Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Địa ngục là một nơi như thế nào?

Địa ngục là một nơi như thế nào?

Chương 9

Địa ngục là một nơi như thế nào?

1. Các tôn giáo dạy điều gì về địa ngục?

HÀNG TRIỆU người đã được các tôn giáo của họ dạy rằng địa ngục là nơi mà người ta bị hành hạ. Theo Bách-khoa Tự-điển Anh-quốc (Encyclopædia Britannica), “Giáo hội Công giáo La-mã dạy rằng địa ngục...sẽ kéo dài mãi mãi; sự thống khổ ở trong đó sẽ không bao giờ chấm dứt”. Quyển Bách-khoa Tự-điển đó còn nói tiếp là giáo lý này của Công giáo “hãy còn được nhiều giáo phái Tin lành bảo thủ ủng hộ”. Những người theo Ấn độ giáo, Phật giáo và Hồi giáo cũng dạy rằng địa ngục là nơi hành tội. Ta không lấy làm lạ khi những người đã học giáo lý đó thường nói rằng nếu địa ngục là một nơi xấu xa như vậy thì họ không muốn bàn đến đó.

2. Đức Chúa Trời đã nghĩ sao về việc đốt trẻ con trong lửa?

2 Điều đó đưa đến câu hỏi này: Có phải Đức Chúa Trời Toàn năng đã tạo ra một nơi để hành tội như thế không? Đức Chúa Trời đã nghĩ sao khi dân Y-sơ-ra-ên bắt chước các dân tộc láng giềng đã bắt đầu đem đốt các con cái của họ trong lửa? Ngài có giải thích trong Lời của Ngài như sau: “Chúng nó đã xây các nơi cao của Tô-phết, trong trũng của con trai Hi-nôm, đặng đốt con trai con gái mình trong lửa, ấy là điều ta chẳng từng dạy, là điều ta chẳng hề nghĩ đến” (Giê-rê-mi 7:31).

3. Tại sao nghĩ rằng Đức Chúa Trời hành hạ người ta là một điều vừa vô lý vừa trái ngược với Kinh-thánh?

3 Bạn thử nghĩ xem: Nếu ý tưởng thiêu đốt người ta trong lửa đã không hề nẩy ra trong lòng Đức Chúa Trời thì có lý nào để nghĩ rằng Ngài đã tạo ra một địa ngục nóng bỏng để thiêu đốt những ai không thờ phượng Ngài? Kinh-thánh nói rằng “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” (I Giăng 4:8). Liệu một Đức Chúa Trời đầy yêu thương có nỡ nào hành hạ người ta mãi mãi không? Chính bạn có sẽ làm điều đó không? Một khi biết rằng Đức Chúa Trời là sự yêu thương, tất chúng ta phải có ý muốn quay về Lời của Ngài để tìm hiểu xem địa ngục là gì, ai đi đến đó và ở đó trong bao lâu?

“SHEOL” VÀ “HADES”

4. a) Kinh-thánh cho thấy rằng chữ “Sheol” và chữ “Hades” có cùng một ý nghĩa như thế nào? b) Việc Giê-su đã đi đến “Hades” chứng tỏ điều gì?

4 Kinh-thánh dùng chữ “Sheol” trong phần viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ và chữ “Hades” trong phần viết bằng tiếng Hy-lạp để chỉ nơi mà người chết đi đến. Hai chữ này có cùng một nghĩa; chúng ta hãy đọc Thi-thiên 16:10 và Công-vụ các Sứ-đồ 2:31 để thấy rõ điều này. Công-vụ các Sứ-đồ 2:31 trích dẫn lời ghi trong Thi-thiên 16:10; Thi-thiên dùng chữ “Sheol”, được dịch ra là “Hades” trong Công-vụ các Sứ-đồ. Một số người cho rằng “Hades” là một nơi mà người ta bị thống khổ đời đời. Tuy nhiên, Giê-su đã đi đến “Hades”. Có phải điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời đã hành hạ đấng Christ trong một “địa ngục” nóng bỏng không? Dĩ nhiên là không! Khi Giê-su chết, ngài chỉ đi vào mồ mả mà thôi.

5, 6. Việc “Sheol” không phải là một nơi thống khổ đã được chứng tỏ thế nào qua câu chuyện của Gia-cốp và con ông là Giô-sép, và của Gióp?

5 Khi Gia-cốp than khóc vì ông tưởng rằng đứa con yêu dấu của ông là Giô-sép đã bị giết rồi, ông có nói như sau: “Ta để tang luôn xuống chốn âm-phủ cùng con ta!” (Sáng-thế Ký 37:35). Giờ đây bạn hãy thử nghĩ xem. Có phải Gia-cốp tin rằng con của ông đã đi đến một nơi thống khổ đời đời, và ông cũng muốn đi đến đó để gặp con ông hay sao? Hoặc đúng hơn là Gia-cốp chỉ nghĩ rằng con yêu dấu của ông đã chết rồi và nằm trong mồ mả, và chính ông cũng muốn chết theo phải không?

6 Vâng, người tốt đi xuống “địa ngục” (Sheol) của Kinh-thánh. Chẳng hạn như Gióp, một người hiền từ đã bị đau khổ đến cùng cực, ông đã cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời như sau: “Ôi! Chớ gì Chúa giấu tôi nơi âm-phủ (Sheol), che khuất tôi...định cho tôi một kỳ hẹn, đoạn nhớ lại tôi!” (Gióp 14:13). Giờ đây bạn thử nghĩ xem: Nếu “Sheol” có nghĩa là một nơi có lửa và thống khổ thì Gióp có cầu mong đi đến đó và ở tại đó cho đến khi mà Đức Chúa Trời sẽ nhớ lại ông ấy hay sao? Rõ ràng là Gióp đã muốn chết và đi xuống mồ hầu cho ông không còn chịu đau khổ nữa.

7. a) Tình trạng của những người ở trong “Sheol” ra sao? b) Như vậy thì “Sheol” và “Hades” là gì?

7 Mỗi khi Kinh-thánh dùng chữ “Sheol”, chữ này không hề được liên kết với sự sống, hoạt động hoặc là sự thống khổ. Đúng hơn, chữ này thường được dùng liên quan đến sự chết và sự ngưng hoạt động. Chẳng hạn như trong Truyền-đạo 9:10 bạn đọc thấy như sau: “Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình; vì dưới Âm-phủ (Sheol), là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan”. Như vậy thì lời giải đáp là rõ ràng lắm. “Sheol” và “Hades” không hề ám chỉ đến một nơi thống khổ, nhưng mà là mồ mả chung của nhân loại (Thi-thiên 139:8). Cả người lành lẫn người ác đều đi xuống “địa ngục” hiểu theo nghĩa của Kinh-thánh là mồ mả.

RA KHỎI “ĐỊA NGỤC”

8, 9. Tại sao Giô-na, khi ở trong bụng con cá, lại nói là ông đã ở trong âm phủ (hay địa ngục)?

8 Người ta có ra khỏi “địa ngục” được không? Bạn hãy xem xét trường hợp của Giô-na. Khi Đức Chúa Trời đã khiến cho một con cá to nuốt Giô-na để cứu người khỏi bị chết đuối, người cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời từ trong bụng cá như sau: “Tôi gặp hoạn-nạn, kêu-cầu Đức Giê-hô-va, thì Ngài đã trả lời cho tôi. Từ trong bụng Âm-phủ (Sheol), tôi kêu-la, thì Ngài đã nghe tiếng tôi” (Giô-na 2:3).

9 Giô-na đã muốn nói gì khi dùng những chữ “từ trong bụng Âm-phủ”? Tất nhiên là bụng của con cá đó chắc chắn không phải là một nơi thống khổ nóng bỏng. Song nó đã có thể trở nên mồ mả của Giô-na. Thật thế, Giê-su Christ nói về chính ngài như sau: “Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm” (Ma-thi-ơ 12:40).

10. a) Bằng chứng nào cho thấy rằng người ta có thể ra khỏi “địa ngục” được? b) Bằng chứng nào khác cho thấy rằng “địa ngục” (hay âm phủ) có nghĩa là “mồ mả”?

10 Giê-su đã chết và nằm trong mồ mả ba ngày. Nhưng Kinh-thánh có thuật lại như sau: “Ngài chẳng bị để nơi Âm-phủ...Đức Chúa Giê-su này, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:31, 32). Cũng vậy, Đức Chúa Trời đã khiến cho Giô-na ra khỏi “địa ngục” (hay âm phủ), tức là nơi mà đã có thể là mồ mả của ông. Điều đó đã xảy ra khi con cá kia nhả ông ra trên đất khô. Đúng vậy, người ta có thể ra khỏi “địa ngục”! Thật thế, Khải-huyền 20:13 có chứa đựng một lời hứa đầy khích lệ là sẽ không còn một người chết nào ở trong “địa ngục” (Hades) nữa cả; chúng ta đọc thấy như sau: “Biển đem trả những người chết mình chứa; sự chết và Âm-phủ (Hades) cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử-đoán tùy công-việc mình làm”.

GHÊ-HEN-NA VÀ HỒ LỬA

11. Chữ Hy-lạp nào đã được dùng 12 lần trong Kinh-thánh và được dịch ra là “địa ngục” trong bản dịch Thánh-kinh Hội Mỹ-quốc?

11 Tuy nhiên có người sẽ phản đối mà rằng: “Nhưng Kinh-thánh có nói về lửa địa ngục hồ lửa. Đây há không phải là bằng chứng rằng “địa ngục” là một nơi thống khổ hay sao?” Đành rằng vài bản dịch Kinh-thánh, chẳng hạn như bản Thánh-kinh Hội Mỹ-quốc, có nói về “lửa địa ngục” hay là việc “bị quăng vào địa ngục, là nơi lửa chẳng hề tắt” (Ma-thi-ơ 5:22; Mác 9:45). Tổng cộng có 12 lần bản dịch Thánh-kinh Hội Mỹ-quốc đã dịch chữ Hy-lạp Gehenna ra chữ “địa ngục” trong phần Kinh-thánh tiếng Hy-lạp. “Ghê-hen-na” có phải thật sự là một nơi thống khổ đầy lửa nóng bỏng trong khi đó chữ “Hades”, cũng thường được dịch ra là “địa ngục” (hay âm phủ), lại có nghĩa là mồ mả thôi chăng?

12. “Ghê-hen-na” là gì, và người ta đã làm gì tại đó?

12 Rõ ràng chữ Hê-bơ-rơ “Sheol” và chữ Hy-lạp “Hades” đều có nghĩa là mồ mả. Vậy thì chữ “Ghê-hen-na” có nghĩa gì? Trong phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ chữ “Ghê-hen-na” có nghĩa là “trũng Hi-nôm”. Bạn hãy nhớ lại rằng Hi-nôm là tên của một thung lũng ở sát bên ngoài các bức tường của thành Giê-ru-sa-lem, nơi mà người Y-sơ-ra-ên đã tế lễ con cái của họ trong lửa. Đến thời của vua Giô-sia, một vua tốt, người đã làm cho thung lũng này không thể nào được dùng cho thực hành gớm ghiếc đó (II Các Vua 23:10). Thung lũng đó đã trở thành một đống rác khổng lồ, tức là nơi mà mọi người đến vứt rác rến của thành phố.

13. a) Trong thời của Giê-su, “Ghê-hen-na” đã được dùng để làm gì? b) Vật gì đã không hề bị quăng vào đó?

13 Như vậy thì đến thời Giê-su ở trên đất, “Ghê-hen-na” là nơi đổ rác của thành phố Giê-ru-sa-lem. Người ta đã bỏ thêm lưu huỳnh (diêm sinh) vào đó để lửa cứ tiếp tục cháy và thiêu hủy rác rến đi. Quyển Tự-điển về Kinh-thánh của Smith (Smith’s Dictionary of the Bible), quyển 1, giải thích: “Nơi đó đã trở thành nơi đổ rác công cộng của thành phố, người ta ném vào đó xác chết của các tội nhân và thây các súc vật, cùng mọi thứ cặn bã rác rến khác”. Tuy nhiên, không có một vật gì sống đã bị quăng vào đó cả.

14. Có bằng chứng nào cho thấy rằng “Ghê-hen-na” đã được dùng để tượng trưng cho sự hủy diệt đời đời?

14 Vì lẽ dân cư ở thành Giê-ru-sa-lem biết rõ về nơi đổ rác của thành phố họ cho nên họ hiểu Giê-su muốn nói gì khi ngài nói cùng những nhà lãnh đạo tôn giáo hung ác rằng: “Hỡi loài rắn, dòng-dõi rắn lục kia, thế nào mà tránh khỏi sự đoán-phạt nơi địa-ngục (Ghê-hen-na) được?” (Ma-thi-ơ 23:33). Dĩ nhiên Giê-su không muốn nói rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo đó sẽ bị hành hạ. Khi người Y-sơ-ra-ên thiêu sống con cái của họ nơi thung lũng đó, chính Đức Chúa Trời đã bảo rằng một việc khủng khiếp như vậy đã không hề nẩy ra trong lòng Ngài! Như thế rõ ràng là Giê-su đã dùng hình ảnh của “Ghê-hen-na” để tượng trưng một cách thích hợp sự tiêu diệt đời đời và trọn vẹn. Ngài muốn nói những nhà lãnh đạo tôn giáo hung ác đó sẽ không xứng đáng được sống lại. Những người lúc đó đang nghe Giê-su giảng dạy tất thừa hiểu rằng hễ ai đi xuống “Ghê-hen-na” sẽ bị hủy diệt đời đời giống như rác rến bị thiêu hủy vậy.

15. “Hồ lửa” là gì, và có bằng chứng gì cho thấy là như vậy?

15 Thế thì “hồ lửa” được nêu ra trong sách Khải-huyền là gì? Nó có một ý nghĩa tương tự với “Ghê-hen-na”, tức là sự chết đời đời hay sự tiêu diệt đời đời, chứ không phải là một sự hành hạ cảm thấy được. Bạn hãy lưu ý đến điều mà chính Kinh-thánh nói ở trong Khải-huyền 20:14: “Đoạn, Sự chết và Âm-phủ (“Hades” trong tiếng Hy-lạp) bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai”. Vâng, đúng vậy, hồ lửa có nghĩa là “sự chết thứ hai”, từ cõi chết đó sẽ không có sự sống lại. Dĩ nhiên là cái “hồ” này là một hình bóng tượng trưng, bởi vì sự chết và Âm phủ (Hades) bị quăng vào đó. Sự chết và Âm phủ không thể nào bị thiêu đốt hiểu theo nghĩa đen. Song những cái đó có thể bị loại bỏ và tiêu diệt, và sự đó chắc chắn sẽ xảy đến.

16. Việc Ma-quỉ sẽ bị hành hạ mãi mãi trong “hồ lửa” có nghĩa gì?

16 Song có người sẽ thắc mắc: “Kinh-thánh có nói là Ma-quỉ sẽ bị hành hạ đời đời trong hồ lửa” (Khải-huyền 20:10). Điều này có nghĩa gì? Khi Giê-su ở trên đất, người ta đã thường gọi những người cai ngục là những người “tra tội”. Trong một câu chuyện ví dụ, Giê-su có nói về một người nọ như sau: “Chủ nổi giận, phú nó cho kẻ giữ ngục (kẻ tra tội, NW) cho đến khi nào trả xong hết nợ” (Ma-thi-ơ 18:34). Vì lẽ những ai bị quăng vào “hồ lửa” thì đi đến “sự chết thứ hai”, từ sự chết đó sẽ không hề có sự sống lại, cho nên có thể nói rằng họ bị giam cầm mãi mãi trong cõi chết. Họ kể như là bị sự chết giam cầm cho đến đời đời vậy. Dĩ nhiên những người ác không thể nào bị hành hạ theo nghĩa đen bởi vì một khi chết đi thì người ta hoàn toàn không còn nữa, không còn có cảm giác gì nữa cả, như chúng ta đã học trước đây.

NGƯỜI GIÀU VÀ LA-XA-RƠ

17. Làm sao chúng ta biết rằng những lời của Giê-su nói về người giàu và La-xa-rơ chỉ là một câu chuyện ví dụ?

17 Vậy thì Giê-su muốn nói gì khi ngài nói như sau trong một câu chuyện ví dụ: “Vả, người nghèo chết, thiên-sứ đem để vào lòng Áp-ra-ham; người giàu cũng chết, người ta đem chôn. Người giàu ở nơi Âm-phủ (Hades) đang bị đau đớn, ngước mắt lên, xa thấy Áp-ra-ham, và La-xa-rơ trong lòng người”? (Lu-ca 16:19-31). Như chúng ta đã thấy rồi, Âm phủ (Hades) ám chỉ mồ mả chung của nhân loại, chứ không phải một nơi thống khổ; vì lẽ đó rõ ràng là ở đây Giê-su chỉ nói ra một câu chuyện ví dụ để răn đời mà thôi. Để chứng tỏ một cách rõ rệt hơn nữa rằng đây không phải là một chuyện có thật, nhưng là một ví dụ, bạn hãy xem xét điều này: Liệu “Âm phủ” có ở gần trời đến đỗi những người ở hai nơi đó có thể thật sự nói chuyện với nhau được hay sao? Ngoài ra, nếu người giàu kia có thật ở trong một hồ đầy lửa, làm sao Áp-ra-ham có thể sai La-xa-rơ xuống đấy để làm mát lưỡi của y với chỉ một giọt nước ở trên đầu ngón tay của người thôi? Vậy thì Giê-su đã muốn nói về điều gì?

18. Hãy cho biết ý nghĩa của câu chuyện ví dụ về: a) người giàu b) La-xa-rơ c) sự chết của mỗi người d) sự thống khổ của người giàu.

18 Người giàu ở trong câu chuyện ví dụ này tượng trưng cho những nhà lãnh đạo tôn giáo tự cao tự đại đã chối bỏ Giê-su và sau đó giết ngài. La-xa-rơ tượng trưng cho những người thường dân đã chấp nhận Con của Đức Chúa Trời. Sự chết của người giàu và La-xa-rơ tượng trưng cho một sự thay đổi tình thế của họ. Sự thay đổi đó đã diễn ra khi Giê-su đã cung cấp đồ ăn thiêng liêng cho hạng người đã bị bỏ rơi giống như La-xa-rơ, khiến cho họ được ân huệ của Áp-ra-ham Lớn hơn, ấy là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Đồng thời những nhà lãnh đạo tôn giáo giả cũng đã “chết đi” dưới phương diện là họ không còn hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời nữa. Một khi đã bị từ bỏ, họ đã bị đau đớn khổ sở khi các môn đồ của Giê-su vạch trần những việc làm hung ác của họ (Công-vụ các Sứ-đồ 7:51-57). Như vậy thì câu chuyện ví dụ này không dạy rằng một số người chết bị hành hạ trong một địa ngục nóng bỏng hiểu theo nghĩa đen.

NHỮNG GIÁO LÝ DO MA-QUỈ CHỦ TRƯƠNG

19. a) Ma-quỉ đã tuyên truyền những lời giả dối nào? b) Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng giáo lý về nơi luyện tội là sai lầm?

19 Chính Ma-quỉ đã nói cùng Ê-va rằng: “Hai ngươi chẳng chết đâu” (Sáng-thế Ký 3:4; Khải-huyền 12:9). Song nàng đã chết thật sự; không có một phần nào ở trong nàng tiếp tục sống cả. Ma-quỉ đã bắt đầu lời nói dối cho rằng linh hồn vẫn tiếp tục sống sau khi người ta chết. Và Ma-quỉ cũng đã cho tuyên truyền một sự nói dối khác là linh hồn của những người ác bị hành hạ trong một địa ngục hay một nơi luyện tội. Vì lẽ Kinh-thánh cho thấy rõ ràng là người chết không cảm thấy gì cả, tất những giáo lý này không thể nào đúng được. Thật ra thì chữ “nơi luyện tội” lẫn ý tưởng về một nơi luyện tội không hề có ghi trong Kinh-thánh.

20. a) Chúng ta đã học được điều gì trong chương này? b) Sự hiểu biết đó có ảnh hưởng gì đối với bạn?

20 Chúng ta đã thấy rằng địa ngục hay Âm phủ (Sheol, hay Hades) là một nơi an nghỉ có hy vọng dành cho người chết. Cả những người lành lẫn những người ác đều đi đến đó để chờ sự sống lại. Chúng ta cũng đã học biết được là “Ghê-hen-na” không có nghĩa là một nơi hành tội, nhưng được dùng trong Kinh-thánh để tượng trưng sự tiêu diệt đời đời. Cũng một thể ấy, “hồ lửa” không phải là một nơi có lửa thật sự hiểu theo nghĩa đen, song tượng trưng cho “sự chết thứ hai”, từ đó sẽ không có sự sống lại. Địa ngục không thể nào là một nơi hành tội bởi vì Đức Chúa Trời đã không hề có nẩy ra một ý nghĩ dường ấy trong tâm trí hay trong lòng của Ngài. Vả lại, việc hành hạ mãi mãi một người chỉ vì người đó đã làm quấy ở trên đất trong ít năm là một điều trái với lẽ công bằng. Biết đến sự thật về người chết thật là tốt biết bao! Sự hiểu biết đó thật sự có thể giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi cùng sự mê tín dị đoan (Giăng 8:32).

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 83]

Chữ Hê-bơ-rơ “Sheol” và chữ Hy-lạp “Hades” đều có cùng một ý nghĩa

American Standard Version

Psalm 16:10

10 For thou wilt not leave my soul

to Shēʹōl;

Neither wilt thou suffer thy

holy one to see corruption.

Acts 2:31

31 he foreseeing this spake of the resurrection of the Christ, that neither was he left unto Hāʹdēs, nor did his flesh see corruption.

[Hình nơi trang 84, 85]

Sau khi bị cá nuốt, tại sao Giô-na đã nói: “Từ trong bụng Âm-phủ (Sheol), tôi kêu-la”?

[Hình nơi trang 86]

“Ghê-hen-na” là một thung lũng ngoài thành phố Giê-ru-sa-lem, được dùng để tượng trưng sự hủy diệt đời đời.