Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Công trình sáng tạo—Do đâu mà có?

Công trình sáng tạo—Do đâu mà có?

Chương Năm

Công trình sáng tạo—Do đâu mà có?

NHƯ đã đề cập đến trong các chương trước đây, các khám phá hiện đại về mặt khoa học cung cấp đầy dẫy bằng chứng đáng tin cậy là vũ trụ và sự sống trên trái đất, cả hai đều có một sự bắt đầu. Cái gì đã gây ra sự bắt đầu ấy?

Sau khi nghiên cứu những bằng chứng hiện có, nhiều người đã đi đến kết luận là phải có một Đấng Tạo Hóa. Dù vậy, họ tránh né việc gắn cho Đấng Tạo Hóa này một cá tính. Sự ngần ngại nói đến một Đấng Tạo Hóa như thế phản ánh thái độ của một số nhà khoa học.

Chẳng hạn, Albert Einstein tin tưởng vũ trụ có khởi đầu và ông tỏ ý muốn “biết Đức Chúa Trời đã tạo dựng thế giới như thế nào”. Tuy thế, Einstein không thú nhận là ông tin vào một Đức Chúa Trời có trí năng; ông nói đến một “cảm giác về tôn giáo mà không cần giáo lý hoặc ý niệm về một Đức Chúa Trời có những đức tính và hình hài giống như con người” khi quan sát vũ trụ. Tương tự như vậy, nhà hóa học đoạt giải Nobel, ông Kenichi Fukui, bày tỏ niềm tin nơi kiến trúc vĩ đại trong vũ trụ. Ông nói rằng “sự kết cấu tinh vi và kiến trúc vĩ đại có thể diễn tả bằng những lời như ‘Đấng Vô Biên’ hay ‘Đức Chúa Trời’ ”. Nhưng ông lại gọi sự kết cấu và kiến trúc đó là một nét “đặc thù của thiên nhiên”.

Bạn có biết sự tin tưởng nơi một tác lực vô tri như thế rất giống với tư tưởng tôn giáo Đông Phương không? Nhiều người Đông Phương tin rằng thiên nhiên tự nhiên mà có. Ý tưởng này thậm chí được diễn tả trong chữ viết tượng hình của Trung Hoa tượng trưng cho thiên nhiên, có nghĩa đen là “tự trở thành” hay “tự hữu”. Einstein tin rằng cảm giác về tôn giáo của ông khi quan sát vũ trụ được diễn đạt rõ trong Phật Giáo. Phật Thích Ca cho rằng việc Đấng Tạo Hóa có can dự vào việc tạo dựng vũ trụ và loài người hay không không quan trọng. Tương tự như vậy, Thần Đạo cũng không giải thích thiên nhiên làm sao mà có và những người theo Thần Đạo tin rằng các thần là vong linh của người chết có thể trở thành một phần của thiên nhiên.

Điều đáng chú ý là lối suy nghĩ như thế không xa với quan điểm phổ thông vào thời Hy Lạp xa xưa. Người ta nói rằng triết gia Epicurus (341-270 TCN) cũng tin rằng ‘các thần quá xa vời để ảnh hưởng đến công việc của loài người’. Ông cũng cho rằng con người là một sản phẩm của thiên nhiên, có lẽ qua quá trình tự phát sinh và qua luật đào thải tự nhiên. Bạn có thể nghiệm thấy những ý tưởng này cũng tương tự như ngày nay chứ chẳng có gì mới lạ.

Cùng thời với người theo phái Epicurean là triết phái Khắc Kỷ Hy Lạp, một phái coi thiên nhiên là Đức Chúa Trời. Họ đưa ra giả thuyết là khi người ta chết thì năng lượng vô tri từ họ đi ra tái nhập vào năng lượng trong không gian bao la tạo thành Đức Chúa Trời. Họ cảm thấy hợp tác với các luật thiên nhiên là lợi nhất. Bạn có nghe ngày nay người ta cũng nói như vậy không?

Tranh luận về một Đức Chúa Trời có trí năng

Dù sao chúng ta không nên loại ngay các dữ kiện từ Hy Lạp cổ xưa như lịch sử quái lạ. Trong bối cảnh của những sự tin tưởng như thế, một thầy giáo nổi tiếng trong thế kỷ thứ nhất đã trình bày một trong những bài diễn thuyết có ý nghĩa nhất trong lịch sử. Lu-ca, thầy thuốc cũng là sử gia đã ghi lại bài diễn thuyết đó và chúng ta có thể tìm thấy trong sách Công-vụ các Sứ-đồ, chương 17. Bài diễn thuyết này có thể giúp chúng ta xác định quan điểm về Đấng Tạo Hóa và xem vị thế của chúng ta đối với Đấng này là gì. Tuy nhiên, làm thế nào mà một bài diễn văn nói cách đây 1.900 năm lại ảnh hưởng đến nhiều người ngày nay đang thành thật tìm kiếm ý nghĩa của đời sống?

Phao-lô, thầy giáo nổi tiếng đó được mời đến phiên tòa tối cao ở A-thên. Tại đây ông phải đối diện với phái Epicurean và triết phái Khắc Kỷ Hy Lạp là những người không tin vào một Đức Chúa Trời có trí năng. Trong lời mở đầu, Phao-lô nhắc tới việc ông thấy một cái bàn thờ có ghi “Thờ Chúa Không Biết” (Hy Lạp, A·gnoʹstoi The·oiʹ). Điều đáng chú ý là một vài người nghĩ rằng nhà sinh vật học Thomas H. Huxley (1825-1895) đã ám chỉ điều này khi ông đặt ra từ “bất khả tri”. Ông Huxley áp dụng lời này để chỉ những người chủ trương con người “không biết hay không thể biết được nguyên nhân tối thượng (Đức Chúa Trời) và thực chất của mọi vật”. Nhưng có phải thật sự “không thể biết được” Đấng Tạo Hóa như nhiều người quan niệm không?

Thành thật mà nói, đó là một sự áp dụng sai lời của Phao-lô và không hiểu điểm Phao-lô muốn nói. Thay vì nói Đức Chúa Trời không thể hiểu được, Phao-lô chỉ giản dị nói những người thành A-thên không biết Ngài. Phao-lô không có trong tay nhiều bằng chứng khoa học về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời như chúng ta có ngày nay. Tuy vậy, ông không hề nghi ngờ về việc có một Đấng Thiết Kế có trí năng, thông minh và có những đức tính hấp dẫn chúng ta đến gần Ngài. Hãy chú ý điều Phao-lô nói tiếp:

“Đấng các ngươi thờ mà không biết đó, là Đấng ta đương rao-truyền cho. Đức Chúa Trời đã dựng nên thế-giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền-thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:23-26). Quả là một lập luận chí lý, bạn có đồng ý không?

Vâng, thay vì cho rằng Đức Chúa Trời là Đấng không thể biết được, Phao-lô nhấn mạnh là những người lập bàn thờ ở A-thên cũng như nhiều người đang nghe ông giảng chưa biết Ngài. Rồi Phao-lô kêu gọi họ—cũng như tất cả những người kể từ đó đọc bài diễn văn này—nên tìm hiểu về Đấng Tạo Hóa, vì “Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:27). Bạn có thể thấy Phao-lô khéo léo giới thiệu sự kiện là chúng ta có thể thấy những bằng chứng về một Đấng Tạo Hóa muôn vật khi quan sát công trình sáng tạo của Ngài. Làm như vậy, chúng ta có thể nhận ra một số đức tính của Ngài.

Chúng ta đã khảo sát một số bằng chứng khác nhau minh chứng có một Đấng Tạo Hóa. Bằng chứng trước nhất là vũ trụ mênh mông, được tổ chức một cách thông minh, cho thấy rõ có một sự bắt đầu. Bằng chứng kế tiếp là sự sống trên trái đất gồm sự thiết kế nằm trong các tế bào trong cơ thể của chúng ta. Bằng chứng nữa là bộ óc của chúng ta với khả năng nhận thức về chính mình và thích biết về tương lai. Nhưng trước hết, chúng ta hãy xem hai ví dụ khác về công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa ảnh hưởng đến chúng ta hàng ngày. Trong khi làm như vậy, chúng ta tự hỏi: ‘Điều này cho tôi thấy gì về cá tính của Đấng thiết kế và tạo ra công trình ấy?’

Học từ công trình sáng tạo

Chỉ nội việc quan sát các công trình sáng tạo cũng cho chúng ta biết nhiều về Đấng Tạo Hóa. Vào một dịp khác, Phao-lô đề cập đến một ví dụ về điều này nhân khi nói với một đám đông ở Tiểu Á: “Trong các đời trước đây, [Đấng Tạo Hóa] để cho mọi dân theo đường riêng mình, dầu vậy, Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa-màng nhiều hoa-quả, đồ-ăn dư-dật, và lòng đầy vui-mừng” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:16, 17). Hãy chú ý ví dụ Phao-lô đưa ra về việc Đấng Tạo Hóa, trong khi cung cấp thực phẩm cho loài người, đã tiết lộ cá tính của Ngài như thế nào.

Tại một số nơi ngày nay, người ta coi thường thực phẩm. Tại những nơi khác, nhiều người phải vất vả lắm mới đủ ăn. Dù trong trường hợp nào, thậm chí việc có được bất cứ thứ thực phẩm bổ dưỡng nào cũng đều nhờ vào sự khôn ngoan và lòng tốt của Đấng Tạo Hóa.

Thực phẩm cho cả người lẫn vật đều nhờ vào nhiều chu trình phức tạp—trong đó có chu trình nước, chu trình cacbon, chu trình photpho và chu trình nitơ. Theo sự hiểu biết phổ thông thì trong tiến trình quang hợp thiết yếu cho sự sống, cây cối dùng cacbon đioxyt và nước làm nguyên liệu để sản xuất ra đường, dùng ánh sáng mặt trời làm nguồn năng lượng. Ngoài ra, trong tiến trình quang hợp, cây nhả ra oxy. Có thể nào gọi hiện tượng này như một “sản phẩm phụ phế thải” không? Đối với chúng ta, sản phẩm phụ này chắc chắn không phải là phế phẩm. Chúng ta tuyệt đối cần hít oxy vào và dùng nó để chuyển hóa, hay là tiêu hóa thức ăn trong cơ thể của chúng ta. Chúng ta thở ra cacbon đioxyt; cây biến hóa chất này thành nguyên liệu cho tiến trình quang hợp. Chúng ta học tiến trình này trong lớp cơ bản về khoa học, nhưng không phải vì thế mà tiến trình đó kém quan trọng hay kém phi thường. Và hiện tượng này mới chỉ là một bằng chứng về sự khôn ngoan và tốt lành của Đấng Tạo Hóa.

Trong các tế bào trong cơ thể của chúng ta cũng như của loài vật, chất photpho rất cần thiết cho việc chuyển tải năng lượng. Chúng ta nhận được chất photpho từ đâu? Một lần nữa từ thực vật. Thực vật hút chất photphat vô cơ từ đất và chuyển hóa chúng thành photphat hữu cơ. Chúng ta ăn những loại thực vật chứa chất photphat hữu cơ cần thiết cho sự sống. Rồi chất photphat lại trở về đất dưới hình thức “bã thải” và lại được cây cối hấp thụ.

Chúng ta cũng cần chất nitơ là một thành phần trong mỗi phân tử protein và DNA trong cơ thể của chúng ta. Chúng ta có được nguyên tố cần thiết cho sự sống này như thế nào? Mặc dù khoảng 78 phần trăm không khí quanh chúng ta là nitơ, nhưng cả thực vật lẫn động vật không thể hấp thụ trực tiếp được. Vì vậy chất nitơ trong không khí phải được chuyển đổi thành những hình thức khác trước khi thực vật có thể tiếp thụ và sau đó người lẫn động vật khác có thể dùng được. Sự chuyển đổi đó hay sự cố định nitơ xuất hiện như thế nào? Dưới nhiều cách khác nhau. Một cách là do tác động của tia chớp. * Cách khác là nhờ vi khuẩn sống trong các mấu nhỏ trên rễ cây rau như cây đậu Hà Lan, đậu nành, và cây linh lăng. Những vi khuẩn này chuyển hóa chất nitơ trong khí quyển thành chất mà cây cối có thể hấp thụ. Bằng cách này, khi ăn rau, bạn có chất nitơ mà cơ thể của bạn cần để sản xuất ra chất protein, và thật là lạ lùng, chúng ta thấy nhiều loại rau đậu ở rừng mưa nhiệt đới, sa mạc, và ngay cả ở vùng đài nguyên. Và nếu một vùng bị cháy thì thường loại thực vật đầu tiên chiếm đất và mọc lên là rau đậu.

Những hệ thống tái chế biến này thật lạ lùng biết bao! Hệ thống này dùng lại chất mà hệ thống kia thải ra. Năng lượng chính đến từ mặt trời—một nguồn cung cấp bất biến vô tận và tinh sạch. So với cố gắng tái chế biến tài nguyên của con người thật là khác biệt biết bao! Ngay cả những sản phẩm do con người làm ra gọi là vô hại cho môi trường cũng không thể góp phần làm cho một hành tinh sạch hơn, vì sự phức tạp của những hệ thống tái chế biến của con người. Về khía cạnh này, tạp chí U.S.News & World Report lưu ý những sản phẩm cần được chế như thế nào để các cơ phận giá trị có thể được tái dụng dễ dàng qua hệ thống tái chế biến. Đó chẳng phải là điều chúng ta thấy trong các chu trình thiên nhiên này sao? Do đó, điều này tiết lộ gì về sự khôn ngoan và sự tiên liệu của Đấng Tạo Hóa?

Vô tư và công bằng

Để giúp chúng ta thấy thêm về một số đức tính của Đấng Tạo Hóa, chúng ta hãy xem xét một hệ thống nữa—hệ thống miễn dịch trong cơ thể của chúng ta. Hệ thống này cũng liên hệ đến vi khuẩn.

Cuốn The New Encyclopædia Britannica nhận xét: “Mặc dù khi chú ý đến vi khuẩn, con người thường chỉ nhắm vào sự tác hại của nó, nhưng phần lớn các vi khuẩn là vô hại cho con người và nhiều loại thật ra còn có lợi nữa”. Thật vậy, vi khuẩn quan trọng vì liên hệ đến vấn đề sống chết. Vi khuẩn đóng vai trò quan trọng trong chu trình nitơ như nói trên, cũng như trong chu trình liên hệ đến cacbon đioxyt và một số nguyên tố. Chúng ta cũng cần vi khuẩn cho hệ thống tiêu hóa của chúng ta nữa. Chỉ riêng trong đường ruột già có tới 400 loại. Chúng giúp tổng hợp sinh tố K và góp phần trong tiến trình đào thải. Một lợi ích khác nữa là vi khuẩn giúp con bò biến cỏ thành sữa. Những vi khuẩn khác cần thiết cho sự lên men—như khi chúng ta làm pho mát, sữa chua, dưa chua, dưa bắp cải và dưa món. Dù vậy, điều gì xảy ra nếu vi khuẩn có mặt không đúng chỗ trong cơ thể của chúng ta?

Lập tức có tới cả hai ngàn tỷ bạch huyết cầu trong thân thể của chúng ta chống lại vi khuẩn có thể gây hại đó. Ông Daniel E. Koshland, Jr., chủ bút tạp chí Science giải thích: “Hệ thống miễn dịch được thiết kế để nhận ra những chất ngoại lai xâm nhập. Để làm thế, nó phải huy động đến khoảng 100 tỷ [100.000.000.000] các loại thụ thể miễn dịch khác nhau để rồi bất cứ chất ngoại lai xâm nhập hình nào, dạng nào thì đều có những thụ thể tương đương để nhận diện và loại bỏ nó ra”.

Một loại tế bào mà cơ thể của chúng ta dùng để đánh lại chất ngoại lai xâm nhập là đại thực bào. Tên của nó có nghĩa là “ăn như hổ”. Tên này là thích hợp bởi vì nó nuốt hết tất cả chất ngoại lai trong trong máu của chúng ta. Chẳng hạn, sau khi ăn một vi khuẩn ngoại lai, đại thực bào làm cho con vi khuẩn bể ra nhiều mảnh nhỏ rồi nó phơi bày chất protein của con vi khuẩn đó ra. Chút xíu protein này được dùng như cơn báo nguy cho hệ thống miễn dịch của chúng ta, gióng lên tiếng chuông là có các chất ngoại lai đang xâm nhập cơ thể. Nếu một tế bào khác trong hệ thống miễn dịch, tế bào T hỗ trợ, nhận diện được chất protein của con vi khuẩn, nó liền trao đổi các dấu hiệu hóa học với đại thực bào. Các dấu hiệu hóa học này tự chúng cũng là các protein đặc biệt có hàng loạt phận sự rất phi thường: điều hòa và củng cố hệ thống miễn dịch của chúng ta chống lại sự xâm nhập. Kết quả của tiến trình này là sự tranh chiến mãnh liệt chống lại loại vi khuẩn đặc biệt nào đó. Nhờ vậy, chúng ta thường thắng được các bệnh truyền nhiễm.

Thực ra, còn rất nhiều điều liên hệ khác, nhưng sự mô tả vắn tắt này cũng đủ cho chúng ta thấy sự phức tạp của hệ thống miễn dịch trong cơ thể của chúng ta. Chúng ta đã nhận được bộ máy phức tạp này như thế nào? Hoàn toàn miễn phí, bất chấp giai cấp xã hội hay tình trạng tài chánh của gia đình của chúng ta. Hãy so sánh điều này với sự bất công trong việc điều trị sức khỏe cho phần lớn người ta. Tổng giám đốc cơ quan WHO (Tổ Chức Y Tế Thế Giới), bác sĩ Hiroshi Nakajima viết: “Theo quan điểm của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, sự bất công càng ngày càng gia tăng này thật ra là một vấn đề sinh tử, vì người nghèo đã phải trả cho sự bất công xã hội bằng sức khỏe của họ”. Bạn có thể thông cảm lời than thở này của một phụ nữ sống tại xóm nghèo ở São Paulo: “Đối với chúng tôi, phương tiện chăm sóc sức khỏe giống như một món hàng chưng bày trong cửa sổ của một khu thương mãi sang trọng. Chúng tôi có thể nhìn nó nhưng nó ở ngoài tầm tay của chúng tôi”. Hàng triệu người trên trái đất đều cảm thấy như vậy.

Sự bất công như thế đã khiến ông Albert Schweitzer đi đến Phi Châu để giúp đỡ về y tế cho những người thiếu may mắn; nhờ các cố gắng đó, ông đã được giải thưởng Nobel. Bạn gắn cho những người đàn ông và người đàn bà có nghĩa cử này những đức tính nào? Có lẽ bạn nghĩ là họ có tình yêu thương nhân loại và một ý niệm công bằng vì tin rằng người ta trong những nước đang phát triển cũng có quyền được hưởng sự chăm sóc về y tế. Thế thì bạn nghĩ sao về Đấng đã ban cho chúng ta hệ thống miễn dịch tuyệt diệu mà không hề phân biệt giai cấp xã hội hay tình trạng tài chánh của người nhận? Điều đó lại không chứng tỏ một cách hùng hồn về tình yêu thương, sự vô tư và sự công bằng của Đấng Tạo Hóa hay sao?

Tìm hiểu về Đấng Tạo Hóa

Những hệ thống nói trên chỉ là những ví dụ cơ bản về công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa, nhưng phải chăng chúng cho thấy Ngài là một Đấng có thật, một Đấng thông minh, và các đức tính cùng đường lối của Ngài thu hút chúng ta? Chúng ta có thể xem xét nhiều ví dụ khác nữa. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta cũng nghiệm thấy trong đời sống hàng ngày là nếu chỉ quan sát công việc của một người không thôi thì thực sự chưa đủ để biết rõ người đó. Thậm chí có thể hiểu lầm họ nếu không có đầy đủ hình ảnh về họ! Và nếu người đó bị xuyên tạc hay bị phao vu thì việc gặp họ và nghe họ bênh vực chẳng phải là tốt hay sao? Chúng ta có thể nói chuyện với họ để xem họ phản ứng như thế nào trong những hoàn cảnh khác nhau và các đức tính mà họ bày tỏ.

Dĩ nhiên chúng ta không thể đối thoại mặt giáp mặt với Đấng Tạo Hóa quyền uy của vũ trụ. Tuy thế, Ngài đã tiết lộ nhiều về Ngài như một Đấng có thật trong một cuốn sách được lưu hành, trọn bộ hay từng phần, trong hơn 2.000 ngôn ngữ, trong đó có ngôn ngữ của bạn. Quyển sách đó—quyển Kinh-thánh—mời bạn tìm hiểu và vun trồng một mối liên lạc với Đấng Tạo Hóa. Kinh-thánh nói: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em”. Kinh-thánh cũng cho thấy làm sao chúng ta có thể trở thành bạn của Ngài (Gia-cơ 2:23; 4:8). Bạn có thích được vậy không?

Nhằm mục đích này, chúng tôi mời bạn xem xét sự tường thuật có thật và thú vị về các hoạt động sáng tạo của Ngài.

[Chú thích]

^ đ. 21 Tia chớp biến một số khí nitơ thành một dạng có thể hấp thụ được và rơi xuống đất nhờ nước mưa. Thực vật dùng chất này như phân bón được cung cấp một cách tự nhiên. Sau khi con người và động vật ăn thực vật và dùng chất nitơ này thì nó lại trở về đất dưới dạng hợp chất amoni và cuối cùng một phần được biến đổi lại thành khí nitơ.

[Khung nơi trang 79]

Một kết luận hợp lý

Trong giới khoa học gia, có sự đồng ý rộng rãi là vũ trụ có một sự khởi đầu. Phần lớn đồng ý rằng trước sự khởi đầu đó, phải có một cái gì đó hiện hữu. Một số khoa học gia nói về năng lượng lúc nào cũng hiện hữu. Một số khác giả định một hỗn độn khởi thủy như một điều kiện tiên quyết. Dù dùng những từ nào chăng nữa, phần lớn đều giả định sự hiện hữu của một cái gì đó—một cái gì không có sự bắt đầu—và lui lại tới vô tận.

Bởi thế thực chất của vấn đề là chúng ta nên giả định một cái gì đó vô tận hay một đấng vô tận. Sau khi xem xét những gì khoa học đã biết được về nguồn gốc và bản chất của vũ trụ và sự sống trên đó, giả định nào xem ra hợp lý hơn đối với bạn?

[Khung nơi trang 80]

“Bất cứ một nguyên tố nào cần thiết cho sự sống— cacbon, nitơ, lưu huỳnh—đều được vi khuẩn đổi từ một hỗn hợp khí vô cơ thành một dạng mà thực vật và động vật có thể dùng” (The New Encyclopædia Britannica).

[Biểu đồ/Hình nơi trang 78]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Bạn Đi Đến Kết Luận Nào?

Vũ trụ của chúng ta

↓ ↓

Không có Có khởi

khởi đầu đầu

↓ ↓

Tự nhiên có Được dựng nên

↓ ↓

Bởi CÁI GÌ ĐÓ Bởi ĐẤNG NÀO ĐÓ

vô tận vô tận

[Hình nơi trang 75]

Nhiều người Đông Phương tin rằng thiên nhiên tự nhiên mà có

[Hình nơi trang 76]

Phao-lô, đứng trên đồi này, nói bài diễn văn gợi cho người ta suy nghĩ về Đức Chúa Trời, phía sau là Acropolis

[Hình nơi trang 83]

Đức Chúa Trời ban cho mỗi người chúng ta một hệ thống miễn dịch vượt xa bất cứ điều gì mà y học hiện đại có thể cung cấp