Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nếu Đấng Tạo Hóa quan tâm, tại sao lại có quá nhiều đau khổ?

Nếu Đấng Tạo Hóa quan tâm, tại sao lại có quá nhiều đau khổ?

Chương Mười

Nếu Đấng Tạo Hóa quan tâm, tại sao lại có quá nhiều đau khổ?

CỨ 60 tiếng tích tắc từ chiếc đồng hồ của bạn thì có hơn 30 người chết vì bệnh truyền nhiễm, 11 người chết vì ung thư và 9 người chết vì bệnh tim. Như bạn biết, đây mới chỉ là một vài bệnh hoạn làm người ta đau khổ; nhiều người đau khổ và chết vì các nguyên nhân khác nữa.

Vào năm 1996, một chiếc đồng hồ trong phòng khách của tòa nhà Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York phát ra tiếng tích tắc, mỗi tiếng tượng trưng cho một em bé sinh ra từ một gia đình nghèo—mỗi phút 47 tiếng. Về một khía cạnh khác, mỗi ngày khoảng 20 phần trăm dân số trên trái đất đi ngủ với bụng đói. Còn về tội ác nơi bạn ở, bạn thử tính con số sẽ ra bao nhiêu?

Chúng ta phải đối diện với sự kiện là ngày nay quanh chúng ta đầy dẫy sự đau khổ.

Một cựu sĩ quan cảnh sát nói: “Tuy vậy, nhiều người trong chúng ta lại tỏ ra thờ ơ với sự bất công xảy ra khắp nơi quanh chúng ta”. Dù sao chúng ta chỉ thờ ơ cho đến khi đời sống của chúng ta hay của người thân yêu bị liên can đến. Chẳng hạn, bạn thử đặt mình vào trường hợp của Masako phải nuôi cha mẹ mà cả hai đều bị ung thư. Trong khi họ sút cân và rên rỉ đau đớn, Masako thấy mình hoàn toàn bất lực. Hoặc thử nghĩ đến sự tuyệt vọng của Sharada, một bé gái Á Đông mới chín tuổi bị cha bán, đổi lấy 14 Mỹ kim. Bị đưa từ làng quê lên thành phố xa lạ, em bị cưỡng bách để cho sáu người đàn ông mua vui mỗi ngày.

Tại sao lại có đầy dẫy sự đau khổ như thế? Và tại sao Đấng Tạo Hóa lại không chấm dứt? Vì cớ sự đau khổ đầy dẫy nên nhiều người xoay lưng lại với Đức Chúa Trời. Mẹ của viên cựu sĩ quan cảnh sát nói trên bị một người mắc bệnh tâm thần giết chết. Ông giải thích phản ứng của ông như sau: “Ý tưởng về một Đức Chúa Trời tối cao yêu thương kiểm soát toàn vũ trụ đối với tôi quá xa vời”. Bạn có thể hỏi: ‘Tại sao vậy?’ Tại sao lại có đau khổ? Đâu là nguyên nhân, và Đấng Tạo Hóa có quan tâm gì đến đau khổ không?

Phải chăng đau khổ là do tiền kiếp gây ra?

Hàng triệu người trên thế giới tin rằng nguyên nhân của đau khổ là do quá khứ của một người; sự đau khổ hiện tại là hình phạt về những gì người ấy đã làm trong kiếp trước. Triết gia Daisetz T. Suzuki, người phổ biến Thiền Đạo trong xã hội Tây Phương, phát biểu như sau: “Sự đau khổ của con người là vì Nghiệp Báo, tất cả chúng ta sinh ra là phải lãnh gánh nặng Nghiệp Báo trong quá khứ”. * Những người được Ấn Độ Giáo coi là thông thái đã đặt ra “luật Nghiệp Báo” để cố giải thích về sự đau khổ của con người. Nhưng sự giải thích của họ có hợp lý và thật sự thỏa đáng không?

Một người đàn bà theo Phật Giáo nói: “Tôi thấy thật phi lý khi phải chịu đau khổ về cái mà mình chẳng biết; chỉ vì sinh ra như vậy thôi. Tôi phải chấp nhận nó như là số phận của tôi vậy”. Bà thấy cách giải thích về sự đau khổ như vậy không thỏa đáng. Bạn có lẽ cũng thấy như thế. Trong khi ý tưởng đầu thai có thể không phổ thông nơi bạn sống, nhưng về căn bản thì đây là sự dạy dỗ bạn có thể thấy trong khắp các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và nhiều tôn giáo khác—sự dạy dỗ con người có một linh hồn bất tử tiếp tục sống sau khi thân xác chết. Họ nói “linh hồn” này có liên hệ đến đau khổ—hoặc trong đời này hoặc sau khi chết.

Những ý tưởng như thế rất phổ thông, nhưng có bằng chứng nào cho thấy chúng có giá trị không? Về những vấn đề quan trọng như thế này, chúng ta để cho lời của Đấng Tạo Hóa hướng dẫn chẳng phải là khôn ngoan hơn hay sao? Trong khi những ý tưởng và sự tin quyết của con người có thể lầm lẫn, nhưng lời nói của Đức Chúa Trời đã chứng tỏ là đáng tin cậy.

Như chúng ta đã ghi nhận trong chương trước, tội của cha mẹ đầu tiên đã đem lại cho loài người một thảm họa tột cùng; đó là sự chết. Đấng Tạo Hóa cảnh cáo A-đam: “Trong ngày mà ngươi [không vâng lời, hay phạm tội] ngươi chắc sẽ chết” (Sáng-thế Ký 2:17; 3:19, NW). Đức Chúa Trời không hề nói gì về việc A-đam có một linh hồn bất tử; ông là một người. Theo từ vựng dùng trong Kinh-thánh, điều đó có nghĩa ông là một linh hồn. Do đó, khi chết, linh hồn tên là A-đam cũng chết. Sau đó ông không ý thức hay đau khổ gì nữa.

Đấng Tạo Hóa không đề xướng hoặc đồng ý với sự dạy dỗ về Nghiệp Báo, luân hồi, hoặc một linh hồn bất tử có thể đau khổ trong một sự hiện hữu sau khi chết. Tuy nhiên, nếu chúng ta ý thức được những hậu quả do tội của A-đam gây ra, chúng ta có thể hiểu rõ hơn tại sao ngày nay có đau khổ.

Đau khổ đến từ đâu?

Trong khi khó mà hiểu được toàn diện sự đau khổ của con người, việc dùng dụng cụ thích hợp có thể giúp đỡ. Giống như việc dùng ống nhòm giúp nhìn thấy những vật từ đàng xa một cách rõ ràng, việc dùng Kinh-thánh cũng giúp chúng ta nhận ra được nguyên nhân gây ra đau khổ.

Một lý do là Kinh-thánh cảnh giác chúng ta về sự kiện “thời thế và sự bất trắc xảy ra” cho mọi người (Truyền-đạo 9:11, NW). Chẳng hạn, Chúa Giê-su nhắc đến mẩu tin trong thời của ngài: 18 người bị tháp đổ xuống đè chết. Ngài cho thấy những nạn nhân này không phải là có tội trọng hơn những người khác (Lu-ca 13:1-5). Họ bị nạn chẳng qua vì có mặt không đúng chỗ và không đúng lúc. Nhưng Kinh-thánh giải thích thêm và cung cấp những tin tức thỏa đáng về nguyên nhân chính yếu của sự đau khổ. Những tin tức ấy là gì?

Sau khi hai người đầu tiên phạm tội, vị Quan Án thiên thượng là Đức Giê-hô-va ra phán quyết là họ mất quyền tiếp tục sống. Những năm trước khi thật sự chết, A-đam và Ê-va phải đối diện với khá nhiều đau khổ. Những đau khổ do họ tự gây ra—nào là tuổi già và bệnh hoạn, nào là sự vật lộn với cuộc sống cực nhọc, và nào là sự đau buồn khi nhìn thấy gia đình tan hoang do ganh ghét và bạo động gây ra (Sáng-thế Ký 3:16-19; 4:1-12). Thật là quan trọng để nhớ đâu là nguồn gốc chính yếu để quy trách mọi đau khổ đó. Họ tự gây ra cho họ. Dầu vậy, làm sao chúng ta có thể hiểu tại sao đau khổ tiếp tục cho tới thời đại chúng ta ngày nay?

Dù nhiều người không nhận mình là có tội, Kinh-thánh đưa ra quan điểm đúng đắn khi nói: “Bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12). Cặp vợ chồng loài người đầu tiên đã gặt hậu quả của đường lối tai hại do chính họ lựa, nhưng con cháu của họ cũng bị ảnh hưởng theo (Ga-la-ti 6:7). Con cháu họ thừa kế sự bất toàn dẫn đến sự chết. Điều này dễ hiểu với một số người khi họ xem xét dữ kiện khoa học, theo đó, ngay ngày nay con cái cũng thừa kế bệnh hoạn và khuyết tật từ cha mẹ như bệnh dễ chảy máu, thiếu máu Cooley, động mạch vành, một loại bệnh tiểu đường, và ngay cả ung thư vú. Con cái tự chúng không có lỗi gì, tuy vậy chúng phải chịu đau khổ bởi hậu quả những gì chúng thừa kế.

Tổ tiên của chúng ta là A-đam và Ê-va đã tự ý từ chối cách cai trị của Đức Giê-hô-va. * Từ lịch sử, bạn biết nhân loại đã thử đủ loại chính phủ trong nỗ lực cai trị trái đất. Một số người, đàn ông cũng như đàn bà, có ý tốt trong nỗ lực này. Tuy nhiên, bạn thẩm định kết quả của việc con người tự cai trị như thế nào? Loài người có bớt khổ đau không? Hoàn toàn không. Trái lại, nhiều chính sách và chiến tranh giữa các quốc gia làm gia tăng đau khổ. Cách đây 3.000 năm, một nhà cai trị khôn ngoan nhận xét: “Có khi người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy” (Truyền-đạo 8:9).

Bạn có thấy tình trạng ngày nay khác nhiều, hoặc có lẽ khá hơn không? Phần lớn sẽ trả lời: “không”. Nhiều người đàn ông, đàn bà và trẻ em chịu đau khổ không phải chỉ vì tội lỗi và sự bất toàn di truyền nhưng còn vì những gì người khác đã làm. Bạn hãy nghĩ đến việc con người lạm dụng trong việc quản trị trái đất thường vì tham lam. Con người cũng có tội trong việc phát sinh ô nhiễm, tạo ra nghèo nàn, và góp phần gây ra nạn đói kém và dịch lệ. Ngay một số tai ương thiên nhiên mà nhiều người gọi là thiên tai cũng do con người gây ra. Có một nguyên nhân quan trọng khác gây ra đau khổ mà người ta thường hay bỏ qua.

Kẻ chủ chốt gây nên đau khổ

Một sách trong Kinh-thánh đặc biệt tiết lộ đâu là nguyên nhân sâu xa của sự đau khổ và tại sao Đấng Tạo Hóa đầy quan tâm lại cho phép nó xảy ra. Đó là sách Gióp. Sách này làm sáng tỏ bất cứ sự hiểu biết nào còn lờ mờ về vấn đề đau khổ, qua việc cung cấp cái nhìn sâu thẳm trong lãnh vực vô hình, nơi xảy ra những biến cố quan trọng.

Cách đây khoảng 3.500 năm, ít lâu trước khi Môi-se viết những quyển sách đầu tiên của Kinh-thánh, một người tên là Gióp sống ở vùng ngày nay được gọi là Ả-rập. Lịch sử cho biết Gióp là người công bình, nhân đức, và được mọi người kính trọng. Ông có nhiều của cải gồm nhiều đàn súc vật, thậm chí được gọi là “người lớn hơn hết trong cả dân Đông-phương”. Trên bình diện cá nhân, Gióp có một gia đình lý tưởng—một vợ, bảy con trai và ba con gái (Gióp 1:1-3; 29:7-9, 12-16). Một ngày kia, một sứ giả chạy đến báo cáo cho Gióp biết bầy súc vật giá trị của ông bị bọn cướp xông vào cướp đi. Một lát sau, một sứ giả khác đến báo cáo những bầy chiên của ông bị giết hết. Rồi dân Canh-đê xông vào cướp đi 3.000 lạc đà, giết hết tôi tớ, chỉ một người chạy thoát được. Cuối cùng tin dữ nhất đến. Một cơn gió khác thường làm sập căn nhà của người con cả và đè chết tất cả con cái của ông đang nhóm ở đó. Trực diện với sự đau khổ như thế, Gióp có trách móc Đức Chúa Trời không? Đứng vào địa vị của ông, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? (Gióp 1:13-19).

Tuy nhiên, còn nhiều tai họa nữa xảy tới. Gióp bị một chứng bệnh đau đớn khủng khiếp, nhọt độc lở loét trên khắp thân thể. * Ông trở thành bệnh hoạn và đáng tởm đến nỗi vợ ông trách Đức Chúa Trời. Bà nói: “Hãy phỉ-báng Đức Chúa Trời, và chết đi!” Gióp không biết tại sao ông bị đau khổ, tuy nhiên, ông không hề gán cho Đức Chúa Trời đã gây ra đau khổ. Chúng ta đọc: “Trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội bởi môi miệng mình” (Gióp 2:6-10).

Hay biết tình trạng khốn khổ của Gióp, ba người bạn đến thăm ông. Ê-li-pha quyết là Gióp hẳn đã làm ác nên đặt câu hỏi: “Đâu có người ngay-thẳng lại bị trừ-diệt?” (Gióp, chương 4, 5). Ê-li-pha buộc tội Gióp đã phạm tội thầm kín, thậm chí không cho người đói khát bánh ăn và ức hiếp người góa bụa và trẻ mồ côi (Gióp, chương 15, 22). Hai người an ủi giả hình kia cũng trách mắng Gióp như thể những đau khổ mà ông chịu là do chính ông gây ra. Họ có đúng không? Hoàn toàn không.

Sách Gióp giúp chúng ta nhận ra được cội rễ của sự đau khổ mà Gióp phải chịu và thấy được tại sao Đức Chúa Trời cho phép sự đau khổ xảy ra. Chương 1 và chương 2 tiết lộ những gì xảy ra ít lâu trước đó ở trên trời vô hình, trong lãnh vực thần linh. Thần linh phản nghịch tên là Sa-tan * đến nhóm với các thần linh khác trước mặt Đức Chúa Trời. Khi sự trọn vẹn của Gióp được nhắc tới, Sa-tan liền thách thức: “Gióp há kính-sợ Đức Chúa Trời luống-công sao?... Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ-báng Chúa trước mặt” (Gióp 1:9-12).

Nói cách khác, Sa-tan buộc tội Đức Chúa Trời hối lộ Gióp. Thần linh ngang ngược này cho rằng nếu tài sản và sức khỏe bị tước đoạt, Gióp sẽ rủa sả Đức Giê-hô-va. Nói rộng hơn, Sa-tan quả quyết là không người nào yêu thương và trung thành với Đức Chúa Trời khi phải đối diện với đau khổ. Sự thách thức đó tạo ra ảnh hưởng lâu dài trên toàn cầu. Vấn đề Sa-tan nêu lên phải được giải quyết. Do đó, Đức Giê-hô-va cho phép Sa-tan được phép tự do hành động chống lại Gióp, và Sa-tan đã gây cho người đàn ông này đau khổ dưới nhiều hình thức khác nhau.

Rõ ràng Gióp đã không hiểu và không thể nào hiểu được vấn đề tranh chấp có tầm mức hoàn vũ được nêu ra ở trên trời. Sa-tan đã sắp đặt để cho có vẻ như chính Đức Chúa Trời đã tạo ra các tai ương cho Gióp. Chẳng hạn, khi sét đánh bầy chiên của Gióp thì một đầy tớ thoát nạn kết luận rằng ấy là “lửa của Đức Chúa Trời”. Mặc dầu Gióp không hiểu tại sao những điều này lại xảy ra, ông không hề rủa hay bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Gióp 1:16, 19, 21).

Nếu phân tích tình huống nằm đằng sau kinh nghiệm của Gióp, bạn sẽ thấy vấn đề tranh chấp: Con người có phụng sự Đức Giê-hô-va vì lòng yêu thương bất chấp mọi khó khăn không? Gióp giúp chúng ta trả lời câu hỏi này. Chỉ có tình yêu thương chân thật đối với Đức Chúa Trời mới có thể thúc đẩy một người giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va, và đây là điều mà Gióp đã làm. Thật là một bằng chứng nghịch lại với sự cáo gian của Sa-tan! Tuy nhiên, vụ này không bắt đầu và cũng không kết thúc với trường hợp của Gióp vào thời ấy; nó kéo dài nhiều thế kỷ và có liên hệ đến cả chúng ta nữa.

Dù nguyên nhân là gì, nhiều người phản ứng thế nào khi họ thấy hoặc gặp đau khổ? Có thể họ không biết vấn đề được nêu ra trong thời của Gióp, hoặc thậm chí họ không tin là có Sa-tan. Do đó, họ thường nghi ngờ việc có một Đấng Tạo Hóa, hoặc quy trách cho Ngài về mọi đau khổ xảy ra. Bạn cảm thấy thế nào về điều này? Với những gì biết được về Đấng Tạo Hóa, bạn hẳn sẽ đồng ý với một người viết Kinh-thánh là Gia-cơ, bất chấp sự đau khổ, đã quả quyết như sau: “Chớ có ai đương bị cám-dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám-dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám-dỗ được, và chính Ngài cũng không cám-dỗ ai” (Gia-cơ 1:13).

Xem xét trường hợp của Chúa Giê-su sẽ giúp chúng ta có một quan điểm khôn ngoan. Chúng ta biết Chúa Giê-su được kính trọng vì có sự thông sáng, sự hiểu biết, và là thầy dạy tài ba. Ngài có lập trường nào về Sa-tan và sự đau khổ? Chúa Giê-su biết chắc Sa-tan Ma-quỉ hiện hữu và có thể gây ra đau khổ. Sa-tan từng cố bẻ gẫy lòng trung kiên của Gióp cũng ra sức thử thách Chúa Giê-su như vậy. Ngoài việc cho thấy Sa-tan có thật, sự kiện này cũng chứng tỏ là cuộc tranh chấp nêu lên vào thời Gióp vẫn còn tiếp tục. Cũng giống như Gióp, Chúa Giê-su đã tỏ ra trung thành với Đấng Tạo Hóa dù phải hy sinh hết của cải và quyền hành, bị đau đớn về thể xác và chết trên cây khổ hình. Qua trường hợp của Chúa Giê-su, chúng ta thấy Đức Chúa Trời vẫn còn cho phép nhân loại chứng minh họ trung thành với Ngài bất chấp khó khăn (Lu-ca 4:1-13; 8:27-34; 11:14-22; Giăng 19:1-30).

Cho phép đau khổ kéo dài—Với lý do chính đáng

Để hiểu sự đau khổ, chúng ta phải ý thức rằng sự bất trắc, khuynh hướng của con người tội lỗi, sự vụng về của con người trong việc quản trị trái đất, và chính Sa-tan Ma-quỉ là những nguyên nhân gây ra đau khổ. Tuy nhiên, chỉ biết nguyên nhân của đau khổ thì chưa đủ. Khi bị đau khổ, một người thấy dễ dàng để nghĩ như nhà tiên tri Ha-ba-cúc thuở xưa; ông nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va! Tôi kêu-van mà Ngài không nghe tôi cho đến chừng nào? Tôi vì cớ sự bạo-ngược kêu-van cùng Ngài, mà Ngài chẳng khứng giải-cứu tôi! Nhân sao Chúa khiến tôi thấy sự gian-ác, và Ngài nhìn-xem sự ngang-trái? Sự tàn-hại bạo-ngược ở trước mặt tôi; sự tranh-đấu cãi-lẫy dấy lên” (Ha-ba-cúc 1:2, 3). Đúng vậy, tại sao Đức Giê-hô-va cứ ‘nhìn-xem sự ngang-trái’ mà xem ra không có hành động gì cả? Là Đức Chúa Trời Toàn Năng, Ngài có những gì cần thiết, như quyền lực và lòng yêu mến công lý, để chấm dứt đau khổ. Vậy khi nào Ngài mới làm điều này?

Như đã nói trước đây, khi cặp vợ chồng loài người đầu tiên lựa chọn hoàn toàn độc lập, Đấng Tạo Hóa biết chắc là có một số con cháu của họ sẽ hành động khác. Đức Giê-hô-va đã khôn ngoan cho phép thời gian trôi qua. Để làm gì? Để minh chứng sự cai trị biệt lập với Đấng Tạo Hóa chỉ dẫn đến sự bất hạnh và, ngược lại, sống hòa hợp với Đấng Tạo Hóa là chính đáng và đem lại hạnh phúc.

Trong thời gian này, Đức Chúa Trời đã giữ trái đất sao cho vẫn là môi trường ít nhiều thoải mái. Sứ đồ Phao-lô lý luận: “Trong các đời trước đây, Ngài để cho mọi dân theo đường riêng mình, dầu vậy, Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa-màng nhiều hoa-quả, đồ-ăn dư-dật, và lòng đầy vui-mừng” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:16, 17). Vậy rõ ràng Đấng Tạo Hóa không gây ra đau khổ, nhưng Ngài cho phép nó xảy ra để giải quyết những vấn đề tối quan trọng.

Bao giờ được giải thoát?

Thật ra, sự kiện đau khổ ngày một gia tăng cho thấy nó sắp sửa phải chấm dứt. Tại sao có thể nói như thế? Kinh-thánh tiết lộ những gì đã xảy ra trong lãnh vực vô hình vào thời Gióp; Kinh-thánh cũng tiết lộ một lần nữa như vậy vào thời chúng ta. Sách cuối cùng của Kinh-thánh, sách Khải-huyền, chú ý đến một cuộc xung đột xảy ra ở trên trời. Kết quả là gì? Sa-tan và lũ quỷ sứ của hắn “bị quăng xuống đất”. Kinh-thánh nói tiếp: “Bởi vậy, hỡi các tầng trời và các đấng ở đó, hãy vui-mừng đi! Khốn-nạn cho đất và biển! vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (Khải-huyền 12:7-12).

Một sự xem xét tỉ mỉ lời tiên tri của Kinh-thánh cho thấy biến cố trên đã xảy ra trong thế kỷ này. Có lẽ bạn biết những sử gia uy tín đều thừa nhận là có một khúc quanh quan trọng trong lịch sử vào năm 1914 khi Thế Chiến I bùng nổ. * Kể từ đó, đau khổ và khốn khó trên đà gia tăng. Chúa Giê-su cũng nói đến thời kỳ này khi các môn đồ thân cận của ngài hỏi về “điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế”. Chúa Giê-su nói: “Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; sẽ có sự động đất lớn, có đói-kém và dịch-lệ trong nhiều nơi, có những điềm lạ kinh-khiếp và dấu lớn ở trên trời” (Ma-thi-ơ 24:3-14; Lu-ca 21:5-19). Những lời này, cho thấy sẽ có nhiều đau khổ, đang ứng nghiệm trọn vẹn lần đầu tiên trong lịch sử.

Kinh-thánh mô tả những biến cố này như là một sự mở màn cho một cơn “hoạn-nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa” (Ma-thi-ơ 24:21). Đây sẽ là sự can thiệp quyết liệt của Đức Chúa Trời vào nội bộ của con người. Ngài sẽ hành động để chấm dứt hệ thống mọi sự gian ác đã gây ra đau khổ trong nhiều ngàn năm. Nhưng đây không có nghĩa là ‘tận thế’ do một cuộc tàn sát bằng nguyên tử hủy diệt toàn thể nhân loại. Lời Đức Chúa Trời bảo đảm là sẽ có người sống sót. “Vô-số người... bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng” sẽ sống sót qua cơn hoạn nạn đó (Khải-huyền 7:9-15).

Để có một hình ảnh trọn vẹn, chúng ta hãy xem xét Kinh-thánh nói điều gì sẽ xảy ra sau đó. Trái đất đẹp như công viên, mà ban đầu được dựng nên với mục đích làm nơi ở cho con người, sẽ được tái lập (Lu-ca 23:43). Bạn sẽ không còn thấy người vô gia cư nữa. Ê-sai viết: “Dân ta sẽ xây nhà và ở, trồng vườn nho và ăn trái... vì tuổi dân ta sẽ như tuổi cây, những kẻ lựa-chọn của ta sẽ hằng hưởng công-việc tay mình làm. Họ sẽ không nhọc mình vô-ích nữa, không đẻ con ra để gặp sự họa, vì họ là dòng-dõi của kẻ được ban phước bởi Đức Giê-hô-va, con cháu họ cùng với họ nữa.... Muông-sói với chiên con sẽ ăn chung, sư-tử ăn rơm như bò... Sẽ chẳng có ai làm tổn-hại, hay là hủy-phá trong khắp núi thánh ta, Đức Giê-hô-va đã phán vậy” (Ê-sai 65:21-25).

Còn sự đau khổ trên bình diện cá nhân thì sao? Sẽ không còn chiến tranh, bạo động, hay tội ác (Thi-thiên 46:8, 9; Châm-ngôn 2:22; Ê-sai 2:4). Đấng Dựng Nên và Đấng Ban Sự Sống cho loài người sẽ trợ giúp những người biết vâng lời đạt được và vui hưởng sức khỏe toàn hảo (Ê-sai 25:8; 33:24). Sẽ không còn nạn đói nữa vì trái đất sẽ được phục hồi tình trạng cân bằng sinh thái và sẽ sản xuất dư thừa (Thi-thiên 72:16). Thật vậy, các nguồn gây ra đau khổ mà nay chúng ta thấy sẽ chỉ còn là điều trong quá khứ mà thôi (Ê-sai 14:7).

Vậy đây phải là tin vui nhất. Tuy nhiên có thể một số người nghĩ vẫn còn hai điểm cần được làm sáng tỏ. Sự vui hưởng những ân phước trên sẽ rất giới hạn nếu con người chỉ sống được 70 hay 80 năm rồi chết. Và phải chăng người ấy không cảm thấy buồn về những người thân yêu chết trước khi Đấng Tạo Hóa chấm dứt sự đau khổ cho con người sao? Câu trả lời là gì?

Vô hiệu hóa sự đau khổ lớn nhất

Đấng Tạo Hóa có giải pháp. Ngài là Đấng Dựng Nên vũ trụ và sự sống loài người trên đất. Ngài có thể làm những gì vượt quá khả năng của con người hoặc những gì con người chỉ mới nghĩ may ra làm được. Chúng ta chỉ cần xem xét hai ví dụ về điều này.

Chúng ta có tiềm năng sống bất tận.

Kinh-thánh rõ ràng đưa ra triển vọng sống đời đời mà Đức Chúa Trời ban cho (Giăng 3:16; 17:3). Sau khi nghiên cứu các gen trong tế bào của con người, bác sĩ Michael Fossel phúc trình rằng phẩm lượng của các tế bào sinh sản của đàn ông không suy giảm với tuổi tác. “Các gen mà chúng ta có sẵn, nếu mã di truyền được truyền đi nguyên vẹn, có thể giữ các tế bào của chúng ta không cằn cỗi đi”. Điều đó hòa hợp với những gì chúng ta thấy trong Chương 4, theo đó, bộ óc của chúng ta có một khả năng mà cả đời người dùng tới chẳng bao nhiêu; hình như cơ phận ấy được thiết kế để hoạt động đến vô tận. Dĩ nhiên, đó mới chỉ là những điểm phụ, bổ túc cho những gì Kinh-thánh nói trực tiếp—Đức Giê-hô-va sẽ làm cho chúng ta có thể sống đời đời không đau khổ. Hãy lưu ý điều Ngài hứa trong quyển sách cuối cùng của Kinh-thánh: “[Đức Chúa Trời] sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa” (Khải-huyền 21:4).

Đấng Tạo Hóa có khả năng giúp người bị đau khổ và đã chết—cho họ sống lại.

La-xa-rơ là người được sống lại. (Giăng 11:17-45; xin xem trang 158-160). Giáo sư Donald MacKay dùng minh họa bằng một hồ sơ điện toán. Ông viết rằng hủy phá một máy điện toán không nhất thiết có nghĩa là chấm dứt vĩnh viễn một phương trình hay một chương trình nằm trong đó. Có thể để cùng phương trình hay chương trình ấy vào một máy điện toán khác và chạy, “nếu nhà toán học muốn”. Giáo sư MacKay viết tiếp: “Khoa học nghiên cứu cơ giới của bộ óc xem ra không nghịch gì nhiều với hy vọng sống đời đời nói trong Kinh-thánh vốn đặc biệt nhấn mạnh về ‘sự sống lại’ ”. Nếu một người chết, Đấng Tạo Hóa có thể làm họ sống lại sau này như trường hợp Chúa Giê-su và trường hợp Chúa Giê-su làm cho La-xa-rơ. MacKay kết luận là cái chết của một người không gây trở ngại cho việc người này được sống lại trong một thân thể mới “nếu Đấng Tạo Hóa của chúng ta muốn”.

Vâng, giải pháp cuối cùng nằm trong tay Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Chỉ mình Ngài mới có khả năng hoàn toàn xóa hết đau khổ, giải trừ hậu quả của tội lỗi, và vô hiệu hóa sự chết. Chúa Giê-su Christ đã nói với các môn đồ ngài về một diễn biến phi thường trước mắt chúng ta. Ngài nói: “Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi” (Giăng 5:28, 29).

Bạn hãy suy nghĩ về điều này! Đấng Cai Trị Tối Cao của vũ trụ sẵn lòng và có khả năng làm những người nằm trong trí nhớ của Ngài sống lại. Những người này sẽ được ban cho cơ hội chứng tỏ mình đáng nhận được “sự sống thật” (1 Ti-mô-thê 6:19; Công-vụ các Sứ-đồ 24:15).

Trong khi chờ đợi sự giải thoát hoàn toàn khỏi sự đau khổ, chúng ta có cần phải làm gì bây giờ không? Và nếu có, thì điều này có thể làm cho đời sống chúng ta ngày nay có thêm ý nghĩa hay không? Chúng ta hãy xem.

[Chú thích]

^ đ. 9 Luật Nghiệp Báo cho rằng “các hành động trong quá khứ của một người có ảnh hưởng đến những kiếp sau của người ấy, hay là sự đầu thai”.

^ đ. 19 Nơi Sáng-thế Ký 2:17, Đức Chúa Trời ban lệnh cho A-đam không được ăn trái cây biết điều thiện và điều ác. Trong một cước chú về điều này, Kinh-thánh The New Jerusalem Bible (1985) bình luận về sự hiểu biết ấy như sau: “Ấy là năng lực quyết định cho mình điều gì là thiện, điều gì là ác và hành động theo, một sự cho rằng mình hoàn toàn độc lập về đạo đức, bởi đó con người từ chối thừa nhận địa vị của mình là vật thọ tạo, xin xem Ê-sai 5:20. Tội đầu tiên là tấn công uy quyền tối thượng của Đức Chúa Trời”.

^ đ. 24 Những đoạn văn khác cho thấy toàn thể hình ảnh về sự đau khổ của Gióp. Nào dòi bọ phủ kín thân thể, từng mảnh vẩy cứng nổi lên trên da, nào hơi thở hôi thối. Gióp đau đớn quằn quại và từng mảng da đã hóa đen rơi ra (Gióp 7:5; 19:17; 30:17, 30).

^ đ. 26 Trong chương “Bạn có thể học được gì về Đấng Tạo Hóa từ một quyển sách?”, chúng ta đã xem xét vai trò của Sa-tan Ma-quỉ trong việc A-đam và Ê-va phạm tội.

^ đ. 38 Muốn biết thêm về lời tiên tri này, xin xem chương 11 sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, do Wachtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.

[Khung nơi trang 168]

Không có linh hồn bất tử

Kinh-thánh dạy là mỗi người là một linh hồn; khi chết thì linh hồn cũng chết. Ê-xê-chi-ên 18:4 nói: “Linh-hồn nào phạm tội thì sẽ chết”. Người chết không còn tri thức hay là sống ở một nơi nào khác. Sa-lô-môn viết: “Kẻ chết chẳng biết chi hết” (Truyền-đạo 9:5, 10). Cả người Do Thái lẫn các tín đồ đấng Christ thời ban đầu đều không hề dạy linh hồn bất tử.

“Linh hồn trong Cựu Ước không hề có nghĩa là một phần của con người, nhưng là cả con người—con người sống. Tương tự như vậy, trong Tân Ước, linh hồn có nghĩa là sự sống của con người... Kinh-thánh không hề nói đến một linh hồn vô hình tiếp tục sống” (New Catholic Encyclopedia [Tân bách khoa tự điển Công Giáo]).

“Ý tưởng về linh hồn bất tử và đức tin nơi sự sống lại của người chết... là hai khái niệm dựa trên ý thức hệ hoàn toàn khác nhau” (Dopo la morte: immortalità o resurrezione? do nhà thần học Philippe H. Menoud).

“Vì nguyên cả con người là một tội nhân, do đó khi chết, cả thân xác cùng linh hồn đều chết (chết hoàn toàn)... Giữa cái chết và sự sống lại, có một khoảng cách” (Sách giáo lý đạo Lutheran Evangelischer Erwachsenenkatechismus).

[Khung nơi trang 175]

Kéo dài quá lâu rồi chăng?

Từ thời Gióp đến thời Chúa Giê-su, khoảng 1.600 năm, sự đau khổ tiếp diễn trong một thời gian xem ra khá dài. Đối với một người, 100 năm có vẻ là một thời gian dài để chờ đợi đau khổ chấm dứt. Nhưng chúng ta phải nhận thức các vấn đề chính yếu Sa-tan nêu lên đã bôi nhọ Đấng Tạo Hóa. Theo quan điểm của Đức Chúa Trời, thời gian Ngài cho phép sự đau khổ và gian ác xảy ra là ngắn thôi. Ngài là “Vua muôn đời”; với Ngài ‘một ngàn năm... khác nào ngày hôm qua đã qua rồi’ (1 Ti-mô-thê 1:17; Thi-thiên 90:4). Và với loài người, khi đã được ban cho sống đời đời rồi thì sẽ thấy giai đoạn lịch sử mà trong đó đau khổ hiện hữu xem ra cũng ngắn ngủi mà thôi.

[Khung nơi trang 178]

Khúc quanh trong lịch sử

“Bây giờ khi nhìn lại, chúng ta mới thấy rõ là việc Thế Chiến I bùng nổ đã mở ra một ‘thời kỳ khốn khổ’ trong thế kỷ hai mươi theo như sử gia người Anh là Arnold Toynbee diễn tả, kể từ đó nền văn minh của chúng ta không còn trồi lên được nữa” (The Fall of the Dynasties, Edmond Taylor).

“Quả thật năm 1914, chứ không phải năm có biến cố ở Hiroshima, đã đánh dấu khúc quanh trong thời đại của chúng ta, ngày nay chúng ta có thể thấy rằng... chính thế chiến thứ nhất đã mở màn một thời đại chuyển tiếp đầy hoang mang, trong đó chúng ta đi quờ quạng” (Tiến sĩ René Albrecht-Carrié thuộc Barnard College).

“Vào năm 1914, thế giới mất đi sự kết cấu chặt chẽ và kể từ đó không lấy lại được nữa.... Đây là một thời kỳ cực kỳ hỗn loạn và bạo động, nội bộ quốc gia cũng như bên ngoài ranh giới quốc gia” (The Economist).

[Khung nơi trang 181]

Con người có thể sống lại chăng?

Bác sĩ chuyên khoa về thần kinh Richard M. Restak đã bình luận về bộ não của con người và tế bào thần kinh của nó. “Một người quan sát với khả năng giải mã các diện tiếp hợp và các mạch được thiết trí bên trong 50 tỷ tế bào thần kinh của cơ thể, có thể biết được tất cả những gì về con người của chúng ta và tất cả những gì chúng ta đã làm”. Nếu quả là như vậy thì lẽ nào Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương của chúng ta lại không thể dùng những tin tức về một người để tạo lại người đó hay sao?

[Khung nơi trang 182]

Các diện tiếp hợp của bạn đã được đếm

Chúa Giê-su nói: “Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi” (Ma-thi-ơ 10:29-31). Còn chất xám ở bên trong đầu thì sao? Các tế bào não (được gọi là tế bào thần kinh) nhỏ li ti đến nỗi chỉ kính hiển vi cực mạnh mới có thể nhìn thấy được. Bạn hãy tưởng tượng cố đếm, không phải chỉ tế bào thần kinh không thôi mà cả các diện tiếp hợp nhỏ hơn, có thể lên tới 250.000 trong một số tế bào thần kinh.

Bác sĩ Peter Huttenlocher đã tiên phong trong việc dùng kính hiển vi điện tử cực mạnh để đếm các liên hợp thần kinh từ các tử thi được mổ để khám nghiệm—của bào thai, trẻ sơ sinh, và người già. Điều đáng ngạc nhiên là tất cả các mẫu thử, mỗi mẫu khoảng cỡ một đầu mũi kim, có cùng số tế bào thần kinh, khoảng 70.000.

Rồi Bác sĩ Huttenlocher bắt đầu đếm số diện tiếp hợp trong những mẫu thử nhỏ li ti đó. Tế bào thần kinh của thai nhi có 124 triệu diện tiếp hợp, trẻ sơ sinh có 253 triệu; em bé tám tháng có 572 triệu. Bác sĩ Huttenlocher khám phá ra là sau tuổi đó, đứa trẻ càng lớn thì con số giảm dần.

Những khám phá này đáng chú ý khi xem xét những gì Kinh-thánh nói về sự sống lại (Giăng 5:28, 29). Nguyên cả bộ óc của một người trưởng thành có khoảng một triệu tỉ diện tiếp hợp nghĩa là số 1 với 15 số không. Đấng Tạo Hóa có khả năng không những đếm các liên hợp thần kinh này mà cũng còn tái tạo chúng nữa không?

Sách The World Book Encyclopedia cung cấp con số tinh tú trong vũ trụ là 200 tỷ tỷ hay là số 2 với 20 số không. Đấng Tạo Hóa biết tên của từng tinh tú (Ê-sai 40:26). Do đó, Ngài có đủ khả năng để nhớ và tái tạo những diện tiếp hợp hợp thành trí nhớ và cảm xúc của người mà Ngài quyết định cho sống lại.

[Hình nơi trang 166]

Nhiều người tin vào vòng Nghiệp Báo: sinh ra, chết đi, rồi lại vòng lại như vậy

[Hình nơi trang 171]

Alexis, con trai của Czar Nicholas II và Alexandra, bị bệnh dễ chảy máu di truyền. Chúng ta cũng bị bất toàn di truyền từ tổ phụ là A-đam

[Hình nơi trang 179]

Ngay trong lúc cho phép sự đau khổ xảy ra, Đấng Tạo Hóa cũng cung cấp cho con người nhiều vui sướng