Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn phải làm gì để được sống đời đời?

Bạn phải làm gì để được sống đời đời?

Chương 30

Bạn phải làm gì để được sống đời đời?

1. a) Bạn đang đứng trước hai con đường nào? b) Làm thế nào bạn có thể chọn con đường đúng?

GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời ban cho bạn một viễn ảnh huy hoàng. Sống đời đời trong hệ thống mọi sự mới và công bình của Ngài (II Phi-e-rơ 3:13). Nhưng muốn được sống vào lúc đó thì giờ đây chúng ta phải làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Thế gian ác hiện có, kể cả hết thảy những ai thuộc về nó, sắp không còn nữa, “song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (I Giăng 2:17). Do đó bạn phải chọn lựa giữa hai con đường: một đường dẫn đến sự chết hoặc đường kia dẫn đến sự sống đời đời (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20). Bạn sẽ chọn đường nào?

2. a) Nếu bạn có đức tin thật, bạn sẽ tin chắc điều gì? b) Làm thế nào bạn có thể phụng sự Đức Chúa Trời dễ dàng hơn nếu bạn tin cậy Ngài giống như một người con tin cậy một người cha đầy yêu thương?

2 Làm thế nào bạn cho thấy bạn chọn sự sống? Trước hết, bạn phải tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va và các lời hứa của Ngài. Bạn có tin chắc rằng Đức Chúa Trời có thật, “và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” không? (Hê-bơ-rơ 11:6). Bạn cần phải tin cậy Đức Chúa Trời như một người con tin cậy một người cha đầy yêu thương và hay thương xót (Thi-thiên 103:13, 14; Châm-ngôn 3:11, 12). Một khi đã có đức tin như thế, bạn sẽ không ngờ vực sự khôn ngoan của các lời khuyên của Ngài và sự ngay thẳng của các đường lối Ngài, dù đôi khi bạn không hiểu thấu những sự đó.

3. a) Ngoài đức tin ra, điều gì khác cần thiết? b) Bạn cần phải làm những điều gì để cho thấy bạn đang chọn sự sống?

3 Tuy nhiên, chỉ tin tưởng thôi không đủ. Bạn còn phải chứng tỏ bằng hành động những gì mà bạn thật sự cảm thấy đối với Đức Giê-hô-va (Gia-cơ 2:20, 26). Bạn đã làm những gì để chứng tỏ bạn hối tiếc vì đã không làm điều thiện trong quá khứ? Bạn có ăn năn hay thay đổi đời sống bạn để phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va không? Bạn có thay đổi chiều hướng, tức từ bỏ con đường sai lầm mà lúc trước bạn đã theo để rồi bắt đầu làm những điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi không? (Công-vụ các Sứ-đồ 3:19; 17:30). Những hành động như thể ấy cho thấy bạn đang chọn sự sống đó.

DÂNG MÌNH VÀ LÀM BÁP TÊM

4. a) Điều gì nên thúc đẩy bạn làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời? b) Khi bạn quyết định muốn phụng sự Đức Chúa Trời, bạn phải làm điều thích hợp nào?

4 Điều gì nên thúc đẩy bạn chọn sự sống bằng cách làm theo ý muốn Đức Chúa Trời? Hẳn đó là lòng biết ơn. Bạn thử nghĩ: Đức Giê-hô-va đã khiến cho bạn có thể thoát khỏi mọi bệnh tật, đau đớn và ngay đến sự chết nữa! Vì Ngài đã ban cho Con quí báu của Ngài, Đức Chúa Trời đã mở đường cho bạn được hưởng sự sống vô tận trong địa-đàng (I Cô-rinh-tô 6:19, 20; 7:23; Giăng 3:16). Khi lòng yêu thương của Đức Giê-hô-va thúc đẩy bạn yêu Ngài trở lại, bạn phải làm gì? (I Giăng 4:9, 10; 5:2, 3). Bạn phải đến cùng Ngài nhân danh Giê-su và trong lời cầu nguyện nói với Ngài là bạn muốn thuộc về Ngài. Làm như vậy có nghĩa là bạn dâng đời sống mình cho Đức Chúa Trời. Đây là một vấn đề cá nhân, thầm kín. Không ai có thể làm điều đó thay bạn được.

5. a) Sau khi bạn đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, Ngài chờ đợi bạn phải làm gì? b) Bạn có thể nương tựa vào sự nâng đỡ nào để làm đúng theo sự dâng mình của bạn?

5 Sau khi bạn đã tự dâng mình cho Đức Chúa Trời rồi, Ngài sẽ chờ đợi là bạn tôn trọng lời hứa đó. Vậy bạn hãy chứng tỏ biết giữ lời hứa bằng cách làm đúng theo sự quyết định hay sự dâng mình này trong suốt đời bạn (Thi-thiên 50:14). Nếu bạn gần gũi với tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời, bạn sẽ được những tín đồ khác của đấng Christ nâng đỡ bạn, vì họ sẽ vui lòng khuyến khích bạn và ủng hộ bạn một cách đầy yêu thương (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:11).

6. a) Sau khi bạn đã dâng đời sống mình cho Đức Chúa Trời rồi thì bạn còn phải làm gì khác nữa? b) Ý nghĩa của phép báp têm là gì?

6 Tuy nhiên, nếu bạn chỉ nói thầm với Đức Giê-hô-va là bạn muốn thuộc về Ngài thì vẫn chưa đủ. Bạn còn cần phải biểu lộ công khai trước mắt những người khác rằng bạn đã dâng đời sống mình cho Đức Chúa Trời để phụng sự Ngài. Làm sao bạn chứng tỏ điều đó? Bằng cách làm báp têm trong nước. Phép báp têm trong nước là một biểu hiệu công khai rằng một người đã dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va và trình diện mình với Ngài để làm theo ý muốn của Ngài.

7. a) Giê-su đã để lại cho những tín đồ đấng Christ gương mẫu nào? b) Tại sao phép báp têm mà Giê-su đã truyền không phải dành cho trẻ sơ sinh?

7 Chính gương mẫu của Giê-su Christ cho thấy rằng phép báp têm trong nước là một điều kiện quan trọng. Không phải Giê-su chỉ nói với Cha ngài là ngài đã đến để làm theo ý muốn của Cha ngài (Hê-bơ-rơ 10:7). Khi Giê-su sắp sửa bắt đầu công việc rao giảng về Nước Đức Chúa Trời, ngài đã trình diện mình cùng Đức Giê-hô-va và chịu phép báp têm trong nước (Ma-thi-ơ 3:13-17). Bởi lẽ Giê-su đã đặt ra gương mẫu, ngày nay tất cả những ai dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va để làm theo ý muốn Ngài phải chịu phép báp têm (I Phi-e-rơ 2:21; 3:21). Thật thế, Giê-su đã truyền lệnh cho các môn đồ của ngài phải đào tạo những môn đồ khác từ những người thuộc mọi nước, đoạn phải làm báp têm cho những môn đồ mới này. Ấy không phải là phép báp têm dành cho trẻ sơ sinh. Đó là phép báp têm dành cho những ai đã tin đạo rồi, và đã quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va (Ma-thi-ơ 28:19; Công-vụ các Sứ-đồ 8:12).

8. Nếu bạn muốn làm báp têm, bạn phải ngỏ ý đó cùng ai ở trong hội-thánh và tại sao?

8 Nếu bạn đã quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va và muốn làm báp têm, bạn phải làm gì? Bạn phải ngỏ ý muốn đó cùng anh giám thị chủ tọa trong hội-thánh của các Nhân-chứng Giê-hô-va mà bạn đang kết hợp. Anh ấy và các trưởng lão khác trong hội-thánh sẽ lấy làm sung sướng ôn lại với bạn những điều bạn cần phải biết đến để phụng sự Đức Chúa Trời theo cách Ngài chấp nhận. Đoạn người ta sẽ sắp đặt để bạn được làm báp têm.

Ý MUỐN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỐI VỚI BẠN NGÀY NAY

9. Đức Chúa Trời muốn bạn làm gì ngay bây giờ giống với điều Nô-ê đã làm trước khi có trận Nước Lụt?

9 Trước khi có trận Nước Lụt, Đức Giê-hô-va đã dùng Nô-ê là “thầy giảng đạo công-bình” để cảnh cáo trước về sự hủy diệt sắp sửa xảy đến và chỉ cho người ta biết nơi trú ẩn an toàn duy nhất, tức chiếc tàu (Ma-thi-ơ 24:37-39; II Phi-e-rơ 2:5; Hê-bơ-rơ 11:7). Ngày nay Đức Chúa Trời có ý định cho bạn làm công việc rao giảng tương tự như thế. Giê-su nói trước về thời kỳ của chúng ta: “Tin mừng này về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất để làm chứng cho muôn dân; bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14). Những người khác phải học biết những điều mà bạn đã học về ý định của Đức Chúa Trời nếu họ muốn sống sót qua khỏi sự cuối cùng của hệ thống này để được sống đời đời (Giăng 17:3). Lòng bạn có thúc giục bạn chia xẻ với những người khác sự hiểu biết có khả năng mang lại sự sống này hay không?

10. a) Lòng yêu thương người khác phải thúc đẩy chúng ta noi theo gương mẫu nào của Giê-su? b) Phần lớn công việc rao giảng được thực hiện dưới hình thức nào?

10 Bạn hãy noi theo gương mẫu của đấng Christ. Ngài đã không ngồi một chỗ đợi thiên hạ đến cùng ngài, nhưng ngài đi tìm những ai sẽ lắng tai nghe giảng về Nước Trời. Và ngài ban chỉ thị cho các môn đồ ngài, vâng, hết thảy các môn đồ của ngài, làm giống hệt như vậy (Ma-thi-ơ 28:19; Công-vụ các Sứ-đồ 4:13; Rô-ma 10:10-15). Làm theo chỉ thị và gương mẫu của đấng Christ, những tín đồ đấng Christ sống vào thế kỷ thứ nhất đã viếng thăm người ta tại nhà họ. Họ đã đi “từ nhà này sang nhà kia” để nói về Nước Trời (Lu-ca 10:1-6; Công-vụ các Sứ-đồ 20:20). Đó là phương pháp chánh mà ngày nay các tín đồ thật của đấng Christ vẫn còn dùng để thi hành thánh chức của họ.

11. a) Tại sao cần phải có can đảm để rao giảng về Nước Đức Chúa Trời, nhưng tại sao chúng ta chớ nên sợ hãi? b) Đức Giê-hô-va xem công việc mà chúng ta đang thực hiện như thế nào?

11 Cần phải có can đảm để thực hiện công việc này. Dĩ nhiên Sa-tan và thế gian của hắn sẽ tìm cách cản trở bạn cũng như chúng đã tìm cách cản trở việc rao giảng của những môn đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất (Công-vụ các Sứ-đồ 4:17-21; 5:27-29, 40-42). Nhưng bạn chớ nên sợ hãi. Ngày nay Đức Giê-hô-va sẽ ủng hộ và giúp sức bạn cũng như Ngài đã ủng hộ và giúp sức những tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất (II Ti-mô-thê 4:17). Do đó hãy can đảm lên! Bạn hãy chứng tỏ thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va và người đồng loại bằng cách tích cực tham gia vào công việc rao truyền và giảng dạy để cứu người khác (I Cô-rinh-tô 9:16; I Ti-mô-thê 4:16). Đức Giê-hô-va sẽ không quên công khó của bạn, nhưng Ngài sẽ tưởng thưởng bạn một cách xứng đáng (Hê-bơ-rơ 6:10-12; Tít 1:2).

12. Kinh nghiệm về vợ của Lót dạy chúng ta bài học gì?

12 Hệ thống cũ này không có gì có giá trị thật sự để hiến cho bạn, do đó bạn chớ bao giờ nên nghĩ là bạn mất mát điều gì khi từ bỏ nó. Giê-su nói: “Hãy nhớ lại vợ của Lót” (Lu-ca 17:32). Sau khi bà ta và gia đình chạy trốn khỏi Sô-đôm, bà còn nuối tiếc nhìn lại những vật mà bà đã bỏ lại sau lưng. Đức Chúa Trời hẳn đã biết lòng bà ở đâu, và bà đã trở nên một tượng muối (Sáng-thế Ký 19:26). Bạn chớ nên làm như vợ của Lót! Bạn hãy nhìn thẳng trước mặt, hướng về “sự sống thật” trong trật tự mới và công bình của Đức Chúa Trời (I Ti-mô-thê 6:19).

HÃY CHỌN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI TRONG ĐỊA-ĐÀNG TRÊN ĐẤT

13. Giê-su đã trình bày sự lựa chọn mà tất cả chúng ta phải quyết định như thế nào?

13 Thật ra chúng ta chỉ có hai điều để lựa chọn. Đấng Christ đã ví điều đó với việc chọn lựa giữa hai con đường. Theo lời ngài, một con đường thì “rộng và khoảng-khoát”. Ai đi trên con đường đó được tha hồ làm theo ý mình ưa thích. Trái lại, đường kia thì “hẹp”. Đúng vậy, những ai muốn bước đi trên con đường này cần phải làm theo những chỉ thị và luật pháp của Đức Chúa Trời. Giê-su nhận thấy phần đông người ta đều chọn con đường rộng, chỉ một số ít người chọn con đường hẹp. Bạn chọn đường nào? Khi chọn lựa, bạn nên lưu ý điều này: Con đường rộng thình lình sẽ đưa đến một nơi không lối thoát, vâng, sự hủy diệt! Ngược lại, con đường hẹp sẽ dẫn bạn đến hệ thống mới của Đức Chúa Trời. Nơi đó bạn có thể sống đời đời trong hạnh phúc (Ma-thi-ơ 7:13, 14).

14. Muốn sống sót để vào hệ thống mới của Đức Chúa Trời, bạn phải thuộc về tổ chức nào?

14 Bạn chớ nên kết luận là có nhiều con đường hay nhiều cách khác nhau có thể giúp bạn nhận được sự sống trong hệ thống mới của Đức Chúa Trời. Chỉ có một mà thôi. Trong trận Nước Lụt chỉ có một chiếc tàu duy nhất làm nơi trú ẩn để được sống sót, chớ không phải nhiều tàu. Và rồi sẽ chỉ có một tổ chức duy nhất, tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời, sẽ sống sót qua cơn “hoạn-nạn lớn” đang tiến gần cách nhanh chóng. Nói rằng mọi tôn giáo đều đưa đến cùng một mục tiêu là điều sai lầm (Ma-thi-ơ 7:21-23; 24:21). Muốn hưởng được ân phước về sự sống đời đời do Đức Giê-hô-va mang lại, bạn phải thuộc vào tổ chức của Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn Ngài (Thi-thiên 133:1-3).

15. a) Chúng ta cần phải làm gì mỗi ngày? b) Hy vọng nào không phải chỉ là một giấc mơ?

15 Như thế, bạn hãy khắc ghi sâu đậm vào trí và lòng hình ảnh của hệ thống mọi sự mới mà Đức Chúa Trời đã hứa. Hàng ngày hãy nghĩ đến phần thưởng lớn lao mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đang dành sẵn cho bạn: sự sống đời đời trong Địa-đàng trên đất. Đó không phải là một giấc mơ, nhưng là điều có thật! Vì lời hứa này trong Kinh-thánh chắc chắn sẽ được ứng nghiệm: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời... Khi kẻ ác bị diệt đi, thì ngươi sẽ thấy điều ấy” (Thi-thiên 37:29, 34).

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 251]

Hãy dâng đời sống bạn cho Đức Giê-hô-va... và làm báp têm.

[Hình nơi trang 253]

“Hãy nhớ lại vợ của Lót”.

[Hình nơi trang 254]

Hãy khắc ghi sâu đậm hệ thống mới của Đức Chúa Trời vào trí và lòng bạn.