Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kinh-thánh có thật đến từ Đức Chúa Trời không?

Kinh-thánh có thật đến từ Đức Chúa Trời không?

Chương 5

Kinh-thánh có thật đến từ Đức Chúa Trời không?

1. Tại sao nghĩ rằng Đức Chúa Trời có cho chúng ta biết về Ngài là điều hợp lý?

GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời có cho chúng ta biết về Ngài không? Ngài có nói cho chúng ta biết những điều gì Ngài đã làm và điều gì Ngài định làm không? Người cha nào yêu thương con cái tất nói cho chúng biết nhiều điều. Và qua những điều chúng ta đã thấy, quả Đức Giê-hô-va là một người cha đầy yêu thương.

2. a) Một phương pháp tốt để Đức Giê-hô-va cho ta biết về Ngài là gì? b) Điều này khiến có những câu hỏi nào được nêu lên?

2 Làm thế nào Đức Giê-hô-va đã có thể thông tin cho mọi người sống rải rác khắp nơi trên thế giới qua nhiều thế hệ khác nhau? Một phương pháp tốt là cho viết ra một quyển sách và sau đó làm cách nào cho quyển sách đó được đến tay hết thảy mọi người. Liệu Kinh-thánh có phải là một Quyển sách như thế đến từ Đức Chúa Trời không? Nếu có, làm sao chúng ta có thể biết được?

KHÔNG CÓ QUYỂN SÁCH NÀO KHÁC GIỐNG KINH-THÁNH

3. Trên khía cạnh nào Kinh-thánh là một quyển sách đặc biệt?

3 Nếu Kinh-thánh quả thật là do Đức Chúa Trời mà có, tất chúng ta phải chờ đợi đó là một quyển sách đặc biệt nhứt từ xưa đến nay. Có phải vậy không? Có, và vì nhiều lý do. Trước hết, đây là một quyển sách rất cổ; có lẽ bạn không chờ đợi rằng Lời của Đức Chúa Trời dành cho toàn thể nhân loại lại mới được viết ra gần đây phải không? Kinh-thánh được bắt đầu viết ra vào khoảng 3.500 năm trước đây bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Đoạn, cách đây hơn 2.200 năm, người ta đã bắt đầu dịch sách đó ra các thứ tiếng khác. Ngày nay hầu hết mọi người đều có thể đọc Kinh-thánh bằng tiếng mẹ đẻ của mình.

4. So với các quyển sách khác thì số các cuốn Kinh-thánh đã được in ra là đặc biệt thế nào?

4 Ngoài ra, không có quyển sách nào khác được in ra nhiều bản như quyển Kinh-thánh. Một quyển sách có thể được gọi là một “sách bán chạy nhứt” khi chỉ cần được in ra hàng ngàn bản mà thôi. Vậy mà mỗi năm Kinh-thánh đã được in ra đến hàng triệu cuốn. Và trải qua nhiều thế kỷ đã có hàng tỷ cuốn Kinh-thánh đã được in ra. Ngày nay gần như không có một nơi nào trên đất, dù hẻo lánh đến đâu, mà không có một quyển Kinh-thánh. Há đây không phải là điều mà bạn chờ đợi nơi một quyển sách thật sự đến từ Đức Chúa Trời chăng?

5. Người ta đã làm những cố gắng nào để thủ tiêu Kinh-thánh?

5 Điều phi thường hơn nữa trong việc Kinh-thánh được phổ biến rộng rãi, ấy là sự kiện mặc dù những kẻ thù của quyển sách này đã tìm đủ mọi cách để thủ tiêu nó đi. Song há chúng ta lại không nên ngờ rằng một quyển sách đến từ Đức Chúa Trời sẽ bị tay sai của Ma-quỉ công kích hay sao? Việc này đã xảy ra rồi. Đã có một thời, Kinh-thánh thường bị chúng đốt đi, và hễ ai bị bắt gặp đang đọc Kinh-thánh thường bị xử tử.

6. a) Kinh-thánh giải đáp những câu hỏi quan trọng nào? b) Những người viết Kinh-thánh quả quyết rằng họ đã nhận được những tin tức đó từ đâu?

6 Bạn tất chờ đợi rằng một quyển sách đến từ Đức Chúa Trời phải bàn đến những đề tài quan trọng mà hết thảy chúng ta đều muốn biết. Đây là vài câu hỏi mà Kinh-thánh cho lời giải đáp: “Sự sống bắt nguồn từ đâu?” “Tại sao chúng ta hiện hữu?” “Tương lai sẽ mang lại những gì?” Và Kinh-thánh cũng nói thẳng rằng nội dung của sách này là do Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà có. Một người viết Kinh-thánh có nói như sau: “Thần của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng ta mà phán, và lời của Ngài ở nơi lưỡi miệng ta” (II Sa-mu-ên 23:2). Một người khác lại nói rằng: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn” (II Ti-mô-thê 3:16). Vì lẽ Kinh-thánh khẳng định rằng đây là Lời của Đức Chúa Trời, há chúng ta lại không tỏ khôn ngoan mà xem xét để xem có phải thật vậy không?

KINH-THÁNH ĐÃ ĐƯỢC VIẾT RA NHƯ THẾ NÀO?

7. a) Ai đã viết ra Kinh-thánh? b) Vậy thì làm sao có thể nói rằng Kinh-thánh là Lời của Đức Chúa Trời?

7 Có lẽ bạn sẽ hỏi: “Nếu Kinh-thánh đã do người ta viết ra thì làm sao Kinh-thánh có thể đến từ Đức Chúa Trời được?” Đúng vậy, khoảng 40 người đã góp phần vào việc viết Kinh-thánh. Họ đã thật sự viết ra cả quyển Kinh-thánh, ngoại trừ Mười Điều Răn đã được Đức Chúa Trời đích thân dùng thánh linh của Ngài để trực tiếp viết ra trên các bản đá (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18). Tuy nhiên, không phải vì vậy mà những điều họ viết ra không phải thật sự là Lời của Đức Chúa Trời. Kinh-thánh giải thích như sau: “Ấy là bởi thánh-linh cảm-động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (II Phi-e-rơ 1:21). Đúng vậy, giống như Đức Chúa Trời đã dùng thánh linh đầy quyền phép của Ngài để tạo ra trời, đất và mọi loài sống, cũng vậy Ngài đã dùng thánh linh để hướng dẫn việc ghi chép Kinh-thánh.

8, 9. Những thí dụ cụ thể nào trong hiện tại có thể giúp ta hiểu được làm thế nào Đức Chúa Trời đã cho viết ra Kinh-thánh?

8 Điều này có nghĩa là Kinh-thánh chỉ có một tác giả mà thôi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ngài đã dùng nhiều người để viết ra nội dung Kinh-thánh, tựa như người thương gia dùng thơ ký để viết một lá thư. Người thơ ký viết lá thư nhưng nội dung, ý tưởng của lá thư đó là của người thương gia. Do đó lá thư là của ông, chứ không phải của người thơ ký, cũng như Kinh-thánh là Quyển sách của Đức Chúa Trời chứ không phải của những người đã được dùng để biên chép Kinh-thánh.

9 Vì lẽ Đức Chúa Trời đã tạo ra trí óc, cho nên Ngài hẳn không khó khăn gì để liên lạc với trí óc của các tôi tớ Ngài để thông tin cho họ biết điều gì họ phải viết ra. Ngay cả ngày nay người ta có thể ngồi tại nhà nhận được tin tức từ phương xa bằng máy vô tuyến truyền thanh hoặc truyền hình. Theo những định luật vật lý mà Đức Chúa Trời đã đặt ra, tiếng nói hoặc hình ảnh có thể vượt qua không gian xa tít. Như vậy thì chúng ta dễ dàng hiểu rằng Đức Giê-hô-va từ trên các từng trời cao thẳm kia có thể thông tin cho con người để họ viết ra những điều mà Ngài muốn cho gia đình nhân loại biết đến.

10. a) Kinh-thánh gồm có bao nhiêu cuốn sách nhỏ, và những sách nhỏ đó đã được viết ra trong vòng bao lâu? b) Kinh-thánh có đề tài chính từ đầu chí cuối là gì?

10 Kết quả là chúng ta có một Quyển sách huyền diệu. Thật ra Kinh-thánh gồm có 66 cuốn sách nhỏ. Chữ Kinh-thánh (Bible) được dịch ra từ chữ Hy-lạp biblia, có nghĩa là “những cuốn sách nhỏ”. Những cuốn sách này hoặc những lá thư này, đã được viết ra trong vòng 1.600 năm, kể từ năm 1513 trước tây lịch cho đến năm 98 tây lịch. Tuy nhiên, nhờ chỉ do một Tác giả duy nhứt, hết thảy các cuốn sách nhỏ tạo thành Kinh-thánh đều phù hợp với nhau. Từ đầu chí cuối có cùng một đề tài, tức là Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ dùng nước của Ngài để tái lập những điều kiện công bình. Cuốn sách đầu tiên là Sáng-thế Ký thuật lại thế nào địa-đàng đã bị mất vì sự phản nghịch chống lại Đức Chúa Trời, và cuốn sách chót là Khải-huyền miêu tả làm sao trái đất sẽ được làm thành địa-đàng dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 3:19, 23; Khải-huyền 12:10; 21:3, 4).

11. a) Kinh-thánh đã được viết ra bằng những thứ tiếng nào? b) Kinh-thánh được chia ra làm hai phần chính nào, nhưng điều gì chứng tỏ sự hợp nhất giữa hai phần đó?

11 Hầu hết 39 cuốn sách đầu tiên của Kinh-thánh được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, chỉ có một phần rất nhỏ được viết bằng tiếng A-ram. Hai mươi bảy cuốn sách cuối được viết bằng tiếng Hy-lạp, thứ tiếng thông dụng vào thời Giê-su và các môn đồ ngài sống trên đất. Hai phần chính này của Kinh-thánh được gọi một cách thích đáng là “Kinh-thánh phần Hê-bơ-rơ” và “Kinh-thánh phần Hy-lạp”. Để cho thấy rằng hai phần hòa hợp với nhau, Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp trích dẫn từ Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ hơn 365 lần, và ngoài ra nhắc đến đó khoảng 375 lần.

LÀM CHO KINH-THÁNH ĐẾN TAY MỌI NGƯỜI

12. Tại sao Đức Giê-hô-va đã khiến làm nhiều bản sao Kinh-thánh?

12 Nếu mà Kinh-thánh chỉ có trong nguyên bản, thì làm sao hết thảy mọi người có thể đọc được Lời của Đức Chúa Trời? Tất nhiên là không. Do đó Đức Giê-hô-va đã khiến cho người ta chép ra nhiều bản Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18). Chẳng hạn như E-xơ-ra đã được gọi là “một người rất thạo chép luật pháp của Môi-se, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã truyền cho” (E-xơ-ra 7:6, NW). Ngoài ra, cũng có hàng ngàn bản sao của Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp.

13. a) Để giúp đa số người ta có thể đọc được Kinh-thánh thì cần phải làm gì? b) Bản dịch Kinh-thánh đầu tiên đã có khi nào?

13 Bạn có đọc được tiếng Hê-bơ-rơ hoặc tiếng Hy-lạp không? Nếu không thì bạn không thể nào đọc được các bản sao Kinh-thánh cổ đã được viết tay, vài bản đó hãy còn tồn tại cho đến ngày nay. Vì lẽ đó, để giúp bạn đọc được Kinh-thánh, có người đã phải dịch những lời trong đó ra một thứ tiếng mà bạn biết. Việc phiên dịch từ tiếng này sang tiếng khác đã giúp nhiều người đọc được Lời của Đức Chúa Trời hơn. Chẳng hạn như vào khoảng 300 năm trước thời Giê-su sống trên đất tiếng Hy-lạp đã trở nên thứ tiếng thông dụng nhứt. Vì vậy Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đã được dịch ra tiếng Hy-lạp, bắt đầu vào năm 280 trước tây lịch. Bản dịch đầu tiên đó đã được gọi là “Bản dịch Septuagint”.

14. a) Tại sao một số nhà lãnh đạo tôn giáo đã cố gắng tìm cách không cho Kinh-thánh được dịch ra? b) Điều gì chỉ cho thấy là chúng đã bại trận?

14 Sau đó, tiếng La-tinh lại trở nên thịnh hành giữa nhiều dân, do đó Kinh-thánh đã được dịch ra tiếng La-tinh. Song, trải qua nhiều thế kỷ, càng ngày càng có ít người biết đến tiếng La-tinh. Phần đông các dân tộc nói các thứ tiếng khác như tiếng Ả-rập, Pháp, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, Ý, Đức và Anh. Có một thời kỳ những nhà lãnh đạo Công giáo đã tìm cách ngăn cản việc dịch Kinh-thánh ra thứ tiếng của người thường dân. Họ thậm chí đã thiêu sống trên cây khổ hình những người có quyển Kinh-thánh. Họ đã làm thế vì Kinh-thánh vạch trần những giáo điều sai lầm cùng những thực hành xấu xa của họ. Tuy nhiên, dần dần theo thời gian những nhà lãnh đạo tôn giáo này đã bại trận và Kinh-thánh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được phân phát với số lượng to tát. Ngày nay người ta có thể đọc Kinh-thánh, trọn bộ hay từng phần, trong hơn 1.700 thứ tiếng!

15. Tại sao có những bản dịch Kinh-thánh mới hơn là điều tốt?

15 Sau nhiều năm qua, trong cùng một thứ tiếng lại có nhiều bản dịch Kinh-thánh khác nhau. Chẳng hạn như trong tiếng Anh, hiện có đến hàng chục bản dịch Kinh-thánh. Tại sao thế? Một bản dịch không đủ sao? Một lý do là, qua năm tháng, một ngôn ngữ có thể thay đổi nhiều. Do đó nếu bạn so sánh những bản dịch Kinh-thánh xưa hơn với những bản dịch mới hơn tất bạn sẽ nhận thấy ngôn ngữ đổi khác. Dù các bản dịch gần như cùng ý tưởng, bạn sẽ nhận thấy là những bản dịch ra đời vào những năm gần đây thường dễ hiểu hơn. Như thế thì chúng ta nên biết ơn khi có những bản dịch Kinh-thánh mới hơn, vì nhờ đó mà Lời của Đức Chúa Trời được diễn tả bằng ngôn ngữ thường ngày và giản dị của thời buổi ngày nay.

KINH-THÁNH ĐÃ BỊ ĐỔI KHÁC KHÔNG?

16. Tại sao vài người nghĩ rằng Kinh-thánh đã bị sửa đổi?

16 Song bạn có thể hỏi: “Làm sao chúng ta có thể tin chắc rằng ngày nay những bản Kinh-thánh của chúng ta chứa đựng những điều mà chính những người biên chép Kinh-thánh đã nhận được từ nơi Đức Chúa Trời?” Chép đi chép lại những quyển sách Kinh-thánh qua hàng trăm và cả đến hàng ngàn năm, há lại không làm lỗi hay sao? Có chứ, song những lỗi đó đã được nhận ra và đã được sửa chữa trong các bản dịch Kinh-thánh mới. Ngày nay chúng ta đọc được những điều y như là Đức Chúa Trời đã cung cấp cho những người biên chép lúc ban đầu. Có bằng chứng không?

17. Bằng chứng nào cho thấy là Kinh-thánh đã không bị sửa đổi?

17 Có, vì giữa các năm 1947 và 1955, người ta đã tìm được tại vùng Biển Chết một số bản chép tay. Những bản này gồm một số cuốn sách trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Những bản đó đã được chép ra vào khoảng từ 100 năm đến 200 năm trước khi Giê-su sanh ra. Một trong những cuộn giấy là bản sao của sách Ê-sai. Trước khi tìm thấy cuộn giấy này, bản sao cũ nhứt mà người ta có về sách Ê-sai bằng tiếng Hê-bơ-rơ đã được sao chép vào khoảng 1.000 năm sau khi Giê-su sanh ra. Khi so sánh hai bản sao này về sách Ê-sai, người ta chỉ tìm thấy những sự khác biệt hết sức nhỏ, phần đông trong chính tả mà thôi! Như vậy thì trong khoảng hơn 1.000 năm sao đi chép lại thật ra chẳng có sự thay đổi thật sự nào.

18. a) Ít lỗi của những người sao chép đã được sửa chữa thế nào? b) Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp đã được sao chép kỹ lưỡng đến độ nào?

18 Ngày nay có tới hơn 1.700 bản sao cổ khác nhau gồm nhiều sách thuộc Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Nhờ so sánh nhiều bản sao rất cổ này, ngay đến những số ít lỗi của những người sao chép đã được tìm thấy và sửa chữa. Ngoài ra cũng có hàng ngàn bản sao Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp rất là cổ, trong số đó có nhiều bản đã được chép ra ngay sau thời Giê-su và các sứ đồ ít lâu. Vì vậy mà Sir Frederic Kenyon đã tuyên bố như sau: “Mọi hồ nghi chót cho rằng không biết Kinh-thánh có được truyền lại cho chúng ta một cách hoàn toàn trung thực không, giờ đây đã bị xóa bỏ” (The Bible and Archaeology, trang 288, 289).

19. a) Có trường hợp điển hình nào về mưu mô thêm bớt vào Kinh-thánh? b) Tại sao I Giăng 5:7 như trong vài bản dịch không thuộc trong Kinh-thánh?

19 Điều này không có nghĩa là chẳng có ai đã tìm cách sửa đổi Lời của Đức Chúa Trời. Có kẻ đã làm vậy. Một trường hợp điển hình là trong I Giăng 5:7. Bản dịch tiếng Anh King James Version năm 1611 viết: “Trên trời có Đức Cha, Ngôi-Lời và Thánh-linh: cả ba đều làm chứng và cả ba đều là một”. Tuy nhiên những lời này đã không có trong bất cứ bản sao Kinh-thánh rất cổ nào. Câu đó đã được thêm vào sau đó bởi kẻ nào đã tìm cách ủng hộ thuyết Ba Ngôi. Hiển nhiên là những lời đó không thuộc trong Lời của Đức Chúa Trời, cho nên đã được sửa lại và ngày nay trong các bản dịch Kinh-thánh mới đây không còn thấy có câu đó nữa.

20. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Kinh-thánh đã được bảo tồn nguyên vẹn?

20 Do đó, ai nói rằng Kinh-thánh không có cùng một nội dung với nguyên văn đã được viết lúc ban đầu tất không biết các sự kiện thật. Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã che chở Lời của Ngài không những khiến khỏi bị lỗi lầm khi sao đi chép lại, mà còn ngăn ngừa không cho những kẻ tìm cách thêm bớt vào đó nữa. Ngay trong Kinh-thánh có ghi lời hứa của Đức Chúa Trời rằng Lời của Ngài sẽ được bảo tồn nguyên vẹn cho đến tay chúng ta ngày nay (Thi-thiên 12:6, 7; Đa-ni-ên 12:4; I Phi-e-rơ 1:24, 25; Khải-huyền 22:18, 19).

KINH-THÁNH CÓ NÓI SỰ THẬT KHÔNG?

21. Giê-su đã coi Lời của Đức Chúa Trời như thế nào?

21 Giê-su Christ có lần đã nói trong lời cầu nguyện Đức Chúa Trời như sau: “Lời Cha tức là lẽ thật” (Giăng 17:17). Song liệu có sự kiện nào chứng minh điều này không? Xem xét kỹ lưỡng Kinh-thánh, liệu chúng ta có thấy rằng Kinh-thánh là lẽ thật không? Các nhà sử học nghiên cứu Kinh-thánh thường thán phục sự chính xác của Kinh-thánh. Kinh-thánh có nêu rõ nhiều tên tuổi cùng chi tiết, thảy đều có thể kiểm chứng và xác nhận được. Chúng ta hãy xem vài thí dụ.

22-25. Hãy kể vài thí dụ cụ thể chứng minh Kinh-thánh ghi lịch sử chính xác?

22 Hãy nhìn những hình vẽ cùng những hàng chữ ghi trên tường của đền thờ này ở thành Karnak, xứ Ai-cập. Trên đó người ta có thuật lại thế nào vị Pha-ra-ôn là Si-sắc đã đánh thắng nước Giu-đa, cách đây gần 3.000 năm về trước, dưới triều đại của vua Rô-bô-am con của Sa-lô-môn. Kinh-thánh cũng có nói đến cùng một biến cố đó (I Các Vua 14:25, 26).

23 Bạn cũng hãy nhìn xem Bia đá Mô-áp này đây. Bảo tàng viện Louvre ở Ba-lê (Pháp) có lưu trữ Bia đá nguyên thủy. Nội dung những điều ghi trên bia đá đó thuật lại việc vua Mê-sa của Mô-áp đã nổi lên đánh lại Y-sơ-ra-ên. Biến cố này cũng đã được ghi lại trong Kinh-thánh (II Các Vua 1:1; 3:4-27).

24 Bạn có thể nhìn thấy hồ nước Si-lô-ê và miệng đường hầm dài 533 mét dẫn nước vào Giê-ru-sa-lem trong hình chót bên cạnh đây. Ngày nay nhiều du khách viếng Giê-ru-sa-lem đã lội nước đi trong đường hầm này. Đường hầm này hiện hữu là một bằng chứng khác chứng tỏ Kinh-thánh nói sự thật. Thế là sao? Bởi vì Kinh-thánh có giải thích rằng vua Ê-xê-chia đã cho đào đường hầm này hơn 2.500 năm về trước để tích trữ nước chống đạo binh xâm lăng (II Các Vua 20:20; II Sử-ký 32:2-4, 30).

25 Trong Bảo tàng viện Anh-quốc người ta có thể thấy Bia sử của Na-bô-nê-đô, như hình chụp bên cạnh đây. Bia sử đó thuật lại sự sụp đổ của đế quốc Ba-by-lôn cổ, cũng như Kinh-thánh có bàn đến (Đa-ni-ên 5:30, 31). Song Kinh-thánh có nói rằng Bên-xát-sa lúc đó làm vua xứ Ba-by-lôn. Tuy nhiên Bia sử của Na-bô-nê-đô lại không nêu ra tên của Bên-xát-sa. Hơn nữa, đã có một thời mà mọi sách sử cổ đã từng được biết đến đều bảo rằng Na-bô-nê-đô là vua chót của xứ Ba-by-lôn. Do đó vài người cho rằng Kinh-thánh không nói sự thật bèn hô hào là chẳng hề có vua nào tên là Bên-xát-sa và Kinh-thánh tất đã nói sai. Nhưng trong những năm gần đây người ta đã tìm thấy bản viết lịch sử cổ trong đó có nói đến Bên-xát-sa như là con trai của Na-bô-nê-đô và đã thật sự cùng cai trị với cha của mình trên xứ Ba-by-lôn thời bấy giờ. Đúng vậy, Kinh-thánh luôn luôn nói sự thật như rất nhiều bằng chứng cụ thể chứng minh.

26. Có bằng chứng nào cho thấy Kinh-thánh chính xác về phương diện khoa học?

26 Tuy nhiên Kinh-thánh không phải chỉ chứa đựng lịch sử chính xác thôi. Mọi điều ghi trong đó đều là sự thật. Ngay khi Kinh-thánh nói đến các vấn đề khoa học thì lại chính xác một cách huyền diệu. Chỉ cần nêu hai thí dụ: Thời xưa thiên hạ thường nghĩ rằng trái đất được đặt trên một vật gì đó thấy được, chẳng hạn như một người khổng lồ. Tuy nhiên, phù hợp hoàn toàn với mọi sự kiện khoa học, Kinh-thánh nói rằng Đức Chúa Trời “treo trái đất trong khoảng không không” (Gióp 26:7). Và thay vì nói rằng trái đất bằng phẳng, như nhiều người đã lầm tưởng trong quá khứ, Kinh-thánh nói Đức Chúa Trời “ngự trên vòng trái đất này” (Ê-sai 40:22).

27. a) Bằng chứng hùng hồn nhứt chứng minh Kinh-thánh đến từ Đức Chúa Trời là gì? b) Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đã tiên tri một cách chính xác những điều gì về Con của Đức Chúa Trời?

27 Song bằng chứng hùng hồn nhứt chứng minh Kinh-thánh thật đến từ Đức Chúa Trời là sự chính xác tuyệt đối khi nói tiên tri về tương lai. Không có sách nào do loài người lại có thể viết lịch sử một cách chính xác trước khi xảy đến, chỉ có Kinh-thánh mới làm được vậy. Kinh-thánh có đầy dẫy những lời tiên tri chính xác, đúng vậy, quả là lịch sử viết trước khi xảy ra. Vài lời tiên tri đặc biệt nhất nói đến việc Con của Đức Chúa Trời sẽ xuống thế gian. Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ đã chính xác tiên tri hàng trăm năm trước rằng ngài sẽ sanh ra tại Bết-lê-hem, do một người nữ đồng trinh, rằng ngài sẽ bị phản với giá 30 đồng tiền bạc, rằng ngài sẽ bị kể vào hạng kẻ dữ, rằng chẳng một xương nào của ngài sẽ bị gãy, rằng áo xống của ngài sẽ bị người ta bắt thăm mà chia nhau, và rất nhiều chi tiết khác nữa (Mi-chê 5:1; Ma-thi-ơ 2:3-9; Ê-sai 7:14; Ma-thi-ơ 1:22, 23; Xa-cha-ri 11:12, 13; Ma-thi-ơ 27:3-5; Ê-sai 53:12; Lu-ca 22:37, 52; 23:32, 33; Thi-thiên 34:20; Giăng 19:36; Thi-thiên 22:18; Ma-thi-ơ 27:35).

28. a) Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng ngay cả những lời tiên tri của Kinh-thánh tuy chưa được ứng nghiệm tất sẽ được ứng nghiệm? b) Bằng cách tiếp tục học hỏi Kinh-thánh, bạn sẽ tin chắc thêm về điều gì?

28 Như đã được đề cập đến ở chương thứ nhứt của sách này, Kinh-thánh cũng có báo trước rằng hệ thống mọi sự cũ này sẽ sớm chấm dứt để nhường chỗ cho một hệ thống mới công bình (Ma-thi-ơ 24:3-14; II Phi-e-rơ 3:7, 13). Chúng ta có thể đặt hết niềm tin vào những lời tiên tri chưa được ứng nghiệm đó hay không? Vậy nếu có ai nói thật với bạn đến một trăm lần rồi, bạn há bỗng dưng nghi ngờ về người đó khi người đó nói với bạn một điều mới mẻ hay sao? Nếu bạn không hề thấy người đó nói sai, liệu giờ đây bạn lại bắt đầu ngờ vực người hay sao? Ôi thế thì còn gì phi lý cho bằng! Cũng thế, không có lý lẽ nào để chúng ta nghi ngờ điều gì mà Đức Chúa Trời đã hứa trong Kinh-thánh. Lời của Ngài quả đáng được tín nhiệm! (Tít 1:2). Bằng cách tiếp tục học hỏi Kinh-thánh, chính bạn cũng sẽ càng ngày càng thấy tin chắc nhiều hơn, dựa trên những sự kiện cụ thể, rằng quả thật Kinh-thánh đến từ Đức Chúa Trời.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 49]

Đức Chúa Trời dùng nhiều người để viết Kinh-thánh, tựa như người thương gia dùng thơ ký để viết một lá thư.

[Hình nơi trang 50]

Một số nhà lãnh đạo tôn giáo đã cố gắng ngăn cản Kinh-thánh đến tay người thường dân, thậm chí thiêu sống trên cây khổ hình những người có quyển Kinh-thánh.

[Hình nơi trang 52, 53]

Bản chép sách Ê-sai tại vùng Biển Chết

[Hình nơi trang 54, 55]

Tường đền thờ tại Karnak, xứ Ai-cập

[Hình nơi trang 55]

Bia đá Mô-áp

[Hình nơi trang 55]

Bia sử của Na-bô-nê-đô

[Hình nơi trang 55]

Cửa vô đường hầm của Ê-xê-chia và Hồ nước Si-lô-ê