Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đó có phải rõ ràng là một giáo lý của Kinh-thánh không?

Đó có phải rõ ràng là một giáo lý của Kinh-thánh không?

Đó có phải rõ ràng là một giáo lý của Kinh-thánh không?

NẾU thuyết Chúa Ba Ngôi là sự thật, thì nó phải được trình bày một cách rõ ràng và đồng nhất trong Kinh-thánh. Tại sao? Bởi vì như các sứ đồ từng xác nhận, Kinh-thánh là sự khải thị của Đức Chúa Trời về Ngài cho nhân loại. Vì lẽ chúng ta cần biết Đức Chúa Trời để thờ phượng Ngài đúng theo ý muốn của Ngài nên Kinh-thánh phải nói rõ cho ta biết Ngài là ai.

Những người tin đạo trong thế kỷ thứ nhất chấp nhận Kinh-thánh là sự khải thị xác thực của Đức Chúa Trời. Kinh-thánh là căn bản cho đức tin của họ, là thẩm quyền tối hậu. Chẳng hạn khi nghe sứ đồ Phao-lô giảng, thì người thành Bê-rê “sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh-thánh, để xét lời giảng có thật chăng” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:10, 11).

Những người có danh tiếng hầu việc Đức Chúa Trời vào thời đó đã dùng thẩm quyền nào? Công-vụ các Sứ-đồ 17:2, 3 cho biết: “Phao-lô theo thói quen mình... biện luận với họ, lấy Kinh-thánh cắt nghĩa và giải tỏ-tường”.

Chính Giê-su làm gương mẫu trong việc dùng Kinh-thánh làm căn bản cho sự dạy dỗ của ngài. Ngài thường nhắc lại câu nói: “Có lời chép rằng”. “[Ngài] cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ dẫn về Ngài trong cả Kinh-thánh” (Ma-thi-ơ 4:4, 7; Lu-ca 24:27).

Như vậy Giê-su, Phao-lô và những người tin đạo trong thế kỷ thứ nhất đã dùng Kinh-thánh làm nền tảng cho sự dạy dỗ của họ. Họ biết rằng “cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn-vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16, 17; cũng xem I Cô-rinh-tô 4:6; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13; II Phi-e-rơ 1:20, 21).

Vì lẽ Kinh-thánh có thể “bẻ-trách, sửa-trị” nên chắc hẳn Kinh-thánh phải tiết lộ rõ ràng các tin tức về một vấn đề căn bản như vấn đề Chúa Ba Ngôi. Nhưng có phải chính các nhà thần học và sử gia có nói đó rõ ràng là sự dạy dỗ của Kinh-thánh không?

“Chúa Ba Ngôi” trong Kinh-thánh ư?

MỘT ấn phẩm đạo Tin lành viết: “Chữ Chúa Ba Ngôi (hay Tam Vị Nhất Thể) không hề thấy trong Kinh-thánh... Mãi cho đến thế kỷ thứ 4 thuyết này mới được chính thức đưa vào môn thần học của giáo hội” (“Tự điển Kinh-thánh có hình” [The Illustrated Bible Dictionary]). Và một cuốn sách có thẩm quyền về đạo Công giáo viết rằng Chúa Ba Ngôi “không trực tiếp có trong Lời của Thiên Chúa” (“Tân Bách khoa Tự điển Công giáo”).

Cuốn “Bách khoa Tự điển Công giáo” cũng bình luận: “Trong Thánh Kinh, chưa hề thấy một từ ngữ đặc biệt nào biểu thị cho Ba Ngôi Thánh hiệp làm một. Chữ τρίας [triʹas] (dịch ra tiếng La-tinh là trinitas) trước tiên xuất hiện trong tác phẩm của Theophilus tại An-ti-ốt vào khoảng năm 180 công nguyên...Một thời gian ngắn sau đó từ này xuất hiện trong chữ La-tinh là trinitas trong tác phẩm của Tertullian”.

Tuy nhiên, điều này không chứng tỏ rằng Tertullian đã dạy thuyết Chúa Ba Ngôi. Chẳng hạn một sách Công giáo nhan đề “Trinitas—một Bách khoa Tự điển Thần học về Chúa Ba Ngôi Thánh” (Trinitas—A Theological Encyclopedia of the Holy Trinity) có ghi rằng sau này có những người khác dùng những chữ của Tertullian để mô tả ý niệm Chúa Ba Ngôi. Rồi sách đó cảnh giác: “Nhưng chúng ta không thể lấy việc dùng chữ như thế để đi đến kết luận hấp tấp, vì ông không hề áp dụng các từ đó cho thần học Chúa Ba Ngôi”.

Chứng cớ trong phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ

MẶC DÙ từ ngữ “Chúa Ba Ngôi” không hề thấy trong Kinh-thánh, nhưng ít nhất ý tưởng về Chúa Ba Ngôi được dạy rõ ràng trong Kinh-thánh, phải không? Chẳng hạn, phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ (“Cựu Ước”) tiết lộ gì?

“Bách khoa Tự điển Tôn giáo” (The Encyclopedia of Religion) nhìn nhận: “Ngày nay các nhà thần học đều đồng ý rằng Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ không dạy giáo lý Chúa Ba Ngôi”. Và “Tân Bách khoa Tự điển Công giáo” cũng viết: “Giáo lý Chúa Ba Ngôi Thánh không được dạy trong Cựu Ước”.

Tương tự, tác giả cuốn “Thiên Chúa Ba Ngôi” (The Triune God) là linh mục Dòng Tên Edmund Fortman nhìn nhận: “Cựu Ước... không hề nói cho chúng ta điều gì cách rõ ràng hoặc ám chỉ về một Thiên Chúa Ba Ngôi là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần... Không có một chứng cớ nào cho thấy các người viết sách thánh mảy may ngờ rằng có [Ba Ngôi] trong một Đức Chúa Trời... Ngay cả nếu một người nhìn thấy trong [“Cựu Ước”] những ý ngấm ngầm hoặc hình bóng hoặc ‘mật hiệu’ của Tam Vị trong Nhất Thể thì đó là đi quá các lời và ý định của những người viết sách thánh” (Chúng tôi viết nghiêng).

Khi tra cứu phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ, ta phải xác nhận các lời bình luận trên đây là đúng. Thế thì trong 39 sách đầu của Kinh-thánh được soi dẫn tức toàn bộ xác thực của Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, không hề có sự dạy dỗ rõ ràng nào về Chúa Ba Ngôi cả.

Chứng cớ trong phần Kinh-thánh tiếng Hy-lạp

NHƯNG, liệu Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp của đạo đấng Christ (“Tân Ước”) có nói rõ ràng về Chúa Ba Ngôi không?

Cuốn “Bách khoa Tự điển Tôn giáo” viết: “Các nhà thần học đồng ý rằng trong Tân Ước không có một giáo lý rõ ràng về Chúa Ba Ngôi”.

Linh mục Dòng Tên Fortman nói: “Những người viết Tân Ước... không hề cho chúng ta một giáo lý chính thức hay được định nghĩa rõ ràng về Chúa Ba Ngôi, và cũng không hề dạy rằng trong một Thiên Chúa có ba ngôi thánh bằng nhau... Tuyệt đối chúng ta không thấy bất kỳ một giáo lý nào về ba vị riêng biệt có đời sống và hoạt động như Đức Chúa Trời mà lại ở trong cùng một Đức Chúa Trời”.

Cuốn “Tân Bách khoa Tự điển Anh-quốc” (The New Encyclopædia Britannica) nhận xét: “Cả ngôn từ Chúa Ba Ngôi lẫn giáo lý đó không hề xuất hiện trong Tân Ước”.

Bernhard Lohse phát biểu trong cuốn “Một đoản sử của giáo điều đạo đấng Christ” (A Short History of Christian Doctrine): “Nói về Tân Ước, thì người ta không thấy một giáo lý thật sự về Chúa Ba Ngôi trong đó”.

Cuốn “Tân Tự điển Quốc tế về Thần học Tân Ước” (The New International Dictionary of New Testament Theology) cũng phát biểu tương tự: “Tân Ước không hề có giáo lý đã phát triển về Chúa Ba Ngôi. Kinh-thánh không có lời tuyên bố rõ rệt rằng Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Thần có cùng bản thể bình đẳng nhau [theo lời nhà thần học Tin lành Karl Barth]”.

Ông E. Washburn Hopkins, giảng sư tại Đại học Yale khẳng định: “Rõ ràng là Chúa Giê-su và Phao-lồ không hề biết đến giáo lý Chúa Ba Ngôi... họ chẳng nói gì đến điều này” (“Nguồn gốc và Tiến trình Tôn giáo” [Origin and Evolution of Religion]).

Sử gia Arthur Weigall ghi nhận: “Giê-su Christ không bao giờ đề cập đến hiện tượng thể ấy, và chữ ‘Chúa Ba Ngôi’ không hề xuất hiện ở bất cứ chỗ nào trong Tân Ước. Ý tưởng đó chỉ du nhập vào Giáo hội ba trăm năm sau khi Chúa chúng ta chết” (“Tà giáo xen vào đạo đấng Christ”).

Như vậy, cả 39 cuốn trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ lẫn bộ kinh điển gồm 27 cuốn trong Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp của đạo đấng Christ đều không cung cấp một sự dạy dỗ rõ ràng nào về Chúa Ba Ngôi.

Các tín đồ đấng Christ thuở ban đầu đã dạy thế chăng?

CÁC tín đồ đấng Christ thuở ban đầu có dạy Chúa Ba Ngôi không? Hãy chú ý lời bình luận sau đây của các sử gia và các nhà thần học:

“Đạo đấng Christ lúc ban đầu không có giáo lý rõ ràng về Chúa Ba Ngôi như người ta thêu dệt sau này trong các tín điều” (“Tân Tự điển Quốc tế về Thần học Tân Ước”).

“Tuy nhiên các tín đồ đấng Christ thuở ban đầu đã không nghĩ đến việc áp dụng ý niệm [Chúa Ba Ngôi] vào đức tin của họ. Họ tôn sùng Đức Cha là Đức Chúa Trời, Giê-su Christ là Con Đức Chúa Trời và họ công nhận... Thánh linh; nhưng họ không hề nghĩ ba vị này là một Chúa Ba Ngôi thật sự, bình đẳng với nhau và hợp nhất trong một Chúa” (“Tà giáo xen vào đạo đấng Christ”).

“Thoạt đầu, tín đồ Đấng Christ không tin nơi Chúa Ba Ngôi... Tân Ước và các tác phẩm khác của tín đồ đấng Christ thuở đầu phản ảnh sự kiện đó trong thời các sứ đồ và hậu sứ đồ” (“Bách khoa Tự điển Tôn giáo và Luân lý” [Encyclopædia of Religion and Ethics]).

“Công thức ‘ba vị trong một Thiên Chúa’ không được lập ra vững vàng, và chắc chắn không được đồng hóa vào đời sống tín đồ đấng Kitô cùng đức tin của họ, mãi cho đến cuối thế kỷ thứ tư... Trong vòng các Cha Tông đồ, không hề có mảy may một tinh thần hay quan điểm nào giống như vậy cả” (“Tân Bách khoa Tự điển Công giáo”).

Các Cha trước Giáo hội nghị Ni-xen đã dạy gì?

CÁC Cha trước Giáo hội nghị Ni-xen được công nhận là những người lãnh đạo việc dạy dỗ tôn giáo trong nhiều thế kỷ sau thời đấng Christ giáng sinh. Những dạy dỗ của họ đáng cho ta chú ý đến.

Justin Martyr, qua đời khoảng năm 165 công nguyên, gọi Giê-su trước khi giáng thế là một thiên sứ được dựng nên, “không phải là Đức Chúa Trời, Đấng dựng nên muôn vật”. Ông nói Giê-su thấp kém hơn Đức Chúa Trời và “không bao giờ nói và làm bất cứ điều chi ngoại trừ điều Đấng Tạo hóa... muốn ngài làm”.

Irenaeus, qua đời khoảng năm 200 công nguyên, bảo rằng trước khi làm người, Giê-su có đời sống riêng biệt với Đức Chúa Trời và thấp kém hơn Ngài. Ông cho thấy Giê-su không bình đẳng với “Đức Chúa Trời có một và thật”, là Đấng “tối thượng trên muôn vật và không có ai ngang hàng với Ngài cả”.

Clement ở Alexandria, qua đời khoảng năm 215 công nguyên, gọi Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời tự hữu, bất diệt và có một và thật”. Ông nói: “Con đứng sau Cha là Đấng duy nhất toàn năng”, nhưng không bình đẳng với Ngài.

Tertullian, qua đời khoảng năm 230 công nguyên, dạy rằng Đức Chúa Trời là tối thượng. Ông nhận xét: “Cha khác với Con (hai vị khác nhau), vì Ngài lớn hơn; thể như Đấng sinh thành khác với kẻ được sinh ra; Đấng sai đi khác với kẻ được sai đi”. Ông cũng nói: “Có một thời kỳ khi Con chưa hiện hữu... Trước khi có muôn vật, thì Đức Chúa Trời có một mình”.

Hippolytus, qua đời khoảng năm 235 công nguyên, nói rằng Đức Chúa Trời là “một Đức Chúa Trời duy nhất, Đấng đầu tiên và Đấng độc nhất, Đấng Tạo thành và Chúa tể của muôn vật”, Đấng “không có ai đồng niên (cùng tuổi) với Ngài... Nhưng Ngái là Đấng duy nhất, chỉ có một mình; vì ý muốn mình, Ngài dựng nên muôn vật mà trước đó thì không có”, một trong các tạo vật ấy là Giê-su trước khi làm người.

Origen, qua đời khoảng năm 250 công nguyên, nói rằng “Cha và Con là hai bản chất... khác nhau về bản thể” và nếu “so với Cha thì [Con] là một ánh sáng thật nhỏ nhoi”.

Trong phần tóm lược các chứng cớ lịch sử, Alvan Lamson viết trong cuốn Giáo hội trong ba thế kỷ đầu(The Church of the First Three Centuries): “Tín điều phổ thông tân thời về Chúa Ba Ngôi... không được ngôn ngữ của Justin [Martyr] hậu thuẫn: và lời nhận xét này có thể áp dụng cho tất cả các Cha trước Giáo hội nghị Ni-xen, tức là tất cả các nhà văn tín đồ đấng Christ trong suốt ba thế kỷ sau khi đấng Christ giáng sinh. Đồng ý là họ có đề cập đến Đức Cha, Đức Con và... Thánh linh, nhưng không bình đẳng với nhau, không cùng một bản thể, không phải là Ba trong Một, không cùng chút ý nghĩa nào mà giới ủng hộ Chúa Ba Ngôi thời nay thừa nhận. Thật ra họ còn nghĩ trái ngược hẳn”.

Vậy thì chứng cớ của Kinh-thánh và lịch sử cho thấy rõ sự kiện thuyết Chúa Ba Ngôi không hề được biết đến trong suốt thời Kinh-thánh được viết ra và trong nhiều thế kỷ sau đó nữa.

[Câu nổi bật nơi trang 7]

“Không có một chứng cớ nào cho thấy các người viết sách thánh mảy may ngờ rằng có [Ba Ngôi] trong một Đức Chúa Trời”.—“Thiên Chúa Ba Ngôi” (The Triune God)