Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một lịch sử xa xưa về sự sáng tạo—Bạn có thể tin cậy không?

Một lịch sử xa xưa về sự sáng tạo—Bạn có thể tin cậy không?

Chương Sáu

Một lịch sử xa xưa về sự sáng tạo—Bạn có thể tin cậy không?

“AI BIẾT được nguồn gốc của muôn vật, và sự sáng tạo đã xảy ra như thế nào?” Câu hỏi này được tìm thấy trong áng thơ “Bài ca về sự sáng tạo” viết bằng tiếng Phạn cách đây hơn 3.000 năm, và là một phần của Rig-Veda, một thánh thư của Ấn Độ Giáo. Nhà thơ hoài nghi là ngay cả các thần của Ấn Độ Giáo cũng không thể biết “sự sáng tạo đã xảy ra như thế nào” vì “chính các thần cũng hiện hữu sau sự sáng tạo”. (Chúng tôi viết nghiêng).

Trong các tài liệu viết tay của Ba-by-lôn và của Ai Cập, cũng có những chuyện thần thoại tương tự về sự sinh ra của các thần của họ trong một vũ trụ đã hiện hữu rồi. Tuy nhiên, có điều là các chuyện thần thoại ấy không thể nói vũ trụ bắt nguồn từ đâu. Nhưng có một lịch sử sự sáng tạo, như bạn sẽ thấy, khác hẳn với các chuyện thần thoại trên. Lịch sử đặc biệt này là quyển Kinh-thánh với lời mở đầu: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng-thế Ký 1:1).

Môi-se đã viết lời trên, giản dị và đầy đủ, cách đây khoảng 3.500 năm. Lời ấy chú trọng vào một Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời, Đấng hiện hữu trước vũ trụ vật chất vì Ngài dựng nên nó và do đó Ngài có trước nó. Cũng quyển sách ấy dạy rằng “Đức Chúa Trời là Thần”, có nghĩa là Ngài hiện hữu trong một thể mà mắt trần của chúng ta không thể thấy được (Giăng 4:24). Ngày nay một sự hiện hữu như vậy có lẽ dễ cho người ta tưởng tượng hơn bởi vì các nhà khoa học đã mô tả được những sao neutron cực mạnh và những hố đen trong không gian—những thiên thể không thấy được, và chỉ nhờ tác dụng chúng phát ra mới khám phá ra chúng.

Điều đáng chú ý là Kinh-thánh nói: “Lại cũng có hình-thể thuộc về trời, hình-thể thuộc về đất, nhưng vinh-quang của hình-thể thuộc về trời với vinh-quang của hình-thể thuộc về đất thì khác nhau” (1 Cô-rinh-tô 15:40, 44). Các “hình-thể thuộc về trời” đó không ám chỉ các thiên thể không thấy được trong vũ trụ mà các nhà thiên văn nghiên cứu. Các “hình-thể thuộc về trời” được nói đến là những thần linh thông minh. Bạn có thể tự hỏi: ‘Ngoài Đấng Tạo Hóa, ai có thân thể thần linh?’

Những tạo vật vô hình ở trên trời

Theo sự tường thuật của Kinh-thánh, không phải cõi vô hình được dựng nên đầu tiên mà bước sáng tạo trước nhất là dựng nên một thần linh khác hay là Con đầu lòng. Ngài là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên” hay “Đấng làm đầu cội-rễ cuộc sáng-thế của Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 1:15; Khải-huyền 3:14). Nhân vật được tạo dựng đầu tiên này là độc nhất vô nhị.

Ngài là tạo vật duy nhất do Đức Chúa Trời trực tiếp dựng nên, và được phú cho sự khôn ngoan phi thường. Thực ra, một người viết Kinh-thánh sau này, vị vua nổi tiếng là khôn ngoan, đã gọi Con ấy là “thợ cái”, tức là người được Đức Chúa Trời dùng trong công cuộc sáng tạo kế tiếp. (Châm-ngôn 8:22, 30; cũng xem Hê-bơ-rơ 1:1, 2). Một thầy giáo trong thế kỷ thứ nhất tên là Phao-lô đã viết về ngài như sau: “Muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được”. (Cô-lô-se 1:16; so sánh Giăng 1:1-3).

Những vật vô hình nào trên trời mà Đức Chúa Trời đã dựng nên qua người Con này? Trong khi các nhà thiên văn phúc trình là có đến hàng tỷ ngôi sao và hố đen không thấy được thì Kinh-thánh nói đến hàng trăm triệu tạo vật thần linh—với cơ thể thần linh. Một số người có thể hỏi: ‘Tại sao lại tạo ra các tạo vật thông minh vô hình như thế?’

Giống như việc nghiên cứu về vũ trụ có thể giúp trả lời một số câu hỏi về nguồn gốc của nó, việc học hỏi Kinh-thánh cũng có thể cho chúng ta sự hiểu biết quan trọng về Tác Giả của nó. Chẳng hạn, Kinh-thánh cho chúng ta biết Ngài là “Đức Chúa Trời hạnh-phước” và tình yêu thương phản ánh trong các ý định cùng hành động của Ngài (1 Ti-mô-thê 1:11; 1 Giăng 4:8). Vậy thì chúng ta có thể kết luận một cách hợp lý là Đức Chúa Trời muốn có các tạo vật thần linh thông minh, những tạo vật biết vui hưởng sự sống, cùng ở với Ngài. Mỗi thần linh có việc làm khiến họ thỏa mãn, giúp ích lẫn nhau và góp phần vào việc thực thi ý định của Đấng Tạo Hóa.

Không có gì cho thấy là các tạo vật thần linh này được tạo dựng để vâng lời Đức Chúa Trời như người máy. Trái lại, Ngài phú cho họ sự thông minh và ý chí tự do. Những sự tường thuật của Kinh-thánh cho thấy Đức Chúa Trời khuyến khích mọi tạo vật thông minh tự do suy nghĩ và hành động—tự tin là sự tự do đó không là mối đe dọa thường trực cho hòa bình và hòa hợp trong vũ trụ. Dùng tên riêng của Đấng Tạo Hóa ghi trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, Phao-lô viết: “Vậy Đức Giê-hô-va là Thần; và nơi nào có thần linh của Đức Giê-hô-va, nơi đó có tự do” (2 Cô-rinh-tô 3:17, NW).

Những vật hữu hình trên trời

Những vật hữu hình nào trên trời mà Đức Chúa Trời đã dựng nên qua Con đầu lòng của Ngài? Đó bao gồm mặt trời của chúng ta, hàng tỷ ngôi sao và toàn thể vũ trụ vật chất. Kinh-thánh có cho chúng ta bất cứ khái niệm nào về việc Đức Chúa Trời từ hư không mà dựng nên muôn vật này hay không? Chúng ta hãy xem Kinh-thánh dưới ánh sáng của khoa học hiện đại.

Vào thế kỷ thứ 18, nhà khoa học Antoine-Laurent Lavoisier nghiên cứu về trọng lượng của vật chất. Ông để ý thấy, sau một phản ứng hóa học, trọng lượng của sản phẩm tạo ra bằng tổng số trọng lượng của các hợp phần nguyên thủy. Chẳng hạn, khi đốt tờ giấy bằng khí oxy thì tổng số khối lượng tro và các khí sinh ra sẽ nặng bằng tờ giấy nguyên thủy và khí oxy. Lavoisier đề ra một định luật gọi là ‘sự bảo toàn khối lượng’. Năm 1910, cuốn The Encyclopædia Britannica giải thích: “Không thể tạo ra hay là phá hủy vật chất được”. Điều này xem ra hợp lý, ít nhất vào hồi đó.

Tuy nhiên, việc quả bom nguyên tử nổ tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945 đã cho thấy định luật Lavoisier khiếm khuyết. Trong sự nổ của một khối lượng siêu tới hạn của nguyên tử urani như thế, nhiều loại vật chất khác nhau tạo thành nhưng tổng khối lượng vẫn ít hơn khối lượng urani nguyên thủy. Tại sao có sự mất mát? Chính bởi vì một phần khối lượng urani biến thành tia chớp tóe lửa có cường độ năng lượng cực mạnh.

Một khuyết điểm khác của định luật bảo toàn vật chất của Lavoisier được nêu lên vào năm 1952 với sự nổ của một thiết bị thuộc nhiệt hạch (bom khinh khí). Trong sự nổ đó, các nguyên tử hyđro hợp lại tạo thành chất heli. Dù vậy khối lượng heli phát sinh ít hơn khối lượng của hyđro nguyên thủy. Một phần khối lượng hyđro đã biến thành năng lượng nổ, một sự nổ có sức tàn phá ghê gớm hơn là quả bom ném xuống Hiroshima.

Như những sự nổ này chứng minh, một lượng nhỏ vật chất tương đương với số năng lượng khổng lồ. Quan hệ giữa vật chất và năng lượng này giải thích cho năng lượng của mặt trời, nhờ nó chúng ta mới sống và được khỏe mạnh. Quan hệ này là gì? Vào năm 1905, tức là 40 năm trước năm 1945, Einstein đã tiên đoán có một quan hệ giữa vật chất và năng lượng. Nhiều người biết phương trình E=mc2 của ông. * Chẳng bao lâu sau khi quan hệ đó được Einstein công thức hóa thì các nhà bác học khác có thể giải thích được là làm sao mặt trời tiếp tục chiếu sáng hàng tỷ năm. Trong mặt trời, có những phản ứng nhiệt hạch liên tục. Bằng cách này, mỗi giây, mặt trời biến khoảng 564 triệu tấn hyđro thành 560 triệu tấn heli. Điều này có nghĩa là khoảng 4 triệu tấn vật chất biến đổi thành năng lượng mặt trời mà một phần tỏa xuống mặt đất bảo toàn sự sống.

Điều đáng chú ý là quá trình có thể đổi ngược lại. Cuốn The World Book Encyclopedia giải thích: “Năng lượng đổi thành vật chất khi những hạt bên trong nguyên tử va chạm nhau ở tốc độ cao tạo ra những hạt mới nặng hơn”. Các nhà khoa học thực nghiệm được điều này trong một phạm vi giới hạn, dùng máy khổng lồ gọi là máy gia tốc hạt, trong đó những hạt bên trong nguyên tử va chạm nhau ở vận tốc cực cao, để tạo ra vật chất. Nhà vật lý học đoạt giải thưởng Nobel, tiến sĩ Carlo Rubbia giải thích: “Chúng tôi tái tạo một trong những phép lạ về vũ trụ—biến năng lượng thành vật chất”.

Một người nào đó có thể nói: ‘Đành là như vậy, nhưng điều này có liên quan gì đến lịch sử sự sáng tạo mà tôi đọc thấy trong Kinh-thánh?’ Thật ra quyển Kinh-thánh không phải là một sách về khoa học, tuy nhiên Kinh-thánh đã chứng tỏ là hiện đại và phù hợp với các dữ kiện khoa học. Từ đầu đến cuối, Kinh-thánh lưu ý đến Đấng dựng nên toàn thể vũ trụ vật chất, tức là Nhà Khoa Học lỗi lạc nhất (Nê-hê-mi 9:6; Công-vụ các Sứ-đồ 4:24; Khải-huyền 4:11). Kinh-thánh cũng cho thấy rõ liên hệ giữa năng lượng và vật chất.

Chẳng hạn, Kinh-thánh mời người đọc làm điều này: “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật nầy? Ấy là Đấng khiến các cơ-binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật nào thiếu, vì sức-mạnh Ngài lớn lắm, và quyền-năng Ngài rất cao” (Ê-sai 40:26). Vâng, Kinh-thánh nói rằng một nguồn năng lượng vô biên—Đấng Tạo Hóa—đã hình thành vũ trụ vật chất. Điều này hoàn toàn phù hợp với kỹ thuật tân tiến. Chỉ riêng lý do này cũng đủ cho thấy lịch sử về sự sáng tạo trong Kinh-thánh đáng cho chúng ta tôn trọng sâu xa.

Sau khi dựng nên các vật hữu hình và vô hình ở trên trời, Đấng Tạo Hóa và Con đầu lòng của Ngài tập trung sự chú ý đến trái đất. Trái đất do đâu mà có? Hành tinh của chúng ta do nhiều nguyên tố hóa học khác nhau mà thành hình. Những nguyên tố đó có thể do Đức Chúa Trời trực tiếp tạo ra bằng cách biến năng lực vô biên của Ngài thành vật chất mà các nhà vật lý ngày nay cho là khả thi. Hoặc như nhiều nhà khoa học tin, trái đất có thể đã được hình thành từ vật chất do sự nổ của một siêu sao mới bắn ra. Vả lại ai nói được là có thể đã có một sự phối hợp các phương pháp vừa kể và các phương pháp khác mà các khoa học gia chưa khám phá ra không? Dù đưa ra phương pháp nào chăng nữa, Đấng Tạo Hóa chính là Nguồn năng động của các nguyên tố tạo thành trái đất bao gồm tất cả các khoáng chất cần thiết cho sự sống của chúng ta.

Bạn có thể ý thức việc tạo dựng trái đất có liên hệ đến rất nhiều điều chứ không chỉ việc cung cấp vật liệu cân xứng mà thôi. Kích thước của trái đất, sự xoay quanh của nó, khoảng cách giữa nó và mặt trời cũng như độ nghiêng của trục xoay và quỹ đạo gần như hình tròn chung quanh mặt trời, cũng phải thật chính xác—chính xác như hiện nay. Rõ ràng Đấng Tạo Hóa đã làm ra các chu kỳ thiên nhiên khiến cho hành tinh của chúng ta thích hợp để duy trì sự sống của muôn loài. Tất cả những điều này thật đủ đáng cho chúng ta kinh ngạc. Hãy hình dung phản ứng của các con thần linh trên trời khi họ nhìn xem sự sáng tạo trái đất và sự sống trên đó! Một sách trong Kinh-thánh nói rằng họ “đồng hát hòa nhau” và “cất tiếng reo mừng” (Gióp 38:4, 7).

Hiểu sách Sáng-thế Ký chương 1

Chương đầu tiên của Kinh-thánh cung cấp một phần chi tiết về một vài bước quan trọng trong việc Đức Chúa Trời sửa soạn trái đất để loài người vui hưởng. Chương này không cung cấp mọi chi tiết, vì thế khi đọc, chúng ta không nên bối rối nếu sách bỏ qua những điểm mà những người đọc sống vào thời xưa không thể nào hiểu. Chẳng hạn, khi viết chương ấy, Môi-se không nói gì đến chức năng của tảo vi mô hay vi khuẩn. Những sinh thể này con người mới thấy lần đầu vào thế kỷ thứ 16 sau khi kính hiển vi được sáng chế ra. Môi-se cũng không nói gì về những con khủng long mà vào thế kỷ thứ 19, người ta mới biết chúng hiện hữu nhờ suy diễn từ hóa thạch. Thay vì thế, Môi-se được soi dẫn để dùng những từ mà những người vào thời của ông có thể hiểu được, và tất cả những từ ông dùng để nói về sự sáng tạo trái đất đều chính xác.

Khi đọc Sáng-thế Ký chương 1, từ câu 3 trở đi, bạn sẽ thấy chương này chia ra thành sáu “ngày” sáng tạo. Vài người cho là ngày này theo nghĩa đen tức là ngày 24 tiếng và như vậy toàn thể vũ trụ và sự sống trên đất được tạo ra trong một khoảng thời gian không đầy một tuần! Tuy nhiên, bạn có thể dễ dàng khám phá ra là Kinh-thánh không dạy như vậy. Sách Sáng-thế Ký viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Trong tiếng đó, từ “ngày” chỉ một khoảng thời gian, có thể là một khoảng thật dài hay một ngày 24 tiếng theo nghĩa đen. Ngay cả trong sách Sáng-thế Ký, tất cả sáu “ngày” được nói chung là một khoảng thời gian dài—‘trong ngày mà Đức Giê-hô-va dựng nên đất và trời’. (Sáng-thế Ký 2:4, NW; so sánh 2 Phi-e-rơ 3:8). Thật ra Kinh-thánh cho biết các thời kỳ hay các “ngày” sáng tạo bao gồm nhiều ngàn năm.

Những gì Kinh-thánh nói về “ngày” thứ bảy giúp chúng ta thấy được điều này. Sự tường thuật mỗi ngày trong sáu “ngày” sáng tạo đều chấm dứt với câu ‘vậy có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhất’ và cứ như vậy. Tuy nhiên, bạn sẽ không thấy câu này sau lời tường thuật về “ngày” thứ bảy. Vào thế kỷ thứ nhất CN, tức sau đó khoảng 4.000 năm trong dòng lịch sử, Kinh-thánh nói “ngày” thứ bảy vẫn đang tiếp tục (Hê-bơ-rơ 4:4-6). Vậy “ngày” thứ bảy là một khoảng thời gian kéo dài nhiều ngàn năm và chúng ta có thể hợp lý kết luận như vậy về mỗi “ngày” trong sáu “ngày” đầu tiên.

“Ngày” thứ nhất và thứ tư

Dường như trái đất đã ở trong quỹ đạo chung quanh mặt trời và có nước bao bọc trước sáu “ngày” hay là những giai đoạn mà trong đó công việc sáng tạo bắt đầu. “Có sự tối tăm trên mặt vực đầy nước” (Sáng-thế Ký 1:2, NW). Vào thời điểm sớm sủa này, một cái gì đó—có lẽ một hợp chất gồm hơi nước, các khí khác, và bụi do núi lửa phun—hẳn đã ngăn ánh sáng mặt trời chiếu xuống trái đất. Kinh-thánh tả giai đoạn sáng tạo thứ nhất như sau: “Đức Chúa Trời phán: ‘Phải có sự sáng’; và sự sáng từ từ xuất hiện” hay xuyên tới mặt đất (Sáng-thế Ký 1:3, do J. W. Watts dịch).

Chữ “từ từ” phản ánh chính xác một dạng động từ tiếng Hê-bơ-rơ chỉ đến một hành động cứ tiến dần, với thời gian, đến chỗ hoàn tất. Bất cứ ai đọc được tiếng Hê-bơ-rơ có thể thấy dạng này xuất hiện đến 40 lần trong chương 1 của sách Sáng-thế Ký, và đó là chìa khóa để hiểu chương này. Những gì Đức Chúa Trời bắt đầu vào buổi chiều theo nghĩa bóng của một ngày sáng tạo cứ dần dần hiện rõ ra, sau buổi sáng theo nghĩa bóng của “ngày” đó. * Cũng thế, những gì bắt đầu vào một giai đoạn nào đó không cần phải hoàn thành trọn vẹn trước khi giai đoạn kế bắt đầu. Để minh họa, ánh sáng dần dần xuất hiện trong “ngày” thứ nhất, tuy nhiên cho tới giai đoạn sáng tạo thứ tư thì mới thấy được mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao (Sáng-thế Ký 1:14-19).

“Ngày” thứ hai và thứ ba

Trước khi Đấng Tạo Hóa làm cho đất khô xuất hiện vào “ngày” sáng tạo thứ ba, Ngài lấy lên một ít nước. Kết quả là trái đất được bao bọc bởi một cái mền hơi nước. * Sự tường thuật cổ xưa này không—và cũng chẳng cần—mô tả những kỹ thuật dùng đến. Thay vì vậy, Kinh-thánh đặt trọng tâm vào khoảng không trung giữa lớp nước phía trên và mặt nước và gọi đó là trời. Ngay ngày nay người ta còn dùng từ này để chỉ bầu khí quyển, lãnh vực của chim và máy bay. Với thời gian, Đức Chúa Trời làm đầy bầu khí quyển trên trời một hỗn hợp khí cần thiết cho sự sống.

Tuy nhiên, trong “những ngày” sáng tạo, mặt nước hạ xuống để đất trồi lên. Có lẽ Đức Chúa Trời dùng các lực địa chất vẫn còn di chuyển các bản nối đất để đẩy những rặng núi dưới đại dương lên và như vậy các lục địa được thành hình. Điều này khiến đất khô nhô lên khỏi mặt nước và tạo ra các vũng lõm dưới đáy đại dương mà ngày nay các nhà hải dương học đã vẽ được bản đồ và háo hức nghiên cứu. (So sánh Thi-thiên 104:8, 9). Sau khi đất khô thành hình, một diễn biến lạ lùng khác xuất hiện. Chúng ta đọc: “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đất phải sanh cây-cỏ; cỏ kết hột giống, cây-trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất; thì có như vậy” (Sáng-thế Ký 1:11).

Như đã thảo luận trong chương trước (“Công trình sáng tạo—Do đâu mà có?”), hiện tượng quang hợp cần thiết cho thực vật trên mặt đất. Một tế bào của cây xanh chứa một số hạt nhỏ hơn gọi là hạt diệp lục; các hạt này nhận năng lượng từ mặt trời. Sách Planet Earth giải thích: “Những nhà máy tế vi này chế tạo ra đường và tinh bột... Chưa từng có người nào có thể thiết kế được một nhà máy có hiệu năng hơn, hoặc tạo ra sản phẩm cần yếu hơn là một hạt diệp lục”.

Thật vậy, sự sống của loài vật tùy thuộc vào những hạt diệp lục. Cũng vậy, không có cây xanh thì bầu khí quyển của trái đất sẽ có quá nhiều lượng cacbon đioxit và chúng ta sẽ chết vì nóng và thiếu khí oxy. Một số nhà chuyên môn đưa ra những lời giải thích khiến chúng ta kinh ngạc về việc sự sống phát triển tùy thuộc vào quang hợp. Chẳng hạn, họ nói rằng khi những sinh vật đơn bào trong nước bắt đầu hết thực phẩm thì “một vài tế bào tiên phong sáng chế ra giải pháp: tạo ra quang hợp”. Nhưng có thể nào thật sự như vậy không? Quang hợp phức tạp đến nỗi các khoa học gia vẫn đang cố gắng đưa sự bí mật của nó ra ánh sáng. Bạn có nghĩ rằng sự sống tự sinh sản và tùy thuộc vào quang hợp đã xuất hiện một cách không thể giải thích được và ngẫu nhiên không? Hay là bạn thấy hợp lý hơn để tin hiện tượng đó hiện hữu là nhờ sự sáng tạo thông minh và có mục đích như được trình bày trong sách Sáng-thế Ký?

Sự xuất hiện nhiều loại cây cối xanh tươi có thể chưa chấm dứt trong “ngày” thứ ba nhưng có thể còn tiếp tục sang “ngày” thứ sáu khi Đấng Tạo Hóa “lập một cảnh vườn tại Ê-đen” và “khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon” (Sáng-thế Ký 2:8, 9). Và như đã nói, bầu khí quyển của trái đất đã phải quang đãng trong “ngày” thứ tư để ánh sáng từ mặt trời và các thiên thể khác có thể rọi tới hành tinh Trái Đất nhiều hơn.

“Ngày” thứ năm và thứ sáu

Trong “ngày” sáng tạo thứ năm, Đấng Tạo Hóa bắt đầu dựng nên trong nước và trong bầu khí quyển một dạng sống mới khác—“linh hồn sống”—khác biệt hẳn với cây cối. Một điều đáng chú ý là, ngoài một số điều khác, các nhà sinh vật học nói về giới thực vật và giới động vật, rồi họ lại phân chia thành những lớp phụ. Từ Hê-bơ-rơ được dịch ra là “linh hồn” có nghĩa là “một tạo vật có hơi thở”. Kinh-thánh cũng nói rằng “các linh hồn sống” có máu. Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng những tạo vật có hệ thống hô hấp và hệ thống tuần hoàn—các sinh vật thở dưới biển, trên không—bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn sáng tạo thứ năm (Sáng-thế Ký 1:20; 9:3, 4, NW).

Trong “ngày” thứ sáu, Đức Chúa Trời chú ý hơn đến mặt đất. Ngài dựng nên “gia súc” và thú “hoang”; những từ này có ý nghĩa đặc biệt vào lúc Môi-se viết (Sáng-thế Ký 1:24, NW). Vậy các động vật hữu nhũ trên đất được dựng nên vào giai đoạn sáng tạo thứ sáu. Còn con người thì sao?

Lịch sử cổ xưa cho chúng ta biết, cuối cùng Đấng Tạo Hóa dựng nên một thể sống thật sự có một không hai trên đất. Ngài nói với Con trên trời của Ngài: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản-trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc-vật, loài côn-trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất” (Sáng-thế Ký 1:26). Do đó, con người phải phản chiếu hình ảnh thiêng liêng của Đấng dựng nên mình và biểu lộ các đức tính của Ngài. Và con người có khả năng thâu nhận số lượng hiểu biết vĩ đại. Như vậy con người có thể hành động với sự thông minh vượt hẳn loài vật. Cũng thế, khác với loài thú, con người có khả năng hành động theo ý chí tự do chứ không bị bản năng hoàn toàn kiềm chế.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã đào sâu về gen của con người. Bằng cách so sánh các mô hình gen của con người trên khắp thế giới, họ tìm thấy bằng chứng rõ ràng là toàn thể nhân loại có chung một tổ tiên, một nguồn DNA của mọi người đã từng sống trong đó có chúng ta. Năm 1988, tạp chí Newsweek trình bày những khám phá này trong một bài nhan đề “The Search for Adam and Eve” (Đi tìm A-đam và Ê-va). Những cuộc nghiên cứu này dựa trên một loại DNA ty lạp thể, chất liệu của gen chỉ do đàn bà truyền qua mà thôi. Năm 1995, bản phúc trình kết quả nghiên cứu về chất DNA nơi đàn ông cũng đưa đến cùng kết luận được tạp chí Time diễn tả: “Có một ông tổ ‘A-đam’ mang chất liệu di truyền về nhiễm sắc thể [Y] mà mọi người đàn ông trên trái đất ngày nay đều có”. Dù có chính xác từng chi tiết hay không, những khám phá này cũng chứng minh rằng lịch sử ghi trong sách Sáng-thế Ký rất đáng tin cậy vì do Đấng có mặt tại đó cho viết ra.

Thật là một cao điểm khi Đức Chúa Trời lấy một số nguyên tố của trái đất để tạo nên người con loài người đầu tiên mà Ngài đặt tên là A-đam! (Lu-ca 3:38). Lời tường thuật lịch sử cũng cho biết Đấng Tạo Hóa của địa cầu và của sự sống trên đó đặt người mà Ngài đã dựng nên trong một khu vực giống như vườn “để trồng và giữ vườn” (Sáng-thế Ký 2:15). Vào giai đoạn này, có thể Đấng Tạo Hóa vẫn còn đang dựng những loại thú vật mới. Kinh-thánh nói: “Đức Chúa Trời lấy đất nắn nên các loài thú đồng, các loài chim trời, rồi dẫn đến trước mặt A-đam đặng thử xem người đặt tên chúng nó làm sao, hầu cho tên nào A-đam đặt cho mỗi vật sống, đều thành tên riêng cho nó” (Sáng-thế Ký 2:19). Kinh-thánh không hề gợi ý người đầu tiên A-đam chỉ là một khuôn mặt thần thoại, mà trái lại, ông là một người có thật—một người biết suy nghĩ và có cảm xúc—có thể cảm thấy vui sướng làm việc trong nơi cư trú là Địa Đàng đó. Mỗi ngày ông học thêm về những gì Đấng Tạo Hóa đã dựng nên và về Đấng ấy—các đức tính và cá tính của Ngài.

Rồi sau một thời gian không rõ dài bao nhiêu, Đức Chúa Trời dựng nên người nữ đầu tiên để làm vợ A-đam. Ngoài ra, Đức Chúa Trời giao thêm công việc khiến đời sống họ có thêm ý nghĩa: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng, hãy quản-trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành-động trên mặt đất” (Sáng-thế Ký 1:27, 28). Không điều gì có thể thay đổi được ý định Đấng Tạo Hóa đã tuyên bố, nghĩa là cả trái đất sẽ trở thành địa đàng đầy những người hạnh phúc sống hòa bình với nhau và với loài vật.

Vũ trụ vật chất bao gồm hành tinh của chúng ta và sự sống trên đó rõ ràng làm chứng cho sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Vì khôn ngoan nên Ngài thấy rõ trước, với thời gian, có thể có người tự ý hành động độc lập hay phản nghịch bất kể Ngài là Đấng Tạo Hóa và Đấng Ban Sự Sống. Sự phản nghịch như vậy có thể làm rối loạn công cuộc vĩ đại biến cả trái đất thành địa đàng. Sự tường thuật cho biết Đức Chúa Trời đặt trước A-đam và Ê-va một sự thử thách đơn giản nhằm nhắc nhở họ về sự cần thiết phải vâng lời. Đức Chúa Trời phán rằng sự bất tuân sẽ mang lại hậu quả là mất sự sống mà Ngài đã ban cho họ. Về phần Đấng Tạo Hóa, vì quan tâm, đã cảnh giác tổ phụ đầu tiên của chúng ta về con đường sai lầm ảnh hưởng đến hạnh phúc của toàn thể dòng dõi nhân loại (Sáng-thế Ký 2:16, 17).

Khi “ngày” thứ sáu chấm dứt, Đấng Tạo Hóa đã làm xong mọi việc cần thiết để hoàn tất ý định của Ngài. Ngài có thể công bố một cách xác đáng là mọi việc mà Ngài đã làm đều “rất tốt lành” (Sáng-thế Ký 1:31). Đến đây, Kinh-thánh giới thiệu một giai đoạn quan trọng khác khi nói rằng “ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công-việc Ngài đã làm” (Sáng-thế Ký 2:2). Vì Đấng Tạo Hóa “chẳng mỏi chẳng mệt”, vậy tại sao lại nói là Ngài nghỉ? (Ê-sai 40:28) Điều này cho thấy Ngài ngừng công việc sáng tạo vật chất và biết rằng không điều gì, ngay cả sự phản loạn trên trời hay dưới đất, có thể ngăn cản Ngài hoàn thành ý định vĩ đại của Ngài. Đức Chúa Trời tự tin công bố ban phước cho “ngày” sáng tạo thứ bảy. Do đó, các tạo vật thông minh trung thành của Đức Chúa Trời—loài người và các tạo vật thần linh vô hình—có thể chắc chắn là vào cuối “ngày” thứ bảy, hòa bình và hạnh phúc sẽ ngự trị trên toàn vũ trụ.

Bạn có thể tin cậy lịch sử trong sách Sáng-thế Ký không?

Nhưng bạn có thể thực sự tin được sự tường thuật về sự sáng tạo và mọi triển vọng bao hàm trong đó không? Như đã nói ở trên, sự nghiên cứu hiện đại về gen đang đi đến cùng kết luận được nói tới từ lâu trong Kinh-thánh. Một số nhà khoa học đã quan sát thứ tự các biến cố mà sách Sáng-thế Ký trình bày. Chẳng hạn, nhà địa chất học nổi tiếng Wallace Pratt bình luận: “Nếu có ai yêu cầu tôi, với tư cách là một nhà địa chất học, giải nghĩa cách vắn tắt các tư tưởng tân thời của chúng ta về nguồn gốc của trái đất và sự phát triển của sự sống trên đó cho những người mộc mạc, quê mùa như là các chi phái mà sách Sáng-thế Ký được viết cho, thì tôi không thể làm gì hay hơn là theo sát phần lớn lối diễn tả và ngôn ngữ trong chương một của Sáng-thế Ký”. Ông cũng nhận xét rằng thứ tự các biến cố mô tả trong sách Sáng-thế Ký: nguồn gốc của đại dương, việc đất trồi lên, sự xuất hiện của các loài sống dưới biển, chim chóc và các động vật hữu nhũ, thực chất là thứ tự của các giai đoạn chính yếu của thời đại địa chất.

Chúng ta hãy xem xét: Cách đây nhiều ngàn năm, làm sao Môi-se biết được thứ tự chính xác như thế nếu như tin tức đó không phải bắt nguồn từ chính Đấng Tạo Hóa cũng là Đấng Thiết Kế?

Kinh-thánh nói: “Bởi đức-tin, chúng ta biết rằng thế-gian đã làm nên bởi lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến” (Hê-bơ-rơ 11:3). Nhiều người không sẵn lòng chấp nhận sự kiện đó nhưng lại thích tin vào sự ngẫu nhiên hoặc vào tiến trình tự nhiên mà họ cho là đã tạo ra vũ trụ và sự sống. * Nhưng như chúng ta đã thấy, có rất nhiều lý do khác nhau để tin là vũ trụ và sự sống trên trái đất—gồm cả sự sống của chúng ta—bắt nguồn từ Đấng Khởi Nguyên thông minh tức là Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời.

Kinh-thánh thẳng thắn công nhận rằng “chẳng phải hết thảy đều có đức-tin” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:2). Tuy nhiên, đức tin không phải là sự nhẹ dạ. Đức tin dựa vào thực tại chắc chắn. Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét thêm những lý do xác đáng, có sức thuyết phục cho biết tại sao chúng ta có thể tin Kinh-thánh và Đấng Tạo Hóa Cao Cả, Đấng quan tâm đến từng người chúng ta.

[Chú thích]

^ đ. 18 Năng lượng bằng khối lượng nhân với vận tốc ánh sáng bình phương.

^ đ. 30 Người Do Thái tính ngày của họ bắt đầu từ buổi chiều lúc mặt trời lặn đến buổi chiều ngày hôm sau.

^ đ. 32 Đấng Tạo Hóa có thể dùng quy trình thiên nhiên để lấy nước lên và giữ lại ở trên cao và chính nước này đã rơi xuống vào thời kỳ Nô-ê (Sáng-thế Ký 1:6-8; 2 Phi-e-rơ 2:5; 3:5, 6). Biến cố lịch sử này đã để lại một ấn tượng sâu xa đối với những người sống sót và con cháu họ như các nhà nhân chủng học xác nhận. Chúng ta thấy biến cố này được phản ánh qua các câu chuyện về trận nước lụt mà nhân gian khắp nơi lưu truyền.

^ đ. 49 Muốn nghiên cứu thêm về lịch sử các hình thái sự sống trên đất, xin xem Life—How Did It Get Here? By Evolution or by Creation? do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.

[Hình nơi trang 86]

Những đĩa bụi như đĩa này trong dải thiên hà NGC 4261 là bằng chứng của những hố đen cực sâu không thể thấy được. Kinh-thánh cho biết, trong cõi khác, có những tạo vật quyền năng không thể thấy được

[Hình nơi trang 89]

Kết quả của các cuộc thí nghiệm ủng hộ lý thuyết về khoa học, theo đó, có thể biến đổi vật chất thành năng lượng và năng lượng thành vật chất

[Hình nơi trang 94]

Những công việc sáng tạo từ “ngày” thứ nhất qua “ngày” thứ ba khiến có vô vàn loại cây cối

[Hình nơi trang 99]

Bằng từ ngữ giản dị, Kinh-thánh tả sự xuất hiện tuần tự của các hình thái sự sống trên đất

[Hình nơi trang 101]

“Với tư cách là một nhà địa chất học... tôi không thể làm gì hay hơn là theo sát phần lớn lối diễn tả và ngôn ngữ trong chương một của Sáng-thế Ký” (Wallace Pratt)