Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Con người bạn độc đáo biết bao!

Con người bạn độc đáo biết bao!

Chương Bốn

Con người bạn độc đáo biết bao!

TRƯỚC khi bắt đầu sinh hoạt mỗi buổi sáng, bạn có soi mặt trong gương không? Bạn có thể không có thì giờ để suy tư vào lúc đó. Nhưng bây giờ hãy dành ra đôi phút để thán phục những gì bao hàm trong hành động soi gương đơn giản ấy.

Đôi mắt giúp bạn có thể ngắm hình mình với đủ màu sắc, dù thấy được màu sắc không phải là điều thiết yếu cho sự sống. Vị trí của đôi tai giúp bạn nghe được âm thanh nổi; vì thế mà bạn có thể định được vị trí của nguồn âm thanh, chẳng hạn như tiếng nói của người thân yêu. Chúng ta có thể ít để ý đến điều ấy, song một quyển sách dành cho các kỹ sư âm thanh bình luận: “Tuy nhiên, khi xem xét chi tiết hệ thính giác của con người, thì khó mà tránh khỏi kết luận rằng các kết cấu và chức năng phức tạp của nó cho thấy có một bàn tay từ thiện thiết kế ra”.

Mũi của bạn cũng biểu hiện sự thiết kế kỳ diệu. Bạn sống được bởi vì nhờ nó mà bạn có thể hít thở không khí. Ngoài ra, mũi bạn có hàng triệu tế bào thụ cảm khứu giác giúp bạn nhận ra khoảng 10.000 mùi có sắc thái khác nhau. Một giác quan khác hoạt động khi bạn thưởng thức một bữa ăn. Hàng ngàn sợi thần kinh vị giác dẫn truyền mùi vị thức ăn. Các dây thần kinh cảm giác khác ở lưỡi giúp bạn biết răng bạn có sạch hay không.

Vâng, bạn có năm giác quan—thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Đành rằng thị giác của một số thú vật tinh hơn vào ban đêm, mũi hoặc tai chúng thính hơn; nhưng sự hài hòa giữa các giác quan này của con người chắc chắn khiến họ xuất sắc hơn về nhiều phương diện.

Tuy nhiên, chúng ta hãy xem tại sao chúng ta có thể được lợi ích nhờ các khả năng và tiềm năng này. Tất cả các điều ấy tùy thuộc vào một cơ quan nặng 1,4 kilogram bên trong đầu chúng ta—bộ óc. Thú vật cũng có bộ óc hoạt động. Song bộ óc con người trội hơn hết, khiến cho không ai chối cãi được là con người chúng ta độc đáo. Như thế nào? Và tính độc đáo này liên quan thế nào đến ước vọng của chúng ta là có một đời sống lâu dài, đầy ý nghĩa?

Bộ óc tuyệt vời của bạn

Đã nhiều năm, bộ óc con người được ví như một máy điện toán, tuy nhiên những cuộc khám phá gần đây cho thấy sự so sánh này thiếu sót trầm trọng. Bác sĩ Richard M. Restak nêu lên câu hỏi: “Làm sao ai có thể bắt đầu hiểu được tầm hoạt động của một cơ quan có phỏng chừng 50 tỷ tế bào thần kinh với một triệu tỷ synap (diện tiếp hợp), và có tốc độ tác xạ tổng hợp khoảng chừng mười triệu tỷ lần mỗi giây?” Câu trả lời của ông là gì? “Ngay cả hiệu năng của một máy điện toán tối tân nhất có cấu trúc phỏng theo hệ thần kinh... cũng chỉ bằng một phần mười ngàn khả năng trí tuệ của con ruồi”. Thế thì, bạn hãy xem một máy điện toán thua kém biết bao nhiêu khi so với bộ óc con người, một bộ phận siêu việt hơn đến độ lạ thường như thế.

Có máy điện toán nào do con người sáng chế lại có thể tự sửa chữa, viết lại chương trình, hoặc tự cải tiến qua thời gian không? Khi một hệ thống máy điện toán cần được điều chỉnh, một thảo chương viên phải viết và cho vào các mã lệnh mới. Bộ óc chúng ta tự động làm việc ấy, trong cả thời thơ ấu lẫn tuổi già. Bạn không nói quá đáng nếu cho rằng các máy điện toán tối tân nhất cũng rất thô sơ so với bộ óc. Các nhà khoa học đã gọi nó là “cấu trúc phức tạp nhất từng được biết đến” và “vật phức tạp nhất trong vũ trụ”. Hãy xem vài khám phá khiến nhiều người kết luận rằng bộ óc con người là sản phẩm của một Đấng Tạo Hóa quan tâm.

Dùng nó bằng không thì mất

Những phát minh hữu ích như xe hơi và máy bay phản lực phần lớn bị giới hạn bởi những bộ phận và hệ thống điện cố định do người ta thiết kế và lắp đặt. Trái lại, bộ óc chúng ta ít ra là một cơ quan hay hệ thống sinh học có tính linh động cao độ, có thể luôn thay đổi tùy theo cách ta dùng—hay lạm dụng nó. Hai yếu tố chính dường như ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bộ óc chúng ta trong suốt đời sống—những điều chúng ta cho phép truyền qua các giác quan và những điều chúng ta muốn suy nghĩ.

Tuy rằng các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến trí năng, nhưng công cuộc nghiên cứu hiện đại chứng tỏ rằng bộ óc chúng ta không do gen định đoạt vào lúc thụ thai. Tác giả Ronald Kotulak, một người thắng giải Pulitzer, viết: “Không ai ngờ được rằng bộ óc lại có thể thay đổi nhiều như khoa học biết hiện nay”. Sau khi phỏng vấn hơn 300 nhà nghiên cứu, ông kết luận: “Bộ óc không phải là một cơ quan trong trạng thái tĩnh; nó là một khối các tế bào nối lại, luôn thay đổi và chịu ảnh hưởng sâu xa của kinh nghiệm” (Inside the Brain).

Tuy nhiên, kinh nghiệm không phải là phương tiện duy nhất chi phối bộ óc chúng ta. Cách suy nghĩ của chúng ta cũng ảnh hưởng đến bộ óc. Nơi những người tiếp tục giữ cho trí tuệ hoạt động, các khoa học gia nhận thấy rằng các diện tiếp hợp (synap) giữa các tế bào thần kinh trong óc họ nhiều hơn đến 40 phần trăm so với số diện tiếp hợp trong óc của những người lười suy nghĩ. Các nhà khoa học về thần kinh kết luận: Bạn phải dùng nó, bằng không thì mất. Tuy nhiên, còn những người già cả thì sao? Dường như một số các tế bào não bị tiêu hao khi một người già đi, và người già có thể kém trí nhớ. Song sự tiêu hao không nhiều như người ta từng nghĩ. Trong một bản tường trình về bộ óc con người, tạp chí National Geographic nói: “Những người lớn tuổi vẫn còn khả năng tạo ra diện tiếp hợp mới và giữ được các diện tiếp hợp cũ qua hoạt động trí tuệ”.

Các cuộc khám phá gần đây về tính linh động của bộ óc đồng ý với lời khuyên trong Kinh-thánh. Quyển sách đầy sự khôn ngoan ấy giục người đọc ‘hãy biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình’ hay “đổi ra mới” nhờ thâu nhận “sự hiểu-biết đầy-trọn” vào trong trí (Rô-ma 12:2; Cô-lô-se 3:10). Nhân-chứng Giê-hô-va đã chứng kiến điều này xảy ra khi người ta học và áp dụng lời khuyên của Kinh-thánh. Nhiều ngàn người—thuộc mọi tầng lớp xã hội và trình độ học vấn—đã làm thế. Họ vẫn là những cá nhân khác biệt, nhưng họ đã trở nên hạnh phúc và thăng bằng hơn, biểu hiện điều mà một người viết Kinh-thánh sống trong thế kỷ thứ nhất gọi là tính “phải lẽ” (Công-vụ các Sứ-đồ 26:24, 25). Các sự cải thiện như thế phần lớn là kết quả của việc tận dụng một phần trong vỏ não nằm ở phía trước của đầu.

Thùy trán của bạn

Hầu hết các tế bào thần kinh ở lớp ngoài của bộ óc, hay vỏ não, không nối trực tiếp với các bắp thịt và các cơ quan cảm giác. Thí dụ, hãy xem xét hàng tỷ tế bào thần kinh tạo thành thùy trán. (Xem hình vẽ, trang 56). Các cuộc chiếu hình não chứng tỏ thùy trán hoạt động mạnh khi bạn nghĩ đến một từ ngữ hay hồi tưởng lại kỷ niệm. Phần não ở phía trán đóng vai trò đặc biệt, khiến con người bạn độc đáo.

“Vỏ não trước trán... có quan hệ nhiều nhất đến khả năng khai triển tư tưởng một cách chi tiết, đến trí thông minh, động lực và cá tính. Nó kết hợp lại những kinh nghiệm cần thiết để cấu thành những ý tưởng trừu tượng, óc phán đoán, tính kiên trì, óc hoạch định, lòng quan tâm đến người khác và lương tâm.... Chính khả năng khai triển tư tưởng một cách chi tiết của vùng ấy khiến con người khác với thú vật” (Marieb’s Human Anatomy and Physiology). Chúng ta thấy rõ ràng bằng chứng về sự khác biệt này qua các thành quả của con người trong các lĩnh vực như toán học, triết học và công lý, là các lĩnh vực quan hệ chính yếu đến vỏ não trước trán.

Tại sao con người lại có vỏ não phía trước trán có kích thước lớn và linh động, góp phần tăng thêm các chức năng trí tuệ cao đẳng; còn nơi loài vật thì vùng này lại sơ đẳng hoặc không có? Sự tương phản rõ ràng đến độ những nhà sinh học tin vào thuyết tiến hóa phải nói đến sự “bùng nổ bí ẩn về kích thước của bộ não”. Nhận xét về mấu lồi lạ thường của vỏ não, giáo sư sinh học Richard F. Thompson thú nhận: “Cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa hiểu rõ tại sao điều này xảy ra”. Có thể nào nguyên do là con người đã được tạo ra với một dung lượng não bộ vô song không?

Khả năng giao tiếp vô song

Các phần khác của bộ óc cũng góp phần làm chúng ta thành con người độc đáo. Đằng sau vỏ não phía trước trán là một dải chạy ngang qua đầu—vỏ vận động. Vùng này chứa hàng tỷ tế bào thần kinh nối với các bắp thịt. Nó cũng có những đặc điểm khiến chúng ta khác xa với các loài khỉ hoặc thú vật khác. Vỏ vận động chính yếu này cho chúng ta “(1) một khả năng siêu việt là dùng bàn tay, các ngón tay và ngón cái để thực hiện những nhiệm vụ chân tay cần đến một mức độ khéo tay cao và (2) khả năng sử dụng miệng, môi, lưỡi và các bắp thịt trên mặt để nói” (Textbook of Medical Physiology của Guyton).

Hãy xem xét sơ lược cách vỏ vận động chi phối khả năng ăn nói của bạn. Hơn nửa phần của vỏ vận động có nhiệm vụ điều khiển các cơ quan giao tiếp. Điều này giúp giải thích khả năng giao tiếp vô song của con người. Tuy rằng đôi tay của chúng ta đóng một vai trò trong sự giao tiếp (viết văn, làm các điệu bộ bình thường, hoặc ra dấu), nhưng miệng thường đóng vai chính. Tiếng nói của người—từ tiếng đầu tiên của em bé cho đến giọng nói của một người già—là một điều kỳ diệu không ai chối cãi được. Khoảng 100 bắp thịt ở lưỡi, môi, quai hàm, cổ và ngực hợp lại để sinh ra vô số âm thanh. Bạn hãy lưu ý đến sự tương phản sau: Một tế bào não có thể điều khiển 2.000 thớ thịt ở bắp đùi của một lực sĩ, nhưng các tế bào não điều khiển thanh quản có thể tập trung vào chỉ 2 hay 3 thớ thịt mà thôi. Điều đó không nói lên là bộ óc chúng ta được thiết kế đặc biệt để giao tiếp sao?

Mỗi câu nói ngắn bạn thốt lên đòi hỏi các bắp thịt cử động theo một khuôn mẫu nhất định. Ý nghĩa của mỗi một câu nói có thể thay đổi tùy thuộc mức độ cử động và sự phối hợp thời gian rất chính xác của nhiều bắp thịt khác nhau. Bác sĩ William H. Perkins, một chuyên gia ngôn ngữ, giải thích: “Ở một tốc độ bình thường, chúng ta thốt ra khoảng 14 âm mỗi giây. Vận tốc đó nhanh gấp đôi tốc độ đạt được khi chúng ta vận động riêng rẽ lưỡi, môi, hàm hoặc bất kỳ phần nào khác của cơ quan phát âm. Nhưng nếu tổng hợp chúng lại để phát ra tiếng nói, thì chúng hoạt động giống như các ngón tay của người đánh máy lành nghề và của người chơi đàn dương cầm trong các buổi hòa nhạc. Các cử động của các bộ phận này phối hợp lẫn nhau một cách nhịp nhàng trong sự hài hòa tinh tế đúng lúc”.

Dữ kiện cần thiết để hỏi một câu đơn giản như: “Bạn mạnh khỏe không?” được tàng trữ trong một phần của thùy trán thuộc bộ não của bạn; phần này gọi là vùng Broca mà một số người xem là trung khu ngôn ngữ. Nhà khoa học thần kinh đoạt giải Nobel là Sir John Eccles viết: “Chưa ai tìm ra được vùng nào trong bộ não của loài khỉ, tương ứng với trung khu ngôn ngữ Broca”. Ngay cả khi tìm được những vùng tương tự nơi loài vật, thì sự thật là các nhà khoa học không thể dạy loài khỉ nói nhiều hơn được, ngoài vài tiếng đơn giản mà thôi. Tuy nhiên bạn có thể nói một thứ tiếng phức tạp. Để làm thế, bạn ghép chữ lại với nhau theo quy tắc văn phạm của ngôn ngữ bạn. Vùng Broca giúp bạn làm điều đó, cả khi nói lẫn khi viết.

Dĩ nhiên, nếu bạn không biết ít nhất một ngôn ngữ và hiểu nghĩa của các từ, thì bạn không thể thực hiện được khả năng ngôn ngữ kỳ diệu này. Điều ấy liên hệ đến một phần đặc biệt khác của bộ óc bạn, gọi là vùng Wernicke. Ở đây, hàng tỷ tế bào thần kinh nhận biết nghĩa của những lời nói hoặc viết. Vùng Wernicke giúp bạn hiểu được những lời phát biểu và những điều bạn nghe hoặc đọc; vì thế mà bạn có thể học biết dữ kiện và có thể đáp ứng một cách hợp lý.

Nói trôi chảy đòi hỏi nhiều yếu tố khác nữa. Để thí dụ: Một lời chào hỏi có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Giọng của bạn biểu lộ sự vui mừng, khoái cảm, buồn chán, vội vã, khó chịu, buồn bã, hoặc sợ hãi, và nó có thể biểu lộ thậm chí mức độ của các trạng thái tình cảm đó. Một vùng khác trong óc bạn cung cấp dữ kiện cho phần cảm xúc của lời nói. Vì thế, nhiều bộ phận khác nhau của bộ óc cùng góp phần khi bạn diễn đạt.

Những con khỉ hắc tinh tinh đã được dạy một số dấu giới hạn, nhưng chúng ra dấu cốt để xin thức ăn hoặc những thứ căn bản khác. Là người từng dạy khỉ hắc tinh tinh cách diễn đạt đơn giản không dùng lời, tiến sĩ David Premack kết luận: “Ngôn ngữ loài người là một vấn đề gây khó khăn cho thuyết tiến hóa bởi vì không ai có thể giải thích được hết khả năng bao la của nó”.

Chúng ta có thể suy ngẫm: ‘Tại sao con người ta có khả năng kỳ diệu này để diễn đạt tư tưởng và cảm nghĩ, để hỏi và để đáp?’ Sách Encyclopedia of Language and Linguistics phát biểu rằng “ngôn ngữ [của loài người] là điều đặc biệt”, và nhìn nhận là “công cuộc tìm kiếm tiền thân của ngôn ngữ trong sự giao tiếp của loài vật chẳng lợi ích là bao trong việc lấp hố sâu ngăn cách giữa ngôn ngữ, tiếng nói của con người và hành vi của loài vật”. Giáo sư Ludwig Koehler thâu tóm được sự khác biệt: “Ngôn ngữ con người là một điều bí ẩn; nó là một tặng phẩm của Đức Chúa Trời, một phép lạ”.

Việc ra dấu của một con khỉ khác biệt biết bao với khả năng sử dụng ngôn ngữ phức tạp của trẻ em! Sir John Eccles nói đến điều mà hầu hết chúng ta cũng đã nhận thấy; đó là khả năng mà “ngay cả trẻ em lên ba tuổi thể hiện bằng một tràng câu hỏi vì muốn tìm hiểu thế giới của chúng”. Ông nói tiếp: “Trái lại, loài khỉ không đặt câu hỏi”. Vâng, chỉ có con người đặt câu hỏi, kể cả các câu hỏi về ý nghĩa của sự sống.

Ký ức và nhiều điều khác nữa!

Khi liếc vào gương, bạn có thể nghĩ đến khuôn mặt mình hồi còn trẻ, ngay cả so sánh nó với gương mặt bạn trong những năm sau này hoặc sau khi trang điểm. Các ý tưởng này có thể nảy sinh gần như từ vô thức, tuy vậy một điều rất đặc biệt đang diễn ra, một điều không con vật nào có thể cảm nghiệm được.

Khác với thú vật là loài chỉ sống và hành động vì nhu cầu hiện tại, con người có thể hoài niệm về quá khứ và trù tính tương lai. Bạn làm được như vậy chính là nhờ khả năng ký ức hầu như vô hạn của não bộ. Đành rằng súc vật có ký ức ở một mức độ nào đó, và vì thế chúng có thể tìm được đường về nhà hoặc nhớ lại chỗ chúng có thể tìm được thức ăn. Ký ức của loài người thì tốt hơn nhiều. Một khoa học gia ước tính rằng bộ óc chúng ta có thể tích lũy đủ dữ kiện “để viết đầy hai mươi triệu cuốn sách, nhiều bằng số sách trong các thư viện lớn nhất trên thế giới”. Một số nhà khoa học về thần kinh ước tính rằng trong một đời sống dài trung bình, một người chỉ sử dụng 1/100 của một phần trăm (.0001) tiềm năng của bộ não. Bạn có thể hỏi một cách thích đáng: ‘Tại sao chúng ta có một bộ óc có nhiều tiềm năng đến thế, mà chúng ta lại dùng không hết một phần nhỏ của nó trong một đời sống trung bình?’

Bộ não của chúng ta cũng không phải chỉ là một nơi tích lũy vô vàn dữ kiện, như một máy siêu điện toán. Hai giáo sư sinh học Robert Ornstein và Richard F. Thompson viết: “Khả năng học hỏi của trí óc con người—tàng trữ và nhớ lại dữ kiện—là một hiện tượng đáng chú ý nhất trong vũ trụ sinh học. Mọi điều khiến chúng ta thành con người—ngôn ngữ, tư tưởng, kiến thức, văn hóa—là kết quả của một khả năng phi thường”.

Hơn nữa, trí tuệ của bạn có ý thức. Lời phát biểu đó dường như cơ bản; nhưng nó tổng kết lại một điều không thể chối cãi được, là điều khiến bạn thành một con người độc đáo. Trí óc đã được mô tả là “một thực thể khó định nghĩa, nơi đó có trí thông minh, khả năng quyết định, khả năng nhận thức, cảm biết và ý thức về chính con người mình”. Như những dòng suối, những con lạch và sông đổ ra biển, thì những kỷ niệm, tư tưởng, hình ảnh, âm thanh và cảm nghĩ mãi tuôn chảy vào hoặc trôi qua trí óc chúng ta. Một định nghĩa của ý thức là “nhận thức về những gì diễn ra trong trí riêng của mình”.

Các nhà khảo cứu hiện đại đã tiến bộ khá nhiều trong việc hiểu biết về cách cấu tạo vật lý của bộ não và một vài tiến trình điện hóa học diễn ra trong đó. Họ cũng có thể giải thích các mạch điện và cách hoạt động của một máy điện toán tối tân. Tuy nhiên, có một sự khác biệt mênh mông giữa bộ óc và máy điện toán. Nhờ bộ óc mà bạn có ý thức và biết mình hiện hữu, nhưng máy điện toán thì không ý thức về chính nó. Tại sao có sự khác biệt ấy?

Thành thật mà nói, tại sao và như thế nào ý thức nảy sinh từ những quá trình vật lý diễn ra trong óc chúng ta là một điều bí ẩn. Một nhà sinh học thần kinh bình luận: “Tôi không thấy được làm sao ngành khoa học nào có thể giải thích được điều đó”. Giáo sư James Trefil cũng nhận xét: “Thế nào là một con người có ý thức theo nghĩa chính xác... Đó là một câu hỏi quan trọng duy nhất trong các ngành khoa học mà chúng ta thậm chí không biết hỏi thế nào”. Một lý do là những nhà khoa học dùng bộ óc để cố hiểu bộ óc. Và chỉ nghiên cứu về sinh lý của bộ óc thôi thì có thể không đủ. Tiến sĩ David Chalmers nhận xét rằng ý thức là “một trong những điều bí ẩn sâu xa nhất của sự hiện hữu, nhưng chỉ hiểu biết về bộ óc thôi thì không thể giúp [các nhà khoa học] giải được điều bí ẩn ấy”.

Nhưng dù sao chúng ta ai nấy đều cảm nghiệm được ý thức. Thí dụ, các kỷ niệm sống động về những điều xảy ra trong quá khứ không phải chỉ là những sự kiện được tàng trữ, như những bit thông tin của máy điện toán. Chúng ta có thể suy ngẫm về những kinh nghiệm của mình, từ đó rút ra những bài học, và dùng chúng để dự tính tương lai. Chúng ta có thể xét đến nhiều viễn cảnh có thể xảy ra trong tương lai và thẩm định các hiệu quả mỗi viễn cảnh có thể gây ra. Chúng ta có khả năng phân tích, sáng chế, cảm kích, và yêu thương. Chúng ta có thể thưởng thức những cuộc chuyện trò vui thú về quá khứ, về hiện tại và tương lai. Chúng ta có các giá trị về hành vi đạo đức và có thể vận dụng các giá trị này vào những quyết định có thể, hoặc không thể, mang lại lợi ích tức khắc. Chúng ta được thu hút bởi cái đẹp của nghệ thuật và đạo đức. Trong trí, chúng ta có thể uốn nắn, trau chuốt ý tưởng, và đoán xem những người khác sẽ phản ứng ra sao khi chúng ta thực hiện những ý ấy.

Những yếu tố như thế tạo ra cảm biết khiến chúng ta tách biệt với những thể sống khác ở trên đất. Một con chó, con mèo, hay con chim nhìn vào gương và phản ứng như là chúng thấy một con vật khác cùng loại. Nhưng khi bạn nhìn vào gương, bạn ý thức về chính mình là một con người có các khả năng vừa kể. Bạn có thể suy ngẫm về những tình thế khó xử, chẳng hạn như: ‘Tại sao một số con rùa sống 150 năm và một số cây cối sống hơn 1.000 năm, nhưng một con người thông minh được đăng trên mặt báo khi sống được 100 năm?’ Tiến sĩ Richard Restak phát biểu: “Bộ óc của con người, và chỉ có bộ óc của con người mới có khả năng suy ngẫm, quan sát hoạt động của chính mình, và vì thế mà đạt được một mức độ siêu việt nào đó. Thật vậy, khả năng thay đổi chương trình hành động và tự cải hóa là điều phân biệt chúng ta với tất cả các tạo vật khác trên thế giới”.

Ý thức của con người làm một số người phải bối rối. Tuy thiên về việc giải thích ý thức bằng sinh học, quyển sách Life Ascending phải nhìn nhận: “Chúng ta bối rối khi hỏi: Làm sao mà một quá trình [sự tiến hóa] giống như một trò cờ bạc, có những hình phạt đáng sợ cho kẻ thua, lại có thể sinh ra các đức tính như khả năng cảm thụ cái chân và cái mỹ, lòng trắc ẩn, sự tự do và trên hết, khả năng phong phú của tinh thần con người. Chúng ta càng suy ngẫm về khả năng hướng về thiêng liêng của mình, thì sự thắc mắc của chúng ta càng sâu”. Rất đúng. Như thế, để có thể hoàn tất cuộc thảo luận về tính độc đáo của con người, hãy xem vài bằng chứng về ý thức của chúng ta, là các chứng cớ cho biết tại sao nhiều người tin chắc là phải có một Đấng Thiết Kế thông minh, một Đấng Tạo Hóa, quan tâm đến chúng ta.

Nghệ thuật và thẩm mỹ

Trong sách Symmetry, Causality, Mind, giáo sư Michael Leyton hỏi: “Tại sao người ta đam mê theo đuổi nghệ thuật đến thế?” Như ông giải thích, vài người có thể nói hoạt động tinh thần như toán học mang lại lợi ích rõ ràng cho nhân loại, nhưng đâu là lợi ích của nghệ thuật? Leyton minh họa bằng cách nói rằng có những người đi rất xa để dự những cuộc triển lãm nghệ thuật và hòa nhạc. Điều đó liên quan đến ý thức nội tâm nào? Tương tự như thế, nhiều người trên khắp thế giới treo những bức tranh hay bức họa đẹp trên tường ở trong nhà hoặc trong văn phòng họ. Hay là xét về âm nhạc. Hầu hết người ta thích nghe một loại âm nhạc nào đó khi ở nhà và lúc lái xe. Tại sao? Chắc chắn không phải là tại vì âm nhạc có một thời đã giúp các động vật thích nghi nhất sống sót. Leyton nói: “Nghệ thuật có lẽ là một hiện tượng khó giải thích nhất của loài người”.

Tuy vậy chúng ta ai nấy đều biết rằng thưởng thức nghệ thuật và thẩm mỹ là một phần của điều làm chúng ta cảm thấy là “con người”. Một con vật có thể ngồi trên một ngọn đồi và nhìn lên bầu trời đầy màu sắc, nhưng nó có được vẻ đẹp thu hút không? Khi chúng ta nhìn một ngọn thác long lanh dưới ánh mặt trời, hay ngắm cảnh vật muôn màu rực rỡ trong một cánh rừng nhiệt đới, hoặc chăm chú nhìn bãi biển có hàng dừa xanh, hay thích thú ngắm nhìn những vì sao rải rác khắp bầu trời đen tuyền như nhung; chúng ta thường cảm thấy thán phục, có phải không? Vẻ đẹp như thế làm lòng chúng ta rộn rã, tâm thần chúng ta bay bổng. Tại sao?

Tại sao chúng ta lại có những ao ước bẩm sinh khát khao những điều thẩm mỹ, là những thứ mà trên thực tế góp phần rất ít, xét về phương diện vật chất, cho sự sống còn của chúng ta? Các giá trị thẩm mỹ của chúng ta từ đâu đến? Nếu không nhìn nhận có Đấng Tạo Hóa là Đấng phú cho con người các giá trị này lúc sáng tạo, thì các câu hỏi này thiếu lời giải đáp thỏa đáng. Điều này cũng đúng trong trường hợp vẻ đẹp đạo đức.

Các giá trị đạo đức

Nhiều người thừa nhận rằng hình thức cao thượng nhất của cái đẹp là những việc thiện. Thí dụ, trung thành với nguyên tắc dù bị bắt bớ, hành động một cách vị tha để giảm bớt nỗi đau khổ của người khác, và tha thứ người làm tổn thương mình là các hành động kích động ý thức đạo đức của những người biết suy nghĩ ở khắp nơi. Cái đẹp thuộc loại này được Kinh-thánh mô tả bằng một câu châm ngôn xưa: “Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận; và người lấy làm danh-dự mà bỏ qua tội phạm”. Hay như một câu châm ngôn khác nói: “Lòng nhơn-từ của người làm cho người ta yêu-chuộng mình” (Châm-ngôn 19:11, 22).

Chúng ta ai nấy đều biết là một số người, thậm chí cả nhóm người, không quan tâm đến hay chà đạp nền luân lý, đạo đức cao; nhưng đa số thì không làm thế. Các giá trị đạo đức hầu như thấy tại khắp nơi và trong mọi thời đại từ nguồn nào mà ra? Nếu không có Nguồn luân lý đạo đức, không có Đấng Tạo Hóa, thì điều trái hay phải chỉ đơn giản xuất phát từ người ta, xã hội loài người ư? Hãy xem một thí dụ: Hầu hết cá nhân lẫn đoàn thể đều tin rằng giết người là sai. Nhưng ta có thể hỏi: ‘Sai theo tiêu chuẩn nào?’ Tất nhiên là có một ý thức đạo đức nào đó làm căn bản cho xã hội loài người nói chung và ý thức đó đã được đưa vào trong luật pháp của nhiều nước. Đâu là nguồn của tiêu chuẩn đạo đức này? Chẳng phải là một Đấng Tạo Hóa thông minh, có những giá trị đạo đức đã đặt khả năng lương tâm, hay ý thức đạo đức, vào trong lòng người ta sao? (So sánh Rô-ma 2:14, 15).

Bạn có thể suy tưởng và dự tính về tương lai

Một khía cạnh khác của ý thức của con người là khả năng suy tư về tương lai. Khi được hỏi là con người có những đặc điểm nào khiến họ khác loài vật, thì giáo sư Richard Dawkins nhìn nhận rằng con người quả thật có những đức tính độc đáo. Sau khi đề cập “khả năng dùng tính lo xa có ý thức và trí tưởng tượng để trù liệu trước”, Dawkins nói thêm: “Lợi ích tức thời luôn luôn là điều quan trọng duy nhất trong sự tiến hóa; lợi ích lâu dài không hề quan trọng. Chưa hề có thể có một cái gì vẫn tiến hóa, dù hại cho lợi ích tức thời của cá nhân. Xưa nay, đây là lần đầu tiên mà ít ra một số người có thể nói: ‘Đừng nghĩ đến việc ta có thể được lợi ích tức thời bằng cách đốn khu rừng này; còn về lợi ích lâu dài thì sao?’ Vậy tôi nghĩ rằng khả năng lo xa này thực sự mới mẻ và độc đáo”.

Các nhà khảo cứu khác cũng xác nhận khả năng trù liệu về lâu dài, có ý thức của con người là một điều vô song. Nhà sinh lý học thần kinh William H. Calvin nhận xét: “Ngoài việc giao phối và sửa soạn cho mùa đông, là khả năng do kích thích tố thúc đẩy, điều khiến ta ngạc nhiên là thú vật biểu hiện rất ít bằng chứng về khả năng trù liệu trước, dù chỉ là vài phút”. Thú vật có thể dự trữ thức ăn trước mùa đông, nhưng chúng không suy nghĩ thấu đáo sự việc và theo đó mà trù liệu. Trái lại, con người nghĩ đến tương lai, ngay cả tương lai xa xăm. Một số khoa học gia suy tưởng về những điều có thể xảy ra cho vũ trụ hàng tỷ năm sau này. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao con người—khác xa loài vật đến thế—có thể nghĩ về tương lai và bày ra kế hoạch không?

Kinh-thánh nói về con người ta: “Ngài [Đấng Tạo Hóa] khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người”. Bản Diễn Ý thì nói: “Thượng Đế có gieo rắc ý niệm vĩnh cửu vào trí óc loài người” (Truyền-đạo 3:11). Chúng ta dùng khả năng đặc biệt này hàng ngày, ngay cả trong một hành động rất thông thường như liếc vào gương và nghĩ đến ngoại diện của chúng ta sẽ ra sao trong 10 hay 20 năm tới. Và chúng ta khẳng định lời ở Truyền-đạo 3:11 ngay cả khi chúng ta chỉ thoáng nghĩ về các khái niệm như sự vô tận của thời gian và không gian. Sự kiện chúng ta có khả năng này phù hợp với lời phát biểu là Đấng Tạo Hóa đã đặt “ý niệm vĩnh cửu vào trí óc loài người”.

Được thu hút đến gần Đấng Tạo Hóa

Tuy nhiên, nhiều người không hoàn toàn thỏa mãn với việc thưởng thức cái đẹp, với việc làm điều thiện cho người đồng loại và suy nghĩ đến tương lai. Giáo sư C. Stephen Evans nhận xét: “Điều nghịch lý là ngay cả vào những giây phút hạnh phúc và quý báu nhất là lúc chúng ta yêu và được yêu, thì chúng ta lại thường cảm thấy thiếu một điều gì đó. Chúng ta thấy mình muốn nhiều hơn nhưng lại không biết điều nhiều hơn mà chúng ta muốn là gì”. Quả thật, những người có ý thức—khác với các loài vật cùng sống trên hành tinh này—cảm thấy một nhu cầu khác.

“Tôn giáo ăn sâu vào tận gốc rễ của bản chất con người và được người ta thuộc mọi trình độ học vấn và địa vị kinh tế cảm nghiệm”. Câu này tổng kết công trình khảo cứu mà giáo sư Alister Hardy trình bày trong sách The Spiritual Nature of Man (Bản chất thiêng liêng của con người). Sách này khẳng định điều mà nhiều cuộc nghiên cứu khác đã xác lập—con người có ý thức về Thượng Đế. Tuy cá nhân có thể vô thần, nhưng không có một tập thể quốc gia vô thần. Quyển sách Is God the Only Reality? (Thượng Đế có là hiện thực duy nhất không?) nhận xét: “Công cuộc tìm kiếm ý nghĩa trong tôn giáo... là kinh nghiệm thông thường trong mọi nền văn hóa và trong mọi thời đại từ khi con người xuất hiện”.

Ý thức dường như bẩm sinh này về Thượng Đế từ đâu ra? Nếu con người chỉ là một tổ hợp ngẫu nhiên gồm các phân tử protein và axit nucleic, thì tại sao các phân tử này lại phát triển lòng yêu thích nghệ thuật và thẩm mỹ, có tín ngưỡng, và tư tưởng về ý niệm vĩnh cửu?

Sir John Eccles kết luận rằng dùng thuyết tiến hóa mà giải thích sự hiện hữu của con người thì “thất bại về một phương diện quan trọng nhất. Thuyết tiến hóa không thể giải thích sự hiện hữu của mỗi người chúng ta là những con người độc đáo, có ý thức về chính mình”. Càng học nhiều về cách hoạt động của bộ não và trí tuệ của chúng ta, thì càng dễ thấy tại sao hàng triệu người kết luận rằng sự hiện hữu có ý thức của con người là bằng chứng có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến chúng ta.

Trong chương sau, chúng ta sẽ thấy tại sao nhiều người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đã thấy rằng lời kết luận hợp lý này đặt nền móng cho việc tìm được các lời giải đáp thỏa đáng cho các câu hỏi thiết yếu như: Tại sao chúng ta hiện hữu, và chúng ta sẽ đi về đâu?

[Khung nơi trang 51]

Nhà chơi cờ vô địch đấu với máy tính

Khi chiếc máy điện toán tối tân tên là Xanh Đậm (Deep Blue) đánh bại nhà chơi cờ vô địch thế giới, thì câu hỏi nêu ra là: “Chúng ta có buộc lòng phải kết luận rằng Xanh Đậm ắt phải có trí tuệ không”?

Giáo sư David Gelernter thuộc viện đại học Yale đáp: “Không. Xanh Đậm chỉ là một cái máy. Nó không có trí tuệ cũng như là cái bình bông không có trí tuệ.... Ý nghĩa chính của điều này là: con người là nhà vô địch chế tạo máy”.

Giáo sư Gelernter chỉ ra sự khác biệt quan trọng: “Bộ óc là một cái máy có khả năng biết về chính mình. Bộ óc có thể tưởng tượng, còn máy điện toán thì không”.

Ông kết luận: “Hố sâu ngăn cách con người với [máy điện toán] còn mãi và không bao giờ lấp lại được. Máy móc sẽ tiếp tục làm đời sống dễ dàng hơn, khỏe mạnh hơn, phong phú hơn và khó hiểu hơn. Và rốt cuộc con người ta vẫn tiếp tục lưu tâm đến những điều họ vẫn hằng lưu tâm: đến bản thân, đến lẫn nhau và, đối với nhiều người, đến Thượng Đế. Liên quan đến các vấn đề đó, thì máy móc không hề có ảnh hưởng nào. Và chúng sẽ không bao giờ có ảnh hưởng”.

[Khung nơi trang 53]

Khả năng của siêu máy tính chỉ bằng con sên

“Khả năng thấy, nói chuyện, cử động, hoặc dùng trí năng thông thường của các máy điện toán hiện đại kém xa ngay cả khả năng của một đứa trẻ lên bốn tuổi. Dĩ nhiên, một lý do đơn thuần là khả năng tính toán. Người ta đã ước tính rằng ngay cả khả năng xử lý thông tin của một siêu máy điện toán nhanh nhất cũng chỉ bằng hệ thần kinh của một con sên—một phần rất nhỏ so với khả năng của chiếc máy siêu điện toán trong sọ [chúng ta]” (Steven Pinker, giám đốc Center for Cognitive Neuroscience thuộc viện Massachusetts Institute of Technology).

[Khung nơi trang 54]

“Bộ óc con người hầu như hoàn toàn được cấu thành bởi vỏ não. Thí dụ, bộ óc của con khỉ hắc tinh tinh cũng có vỏ não, nhưng theo một tỷ lệ nhỏ hơn nhiều. Vỏ não cho phép chúng ta suy nghĩ, ghi nhớ, tưởng tượng. Chúng ta là con người thực chất là vì có vỏ não” (Edoardo Boncinelli, giám đốc khảo cứu sinh học phân tử, Milan, Ý).

[Khung nơi trang 55]

Từ ngành vật lý hạt cho đến bộ óc bạn

Giáo sư Paul Davies phát biểu ý kiến về khả năng của bộ óc sử dụng lĩnh vực trừu tượng như toán học. “Toán học không phải là điều bạn thấy ở bất cứ nơi nào. Nó là sản phẩm của trí tuệ con người. Song nếu chúng ta hỏi rằng toán học được áp dụng hữu hiệu nhất trong lĩnh vực nào, thì đó chính là trong các lĩnh vực như ngành vật lý hạt và ngành thiên văn vật lý là các ngành khoa học cơ bản không dính dáng chút nào đến đời sống hàng ngày”. Sự kiện này hàm ẩn những gì? “Điều đó nói với tôi rằng ý thức và khả năng sử dụng toán học của chúng ta không phải chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, không phải là một chi tiết tầm thường, không phải là sản phẩm phụ vô nghĩa của sự tiến hóa” (Are We Alone?)

[Khung/Hình nơi trang 56, 57]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Vỏ vận động

Thùy trán

Vỏ não trước trán

Vùng Broca

Vùng Wernicke

Vỏ não là vùng ở mặt ngoài của bộ óc, vùng này gắn liền với trí thông minh. Vỏ não của con người, nếu cán mỏng ra, thì rộng độ bốn trang giấy đánh máy; bộ óc của con khỉ hắc tinh tinh chỉ chiếm một trang; và bộ óc con chuột chiếm một khoảng bằng con tem (Scientific American).

[Khung nơi trang 58]

Mỗi dân tộc đều có một ngôn ngữ

Suốt lịch sử, bất kỳ khi nào một giống dân này gặp một giống khác, thì họ cũng thấy giống dân kia nói một ngôn ngữ. Sách The Language Instinct (Bản năng ngôn ngữ) bình luận: “Chưa hề có ai khám phá một bộ lạc câm nào, và không có bằng chứng gì cho thấy một vùng đã từng là ‘chiếc nôi’ của ngôn ngữ, mà từ đó truy ra những nhóm người trước đấy không có tiếng nói.... Tính phổ biến của ngôn ngữ phức tạp là một phát hiện khiến các nhà ngôn ngữ phải thán phục, và là lý do đầu tiên làm ta nghĩ rằng ngôn ngữ là sản phẩm của bản năng đặc biệt của con người”.

[Khung nơi trang 59]

Ngôn ngữ và trí thông minh

Tại sao trí thông minh của con người lại trội hơn hẳn trí thông minh của loài vật, chẳng hạn như loài khỉ? Một lý do là chúng ta sử dụng cú pháp—kết hợp các âm lại thành từ và dùng từ để đặt câu. Lý thuyết gia về sinh lý học thần kinh là tiến sĩ William H. Calvin giải thích:

“Những con khỉ hắc tinh tinh hoang dùng khoảng ba mươi sáu âm khác nhau để diễn đạt khoảng ba mươi sáu nghĩa khác nhau. Chúng có thể lặp lại một âm để nhấn mạnh nghĩa, nhưng chúng không nối ba âm lại để thêm một từ mới vào kho từ vựng của chúng.

“Loài người chúng ta cũng dùng khoảng ba mươi sáu âm, gọi là âm vị. Tuy nhiên chỉ những tổ hợp của các âm này mới có nghĩa: chúng ta nối những âm vô nghĩa để tạo ra các từ có nghĩa”. Tiến sĩ Calvin nhận xét rằng “chưa ai có thể giải thích” được bước chuyển biến từ “một âm một nghĩa” của loài vật sang khả năng độc đáo của con người là dùng cú pháp.

[Khung nơi trang 60]

Không chỉ vẽ nguệch ngoạc

“Có phải chỉ con người, chủng loại Homo sapiens, mới có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ không? Rõ ràng là câu trả lời phải tùy thuộc vào nghĩa của nhóm từ ‘ngôn ngữ’—bởi lẽ tất cả các loài vật ở mức phát triển cao chắc chắn diễn đạt bằng nhiều dấu, như điệu bộ, hơi hướng, tiếng kêu, tiếng hú và tiếng hót, và ngay cả vũ điệu của loài ong. Song ngôn ngữ của các thú vật ngoài con người xem ra không có cơ cấu văn phạm. Và một điều có thể khá quan trọng là thú vật không vẽ được những tác phẩm hội họa. Mà có vẽ được họa chăng cũng chỉ là những nét nguệch ngoạc” (Giáo sư R. S. và D. H. Fouts).

[Khung nơi trang 61]

Giáo sư A. Noam Chomsky nhận xét: “Xét về trí tuệ con người, chúng ta cũng thấy các cấu trúc phức tạp kỳ diệu. Một thí dụ là ngôn ngữ, nhưng đây không phải là thí dụ duy nhất. Bạn hãy nghĩ về khả năng của óc dùng các khái niệm trừu tượng của hệ thống số, [điều đó dường như là một trí năng] độc đáo của con người”.

[Khung nơi trang 62]

“Được phú cho” khả năng đặt câu hỏi

Về tương lai của vũ trụ, nhà vật lý Lawrence Krauss viết: “Chúng ta bạo dạn đặt các câu hỏi về những điều chúng ta có thể không bao giờ gặp, bởi vì chúng ta có khả năng hỏi các câu đó. Một ngày kia con, hay cháu chúng ta sẽ giải đáp. Chúng ta được phú cho trí tưởng tượng”.

[Khung nơi trang 69]

Nếu vũ trụ sinh ra do ngẫu nhiên và chúng ta tình cờ sống trong đó, thì đời sống chúng ta không thể có một ý nghĩa lâu dài. Nhưng nếu đời sống chúng ta trong vũ trụ là kết quả của sự thiết kế, thì đời sống ắt phải có một ý nghĩa thỏa đáng.

[Khung nơi trang 72]

Có được nhờ lẩn tránh con hổ răng kiếm chăng?

John Polkinghorne, thuộc đại học đường Cambridge, Anh Quốc, nhận xét:

“Lý thuyết gia về vật lý Paul Dirac phát hiện lý thuyết gọi là trường lượng tử; đây là lý thuyết chủ yếu, giúp chúng ta hiểu được thế giới vật lý. Tôi không thể tin được rằng khả năng phát hiện lý thuyết ấy của Dirac, hay khả năng khám phá thuyết tương đối đại cương của Einstein, là một thứ sản phẩm phụ sinh ra do việc tổ tiên chúng ta phải lẩn tránh những con hổ răng kiếm. Một điều gì đó sâu xa hơn nhiều, bí ẩn hơn nhiều, đang diễn ra....

“Khi chúng ta quan sát trật tự hợp lý và vẻ đẹp hiển nhiên của thế giới vật chất, được thể hiện qua khoa học vật lý, chúng ta thấy một thế giới tràn ngập các dấu hiệu của trí thông minh. Một người có tín ngưỡng nhận ra rằng điều này phản ánh trí tuệ của Đấng Tạo Hóa” (Commonweal).

[Hình nơi trang 63]

Chỉ có loài người mới đặt câu hỏi. Vài câu hỏi trong số đó là những câu về ý nghĩa của đời sống

[Hình nơi trang 64]

Khác với loài vật, con người có ý thức về chính mình và về tương lai

[Hình nơi trang 70]

Chỉ riêng có loài người cảm thụ cái đẹp, nghĩ đến tương lai và được thu hút đến Đấng Tạo Hóa