Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thế gian của Sa-tan, hay Hệ thống mới của Đức Chúa Trời?

Thế gian của Sa-tan, hay Hệ thống mới của Đức Chúa Trời?

Chương 25

Thế gian của Sa-tan, hay Hệ thống mới của Đức Chúa Trời?

1. Điều gì thật sự chứng tỏ là bạn ủng hộ hệ thống mới của Đức Chúa Trời?

BẠN có ủng hộ hệ thống mới công bình của Đức Chúa Trời và có mong cho nó đến không? Bạn có chống lại Sa-tan và muốn cho thế gian của hắn chấm dứt không? Có lẽ bạn sẽ trả lời “Có” cho cả hai câu hỏi đó. Nhưng như thế có đủ không? Có một câu ngạn ngữ tây phương cho rằng hành động đáng kể hơn là lời nói. Nếu bạn tin nơi hệ thống mới của Đức Chúa Trời, bạn phải chứng tỏ điều đó qua lối sống của bạn (Ma-thi-ơ 7:21-23; 15:7, 8).

2. a) Chúng ta có thể phụng sự hai người chủ nào? b) Điều gì chứng tỏ chúng ta làm tôi tớ cho ai?

2 Thật ra thì lối sống của bạn chỉ có thể làm đẹp lòng một trong hai chủ mà thôi. Hoặc bạn phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời, hoặc bạn phụng sự Sa-tan Ma-quỉ. Chúng ta có thể hiểu thấu điều này qua nguyên tắc sau đây ghi trong Kinh-thánh: “Anh em há chẳng biết rằng nếu anh em đã nộp mình làm tôi-mọi đặng vâng-phục kẻ nào, thì là tôi-mọi của kẻ mình vâng-phục...hay sao?” (Rô-ma 6:16). Bạn vâng phục ai đây? Bạn làm theo ý muốn của ai? Dù bạn có trả lời ra sao đi nữa, bạn không thể nào phụng sự Đức Chúa Trời thật là Đức Giê-hô-va, nếu bạn đi theo đường lối không công bình của thế gian này.

THẾ GIAN CỦA SA-TAN LÀ GÌ?

3. a) Kinh-thánh cho thấy ai là kẻ cai trị thế gian này? b) Trong lời cầu nguyện của ngài Giê-su cho thấy có sự khác biệt nào giữa thế gian và những môn đồ của ngài?

3 Giê-su gọi Sa-tan là “vua-chúa của thế-gian này”. Và sứ-đồ Giăng nói rằng “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ” (Giăng 12:31; I Giăng 5:19). Chúng ta hãy lưu ý là khi Giê-su cầu nguyện Đức Chúa Trời, ngài không nói đến các môn đồ của ngài như là thuộc về thế gian của Sa-tan. Ngài nói: “Con vì họ (các môn đồ của ngài) mà cầu-nguyện; chẳng phải vì thế-gian mà cầu-nguyện...Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian” (Giăng 17:9, 16; 15:18, 19). Từ đó ta thấy rõ rằng những tín đồ thật của đấng Christ phải tách rời khỏi thế gian.

4. a) Chữ “thế-gian” trong Giăng 3:16 ám chỉ đến ai? b) Những môn đồ của đấng Christ phải tách rời khỏi “thế-gian” nào?

4 Nhưng Giê-su ám chỉ điều gì khi đề cập đến “thế-gian”? Trong Kinh-thánh chữ “thế-gian” đôi khi có nghĩa là loài người nói chung. Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài hiến dâng sự sống mình để làm giá chuộc cho thế gian loài người này (Giăng 3:16). Tuy nhiên Sa-tan đã lôi cuốn phần đông nhân loại hợp thành một tổ chức chống lại Đức Chúa Trời. Như vậy thì thế gian của Sa-tan chính là xã hội loài người được tổ chức đứng biệt lập với tổ chức hữu hình của Đức Chúa Trời hay đứng ngoài vòng tổ chức ấy. Những tín đồ thật của đấng Christ phải tách rời khỏi thế gian đó (Gia-cơ 1:27).

5. Một phần tử quan trọng của thế gian này là gì, và nó được Kinh-thánh tượng trưng như thế nào?

5 Thế gian của Sa-tan, tức xã hội loài người được tổ chức hẳn hòi, gồm có nhiều phần tử khác nhau được kết hợp chặt chẽ. Một phần tử quan trọng là tôn giáo giả. Trong Kinh-thánh tôn giáo giả được tượng trưng như “con đại dâm-phụ” có tên là “Ba-by-lôn lớn”. Nó là một đế quốc thế giới vì nó “hành quyền trên các vua ở thế-gian” (Khải-huyền 17:1, 5, 18). Nhưng điều gì chứng tỏ Ba-by-lôn lớn là đế quốc tôn giáo thế giới?

6, 7. a) Điều gì chứng tỏ Ba-by-lôn lớn là một đế quốc tôn giáo? b) Tôn giáo giả có liên hệ gì với các nhà cầm quyền chính trị?

6 Vì có lời nói rằng “các vua trong thiên-hạ phạm tội tà-dâm” với nó cho nên Ba-by-lôn lớn không thể nào là một đế quốc chính trị được. Và vì cớ các “nhà buôn” trên đất đứng xa và than khóc trước sự hủy diệt của nó, cho nên nó không phải là một đế quốc thương mại (Khải-huyền 17:2; 18:15). Nhưng thật ra nó là một đế quốc tôn giáo vì Kinh-thánh nói rằng “mọi nước đều bị tà-thuật ngươi lừa-dối” (Khải-huyền 18:23).

7 Ngoài ra, việc nó dính líu với một “con thú” cũng chứng tỏ rằng Ba-by-lôn lớn là một đế quốc tôn giáo. Trong Kinh-thánh những con thú dường ấy tượng trưng cho các chính phủ chính trị (Đa-ni-ên 8:20, 21). Ba-by-lôn lớn được miêu tả “ngồi trên lưng một con thú sắc đỏ sặm...có bảy đầu và mười sừng”. Như vậy nó đã tìm cách gây ảnh hưởng trên “con thú” hay guồng máy cai trị thế giới (Khải-huyền 17:3). Và sự kiện cho thấy là trong suốt lịch sử tôn giáo đã xen vào chính trị, thường xúi giục chính quyền làm điều này điều nọ. Quả thật nó đã “hành quyền trên các vua ở thế-gian” (Khải-huyền 17:18).

8. Một phần tử quan trọng khác trong thế gian của Sa-tan là gì, và chúng được tượng trưng trong Kinh-thánh như thế nào?

8 Những nhà cầm quyền chính trị này hợp thành một phần tử quan trọng khác trong thế gian của Sa-tan. Như chúng ta đã thấy, trong Kinh-thánh chúng được tượng trưng bởi những con thú (Đa-ni-ên 7:1-8, 17, 23). Những chính phủ có bản năng thú vật này nhận lấy quyền thế từ Sa-tan; một sự hiện thấy do sứ đồ Giăng viết ra cho ta thấy điều đó: “Tôi thấy ở dưới biển lên một thú có mười sừng bảy đầu...Con rồng đã lấy sức mạnh mà cho nó” (Khải-huyền 13:1, 2; 12:9). Sự kiện Sa-tan đã cám dỗ Giê-su bằng cách đề nghị cho ngài những nước hay những chính phủ là một bằng chứng khác cho thấy rằng các chính phủ thuộc về thế gian của Sa-tan. Nếu Sa-tan không cai trị trên các nước thế gian thì hắn không thể đề nghị điều đó cho Giê-su được (Ma-thi-ơ 4:8, 9).

9. a) Trong Khải-huyền 18:11 một phần tử khác trong thế gian của Sa-tan được mô tả như thế nào? b) Nó làm gì và cổ động điều gì, do đó chứng tỏ là Sa-tan đứng đằng sau nó?

9 Tuy vậy, một phần tử nổi bật khác trong thế gian của Sa-tan là hệ thống thương mại tham lam và bóc lột mà Khải-huyền 18:11 nói như là những “nhà buôn”. Hệ thống thương mại này thúc đẩy thiên hạ có sự ham muốn ích kỷ là phải có những sản phẩm mà thương mại chế tạo dù cho họ có lẽ không cần đến những sản phẩm đó, và ngay cả họ có thể sống tốt hơn nếu không dùng đến các đồ đó. Đồng thời hệ thống thương mại tham lam cứ tích trữ lương thực vào kho nhưng lại để cho hàng triệu người chết đói vì không đủ tiền mua đồ ăn. Mặt khác, những vũ khí quân sự có khả năng tiêu diệt toàn thể nhân loại được sản xuất và bán ra để kiếm lời. Như vậy thì hệ thống thương mại của Sa-tan cùng với tôn giáo giả và những nhà cầm quyền chính trị cổ động sự ích kỷ, tội ác và chiến tranh tàn khốc.

10, 11. a) Một đặc điểm khác của thế gian của Sa-tan là gì? b) Kinh-thánh có những lời cảnh cáo nào là không nên để điều đó lôi cuốn chúng ta?

10 Quả thật xã hội loài người được tổ chức dưới quyền của Sa-tan Ma-quỉ là gian ác và thối nát. Nó đi ngược lại những luật pháp công bình của Đức Chúa Trời, và nó đầy dẫy mọi thứ thực hành vô luân. Do đó ta có thể nói rằng một đặc điểm khác của thế gian của Sa-tan là nếp sống bừa bãi, vô luân của nó. Bởi lẽ đó cả hai sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ đều cảnh cáo tín đồ đấng Christ phải tránh những thói tục xấu của người thế gian (Ê-phê-sô 2:1-3; 4:17-19; I Phi-e-rơ 4:3, 4).

11 Sứ đồ Giăng cũng nhấn mạnh rằng những tín đồ đấng Christ cần phải đề phòng chống lại những dục vọng sai lầm và những đường lối vô luân của thế gian. Ông viết: “Chớ yêu thế-gian, cũng đừng yêu các vật ở thế-gian nữa; nếu ai yêu thế-gian, thì sự kính mến Đức Chúa Trời chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt, sự kiêu-ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế-gian mà ra” (I Giăng 2:15, 16). Môn đồ Gia-cơ có nói rằng “ai muốn làm bạn với thế-gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch-thù cùng Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 4:4).

LÀM SAO TRÁNH THUỘC VỀ THẾ GIAN?

12, 13. a) Giê-su cho thấy những tín đồ đấng Christ phải sống giữa thế gian như thế nào? b) Làm sao ta có thể sống giữa thế gian nhưng lại không thuộc về thế gian?

12 Hễ thế gian của Sa-tan còn tồn tại cho đến chừng nào thì những tín đồ đấng Christ phải sống trong đó cho đến chừng nấy. Giê-su bày tỏ điều này khi ngài cầu nguyện Cha ngài như sau: “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế-gian”. Nhưng kế đó Giê-su nói thêm về các môn đồ của ngài rằng: “Họ không thuộc về thế-gian” (Giăng 17:15, 16). Làm sao ta có thể sống giữa thế gian của Sa-tan không thuộc về thế gian được?

13 Bạn sống chung đụng với những người hợp thành xã hội loài người được tổ chức của thời đại này. Trong số những người đó có những người tà dâm, tham lam và những người làm việc gian ác khác. Có lẽ bạn làm việc với họ, đi học cùng trường với họ, ăn chung với họ và có những hoạt động khác tương tự như vậy với họ (I Cô-rinh-tô 5:9, 10). Bạn còn phải yêu mến họ, giống như Đức Chúa Trời vậy (Giăng 3:16). Nhưng người tín đồ thật của đấng Christ không yêu chuộng những việc gian ác mà thiên hạ làm; không chọn theo những thái độ, hành động hay mục đích của đời sống của người thế gian; không dự phần vào tôn giáo cùng chính trị thối nát của họ. Và trong khi người tín đồ thường phải làm việc trong giới thương mại để sinh nhai, người không dùng những thủ đoạn bất lương, cũng không đặt việc tìm kiếm những điều vật chất lên hàng đầu trong cuộc sống của mình. Vì lẽ người tín đồ đấng Christ ủng hộ hệ thống mới của Đức Chúa Trời, người tránh kết bạn xấu với những người sống theo thế gian của Sa-tan (I Cô-rinh-tô 15:33; Thi-thiên 1:1; 26:3-6, 9, 10). Thành thử người sống giữa thế gian của Sa-tan nhưng lại không thuộc về thế gian.

14. Nếu bạn ủng hộ hệ thống mới của Đức Chúa Trời, bạn sẽ tuân theo lời răn nào trong Kinh-thánh?

14 Còn bạn thì sao? Bạn có muốn thuộc về thế gian của Sa-tan không? Hay bạn ủng hộ hệ thống mới của Đức Chúa Trời? Nếu bạn ủng hộ hệ thống mới của Đức Chúa Trời thì bạn sẽ tách rời khỏi thế gian, kể cả tôn giáo giả của nó. Bạn sẽ tuân theo lời răn này: “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn” (Khải-huyền 18:4). Tuy nhiên, việc ra khỏi Ba-by-lôn lớn, đế quốc tôn giáo giả thế giới bao gồm nhiều điều khác hơn là chỉ cắt đứt mọi liên lạc với những tổ chức tôn giáo giả. Ta cũng không muốn dính líu gì với những lễ lộc tôn giáo của thế gian này (II Cô-rinh-tô 6:14-18).

15. a) Thay vì mừng ngày sinh của Giê-su, tín đồ đấng Christ đã được lệnh phải giữ Lễ nào? b) Điều gì cho thấy là Giê-su không thể nào sinh ra vào mùa đông lạnh lẽo? c) Tại sao người ta đã chọn ngày 25 tháng 12 để cử hành ngày sinh của Giê-su?

15 Ngày nay lễ Giáng sinh là một lễ tôn giáo quan trọng. Nhưng lịch sử cho thấy rằng những tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhứt không hề cử hành lễ đó. Giê-su có bảo các môn đồ của ngài hãy giữ Lễ Kỷ niệm sự chết của ngài, chớ không phải ngày sinh của ngài (I Cô-rinh-tô 11:24-26). Thật ra thì Giê-su không có sinh ra ngày 25 tháng 12. Không thể nào là ngày đó được vì Kinh-thánh cho thấy rằng lúc ngài sinh ra có những mục đồng còn chăn chiên ở ngoài đồng cỏ lúc ban đêm. Nếu lúc đó là mùa đông lạnh lẽo, mưa dầm dề, tất họ đã không thể nào ở ngoài trời được (Lu-ca 2:8-12). Thật ra, cuốn Bách-khoa Tự-điển Thế-giới (The World Book Encyclopedia) có giải thích nguyên do tại sao người ta đã chọn ngày 25 tháng 12 làm ngày sinh của Giê-su như sau: “Dân thành Rô-ma lúc đó đã tổ chức lễ Thổ tinh vào ngày đó, mừng sinh nhựt của mặt trời”.

16. a) Một lễ quan trọng nào khác đã không xuất phát từ đạo thật của đấng Christ? b) Những tín đồ thật của đấng Christ có những lý lẽ vững chắc nào để không làm lễ Giáng sinh và lễ Phục sinh?

16 Lễ Phục sinh là một giáo lễ quan trọng khác. Nó cũng giống như Tuần lễ Thánh ở tại vài nước thuộc châu Mỹ La-tinh. Nhưng những tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhứt cũng không giữ lễ Phục sinh nữa. Lễ này cũng phát nguồn từ những phong tục ngoại giáo, không thuộc đạo đấng Christ. Cuốn Bách-khoa Tự-điển Anh-quốc (The Encyclopædia Britannica) có nói: “Không có dấu vết nào về việc giữ lễ Phục sinh trong Tân ước cả”. Nhưng dù các lễ Giáng sinh và lễ Phục sinh không phải là lễ của người tín đồ đấng Christ, nhưng thật ra đã bắt nguồn từ những người thờ các thần giả, thì việc này có quan hệ gì không? Sứ đồ Phao-lô có cảnh cáo về việc trà trộn thật với giả khi ông bảo rằng “một ít men làm dậy cả đống bột” (Ga-la-ti 5:9). Ông bảo một số tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất rằng họ sai lầm khi họ giữ các ngày mà luật pháp Môi-se bảo phải giữ nhưng Đức Chúa Trời đã bãi bỏ cho tín đồ đấng Christ (Ga-la-ti 4:10, 11). Ngày nay, điều hệ trọng hơn thế nữa là những tín đồ thật của đấng Christ phải lánh xa những ngày lễ mà Đức Chúa Trời không hề bảo phải giữ nhưng từ tôn giáo giả mà ra.

17. a) Có điều gì sai lầm trong các cuộc lễ nhằm đề cao những người có tiếng tăm hoặc những quốc gia? b) Kinh-thánh cho thấy những tín đồ đấng Christ nên có thái độ nào?

17 Có những ngày lễ khác nhằm kỷ niệm những vĩ nhân trên thế giới. Còn những lễ khác nữa thì tôn vinh và đề cao các quốc gia hoặc những tổ chức của thế gian. Nhưng Kinh-thánh cảnh cáo là không nên tôn sùng con người hay đặt niềm tin nơi những tổ chức do con người lập ra để tìm cách làm những điều mà chỉ Đức Chúa Trời mới có thể làm được (Công-vụ các Sứ-đồ 10:25, 26; 12:21-23; Khải-huyền 19:10; Giê-rê-mi 17:5-7). Như thế những lễ nhằm đề cao một người nào hay một tổ chức nào do con người lập ra, không phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời, và những tín đồ thật của đấng Christ không nên tham dự vào những lễ đó (Rô-ma 12:2).

18. a) Người ta đã làm những biểu tượng gì để đề cao hay tôn sùng? b) Luật pháp của Đức Chúa Trời có nói gì về việc tôn sùng một biểu tượng như thế?

18 Người ta đã làm nhiều biểu tượng để được đề cao hay tôn sùng. Một số biểu tượng này được làm bằng kim loại hay bằng gỗ. Những biểu tượng khác được làm bằng vải, trên đó người ta có thể thêu hay vẽ hình ảnh của một vật nào đó ở trên trời hay ở dưới đất. Một quốc gia có thể ra một đạo luật bắt buộc mọi người phải tôn sùng một biểu tượng như thế. Nhưng luật pháp của Đức Chúa Trời dạy rằng những tôi tớ của Ngài không được làm vậy (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5; Ma-thi-ơ 4:10). Dân tộc của Đức Chúa Trời đã làm gì trong những trường hợp ấy?

19. a) Vua xứ Ba-by-lôn đã truyền cho hết thảy mọi người phải làm điều gì? b) Tín đồ đấng Christ nên noi theo gương mẫu của ai?

19 Trong xứ Ba-by-lôn cổ, Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã dựng ra một hình tượng khổng lồ bằng vàng và truyền rằng hết thảy mọi người phải quì lạy trước hình tượng đó. Ông ta nói: “Kẻ nào không sấp mình xuống và không thờ-lạy, tức thì sẽ phải bị quăng vào giữa lò lửa hực”. Kinh-thánh cho chúng ta biết là có ba chàng thanh niên Hê-bơ-rơ tên là Sa-đơ-rắc, Mê-sắc và A-bết-nê-gô đã từ chối làm theo mạng lệnh của vua. Tại sao? Bởi vì điều đó liên hệ đến việc thờ phượng, và họ chỉ thờ phượng Đức Giê-hô-va mà thôi. Đức Chúa Trời đã tán thành điều họ làm và đã cứu họ khỏi cơn thạnh nộ của vua. Thật ra thì khi Nê-bu-cát-nết-sa nhận thấy rằng những tôi tớ này của Đức Giê-hô-va không phải là mối đe dọa cho nhà nước, ông đã ban ra một đạo luật che chở quyền tự do của họ (Đa-ni-ên 3:1-30). Bạn có thán phục lòng trung thành của những chàng thanh niên này không? Bạn có sẽ tỏ ra thật sự ủng hộ hệ thống mới của Đức Chúa Trời bằng cách tuân theo tất cả những luật pháp của Đức Chúa Trời không?

20. Sa-tan dùng nhiều phương tiện khác nhau nào để lôi cuốn chúng ta vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời về luân lý tình dục?

20 Dĩ nhiên là Sa-tan không muốn chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va. Hắn muốn chúng ta phụng sự hắn. Vì thế hắn tìm cách khiến chúng ta làm điều gì hắn muốn, vì hắn biết hễ chúng ta vâng lời ai thì chúng ta làm tôi mọi cho kẻ đó (Rô-ma 6:16). Sa-tan dùng nhiều phương cách khác nhau như vô tuyến truyền hình, phim ảnh, vài loại khiêu vũ và sách báo dâm ô để khuyến khích việc giao hợp giữa những người không phải là vợ chồng và việc ngoại tình. Những hành vi ấy được tô điểm để có vẻ vô hại, có thể chấp nhận được, thậm chí có vẻ đúng đắn nữa. Tuy nhiên, luật pháp của Đức Chúa Trời lên án những điều đó (Hê-bơ-rơ 13:4; Ê-phê-sô 5:3-5). Và hễ ai dấn thân vào con đường đó thì đương nhiên tỏ ra là y ủng hộ thế gian của Sa-tan.

21. Có những thói quen nào khác mà nếu ai làm theo thì người đó chứng tỏ rằng người ủng hộ thế gian của Sa-tan?

21 Có những thói quen khác mà thế gian của Sa-tan làm người ta ưa chuộng nhưng lại bị luật pháp của Đức Chúa Trời cấm đoán. Một trong những thói xấu đó là việc say rượu (I Cô-rinh-tô 6:9, 10). Một thói hư khác là dùng ma túy như ma-ri-hoa-na hay hê-rô-in để vui thú, và việc hút thuốc lá. Những đồ đó làm hại cơ thể và là ô uế. Việc dùng những chất ấy rõ ràng là vi phạm lời dạy dỗ của Đức Chúa Trời bảo “hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần thần-linh” (II Cô-rinh-tô 7:1). Việc hút thuốc lá cũng làm hại đến sức khỏe của những người xung quanh buộc họ phải hít khói thuốc, thành thử người hút thuốc cũng vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời bảo những người tín đồ đấng Christ phải yêu người lân cận như mình (Ma-thi-ơ 22:39).

22. a) Kinh-thánh nói gì về huyết? b) Tại sao việc tiếp máu thật ra không có khác gì với việc “ăn” huyết cả? c) Điều gì cho thấy là “kiêng huyết” có nghĩa là không nên lấy huyết dưới bất cứ hình thức nào cả?

22 Một thói tục khác thịnh hành tại nhiều nơi trên thế giới là việc ăn huyết. Người ta ăn thịt thú vật không được đổ huyết kỹ lưỡng hay dùng huyết đã được đổ ra để làm đồ ăn. Tuy nhiên Lời Đức Chúa Trời cấm ăn huyết (Sáng-thế Ký 9:3, 4; Lê-vi Ký 17:10). Còn về việc tiếp máu thì sao? Một số người có thể lý luận rằng nhận tiếp máu thật ra không phải là “ăn” máu. Nhưng khi một bệnh nhân không thể ăn bằng miệng thì bác sĩ thường cho y “ăn” bằng một phương pháp giống như khi sang máu, có phải không? Kinh-thánh bảo chúng ta phải “kiêng...huyết” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:20, 29). Điều đó có nghĩa gì? Nếu bác sĩ bảo bạn phải kiêng uống rượu, có phải điều đó có nghĩa là bạn không được uống rượu bằng miệng nhưng có thể tiêm rượu vào gân máu của bạn ư? Tất nhiên là không! Như thế thì “kiêng huyết” cũng có nghĩa là không nên đưa huyết vào thân thể mình dưới bất cứ hình thức nào.

23. a) Bạn cần phải quyết định làm điều gì? b) Điều gì sẽ cho thấy bạn đã quyết định như thế nào?

23 Bạn cần phải chứng tỏ cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời thấy bạn ủng hộ hệ thống mới của Ngài và không thuộc về thế gian này. Điều đó đòi hỏi bạn phải quyết định là sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va và làm theo ý muốn của Ngài. Bạn không thể nào chần chờ do dự được, giống như một số người Y-sơ-ra-ên khi xưa (I Các Vua 18:21). Vì bạn nên nhớ rằng nếu bạn không phụng sự Đức Giê-hô-va, tức là bạn đang phụng sự Sa-tan. Có lẽ bạn nói bạn ủng hộ hệ thống mới của Đức Chúa Trời, nhưng hạnh kiểm của bạn nói lên điều gì? Ủng hộ hệ thống mới của Đức Chúa Trời có nghĩa là tránh mọi thói quen mà Đức Chúa Trời lên án và sẽ không còn có nữa trong hệ thống mới công bình của Ngài.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 209]

Giê-su không cầu nguyện cho thế gian nào và các môn đồ của ngài không thuộc về thế gian nào?

[Các hình nơi trang 211]

Trong Kinh-thánh tôn giáo giả được tượng trưng bởi một dâm phụ say rượu, và giới lãnh đạo thế giới như một con thú mà y thị đang cỡi.

Nếp sống luông tuồng là một đặc điểm của thế gian theo Sa-tan. Hệ thống thương mại tham lam cũng là một thành phần quan trọng.

[Hình nơi trang 213]

Bởi lẽ lúc Giê-su sinh ra, các mục đồng còn ở ngoài đồng với bầy chiên của họ lúc ban đêm, cho nên ngài không thể nào sinh ngày 25 tháng 12 được.

[Hình nơi trang 214]

Những tôi tớ của Đức Chúa Trời từ chối không tôn thờ hình tượng do một vua dựng lên. Bạn sẽ làm gì trong một hoàn cảnh tương tự như vậy?