Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời

Tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời

Chương 23

Tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời

1. Kinh-thánh nói gì về tổ chức vô hình của Đức Chúa Trời?

TẠI SAO chúng ta có thể biết chắc là Đức Chúa Trời có một tổ chức hữu hình? Một lý do là vì Ngài có một tổ chức vô hình. Đức Giê-hô-va đã tạo ra những chê-ru-bin, sê-ra-phin và nhiều thiên sứ khác để làm ý muốn của Ngài ở trên trời (Sáng-thế Ký 3:24; Ê-sai 6:2, 3; Thi-thiên 103:20). Giê-su Christ là Thiên sứ trưởng đứng đầu và cao hơn hết thảy những thiên sứ đó (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16; Giu-đe 9; Khải-huyền 12:7). Theo lời Kinh-thánh miêu tả, các thiên sứ được tổ chức thành những “ngôi vua, hoặc quyền cai-trị, hoặc chấp-chánh, hoặc cầm-quyền” (Cô-lô-se 1:16; Ê-phê-sô 1:21). Hết thảy đều tuân lệnh Đức Giê-hô-va và đoàn kết với nhau để thi hành công tác mà Ngài giao phó cho họ (Đa-ni-ên 7:9, 10; Gióp 1:6; 2:1).

2. Cách mà Đức Chúa Trời tạo ra vũ trụ vật chất cho thấy Ngài coi việc tổ chức rất quan trọng như thế nào?

2 Chúng ta cũng hiểu thấu được tầm quan trọng mà Đức Chúa Trời dành cho việc tổ chức khi chúng ta xem xét sự sáng tạo vật chất của Ngài. Chẳng hạn hàng ngàn tỷ ngôi sao trong vũ trụ được sắp xếp thành những nhóm khổng lồ gọi là thiên hà. Những thiên hà này xoay vần trong không gian một cách trật tự, và mỗi ngôi sao cùng mỗi hành tinh nằm trong những thiên hà này cũng làm vậy. Chẳng hạn hành tinh Trái đất của chúng ta mỗi năm quay chung quanh mặt trời, ngôi sao gần chúng ta nhứt, trong vòng đúng 365 ngày, 5 giờ, 48 phút và 45,51 giây. Đúng vậy, vũ trụ vật chất được xếp đặt một cách tinh vi thay!

3. Sự tổ chức kỳ diệu của Đức Chúa Trời giữa những tạo vật vô hình và trong vũ trụ vật chất dạy cho chúng ta điều gì?

3 Sự tổ chức kỳ diệu này giữa những tạo vật vô hình của Đức Chúa Trời và trong vũ trụ vật chất dạy cho chúng ta điều gì? Vâng, chúng ta học biết Đức Giê-hô-va là một Đức Chúa Trời có tổ chức. Vậy thì chắc chắn là một Đức Chúa Trời như vậy sẽ không để mặc cho những người thành thật yêu mến Ngài ở trên đất không được hướng dẫn và không có tổ chức.

TỔ CHỨC HỮU HÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI—TRONG QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI

4, 5. Làm thế nào chúng ta biết được là Đức Chúa Trời đã hướng dẫn dân tộc của Ngài một cách có tổ chức vào thời của Áp-ra-ham và thời dân Y-sơ-ra-ên?

4 Kinh-thánh cho thấy Đức Giê-hô-va lúc nào cũng hướng dẫn các tôi tớ của Ngài một cách có tổ chức. Chẳng hạn, những người có đức tin nơi Ngài như Áp-ra-ham đã hướng dẫn gia đình và tôi tớ của họ trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va bày tỏ ý muốn của Ngài đối với Áp-ra-ham bằng cách nói chuyện với người (Sáng-thế Ký 12:1). Và Đức Chúa Trời căn dặn người hãy truyền những tin tức này cho những người khác như sau: “Ta đã chọn người (Áp-ra-ham) đặng người khiến dạy các con cùng nội nhà người giữ theo đạo Đức Giê-hô-va” (Sáng-thế Ký 18:19). Sự xếp đặt có trật tự này đã giúp cho một nhóm người thờ phượng Đức Giê-hô-va một cách đích đáng.

5 Sau đó, khi dân Y-sơ-ra-ên tăng nhân số và lên đến hàng triệu người, Đức Giê-hô-va không để mặc cho mỗi người thờ phượng Ngài theo lối riêng của mình, mà không có tổ chức chặt chẽ. Không, dân Y-sơ-ra-ên đã được nhóm lại thành một nước gồm có những người thờ phượng có tổ chức. Nước Y-sơ-ra-ên được gọi là “hội-chúng của Đức Giê-hô-va” (Dân-số Ký 20:4; I Sử-ký 28:8). Nếu bạn là một người thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va lúc bấy giờ, bạn đã phải kết hợp với hội-thánh cùng với những người thờ phượng khác chớ không được tách rời khỏi “hội-chúng” (Thi-thiên 147:19, 20).

6. a) Đức Chúa Trời cho thấy là những môn đồ của đấng Christ được ân huệ của Ngài như thế nào? b) Có bằng chứng nào cho thấy những tín đồ đấng Christ đã được tổ chức để thờ phượng?

6 Vào thế kỷ thứ nhứt thì tình thế ra sao? Kinh-thánh cho thấy những môn đồ của Giê-su Christ, Con của Đức Giê-hô-va, đã được ân huệ Ngài. Đức Giê-hô-va đã đổ thánh linh của Ngài trên những người đó. Để cho thấy lúc đó Ngài đang dùng tổ chức của tín đồ đấng Christ thay vì dân tộc Y-sơ-ra-ên, Ngài ban cho một số tín đồ đấng Christ thời đó quyền phép chữa bịnh, làm người chết được sống lại và làm những phép lạ khác. Khi đọc Kinh-thánh phần viết bằng tiếng Hy-lạp về đạo đấng Christ, hẳn bạn lưu ý ngay đến việc những tín đồ đấng Christ đã được tổ chức để thờ phượng. Thật thế, họ được khuyên nên nhóm họp nhau lại nhằm mục đích đó (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Như thế nếu bạn là một người thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va vào thế kỷ thứ nhứt, bạn đã phải kết hợp với tổ chức của Ngài gồm những tín đồ đấng Christ.

7. Làm thế nào chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va không dùng nhiều tổ chức cùng một lúc trong bất cứ thời kỳ đặc biệt nào?

7 Đức Giê-hô-va có bao giờ dùng nhiều tổ chức cùng một lúc không? Vào thời Nô-ê chỉ có Nô-ê và những người ở cùng với ông trong tàu mới được Đức Chúa Trời che chở và họ được sống sót qua trận Nước Lụt (I Phi-e-rơ 3:20). Cũng vậy, vào thế kỷ thứ nhứt không có hai hay ba tổ chức tín đồ đấng Christ. Đức Chúa Trời chỉ có liên lạc với một tổ chức mà thôi. Thật ra chỉ có “một Chúa, một đức-tin, một phép báp-têm” (Ê-phê-sô 4:5). Cũng một thể ấy, Giê-su Christ đã báo trước là ngày nay chỉ có một nguồn để giáo huấn về thiêng liêng cho dân tộc của Đức Chúa Trời.

8. Giê-su cho thấy ngày nay chỉ có một tổ chức hữu hình duy nhứt của Đức Chúa Trời như thế nào?

8 Khi nói về sự hiện diện của ngài với quyền hành của Nước Trời, Giê-su có nói: “Ai là đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan, mà người chủ đặt cai-trị đầy-tớ mình, đặng cho đồ-ăn đúng giờ? Phước cho đầy-tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi-sóc cả gia-tài mình” (Ma-thi-ơ 24:45-47). Khi Giê-su trở lại năm 1914 với quyền hành của Nước Trời, ngài có tìm thấy một lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” đang ban “đồ-ăn” thiêng liêng hay tin tức thiêng liêng không? Có chứ, ngài đã tìm thấy một lớp “đầy-tớ” gồm những người còn sót lại trên đất trong số 144.000 “anh em” của ngài (Khải-huyền 12:10; 14:1, 3). Và từ năm 1914 hàng triệu người đã chấp nhận “đồ-ăn” do họ cung cấp và bắt đầu thực hành tôn giáo thật cùng với họ. Tổ chức này gồm các tôi tớ của Đức Chúa Trời được biết dưới danh hiệu là Nhân-chứng Giê-hô-va.

9. a) Tại sao những tôi tớ của Đức Chúa Trời mang danh Nhân-chứng Giê-hô-va? b) Tại sao họ gọi nơi thờ phượng của họ là Phòng Nước Trời?

9 Các Nhân-chứng Giê-hô-va để cho Đức Chúa Trời và Lời của Ngài hướng dẫn trong mọi hành động của họ. Ngay danh hiệu của họ là Nhân-chứng Giê-hô-va cho thấy hoạt động chính của họ là làm chứng về danh và Nước của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, giống như đấng Christ đã làm (Giăng 17:6; Khải-huyền 1:5). Ngoài ra, họ cũng gọi nơi họ nhóm lại với nhau để thờ phượng là Phòng Nước Trời, bởi vì Nước Đức Chúa Trời do đấng Mê-si, tức đấng Christ, cai trị là đề tài của toàn thể Kinh-thánh. Một khi đã xác định rõ ràng đạo đấng Christ vào thế kỷ thứ nhứt được Đức Chúa Trời chấp nhận, các Nhân-chứng Giê-hô-va sắp đặt tổ chức của họ dựa vào gương mẫu đó. Chúng ta hãy để chút thì giờ nhìn qua tổ chức của các tín đồ đấng Christ lúc ban đầu ấy, và sau đó chú ý đến những điểm tương tự với tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời ngày nay.

GƯƠNG MẪU VÀO THẾ KỶ THỨ NHỨT

10. Tổ chức của những tín đồ đấng Christ thuộc thế kỷ thứ nhứt có một số đặc điểm nào?

10 Bất cứ nơi nào có những tín đồ đấng Christ thì họ họp nhau lại từng nhóm để thờ phượng. Các hội-thánh đó nhóm họp thường xuyên để giao hảo với nhau và học hỏi (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Hoạt động chính của họ là đi rao giảng và dạy dỗ về Nước Đức Chúa Trời, giống như đấng Christ đã làm (Ma-thi-ơ 4:17; 28:19, 20). Nếu người nào trong hội-thánh lại chọn theo một cách ăn ở xấu xa, y bị đuổi ra khỏi hội-thánh (I Cô-rinh-tô 5:9-13; II Giăng 10, 11).

11, 12. a) Có bằng chứng nào cho thấy những hội-thánh các tín đồ đấng Christ ở thế kỷ thứ nhứt đã nhận được sự hướng dẫn và chỉ huy từ các sứ đồ và những “trưởng lão” ở thành Giê-ru-sa-lem? b) Chỉ huy “thần quyền” có nghĩa gì? c) Việc những hội-thánh chấp nhận sự chỉ huy ấy đã mang lại những hậu quả gì?

11 Những hội-thánh đấng Christ ở thế kỷ thứ nhứt có hoạt động biệt lập với nhau, tức là mỗi hội-thánh tự ý quyết định về mọi việc, hay không? Không đâu, Kinh-thánh cho thấy là họ được đoàn kết với nhau trong một đức tin duy nhứt trong đấng Christ. Tất cả những hội-thánh đều được hướng dẫn và chỉ huy bởi một nguồn duy nhứt. Do đó, khi có một cuộc tranh chấp xảy ra về sự cắt bì, các hội-thánh và cá nhân không tự quyết định lấy điều gì phải làm. Không đâu, trái lại sứ đồ Phao-lô, Ba-na-ba và ít người khác đã được cử “đi lên thành Giê-ru-sa-lem, đến cùng các sứ đồ và trưởng lão đặng hỏi về việc này”. Khi những người thành thục này, qua sự giúp đỡ của Lời Đức Chúa Trời và “thánh-linh” của Ngài, làm quyết định về việc đó, họ sai những người trung thành đi thông báo cho các hội-thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 15:2, 27-29).

12 Khi những hội-thánh nhận sự hướng dẫn và chỉ huy thần quyền, nghĩa là do Đức Chúa Trời ban cho, thì có kết quả nào? Kinh-thánh nói: “Hễ ghé qua thành nào, hai người (sứ-đồ Phao-lô và bạn cùng đi với ông) cũng dặn biểu phải giữ mấy lề-luật mà sứ-đồ và trưởng lão tại thành Giê-ru-sa-lem lập ra. Ấy vậy, các Hội-thánh được vững-vàng trong đức-tin, và số người càng ngày càng thêm lên” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:4, 5). Vâng, tất cả những hội-thánh đều hợp tác với những điều mà hội đồng trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem đã quyết định, và họ lớn mạnh thêm trong đức tin.

SỰ CHỈ HUY THẦN QUYỀN NGÀY NAY

13. a) Ngày nay tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời nhận được sự hướng dẫn từ nơi nào trên đất và qua trung gian của nhóm người nào? b) Giữa hội đồng lãnh đạo trung ương và “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” có sự liên hệ nào?

13 Ngày nay tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời cũng nhận được sự hướng dẫn và chỉ huy thần quyền. Tại trụ sở trung ương của các Nhân-chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, Nữu-ước, có một hội đồng lãnh đạo trung ương gồm những anh tín đồ đấng Christ già dặn đến từ nhiều nơi trên thế giới để trông nom những hoạt động của dân tộc Đức Chúa Trời trên khắp thế giới. Hội đồng lãnh đạo này gồm có những người thuộc lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” và đóng vai xướng ngôn viên cho lớp người “đầy-tớ” trung tín đó.

14. Hội đồng lãnh đạo trung ương của dân tộc Đức Chúa Trời dựa trên điều gì để quyết định mọi việc?

14 Những người thuộc hội đồng lãnh đạo trung ương đó, giống như các sứ đồ và các trưởng lão ở thành Giê-ru-sa-lem, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Nhưng họ không trông cậy nơi sự khôn ngoan của loài người để quyết định mọi sự. Không, bởi được cai quản theo thể thức thần quyền, họ noi theo gương mẫu của hội đồng lãnh đạo trung ương trong thế kỷ thứ nhứt ở Giê-ru-sa-lem, hội đồng này đã làm quyết định dựa trên Lời Đức Chúa Trời và nhờ sự hướng dẫn của thánh linh (Công-vụ các Sứ-đồ 15:13-17, 28, 29).

ĐIỀU KHIỂN MỘT TỔ CHỨC QUỐC TẾ

15. Tại sao những lời của Giê-su trong Ma-thi-ơ 24:14 cho thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ có một tổ chức to tát trên đất trong thời kỳ cuối cùng?

15 Giê-su Christ cho chúng ta một khái niệm về mức độ rộng lớn của tổ chức mà Đức Chúa Trời sẽ có trên đất trong thời kỳ cuối cùng này khi ngài nói: “Tin mừng này về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14). Bạn thử tưởng tượng đến bao nhiêu công việc cần phải làm để thông báo cho hàng tỷ người về Nước Đức Chúa Trời đã được thành lập. Liệu tổ chức của đấng Christ ngày nay dưới sự hướng dẫn và chỉ huy của hội đồng lãnh đạo trung ương có được trang bị để thi hành công tác vĩ đại này không?

16. a) Tại sao các Nhân-chứng Giê-hô-va đã thiết lập nhiều nhà in to tát? b) Những nhà in này sản xuất gì?

16 Ngày nay các Nhân-chứng Giê-hô-va đang rao giảng về Nước Trời trong hơn 200 xứ và hải đảo trên khắp trái đất. Để giúp cho hơn 3.500.000 người tuyên bố về Nước Trời (thống kê năm 1988) thi hành công việc đó, nhiều nhà in to tát đã được thiết lập tại nhiều nước, hầu sản xuất thật nhiều Kinh-thánh và những sách báo giúp hiểu Kinh-thánh. Trung bình mỗi ngày làm việc có trên hai triệu số tạp chí Tháp Canh Tỉnh thức! được in và gởi đi từ các nhà in này.

17. a) Tại sao sách báo giúp hiểu Kinh-thánh được soạn thảo? b) Bạn được mời làm gì?

17 Tất cả những sách báo về Kinh-thánh này đã được soạn thảo để giúp người ta tăng gia sự hiểu biết về những ý định cao cả của Đức Giê-hô-va. Thật vậy, những chữ “Thông-báo Nước của Đức Giê-hô-va” là một phần của nhan đề của tạp chí Tháp Canh. Chúng tôi mời bạn tham gia vào việc phân phối sách báo về Kinh-thánh này và giải thích cho những người khác những lẽ thật của Kinh-thánh chứa đựng trong các sách báo đó. Chẳng hạn bạn có thể chia xẻ được chăng với một người nào những tin tức quan trọng mà bạn đã học được qua cuốn sách này có nhan đề là Bạn có thể Sống đời đời trong Địa-đàng trên Đất?

18. a) Ngày nay tổ chức của Đức Chúa Trời là một loại tổ chức nào? b) Tại sao dân tộc của Đức Chúa Trời cần được khuyến khích rất nhiều trong lúc này?

18 Giống như ở thế kỷ thứ nhứt, tổ chức của Đức Chúa Trời ngày nay là một tổ chức gồm có những người rao giảng về Nước Trời đã dâng mình và làm báp têm. Và tổ chức này được lập ra để giúp tất cả những người trong tổ chức tham gia vào công việc rao giảng. Họ rất cần được khuyến khích và làm vững mạnh về mặt thiêng liêng, bởi vì Sa-tan và những người chịu ảnh hưởng của hắn chống đối lại thông điệp về Nước Trời. Những kẻ chống đối ấy đã giết chết Giê-su vì ngài rao giảng về Nước Trời, và Kinh-thánh báo cho biết là những môn đồ của ngài có thể sẽ bị bắt bớ nữa (Giăng 15:19, 20; II Ti-mô-thê 3:12).

19. a) Ngày nay ai được cử ra để giúp đỡ và làm vững mạnh dân tộc của Đức Chúa Trời? b) Hội-thánh được bảo vệ chống lại mọi ảnh hưởng xấu có thể làm hội-thánh hư hỏng như thế nào?

19 Giống như ở thế kỷ thứ nhứt, ngày nay cũng có những “trưởng lão” được bổ nhiệm để giúp đỡ và làm vững mạnh mỗi hội-thánh. Họ cũng có thể giúp bạn bằng những lời khuyên lấy từ trong Kinh-thánh để bạn đối phó với nhiều vấn đề khác nhau. Những trưởng lão này cũng che chở “bầy của Đức Chúa Trời” nữa. Do đó, nếu có người nào trong hội-thánh lại chọn theo một cách ăn ở xấu xa và từ chối không chịu thay đổi, những “trưởng lão” sẽ đuổi y ra khỏi hội-thánh, tức là khai trừ y. Như thế hội-thánh được giữ trong sạch và tráng kiện về mặt thiêng liêng (Tít 1:5; I Phi-e-rơ 5:1-3; Ê-sai 32:1, 2; I Cô-rinh-tô 5:13).

20. a) Vào thế kỷ thứ nhứt, ai đã được hội đồng lãnh đạo trung ương tại Giê-ru-sa-lem phái đi, và nhằm mục đích nào? b) Ngày nay ai được hội đồng lãnh đạo trung ương phái đi?

20 Cũng thế, giống như hội đồng lãnh đạo trung ương ở Giê-ru-sa-lem đã phái những đại diện đặc biệt như Phao-lô và Si-la mang đi các chỉ thị và khuyến khích dân tộc của Đức Chúa Trời, ngày nay hội đồng lãnh đạo trung ương cũng làm giống như vậy trong thời kỳ cuối cùng này (Công-vụ các Sứ-đồ 15:24-27, 30-32). Khoảng hai lần mỗi năm, một anh tôi tớ có nhiều kinh nghiệm, gọi là giám thị vòng quanh, được phái đi đến mỗi hội-thánh trong khu vực của anh để phục vụ hội-thánh trong một tuần.

21. Anh giám thị vòng quanh giúp đỡ các hội-thánh thuộc dân tộc của Đức Chúa Trời như thế nào?

21 Trên khắp thế giới có hơn 60.000 hội-thánh của các Nhân-chứng Giê-hô-va, được chia làm nhiều vòng quanh, mỗi vòng quanh có chừng 20 hội-thánh. Khi anh giám thị vòng quanh viếng thăm các hội-thánh ở trong khu vực của mình, anh khuyến khích xây dựng những nhân chứng rao giảng về Nước Trời bằng cách cùng đi với họ để rao giảng và dạy dỗ. Ngoài việc khích lệ họ bằng cách đó, anh cũng đề nghị với họ nhiều điều để giúp họ làm thánh chức một cách tốt hơn (Công-vụ các Sứ-đồ 20:20, 21).

22. a) Mỗi năm hai lần dân tộc của Đức Chúa Trời được làm vững mạnh thêm qua sự sắp đặt nào khác? b) Bạn được mời làm gì?

22 Thường thì mỗi năm hai lần, các hội-thánh trong mỗi vòng quanh nhóm họp lại vào dịp hội nghị trong một hay hai ngày để được khuyến khích và làm vững mạnh thêm lên. Vào những dịp này số người hiện diện có thể vào khoảng hai ba trăm người cho đến 2.000 người hay hơn nữa. Chúng tôi mời bạn đến dự hội nghị sắp tới sẽ được tổ chức trong vùng bạn ở. Chúng tôi tin chắc là bạn sẽ thấy bầu không khí của hội nghị làm bạn khoan khoái về mặt thiêng liêng và chính cá nhân bạn sẽ được nhiều lợi ích.

23. a) Ngoài ra còn có những kỳ họp mặt nào khác hàng năm? b) Một trong các hội nghị này có tầm rộng lớn như thế nào?

23 Đoạn mỗi năm một lần, một buổi họp mặt đông đảo hơn gọi là hội nghị địa hạt có thể được tổ chức trong nhiều ngày. Tại sao bạn không cố gắng hết mình để đi dự hội nghị ấy hầu nhìn thấy tận mắt là hội nghị có thể thú vị và bổ ích về mặt thiêng liêng ra làm sao? Có vài năm, thay vì có hội nghị địa hạt thì có hội nghị toàn quốc hay quốc tế lớn hơn nữa. Hội nghị lớn nhứt xưa nay được tổ chức tại một địa điểm duy nhứt là tại Yankee Stadium và Polo Grounds ở Nữu-ước kéo dài tám ngày vào năm 1958. Vào dịp đó đã có 253.922 người có mặt để nghe bài diễn văn công cộng “Nước Trời đang cai trị—Tận thế gần đến chăng?” Kể từ dạo đó, không có nơi nào lớn đến nỗi đủ sức tiếp đón những đám đông người như vậy. Do đó những hội nghị lớn được tổ chức tại nhiều thành phố chính khác nhau.

NHỮNG BUỔI NHÓM HỌP TRONG KHUÔN KHỔ HỘI-THÁNH

24. Những hội-thánh của dân tộc Đức Chúa Trời tổ chức năm buổi nhóm họp nào?

24 Hội đồng lãnh đạo trung ương của các Nhân-chứng Giê-hô-va cũng sắp đặt một chương trình giảng dạy Kinh-thánh hợp nhứt dành cho tất cả các hội-thánh của dân tộc Đức Giê-hô-va. Mỗi hội-thánh có năm buổi nhóm họp mỗi tuần. Đó là Trường học Chức vụ Thần quyền, Nhóm họp Công tác, Nhóm họp Công cộng, buổi Học Tháp Canh và buổi Học Cuốn Sách của hội-thánh. Vì bạn có lẽ chưa quen biết đến những buổi nhóm họp này, chúng tôi sẽ mô tả vắn tắt các buổi họp đó.

25, 26. Mục đích của Trường học Chức vụ Thần quyền và Nhóm họp Công tác là gì?

25 Trường học Chức vụ Thần quyền có mục đích giúp đỡ những học viên ăn nói thành thạo hơn với người khác về Nước Đức Chúa Trời. Thỉnh thoảng những người có ghi tên nói một bài giảng ngắn có đề tài về Kinh-thánh cho cả nhóm nghe. Đoạn một trưởng lão có kinh nghiệm đưa ra những lời khuyên để làm tốt hơn.

26 Thường thì vào cùng một buổi tối đó có buổi Nhóm họp Công tác. Chương trình của buổi nhóm họp này được đăng trong tờ Thánh chức về Nước Trời gồm hai hay nhiều trang hơn do hội đồng lãnh đạo trung ương xuất bản mỗi tháng. Trong buổi nhóm họp này người ta đưa ra những lời đề nghị và trình diễn cụ thể về cách nói với người khác một cách hữu hiệu về thông điệp của Nước Trời. Đấng Christ cũng đã khuyến khích như thể ấy những môn đồ của ngài và ban họ chỉ thị về cách thức làm thánh chức của họ (Giăng 21:15-17; Ma-thi-ơ 10:5-14).

27, 28. Buổi Nhóm họp Công cộng, buổi Học Tháp Canh và buổi Học Cuốn Sách là những buổi nhóm họp như thế nào?

27 Buổi Nhóm họp Công cộng và buổi học Tháp Canh thường diễn ra ngày chúa nhựt. Người ta đặc biệt cố gắng mời những người mới chú ý đến dự buổi Nhóm họp Công cộng để nghe một bài diễn văn về Kinh-thánh do một anh có khả năng trình bày. Buổi học Tháp Canh là một buổi thảo luận dưới hình thức vấn đáp và dùng một bài đăng trong tạp chí Tháp Canh xuất bản mới đây.

28 Trong khi cả hội-thánh có thể nhóm họp tại Phòng Nước Trời để tham dự những buổi nhóm họp kể trên, từng nhóm nhỏ hơn gặp gỡ với nhau tại những nhà riêng để dự buổi Học Cuốn Sách hàng tuần. Một tài liệu học hỏi về Kinh-thánh, chẳng hạn cuốn sách mà bạn đang đọc, được dùng làm căn bản cho cuộc thảo luận có thể dài đến một giờ.

29. a) Mỗi năm những tín đồ thật của đấng Christ cử hành Lễ Kỷ niệm nào? b) Ai mới dự phần vào việc ăn bánh uống rượu?

29 Thêm vào những buổi nhóm họp thường xuyên này, các Nhân-chứng Giê-hô-va tổ chức một buổi nhóm họp đặc biệt để kỷ niệm ngày chết của Giê-su mỗi năm một lần. Khi Giê-su thiết lập buổi Lễ Kỷ niệm về sự chết của ngài lần đầu tiên, ngài nói: “Hãy làm sự này để nhớ đến ta” (Lu-ca 22:19, 20). Trong buổi Lễ giản dị này Giê-su đã dùng rượu và bánh không men để tượng trưng cho sự sống mà ngài sắp sửa hiến dâng làm của-lễ cho nhân loại. Như thế vào buổi Lễ Kỷ niệm hàng năm này, những người còn sót lại trong số 144.000 môn đồ được xức dầu của đấng Christ biểu lộ mối hy vọng được lên trời của họ bằng cách ăn bánh uống rượu.

30. a) Ai khác nữa cũng có mặt tại buổi Lễ Kỷ niệm, và có triển vọng nào? b) Giê-su miêu tả những người đó ra sao?

30 Hàng triệu người khác đến dự buổi Lễ Kỷ niệm này tại các Phòng Nước Trời trên khắp trái đất lấy làm vui mừng có mặt tại đó để quan sát. Họ được nhắc nhở đến những gì mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ đã làm để có thể giải cứu họ khỏi tội lỗi và sự chết. Nhưng thay vì mong mỏi được sống ở trên trời, họ có triển vọng được sống đời đời trong địa-đàng trên đất. Họ giống như Giăng Báp-tít, tự ví mình như “bạn của chàng rể” thay vì thuộc về lớp nàng dâu tổng hợp của đấng Christ gồm 144.000 thành viên (Giăng 3:29). Hàng triệu người này thuộc số những “chiên khác” mà Giê-su đã đề cập đến. Họ không thuộc về “bầy nhỏ”. Tuy nhiên, Giê-su có nói họ phụng sự cùng với những người thuộc về “bầy nhỏ” trong sự hợp nhứt để rồi cả thảy hợp thành “chỉ có một bầy” mà thôi (Giăng 10:16; Lu-ca 12:32).

PHỤNG SỰ ĐỨC CHÚA TRỜI CÙNG VỚI TỔ CHỨC CỦA NGÀI

31. Có bằng chứng nào cho thấy là Đức Chúa Trời không chấp nhận những ai còn thuộc về tôn giáo giả nhưng đồng thời tìm cách gia nhập tổ chức của Ngài?

31 Ngày nay Giê-hô-va Đức Chúa Trời có một tổ chức hữu hình giống như trong thời quá khứ, điều này thật rõ ràng làm sao! Giờ đây Ngài đang dùng tổ chức đó để rèn luyện người ta để họ có thể sống trong hệ thống mới công bình. Nhưng chúng ta không thể nào thuộc về tổ chức của Đức Chúa Trời và đồng thời thuộc về tôn giáo giả. Lời Đức Chúa Trời nói: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công-bình với gian-ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông-đồng nhau được chăng?...Hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin?” Bởi thế Đức Chúa Trời có ra lệnh: “Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân-rẽ ra khỏi chúng nó” (II Cô-rinh-tô 6:14-17).

32. a) Nếu chúng ta muốn “ra khỏi giữa chúng nó”, chúng ta phải làm gì? b) Nếu chúng ta tích cực phụng sự Đức Chúa Trời cùng với tổ chức thần quyền hữu hình của Ngài, chúng ta sẽ nhận được ân phước nào?

32 “Ra khỏi giữa chúng nó” có nghĩa gì? Chúng ta không thể nói vâng theo mệnh lệnh đó nếu chúng ta vẫn còn ủng hộ hay có chân trong một tổ chức tôn giáo nào khác hơn tổ chức duy nhứt mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đang dùng. Như thế thì nếu có ai trong chúng ta hãy còn là thành phần của một tổ chức tôn giáo giả, chúng ta nên thông báo cho người ta biết chúng ta muốn rút tên ra khỏi tổ chức đó. Nếu ngay bây giờ chúng ta tách rời ra khỏi những người thực hành tôn giáo giả và tích cực phụng sự Đức Chúa Trời cùng với tổ chức thần quyền hữu hình của Ngài, chúng ta sẽ có mặt trong số những người được Đức Chúa Trời nói đến như sau: “Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ làm dân ta” (II Cô-rinh-tô 6:16).

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 192]

Vào thời Nước Lụt, Đức Chúa Trời có một hay nhiều tổ chức?

[Các hình nơi trang 196]

TRỤ SỞ TRUNG ƯƠNG QUỐC TẾ CỦA CÁC NHÂN-CHỨNG GIÊ-HÔ-VA

VĂN PHÒNG HÀNH CHÁNH TRUNG ƯƠNG

Hệ thống điện toán

NHÀ IN Ở BROOKLYN

Máy in quay

Phòng đóng sách

Nơi gửi đi

[Các hình nơi trang 197]

VÀI NHÀ IN KHÁC CỦA HỘI THÁP CANH (WATCH TOWER)

Ba-tây

Anh

Nam-phi

Wallkill, Nữu-ước

Gia-nã-đại

[Các hình nơi trang 198]

Một phần của cử tọa gồm 253.922 người tại một hội nghị của các Nhân-chứng Giê-hô-va ở Nữu-ước

Polo Grounds

Yankee Stadium

[Hình nơi trang 201]

Tại các buổi nhóm họp, Nhân-chứng Giê-hô-va vui vẻ hấp thụ một chương trình giáo dục về Kinh-thánh.