Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một Thầy Dạy Lớn giúp chúng ta biết Đấng Tạo Hóa rõ hơn

Một Thầy Dạy Lớn giúp chúng ta biết Đấng Tạo Hóa rõ hơn

Chương Chín

Một Thầy Dạy Lớn giúp chúng ta biết Đấng Tạo Hóa rõ hơn

NHỮNG người Pha-lê-tin vào thế kỷ thứ nhất “trông-đợi”. Trông đợi gì? Trông đợi “Đấng Christ” hay “đấng Mê-si” mà các tiên tri của Đức Chúa Trời đã nói đến từ nhiều thế kỷ trước. Người ta tin Kinh-thánh được viết dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời và chứa đựng những lời tiên tri về tương lai. Một trong những lời tiên tri đó trong sách Đa-ni-ên cho biết đấng Mê-si sẽ đến vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất (Lu-ca 3:15; Đa-ni-ên 9:24-26, NW).

Tuy nhiên, họ cần thận trọng vì có nhiều người sẽ nổi lên mạo nhận là đấng mê-si (Ma-thi-ơ 24:5). Sử gia Do Thái Josephus nói đến một vài người: Thêu-đa dẫn đồ đệ tới Sông Giô-đanh và nói là nước sông sẽ rẽ ra; một người từ Ê-díp-tô dẫn người ta đến Núi Ô-li-ve, và quả quyết là tường thành Giê-ru-sa-lem sẽ sập xuống theo lệnh của ông ta; và vào thời quan tổng đốc Phê-tu, có một kẻ giả mạo hứa giải thoát khỏi mọi phiền muộn. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 5:36; 21:38).

Trái với những đồ đệ bị đánh lừa trên, một nhóm người được gọi là “tín đồ đấng Christ” nhận biết Chúa Giê-su người Na-xa-rét là thầy dạy lớn và là đấng mê-si thật (Công-vụ các Sứ-đồ 11:26, NW; Mác 10:47). Chúa Giê-su không phải là đấng Mê-si giả mạo; ngài có nhiều bằng chứng có tín lực như được xác nhận trong bốn cuốn sách lịch sử gọi là Phúc Âm. * Chẳng hạn, người Do Thái biết rằng đấng Mê-si sẽ sinh ra tại Bết-lê-hem, thuộc dòng dõi Đa-vít và sẽ làm nhiều công việc kỳ diệu. Tất cả những điều này đều ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su, và chính những kẻ chống đối ngài cũng phải nhìn nhận như vậy. Đúng vậy, Chúa Giê-su hội đủ các điều kiện là đấng Mê-si mà Kinh-thánh nói đến (Ma-thi-ơ 2:3-6; 22:41-45; Giăng 7:31, 42).

Rất nhiều người đã gặp Chúa Giê-su, quan sát các việc làm lớn lao, nghe những lời khôn ngoan độc đáo, và nhận biết khả năng thấy trước của ngài, đều tin ngài là đấng Mê-si. Trong thời gian ngài làm thánh chức (29-33 CN), các bằng chứng về chức vị Mê-si của ngài chất cao như núi. Thật vậy, ngài cho thấy ngài còn hơn là đấng Mê-si nữa. Một môn đồ, từ các sự kiện mà bản thân chứng kiến, đã kết luận: “Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời” * (Giăng 20:31).

Vì có mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời như thế nên Chúa Giê-su có thể giải thích và tiết lộ về Đấng Tạo Hóa (Lu-ca 10:22; Giăng 1:18). Chúa Giê-su quả quyết rằng mối liên hệ mật thiết mà ngài có với Cha ngài bắt đầu từ trên trời, nơi đó ngài làm việc với Đức Chúa Trời trong công cuộc tạo dựng muôn vật, vật hữu sinh và vật vô sinh (Giăng 3:13; 6:38; 8:23, 42; 13:3; Cô-lô-se 1:15, 16).

Kinh-thánh cho biết người Con đã được chuyển từ lãnh vực thần linh và “trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:5-8). Một biến cố như thế thật không bình thường, nhưng có thể được không? Các nhà khoa học xác nhận là một nguyên tố thiên nhiên như urani, có thể chuyển thành nguyên tố khác. Thậm chí họ có thể tính được kết quả khi khối lượng chuyển thành năng lượng (E=mc2). Vậy tại sao chúng ta hồ nghi việc Kinh-thánh nói một tạo vật thần linh được chuyển thành một người?

Để chứng minh cách khác, chúng ta hãy suy nghĩ về kết quả các bác sĩ đã đạt được trong việc thụ tinh trong “ống nghiệm”. Một phôi bào thành hình trong ống nghiệm được cấy vào tử cung của người đàn bà và sau đó một em bé được sinh ra. Trong trường hợp của Chúa Giê-su, Kinh-thánh bảo đảm với chúng ta là sự sống của ngài được chuyển vào một người nữ đồng trinh tên là Ma-ri bởi “quyền-phép của Đấng Rất Cao”. Nàng thuộc dòng Đa-vít nên Chúa Giê-su sẽ là người thừa kế vĩnh viễn Nước của đấng Mê-si đã được hứa với Đa-vít (Lu-ca 1:26-38; 3:23-38; Ma-thi-ơ 1:23).

Vì có mối quan hệ mật thiết với Đấng Tạo Hóa và mang hình ảnh giống Ngài nên Chúa Giê-su nói: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Ngài cũng nói: “Ngoài Con, và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không có ai biết Cha là ai” (Lu-ca 10:22). Do đó, khi biết những điều Chúa Giê-su dạy và làm trên đất, chúng ta có thể thấy cá tính của Đấng Tạo Hóa rõ hơn. Chúng ta hãy xem xét điều này qua kinh nghiệm của những người đàn ông và đàn bà từng giao dịch với Chúa Giê-su.

Người đàn bà Sa-ma-ri

Sau khi nói chuyện với Chúa Giê-su một lúc, người đàn bà Sa-ma-ri bày tỏ sự kinh ngạc “Ấy chẳng phải là Đấng Christ sao?” (Giăng 4:29). Bà còn đi gọi những người khác từ thị trấn Si-kha lân cận đến gặp Chúa Giê-su nữa. Điều gì đã thúc đẩy bà chấp nhận Chúa Giê-su là đấng Mê-si?

Người đàn bà này gặp Chúa Giê-su lúc ngài ngồi nghỉ sau suốt một buổi sáng đi bộ trên những con đường bụi bậm ở vùng đồi xứ Sa-ma-ri. Mặc dù mỏi mệt, Chúa Giê-su vẫn nói chuyện với bà. Quan sát thấy bà ham thích về thiêng liêng, Chúa Giê-su chia sẻ với bà những lẽ thật sâu xa về sự cần thiết phải “lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-phượng Cha”. Cuối cùng ngài tiết lộ ngài thật là đấng Christ, một điều mà ngài chưa từng tuyên xưng trước công chúng (Giăng 4:3-26).

Người đàn bà Sa-ma-ri này thấy cuộc gặp gỡ bất ngờ với Chúa Giê-su đầy ý nghĩa. Trước đây, bà được tôn giáo của bà dạy thờ phượng tại Núi Ga-ri-xim và dựa trên có năm cuốn đầu của Kinh-thánh. Người Do Thái xa lánh người Sa-ma-ri; nhiều người trong họ là con lai do việc cưới gả giữa mười chi phái Y-sơ-ra-ên và các dân khác. Chúa Giê-su thật khác biệt làm sao! Ngài muốn dạy người Sa-ma-ri này, dù sứ mạng của ngài là đi đến cùng “các con chiên lạc-mất của nhà Y-sơ-ra-ên” (Ma-thi-ơ 15:24). Bằng cách này, Chúa Giê-su cho thấy Đức Giê-hô-va sẵn sàng chấp nhận những người thành thật từ muôn dân (1 Các Vua 8:41-43). Đúng vậy, cả Chúa Giê-su lẫn Đức Giê-hô-va đều không chấp nhận thái độ cố chấp, đầu óc hẹp hòi về tôn giáo đang lan tràn trong thế giới ngày nay. Sự hiểu biết này phải kéo chúng ta lại gần Đấng Tạo Hóa và Con của Ngài.

Còn một bài học khác mà chúng ta có thể rút tỉa từ việc Chúa Giê-su muốn dạy người đàn bà này. Lúc đó, bà đang sống với một người đàn ông không phải là chồng (Giăng 4:16-19). Tuy nhiên, Chúa Giê-su không để cho điều này cản trở ngài nói chuyện với bà. Bạn có thể hiểu là bà đã biết ơn vì nhân phẩm của bà được tôn trọng. Trường hợp của bà không phải là duy nhất. Khi vài người lãnh đạo Do Thái (Pha-ri-si) chỉ trích Chúa Giê-su ăn chung với kẻ có tội biết ăn năn, ngài nói: “Chẳng phải là người khỏe-mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bịnh. Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương-xót, nhưng chẳng muốn của-lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công-bình, song kêu kẻ có tội” (Ma-thi-ơ 9:10-13). Chúa Giê-su mở tay giúp đỡ những người đang than thở dưới gánh nặng của tội lỗi của họ—vì vi phạm luật pháp hay là tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Thật ấm lòng biết bao khi biết Đức Chúa Trời và Con của Ngài sẽ giúp những ai khổ sở do hạnh kiểm của mình trong quá khứ gây ra! (Ma-thi-ơ 11:28-30). *

Có một điểm mà chúng ta không nên bỏ qua là trong dịp này ở Sa-ma-ri, Chúa Giê-su đã nói chuyện tử tế và giúp đỡ một người đàn bà. Tại sao điểm này đáng chú ý? Vào thời đó, người đàn ông Do Thái được dạy là nên tránh nói chuyện với đàn bà nơi công cộng dù là với vợ mình. Các thầy ra-bi của Do Thái Giáo nghĩ đàn bà không có khả năng thâu nhận sự dạy dỗ sâu xa về thiêng liêng và coi họ như có “đầu óc hạn hẹp”. Một số người nói: “Thà đốt cháy lời của luật pháp còn hơn là nói cho đàn bà hay”. Vì lớn lên trong bầu không khí như thế nên khi trở lại, các môn đồ của Chúa Giê-su “đều sững-sờ về Ngài nói với một người đờn-bà” (Giăng 4:27). Sự tường thuật này—một trong nhiều tường thuật khác—cho thấy rõ là Chúa Giê-su mang hình ảnh của Cha ngài, Đấng dựng nên và coi trọng cả đàn ông lẫn đàn bà (Sáng-thế Ký 2:18).

Sau đó người đàn bà Sa-ma-ri đã thuyết phục người trong thành của bà đến nghe Chúa Giê-su. Nhiều người đã xem xét các sự kiện và trở thành người tin Chúa Giê-su. Họ nói họ “biết rằng chính Ngài thật là Cứu-Chúa của thế-gian” (Giăng 4:39-42). Vì chúng ta nằm trong “thế-gian” của nhân loại nên Chúa Giê-su quan trọng cho tương lai của chúng ta nữa.

Quan điểm của một người đánh cá

Bây giờ chúng ta hãy nhìn Chúa Giê-su dưới cặp mắt của hai người bạn thân, đó là Phi-e-rơ và Giăng. Hai người đánh cá tầm thường này nằm trong số những môn đồ tiên khởi của ngài (Ma-thi-ơ 4:13-22; Giăng 1:35-42). Người Pha-ri-si xem họ thuộc thành phần những “người dốt-nát không học”, những người quê mùa (ʽam-ha·ʼaʹrets), những người bị khinh thường vì không được học ở trường như những thầy ra-bi (Công-vụ các Sứ-đồ 4:13; Giăng 7:49). Nhiều người dân tầm thường ấy bị “mệt-mỏi và gánh nặng” dưới cái ách của những kẻ giữ đạo theo truyền thống; họ khao khát được soi sáng về thiêng liêng. Giáo sư Charles Guignebert thuộc đại học Sorbonne bình luận rằng “trọn lòng họ thuộc về Đức Gia-vê [Giê-hô-va]”. Chúa Giê-su không xoay lưng với những người hèn mọn này mà hùa theo những người giàu sang hoặc có thế lực. Trái lại, ngài tỏ Cha ra cho họ qua các dạy dỗ và qua cách ngài cư xử (Ma-thi-ơ 11:25-28).

Chính Phi-e-rơ trực tiếp nghiệm được thái độ đầy quan tâm của ngài. Sau khi theo Chúa Giê-su đi làm thánh chức một thời gian ngắn, bà gia của ông bị nóng sốt. Vừa bước vào nhà Phi-e-rơ, Chúa Giê-su cầm lấy tay bà, và cơn sốt biến mất! Chúng ta có thể không biết diễn tiến chính xác trong việc chữa trị này, cũng giống như các y sĩ ngày nay không thể giải thích thỏa đáng một số sự chữa trị xảy ra như thế nào, dù sao cơn sốt đã rời khỏi người đàn bà này. Việc biết phương pháp chữa trị của Chúa Giê-su không quan trọng bằng việc ý thức rằng qua sự chữa trị người bệnh và người khốn khổ, ngài cho thấy lòng thương xót đối với họ. Giống như Cha ngài, ngài thật sự muốn giúp người ta (Mác 1:29-31, 40-43; 6:34). Nhờ tiếp xúc với Chúa Giê-su, Phi-e-rơ có thể thấy Đấng Tạo Hóa coi mỗi người là trọng, đều đáng được chăm sóc (1 Phi-e-rơ 5:7).

Vào một lần khác, Chúa Giê-su ngồi trong Hành Lang dành cho phụ nữ ở đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ngài quan sát người ta bỏ tiền đóng góp vào rương. Những người giàu bỏ vào nhiều tiền. Chăm chú quan sát, ngài thấy một người đàn bà góa bỏ hai xu có giá trị ít oi. Chúa Giê-su nói với Phi-e-rơ, Giăng và với những người khác: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ tiền vào rương nhiều hơn hết thảy những người đã bỏ vào. Vì mọi kẻ khác lấy của dư mình bỏ vào, còn mụ nầy nghèo-cực lắm, đã bỏ hết của mình có, là hết của có để nuôi mình” (Mác 12:41-44).

Bạn có thể thấy là Chúa Giê-su nhìn vào điểm tốt của người ta, và ngài quý sự cố gắng của mỗi người. Theo bạn nghĩ thì các đức tính này có tác động gì trên Phi-e-rơ và các sứ đồ khác? Nhận thức được Đức Giê-hô-va như thế nào qua gương của Chúa Giê-su, sau này, Phi-e-rơ trích bài Thi-thiên: “Mắt của Chúa đoái-trông người công-bình, tai Ngài lóng nghe lời cầu-nguyện người” (1 Phi-e-rơ 3:12; Thi-thiên 34:15, 16). Bạn lại không cảm thấy được kéo lại gần Đấng Tạo Hóa và Con Ngài là hai Đấng chỉ nhìn vào điểm tốt nơi bạn và sẽ lắng nghe lời kêu cầu của bạn hay sao?

Sau khi kết hợp với Chúa Giê-su khoảng hai năm, Phi-e-rơ tin chắc Chúa Giê-su là đấng Mê-si. Một lần kia, Chúa Giê-su hỏi các môn đồ: “Người ta nói ta là ai?” Các môn đồ trả lời khác nhau. Rồi ngài hỏi họ: “Nhưng các ngươi thì nói ta là ai?” Phi-e-rơ đáp lại một cách đầy tự tin: “Thầy là Đấng Christ”. Có lẽ bạn lấy làm lạ về hành động sau đó của Chúa Giê-su. Ngài “bèn cấm ngặt môn-đồ chớ nói sự mình cùng ai hết” (Mác 8:27-30; 9:30; Ma-thi-ơ 12:16). Tại sao ngài lại nói thế? Vì đang ở giữa họ nên ngài không muốn người ta dựa vào tin đồn để quyết định. Điều này hợp lý phải không? (Giăng 10:24-26). Điểm cốt yếu là Đấng Tạo Hóa của chúng ta cũng muốn chúng ta tìm hiểu về Ngài qua việc chính chúng ta tra xem những bằng cớ chắc chắn. Ngài muốn sự tin quyết của chúng ta dựa vào các sự kiện (Công-vụ các Sứ-đồ 17:27).

Như bạn có thể tưởng tượng, một số người đồng hương của Chúa Giê-su không chấp nhận ngài, mặc dù có vô số bằng chứng cho thấy ngài được Đấng Tạo Hóa ủng hộ. Nhiều người khác, vì quá bận tâm tới địa vị hoặc mục tiêu chính trị, thấy đấng Mê-si thành thật nhưng khiêm nhường này không hợp ý họ thích. Khi thánh chức của ngài gần chấm dứt, Chúa Giê-su nói: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên-tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm-họp các con ngươi... mà các ngươi chẳng khứng! Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!” (Ma-thi-ơ 23:37, 38). Tình trạng thay đổi này đối với quốc gia đó đánh dấu một bước quan trọng trong việc thực hiện ý định của Đức Chúa Trời là ban phước cho mọi dân.

Chẳng bao lâu sau đó, Phi-e-rơ và ba sứ đồ khác được nghe Chúa Giê-su tiên tri chi tiết về “sự cuối cùng của hệ thống mọi sự” (NW). * Những gì Chúa Giê-su tiên tri đã ứng nghiệm tiên khởi với cuộc tấn công của quân La Mã vào thành Giê-ru-sa-lem và sự phá hủy thành này vào năm 66-70 CN. Lịch sử xác nhận những gì Chúa Giê-su tiên tri đã xảy ra. Phi-e-rơ được chứng kiến tận mắt nhiều điều Chúa Giê-su đã tiên tri, và điều này được phản ánh trong hai cuốn sách do ông viết; đó là sách 1 2 Phi-e-rơ (1 Phi-e-rơ 1:13; 4:7; 5:7, 8; 2 Phi-e-rơ 3:1-3, 11, 12).

Trong thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su kiên nhẫn mở rộng lòng nhân từ đối với người Do Thái quanh ngài. Nhưng ngài không ngần ngại lên án sự gian ác. Điều này đã giúp Phi-e-rơ, và cũng nên giúp chúng ta, hiểu Đấng Tạo Hóa đầy đủ hơn. Khi thấy những điều Chúa Giê-su tiên tri được ứng nghiệm, Phi-e-rơ viết rằng các tín đồ đấng Christ nên “chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến”. Phi-e-rơ cũng viết: “Chúa không chậm-trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn-nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”. Rồi Phi-e-rơ đưa ra những lời khích lệ về ‘trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở’ (2 Phi-e-rơ 3:3-13). Chúng ta có giống Phi-e-rơ biết quý trọng các đức tính của Đức Chúa Trời phản ánh nơi Chúa Giê-su và có bày tỏ niềm tin nơi lời hứa của Ngài về tương lai không?

Tại sao Chúa Giê-su chết?

Vào đêm cuối cùng với các sứ đồ, Chúa Giê-su dùng một bữa ăn đặc biệt với họ. Trong một bữa ăn như thế, thường người Do Thái chủ nhà bày tỏ lòng hiếu khách bằng cách rửa chân cho khách có thể đã đi bộ với đôi dép trên con đường đầy bụi. Tuy nhiên, không ai nghĩ đến việc làm điều này cho Chúa Giê-su. Bởi vậy, ngài khiêm nhường đứng dậy, lấy khăn và chậu, và bắt đầu rửa chân cho các sứ đồ. Tới lượt Phi-e-rơ, ông thấy xấu hổ để Chúa Giê-su phục dịch. Phi-e-rơ nói: “Chúa sẽ chẳng rửa chơn tôi bao giờ”. Chúa Giê-su trả lời: “Nếu ta không rửa cho ngươi, ngươi chẳng có phần chi với ta hết”. Vì biết chẳng bao lâu nữa ngài sẽ chết nên Chúa Giê-su nói thêm: “Nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chơn cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chơn lẫn cho nhau. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi” (Giăng 13:5-17).

Nhiều thập kỷ sau, Phi-e-rơ kêu gọi các tín đồ đấng Christ bắt chước gương Chúa Giê-su, không phải trong nghi lễ rửa chân, nhưng trong sự khiêm nhường phục vụ người khác hơn là “cai quản” họ. Phi-e-rơ cũng ý thức rằng gương của Chúa Giê-su chứng tỏ “Đức Chúa Trời chống-cự kẻ kiêu-ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm-nhường”. Thật là một bài học quý giá về Đấng Tạo Hóa! (1 Phi-e-rơ 5:1-5, NW; Thi-thiên 18:35). Tuy nhiên, Phi-e-rơ còn được học nhiều hơn nữa.

Sau bữa ăn cuối cùng, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, từng là một sứ đồ nhưng trở thành kẻ trộm, dẫn một toán người trang bị vũ khí đến bắt Chúa Giê-su. Khi họ tra tay hành động, Phi-e-rơ đã phản ứng. Ông rút gươm ra và đánh bị thương một người trong bọn. Chúa Giê-su sửa sai Phi-e-rơ: “Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết về gươm”. Rồi Chúa Giê-su sờ vào người bị thương và chữa lành cho trong khi Phi-e-rơ đứng nhìn (Ma-thi-ơ 26:47-52; Lu-ca 22:49-51). Rõ ràng Chúa Giê-su sống phù hợp với sự dạy dỗ của ngài là “hãy yêu kẻ thù-nghịch”. Ngài bắt chước Cha ngài, Đấng “khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công-bình cùng kẻ độc-ác” (Ma-thi-ơ 5:44, 45).

Trong đêm căng thẳng ấy, Chúa Giê-su bị tòa án tối cao Do Thái xét xử vội vã. Ngài bị cáo gian tội phạm thượng, bị giải đến Quan Tổng Đốc La Mã, và rồi bị đem đi hành quyết một cách bất công. Người Do Thái và người La Mã chế nhạo ngài. Ngài bị đánh đập tàn nhẫn và cuối cùng bị đóng đinh. Phần lớn sự đối xử tàn tệ này làm ứng nghiệm những lời tiên tri viết từ nhiều thế kỷ trước. Thậm chí những người lính nhìn Chúa Giê-su treo trên cây khổ hình cũng phải nhận: “Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 26:57–27:54; Giăng 18:12–19:37).

Những diễn tiến này đã khiến Phi-e-rơ và những người khác phải hỏi: ‘Tại sao đấng Christ phải bị chết?’ Chỉ sau này họ mới hiểu. Một lý do là những biến cố ấy làm ứng nghiệm lời tiên tri trong sách Ê-sai chương 53, theo đó, đấng Christ sẽ đem lại sự giải thoát không những cho người Do Thái mà còn cho toàn thể nhân loại nữa. Phi-e-rơ viết: “Ngài gánh tội-lỗi chúng ta trong thân-thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội-lỗi, được sống cho sự công-bình; lại nhơn những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh” (1 Phi-e-rơ 2:21-25). Phi-e-rơ nắm được ý nghĩa của một lẽ thật mà Chúa Giê-su đã tiết lộ: “Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:28). Đúng vậy, Chúa Giê-su đã hy sinh quyền được sống của một người hoàn toàn để chuộc nhân loại khỏi tình trạng tội lỗi thừa kế từ A-đam. Đó là một sự dạy dỗ cơ bản của Kinh-thánh—giá chuộc.

Giá chuộc liên hệ đến những gì? Bạn có thể suy nghĩ về giá chuộc theo cách này: Giả thử máy vi tính của bạn có một hồ sơ điện tử đáng lẽ toàn hảo nhưng bị hỏng vì một lỗi (hay virut) mà một người nào đó đã đặt vào. Sự kiện này minh họa hậu quả của những gì mà A-đam đã làm cho nhân loại khi ông cố tình bất tuân lệnh Đức Chúa Trời, hay là phạm tội. Chúng ta hãy tiếp tục dùng minh họa. Từ hồ sơ điện tử bị hỏng, bạn có làm bao nhiêu bản sao đi nữa, tất cả đều bị hỏng hết. Tuy nhiên tình trạng không phải là vô vọng. Với một chương trình đặc biệt, bạn có thể phát hiện và loại đi lỗi sai khỏi hồ sơ và khỏi máy vi tính. Tương tự như vậy, nhân loại đã nhận một “virut” tức là tội lỗi từ A-đam và Ê-va và chúng ta cần sự giúp đỡ từ bên ngoài để loại hẳn nó đi (Rô-ma 5:12). Theo Kinh-thánh, Đức Chúa Trời đã dùng cái chết của Chúa Giê-su để loại hẳn tội lỗi. Đây là một sự sắp đặt đầy yêu thương đem lại lợi ích cho chúng ta (1 Cô-rinh-tô 15:22).

Vì biết ơn những gì Chúa Giê-su đã làm, Phi-e-rơ được thúc đẩy để khi “còn sống trong xác-thịt bao lâu thì chớ lại theo những sự người ta ưa-thích, một phải theo ý-muốn Đức Chúa Trời”. Đối với Phi-e-rơ cũng như đối với chúng ta, điều này có nghĩa là phải tránh những thói quen hư hỏng và lối sống vô luân. Có người lại gây khó khăn cho những ai gắng sức làm theo “ý-muốn Đức Chúa Trời”. Dù thế nào những người này sẽ thấy đời sống mình trở nên phong phú và có ý nghĩa hơn (1 Phi-e-rơ 4:1-3, 7-10, 15, 16). Về phần Phi-e-rơ, ông thấy như vậy. Chúng ta cũng sẽ như ông khi chúng ta ‘hãy cứ làm lành mà phó linh-hồn mình cho Đấng Tạo-hóa thành-tín’ (1 Phi-e-rơ 4:19).

Một môn đồ nhận ra tình yêu thương

Sứ đồ Giăng là một môn đồ khác thân cận với Chúa Giê-su, và do đó là người có thể giúp chúng ta hiểu Đấng Tạo Hóa đầy đủ hơn. Giăng viết một cuốn Phúc Âm và ba lá thư (1, 2, 3 Giăng). Trong một lá thư, ông cho chúng ta sự thông sáng này: “Chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến, Ngài đã ban trí-khôn cho chúng ta đặng chúng ta biết Đấng chân-thật [Đấng Tạo Hóa], và chúng ta ở trong Đấng chân-thật, là ở trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Con của Ngài. Ấy chính Ngài là Đức Chúa Trời chân-thật và là sự sống đời đời” (1 Giăng 5:20).

Để nhận được sự hiểu biết về “Đấng chân-thật”, Giăng phải dùng đến “trí-khôn”. Giăng đã phát hiện được những gì về các đức tính của Đấng Tạo Hóa? Ông viết: “Đức Chúa Trời tức là sự yêu-thương, ai ở trong sự yêu-thương, là ở trong Đức Chúa Trời”. Tại sao Giăng có thể chắc chắn như thế? “Nầy, sự yêu-thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của-lễ chuộc tội chúng ta” (1 Giăng 4:10, 16). Giống như Phi-e-rơ, Giăng cũng xúc động về tình yêu thương mà Đức Chúa Trời bày tỏ qua việc sai Con Ngài xuống để chết cho chúng ta.

Vì ở kề cận với Chúa Giê-su, Giăng nhận biết rõ cảm xúc của ngài. Một biến cố ở Bê-tha-ni gần Giê-ru-sa-lem gây cho Giăng một ấn tượng sâu xa. Được tin bạn ngài là La-xa-rơ bị đau nặng, Chúa Giê-su đi đến Bê-tha-ni. Khi ngài và các sứ đồ tới nơi thì La-xa-rơ đã chết bốn ngày. Giăng biết rằng Đấng Tạo Hóa, Nguồn sự sống của loài người, ở với Chúa Giê-su. Vậy có thể nào ngài làm cho La-xa-rơ sống lại chăng? (Lu-ca 7:11-17; 8:41, 42, 49-56). Chúa Giê-su nói với Ma-thê, em của La-xa-rơ: “Anh ngươi sẽ sống lại” (Giăng 11:1-23).

Rồi Giăng thấy Ma-ri, một người em gái khác của La-xa-rơ, đến gặp Chúa Giê-su. Chúa Giê-su phản ứng thế nào? Ngài “đau lòng cảm-động”. Để diễn tả phản ứng của Chúa Giê-su, Giăng dùng từ Hy Lạp mang ý nghĩa một sự xúc động bộc phát tự nhiên từ trong lòng. Giăng có thể nhìn thấy Chúa Giê-su “đau lòng” hay cảm xúc đau đớn bên trong. Chúa Giê-su không lãnh đạm hay hờ hững. Ngài “khóc” (Giăng 11:30-37). Rõ ràng Chúa Giê-su có tình cảm sâu xa đầy yêu thương và điều này đã giúp Giăng cũng như sẽ giúp chúng ta nhận biết được tình cảm của Đấng Tạo Hóa.

Giăng biết tình cảm của Chúa Giê-su đi đôi với hành động tích cực, vì ông nghe thấy ngài kêu lớn tiếng: “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!” Và điều này xảy ra. La-xa-rơ sống lại và ra khỏi mồ. Đối với hai người em gái và những người có mặt, niềm vui sướng nào lớn cho bằng! Nhiều người tin theo Chúa Giê-su. Kẻ thù của ngài cũng không thể phủ nhận phép lạ làm người chết sống lại mà ngài đã thực hiện, nhưng khi tin về phép lạ đó được loan đi thì họ “bèn định giết luôn La-xa-rơ” cùng với Chúa Giê-su nữa (Giăng 11:43; 12:9-11).

Kinh-thánh mô tả Chúa Giê-su là ‘hình-bóng của bổn-thể của Đấng Tạo Hóa’ (Hê-bơ-rơ 1:3). Do đó, thánh chức của Chúa Giê-su cho chúng ta bằng cớ rộng rãi về ý muốn mãnh liệt của ngài và của Cha ngài trong việc giải trừ sự tàn hại của bệnh hoạn và sự chết. So với điều này thì một vài sự sống lại mà Kinh-thánh ghi lại sẽ không thấm thía gì. Thật ra, Giăng có mặt khi Chúa Giê-su nói: “Giờ sẽ đến khi mọi người ở trong mồ tưởng niệm nghe tiếng [của Con] và ra khỏi” (Giăng 5:28, 29, NW). Hãy để ý, thay vì dùng từ mả thì ở đây Giăng lại dùng từ “mồ tưởng niệm”. Tại sao vậy?

Vì có liên hệ đến trí nhớ của Đức Chúa Trời. Chắc chắn Đấng Tạo Hóa của vũ trụ mênh mông này có thể nhớ từng chi tiết về những người thân yêu đã chết của chúng ta, gồm cả những nét do di truyền hoặc do thu thập. (So sánh Ê-sai 40:26). Không phải Ngài chỉ có thể nhớ mà thôi nhưng cả Ngài lẫn Con Ngài muốn làm như vậy. Về viễn tượng tuyệt diệu của sự sống lại, người trung thành Gióp nói về Đức Chúa Trời: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng!... Chúa [Giê-hô-va] sẽ gọi, tôi sẽ thưa lại. Chúa sẽ đoái đến công-việc của tay Chúa” (Gióp 14:14, 15; Mác 1:40-42). Đấng Tạo Hóa của chúng ta tuyệt diệu biết bao, thật đáng cho chúng ta thờ phượng!

Chúa Giê-su sống lại—Chìa khóa mở đường cho một đời sống có ý nghĩa

Giăng, một môn đồ yêu dấu của Chúa Giê-su chăm chú quan sát ngài cho đến lúc ngài chết. Còn hơn thế nữa, Giăng đã ghi lại sự sống lại vĩ đại nhất chưa từng có, một biến cố đặt nền tảng vững chắc để chúng ta có một đời sống vĩnh cửu và có ý nghĩa.

Kẻ thù của Chúa Giê-su đã khiến ngài bị xử tử, bị đóng đinh trên cây gỗ như một phạm nhân tầm thường. Nhiều người đứng nhìn—trong đó có cả những nhà lãnh đạo tôn giáo—nhạo báng ngài trong khi ngài bị đau đớn nhiều giờ. Mặc dù đau đớn cùng cực trên cây gỗ, khi nhìn thấy mẹ ngài, Chúa Giê-su nói với bà về Giăng: “Hỡi đờn-bà kia, đó là con của ngươi!” Vào lúc đó, bà Ma-ri hẳn đã góa, và các con khác của bà chưa phải là môn đồ. * Do đó, Chúa Giê-su giao cho môn đồ Giăng chăm sóc mẹ già của ngài. Một lần nữa, điều này phản ánh ý nghĩ của Đấng Tạo Hóa khuyến khích chăm nom trẻ mồ côi và người góa bụa (Giăng 7:5; 19:12-30; Mác 15:16-39; Gia-cơ 1:27).

Nhưng một khi đã chết thì làm sao Chúa Giê-su có thể thực hiện được vai trò là “dòng-dõi” để “các dân thế-gian đều... được phước”? (Sáng-thế Ký 22:18). Với cái chết của ngài, vào một buổi sau trưa trong tháng Tư năm 33 CN, Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống để làm căn bản cho giá chuộc. Người Cha có tình cảm nồng nàn của ngài hẳn rất đau lòng khi thấy Con vô tội phải trải qua cơn đau đớn cùng cực. Tuy nhiên, bằng cách này, Ngài đã hoàn tất việc cung cấp giá chuộc cần thiết để giải thoát nhân loại khỏi vòng tội lỗi và sự chết (Giăng 3:16; 1 Giăng 1:7). Tất cả đã sẵn sàng cho hồi kết thúc.

Bởi vì Chúa Giê-su đóng vai trò chủ yếu trong việc hoàn thành các ý định của Đức Chúa Trời nên ngài phải được sống lại. Điều đó đã xảy ra và Giăng được chứng kiến. Vào sáng sớm ngày thứ ba sau khi Chúa Giê-su chết và an táng, vài môn đồ đi tới mộ và thấy mộ trống rỗng. Mọi người hoang mang cho tới khi Chúa Giê-su hiện ra với những người khác nhau. Ma-ri Ma-đơ-len báo cáo: “Tôi đã thấy Chúa!” Các môn đồ không tin bà. Sau đó, khi các môn đồ nhóm lại trong một phòng khóa chặt, Chúa Giê-su xuất hiện một lần nữa và nói chuyện với họ. Nội trong ít ngày, hơn 500 người đàn ông và đàn bà được chứng kiến tận mắt Chúa Giê-su thật sự đang sống. Vào thời đó, nếu ai còn hồ nghi, họ có thể phỏng vấn những nhân chứng đáng tin cậy này và kiểm tra lời chứng của họ. Còn về phần các môn đồ của Chúa Giê-su, họ biết chắc ngài đã sống lại và đang sống như một tạo vật thần linh như Đấng Tạo Hóa là thần linh vậy. Bằng chứng về biến cố này thì đầy dẫy và đáng tin tới mức độ nhiều người sẵn sàng chết hơn là từ chối việc Chúa Giê-su đã sống lại (Giăng 20:1-29; Lu-ca 24:46-48; 1 Cô-rinh-tô 15:3-8). *

Sứ đồ Giăng cũng chịu sự bắt bớ vì làm chứng về sự sống lại của Chúa Giê-su (Khải-huyền 1:9). Ông bị phạt lưu đày, nhưng trong thời gian này, ông nhận được phần thưởng khác thường. Chúa Giê-su cho ông một loạt sự hiện thấy, nhờ đó chúng ta biết Đấng Tạo Hóa rõ hơn và biết tương lai sẽ ra sao. Bạn có thể tìm thấy những điều này trong sách Khải-huyền, một sách dùng nhiều biểu tượng. Nơi đây, Chúa Giê-su Christ được miêu tả là một vị Vua chiến thắng chẳng bao lâu nữa sẽ hoàn tất cuộc chinh phục kẻ thù. Những kẻ thù này bao gồm cả sự chết (là kẻ thù của mọi người chúng ta) và tạo vật thần linh bại hoại là Sa-tan (Khải-huyền 6:1, 2; 12:7-9; 19:19–20:3, 13, 14).

Gần cuối thông điệp về ngày tận thế, Giăng được một sự hiện thấy về thời kỳ mà trái đất sẽ thành địa đàng. Một tiếng nói miêu tả tình trạng vào lúc đó: “Chính Đức Chúa Trời sẽ ở với [nhân loại]. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhứt đã qua rồi” (Khải-huyền 21:3, 4). Trong việc thực thi ý định của Đức Chúa Trời thì lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham sẽ được ứng nghiệm (Sáng-thế Ký 12:3; 18:18).

Sự sống lúc đó sẽ là “sự sống thật”, có thể so sánh với sự sống đặt trước mặt A-đam khi ông được dựng nên (1 Ti-mô-thê 6:19). Con người không còn phải mò mẫm tìm Đấng Tạo Hóa của mình và để hiểu mối quan hệ của mình với Ngài. Tuy nhiên bạn có thể hỏi: ‘Khi nào điều đó xảy ra? Và tại sao Đấng Tạo Hóa đầy quan tâm của chúng ta lại cho phép sự gian ác và đau khổ kéo dài cho tới ngày nay?’ Chúng ta hãy xem xét những câu hỏi này kế tiếp.

[Chú thích]

^ đ. 5 Ma-thi-ơ, Mác Giăng là những nhân chứng chứng kiến tận mắt. Còn Lu-ca thực hiện một cuộc nghiên cứu uyên thâm dùng các tài liệu và các chứng cớ của những người chứng mục kích. Các sách Phúc Âm đều có đặc điểm là tường thuật thành thật, chính xác và đáng tin cậy. (Xin xem Cuốn sách cho muôn dân, trang 16, 17, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản).

^ đ. 6 Kinh Koran nói: “Ngài sẽ được gọi là Giê-su Christ, con trai của Ma-ri, được tôn trọng trong thế gian này và trong Tương Lai mai sau” (Sura 3:45). Là một người, Giê-su là con trai của Ma-ri. Nhưng ai chịu trách nhiệm là cha? Kinh Koran ghi nhận: “Trước mặt Đức Chúa Trời, Giê-su tương tự như A-đam” (Sura 3:59). Kinh-thánh nói A-đam là “con Đức Chúa Trời” (Lu-ca 3:23, 38). Cha của cả A-đam lẫn Giê-su đều không phải là người; cả hai đều không bởi sự giao hợp với đàn bà mà sinh ra. Vì vậy, như A-đam là con Đức Chúa Trời thì Chúa Giê-su cũng là con Đức Chúa Trời.

^ đ. 15 Thái độ của Chúa Giê-su phù hợp với thái độ của Đức Giê-hô-va như được diễn tả nơi Thi-thiên 103 và Ê-sai 1:18-20.

^ đ. 25 Chúng ta có thể đọc lời tiên tri đó nơi Ma-thi-ơ chương 24, Mác chương 13, và Lu-ca chương 21.

^ đ. 45 Ít nhất có hai người sau này trở thành môn đồ và viết những lá thư đầy khích lệ nằm trong Kinh-thánh, đó là Gia-cơ Giu-đe.

^ đ. 47 Một sĩ quan La Mã cao cấp đã nghe Phi-e-rơ, một chứng nhân thấy tận mắt, trình bày: “Việc đã bắt đầu từ xứ Ga-li-lê tràn ra trong cả xứ Giu-đê... thì các ngươi biết rồi... Ngày thứ ba, Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại, lại cho Ngài được tỏ ra... Lại Ngài đã biểu chúng ta khá giảng-dạy cho dân-chúng, và chứng quyết chính Ngài là Đấng Đức Chúa Trời đã lập lên để đoán-xét kẻ sống và kẻ chết” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:32; 3:15; 10:34-42).

[Khung nơi trang 150]

Bạn có thể thích thú so sánh sự tường thuật song song về sự chữa lành bà gia của Phi-e-rơ (Ma-thi-ơ 8:14-17; Mác 1:29-31; Lu-ca 4:38, 39). Thầy thuốc Lu-ca nói thêm một chi tiết về cơn bệnh là bà bị “lên cơn sốt”. Điều gì giúp Chúa Giê-su chữa cho bà và cho người khác? Lu-ca xác nhận là “quyền-phép Chúa [Đức Giê-hô-va] ở trong Ngài [Chúa Giê-su] để chữa lành các bịnh” (Lu-ca 5:17; 6:19; 9:43).

[Khung nơi trang 152]

Bài giảng hay nhất chưa từng thấy

Nhà lãnh đạo Ấn Độ Mohandas Gandhi từng phát biểu là nếu làm theo những lời dạy dỗ trong bài giảng thì “chúng ta sẽ giải quyết được những vấn đề... của cả thế giới”. Nhà nhân chủng học nổi tiếng Ashley Montagu viết rằng những khám phá hiện đại về tầm quan trọng của tình yêu thương trên phương diện tâm lý chỉ là “sự công nhận giá trị” bài giảng này.

Những nhân vật trên muốn nói đến Bài Giảng trên Núi của Chúa Giê-su. Ông Gandhi cũng nói rằng “sự dạy dỗ trong Bài Giảng áp dụng cho từng người chúng ta”. Giáo sư Hans Dieter Betz mới đây ghi nhận: “Ảnh hưởng của Bài Giảng trên Núi thường vượt ra ngoài biên giới của Do Thái Giáo và đạo đấng Christ, thậm chí ngoài cả văn hóa Tây Phương”. Ông còn thêm là bài giảng này có “một sự hấp dẫn kỳ lạ trên toàn cầu”.

Chúng tôi mời bạn đọc bài giảng tương đối ngắn nhưng vô cùng thích thú này. Bạn có thể tìm thấy bài giảng đó nơi Ma-thi-ơ chương 5 đến chương 7; và Lu-ca 6:20-49. Đây là một số điểm đặc sắc chúng ta có thể lấy ra từ bài giảng nổi tiếng đó:

Làm thế nào để được hạnh phúc (Ma-thi-ơ 5:3-12; Lu-ca 6:20-23).

Làm thế nào để giữ được sự tự trọng (Ma-thi-ơ 5:14-16, 37; 6:2-4, 16-18; Lu-ca 6:43-45).

Làm thế nào để cải thiện mối liên lạc với người khác (Ma-thi-ơ 5:22-26, 38-48; 7:1-5, 12; Lu-ca 6:27-38, 41, 42).

Làm thế nào để giảm thiểu các vấn đề trong hôn nhân (Ma-thi-ơ 5:27-32).

Làm thế nào để đối phó với sự lo âu (Ma-thi-ơ 6:25-34).

Làm thế nào để nhận ra sự lừa dối về tôn giáo (Ma-thi-ơ 6:5-8, 16-18; 7:15-23).

Làm thế nào để tìm ra ý nghĩa của đời sống (Ma-thi-ơ 6:9-13, 19-24, 33; 7:7-11, 13, 14, 24-27; Lu-ca 6:46-49).

[Khung nơi trang 159]

Con người nhiệt huyết

Chúa Giê-su Christ không phải là một người sống ẩn dật thụ động. Ngài là một người cương quyết đầy nhiệt huyết. Ngài đi từ “làng nầy đến làng khác, giảng dạy”, giúp những người “cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn” (Mác 6:6; Ma-thi-ơ 9:36; Lu-ca 8:1). Không giống như nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo giàu có ngày nay, Chúa Giê-su không hề chất chứa của cải, ngài “không có chỗ mà gối đầu” (Ma-thi-ơ 8:20).

Trong khi dồn nỗ lực chính yếu vào sự cung cấp đồ ăn và sự chữa trị về thiêng liêng, ngài không bỏ qua nhu cầu về vật chất của người ta. Ngài chữa người bệnh, người tàn tật, và người bị quỷ ám (Mác 1:32-34). Có hai lần ngài cho hàng ngàn người đến nghe ngài ăn vì ngài thương xót họ (Mác 6:35-44; 8:1-8). Mối quan tâm đến người ta chính là động lực khiến ngài làm phép lạ (Mác 1:40-42).

Chúa Giê-su đã hành động cương quyết khi đuổi những kẻ buôn bán tham lam ra khỏi đền thờ. Những người quan sát ngài hành động nhớ lại lời của người viết Thi-thiên: “Sự sốt-sắng về nhà Chúa tiêu-nuốt tôi” (Giăng 2:14-17). Khi lên án những nhà lãnh đạo tôn giáo giả hình, ngài không ngần ngại dùng những từ nặng nề (Ma-thi-ơ 23:1-39). Ngài cũng không chịu khuất phục trước áp lực của những nhà chính trị quyền thế (Ma-thi-ơ 26:59-64; Giăng 18:33-37).

Bạn sẽ thấy hào hứng khi đọc về thánh chức sống động của Chúa Giê-su. Nhiều người đọc lần đầu thường bắt đầu từ sự tường thuật tuy ngắn nhưng sống động của Mác về con người đầy nhiệt huyết này.

[Khung nơi trang 164]

Chúa Giê-su động đến lòng khiến họ hành động

Trong sách Công-vụ các Sứ-đồ, chúng ta thấy một sự tường thuật có tính cách lịch sử về việc Phi-e-rơ, Giăng và những người khác làm chứng như thế nào về sự sống lại của Chúa Giê-su. Phần lớn cuốn sách kể lại những biến cố liên hệ đến một sinh viên luật thông minh tên là Sau-lơ, hay Phao-lô, người đã từng chống đối đạo đấng Christ một cách dữ dội. Chúa Giê-su được sống lại đã hiện ra với ông (Công-vụ các Sứ-đồ 9:1-16). Thấy được bằng cớ không thể chối cãi là Chúa Giê-su đang sống ở trên trời, Phao-lô đã nhiệt thành làm chứng về sự kiện này cho người Do Thái và dân ngoại, gồm cả triết gia và giới chức chính quyền. Thật cảm động khi đọc những gì ông nói với những người có học và có thế lực đó (Công-vụ các Sứ-đồ 17:1-3, 16-34; 26:1-29).

Trải qua vài thập niên, Phao-lô viết nhiều sách trong phần được gọi là Tân Ước hay là Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp. Hầu hết các cuốn Kinh-thánh đều có bảng mục lục liệt kê 14 sách do Phao-lô viết từ sách Rô-ma đến sách Hê-bơ-rơ. Những sách này chứa đựng lẽ thật sâu xa và sự hướng dẫn khôn ngoan cho các tín đồ đấng Christ hồi đó. Đối với chúng ta, những người không được tiếp xúc trực tiếp với các sứ đồ và các người chứng kiến tận mắt các dạy dỗ, việc làm và sự sống lại của Chúa Giê-su thì những sách ấy còn có giá trị hơn nữa. Bạn sẽ thấy các sách do Phao-lô viết có thể giúp đỡ bạn trong đời sống gia đình, trong cách cư xử với người ở sở làm và người lối xóm, và hướng dẫn bạn sống sao cho đời sống có ý nghĩa thật sự và đem lại cho bạn sự thỏa lòng.

[Hình nơi trang 146]

Các nhà khoa học thực hiện sự thụ tinh trong ống nghiệm. Đấng Tạo Hóa chuyển sự sống của Con Ngài thành người

[Hình nơi trang 148]

Khi nghe Chúa Giê-su và thấy cách cư xử của ngài với người ta, nhiều người biết Đức Chúa Trời rõ hơn

[Hình nơi trang 154]

Chúa Giê-su rửa chân cho các sứ đồ, nêu một gương về khiêm nhường, một đức tính được Đấng Tạo Hóa coi trọng

[Hình nơi trang 157]

Có thể loại một lỗi (hay là một virut) ra khỏi hệ thống vi tính; nhân loại cần giá chuộc của Chúa Giê-su để loại sự bất toàn do thừa kế

[Hình nơi trang 163]

Các chứng nhân mục kích Chúa Giê-su được an táng trong mộ (giống như hình này), và ngài được sống lại vào ngày thứ ba