Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời là ai?

Đức Chúa Trời là ai?

Chương 4

Đức Chúa Trời là ai?

1. a) Người ta đã thờ phượng những vị thần nào? b) Kinh-thánh phân biệt các “thần” với “Đức Chúa Trời” như thế nào?

TRÊN KHẮP thế giới người ta thờ phượng nhiều vị thần. Trong những tôn giáo như Thần đạo, Phật giáo, Ấn độ giáo và những đạo nhỏ trong các bộ lạc, người ta thờ đến hàng triệu vị thần. Vào thời các sứ đồ của Giê-su, người ta đã thờ các thần như là Giu-bi-tê và Mẹt-cu-rơ (Công-vụ các Sứ-đồ 14:11, 12). Vì vậy mà Kinh-thánh có nói rằng “(người ta) thờ nhiều thần” song cũng nói rằng “về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha; muôn vật bởi Ngài mà ra” (I Cô-rinh-tô 8:5, 6). Nếu có ai hỏi bạn: “Đức Chúa Trời này là ai?”, bạn sẽ trả lời ra sao?

2. Người ta có quan điểm khác nhau như thế nào về Đức Chúa Trời?

2 Nhiều người sẽ trả lời: “Ngài là Chúa”. Hoặc họ có thể nói: “Ngài là một Vị Thần linh ở trên trời”. Một tự điển định nghĩa Đức Chúa Trời là “Đấng Tối thượng”. Nếu có ai hỏi rằng: “Đức Chúa Trời tên gì?”, vài người sẽ trả lời: “Giê-su”. Đối với những người khác thì Đức Chúa Trời không phải là một nhân vật, nhưng là một quyền lực mạnh mẽ hiện hữu khắp mọi nơi. Còn một số người thì lại nghi ngờ về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Liệu chúng ta có thể tin chắc rằng Ngài có thật không?

ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ THẬT

3. Một cái nhà từ đâu mà ra?

3 Khi bạn nhìn một tòa nhà xinh đẹp, có bao giờ bạn tự hỏi ai là người đã xây cất nhà đó không? Nếu có người nói với bạn rằng không có ai đã xây nên nhà đó cả, song nó tự nhiên mà có, thì bạn có tin không? Dĩ nhiên là không! Ai nấy đều biết rằng “chẳng có một cái nhà nào không phải bởi có người dựng nên”, như một người viết Kinh-thánh đã nói. Vậy thì tại sao chúng ta lại không thể chấp nhận lời kết luận hợp lý mà người viết Kinh-thánh đó nói tiếp như sau: “Đấng đã dựng nên muôn vật, ấy là Đức Chúa Trời”? (Hê-bơ-rơ 3:4).

4. Hàng tỷ ngôi sao đã từ đâu mà ra?

4 Bạn hãy xem xét vũ trụ với hàng tỷ tỷ ngôi sao. Tuy nhiên hết thảy các ngôi sao đó đều vận chuyển trên trời theo những định luật khiến cho mỗi ngôi sao giữ một sự liên hệ hoàn toàn với những ngôi sao khác. Cách đây lâu lắm rồi có người đã đặt câu hỏi: “Ai đã tạo những vật này”? Và đây lời giải đáp đầy ý nghĩa: “Ấy là Đấng khiến các cơ-binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy” (Ê-sai 40:26). Nếu ta nghĩ rằng hàng tỷ ngôi sao đã tự nhiên mà có, và chẳng cần đến sự chỉ huy nào cả mà chúng đã tự động hợp thành những hệ thống tinh tú vĩ đại vận chuyển theo một trật tự hết sức là kỳ diệu, thì quả thật là điên rồ thay! (Thi-thiên 14:1).

5. a) Có thể nào ngẫu nhiên mà những bộ phận của một máy cắt thịt tự nhiên ráp lại với nhau để thành hình được không? b) Điều này cho thấy gì về vũ trụ của chúng ta?

5 Vũ trụ này được xếp đặt hết sức là khéo léo không thể nào tự mình nó mà thành hình được. Tất cần phải có một Đấng Tạo-hóa đầy khôn ngoan và quyền năng (Thi-thiên 19:1, 2). Khi một ông chủ hãng được hỏi tại sao ông tin nơi Đức Chúa Trời, ông đã đáp rằng trong nhà máy của ông một nữ công nhân phải mất hai ngày ròng để học cách ráp 17 bộ phận của một máy cắt thịt. Ông lại nói thêm: “Tôi chỉ là một người sản xuất máy cắt, nhưng tôi biết chắc một điều là nếu các bạn bỏ 17 bộ phận của một máy cắt thịt vào một cái chậu lớn rồi lúc lắc cho đến 17 tỷ năm nữa, các bạn sẽ không bao giờ có được một cái máy cắt thịt”. Vũ trụ này, kể cả vô số hình dạng các loài sống trên đất lại còn phức tạp hơn một cái máy cắt thịt nhiều. Nếu một máy móc nhỏ bé dường ấy cần phải có một người thợ giỏi làm ra thì chúng ta có thể biết chắc rằng cần phải có một Đức Chúa Trời Toàn năng để tạo ra muôn vật. Há chúng ta lại không nhìn nhận công trạng của Ngài vì những gì Ngài đã làm hay sao? (Khải-huyền 4:11; Công-vụ các Sứ-đồ 14:15-17; 17:24-26).

ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ MỘT NHÂN VẬT THẬT SỰ KHÔNG?

6. Tại sao chúng ta có thể biết chắc được rằng Đức Chúa Trời là một Đấng có thật?

6 Dầu cho đa số người ta nói rằng họ tin nơi Đức Chúa Trời, nhiều người không nghĩ đến Ngài như là một nhân vật thật sự. Điều này có đúng không? Chúng ta có thể nhận thấy rằng ở đâu có sự thông minh tất cũng có một trí óc. Chẳng hạn như chúng ta có thể nói: “Tôi không thể quyết định được vì trí óc rối ren”. Và chúng ta biết rằng hễ nơi nào có trí óc, thì phải có một bộ óc trong một cơ thể có hình dạng rõ rệt. Thế thì bộ óc vĩ đại kia đã tạo ra mọi vật tất phải thuộc về một Đấng Cao cả, ấy là Đức Chúa Trời Toàn năng. Dầu Ngài không có một cơ thể vật chất, Ngài có một cơ thể thiêng liêng. Một thần linh lại có một cơ thể hay sao? Vâng, Kinh-thánh có nói như sau: “Nếu đã có thể huyết-khí, thì cũng có thể thiêng-liêng” (I Cô-rinh-tô 15:44; Giăng 4:24).

7. a) Điều gì cho thấy là Đức Chúa Trời có một nơi để sống? b) Điều gì chứng tỏ là Đức Chúa Trời có một cơ thể?

7 Bởi lẽ Đức Chúa Trời là một Đấng có thể thiêng liêng, tất Ngài cũng có một nơi ở. Kinh-thánh nói với chúng ta rằng các từng trời là “nơi Chúa ngự” (I Các Vua 8:43). Chúng ta cũng được biết rằng “đấng Christ vào chính trong trời, để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 9:24). Một số người ở dưới trần gian sẽ được thưởng cho sự sống ở trên trời cùng với Đức Chúa Trời, và lúc ấy họ sẽ nhận lấy những cơ thể thiêng liêng. Kinh-thánh nói rằng lúc bấy giờ họ sẽ nhìn thấy Đức Chúa Trời và cũng sẽ giống như Ngài (I Giăng 3:2). Điều này cho thấy rằng Đức Chúa Trời là một Đấng có thật và Ngài cũng có một cơ thể.

8, 9. a) Làm thế nào ví dụ về một nhà máy phát điện có thể cho thấy quyền năng hoạt động từ đằng xa của Đức Chúa Trời? b) Thánh linh của Đức Chúa Trời là gì, và thánh linh có thể làm gì?

8 Song có người sẽ hỏi: “Nếu Đức Chúa Trời là một Đấng có thật ngự ở một nơi nào đó ở trên trời, làm sao Ngài có thể nhìn thấy hết mọi sự xảy ra ở khắp nơi được? Và làm thế nào Ngài lại có thể biểu dương quyền lực của Ngài trong toàn cõi vũ trụ được?” (II Sử-ký 16:9). Sự kiện Đức Chúa Trời là một Đấng có thật không giới hạn được quyền lực hay là sự cao cả của Ngài. Cũng không vì thế mà chúng ta giảm lòng kính trọng Ngài (I Sử-ký 29:11-13). Để giúp chúng ta hiểu được điều này, xin bạn hãy liên tưởng đến ảnh hưởng sâu xa của một nhà máy điện.

9 Một nhà máy điện nằm tại một khu vực nào đó trong thành phố hay gần thành phố. Song điện lực do nó sản xuất lại được phân phối ra khắp vùng ở gần đó, cung cấp ánh sáng và năng lực. Đối với Đức Chúa Trời cũng giống như vậy. Ngài ở trên trời (Ê-sai 57:15; Thi-thiên 123:1). Tuy nhiên thánh linh của Ngài, tức sinh hoạt lực không thấy được của Ngài, có thể ảnh hưởng đến khắp nơi, trong toàn cõi vũ trụ. Bằng cách dùng thánh linh của Ngài, Đức Chúa Trời đã tạo ra trời, đất, cùng mọi loài sống (Thi-thiên 33:6; Sáng-thế Ký 1:2; Thi-thiên 104:30). Đức Chúa Trời tất đã không cần phải đích thân có mặt để tạo ra những vật ấy. Ngài có thể từ xa sai khiến thánh linh hay sinh hoạt lực của Ngài để làm mọi điều mà Ngài muốn. Thật là một Đức Chúa Trời huyền diệu làm sao! (Giê-rê-mi 10:12; Đa-ni-ên 4:35).

ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ MỘT NHÂN VẬT NHƯ THẾ NÀO?

10. Chúng ta có thể tìm hiểu Đức Chúa Trời bằng một cách nào?

10 Đức Chúa Trời có phải là một nhân vật mà chúng ta càng yêu mến nhiều hơn khi chúng ta biết rõ Ngài hơn không? Bạn có thể nói rằng: “Có lẽ là như vậy, nhưng nếu chúng ta không thể thấy Đức Chúa Trời, làm sao chúng ta có thể biết Ngài được?” (Giăng 1:18). Kinh-thánh chỉ cho chúng ta biết một cách khi nói rằng: “Những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được...thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài” (Rô-ma 1:20). Vậy thì những vật mà Đức Chúa Trời đã tạo ra có thể giúp chúng ta hiểu được Ngài là như thế nào, nếu chúng ta chân thật xem xét các công việc đó và suy gẫm đến.

11. Những vật mà Đức Chúa Trời đã tạo ra dạy cho chúng ta biết gì về Ngài?

11 Như chúng ta đã thấy, khi nhìn bầu trời đầy sao lấp lánh chắc chắn chúng ta nhận thức được sự cao cả và quyền năng bao la của Đức Chúa Trời (Thi-thiên 8:3, 4; Ê-sai 40:26). Đoạn bạn hãy xem trái đất, Đức Chúa Trời đã đặt nó trong khoảng không trung ở một vị trí chính xác để nhận được vừa đủ sức nóng cùng ánh sáng từ mặt trời. Và bạn hãy nghĩ đến sự tuần hoàn của nước. Mưa xuống tưới mặt đất, nước mưa chảy xuống sông ngòi, sông ngòi đổ ra biển. Dưới sức nóng của mặt trời, nước biển bốc lên thành hơi để rồi khi trời mưa lại rơi xuống để tưới mặt đất một lần nữa (Truyền-đạo 1:7). Có rất nhiều chu trình hết sức là kỳ diệu đã được Đức Chúa Trời đặt ra để cung cấp thức ăn, nơi trú ẩn cùng mọi điều cần thiết cho cả loài người lẫn thú vật. Tất cả những việc kỳ diệu này cho chúng ta biết gì về Đức Chúa Trời? Tất cả chứng tỏ rằng Ngài là một Đức Chúa Trời có khôn ngoan bao la, có lòng rộng rãi nhất và Ngài chú tâm chăm sóc các tạo vật của Ngài (Châm-ngôn 3:19, 20; Thi-thiên 104:13-15, 24, 25).

12. Cơ thể của chính bạn dạy bạn điều gì về Đức Chúa Trời?

12 Hãy xem cơ thể của chính bạn. Dĩ nhiên là nó đã được tạo ra không chỉ để sống mà thôi, nhưng với mục đích cao hơn. Nó thật ra được kiến tạo một cách kỳ diệu để hưởng sự sống (Thi-thiên 139:14). Mắt của chúng ta không phải chỉ thấy hình ảnh trắng đen mà thôi, nhưng có thể thấy màu sắc, và thế giới chung quanh chúng ta đầy dẫy màu sắc để chúng ta tha hồ thưởng thức. Chúng ta có thể ngửi và nếm các vị. Do đó việc ăn uống không phải chỉ là một nhu cầu mà thôi, song có thể thú vị lắm. Những giác quan ấy không phải là tuyệt đối cần thiết cho sự sống, song đây là những sự ban cho của một Đức Chúa Trời có lòng yêu thương, rộng rãi và ân cần (Sáng-thế Ký 2:9; I Giăng 4:8).

13. Cách cư xử của Đức Chúa Trời đối với loài người dạy bạn điều gì về Ngài?

13 Khi xem xét cách cư xử của Đức Chúa Trời đối với loài người, chúng ta cũng có thể thấy Ngài là Đức Chúa Trời như thế nào. Ngài rất yêu chuộng sự công bình. Ngài không hề tỏ ra tư vị một chủng tộc nào (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35). Ngài cũng đầy thương xót và nhân từ. Kinh-thánh có nói về cách Ngài đối xử dân Y-sơ-ra-ên mà Ngài đã giải cứu khỏi ách nô lệ ở xứ Ê-díp-tô như sau: “Ngài, vì lòng thương-xót...nhớ lại chúng nó chẳng qua là xác-thịt”. Tuy vậy dân Y-sơ-ra-ên nhiều lần tỏ ra không vâng lời Ngài, và điều đó đã làm buồn lòng Đức Chúa Trời. Bởi vậy Kinh-thánh có nói như sau: “Chúng nó...làm phiền Ngài...trêu chọc Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên” (Thi-thiên 78:38-41; 103:8, 13, 14). Mặt khác, khi các tôi tớ của Ngài ngoan ngoãn làm theo luật pháp của Ngài, Đức Chúa Trời lấy làm hài lòng (Châm-ngôn 27:11). Đức Chúa Trời cũng diễn tả tâm trạng của Ngài khi các tôi tớ của Ngài bị kẻ thù làm khổ như sau: “Ai đụng đến các ngươi tức là đụng đến con ngươi mắt (ta)” (Xa-cha-ri 2:8). Bạn có cảm thấy yêu thương một Đức Chúa Trời có lòng yêu mến dường ấy đối với con người nhỏ bé, hèn mọn thuộc mọi chủng tộc và mọi dân hay không? (Ê-sai 40:22; Giăng 3:16).

ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ PHẢI LÀ GIÊ-SU HAY LÀ MỘT CHÚA BA NGÔI KHÔNG?

14. Giáo lý Chúa Ba Ngôi là gì?

14 Đức Chúa Trời huyền diệu này là ai? Vài người bảo rằng danh của Ngài là Giê-su. Những người khác cho rằng Ngài là một Chúa Ba Ngôi, dầu cho danh từ “Chúa ba ngôi” không hề có ghi trong Kinh-thánh. Theo giáo lý Chúa Ba Ngôi thì có ba vị trong một Đức Chúa Trời, tức là có “một Đức Chúa Trời gồm Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh-linh”. Có nhiều giáo phái dạy điều này, dầu cho họ nhìn nhận rằng đây là một “điều huyền bí”. Liệu quan điểm đó về Đức Chúa Trời có đúng hay không?

15. Làm thế nào Kinh-thánh chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời và Giê-su là hai nhân vật khác nhau và không ngang hàng với nhau?

15 Giê-su có bao giờ nói rằng ngài là Đức Chúa Trời không? Không, ngài không bao giờ nói vậy. Đúng hơn, Kinh-thánh gọi ngài là “Con của Đức Chúa Trời”. Và ngài đã nói: “Cha tôn-trọng hơn ta” (Giăng 10:34-36; 14:28). Giê-su cũng có giải thích rằng có vài điều mà cả ngài lẫn các thiên sứ đều không biết đến, duy chỉ có Đức Chúa Trời biết mà thôi (Mác 13:32). Ngoài ra, trong một dịp nọ Giê-su đã cầu nguyện Đức Chúa Trời mà rằng: “Xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi” (Lu-ca 22:42). Nếu Giê-su là Đức Chúa Trời Toàn năng, tất ngài đã không tự cầu nguyện chính ngài, phải không? Thật thế, sau khi Giê-su chết, Kinh-thánh có nói: “Đức Chúa Giê-su này, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:32). Vậy thì Đức Chúa Trời Toàn năng và Giê-su rõ ràng là hai nhân vật khác nhau. Ngay cả sau khi ngài chết, được sống lại và lên trời, Giê-su vẫn không ngang hàng với Cha ngài (I Cô-rinh-tô 11:3; 15:28).

16. Mặc dù Giê-su được gọi là “Chúa” (hay Đức Chúa Trời đi nữa), điều gì cho thấy rằng ngài không phải là Đức Chúa Trời Toàn năng?

16 Có người sẽ hỏi: “Há Kinh-thánh không có gọi Giê-su là Chúa sao?” Đúng, Kinh-thánh có nói vậy. Tuy nhiên, Sa-tan cũng được gọi là chúa nữa (II Cô-rinh-tô 4:4). Trong Giăng 1:1, nơi mà Giê-su được gọi là “Ngôi-Lời”, vài bản dịch Kinh-thánh nói như sau: “Ban đầu có Ngôi-Lời, Ngôi-Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi-Lời là Đức Chúa Trời”. Nhưng xin bạn hãy lưu ý là câu Giăng 1:2 2 nói Ngôi-Lời “ban đầu...ở cùng Đức Chúa Trời”. Và trong khi người ta đã nhìn thấy Giê-su, câu Giăng 1:18 18 nói “chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời”. Vì vậy chúng ta thấy rằng vài bản dịch Kinh-thánh đã dịch câu Giăng 1:1 1 đúng ý của nguyên bản như sau: “Ngôi-Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi-Lời có bản tính giống như Đức Chúa Trời” hay là “một vị thần”,tức Ngôi-Lời là một đấng có quyền năng giống như Đức Chúa Trời. Hiển nhiên Giê-su không phải là Đức Chúa Trời Toàn năng. Thật vậy, Giê-su đã gọi Cha ngài là “Đức Chúa Trời ta” và “Đức Chúa Trời có một và thật” (Giăng 20:17; 17:3).

17. Làm thế nào việc thánh linh đã được đổ trên các môn đồ của Giê-su chứng tỏ rằng thánh linh không phải là một người?

17 Về phần “Đức Thánh-linh”, cái mà người ta gọi là ngôi thứ ba trong thuyết Ba Ngôi, chúng ta đã thấy rằng đây không phải là một nhân vật, nhưng là sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời. Giăng Báp-tít đã nói rằng Giê-su sẽ làm phép báp têm bằng thánh linh trong khi Giăng làm phép báp têm bằng nước. Do đó, giống như nước không phải là một người, cũng vậy thánh linh cũng không phải là một người (Ma-thi-ơ 3:11). Điều mà Giăng đã tiên tri được ứng nghiệm, sau khi Giê-su chết và được sống lại, lúc thánh linh được đổ trên các môn đồ của ngài đang nhóm lại tại Giê-ru-sa-lem. Kinh-thánh có nói như sau: “Hết thảy đều được đầy dẫy thánh linh” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:4, NW). Họ đã được “đầy dẫy” một người hay sao? Không đâu, song họ đã được đầy dẫy sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời. Như vậy các sự kiện chứng minh rằng thuyết Ba Ngôi không phải là một điều mà Kinh-thánh dạy. Sự thật là nhiều dân tộc cổ như là dân Ê-díp-tô và dân Ba-by-lôn từ lâu đã thờ nhiều nhóm ba thần, hoặc là ba ngôi, trước khi Giê-su xuống thế gian này.

DANH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

18. a) Chữ “Đức Chúa Trời” có phải là danh của Đức Chúa Trời Toàn năng không? b) Tên riêng của Đức Chúa Trời là gì?

18 Chắc chắn mỗi người mà bạn biết đều có một tên. Đức Chúa Trời cũng có một tên riêng để phân biệt Ngài với tất cả những thần khác. Một vài người có thể hỏi: “Danh của Ngài há không phải là “Đức Chúa Trời” sao?” Không đâu, vì chữ “Đức Chúa Trời” chỉ là một chức tước mà thôi, giống như chức “Tổng thống”, “Vua” và “Quan tòa” vậy. Chúng ta biết danh của Đức Chúa Trời qua Kinh-thánh, danh Ngài xuất hiện khoảng 7.000 lần. Chẳng hạn như Thi-thiên 83:18 có nói như sau: “Hầu cho chúng nó biết rằng chỉ một mình Chúa, danh là Đức GIÊ-HÔ-VA, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”. Danh của Đức Chúa Trời cũng được tìm thấy trong hầu hết các bản dịch Kinh-thánh ở Khải-huyền 19:1-6, trong chữ “A-lê-lu-gia” hay là “Ha-lê-lu-gia”. Chữ đó có nghĩa là “hãy ngợi khen Gia”, và “Gia” là chữ viết tắt của Giê-hô-va.

19. a) Tại sao vài người lại ngạc nhiên khi đọc thấy danh của Đức Chúa Trời trong quyển Kinh-thánh của họ? b) Trong bản dịch King James Version danh của Đức Chúa Trời được dùng đến ở những chỗ nào?

19 Nhiều người ngạc nhiên khi đọc thấy danh của Đức Chúa Trời trong quyển Kinh-thánh của họ. Thường thì là vì bản Kinh-thánh của họ ít dùng đến danh của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn như bản dịch (Anh-ngữ) King James Version chỉ dùng danh “Giê-hô-va” trong Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3, Thi-thiên 83:18 và Ê-sai 12:2 và Ê-sai 26:4. Song, khi bản Kinh-thánh này dịch danh của Đức Chúa Trời bằng những chức tước như “Chúa” hoặc “Đức Chúa Trời” thì các danh-từ “CHÚA” và “ĐỨC CHÚA TRỜI” luôn luôn được viết toàn bằng chữ in hoa để phân biệt với những chữ thông thường “Chúa” và “Đức Chúa Trời”. Bạn hãy đọc Thi-thiên 110:1 thì sẽ thấy.

20. a) Tại sao danh của Đức Chúa Trời đã nhiều khi không được dùng đến? b) Ta có nên dùng đến danh ấy không?

20 Bạn có thể hỏi rằng: “Nhưng tại sao danh của Đức Chúa Trời không được dùng đến mỗi khi danh ấy xuất hiện trong nguyên bản? Tại sao danh này thường được thay thế bằng những chức tước như CHÚA và ĐỨC CHÚA TRỜI?” Trong lời mở đầu, bản (Anh-ngữ) American Standard Version có giải thích tại sao người ta dùng đến danh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va mà từ lâu đã không được dùng đến như sau: “Sau khi xem xét kỹ lưỡng, những người Tu chính Hoa-kỳ đã đồng thanh kết luận một cách quả quyết rằng bản dịch bằng tiếng Anh hoặc bất cứ một bản dịch nào khác không còn phải lệ thuộc vào một sự mê tín dị đoan của người Do-thái cho rằng Danh của Đức Chúa Trời quá thánh khiết không nên thốt lên...Danh hiệu riêng này cùng với rất nhiều điều thiêng liêng liên quan đến danh ấy, giờ đây đã được dùng lại ở trong Kinh-thánh y như là trong nguyên bản”. Vâng, những người dịch Kinh-thánh đó ra tiếng Anh đã hiểu rằng những lý do khiến người ta không dùng đến danh của Đức Chúa Trời trong Kinh-thánh thuở trước là không chính đáng. Do đó họ đã để lại danh ấy trong Kinh-thánh y như trong nguyên bản.

21. Bản dịch Công giáo Douay Version có nói điều gì về danh “Giê-hô-va”?

21 Tuy nhiên, có người lại lập luận rằng không nên dùng danh “Giê-hô-va”, vì đó không phải là tên thật của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn như bản Douay Version của Công giáo hoàn toàn không dùng đến danh của Đức Chúa Trời, và có lời chú thích cho câu Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3 như sau: “Vài người thuộc tân-phái đã đưa ra danh-hiệu Giê-hô-va...nhưng vì bấy lâu nay danh-hiệu này không được dùng đến, người ta ngày nay không biết đọc sao cho đúng danh của Đức Chúa Trời ghi trong Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ”.

22. a) Theo tiếng Hê-bơ-rơ danh của Đức Chúa Trời được biểu hiệu như thế nào? b) Tại sao ngày nay có vấn đề về cách đọc danh của Đức Chúa Trời đúng như thời xưa?

22 Vâng, y như là bản dịch Kinh-thánh Công giáo nhìn nhận, quả danh của Đức Chúa Trời đã được ghi trong nguyên bản bằng tiếng Hê-bơ-rơ, thứ tiếng đã được dùng để viết 39 quyển sách đầu tiên của Kinh-thánh. Ở đó danh của Đức Chúa Trời đã được biểu-hiệu bằng 4 chữ cái của tiếng Hê-bơ-rơ: YHWH. Vào thời cổ tiếng Hê-bơ-rơ được viết ra không có dùng mẫu âm, tức những chữ cái như a, e, i, o, u, giúp ta ráp vần lại mà đọc chữ. Bởi thế ngày nay vấn đề là chúng ta không làm thế nào biết rõ được những mẫu âm nào người Hê-bơ-rơ hồi xưa đã kèm theo những phụ âm YHWH.

23. Chúng ta có thể hiểu được vấn đề về cách đọc đúng danh của Đức Chúa Trời qua thí dụ nào?

23 Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng ta hãy lấy chữ “vân vân” làm thí dụ. Chúng ta hãy tưởng tượng là chữ này đã bắt đầu được viết là “v.v...” và dần dần theo thời gian chữ đó không đọc đến bao giờ. Như thế thì 1.000 năm sau này làm sao người ta sẽ biết đọc chữ “v.v...” viết như thế? Vì đã không hề nghe đọc đến chữ đó cũng không biết những mẫu âm nào phải ráp vào đấy, người ta sẽ không biết chắc chắn cách đọc chữ đó. Đối với danh của Đức Chúa Trời cũng vậy. Không ai biết được một cách chính xác hồi xưa chữ đó đã được đọc ra sao, dầu cho vài học giả nghĩ rằng đọc là “Ya-vê” mới đúng. Tuy nhiên, cách đọc là “Giê-hô-va” đã được thông dụng qua nhiều thế kỷ và đã được phổ biến rộng rãi.

24. a) Để khỏi tự mâu thuẫn, tại sao việc dùng đến danh của Đức Chúa Trời là điều hợp lý? b) Tại sao việc dùng đến danh của Đức Chúa Trời là điều quan trọng thể theo Công-vụ các Sứ-đồ 15:14?

24 Song chúng ta có nên dùng đến danh của Đức Chúa Trời hay không, dầu cho có lẽ chúng ta không biết đọc đúng cách như là hồi xưa người ta đã đọc danh đó? Chúng ta vẫn dùng đến tên của những người khác trong Kinh-thánh mặc dầu không biết đọc những tên ấy y như cách đọc thời xưa theo tiếng Hê-bơ-rơ cổ. Chẳng hạn như danh của Giê-su được đọc là “Yeshʹua” theo tiếng Hê-bơ-rơ. Cũng vì lẽ ấy, việc dùng danh của Đức Chúa Trời do Kinh-thánh biểu lộ là đúng, dầu cho ta đọc là “Ya-vê” hay “Giê-hô-va” hay bằng cách nào khác thông dụng trong ngôn ngữ của chúng ta. Điều sai lầm là từ chối không chịu dùng đến danh ấy. Tại sao vậy? Vì những người không dùng đến danh ấy tất không thể được nhận diện như là những người mà Đức Chúa Trời chọn để làm “một dân để dâng cho danh Ngài” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:14). Không những chúng ta phải biết đến danh của Đức Chúa Trời, mà chúng ta lại còn phải ngợi khen danh đó trước mặt những người khác nữa, như Giê-su đã làm khi ngài ở trên đất (Ma-thi-ơ 6:9; Giăng 17:6, 26).

ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ MỤC ĐÍCH

25. a) Chúng ta khó lòng hiểu thấu được những điều gì về Đức Chúa Trời? b) Điều gì đã thúc đẩy Đức Giê-hô-va bắt đầu sáng tạo?

25 Dầu cho chúng ta khó lòng tưởng tượng được, Đức Giê-hô-va đã không hề có sự bắt đầu và cũng sẽ không hề có sự cuối cùng. Ngài là “Vua muôn đời” (Thi-thiên 90:2; I Ti-mô-thê 1:17). Trước khi Ngài bắt đầu sáng tạo, Đức Giê-hô-va chỉ có một mình trong khắp vũ trụ. Song Ngài không cảm thấy cô độc, vì Ngài vốn tự mình là đầy đủ và không thiếu thốn điều gì cả. Chính lòng yêu thương đã thúc đẩy Ngài bắt đầu sáng tạo để ban sự sống cho kẻ khác được hưởng. Những tạo vật đầu tiên của Đức Chúa Trời có thể thiêng liêng giống như Ngài. Ngài đã có một tổ chức vĩ đại gồm những con trai của Ngài ở trên trời trước khi trái đất được sửa soạn cho loài người ở. Đức Giê-hô-va đã muốn cho họ sống trong hạnh phúc và lấy làm hứng thú trong công việc mà Ngài đã giao phó cho họ (Gióp 38:4, 7).

26. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn là ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất sẽ được thực hiện?

26 Khi trái đất được chuẩn bị, Đức Giê-hô-va đặt một cặp vợ chồng, A-đam và Ê-va, tại một nơi trên trái đất đã được lập thành một cõi địa-đàng. Ngài muốn cho họ có con cái biết vâng lời và thờ phượng Ngài để rồi sẽ lan rộng bờ cõi vườn địa-đàng ra khắp trái đất (Sáng-thế Ký 1:27, 28). Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, ý định cao cả đó đã bị ngăn trở. A-đam và Ê-va đã chọn con đường phản nghịch lại Đức Chúa Trời, và ý định của Ngài đã không được thành tựu. Song ý định đó sẽ được thành tựu vì nếu Đức Giê-hô-va không thực hiện ý định của Ngài, tất Ngài sẽ bị coi như thất bại. Và không bao giờ Ngài sẽ để cho điều đó xảy đến! Ngài phán: “Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý...Điều ta đã rao ra ta sẽ làm hoàn-thành” (Ê-sai 46:10, 11).

27. a) Tại sao chúng ta có trách nhiệm đối với Đức Chúa Trời? b) Vậy thì chúng ta phải suy nghĩ kỹ về câu hỏi nào?

27 Bạn có hiểu rằng bạn có thể có một địa vị trong ý định của Đức Chúa Trời chăng? Ấy không phải là làm bất cứ điều gì bạn muốn mà không màng đến ý muốn của Đức Chúa Trời. Đấy chính là điều mà Sa-tan, A-đam và Ê-va đã làm. Họ đã biết rõ đâu là ý muốn của Đức Chúa Trời, song lại không làm theo ý muốn đó. Và Đức Chúa Trời đã qui trách nhiệm cho họ. Có phải chúng ta cũng có trách nhiệm đối với Đức Chúa Trời về các hành động của chúng ta không? Có chứ, vì Đức Chúa Trời là Nguồn sự sống của chúng ta. Sự sống của chúng ta tùy thuộc nơi Ngài (Thi-thiên 36:9; Ma-thi-ơ 5:45). Vậy thì chúng ta ăn ở phù hợp với ý định của Đức Chúa Trời đối với chúng ta cho tới mức độ nào? Chúng ta phải suy nghĩ kỹ về điều này, vì cơ hội được sống đời đời tùy thuộc vào thái độ của chúng ta.

THỜ PHƯỢNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA NHƯ THẾ NÀO?

28. Một số người cậy đến những vật gì để thờ phượng Đức Chúa Trời?

28 Cách thức mà chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va là điều quan trọng. Chúng ta phải thờ phượng Ngài theo cách mà Ngài chỉ ra, dầu cho cách đó có khác hẳn với cách mà chúng ta đã từng được dạy dỗ. Chẳng hạn có nhiều người quen dùng hình tượng để thờ phượng. Họ có thể cho rằng họ không có thờ hình tượng, họ nói nhìn và rờ mó các hình tượng đó giúp họ để thờ phượng Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời có muốn chúng ta thờ phượng Ngài bằng cách nhờ cậy đến hình tượng hay không?

29. Kinh-thánh cho thấy việc dùng các hình tượng trong việc thờ phượng là sai lầm như thế nào?

29 Không đâu, Ngài không muốn như vậy. Và chính vì lẽ đó mà Môi-se đã nói cùng người Y-sơ-ra-ên rằng Đức Chúa Trời đã không bao giờ hiện ra cho họ thấy một hình trạng nào (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:15-19). Thật thế, một trong Mười Điều Răn có nói như sau: “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật...ngươi chớ quì-lạy trước các hình-tượng đó và cũng đừng hầu việc chúng nó” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5). Chúng ta chỉ nên thờ phượng một mình Đức Giê-hô-va mà thôi. Kinh-thánh đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng làm hình tượng và quì lạy trước chúng hoặc thờ phượng người nào hay vật nào khác ngoài Đức Giê-hô-va là điều sai lầm (Ê-sai 44:14-20; 46:6, 7; Thi-thiên 115:4-8).

30. a) Giê-su và các sứ đồ của ngài đã nói gì để cho thấy rằng dùng hình tượng là sai lầm? b) Theo Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:25, chúng ta phải làm gì với các hình tượng?

30 Như chúng ta có thể chờ đợi, Giê-su đã không hề dùng hình tượng trong việc thờ phượng. Ngài giải thích rằng “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ-lạy Ngài thì phải lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-lạy” (Giăng 4:24). Vì làm theo lời khuyên bảo này, không có một môn đồ nào của Giê-su đã dùng các hình tượng để thờ phượng cả. Thật vậy, sứ đồ Phao-lô có viết như sau: “Chúng ta bước đi bởi đức-tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy” (II Cô-rinh-tô 5:7). Và sứ đồ Giăng đã cảnh cáo: “Hãy giữ mình về hình-tượng” (I Giăng 5:21). Tại sao ta lại không nhìn quanh trong nhà và tự hỏi xem mình có làm theo lời khuyên bảo đó hay không? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:25).

31. a) Ngay cả khi chúng ta không hiểu thấu được lý do tại sao Đức Chúa Trời ra một luật pháp nào đó, điều gì sẽ thúc đẩy chúng ta vâng lời làm theo? b) Chúng ta phải cố gắng làm điều gì, và chúng ta nên nhận lấy lời mời nào?

31 Nếu chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va Đấng Tạo-hóa theo cách mà Ngài đã vạch ra, tất chúng ta sẽ cảm thấy sung sướng thật sự (Giê-rê-mi 14:22). Kinh-thánh chỉ cho thấy rằng những điều răn của Ngài cốt là đem lợi ích cho chúng ta, hầu cho chúng ta được hạnh phúc mãi mãi. Đành rằng có nhiều lúc vì thiếu hiểu biết và kinh nghiệm chúng ta không thể hiểu thấu được tại sao một luật pháp nào đó do Đức Chúa Trời ban ra là quan trọng, hoặc là có lợi ích thực tế nào. Song nếu chúng ta tin chắc rằng Đức Chúa Trời hiểu biết nhiều hơn chúng ta, tất chúng ta sẽ tự động vâng lời Ngài một cách sốt sắng (Thi-thiên 19:7-11). Vậy thì chúng ta hãy cố gắng hết sức mình để học hỏi tất cả những gì chúng ta có thể học được về Đức Giê-hô-va, và nhận lấy lời mời sau đây: “Hãy đến, cúi xuống mà thờ-lạy, khá quì gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo-hóa chúng tôi! Vì Ngài là Đức Chúa Trời chúng tôi: chúng tôi là dân của đồng cỏ Ngài, và là chiên tay Ngài dìu-dắt” (Thi-thiên 95:6, 7).

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 42]

Danh của Đức Chúa Trời ở bốn chỗ trong bản dịch (Anh-ngữ) King James Version

Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3

3 And I appeared unto Abraham, unto Isaac, and unto Jacob by the name of God Almighty, but by my name JEHOVAH was I not known to them.

Thi-thiên 83:18

18 That men may know that thou, whose name alone is JEHOVAH, art the most high over all the earth.

Ê-sai 12:2

2 Behold, God is my salvation; I will trust and not be afraid: for the LORD JEHOVAH is my strength and my song; he also is become my salvation.

Ê-sai 26:4

4 Trust ye in the LORD for ever: for in the LORD JEHOVAH is everlasting strength:

[Các hình nơi trang 34, 35]

Nếu nhà phải do người dựng nên,... hẳn vũ trụ phức tạp hơn nhiều phải do Đấng Tạo-hóa mà có.

[Hình nơi trang 39]

Vì Giê-su cầu nguyện Đức Chúa Trời, xin làm theo ý Ngài chớ không theo ý mình, vậy hai vị không thể nào là một nhân vật được.

[Hình nơi trang 40, 41]

Làm thế nào thánh linh có thể là một người, khi khoảng 120 môn đồ được đầy dẫy thánh linh cùng một lúc?

[Hình nơi trang 45]

Dùng hình tượng để thờ phượng là đúng không?