn, và ngợi-khen Chúa càng ngày càng thêm” (Thi-thiên 71:9, 14).

18. Một tín đồ đấng Christ thành thục có thể dùng thời gian hưu trí một cách có giá trị như thế nào?

18 Nhiều người chuẩn bị trước để ca ngợi Đức Giê-hô-va nhiều hơn sau khi họ về hưu. Một người cha giờ đây đã về hưu giải thích: “Tôi tính trước những gì mình sẽ làm khi con gái chúng tôi ra trường. Tôi nhất định bắt đầu thánh chức rao giảng trọn thời gian, và bán cơ sở làm ăn của tôi để được rảnh rang phụng sự Đức Giê-hô-va trọn vẹn hơn. Tôi cũng đã cầu nguyện xin Đức Chúa Trời hướng dẫn”. Nếu bạn gần đến tuổi về hưu, hãy yên tâm vì Đấng Tạo hóa Vĩ đại của chúng ta tuyên bố: “Cho đến chừng các ngươi già-cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng-ẵm các ngươi” (Ê-sai 46:4).

19. Có lời khuyên nào cho những người ngày càng già?

19 Thích ứng với việc về hưu không phải là dễ. Sứ đồ Phao-lô khuyên người già cả “phải tiết-độ”. Điều này đòi hỏi phải có sự kiềm chế nói chung, không xuôi theo khuynh hướng tìm một đời sống nhàn rỗi. Sau khi về hưu, có thể họ cần có một lề thói và kỷ luật tự giác nhiều hơn lúc trước. Thế thì hãy bận rộn, “hãy làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn, vì biết rằng công-khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô-ích đâu” (I Cô-rinh-tô 15:58). Hãy mở rộng thêm các hoạt động để giúp người khác (II Cô-rinh-tô 6:13). Nhiều tín đồ đấng Christ làm điều này bằng cách sốt sắng rao giảng tin mừng theo sức lực và tuổi tác của mình. Khi về già, hãy “có đức-tin, lòng yêu-thương và tánh nhịn-nhục vẹn-lành” (Tít 2:2).

ĐỐI PHÓ VỚI VIỆC MẤT ĐI NGƯỜI HÔN PHỐI

20, 21. a) Trong hệ thống mọi sự hiện tại, điều gì cuối cùng chia rẽ một cặp vợ chồng? b) Bà An-ne cho những người góa bụa đau buồn một gương tốt nào?

20 Một sự thật đáng buồn là trong hệ thống mọi sự hiện tại, vợ chồng cuối cùng phải chia tay nhau vì một người qua đời. Những tín đồ đấng Christ đã mất người hôn phối biết rằng người thân giờ đây đang ngủ, và họ tin tưởng rằng sẽ được gặp lại người đó (Giăng 11:11, 25). Nhưng sự mất mát này vẫn là chuyện đau buồn. Làm sao người còn sống có thể đối phó với vấn đề này? *

21 Nhớ lại một người trong Kinh-thánh đã làm gì sẽ giúp bạn. Bà An-ne trở thành quả phụ sau khi lấy chồng được bảy năm, và khi chúng ta đọc về bà, bà đã được 84 tuổi. Chúng ta có thể chắc chắn là bà rất đau buồn khi chồng qua đời. Bà đối phó với vấn đề ra sao? Bà cứ ngày đêm hầu việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời trong đền thờ (Lu-ca 2:36-38). Đời sống hầu việc Đức Chúa Trời và sự cầu nguyện của bà An-ne chắc hẳn là liều thuốc hiệu nghiệm giúp một quả phụ như bà hết đau buồn và cô đơn.

22. Làm sao một số người góa bụa đối phó với sự cô đơn?

22 Một bà cụ 72 tuổi, góa chồng cách đây mười năm, giải thích: “Điều khó khăn nhất cho tôi là không có người bạn đời để nói chuyện. Chồng tôi là người hay lắng nghe. Chúng tôi nói về hội thánh và công việc rao giảng của mình”. Một quả phụ khác nói: “Dù thời gian chữa lành mọi vết thương, nhưng tôi thấy chính việc dùng thì giờ của mình giúp hàn gắn sự đau buồn. Tôi ở trong vị thế dễ dàng giúp người khác hơn”. Một cụ 67 tuổi góa vợ đồng ý và nói: “Một cách tuyệt diệu để đối phó với sự đau buồn là cố hết sức mình an ủi người khác”.

ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI QUÍ TRONG TUỔI GIÀ

23, 24. Kinh-thánh cho người già cả niềm an ủi tuyệt diệu nào, đặc biệt là những người góa bụa?

23 Dù cái chết cướp mất người thân yêu của chúng ta, nhưng Đức Giê-hô-va vẫn thành tín, vẫn đáng tin cậy. Vua Đa-vít xưa hát: “Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều, và sẽ tìm-kiếm điều ấy! Ấy là tôi muốn trọn đời được ở trong nhà Đức Giê-hô-va, để nhìn-xem sự tốt-đẹp của Đức Giê-hô-va, và cầu-hỏi trong đền của Ngài” (Thi-thiên 27:4).

24 Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Hãy kính những người đờn-bà góa thật là góa” (I Ti-mô-thê 5:3). Lời khuyên theo sau lời chỉ bảo này cho thấy những bà góa xứng đáng mà không có họ hàng thân thuộc có lẽ cần được hội thánh giúp đỡ về vật chất. Tuy nhiên, ý của lời chỉ bảo này khi nói “kính” bao hàm việc quí trọng họ. Những người góa bụa tin kính Đức Chúa Trời được an ủi biết bao khi biết Đức Giê-hô-va quí họ và sẽ nâng đỡ họ! (Gia-cơ 1:27).

25. Người già cả vẫn còn mục tiêu nào?

25 Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn có nói: “Tóc bạc là sự tôn-trọng của ông già”. Đó là “mão triều-thiên vinh-hiển, miễn là thấy ở trong đường công-bình” (Châm-ngôn 16:31; 20:29). Thế thì, dù còn kết hôn hoặc trở lại đời sống độc thân, hãy tiếp tục đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống bạn. Nhờ đó bạn có được danh tiếng tốt với Đức Giê-hô-va ngay bây giờ và có triển vọng được sống đời đời trong một thế giới không còn đau đớn vì tuổi già nữa (Thi-thiên 37:3-5; Ê-sai 65:20).

^ đ. 20 Muốn biết thêm chi tiết về đề tài này, xin xem sách mỏng Khi một người thân yêu chết đi do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.