Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giáo lý Chúa Ba Ngôi đã phát triển thế nào?

Giáo lý Chúa Ba Ngôi đã phát triển thế nào?

Giáo lý Chúa Ba Ngôi đã phát triển thế nào?

ĐẾN ĐÂY có lẽ bạn tự hỏi: “Nếu thuyết Chúa Ba Ngôi không phải là sự dạy dỗ của Kinh-thánh thì làm thế nào nó đã trở thành một giáo lý của các đạo tự xưng theo đấng Christ?” Nhiều người nghĩ rằng giáo lý này đã được hình thành tại Giáo hội nghị Ni-xen vào năm 325 công nguyên.

Tuy nhiên, điều này không hẳn đúng. Giáo hội nghị Ni-xen quả có khẳng định rằng đấng Christ có cùng bản chất như Đức Chúa Trời, và điều này đặt nền tảng cho những người chủ trương thuyết Chúa Ba Ngôi sau này. Nhưng hội nghị đó không thiết lập thuyết Chúa Ba Ngôi, vì không hề đề cập đến thánh linh như là vị thứ ba của một Đức Chúa Trời có bộ ba.

Vai trò của Constantine tại Ni-xen

QUA nhiều năm, đã có nhiều người lấy chứng cớ dựa trên Kinh-thánh chống đối ý niệm đang phát triển rằng Giê-su là Đức Chúa Trời. Nhằm giải quyết vấn đề tranh cãi, Hoàng đế La-mã Constantine triệu tập hết thảy các giám mục tới Ni-xen. Thật ra thì chỉ một số nhỏ, khoảng 300 người đến dự.

Constantine không phải là một tín đồ đấng Christ. Nhiều người cho là ông ta cải đạo lúc về già, nhưng không làm phép báp têm mãi cho đến khi sắp chết. Henry Chadwick có viết về ông trong cuốn “Giáo hội thời ban đầu” (The Early Church) như sau: “Cũng như thân phụ mình, Constantine thờ thần Mặt trời Vô song... Ta không nên cho rằng sự cải đạo của ông là một cảm nghiệm nội tâm về ơn của Chúa... nhưng đó là một vấn đề quân sự. Ông hiểu biết mập mờ về giáo lý đạo đấng Christ, nhưng ông tin chắc chiến thắng trong các chiến trận là tùy thuộc Đức Chúa Trời của các tín đồ đấng Christ”.

Vị Hoàng đế không làm báp têm này đã đóng vai trò gì tại Giáo hội nghị Ni-xen? Cuốn “Bách khoa Tự điển Anh-quốc” ghi nhận: “Chính Constantine chủ tọa, tích cực hướng dẫn cuộc thảo luận và chính mình đề nghị... công thức nòng cốt diễn tả mối tương quan giữa đấng Christ và Đức Chúa Trời trong tín điều ấn định bởi giáo hội nghị, theo đó ‘Giê-su có cùng bản thể với Đức Cha’... Vì cả nể Hoàng đế, các giám mục chỉ trừ hai người đã ký tên tán đồng tín điều này, nhưng phần đông chỉ hành động cách miễn cưỡng”.

Bởi thế, Constantine đóng vai trò chủ chốt. Sau hai tháng tranh luận sôi nổi, chính trị gia ngoại đạo này đã can thiệp và quyết định ủng hộ phe cho rằng Giê-su là Đức Chúa Trời. Nhưng tại sao? Chắc chắn không phải vì tin tưởng nơi Kinh-thánh. Cuốn “Một đoản sử của giáo điều đạo đấng Christ” cho biết: “Constantine không hiểu mảy may gì về các câu hỏi đặt ra trong thần học Hy-lạp”. Nhưng ông ta hiểu rõ rằng sự chia rẽ tôn giáo là một hiểm họa cho đế quốc của ông và ông chỉ muốn củng cố thế lực mình mà thôi.

Tuy nhiên không một giám mục nào tại Ni-xen cổ võ cho thuyết Chúa Ba Ngôi. Họ chỉ quyết định về bản chất của Giê-su mà không quyết định gì về vai trò của thánh linh. Nếu như Chúa Ba Ngôi là một sự dạy dỗ rõ ràng của Kinh-thánh, thì sao họ không đề xướng tín điều đó vào lúc ấy?

Sự phát triển kế tiếp

SAU Giáo hội nghị Ni-xen, đề tài tiếp tục được bàn cãi trong mấy chục năm. Phe tin Giê-su không bằng Đức chúa Trời có phần thắng thế trở lại trong một thời gian. Nhưng về sau Hoàng đế Theodosius quyết định chống lại họ. Ông thiết lập tín điều của Giáo hội nghị Ni-xen, lấy đó làm tiêu chuẩn cho triều đại mình và triệu tập Giáo hội nghị Constantinople vào năm 381 công nguyên để làm sáng tỏ thêm công thức căn bản này.

Giáo hội nghị này đã ưng thuận đặt thánh linh lên ngang hàng với Đức Chúa Trời và đấng Christ. Lần đầu tiên, thuyết Chúa Ba Ngôi của các đạo tự xưng theo đấng Christ bắt đầu thành hình.

Tuy nhiên, ngay cả sau Giáo hội nghị Constantinople, tín điều Chúa Ba Ngôi vẫn chưa được mọi người chấp nhận. Nhiều người vẫn bài bác thuyết đó, và do đó bị bắt bớ cách hung hãn. Mãi cho đến các thế kỷ sau này, thuyết Chúa Ba Ngôi mới được chính thức hóa thành tín điều. “Bách khoa Tự điển Mỹ-quốc” ghi nhận: “Chủ thuyết Chúa Ba Ngôi được phát triển đầy đủ tại Tây phương, trong Kinh viện triết học thời Trung cổ, khi thuyết được giải thích bằng các ngôn từ triết lý và tâm lý học”.

Tín điều Athanasia

THUYẾT Chúa Ba Ngôi được định nghĩa đầy đủ hơn trong tín điều Athanasia, gọi theo tên một tu sĩ đã ủng hộ Constantine tại Giáo hội nghị Ni-xen. Tín điều mang danh ông tuyên bố: “Chúng tôi thờ một Thiên Chúa có Ba Ngôi... Đức Chúa Cha là Thiên Chúa, Đức Chúa Con là Thiên Chúa và Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa; thế nhưng không phải có ba Thiên Chúa mà chỉ một Thiên Chúa mà thôi”.

Tuy nhiên, các học giả có hiểu biết đồng ý rằng Athanasia không hề sáng tác tín điều đó. Cuốn “Tân Bách khoa Tự điển Anh-quốc” bình luận: “Các giáo hội Đông phương không biết gì về tín điều này mãi đến thế kỷ 12. Kể từ thế kỷ 17, các học giả nói chung đều công nhận rằng Tín điều Athanasia không phải do Athanasia viết ra (ông chết năm 373), nhưng có lẽ tín điều này được sáng tác ra tại miền nam nước Pháp vào thế kỷ thứ 5... Ảnh hưởng của tín điều này dường như chỉ phát khởi tại miền nam nước Pháp và Tây-ban-nha vào thế kỷ thứ 6 và thứ 7. Nó du nhập vào nghi lễ của giáo hội Đức vào thế kỷ thứ 9 và một thời gian sau tại Rô-ma”.

Do đó, trải qua nhiều thế kỷ sau thời đấng Christ thì thuyết Chúa Ba Ngôi mới được phổ biến và chấp nhận trong đạo tự xưng theo đấng Christ. Và trong tất cả những diễn biến này, cái gì đã hướng dẫn các quyết định? Phải chăng Lời Đức Chúa Trời, hay quan điểm của hàng giáo phẩm và chính khách? Trong cuốn “Nguồn gốc và Tiến trình Tôn giáo”, E. W. Hopkins cho lời giải đáp: “Định nghĩa chính thức sau cùng của thuyết Chúa Ba Ngôi phần lớn là vấn đề chính trị của giáo hội”.

Sự bội đạo được báo trước

LỊCH SỬ đầy tiếng xấu này của thuyết Chúa Ba Ngôi phù hợp với lời báo trước của Giê-su và các sứ đồ ngài về những gì sẽ xảy đến sau thời họ. Họ nói sẽ có sự bội đạo, đi sai lệch và lìa xa sự thờ phượng thật, cho đến khi đấng Christ trở lại, chừng đó sự thờ phượng thật sẽ được phục hưng trước ngày Đức Chúa Trời hủy diệt hệ thống mọi sự này.

Bàn về “ngày” đó, sứ đồ Phao-lô nói: “Phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 7). Sau đó, ông báo trước: “Tôi biết, tôi đi rồi, thì sẽ có những sói hung dữ đột nhập vào giữa anh em, chúng không tha gì đàn chiên. Và ngay giữa anh em cũng sẽ chổi dậy những người giảng rao những điều tà vạy, để quyến dụ môn đồ theo mình” (Công Vụ các Tông Đồ 20 29, 30 [Công-vụ các Sứ-đồ 20:29, 30], bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn). Các môn đồ khác của Giê-su cũng viết về sự bội đạo này với hàng giáo phẩm “gian-ác” của nó. (Chẳng hạn, hãy xem II Phi-e-rơ 2:1; I Giăng 4:1-3; Giu-đe 3, 4).

Phao-lô cũng viết: “Vì sẽ có một thời người ta sẽ chẳng thần phục đạo lý chân chính nữa, họ sẽ ngứa tai hùa theo thầy mình, chiều về tư dục, chẳng thèm lắng nghe chân lý, chỉ theo dõi những chuyện hoang đường” (II Ti-mô-thê 4:3, 4, bản dịch phổ thông Vatican, 1959).

Chính Giê-su đã giải thích điều gì đứng đàng sau sự lìa xa đạo thật. Ngài đã gieo giống tốt, nhưng kẻ thù là Sa-tan đến gieo đầy dẫy cỏ lùng vào ruộng. Nên khi các cọng lúa mì khởi sự nhô lên, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Bởi đó, ta chờ đợi là sẽ có sự đi sai lệch khỏi đạo đấng Christ thuần túy cho đến tận mùa gặt, khi đấng Christ sẽ chỉnh đốn lại vấn đề (Ma-thi-ơ 13:24-43). Cuốn “Bách khoa Tự điển Hoa-kỳ” bình luận: “Giáo lý Chúa Ba Ngôi vào thế kỷ thứ tư không phản ảnh đúng đắn sự dạy dỗ của đạo đấng Christ thuở ban đầu về bản chất của Đức Chúa Trời; ngược lại, nó là sự đi sai lệch khỏi đạo giáo này”. Thế thì sự đi sai lệch đó phát nguồn từ đâu? (I Ti-mô-thê 1:6).

Thuyết Chúa Ba Ngôi chịu ảnh hưởng từ đâu?

TRÊN khắp thế giới cổ xưa, bắt đầu ngay từ Ba-by-lôn, việc thờ các thần bộ ba hay tam vị rất phổ thông trong dân ngoại. Ảnh hưởng đó cũng thịnh hành ở Ai-cập, Hy-lạp và La-mã trong nhiều thế kỷ cả trước, lẫn sau và cùng thời đấng Christ. Sau khi các sứ đồ qua đời, các tín ngưỡng ấy của dân ngoại đã xâm nhập vào đạo đấng Christ.

Sử gia Will Durant nhận xét: “Đạo đấng Christ đã không hủy diệt giáo thuyết dân ngoại mà lại tiếp thu lấy... ý niệm về thần tam vị nhất thể xuất phát từ Ai-cập”. Và trong cuốn “Tôn giáo Ai-cập” (Egyptian Religion), Siegfried Morenz ghi nhận: “Thuyết Chúa Ba Ngôi là mối quan tâm chủ yếu của các nhà thần học Ai-cập... Ba vị thần được ghép liền nhau và tôn sùng như một vị độc nhất và được đề cập đến trong thể số ít. Bằng cách này, sức mạnh thiêng liêng của tôn giáo Ai-cập cho thấy có liên đới trực tiếp với thần học đạo đấng Christ”.

Vì vậy, các tu sĩ sống vào cuối thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ tư tại thành Alexandria, Ai-cập, như ông Athanasia đều chịu ảnh hưởng này khi họ phát biểu những ý niệm dẫn đến thuyết Chúa Ba Ngôi. Rồi ảnh hưởng của chính họ lan tràn, vì thế mà Morenz xem “thần học Alexandria là môi giới giữa di sản tôn giáo Ai-cập và đạo đấng Christ”.

Trong lời mở đầu cuốn “Lịch sử đạo đấng Christ” (History of Christianity) của Edward Gibbon, chúng ta đọc: “Nếu như đạo đấng Christ chinh phục được ngoại giáo thì ngoại giáo cũng đã làm hư hại đạo đấng Christ, sự thật là như vậy. Tín ngưỡng nguyên thủy về Đức Chúa Trời của các tín đồ đấng Christ đầu tiên... đã bị Giáo hội La-mã đổi thành tín điều Chúa Ba Ngôi không thể nào hiểu nổi. Nhiều giáo lý ngoại đạo do người Ai-cập phát minh và được Plato lý tưởng hóa đã được giữ lại như là điều đáng tin tưởng”.

“Một Tự điển về Kiến thức Tôn giáo” ghi nhận sự kiện nhiều người cho rằng thuyết Chúa Ba Ngôi “là một sự suy đồi vay mượn từ tà giáo, và được tháp vào đức tin của tín đồ đấng Christ”. Và cuốn “Tà giáo xen vào đạo đấng Christ” thì tuyên bố: “Nguồn gốc của thuyết [Chúa Ba Ngôi] hoàn toàn là tà giáo”.

Đó là lý do tại sao James Hastings viết trong cuốn “Bách khoa Tự điển Tôn giáo và Luân lý”: “Chẳng hạn như trong tôn giáo Ấn-độ, ta thấy nhóm thần bộ ba là Brahmā, Siva và Viṣṇu; và trong tôn giáo Ai-cập, có nhóm ba vị thần Osiris, Isis và Horus... Cũng không phải chỉ qua các tôn giáo trong lịch sử mà chúng ta thấy Đức Chúa Trời được xem như Chúa Ba Ngôi. Người ta còn nhớ đặc biệt trong triết lý Tân-Plato có quan điểm về Đấng Tối cao hay Thực thể Tối hậu”, Đấng “thể hiện trong dạng bộ ba”. Nhưng triết gia Hy-lạp Plato có liên hệ gì đến Chúa Ba Ngôi?

Triết lý Plato

NGƯỜI TA nghĩ rằng Plato sống từ năm 428 đến 347 trước đấng Christ. Mặc dù ông không giảng dạy thuyết Chúa Ba Ngôi như người ta tin hiện nay, nhưng triết lý của ông mở đường cho thuyết ấy. Sau này, các phong trào triết lý, kể cả tín ngưỡng Thần bộ ba, bùng lên mạnh mẽ, và các loại tín ngưỡng này bị ảnh hưởng bởi ý niệm của Plato về Đức Chúa Trời và thiên nhiên.

Cuốn “Tân Tự điển Thế giới” (Nouveau Dictionnaire Universel) tiếng Pháp nói về ảnh hưởng của Plato như sau: “Chúa Ba Ngôi của Plato, chính ra chỉ là sự sắp đặt lại các thuyết Tam Vị Nhất Thể cũ từ thời xa xưa, thuyết này xem ra như một triết thuyết hợp lý về ba đặc thể, từ đó sinh ra thuyết ba Vị hay ba Ngôi được dạy dỗ trong các nhà thờ đạo đấng Christ... Người ta có thể thấy khái niệm của triết gia Hy-lạp này về một chúa ba ngôi... trong tất cả các tôn giáo [dân ngoại] thời cổ”.

Cuốn “Tân Bách khoa Tự điển của Schaff-Herzog về Kiến thức Tôn giáo” (The New Schaff-Herzog Encyclopedia of Religious Knowledge) cho thấy ảnh hưởng của triết học Hy-lạp này: “Giáo lý về Ngôi Lời và Chúa Ba Ngôi được thành hình qua các Cha Hy-lạp. Họ bị ảnh hưởng nhiều, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, bởi triết học Plato... Điều không ai chối cãi được là do đó những lầm lỗi và suy đồi đã xâm nhập dần vào giáo hội”.

Cuốn “Giáo hội trong ba thế kỷ đầu” viết: “Giáo lý Chúa Ba Ngôi được thành hình cách từ từ và tương đối trễ;... nguồn gốc của giáo điều hoàn toàn lạ đối với Kinh-thánh của người Do-thái và của tín đồ đấng Christ;... giáo lý này phát triển và được tháp vào đạo đấng Christ, qua bàn tay các Cha đã bị triết lý Plato ảnh hưởng”.

Vào cuối thế kỷ thứ ba công nguyên, “đạo đấng Christ” và triết học Plato mới đã trở nên hợp nhất, không tách rời được. Theo lời của Adolf Harnack trong cuốn “Lược qua Lịch sử Giáo điều” (Outlines of the History of Dogma), thì tín điều của giáo hội đã “đâm rễ vững chắc trong đất đai của tư tưởng Hy-lạp ngoại giáo. Bởi đó, tín điều này trở nên một sự huyền bí đối với đại đa số tín đồ đấng Christ”.

Giáo hội rêu rao rằng các tín điều mới là dựa trên Kinh-thánh. Nhưng Harnack nói: “Trên thực tế, giáo hội đã hợp thức hóa sự suy lý của tư tưởng Hy-lạp, các quan điểm dị đoan và các phong tục thờ phượng huyền bí của tà giáo.”

Trong cuốn “Một Bản tuyên bố các lý do” (A Statement of Reasons), Andrews Norton viết về Chúa Ba Ngôi như sau: “Chúng ta có thể truy ra lịch sử của giáo lý này và khám phá được cội nguồn của nó, không phải trong sự khải thị của đạo đấng Christ nhưng trong triết lý Plato... Thuyết Chúa Ba Ngôi không phải là giáo lý của đấng Christ và các sứ đồ của ngài, nhưng là chuyện bịa đặt của phe phái triết học Plato sau này”.

Vì thế, vào thế kỷ thứ tư công nguyên, sự bội đạo mà Giê-su cùng các sứ đồ báo trước đã nảy nở đầy đặn. Sự phát triển của thuyết Chúa Ba Ngôi chỉ là một bằng chứng của sự bội đạo này. Các giáo hội bội đạo cũng bắt đầu tiếp nhận những ý tưởng ngoại giáo khác nữa, như lửa địa ngục, linh hồn bất tử và tôn thờ hình tượng. Về phương diện thiêng liêng, đạo tự xưng theo đấng Christ như được tiên tri đã bước vào kỷ nguyên tăm tối và bị chế ngự bởi “người tội-ác” càng ngày càng lớn dần, tức giới chức giáo phẩm (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 7).

Tại sao các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời không dạy thuyết này?

TẠI SAO qua hàng ngàn năm, không một nhà tiên tri nào của Đức Chúa Trời đã dạy dân Ngài về Chúa Ba Ngôi? Và gần đây hơn, tại sao Giê-su với tư cách là thầy Dạy Lớn không dùng tài năng ngài để làm rõ nghĩa Chúa Ba Ngôi cho các môn đồ ngài? Lẽ nào Đức Chúa Trời soi dẫn hàng trăm trang giấy Kinh-thánh mà không dùng một phần nào để dạy dỗ thuyết Chúa Ba Ngôi nếu quả thật đó là “giáo lý căn bản” của đức tin sao?

Không lẽ các tín đồ đấng Christ phải tin rằng nhiều thế kỷ sau đấng Christ và sau khi đã soi dẫn việc viết Kinh-thánh, Đức Chúa Trời lại yểm trợ việc phát biểu một giáo lý xa lạ đối với các tôi tớ Ngài qua hàng ngàn năm, một “mầu nhiệm cực kỳ khó hiểu” và “ngoài sức lãnh hội của lý trí loài người”, một giáo lý đã được công nhận là có nguồn gốc ngoại giáo và “phần lớn là vấn đề chính trị của giáo hội” hay sao?

Chứng cớ của lịch sử thật rõ ràng: Giáo lý Chúa Ba Ngôi là một sự đi sai lệch khỏi lẽ thật, một sự bội đạo nghịch lẽ thật.

[Câu nổi bật nơi trang 8]

“Giáo lý Chúa Ba Ngôi vào thế kỷ thứ tư là một sự đi sai lệch khỏi sự dạy dỗ của đạo đấng Christ thuở ban đầu” (“Bách khoa Tự điển Mỹ-quốc”)

[Khung nơi trang 9]

“Bộ ba các Thần Lớn”

Nhiều thế kỷ trước thời đấng Christ, đã có những thần bộ ba, hay tam vị thần, tại Ba-by-lôn và A-si-ri thời xưa. “Bách khoa Tự điển Larousse về thần thoại” tiếng Pháp ghi chú về một thần bộ ba thể ấy tại miền Mê-sô-bô-ta-mi như sau: “Vũ trụ được chia làm ba vùng, mỗi vùng là lãnh địa của một thần. Phần của A-nu là bầu trời. Trái đất được ban cho Enlil. Còn Ea thì cai trị các dòng nước. Ba vị hợp nhau thành Bộ ba các Thần Lớn”.

[Khung nơi trang 12]

Tam Vị Nhất Thể trong Ấn-độ giáo

Cuốn sách “Biểu tượng các thần thánh và nghi lễ trong Ấn-độ giáo” (The Symbolism of Hindu Gods and Rituals) nói về một Tam Vị Nhất Thể trong Ấn-độ giáo đã có hàng thế kỷ trước đấng Christ như sau: “Siva là một trong các thần của Tam Vị Nhất Thể. Thần này được gọi là thần hủy diệt. Hai vị thần kia là Brahma, thần sáng tạo và Vishnu, thần bảo tồn... Để chứng tỏ ba quá trình này là một và giống nhau, cả ba vị thần được ghép lại trong một hình thể” (do A. Parthasarathy xuất bản, tại Bombay).

[Hình nơi trang 8]

“Constantine không hiểu mảy may gì về các câu hỏi đặt ra trong thần học Hy-lạp” (“Một đoản sử của giáo điều đạo đấng Christ”)

[Các hình nơi trang 10]

1. Ai-cập. Thần Bộ Ba gồm Horus, Osiris, Isis, mười mấy thế kỷ trước công nguyên

2. Ba-by-lôn. Thần Bộ Ba gồm Ishtar, Sin và Shamash, mười mấy thế kỷ trước công nguyên

3. Palmyra. Thần Bộ Ba gồm thần mặt trăng, Chúa các từng trời và thần mặt trời, khoảng thế kỷ thứ nhất công nguyên

4. Ấn-độ. Thần Tam Vị Nhất Thể Ấn-độ giáo, khoảng thế kỷ thứ 7 công nguyên

5. Cam-bốt. Thần Phật Đà Tam Vị Nhất Thể, khoảng thế kỷ 12 công nguyên

6. Na-uy. Chúa Ba Ngôi (Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Thánh Thần), khoảng thế kỷ 13 công nguyên

7. Pháp. Chúa Ba Ngôi, khoảng thế kỷ 14 công nguyên

8. Ý-đại-lợi. Chúa Ba Ngôi, khoảng thế kỷ 15 công nguyên

9. Đức. Chúa Ba Ngôi, khoảng thế kỷ 19 công nguyên

10. Đức. Chúa Ba Ngôi, thế kỷ 20 công nguyên