Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ai sẽ được sống lại, và ở đâu?

Ai sẽ được sống lại, và ở đâu?

Chương 20

Ai sẽ được sống lại, và ở đâu?

1, 2. Làm thế nào chúng ta biết rằng thuở xưa những tôi tớ của Đức Chúa Trời tin nơi sự sống lại?

CÁC TÔI TỚ của Đức Chúa Trời luôn luôn tin nơi sự sống lại. Kinh-thánh có nói về Áp-ra-ham là người đã sống 2.000 năm trước khi Giê-su ra đời như sau: “Người tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết (Y-sác, con của người) sống lại” (Hê-bơ-rơ 11:17-19). Sau đó Gióp, tôi tớ của Đức Chúa Trời, có hỏi: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?” Để đáp lại câu hỏi của chính mình, Gióp nói cùng Đức Chúa Trời: “Chúa sẽ gọi, tôi sẽ thưa lại”. Như thế ông tỏ ra là ông tin nơi sự sống lại (Gióp 14:14, 15).

2 Khi Giê-su Christ ở trên đất, ngài có giải thích: “Còn về sự kẻ chết sống lại, Môi-se đã cho biết trong câu chuyện về bụi gai, khi người gọi Chúa là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Vậy, Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời của kẻ chết, nhưng của kẻ sống; vì ai nấy đều sống cho Ngài” (Lu-ca 20:37, 38). Trong Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp chữ “sự sống lại” được dùng hơn 40 lần. Quả thật, sự sống lại của kẻ chết là một giáo lý căn bản của Kinh-thánh (Hê-bơ-rơ 6:1, 2).

3. Ma-thê biểu lộ đức tin nơi sự sống lại như thế nào?

3 Khi anh của nàng là La-xa-rơ chết đi, Ma-thê là bạn của Giê-su tỏ đức tin nơi sự sống lại. Khi nàng nghe nói Giê-su đang đến, Ma-thê vội vàng chạy đi đón ngài. Nàng nói: “Lạy Chúa, nếu Chúa có đây thì anh tôi không chết”. Thấy nàng buồn rầu, Giê-su an ủi nàng bằng những lời sau đây: “Anh ngươi sẽ sống lại”. Ma-thê đáp: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối-cùng, anh tôi sẽ sống lại” (Giăng 11:17-24).

4-6. Ma-thê đã có những lý do nào để tin nơi sự sống lại?

4 Ma-thê có những lý lẽ vững chắc để tin nơi sự sống lại. Chẳng hạn như nàng từng biết rằng nhiều năm trước đó những nhà tiên tri của Đức Chúa Trời là Ê-li và Ê-li-sê đã dùng quyền năng của Đức Chúa Trời để mỗi người làm một đứa bé sống lại (I Các Vua 17:17-24; II Các Vua 4:32-37). Và nàng đã biết đến vụ một người chết được sống lại khi y bị quăng xuống một cái hố và xác chết của y chạm đến xương người chết là Ê-li-sê (II Các Vua 13:20, 21). Nhưng điều làm vững mạnh đức tin của nàng nơi sự sống lại nhiều hơn hết, ấy là những việc mà chính Giê-su đã dạy và làm.

5 Ma-thê có lẽ đã có mặt tại thành Giê-ru-sa-lem khoảng hai năm trước đó, khi Giê-su nói về vai trò của ngài trong việc làm người chết sống lại. Ngài nói: “Vả, Cha khiến những kẻ chết sống lại và ban sự sống cho họ thể nào, thì Con cũng ban sự sống cho kẻ Con muốn thể ấy. Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng ngài và ra khỏi” (Giăng 5:21, 28, 29).

6 Theo lời tường thuật của Kinh-thánh thì cho đến giờ phút mà Giê-su nói ra những lời kể trên, ngài chưa có làm cho người nào sống lại cả. Nhưng ít lâu sau đó ngài làm cho một thanh niên, con của một bà góa ở thành Na-in, sống lại. Tin tức đó được đồn ra đến vùng Giu-đê ở miền nam, vì vậy mà Ma-thê chắc chắn được nghe nói đến (Lu-ca 7:11-17). Sau đó hẳn Ma-thê cũng có nghe đồn đến việc xảy ra gần biển Ga-li-lê trong nhà của Giai-ru. Con gái của ông được 12 tuổi đau rất nặng đoạn chết đi. Nhưng khi Giê-su đến nhà ông Giai-ru, ngài đi thẳng đến đứa bé gái đã chết và nói: “Con ơi, hãy chờ dậy”. Và con ấy đã ngồi dậy! (Lu-ca 8:40-56).

7. Giê-su chứng tỏ thế nào cho Ma-thê rằng ngài có thể làm người chết sống lại?

7 Dù vậy Ma-thê không chờ đợi là Giê-su sẽ làm anh nàng sống lại ngay lúc đó. Bởi vậy nàng nói: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối-cùng, anh tôi sẽ sống lại”. Tuy nhiên, để nhấn mạnh vai trò của ngài trong việc làm người chết sống lại, Giê-su nói: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dù đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không hề chết”. Đoạn Giê-su được đưa đến mồ của La-xa-rơ. Ngài hô to lên: “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra”. Tức thì La-xa-rơ đi ra, sau khi đã chết được bốn hôm (Giăng 11:24-26, 38-44).

8. Có bằng chứng nào cho thấy là Giê-su đã được sống lại?

8 Vài tuần lễ sau đó chính Giê-su lại bị giết chết và được chôn trong một cái mộ. Nhưng ngài chỉ ở tại đó chưa đến trọn ba ngày. Sứ đồ Phi-e-rơ có giải thích tại sao khi ông nói: “Đức Chúa Giê-su nầy, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và chúng ta thảy đều làm chứng về sự đó”. Những nhà lãnh đạo tôn giáo không thể nào ngăn cản Con của Đức Chúa Trời ra khỏi mộ (Công-vụ các Sứ-đồ 2:32; Ma-thi-ơ 27:62-66; 28:1-7). Không có chút nghi ngờ gì là đấng Christ đã được sống lại từ cõi chết, bởi vì sau đó ngài hiện ra cho các môn đồ của ngài, có lần nọ trước mắt độ chừng 500 người trong họ (I Cô-rinh-tô 15:3-8). Môn đồ của Giê-su tin chắc nơi sự sống lại đến đỗi họ sẵn sàng liều chết để phụng sự Đức Chúa Trời.

9. Kinh-thánh có nói đến chín người nào đã được sống lại?

9 Sau đó sứ đồ Phi-e-rơ và Phao-lô đã cho thêm những bằng chứng khác cho thấy là người chết có thể được sống lại. Trước hết Phi-e-rơ khiến cho Ta-bi-tha, cũng được gọi là Đô-ca, ở thành Giốp-bê, được sống lại (Công-vụ các Sứ-đồ 9:36-42). Và kế đó Phao-lô cũng khiến cho cậu thanh niên Ơ-tích được sống lại, anh ta đã chết đi vì té xuống từ cửa sổ lầu ba lúc Phao-lô đang giảng (Công-vụ các Sứ-đồ 20:7-12). Chắc chắn chín trường hợp về sự sống lại này được ghi trong Kinh-thánh là bằng chứng vững chắc rằng người chết có thể được sống lại.

AI SẼ ĐƯỢC SỐNG LẠI?

10, 11. a) Tại sao Đức Chúa Trời làm sắp đặt cho sự sống lại? b) Thể theo Công-vụ các Sứ-đồ 24:15, có hai hạng người nào sẽ được sống lại?

10 Lúc ban đầu Đức Chúa Trời không có ý định làm cho ai được sống lại cả, vì nếu A-đam và Ê-va giữ lòng trung thành thì không một ai phải chết cả. Nhưng rồi thì tội lỗi của A-đam đã mang lại sự bất toàn và sự chết cho hết thảy mọi người (Rô-ma 5:12). Vì thế Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm sắp đặt cho có sự sống lại để cho con cái của A-đam có thể vui hưởng sự sống đời đời. Nhưng điều gì sẽ định đoạt xem một người có được sống lại hay không?

11 Kinh-thánh có giải thích: “Sẽ có sự sống lại của người công-bình không công-bình” (Công-vụ các Sứ-đồ 24:15). Vài người sẽ lấy làm ngạc nhiên. Có lẽ họ tự hỏi tại sao lại cho người không công bình được sống lại nữa. Chúng ta có thể giải đáp thắc mắc này khi xem xét điều gì đã xảy ra khi Giê-su bị treo trên cây khổ hình.

12, 13. a) Giê-su có hứa điều gì với một tội nhân? b) “Địa-đàng” mà Giê-su nói đến sẽ ở đâu?

12 Những người treo cạnh Giê-su là những tên phạm tội trọng. Một trong những tên đó vừa mới mắng nhiếc ngài rằng: “Ngươi không phải là đấng Christ sao? Hãy tự cứu lấy mình ngươi cùng chúng ta nữa”. Tuy nhiên, tên tội nhân kia lại tin nơi Giê-su. Y quay về phía ngài và nói: “Khi ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi”. Nghe vậy Giê-su liền hứa: “Quả thật, ta nói cùng ngươi hôm nay, ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:39-43).

13 Nhưng Giê-su có ngụ ý muốn nói gì khi ngài nói: “Ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi”? Ba-ra-đi, hay là địa-đàng, ở đâu? Thế thì lúc ban đầu Đức Chúa Trời đã lập địa-đàng ở đâu? Ở trên trái đất phải không? Đức Chúa Trời đặt cặp vợ chồng đầu tiên trong một cảnh địa-đàng xinh đẹp gọi là vườn Ê-đen. Như thế thì khi chúng ta đọc là tên tội nhân xưa kia sẽ ở trong Địa-đàng, chúng ta phải tự hình dung trong trí óc chúng ta hình ảnh của trái đất này biến thành một nơi sinh sống xinh đẹp, vì chữ “địa-đàng” có nghĩa là “khu vườn” hay “công viên” (Sáng-thế Ký 2:8, 9).

14. Giê-su sẽ ở với tên tội nhân khi xưa bằng cách nào?

14 Dĩ nhiên là Giê-su Christ sẽ không ở tại đây trên trái đất này với tên tội nhân xưa kia. Không đâu, Giê-su sẽ ở trên trời làm vua cai trị Địa-đàng ở dưới đất. Như vậy ngài sẽ ở với người kia theo nghĩa là ngài sẽ khiến cho y được sống lại và săn sóc đến y về phần thể chất lẫn phần thiêng liêng. Nhưng tại sao Giê-su lại để cho một người đã từng là một tội nhân được sống trong Địa-đàng?

15. Tại sao những người “không công-bình” sẽ được sống lại?

15 Đành rằng người đó đã làm những chuyện xấu, là người “không công-bình”. Hơn nữa, y không biết đến ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng liệu y có phạm tội trọng nếu y đã biết đến ý định của Đức Chúa Trời hay không? Để biết được điều đó, Giê-su sẽ khiến cho người không công bình đó sống lại cùng với hàng tỷ những người khác đã chết trong sự dốt nát về Đức Chúa Trời. Chẳng hạn như trong các thế kỷ qua nhiều người đã chết đi mà không hề biết đọc và không hề thấy một cuốn Kinh-thánh. Nhưng họ sẽ được sống lại từ chốn Sheol, hoặc Hades, nghĩa là mồ mả. Sau đó, trong địa-đàng trên đất, họ sẽ học biết ý muốn của Đức Chúa Trời và sẽ có cơ hội để chứng tỏ là họ thật lòng yêu mến Đức Chúa Trời bằng cách làm theo ý muốn của Ngài.

16. a) Có những người chết nào sẽ không được sống lại? b) Tại sao chúng ta không nên tìm cách xét đoán việc này? c) Chúng ta phải lo lắng đến điều gì trên hết?

16 Điều này không có nghĩa là tất cả mọi người đều sẽ được sống lại. Kinh-thánh cho thấy là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, kẻ phản Giê-su, sẽ không được sống lại. Bởi lẽ y cố ý làm điều ác, Giu-đa được gọi là “đứa con của sự hư-mất” (Giăng 17:12). Y đã đi đến chốn Ghê-hen-na tượng trưng và từ nơi đó sẽ không có sự sống lại (Ma-thi-ơ 23:33). Những ai cố ý làm điều xấu sau khi biết đến ý muốn của Đức Chúa Trời, có thể phạm tội cùng thánh linh. Và Đức Chúa Trời sẽ không làm sống lại những kẻ nào phạm tội cùng thánh linh của Ngài (Ma-thi-ơ 12:32; Hê-bơ-rơ 6:4-6; 10:26, 27). Tuy nhiên, bởi lẽ Đức Chúa Trời là Đấng làm Quan-xét, chúng ta không có lý do nào để tìm cách xem một số người ác trong quá khứ hoặc hiện tại sẽ được sống lại hay không. Đức Chúa Trời biết ai đang ở trong Hades và ai ở trong Ghê-hen-na. Về phần chúng ta, chúng ta nên làm hết sức mình để được liệt vào hạng người mà Đức Chúa Trời sẽ nhận cho vào hệ thống mới của Ngài (Lu-ca 13:24, 29).

17. Ai sẽ khỏi cần phải được sống lại để hưởng sự sống đời đời?

17 Thật ra không phải tất cả những ai nhận được sự sống đời đời đều sẽ cần đến sự sống lại. Nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời hiện nay đang sống vào những “ngày sau-rốt” của hệ thống mọi sự này sẽ sống sót qua trận giặc Ha-ma-ghê-đôn. Sau đó họ sẽ không bao giờ cần phải chết nữa, họ sẽ là thành phần của “đất mới” công bình. Điều mà Giê-su nói cho Ma-thê có thể áp dụng cho họ theo nghĩa đen: “Còn ai sống và tin ta thì không hề chết” (Giăng 11:26; II Ti-mô-thê 3:1).

18. Ai là những “người công-bình” sẽ được sống lại?

18 Ai là những “người công-bình” sẽ được sống lại? Những người đó sẽ gồm có những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời đã từng sống trước khi Giê-su Christ xuống thế. Nhiều người trong họ được nêu tên trong sách Hê-bơ-rơ đoạn 11. Họ không có hy vọng lên trời nhưng hy vọng được sống lại trên đất. Trong số những người “công-bình” được sống lại cũng sẽ có những tôi tớ của Đức Chúa Trời mới chết trong những năm gần đây. Đức Chúa Trời sẽ thực hiện hy vọng được sống đời đời trên đất của họ bằng cách cho họ sống lại từ cõi chết.

SỐNG LẠI KHI NÀO VÀ Ở ĐÂU?

19. a) Giê-su là người đầu tiên được sống lại theo nghĩa nào? b) Ai là những người được sống lại kế đó?

19 Giê-su Christ được nói đến như là đấng được “sống lại trước nhứt từ trong kẻ chết” (Công-vụ các Sứ-đồ 26:23). Điều này có nghĩa là ngài là người đầu tiên trong số những người được sống lại mà không phải chết nữa. Và ngài cũng là người đầu tiên được sống lại với thể thiêng liêng (I Phi-e-rơ 3:18). Nhưng Kinh-thánh cũng nói cho chúng ta biết là sẽ có những người khác nữa: “Mỗi người theo thứ-tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày đấng Christ đến, những kẻ thuộc về ngài sẽ sống lại” (I Cô-rinh-tô 15:20-23). Như thế thì khi có sự sống lại, một số người sẽ được sống lại trước những người khác.

20. a) Ai là “những kẻ thuộc về ngài (đấng Christ)”? b) Họ sẽ được sự sống lại nào?

20 “Những kẻ thuộc về ngài (đấng Christ)” là 144.000 môn đồ trung thành được chọn để cùng cai trị với ngài trong Nước Trời. Kinh-thánh nói về sự sống lại của họ để được lên trời như sau: “Phước thay và thánh thay những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhứt. Sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy, song những người ấy...sẽ trị-vì với ngài trong một ngàn năm” (Khải-huyền 20:6; 14:1, 3).

21. a) Khi nào “sự sống lại thứ nhứt” bắt đầu? b) Chắc chắn ai đã được sống lại rồi để ở trên trời?

21 Như thế thì sau sự sống lại của đấng Christ thì đến lượt của 144.000 người. Họ dự phần vào “sự sống lại thứ nhứt”, hay là “sự sống lại sớm hơn” (Phi-líp 3:11, NW). Khi nào sự sống lại đó xảy ra? Theo Kinh-thánh thì việc này xảy ra “khi đấng Christ đến” (hoặc “đấng Christ hiện diện”, NW). Như chúng ta đã học ở những chương trước, sự hiện diện của đấng Christ bắt đầu từ năm 1914. Vậy thì “ngày” dành cho “sự sống lại thứ nhứt” của những tín đồ đấng Christ trung thành để họ lên trời đã xảy đến rồi. Chắc chắn là những sứ đồ cùng những tín đồ đấng Christ khác trong thế kỷ thứ nhứt đã được sống lại rồi và đang sống ở trên trời (II Ti-mô-thê 4:8).

22. a) Ai khác sẽ được dự phần vào “sự sống lại thứ nhứt” nữa? b) Khi nào họ được sống lại?

22 Nhưng có những tín đồ đấng Christ hiện nay đang sống trong thời kỳ hiện diện không thấy được của đấng Christ, và họ cũng có hy vọng lên trời cai trị với đấng Christ. Họ là những người còn sót lại trong số 144.000 người. Khi nào họ được sống lại? Họ không cần phải ngủ trong sự chết, nhưng được sống lại tức khắc khi họ chết. Kinh-thánh giải thích: “Chúng ta không ngủ hết, nhưng hết thảy đều sẽ biến-hóa trong giây-phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại” (I Cô-rinh-tô 15:51, 52; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17).

23. Kinh-thánh miêu tả sự biến dạng để sống trong cõi thiêng liêng như thế nào?

23 Dĩ nhiên là mắt thường không thấy được “sự sống lại thứ nhứt” này ở trên trời. Những người được sống lại như thế trở thành những tạo vật thiêng liêng. Kinh-thánh giải thích sự biến dạng để sống trong cõi thiêng liêng ấy như sau: “Thân-thể đã gieo ra là hư-nát, mà sống lại là không hư-nát; đã gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh... đã gieo ra là thể huyết-khí, mà sống lại là thể thiêng-liêng” (I Cô-rinh-tô 15:42-44).

24. a) Sự sống lại nào sẽ theo sau “sự sống lại thứ nhứt”? b) Tại sao sự sống lại đó được gọi là “sự sống lại tốt hơn”?

24 Tuy nhiên, chính từ ngữ “sự sống lại thứ nhứt” cho thấy là sẽ có một sự sống lại khác tiếp theo đó. Ấy là sự sống lại để sống trong địa-đàng trên đất của những người công bình và những người không công bình. Điều đó sẽ xảy ra sau Ha-ma-ghê-đôn. Đó sẽ là “sự sống lại tốt hơn” là sự sống lại của những đứa bé do Ê-li và Ê-li-sê thực hiện cùng với những người khác khi xưa đã được sống lại ở trên đất. Tại sao thế? Bởi vì nếu những người được sống lại sau Ha-ma-ghê-đôn chọn phụng sự Đức Chúa Trời, họ sẽ không bao giờ phải chết nữa (Hê-bơ-rơ 11:35).

MỘT PHÉP LẠ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

25. a) Tại sao không phải chính thây xác đã chết được sống lại? b) Cái gì được sống lại, và cái gì được ban cho những ai được sống lại?

25 Sau khi một người chết đi thì cái gì được sống lại? Không phải cái thân thể giống như lúc chết. Kinh-thánh cho thấy điều này khi miêu tả sự sống lại để sống trên trời (I Cô-rinh-tô 15:35-44). Ngay cả những người được sống lại để ở trên đất không có nhận được lại cùng một thân thể mà họ đã có trước khi chết. Có lẽ thân thể đó đã bị mục nát và trở về cát bụi rồi. Dần dần theo thời gian những phần tử của xác chết có thể đã trở nên một thành phần của những sinh vật khác. Như thế thì Đức Chúa Trời không có làm cho sống lại cùng một thân thể, nhưng mà cùng một con người giống như trước. Đối với những ai được sống lại ở trên đất, Ngài ban cho một thân thể mới bằng xương bằng thịt. Chắc chắn là thân thể xương thịt mới đó sẽ giống như thân thể mà người ta có trước khi chết, hầu cho những người đã từng quen biết người đó có thể nhận ra người được.

26. a) Tại sao sự sống lại là một phép lạ kỳ diệu đến thế? b) Những phát minh nào của con người có thể giúp ta hiểu được khả năng siêu việt của Đức Chúa Trời là nhớ hết thảy những người đã chết?

26 Quả sự sống lại là một phép lạ kỳ diệu. Có lẽ một người trước khi chết đã thâu thập rất nhiều kinh nghiệm và hiểu biết cùng với nhiều kỷ niệm trong suốt quãng đời. Người đó đã trau dồi một nhân cách khiến cho y khác hẳn với bất cứ một người nào khác đã từng sống. Tuy vậy Giê-hô-va Đức Chúa Trời nhớ từng chi tiết và Ngài sẽ làm lại người đó một cách nguyên vẹn khi Ngài làm cho y sống lại. Kinh-thánh có nói về những người chết sẽ được sống lại như sau: “Ai nấy đều sống cho Ngài” (Lu-ca 20:38). Con người có thể thâu băng tiếng nói và hình ảnh của người ta để rồi cho nghe thấy lại sau khi những người đó chết đã lâu. Nhưng Đức Giê-hô-va có thể làm sống lại tất cả những người đang sống trong trí nhớ của Ngài, và Ngài sẽ thật sự làm điều đó!

27. Chúng ta sẽ có lời giải đáp cho những câu hỏi nào về sự sống lại?

27 Kinh-thánh còn nói nhiều điều khác nữa về sự sống trong Địa-đàng sau khi những người chết được sống lại. Chẳng hạn, Giê-su có nói về những người ra khỏi mộ, người thì “sống lại để được sống” và kẻ thì “sống lại để bị xét-đoán” (Giăng 5:29). Ngài ngụ ý muốn nói điều gì? Tình trạng của những “người công-bình” được sống lại sẽ khác với tình trạng của những kẻ “không công-bình” được sống lại không? Để giải đáp những câu hỏi này chúng ta hãy tìm hiểu thêm về Ngày Phán xét.

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 167]

“Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối-cùng, anh tôi sẽ sống lại”.

Ê-li làm con trai của một bà góa sống lại.

Ê-li-sê làm một đứa bé sống lại.

Một người được sống lại sau khi chạm bộ xương của Ê-li-sê.

[Các hình nơi trang 168]

Những người được Giê-su làm sống lại:

Con trai của một bà góa ở thành Na-in

La-xa-rơ

Con gái của Giai-ru

[Các hình nơi trang 169]

Những người khác được sống lại:

Đô-ca

Chính Giê-su

Ơ-tích

[Hình nơi trang 170]

Địa-đàng mà Giê-su hứa cho tên phạm nhân sẽ ở đâu?