Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép sự gian ác?

Tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép sự gian ác?

Chương 11

Tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép sự gian ác?

1. a) Ngày nay tình trạng trên thế giới ra sao? b) Một số người than phiền thế nào?

BẤT CỨ nơi nào ở trên thế giới cũng có tội ác, thù ghét và xáo trộn. Thường thì những người vô tội lại chịu khổ. Một số người lại đổ lỗi cho Đức Chúa Trời. Có lẽ họ nói: “Nếu Đức Chúa Trời có thật thì tại sao Ngài lại cho phép những chuyện khủng khiếp dường ấy diễn ra?”

2. a) Ai đang làm điều ác? b) Làm thế nào người ta có thể tránh khỏi nhiều sự đau khổ?

2 Tuy nhiên, ai làm những chuyện gian ác ấy đối với kẻ khác? Chính là người ta, chớ không phải Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời lên án những hành vi gian ác đó. Thật ra, nếu người ta vâng theo những luật pháp của Đức Chúa Trời, thì họ có thể tránh được nhiều nỗi đau khổ. Ngài bảo chúng ta phải yêu thương. Ngài cấm đoán việc giết người, trộm cướp, tà dâm, tham lam, say sưa cùng những hành vi xấu xa khác khiến cho nhân loại đau khổ (Rô-ma 13:9; Ê-phê-sô 5:3, 18). Đức Chúa Trời đã tạo ra A-đam và Ê-va với một bộ óc và một thân thể kỳ diệu, với khả năng tận hưởng đời sống. Ngài đã không hề muốn cho họ hay con cái họ phải chịu đau khổ hay là phải gặp khó khăn.

3. a) Ai có trách nhiệm gây ra sự gian ác? b) Điều gì chứng tỏ rằng A-đam và Ê-va đã có thể cưỡng lại những sự cám dỗ của Sa-tan?

3 Chính Sa-tan Ma-quỉ đã khởi đầu sự gian ác trên trái đất. Nhưng A-đam và Ê-va cũng có lỗi nữa. Hai người đã không có yếu đuối đến đỗi không thể nào chống cự được sự cám dỗ của Ma-quỉ. Họ đã có thể nói với Sa-tan “hãy lui ra”, y như Giê-su sau này đã làm với tư cách là con người hoàn toàn (Ma-thi-ơ 4:10). Song họ đã không làm vậy. Hậu quả là họ đã trở nên bất toàn. Hết thảy các con cháu của họ, kể cả chúng ta, đã thừa hưởng sự bất toàn đó với hậu quả là bệnh tật, đau buồn và sự chết (Rô-ma 5:12). Nhưng tại sao Đức Chúa Trời đã để cho sự đau khổ kéo dài cho đến nay?

4. Điều gì giúp ta hiểu được tại sao một Đức Chúa Trời đầy yêu thương đã tạm thời cho phép sự gian ác kéo dài?

4 Thoạt nghĩ thì một người có thể cho rằng không có lý lẽ nào khá vững chắc để Đức Chúa Trời cho phép toàn thể nhân loại chịu khổ qua suốt bao thế kỷ cho đến nay. Tuy vậy, kết luận đó liệu có đúng không? Có những bậc cha mẹ thật lòng yêu thương con cái của họ song lại ưng thuận cho chúng chịu giải phẫu một cách đau đớn để chữa trị bệnh tật phải không? Đúng vậy, việc tạm cho phép con trẻ chịu đau đớn đã thường khiến cho chúng khỏe mạnh hơn sau này. Việc Đức Chúa Trời cho phép sự gian ác kéo dài đã mang lại lợi ích gì?

MỘT SỰ TRANH CHẤP TRỌNG ĐẠI CẦN PHẢI ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

5. a) Sa-tan đã nói nghịch lại Đức Chúa Trời như thế nào? b) Sa-tan đã hứa láo với Ê-va điều gì?

5 Sự phản nghịch lại Đức Chúa Trời trong vườn Ê-đen đã nêu lên một cuộc tranh chấp hay vấn đề quan trọng. Chúng ta cần phải xem xét điều đó để hiểu tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép sự gian ác kéo dài. Đức Giê-hô-va đã nói cùng A-đam rằng đừng ăn trái của một cây nào đó ở trong vườn. Nếu như A-đam cãi lại, điều gì sẽ xảy ra? Đức Chúa Trời có nói: “Ngươi chắc sẽ chết” (Sáng-thế Ký 2:17). Dầu vậy, Sa-tan đã nói ngược hẳn lại. Hắn đã xúi giục Ê-va là vợ của A-đam cứ ăn trái cấm đó đi. Sa-tan nói: “Hai ngươi chẳng chết đâu”. Thật vậy hắn còn nói tiếp với Ê-va rằng: “Nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác” (Sáng-thế Ký 3:1-5).

6. a) Tại sao Ê-va đã cãi lời Đức Chúa Trời? b) Việc ăn trái cấm có nghĩa gì?

6 Ê-va đã cãi lời Đức Chúa Trời và ăn trái ấy. Tại sao vậy? Ê-va đã tin lời của Sa-tan. Vì lòng ích kỷ, nàng đã nghĩ rằng cãi lại lời Đức Chúa Trời sẽ có lợi hơn. Nàng đã lý luận rằng như thế thì cả nàng lẫn A-đam sẽ không còn phải phục tùng những luật pháp của Ngài nữa. Họ sẽ có thể tự ý quyết định được điều gì là “thiện” và điều gì là “ác”. A-đam cũng hùa theo Ê-va và ăn trái cấm ấy nữa. Bàn về tội lỗi nguyên thủy của con người nghịch lại Đức Chúa Trời, một lời chú thích ở cuối trang của bản dịch Kinh-thánh Giê-ru-sa-lem (The Jerusalem Bible) có nói như sau: “Ấy là thẩm quyền quyết định theo ý riêng điều gì là thiện và điều gì là ác và hành động theo đường lối đó, đây quả là một chủ trương đòi được hoàn toàn độc lập về mặt luân lý...Tội lỗi đầu tiên hẳn là một cuộc tấn công uy quyền tối thượng của Đức Chúa Trời”. Nói cách khác, ấy đã là một sự tấn công uy quyền của Đức Chúa Trời làm Đấng cai trị tuyệt đối của con người.

7. a) Sự phản nghịch của con người đã đặt ra vấn đề tranh chấp nào? b) Những câu hỏi nào liên quan đến cuộc tranh chấp này cần phải được giải đáp?

7 Như thế thì một khi đã ăn trái cấm, A-đam và Ê-va đã từ bỏ sự cai trị của Đức Chúa Trời. Họ đã đi theo đường lối riêng, tự ý định đoạt lấy điều gì là “thiện” hoặc là “ác”. Do đó sự tranh chấp hay vấn đề quan trọng đã được đặt ra là: Liệu Đức Chúa Trời có quyền làm Đấng cai trị tuyệt đối của loài người hay không? Nói cách khác, Đức Giê-hô-va có phải là Đấng định đoạt điều gì là thiện và điều gì là ác cho nhân loại không? Ngài có phải là Đấng có quyền bảo đâu là hạnh kiểm tốt hay xấu không? Hay là con người có thể làm tốt hơn nếu tự cai trị lấy mình? Đường lối cai trị của ai là tốt nhất? Liệu con người, dưới quyền chỉ huy không thấy được của Sa-tan, có thể nào cai trị một cách mỹ mãn mà không cần đến sự dẫn dắt của Đức Giê-hô-va không? Hay là phải cần đến sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời mới có thể thiết lập được một chính phủ công bình sẽ mang lại hòa bình lâu dài trên trái đất? Tất cả những câu hỏi ấy đã được nêu lên trong cuộc tấn công uy-quyền tối-thượng của Đức Chúa Trời, tức là quyền của Ngài làm Đấng cai trị duy nhất và tuyệt đối của nhân loại.

8. Tại sao Đức Giê-hô-va đã không tiêu diệt ngay lập tức những kẻ phản loạn?

8 Dĩ nhiên là Đức Giê-hô-va đã có thể tiêu diệt ngay lập tức ba kẻ phản loạn kia. Không ai chối cãi rằng Ngài mạnh hơn Sa-tan hay A-đam và Ê-va. Nhưng tiêu diệt họ tất không phải là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề. Thí dụ, nếu làm thế thì làm sao giải đáp được thắc mắc là nhân loại có thể nào tự cai trị lấy một cách mỹ mãn mà không cần đến sự trợ giúp của Đức Chúa Trời hay không. Vì thế mà Đức Giê-hô-va đã cho phép thời gian trôi qua để giải quyết cuộc tranh chấp quan trọng đã được đặt ra.

CÁCH GIẢI QUYẾT CUỘC TRANH CHẤP

9, 10. Các cố gắng của nhân loại để tự cai trị lấy mà không cần đến sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời đã đưa đến những hậu quả nào?

9 Giờ đây thời gian đó đã trôi qua, hậu quả là thế nào? Bạn nghĩ sao? Liệu 6.000 năm lịch sử đã qua có chứng tỏ rằng nhân loại đã thành công trong việc tự cai trị lấy mà không cần đến sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời không? Liệu con người có thiết lập được một chính phủ tốt mang lại ân phước và hạnh phúc cho mọi người hay không? Hay là những trang sử đã chứng minh rằng các lời sau đây của nhà tiên tri Giê-rê-mi là đúng: “Người ta đi, chẳng có quyền dẫn đưa bước của mình” (Giê-rê-mi 10:23).

10 Trong suốt lịch sử người ta đã thí nghiệm mọi thứ chế độ, nhưng chẳng có chế độ nào đã mang lại an ninh và hạnh phúc thật sự cho tất cả những người sống dưới các chế độ đó. Một số người có lẽ sẽ nêu ra những dấu hiệu của sự tiến bộ. Nhưng ta có thể nào nói đến một sự tiến bộ thật sự khi mà cung tên đã nhường chỗ cho bom nguyên tử và khi mà cả thế giới ngày nay đang hết sức lo sợ về một trận thế chiến thứ ba hay không? Trong khi người ta đã có thể đổ bộ trên mặt trăng, nhưng ở dưới đất thì lại không thể sống chung trong hòa bình được, thì tiến bộ đó là tiến bộ gì? Những tòa nhà mà người ta xây cất với đầy đủ tiện nghi tân thời có ích gì, khi những gia đình sống trong đó lại bị nhiều vấn đề dày xéo? Có ai lại hãnh diện về những xáo trộn ngoài đường phố, sự tàn phá tài sản cùng sanh mạng và tội ác lộng hành hay không? Tất nhiên là không! Nhưng tất cả những điều này là hậu quả của việc con người cố gắng tự cai trị lấy mà không màng đến Đức Chúa Trời (Châm-ngôn 19:3).

11. Như vậy thì rõ ràng là nhân loại cần đến điều gì?

11 Những bằng chứng là rõ ràng trước mắt hết thảy mọi người. Những cố gắng của con người nhằm tự cai trị lấy một cách độc lập không tùy thuộc Đức Chúa Trời đã thất bại một cách não nề. Hậu quả là nhân loại đã bị đau khổ rất nhiều. Kinh-thánh giải thích: “Người này cai-trị trên người kia mà làm tai-hại cho người ấy” (Truyền-đạo 8:9). Rõ ràng là nhân loại cần đến sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời để cai quản các công việc của họ. Đức Chúa Trời đã tạo ra con người với nhu cầu ăn uống cơm nước ra sao, thì cũng giống như vậy con người đã được tạo ra với nhu cầu làm theo luật pháp của Đức Chúa Trời. Hễ con người lờ đi luật pháp của Đức Chúa Trời thì sẽ gặp khó khăn ngay, cũng giống như nếu người ta không màng đến nhu cầu của thân thể về đồ ăn đồ uống thì sẽ bị đau ốm vậy (Châm-ngôn 3:5, 6).

TẠI SAO LÂU ĐẾN THẾ?

12. Tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép nhiều thời gian trôi qua để giải quyết cuộc tranh chấp vậy?

12 Tuy nhiên có người có lẽ sẽ hỏi: “Tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép nhiều thời gian trôi qua đến thế để giải quyết cuộc tranh chấp này, khoảng 6.000 năm rồi còn gì? Há vấn đề này không thể nào được giải quyết một cách thỏa đáng từ lâu hay sao?” Không hẳn thế đâu. Giá mà Đức Chúa Trời can thiệp trước đây đã lâu, tất có kẻ phản đối rằng nhân loại chưa có đủ thời gian để thí nghiệm. Nhưng giờ đây thì con người đã có rất nhiều thời gian để phát triển một chánh thể có thể thỏa mãn những nhu cầu của mọi công dân, vừa để làm ra những khám phá về mặt khoa học hầu góp phần vào sự thịnh vượng của mọi giới. Trải qua nhiều thế kỷ con người đã thí nghiệm hầu hết mọi chính thể. Ngay cả sự tiến bộ trong lãnh vực khoa học đã đến mức đáng kể. Người ta đã biết cách dùng năng lực của nguyên tử và du hành lên tới mặt trăng. Nhưng kết quả là gì? Người ta có thiết lập được một hệ thống mới huy hoàng mang lại ân phước cho loài người hay không?

13. a) Bất chấp mọi tiến bộ khoa học của nhân loại, tình trạng ngày nay ra sao? b) Sự thể chứng tỏ rõ ràng điều gì?

13 Không đâu! Trái lại, ngày nay có nhiều sự đau khổ và khó khăn trên đất hơn bao giờ hết. Thật thế, tội ác, sự ô nhiễm, chiến tranh, gia đình tan vỡ cùng nhiều vấn đề khác đã đạt đến một giai đoạn vô cùng nguy hiểm đến nỗi các nhà khoa học tin rằng ngay cả sự sống còn của nhân loại đang bị đe dọa. Đúng vậy, sau kinh nghiệm tự cai trị khoảng 6.000 năm, và sau khi đã đạt đến tột đỉnh của cái gọi là “tiến bộ” khoa học, nhân loại đang đứng trước sự tự hủy diệt! Ôi rõ ràng làm sao là nhân loại không thể nào tự cai trị lấy một cách mỹ mãn mà không cần đến Đức Chúa Trời! Giờ đây cũng không ai có thể phản đối là Đức Chúa Trời đã không cho đủ thời gian để giải quyết cuộc tranh chấp này.

14. Tại sao chúng ta nên đặc biệt lưu ý đến vấn đề tranh chấp quan trọng khác nữa mà Sa-tan đã nêu lên?

14 Chắc chắn Đức Chúa Trời đã có những lý lẽ vững chắc để cho phép nhân loại nằm dưới quyền thống trị của Sa-tan gây ra sự gian ác từng kéo dài lâu đến thế. Sa-tan lại còn nêu lên một cuộc tranh chấp khác bởi sự phản nghịch của hắn; và để giải quyết cuộc tranh chấp khác này cũng cần phải có đầy đủ thời gian. Chúng ta cũng cần xem xét vấn đề này hầu có thể hiểu rõ hơn tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép sự gian ác kéo dài lâu đến thế. Bạn nên đặc biệt lưu ý đến vấn đề tranh chấp này vì chính bạn cũng có liên quan trực tiếp trong cuộc tranh chấp.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 100]

Cha mẹ yêu thương con có thể ưng thuận cho nó phải chịu giải phẫu một cách đau đớn. Cũng vậy Đức Chúa Trời có lý lẽ chính đáng để tạm thời cho phép nhân loại phải chịu đau khổ.

[Hình nơi trang 101]

Khi A-đam và Ê-va ăn trái cấm, họ đã từ bỏ sự cai trị của Đức Chúa Trời. Họ đã bắt đầu tự quyết định lấy điều thiện và điều ác.

[Các hình nơi trang 103]

Giống như một người được tạo ra với nhu cầu phải ăn và uống, người cũng được tạo ra với nhu cầu cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.