Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao được giúp đỡ qua lời cầu nguyện?

Làm sao được giúp đỡ qua lời cầu nguyện?

Chương 27

Làm sao được giúp đỡ qua lời cầu nguyện?

1. Chúng ta cần đến sự giúp đỡ nào từ Đức Chúa Trời, và làm thế nào chúng ta nhận được điều đó?

NGÕ HẦU tránh khỏi ảnh hưởng xấu của thế gian, người tín đồ đấng Christ đặc biệt cần được giúp đỡ qua lời cầu nguyện. Giê-su có nói: “Cha các ngươi ở trên trời...sẽ ban thánh-linh cho người xin Ngài” (Lu-ca 11:13). Chúng ta cần đến thánh linh của Đức Chúa Trời, hay là sinh hoạt lực của Ngài, cũng như là chúng ta cần phải học hỏi Lời Ngài và kết hợp với tổ chức của Ngài. Nhưng muốn nhận lãnh thánh linh chúng ta phải cầu nguyện để xin.

2. a) Lời cầu nguyện là gì? b) Lời cầu nguyện có nhiều hình thức khác nhau như thế nào? c) Tại sao cầu nguyện là quan trọng?

2 Cầu nguyện có nghĩa là kính cẩn nói chuyện cùng Đức Chúa Trời. Lời cầu nguyện có thể được trình bày dưới hình thức một điều cầu xin như khi chúng ta nài xin Đức Chúa Trời một điều gì. Nhưng lời cầu nguyện cũng có thể là để tạ ơn và ngợi khen Đức Chúa Trời (I Sử-ký 29:10-13). Hầu cho có được một liên lạc tốt với Cha trên trời của chúng ta, chúng ta cần phải thường xuyên nói chuyện với Ngài qua lời cầu nguyện (Rô-ma 12:12; Ê-phê-sô 6:18). Sinh hoạt lực của Ngài, mà ta phải xin mới nhận được, có thể thêm sức cho chúng ta để làm theo ý muốn của Ngài bất chấp mọi khó khăn hay cám dỗ mà Sa-tan hoặc thế gian của hắn có thể mang lại cho chúng ta (I Cô-rinh-tô 10:13; Ê-phê-sô 3:20).

3. a) Chúng ta có thể nhận được sức mạnh nào từ Đức Chúa Trời? b) Chỉ làm thế nào chúng ta mới có thể duy trì một liên lạc tốt với Đức Chúa Trời được?

3 Có lẽ bạn đang phấn đấu một cách kịch liệt để chừa bỏ một tật xấu hay một thói quen không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nếu quả như vậy, bạn hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. Bạn hãy quay về Ngài qua lời cầu nguyện. Sứ đồ Phao-lô đã làm như vậy, và ông có viết: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13; Thi-thiên 55:22; 121:1, 2). Một thiếu phụ nọ sau khi đã từ bỏ một nếp sống vô luân có nói: “Chỉ có Ngài mới có quyền năng kéo bạn ra khỏi hoàn cảnh đó thôi. Bạn cần phải có một liên lạc riêng với Đức Giê-hô-va, và cách duy nhứt để duy trì liên lạc cá nhân đó là lời cầu nguyện”.

4. Làm thế nào một ông nọ đã nhận được sức mạnh để từ bỏ tật hút thuốc lá?

4 Nhưng có người có thể nói rằng: “Tôi đã từng cầu cứu Đức Chúa Trời nhiều phen rồi, nhưng tôi vẫn chưa bỏ được tật xấu”. Nhiều người nghiện thuốc lá đã nói như vậy. Khi người ta hỏi một ông ở trong trường hợp đó: “Khi nào ông cầu nguyện?”, ông ta trả lời: “Mỗi tối trước khi tôi đi ngủ, mỗi sáng khi tôi thức dậy, và sau khi tôi đã lỡ hút một điếu, tôi nói với Đức Giê-hô-va rằng tôi hối tiếc về điều tôi đã làm”. Người bạn của ông bảo: “Thật ra lúc mà bạn đang thèm châm một điếu thuốc mới là lúc bạn cần đến sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, phải không? Đấy là lúc mà bạn cần phải cầu nguyện Đức Giê-hô-va để được Ngài ban sức cho bạn”. Khi ông ta làm theo lời khuyên đó, ông đã được giúp để bỏ tật hút thuốc.

5. a) Việc phụng sự Đức Chúa Trời một cách đúng đắn đòi hỏi điều gì? b) Điều gì cho thấy là khi ngưng làm điều tội lỗi người ta thường thấy khổ sở lắm?

5 Chúng tôi không muốn nói rằng bạn chỉ cần cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, học hỏi Lời Ngài và kết hợp với tổ chức hữu hình của Ngài là bạn sẽ thấy dễ làm điều thiện. Bạn vẫn cần phải cố gắng; vâng, cần phải phấn đấu gay go và đôi khi lại phải chịu khổ nữa (I Cô-rinh-tô 9:27). Những thói hư tật xấu có thể khiến cho người ta muốn làm điều xấu một cách kinh khủng. Vì lẽ đó, khi một người nào ngưng làm điều tội lỗi người thường thấy khổ sở lắm. Bạn có sẵn lòng chịu khổ hầu làm điều thiện hay không? (I Phi-e-rơ 2:20, 21).

NHỮNG LỜI CẦU NGUYỆN MÀ ĐỨC CHÚA TRỜI NHẬM

6. a) Tại sao nhiều người thấy khó lòng cầu nguyện? b) Nếu muốn cho những lời cầu nguyện của chúng ta được nhậm, chúng ta cần phải làm gì?

6 Nhiều người cảm thấy khó cầu nguyện. Một thiếu phụ nọ đã thố lộ: “Tôi thấy khó lòng cầu nguyện cùng một Đấng mà tôi không thấy được”. Bởi lẽ không người phàm nào đã từng thấy Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải có đức tin để cầu nguyện và được Đức Chúa Trời nhậm lời. Chúng ta cần phải tin rằng Đức Giê-hô-va có thật và Ngài có thể làm những gì mà chúng ta cầu xin (Hê-bơ-rơ 11:6). Nếu chúng ta có đức tin như thế, và nếu chúng ta đến cùng Ngài với lòng thành thật, chúng ta có thể biết chắc là Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta (Mác 9:23). Thật thế, khi Cọt-nây, đội trưởng một đội binh La-mã, đã lấy lòng thành thật để cầu xin được hướng dẫn, Đức Chúa Trời đã nhậm lời ông dù cho lúc đó ông không thuộc về tổ chức của Ngài (Công-vụ các Sứ-đồ 10:30-33).

7. a) Loại cầu nguyện nào làm đẹp lòng Đức Chúa Trời? b) Đức Chúa Trời sẽ không nhậm những lời cầu nguyện thuộc loại nào?

7 Nhiều người thấy khó lòng diễn tả tư tưởng của mình bằng lời nói. Tuy nhiên, họ không nên xem đó là một trở ngại ngăn cản họ cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể chắc chắn là Ngài biết đến những nhu cầu của chúng ta và sẽ hiểu chúng ta muốn nói gì (Ma-thi-ơ 6:8). Bạn thử nghĩ xem: Bạn thích điều nào hơn từ một con trẻ, lời cám ơn giản dị, chân thật của nó hay là những lời bay bướm mà người nào đó dạy cho nó nói? Cũng cùng một lẽ ấy, Cha ở trên trời của chúng ta mến chuộng những lời lẽ giản dị, chân thành của chúng ta (Gia-cơ 4:6; Lu-ca 18:9-14). Ta không cần phải dùng những lời lẽ văn hoa hay ngôn ngữ tôn giáo nào cả. Ngài cũng sẽ không nghe những người cầu nguyện bằng những lời lẽ dị thường hoặc cao kỳ nhằm trổ tài trước mắt người khác, hay là những người lặp đi lặp lại những điều giống hệt nhau một cách không thành thật (Ma-thi-ơ 6:5, 7).

8. a) Điều gì cho thấy là Đức Chúa Trời có thể nghe những lời cầu nguyện âm thầm? b) Kinh-thánh có cho thấy chúng ta phải cầu nguyện với một điệu bộ nào hay tại nơi nào không?

8 Dù cho bạn có âm thầm cầu nguyện, Đức Chúa Trời cũng có thể nghe thấy. Khi Nê-hê-mi có lần cầu nguyện như vậy, Đức Chúa Trời đáp lại lời cầu xin chân thành của ông, và đối với An-ne cũng vậy (Nê-hê-mi 2:4-8; I Sa-mu-ên 1:11-13, 19, 20). Điệu bộ của một người khi cầu nguyện cũng không phải là điều quan trọng. Bạn có thể cầu nguyện với bất cứ điệu bộ hay tư thế nào, vào bất cứ lúc nào và tại bất cứ nơi nào cũng được. Tuy nhiên, Kinh-thánh cho thấy là một điệu bộ kính cẩn, khiêm nhường, chẳng hạn như cúi đầu xuống hoặc quì gối, là điều thích nghi (I Các Vua 8:54; Nê-hê-mi 8:6; Đa-ni-ên 6:10; Mác 11:25; Giăng 11:41). Và Giê-su cho thấy là cầu nguyện ở một nơi kín đáo không ai thấy là điều tốt (Ma-thi-ơ 6:6).

9. a) Chúng ta phải cầu nguyện cùng ai và tại sao? b) để được Đức Chúa Trời nhậm lời, chúng ta phải cầu nguyện nhân danh ai?

9 Cầu nguyện là một phần của sự thờ phượng của chúng ta. Bởi lẽ đó chúng ta phải cầu nguyện cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Tạo-hóa của chúng ta mà thôi, chớ không cầu một ai khác (Ma-thi-ơ 4:10). Và Kinh-thánh cho thấy là người tín đồ đấng Christ phải đến cùng Đức Chúa Trời qua trung gian của Giê-su, đấng đã phó sự sống mình để cất tội lỗi của chúng ta đi. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải nói lời cầu nguyện nhân danh Giê-su (Giăng 14:6, 14; 16:23; Ê-phê-sô 5:20; I Giăng 2:1, 2).

10. a) Những lời cầu nguyện của ai hẳn không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời? b) Chúng ta phải hội đủ điều kiện căn bản nào để cho những lời cầu nguyện của chúng ta được Đức Chúa Trời nhậm?

10 Tuy nhiên, có phải mọi lời cầu nguyện đều làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va không? Kinh-thánh có nói: “Người nào xây tai không khứng nghe luật-pháp, lời cầu-nguyện người ấy cũng là một sự gớm-ghiếc” (Châm-ngôn 28:9; 15:29; Ê-sai 1:15). Vì lẽ đó, nếu chúng ta muốn Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của chúng ta, thì một điều kiện căn bản là chúng ta phải làm theo ý muốn của Ngài, tuân theo luật pháp của Ngài. Bằng chẳng vậy, Đức Chúa Trời sẽ chẳng đoái nghe chúng ta, cũng như một người chính trực sẽ không nghe một chương trình trên đài truyền thanh nào mà người đó cho là tồi bại. Kinh-thánh có nói: “Chúng ta xin điều gì mặc dầu, thì nhận được điều ấy, bởi chúng ta vâng-giữ các điều-răn của Ngài và làm những điều đẹp ý Ngài” (I Giăng 3:22).

11. Hành động phù hợp với điều chúng ta cầu xin có nghĩa gì?

11 Điều đó có nghĩa là chúng ta phải hành động phù hợp với những gì chúng ta cầu xin. Chẳng hạn một người cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ y bỏ tật hút thuốc lá hoặc thuốc ma-ri-hoa-na mà lại đi mua những đồ đó là chuyện sai lầm. Y cũng không thể cầu xin Đức Giê-hô-va giúp y tránh khỏi sự vô luân rồi lại đọc sách dâm ô hay xem phim ảnh hoặc những chương trình truyền hình dâm đãng. Hoặc một người có máu cờ bạc không thể nào cầu xin Đức Chúa Trời giúp y thôi cờ bạc, đoạn la cà trường đua ngựa hay là những nơi nào khác có sòng bài hoặc đánh cá. Hầu cho những lời cầu nguyện của chúng ta được Đức Chúa Trời nhậm, chúng ta cần phải chứng tỏ cho Ngài thấy lời nói và hành động của chúng ta đi song song với nhau.

12. a) Chúng ta có thể cầu nguyện về những điều gì? b) Chúng ta phải học biết điều gì hầu cho những lời cầu nguyện của chúng ta làm đẹp lòng Đức Chúa Trời?

12 Như vậy thì chúng ta có thể cầu xin Đức Giê-hô-va những việc gì cho chính cá nhân chúng ta? Thật ra thì chúng ta có thể cầu nguyện về bất cứ chuyện gì ảnh hưởng đến mối liên lạc của chúng ta với Đức Chúa Trời, kể cả sức khỏe của chúng ta hay việc dạy dỗ con cái (II Các Vua 20:1-3; Các Quan Xét 13:8). Sứ đồ Giăng có viết: “Nếu chúng ta theo ý-muốn Ngài mà cầu-xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta” (I Giăng 5:14). Do đó, điều quan trọng là chúng ta cầu xin những điều gì phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời. Điều đó có nghĩa là trước tiên chúng ta phải học biết đâu là ý muốn của Ngài (Châm-ngôn 3:5, 6). Đoạn khi cầu nguyện, nếu chúng ta chú tâm đến ý muốn và ý định của Đức Chúa Trời thay vì chỉ lo lắng đến quyền lợi riêng của chúng ta, Đức Giê-hô-va sẽ chấp nhận những lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta nên tạ ơn Đức Giê-hô-va mỗi ngày về những điều tốt lành mà Ngài ban cho chúng ta (Giăng 6:11, 23; Công-vụ các Sứ-đồ 14:16, 17).

13. a) Làm thế nào Giê-su đã tỏ cho thấy những việc gì phải được đề cập trước hết trong những lời cầu nguyện của chúng ta? b) Chúng ta nên cầu nguyện về những việc quan trọng hàng nhì nào?

13 Giê-su đã cho các môn đồ ngài một bài cầu nguyện mẫu để hướng dẫn cho họ thấy lời cầu nguyện như thế nào được Đức Chúa Trời nhậm (Ma-thi-ơ 6:9-13). Bài cầu nguyện đó cho thấy danh Đức Chúa Trời, Nước Ngài và việc thực thi ý định Ngài trên đất là quan trọng hơn hết. Kế đó chúng ta có thể cầu xin về những nhu cầu cá nhân như thức ăn hàng ngày, việc tha tội, và việc tránh khỏi sự cám dỗ và kẻ gian ác Sa-tan Ma-quỉ.

CẦU NGUYỆN ĐỂ GIÚP ĐỠ NHỮNG NGƯỜI KHÁC

14. Kinh-thánh cho thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện vì người khác như thế nào?

14 Qua gương mẫu của ngài, Giê-su cho thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện vì những người khác (Lu-ca 22:32; 23:34; Giăng 17:20). Sứ đồ Phao-lô ý thức giá trị của những lời cầu nguyện ấy và thường xin những người khác cầu nguyện cho ông (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:25; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:1; Rô-ma 15:30). Lúc ở trong tù ông có viết: “Tôi mong rằng nhờ anh em cầu-nguyện, sẽ được về cùng anh em” (Phi-lê-môn 22; Ê-phê-sô 6:18-20). Sau đó chẳng bao lâu Phao-lô đã được thả ra khỏi tù, chứng tỏ những lời cầu nguyện để giúp ông có hiệu nghiệm.

15. Chúng ta có thể cầu xin những điều gì hộ những người khác mà chúng ta yêu mến?

15 Phao-lô cũng đã cầu nguyện vì những người khác nữa. Ông có viết: “Chúng tôi vì anh em cầu nguyện không thôi, hầu cho Đức Chúa Trời chúng ta khiến anh em xứng-đáng với sự gọi của Ngài” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:11). Và ông có giải thích với một hội-thánh khác: “Chúng ta cầu-xin Đức Chúa Trời cho anh em đừng làm việc ác nào...song hầu cho anh em làm điều thiện” (II Cô-rinh-tô 13:7). Chắc chắn chúng ta nên noi theo gương của Phao-lô mà trình những lời cầu xin đặc biệt cho những người mà chúng ta yêu mến. Quả thật, “người công-bình lấy lòng sốt-sắng cầu-nguyện (chân thành nài xin), thật có linh-nghiệm nhiều” (Gia-cơ 5:13-16).

16. a) Khi nào chúng ta nên cầu nguyện để nhận được sự giúp đỡ cần thiết? b) Tại sao việc cầu nguyện là một đặc ân lớn lao dường ấy?

16 Khi điều khiển một học hỏi Kinh-thánh, một người truyền giáo nọ thường hỏi: “Ngoài dịp cầu nguyện mỗi khi học hỏi Kinh-thánh hàng tuần, bạn có cầu nguyện lúc nào khác nữa không?” Để nhận được sự giúp đỡ mà chúng ta cần đến, chúng ta phải thường xuyên cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17; Lu-ca 18:1-8). Bạn hãy tập tâm sự một cách nhu mì cùng Ngài giống như với một người bạn thân mà bạn tin cậy. Quả thật, được cầu nguyện cùng Đấng Chúa tể đầy vinh hiển của khắp vũ trụ, Đấng nghe lời cầu nguyện, và biết rằng Ngài nghe chúng ta, quả là một đặc ân huyền diệu làm sao! (Thi-thiên 65:2).

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 227]

Khi thấy thèm hút thuốc lá, ta phải làm gì—cầu nguyện để được giúp đỡ hay chịu sa ngã?

[Hình nơi trang 229]

Sau khi đã cầu nguyện để được giúp đỡ, bạn có lao mình vào những hoạt động có thể đưa bạn đến việc phạm tội không?

[Hình nơi trang 230]

Bạn có cầu nguyện riêng không, hay chỉ cầu nguyện chung với những người khác?