Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách ngài muốn

Thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách ngài muốn

Thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách ngài muốn

GIÊ-SU nói cùng Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện: “Sự sống đời đời là nhìn-biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-su Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3). Sự nhìn biết nào vậy? “Ý muốn của Đức Chúa Trời là cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết chính xác lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4, NW). Kinh-thánh The Amplified Bible phiên dịch phần sau của câu đó như thế này: “Biết lẽ thật [về Đức Chúa Trời] cách chính xác và đúng đắn”.

Vậy Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết Ngài cùng những ý định Ngài cách chính xác, phù hợp với lẽ thật về Ngài. Và Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh-thánh, là nguồn của lẽ thật đó (Giăng 17:17; II Ti-mô-thê 3:16, 17). Khi người ta học biết chính xác những gì Kinh-thánh dạy về Đức Chúa Trời, thì họ sẽ không giống như những người được đề cập đến nơi Rô-ma 10:2, 3 (NW), họ “có lòng sốt sắng về Đức Chúa Trời, nhưng lòng sốt sắng đó là không phải theo sự hiểu biết chính xác”. Và cũng không giống như người Sa-ma-ri mà Giê-su nói: “Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết” (Giăng 4:22).

Bởi đó, nếu chúng ta muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận, hãy tự hỏi: “Đức Chúa Trời nói gì về chính Ngài? Ngài muốn chúng ta thờ phượng Ngài như thế nào? Ý định của Ngài là gì, và chúng ta phải sống phù hợp với các ý định đó như thế nào? Sự hiểu biết chính xác về lẽ thật sẽ cho chúng ta những câu trả lời đúng cho các câu hỏi ấy. Rồi chúng ta có thể thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách Ngài muốn.

Sỉ nhục Đức Chúa Trời

ĐỨC CHÚA TRỜI phán: “Ai tôn-kính ta, ta sẽ làm cho được tôn-trọng” (I Sa-mu-ên 2:30). Khi gọi bất cứ người nào là bình đẳng với Đức Chúa Trời, phải chăng đó là tôn kính Ngài? Gọi Ma-ri là “Mẹ của Thiên Chúa” và là “Mẹ trung gian... giữa Đấng Tạo hóa và tạo vật của Ngài” như lời phát biểu trong cuốn “Tân Bách khoa Tự điển Công giáo”, phải chăng đó là tôn kính Ngài? Không, những ý tưởng đó sỉ nhục Đức Chúa Trời. Không ai là bình đẳng với Ngài; Ngài cũng không bao giờ có một người mẹ xác thịt, vì Giê-su không phải là Thiên Chúa. Và cũng không có “Mẹ trung gian” vì Đức Chúa Trời đã bổ nhiệm chỉ “một Đấng trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người”, tức là Giê-su (I Ti-mô-thê 2:5; I Giăng 2:1, 2).

Đúng thật, giáo lý Chúa Ba Ngôi đã làm lộn xộn và pha loãng sự hiểu biết của người ta về địa vị thật của Đức Chúa Trời. Giáo lý này cản trở người ta hiểu chính xác về Đấng Tối thượng Hoàn vũ là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, nên người ta không thờ phượng Ngài cách Ngài muốn. Như nhà thần học Hans Küng đã nói: “Tại sao có người cứ muốn thêm thắt vào ý niệm sẵn có về tính duy nhất và độc đáo của Đức Chúa Trời, sự thêm thắt đó chỉ làm lệch lạc hay vô hiệu hóa tính duy nhất và độc đáo đó mà thôi?” Nhưng đó là điều mà tín ngưỡng Chúa Ba Ngôi đã gây ra.

Những người tin theo thuyết Chúa Ba Ngôi đúng là “không lo nhìn-biết [đúng đắn về] Đức Chúa Trời” (Rô-ma 1:28). Câu đó còn nói thêm: “Nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư-xấu, đặng phạm những sự chẳng xứng-đáng”. Các Rô-ma 1 câu 29 đến 31 liệt kê một số “những sự chẳng xứng-đáng” như “giết người, cãi-lẫy, trái lời giao-ước, không có tình-nghĩa tự-nhiên, không có lòng thương-xót”. Các tôn giáo chấp nhận thuyết Chúa Ba Ngôi thực hành những việc như thế.

Chẳng hạn, các người ủng hộ Chúa Ba Ngôi thường bắt bớ và ngay cả giết hại những người từ chối giáo lý Chúa Ba Ngôi. Và họ còn đi xa hơn thế nữa. Họ còn giết các đồng đạo cùng tin Chúa Ba Ngôi như mình trong thời chiến. Còn sự gì “chẳng xứng-đáng” hơn là việc người Công giáo giết người Công giáo, Chính thống giáo giết Chính thống giáo, Tin lành giết Tin lành—tất cả đều nhân danh cùng một Đức Chúa Trời Ba Ngôi?

Thế nhưng Giê-su đã nói rõ: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:35). Lời Đức Chúa Trời còn khai triển ý này thêm: “Bởi đó, người ta nhận biết con-cái Đức Chúa Trời và con-cái Ma-quỉ: ai chẳng làm điều công-bình là không thuộc về Đức Chúa Trời, kẻ chẳng yêu anh em mình cũng vậy”. Đoạn này ví những kẻ giết anh em thiêng liêng mình như “Ca-in, là kẻ thuộc về Ma-quỉ [Sa-tan] đã giết em mình” (I Giăng 3:10-12).

Như vậy, sự dạy dỗ những giáo lý rắc rối về Đức Chúa Trời đã dẫn đến các hành động vi phạm luật pháp của Ngài. Quả thật, những gì đã xảy ra trong toàn thể các đạo tự xưng theo đấng Christ được nhà thần học Đan-mạch Søren Kierkegaard miêu tả như sau: “Các đạo tự xưng theo đấng Christ đã ngấm ngầm tiệt diệt đạo thật của đấng Christ mà không biết”.

Tình trạng thiêng liêng của các đạo tự xưng theo đấng Christ phù hợp với điều sứ đồ Phao-lô viết: “Họ xưng mình biết Đức Chúa Trời, nhưng theo những việc làm thì đều từ-chối Ngài, thật là đáng ghét, trái-nghịch và không thể làm một việc lành nào hết” (Tít 1:16).

Chẳng bao lâu nữa, khi Đức Chúa Trời kết liễu hệ thống mọi sự ác này, các đạo tự xưng theo đấng Christ ủng hộ Chúa Ba Ngôi sẽ phải thưa trình. Chúng sẽ bị kết án về tội sỉ nhục Đức Chúa Trời bởi những giáo lý và việc làm của chúng (Ma-thi-ơ 24:14, 34; 25:31-34, 41, 46; Khải-huyền 17:1-6, 16; 18:1-8, 20, 24; 19:17-21).

Khước từ thuyết Chúa Ba Ngôi

ĐỐI VỚI lẽ thật của Đức Chúa Trời, không thể nào có sự hòa giải được. Vì thế, muốn thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách Ngài muốn, chúng ta phải khước từ giáo lý Chúa Ba Ngôi. Giáo lý này trái ngược với niềm tin và sự dạy dỗ của các nhà tiên tri, của Giê-su, của các sứ đồ và của tín đồ đấng Christ thời ban đầu. Nó mâu thuẫn với những gì Đức Chúa Trời nói về chính Ngài trong Lời được soi dẫn của Ngài. Do đó, Ngài khuyên: “Hãy nhìn biết rằng chỉ mình ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai khác giống như ta” (Ê-sai 46:9, The Good News Bible).

Nào có lợi ích chi cho Đức Chúa Trời nếu trình bày về Ngài cách lộn xộn và bí ẩn. Ngược lại, hễ người ta càng thấy bối rối về Đức Chúa Trời và các ý định của Ngài, thì càng khiến Sa-tan Ma-quỉ ưa thích, vì hắn là kẻ thù của Đức Chúa Trời và là “chúa đời nầy”. Chính hắn là kẻ cổ động các giáo lý giả dối như thế để “làm mù lòng những kẻ chẳng tin” (II Cô-rinh-tô 4:4). Ngoài ra, giáo lý Chúa Ba Ngôi cũng làm lợi cho hàng giáo phẩm là những kẻ muốn thống trị giáo dân, cho nên làm ra vẻ như chỉ những nhà thần học mới hiểu được giáo lý đó. (Xem Giăng 8:44).

Sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời đem lại cho chúng ta cả một sự giải thoát. Nó giải thoát chúng ta khỏi những dạy dỗ đi ngược lại Lời Đức Chúa Trời, và khỏi các tổ chức bội đạo. Như Giê-su từng nói: “Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông-tha [giải thoát] các ngươi” (Giăng 8:32).

Nếu chúng ta tôn kính Đức Chúa Trời như Đấng tối cao và thờ phượng Ngài theo cách Ngài muốn, thì chúng ta có thể tránh được sự đoán xét Ngài sắp sửa giáng trên các tôn giáo bội đạo tự xưng theo đấng Christ. Thay vì vậy, chúng ta có thể mong đợi ân huệ của Đức Chúa Trời khi hệ thống sự vật này kết liễu: “Thế-gian với sự tham-dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời’ (I Giăng 2:17).

[Hình nơi trang 31]

Tượng điêu khắc xưa hàng thế kỷ này tại Pháp miêu tả Chúa Ba Ngôi làm lễ gia miện cho “mẹ đồng trinh” Ma-ri. Tín ngưỡng Chúa Ba Ngôi đã đưa đến sự tôn thờ bà Ma-ri như “Mẹ của Thiên Chúa”