Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG BA

Hai bí quyết giúp hôn nhân được lâu bền

Hai bí quyết giúp hôn nhân được lâu bền

1, 2. a) Đức Chúa Trời định rằng hôn nhân phải kéo dài bao lâu? b) Làm sao điều đó có thể được?

KHI Đức Chúa Trời tác hợp người đàn ông và người đàn bà đầu tiên thành vợ chồng, không có gì cho thấy sự kết hợp của họ chỉ là tạm thời. A-đam và Ê-va phải ở với nhau suốt đời (Sáng-thế Ký 2:24). Theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, một hôn nhân đáng trọng là việc một người nam kết hợp với một người nữ. Chỉ khi nào một hoặc cả hai người phạm tội vô luân thì Kinh-thánh mới cho phép ly dị và có thể tái hôn (Ma-thi-ơ 5:32).

2 Liệu hai cá nhân có thể nào sống hạnh phúc với nhau trong một thời gian vô hạn định không? Có, và Kinh-thánh cho biết hai yếu tố thiết yếu, hoặc hai bí quyết, để giúp điều đó có thể thành tựu. Nếu cả vợ lẫn chồng áp dụng các bí quyết này, họ sẽ đạt đến hạnh phúc và được nhiều ân phước. Các bí quyết này là gì?

BÍ QUYẾT THỨ NHẤT

3. Vợ chồng nên vun trồng ba loại yêu thương nào?

3 Bí quyết thứ nhất là tình yêu thương. Điều đáng chú ý là Kinh-thánh cho biết có những loại yêu thương khác nhau. Một loại là nồng ấm, dành riêng cho người nào đó. Loại tình thương này là của những người bạn thân nhau (Giăng 11:3). Một loại khác là tình thương giữa những người cùng một gia đình (Rô-ma 12:10). Loại thứ ba là tình yêu lãng mạn giữa những người khác phái (Châm-ngôn 5:15-20). Dĩ nhiên, vợ chồng nên vun trồng tất cả các loại tình thương này. Nhưng có một loại yêu thương thứ tư còn quan trọng hơn những loại trên.

4. Loại yêu thương thứ tư là gì?

4 Trong tiếng nguyên thủy của Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, chữ nói về loại yêu thương thứ tư này là a·gaʹpe. Chữ này được dùng nơi I Giăng 4:8 như sau: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. Thật vậy, “Chúng ta yêu, vì [Đức Chúa Trời] đã yêu chúng ta trước” (I Giăng 4:19). Tín đồ đấng Christ vun trồng tình yêu thương này trước hết đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và sau đó đối với người đồng loại (Mác 12:29-31). Chữ a·gaʹpe cũng được dùng nơi Ê-phê-sô 5:2, câu này nói: “Hãy bước đi trong sự yêu-thương, cũng như Đấng Christ đã yêu-thương anh em, và vì chúng ta phó chính mình Ngài”. Giê-su nói rằng tình thương này giúp người ta nhận rõ môn đồ thật của ngài: “Nếu các ngươi yêu [a·gaʹpe] nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:35). Cũng hãy lưu ý, cách dùng chữ a·gaʹpe nơi I Cô-rinh-tô 13:13: “Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức-tin, sự trông-cậy, tình yêu-thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu-thương [a·gaʹpe]”.

5, 6. a) Tại sao tình yêu thương được trọng hơn đức tin và sự trông cậy? b) Có vài lý do nào cho biết tại sao tình yêu thương sẽ giúp hôn nhân được lâu bền?

5 Điều gì cho thấy tình yêu thương a·gaʹpe này được trọng hơn đức tin và sự trông cậy? Đó là các nguyên tắc—nguyên tắc đúng—trong Lời Đức Chúa Trời chi phối tình yêu thương này (Thi-thiên 119:105). Đó là lòng quan tâm bất vụ lợi muốn làm cho người khác những gì đúng và tốt theo quan điểm của Đức Chúa Trời, dù người nhận có xứng đáng hay không. Tình yêu thương đó giúp cả hai vợ chồng theo lời khuyên của Kinh-thánh: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:13). Vợ chồng yêu thương nhau có và vun trồng “lòng yêu-thương [a·gaʹpe] sốt-sắng; vì sự yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi” (I Phi-e-rơ 4:8). Hãy chú ý rằng vì tình yêu thương người ta bỏ qua lỗi lầm cho nhau. Yêu thương không loại trừ lỗi lầm, vì không người bất toàn nào lại không lầm lỗi (Thi-thiên 130:3, 4; Gia-cơ 3:2).

6 Khi vợ chồng vun trồng tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và yêu nhau theo cách đó, hôn nhân của họ sẽ lâu bền và được hạnh phúc, vì “tình yêu-thương chẳng hề hư-mất bao giờ” (I Cô-rinh-tô 13:8). Tình yêu thương là “dây liên-lạc của sự trọn-lành” (Cô-lô-se 3:14). Nếu bạn đã kết hôn, vợ chồng bạn có thể vun trồng tình thương đó như thế nào? Hãy cùng nhau đọc Lời Đức Chúa Trời, và bàn luận về những điều đó. Hãy xem xét gương mẫu yêu thương của Giê-su và cố gắng noi gương ngài, suy nghĩ và hành động như ngài. Hơn nữa, hãy tham dự nhóm họp của tín đồ đấng Christ, nơi mà bạn được dạy về Lời Đức Chúa Trời. Và cầu nguyện xin Đức Chúa Trời giúp đỡ bạn phát triển loại yêu thương cao thượng này, vì đó là một trái của thánh linh Đức Chúa Trời (Châm-ngôn 3:5, 6; Giăng 17:3; Ga-la-ti 5:22; Hê-bơ-rơ 10:24, 25).

BÍ QUYẾT THỨ HAI

7. Tôn trọng nghĩa là gì, và ai nên bày tỏ sự tôn trọng trong hôn nhân?

7 Nếu hai vợ chồng thật sự yêu nhau, thì họ cũng sẽ tôn trọng nhau, và sự tôn trọng là bí quyết thứ hai để giúp hôn nhân được hạnh phúc. Tôn trọng được định nghĩa là “quan tâm đến người khác, coi trọng họ”. Lời Đức Chúa Trời khuyên tất cả tín đồ đấng Christ, kể cả vợ chồng như sau: “Hãy lấy lẽ kính-nhường nhau” (Rô-ma 12:10). Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình, như là với giống yếu-đuối hơn... phải kính-nể họ” (I Phi-e-rơ 3:7). Vợ được khuyên “phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5:33). Nếu bạn muốn tỏ lòng tôn trọng ai, bạn tử tế với người ấy, tôn trọng phẩm giá và quan điểm của người ấy, và sẵn sàng làm bất cứ điều gì mà người ấy nhờ bạn làm.

8-10. Một số cách nào cho thấy sự tôn trọng sẽ giúp hôn nhân được bền vững và hạnh phúc?

8 Những ai muốn hưởng hạnh phúc trong hôn nhân thì tỏ sự tôn trọng người hôn phối bằng cách “chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi [người hôn phối mình] nữa” (Phi-líp 2:4). Họ không chỉ nghĩ đến những gì tốt cho riêng mình, vì như thế là ích kỷ. Trái lại, họ nghĩ đến những gì tốt nhất cho người hôn phối mình nữa. Thật vậy, họ xem đó là điều ưu tiên.

9 Việc tôn trọng nhau giúp vợ chồng nhận biết sự khác biệt về quan điểm của nhau. Mong muốn hai người có cùng quan điểm về mọi vấn đề là không thiết thực. Chuyện có lẽ quan trọng đối với chồng có thể không quan trọng đối với vợ, và những gì vợ thích có thể không phải những gì chồng thích. Nhưng người này nên tôn trọng quan điểm và sự lựa chọn của người kia, miễn là ở trong giới hạn của luật pháp và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va (I Phi-e-rơ 2:16; so sánh Phi-lê-môn 14). Hơn nữa, người này nên tôn trọng phẩm giá của người kia bằng cách không dùng người kia làm đề tài để hạ nhục hoặc chế nhạo, dù trước mặt người khác hay trong lúc chỉ riêng có hai người.

10 Quả thật, tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và đối với nhau cùng sự tôn trọng lẫn nhau là hai bí quyết thiết yếu giúp hôn nhân được thành công. Làm sao có thể áp dụng các bí quyết này trong vài phương diện quan trọng hơn của đời sống vợ chồng?

QUYỀN LÀM ĐẦU GIỐNG ĐẤNG CHRIST

11. Theo Kinh-thánh, ai là đầu của gia đình?

11 Kinh-thánh cho chúng ta biết người đàn ông được tạo ra với những đức tính giúp mình thành công trong vai trò làm chủ gia đình. Vì thế, người đàn ông phải chịu trách nhiệm trước Đức Giê-hô-va về sự khỏe mạnh thể xác và thiêng liêng của vợ con mình. Ông phải có những quyết định thăng bằng và phản ảnh ý định của Đức Giê-hô-va và phải làm gương về hạnh kiểm tin kính. “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng-phục chồng mình như vâng-phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội-thánh” (Ê-phê-sô 5:22, 23). Tuy nhiên, Kinh-thánh nói người chồng cũng có một đầu, tức là đấng có quyền trên ông. Sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi muốn anh em biết Đấng Christ là đầu mọi người; người đờn-ông là đầu người đờn-bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ” (I Cô-rinh-tô 11:3). Người chồng khôn ngoan học cách sử dụng quyền làm đầu bằng cách noi gương đấng làm đầu của mình là Giê-su Christ.

12. Giê-su nêu gương tốt nào trong việc vâng phục lẫn việc sử dụng quyền làm đầu?

12 Giê-su cũng có một đầu là Đức Giê-hô-va, và ngài vâng phục Đấng đó. Giê-su nói: “Ta chẳng tìm ý-muốn của ta, nhưng tìm ý-muốn của Đấng đã sai ta” (Giăng 5:30). Quả là một gương tuyệt hảo! Giê-su là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên” (Cô-lô-se 1:15). Ngài trở thành đấng Mê-si. Ngài là Đầu của hội thánh tín đồ được xức dầu và là Vua được chọn của Nước Đức Chúa Trời, trên hết mọi thiên sứ (Phi-líp 2:9-11; Hê-bơ-rơ 1:4). Dù có địa vị cao cả và triển vọng cao trọng đó, lúc làm người, Giê-su không khắc nghiệt, cứng rắn hay là đòi hỏi quá đáng. Ngài không là kẻ chuyên quyền, lúc nào cũng nhắc môn đồ là họ phải vâng lời ngài. Giê-su yêu thương và có lòng trắc ẩn, nhất là đối với những người bị áp bức. Ngài nói: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng” (Ma-thi-ơ 11:28-30). Ở cạnh Giê-su thật là thích thú.

13, 14. Noi theo gương Giê-su, người chồng yêu vợ sẽ sử dụng quyền làm đầu như thế nào?

13 Người chồng muốn gia đình có hạnh phúc nên cố gắng xem xét những tính tốt của Giê-su. Một người chồng tốt không khắc nghiệt và độc tài, không dùng quyền làm đầu một cách sai quấy để bắt nạt vợ. Thay vì làm thế, ông yêu thương và tôn trọng vợ. Nếu Giê-su “khiêm-nhường” thì người chồng còn phải khiêm nhường hơn, vì không giống Giê-su, ông lầm lỗi. Khi ông có lỗi, ông muốn vợ thông cảm. Vì vậy, người chồng khiêm nhường nhận lỗi mình, dù lời “Xin lỗi, em nói đúng” có lẽ khó nói ra. Vợ sẽ thấy dễ kính trọng quyền làm đầu của người chồng khiêm tốn và khiêm nhường hơn là của người chồng kiêu ngạo và ngoan cố. Người vợ kính chồng cũng sẽ xin lỗi khi bà phạm lỗi.

14 Đức Chúa Trời tạo ra người đàn bà với các tính tốt mà bà có thể dùng để góp phần làm cho hôn nhân hạnh phúc. Người chồng khôn ngoan sẽ nhận biết điều này và sẽ không áp chế vợ. Nhiều người đàn bà có khuynh hướng dễ tỏ lòng trắc ẩn và nhạy cảm. Đó là những đức tính rất cần để chăm sóc gia đình và bồi dưỡng mối liên lạc với người khác. Thường thì người đàn bà rất khéo trong việc làm cho căn nhà thành một tổ ấm. Sách Châm-ngôn đoạn 31 miêu tả “người vợ tài đức” có nhiều đức tính tuyệt vời và tài khéo léo, làm gia đình hoàn toàn được lợi ích. Tại sao? Bởi vì lòng người chồng “tin cậy nơi nàng” (Châm-ngôn 31:10, 11).

15. Chồng có thể bày tỏ tình yêu thương giống đấng Christ và tôn trọng vợ như thế nào?

15 Vài phong tục nhấn mạnh quá nhiều về quyền hạn người chồng, vì vậy dù chỉ hỏi chồng một câu cũng bị xem là bất kính. Chồng có thể đối xử với vợ như một đầy tớ. Cách dùng quyền làm đầu sai quấy như thế đưa đến sự liên lạc không tốt chẳng những với vợ mà còn với Đức Chúa Trời nữa. (So sánh I Giăng 4:20, 21). Mặt khác, một số người chồng bỏ bê trách nhiệm làm đầu, để cho vợ nắm quyền trong nhà. Người chồng vâng phục đấng Christ một cách đúng đắn thì không lợi dụng vợ mình hoặc làm mất phẩm cách của vợ. Thay vì vậy, ông noi theo lòng yêu thương bất vị kỷ của Giê-su và làm theo lời khuyên của Phao-lô: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội-thánh, phó chính mình vì Hội-thánh” (Ê-phê-sô 5:25). Giê-su Christ yêu môn đồ ngài nhiều đến độ chịu chết vì họ. Một người chồng tốt sẽ cố gắng noi theo thái độ bất vị kỷ đó, tìm lợi ích cho vợ, chứ không đòi hỏi vợ. Khi chồng vâng phục đấng Christ và bày tỏ tình yêu thương và sự tôn trọng giống như đấng Christ, vợ sẽ muốn vâng phục chồng (Ê-phê-sô 5:28, 29, 33).

SỰ VÂNG PHỤC CỦA VỢ

16. Người vợ nên bày tỏ những đức tính nào trong mối liên lạc với chồng?

16 Sau khi A-đam được tạo ra một thời gian, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó” (Sáng-thế Ký 2:18). Đức Chúa Trời tạo Ê-va để làm “một kẻ giúp đỡ”, chứ không phải kẻ cạnh tranh. Hôn nhân không phải là chiếc tàu với hai thuyền trưởng cạnh tranh nhau. Chồng sử dụng quyền làm đầu một cách yêu thương, còn vợ phải biểu lộ tình yêu thương, sự kính trọng và sẵn lòng vâng phục.

17, 18. Vợ có thể là người giúp đỡ thật sự cho chồng qua những cách nào?

17 Tuy nhiên, một người vợ hiền không phải chỉ biết vâng phục. Bà cố gắng trở thành người giúp đỡ thật sự, ủng hộ các quyết định của chồng. Dĩ nhiên, điều đó dễ hơn cho người vợ khi bà đồng ý với các quyết định của chồng. Nhưng dù bà không đồng ý, sự ủng hộ và hợp tác của bà có thể giúp cho quyết định của chồng có được kết quả khả quan.

18 Vợ có thể giúp chồng làm đầu hữu hiệu trong những cách khác. Bà có thể tỏ lòng quí trọng những cố gắng của chồng trong việc làm đầu, thay vì chỉ trích hoặc làm chồng cảm thấy mình không bao giờ làm vợ hài lòng cả. Khi cư xử với chồng một cách tích cực, vợ nên nhớ rằng “tâm-thần dịu-dàng im-lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời”, chứ không phải chỉ quí trước mặt chồng mà thôi (I Phi-e-rơ 3:3, 4; Cô-lô-se 3:12). Nếu người chồng không tin đạo thì sao? Dù ông tin hay không, Kinh-thánh khuyến khích vợ “yêu chồng con mình, có nết-na, trinh-chánh, trông-nom việc nhà; lại biết ở lành, vâng-phục chồng mình, hầu cho đạo Đức Chúa Trời khỏi bị một lời chê-bai nào” (Tít 2:4, 5). Khi gặp phải vấn đề trái với lương tâm, người chồng không tin đạo rất có thể sẽ tôn trọng thái độ của vợ hơn nếu vợ trình bày vấn đề một cách “hiền-hòa và kính-sợ”. Một số người chồng không tin đạo “chỉ bởi cách ăn-ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn-ở của chị em là tinh-sạch và cung-kính” (I Phi-e-rơ 3:1, 2, 15; I Cô-rinh-tô 7:13-16).

19. Nếu chồng bảo vợ vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời thì sao?

19 Nếu chồng bảo vợ làm một điều nào đó mà Đức Chúa Trời cấm thì sao? Nếu chuyện đó xảy ra, vợ phải nhớ rằng Đức Chúa Trời là Đấng Cai trị tối cao của mình. Chị theo gương các sứ đồ khi họ bị nhà cầm quyền bảo họ vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Công-vụ các Sứ-đồ 5:29 thuật lại: “Phi-e-rơ và các sứ-đồ trả lời rằng: Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”.

SỰ TRÒ CHUYỆN THÔNG HIỂU NHAU

20. Tình yêu thương và sự tôn trọng rất cần thiết trong phương diện quan trọng nào?

20 Tình yêu thương và sự kính trọng rất cần trong một phương diện khác của hôn nhân. Đó là sự trò chuyện thông hiểu nhau. Người chồng yêu thương sẽ trò chuyện với vợ để biết các hoạt động, sự khó khăn, và quan điểm của vợ về các vấn đề khác nhau. Vợ cần điều đó. Chồng dành thì giờ để trò chuyện với vợ và thật sự lắng nghe những gì vợ nói cho thấy ông yêu thương và tôn trọng vợ (Gia-cơ 1:19). Một số bà vợ than phiền là các ông chồng dành quá ít thì giờ nói chuyện với họ. Đó là điều đáng buồn. Đành rằng trong thời buổi bận rộn này, chồng có lẽ phải làm việc nhiều giờ, và hoàn cảnh kinh tế có thể khiến một số bà vợ cũng phải đi làm, nhưng vợ chồng cần dành thì giờ cho nhau. Nếu không, họ có thể trở nên độc lập với nhau. Điều đó có thể đưa đến những vấn đề nghiêm trọng nếu họ cảm thấy buộc lòng phải tìm bạn biết thông cảm mình ngoài vòng hôn nhân.

21. Làm sao cách nói năng đàng hoàng giúp hôn nhân được hạnh phúc?

21 Cách hai vợ chồng trò chuyện rất là quan trọng. “Lời lành... ngon-ngọt cho tâm-hồn, và khỏe-mạnh cho xương-cốt” (Châm-ngôn 16:24). Dù người hôn phối có tin đạo hay không, lời khuyên của Kinh-thánh vẫn có hiệu lực: “Lời nói anh em phải có ân-hậu theo luôn, và nêm thêm muối”, nghĩa là dễ nghe (Cô-lô-se 4:6). Khi một người gặp khó khăn cả ngày, thì lời nói tử tế, thông cảm của người hôn phối có thể rất có lợi. “Lời nói phải thì, khác nào trái bình-bát bằng vàng có cẩn bạc” (Châm-ngôn 25:11). Giọng nói và cách lựa lời nói rất là quan trọng. Thí dụ, một người có thể nói với giọng chọc tức, ra lệnh: “Đóng cửa lại!” Nhưng nếu lời nói có “nêm thêm muối”, nói với giọng bình tĩnh, thông cảm như “Làm ơn đóng cửa giùm nhé!” thì tốt hơn biết bao.

22. Vợ chồng cần có thái độ nào để có cuộc trò chuyện mật thiết?

22 Khi nói một cách nhỏ nhẹ, có cái nhìn và cử chỉ trìu mến, nhân hậu, thông cảm và dịu dàng thì cuộc nói chuyện sẽ thêm phần hứng thú. Bằng cách cố hết sức để có cuộc trò chuyện mật thiết, cả vợ lẫn chồng sẽ cảm thấy dễ nói ra nhu cầu của mình, và họ có thể là nguồn an ủi và giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc thất vọng hoặc căng thẳng. Lời Đức Chúa Trời khuyến khích: “Yên-ủi những kẻ ngã lòng” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Có lúc chồng bị chán nản và có lúc vợ bị. Họ có thể “yên-ủi”, khuyến khích nhau (Rô-ma 15:2).

23, 24. Khi bất đồng ý kiến, tình yêu thương và sự tôn trọng sẽ giúp vợ chồng như thế nào? Hãy cho một thí dụ.

23 Vợ chồng biểu lộ tình yêu thương và sự tôn trọng sẽ không thấy mỗi chuyện bất đồng ý kiến là một vấn đề lớn. Họ sẽ cố không “cay-nghiệt” với nhau (Cô-lô-se 3:19). Cả hai nên nhớ rằng “lời đáp êm-nhẹ làm nguôi cơn-giận” (Châm-ngôn 15:1). Hãy cẩn thận chớ coi thường hoặc lên án khi người hôn phối trút hết nỗi lòng với mình. Thay vì thế, hãy xem lời bày tỏ đó là dịp cho mình thấu hiểu quan điểm của người kia. Hãy cùng nhau giải quyết sự bất đồng và đi đến một kết luận hợp nhất.

24 Hãy nhớ lại có lần bà Sa-ra đề nghị một giải pháp cho một vấn đề với chồng bà là Áp-ra-ham, và điều đó trái với cảm nghĩ của ông. Nhưng Đức Chúa Trời nói với Áp-ra-ham: “Hãy nghe theo tiếng người nói” (Sáng-thế Ký 21:9-12). Áp-ra-ham nghe theo, và ông được ban phước. Tương tự như thế, nếu vợ đề nghị điều gì đó khác với điều chồng nghĩ, ít ra ông nên lắng nghe. Đồng thời vợ cũng không nên chế ngự cuộc nói chuyện nhưng nên lắng nghe những gì chồng muốn nói (Châm-ngôn 25:24). Khi chồng hoặc vợ cứ nhất định bắt người kia phải theo ý mình thì đó là thiếu yêu thương và bất kính.

25. Làm sao sự trò chuyện thông hiểu nhau góp phần mang lại hạnh phúc trong khía cạnh mật thiết của đời sống vợ chồng?

25 Sự trò chuyện thân mật cũng quan trọng trong sự giao hợp giữa vợ chồng. Tính ích kỷ và thiếu tự chủ có thể gây tai hại nghiêm trọng cho mối liên lạc mật thiết này trong hôn nhân. Trò chuyện cởi mở cùng với tính kiên nhẫn là điều cần yếu. Khi người này nghĩ đến hạnh phúc của người kia, thì sự giao hợp hiếm khi là vấn đề quan trọng. Trong vấn đề này cũng như những vấn đề khác, “chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác” (I Cô-rinh-tô 7:3-5; 10:24).

26. Dù mỗi cuộc hôn nhân đều có lúc vui lúc buồn, nhưng làm sao việc nghe theo Lời Đức Chúa Trời giúp vợ chồng tìm được hạnh phúc?

26 Lời Đức Chúa Trời cho lời khuyên thật tốt thay! Đành rằng mỗi cuộc hôn nhân đều có lúc vui lúc buồn, nhưng khi vợ chồng vâng theo cách suy nghĩ của Đức Giê-hô-va, như Kinh-thánh cho biết, và có mối liên lạc căn cứ trên tình yêu thương và sự tôn trọng theo nguyên tắc, thì họ có thể tin rằng hôn nhân họ sẽ được lâu bền và hạnh phúc. Như thế, họ không những tôn trọng nhau, mà còn tôn vinh Đấng Sáng lập hôn nhân, Giê-hô-va Đức Chúa Trời.