Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tạo cho đời sống bạn có ý nghĩa mãi mãi

Tạo cho đời sống bạn có ý nghĩa mãi mãi

Chương Mười Một

Tạo cho đời sống bạn có ý nghĩa mãi mãi

DÙ SỐNG nơi nào, chúng ta cũng nghe thấy các khám phá khoa học. Các nhà sinh vật học, hải dương học và các nhà khoa học khác tiếp tục gia thêm vào sự hiểu biết của con người về trái đất và sự sống trên đó. Về trên không, các nhà thiên văn học và vật lý học hơn bao giờ hết đang tìm hiểu về thái dương hệ, các ngôi sao, thậm chí các dải thiên hà xa tít. Điều này cho thấy gì?

Nhiều người suy nghĩ sáng suốt đồng ý với Vua Đa-vít thuở xưa: “Các tầng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giãi-tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi-thiên 19:1). Đành rằng một số người có thể không đồng ý hoặc nói họ không chắc có Đức Chúa Trời. Nhưng sau khi xem xét bằng chứng trình bày trong sách này, lẽ nào bạn lại không nhìn ra vô số lý do để tin rằng Đấng Tạo Hóa hiện hữu; chính Ngài đã dựng nên vũ trụ và sự sống của chúng ta?

Sứ đồ Phao-lô ghi nhận: “Bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài, thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được” (Rô-ma 1:20). Tài liệu mà chúng ta trình bày trong các chương trước về công trình sáng tạo giúp chúng ta thấy dễ hơn Đức Chúa Trời là một Đấng như thế nào, và nhận ra được “bản chất tốt lành vô hình của Ngài” (NW). Dù vậy, việc nhìn ra công trình sáng tạo vật chất phản ánh Đấng Tạo Hóa không phải là mục tiêu cuối cùng. Tại sao không?

Nhiều khoa học gia dấn thân nghiên cứu về vũ trụ, nhưng vẫn cảm thấy trống rỗng và không tìm được ý nghĩa lâu dài. Chẳng hạn, nhà vật lý học Steven Weinberg viết: “Càng hiểu về vũ trụ bao nhiêu thì dường như càng thắc mắc tại sao vũ trụ hiện hữu bấy nhiêu”. Về quan điểm của nhà thiên văn học Alan Dressler, tạp chí Science phát biểu: “Khi các nhà nghiên cứu nói khoa vũ trụ học tiết lộ ‘trí khôn’ hay ‘tài nghệ’ của Đức Chúa Trời, họ đang gán cho Đức Chúa Trời cái mà kết cuộc sẽ là khía cạnh thứ yếu trong vũ trụ—tức là kiến trúc vật chất của nó”. Dressler cho thấy ý nghĩa về sự hiện hữu của con người quan trọng hơn. Ông ghi nhận: “Người ta đã bỏ đi niềm tin hồi xưa, theo đó, trái đất là trung tâm của vũ trụ, nhưng phải quay lại niềm tin chính con người mới là trung tâm của ý nghĩa của đời sống”.

Vậy rõ ràng mỗi người chúng ta nên đặt nặng việc chúng ta hiện hữu có nghĩa gì. Chỉ công nhận Đấng Tạo Hóa hay Đấng Thiết Kế Lỗi Lạc hiện hữu và chúng ta tùy thuộc vào Ngài có thể không đem lại ý nghĩa cho đời sống, nhất là vì cuộc đời xem ra ngắn ngủi. Nhiều người cảm thấy như Vua Macbeth trong một vở kịch của William Shakespeare:

“Cuộc đời chẳng qua là một cái bóng thoáng qua, giống như một kịch sĩ vụng về

Đi khệnh khạng và lo lắng lúc ở trên sân khấu

Và rồi biến hút. Đó là một câu chuyện tưởng tượng

Do một kẻ ngu kể, toàn những bực dọc và lời vô nghĩa,

Chẳng có nghĩa gì” (Macbeth, Hồi V, Màn V).

Khắp nơi trên thế giới, người ta có thể đồng ý với những lời này; nhưng khi chính họ gặp phải khủng hoảng trầm trọng, họ vẫn kêu gào xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. Ê-li-hu, một người khôn ngoan vào thời xưa, quan sát: “Tại vì nhiều sự hà-hiếp, nên người ta kêu oan... Nhưng không ai hỏi rằng: Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo-hóa của tôi, ở đâu?... [Ngài] dạy-dỗ chúng tôi được thông-sáng hơn các loài thú trên đất, và làm cho trở nên khôn-ngoan hơn các chim trời” (Gióp 35:9-11).

Lời của Ê-li-hu nhấn mạnh là ý nghĩa thật sự của cuộc sống không nằm nơi con người nhưng nơi Đấng Tạo Hóa và do đó, mọi ý nghĩa thật sự về sự hiện hữu của chúng ta hiển nhiên đều liên hệ tới Ngài và tùy thuộc vào Ngài. Để tìm được ý nghĩa đó và sự thỏa mãn sâu xa mà nó mang lại, chúng ta cần biết Đấng Tạo Hóa và điều chỉnh đời sống sao cho phù hợp với ý muốn của Ngài.

Quay về với Đấng Tạo Hóa

Môi-se đã làm như vậy. Ông đã thực tế nhìn nhận: “Tuổi-tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh-khỏe thì đến tám mươi; song sự kiêu-căng của nó bất quá là lao-khổ và buồn-thảm”. Sự nhận thức này không làm cho Môi-se u sầu hay bi quan; nó giúp ông nhận biết rõ giá trị của việc quay về với Đấng Tạo Hóa. Môi-se cầu nguyện: “Cầu-xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn-ngoan. Ôi! xin Chúa cho chúng tôi buổi sáng được thỏa dạ về sự nhân-từ Chúa, thì trọn đời chúng tôi sẽ hát mừng vui-vẻ. Nguyện ơn Chúa, là Đức Chúa Trời chúng tôi, giáng trên chúng tôi” (Thi-thiên 90:10, 12, 14, 17).

‘Buổi sáng được thỏa dạ’. ‘Trọn đời chúng tôi sẽ hát mừng vui-vẻ’. ‘Ơn Chúa giáng trên chúng tôi’. Phải chăng những lời này không hàm ý một người đã tìm được ý nghĩa của đời sống hay sao?—ý nghĩa mà người ta nói chung không sao nắm được.

Chúng ta có thể tiến thêm một bước quan trọng nữa trong việc tìm ý nghĩa của đời sống bằng cách xem địa vị của chúng ta là gì đối với Đấng Tạo Hóa. Việc gia tăng hiểu biết về vũ trụ có thể giúp chúng ta. Đa-vít từng hỏi: “Khi tôi nhìn-xem các từng trời là công-việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt, loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm-viếng nó?” (Thi-thiên 8:3, 4).

Chỉ hiểu biết suông là Đức Giê-hô-va đã dựng nên mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao và vô vàn sự sống trên mặt đất với các kết cấu hạ tầng thì chưa đủ; chúng ta cần làm nhiều hơn nữa (Nê-hê-mi 9:6; Thi-thiên 24:2; Ê-sai 40:26; Giê-rê-mi 10:10, 12). Như chúng ta đã học trước đây, danh độc nhất vô nhị của Đức Giê-hô-va cho biết Ngài là một Đức Chúa Trời có ý định và là Đấng duy nhất có thể thực hiện trọn vẹn ý muốn của Ngài.

Ê-sai viết: “Đức Chúa Trời đã tạo-thành đất và làm ra nó, đã lập nó cho bền-vững, chẳng phải dựng nên là trống-không, bèn đã làm nên để dân ở”. Rồi Ê-sai trích lời của Đức Giê-hô-va: “Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác!” (Ê-sai 45:18). Sau này Phao-lô nói về anh em tín đồ đấng Christ: “Chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus-Christ để làm việc lành”. “Việc lành” chủ yếu là bày tỏ “sự khôn-sáng mọi đường của Đức Chúa Trời... theo ý định đời đời của Ngài” (Ê-phê-sô 2:10; 3:8-11). Vậy hợp lý là chúng ta có thể và phải có một mối liên lạc với Đấng Tạo Hóa, tìm hiểu về ý định của Ngài và hợp tác với ý định đó (Thi-thiên 95:3-6).

Việc nhận biết có Đấng Tạo Hóa đầy quan tâm và yêu thương nên thúc đẩy chúng ta hành động. Chẳng hạn, chúng ta hãy để ý đến mối liên kết giữa việc nhận biết ấy và cách chúng ta đối xử với người khác. “Kẻ hà-hiếp người nghèo-khổ làm nhục Đấng tạo-hóa mình; còn ai thương-xót người bần-cùng tôn-trọng Ngài”. “Chẳng phải chỉ có một Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta sao? Vậy sao ai nấy đãi anh em mình cách gian-dối?” (Châm-ngôn 14:31; Ma-la-chi 2:10). Do đó, việc nhận biết có một Đấng Tạo Hóa quan tâm nên thúc đẩy chúng ta tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến những người khác cũng do Ngài dựng nên.

Chúng ta không phải làm điều này một mình. Đấng Tạo Hóa sẽ giúp chúng ta. Mặc dù ngày nay Đức Giê-hô-va không còn tạo thêm những vật mới trên đất, nhưng có thể nói Ngài vẫn sáng tạo theo cách khác. Ngài tích cực giúp đỡ một cách hữu hiệu những ai tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài. Sau khi phạm tội, Đa-vít cầu xin: “Đức Chúa Trời ôi! hãy dựng nên trong tôi một lòng trong-sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần-linh ngay-thẳng” (Thi-thiên 51:10; 124:8). Kinh-thánh cũng kêu gọi tín đồ đấng Christ “thoát lốt người cũ” từng bị thế gian chung quanh uốn nắn và “mặc lấy người mới tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 4:22-24). Vâng, Đức Giê-hô-va có thể dựng nên trong người ta một trái tim mới theo nghĩa bóng, giúp họ phát triển một nhân cách phản ánh các đức tính của Ngài.

Dầu sao đây mới chỉ là những bước đầu. Chúng ta cần tiến sâu hơn. Phao-lô nói với vài người A-thên có học: ‘Đức Chúa Trời đã dựng nên thế-giới và mọi vật trong đó, định những kỳ hạn, để người ta tìm-kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta’ (Công-vụ các Sứ-đồ 17:24-27).

Ý nghĩa của đời sống phát sinh từ tri thức

Từ những điều trình bày trên, chúng ta thấy rõ là Đấng Tạo Hóa đã cung cấp quá đầy đủ tin tức qua công trình sáng tạo vật chất và qua Lời được soi dẫn của Ngài là Kinh-thánh. Ngài khuyến khích chúng ta gia tăng sự hiểu biết và thông sáng. Ngài còn tiên tri thời kỳ mà “thế gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển” (Ê-sai 11:9; 40:13, 14).

Đấng Tạo Hóa không hề có ý giới hạn khả năng học hỏi và cải tiến của chúng ta trong một đời người 70 hoặc 80 năm. Bạn có thể thấy điều này nơi một lời tuyên bố nổi tiếng của Chúa Giê-su: “Vì Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

“Sống đời đời”. Đó không phải là ảo tưởng. Đúng ra, ý niệm sống đời đời hòa hợp với những gì Đấng Tạo Hóa đã cung cấp cho cha mẹ đầu tiên của chúng ta là A-đam và Ê-va. Ý niệm ấy phù hợp với các dữ kiện khoa học về cách cấu tạo và khả năng của bộ óc của chúng ta, và cũng phù hợp với những gì Chúa Giê-su Christ dạy. Sự sống đời đời của con người là điểm then chốt trong thông điệp của Chúa Giê-su. Vào buổi chiều cuối cùng với các sứ đồ, ngài nói: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3).

Như đã thảo luận trong chương trước, lời hứa của Chúa Giê-su về sự sống đời đời sẽ trở thành một thực tại đối với hàng triệu người ngay trên trái đất này. Rõ ràng, có được một triển vọng như thế sẽ làm cho cuộc sống có thêm ý nghĩa bội phần. Nó giúp phát triển một mối liên lạc với Đấng Tạo Hóa. Mối liên lạc ấy đặt cơ sở ngay từ bây giờ để được sự sống đời đời. Bạn hãy tưởng tượng đến thời kỳ chính bạn được hưởng sự sống ấy: bạn sẽ tha hồ học hỏi, khám phá và thử nghiệm—không bị bệnh hoạn và sự chết giới hạn như hiện nay. (So sánh Ê-sai 40:28). Bạn có thể và sẽ làm gì với đời sống đó? Chính bạn biết rõ nhất những gì bạn thích, tài năng nào bạn khao khát phát triển, và những giải đáp nào bạn muốn tìm ra. Bạn sẽ có điều kiện để theo đuổi những mục tiêu này và do vậy đời sống bạn sẽ có ý nghĩa thêm nhiều!

Phao-lô có lý do vững chãi để trông mong thời kỳ “muôn vật... sẽ được giải-cứu khỏi làm tôi sự hư-nát đặng dự phần trong sự tự-do vinh hiển của con-cái Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:21). Những ai đạt được sự tự do đó sẽ vui hưởng đời sống có ý nghĩa thật sự ngay từ bây giờ và đời đời vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Khải-huyền 4:11).

Nhân-chứng Giê-hô-va khắp nơi trên thế giới đã học về đề tài này. Họ tin chắc có một Đấng Tạo Hóa và Ngài quan tâm đến họ và đến bạn nữa. Họ sung sướng giúp người khác tìm ý nghĩa của cuộc sống dựa trên cơ sở có giá trị này. Chúng tôi mời bạn xem xét vấn đề này với họ. Làm như vậy bạn sẽ tạo cho đời sống bạn có thêm ý nghĩa mãi mãi!

[Khung nơi trang 185]

Đức Chúa Trời theo nghĩa nào?

Ông Steven Weinberg, người đoạt giải Nobel nhờ công trình nghiên cứu về lực cơ bản, đã bình luận: “Các nhà khoa học cũng như nhiều người khác đôi khi dùng từ ‘Đức Chúa Trời’ để chỉ một cái gì quá trừu tượng và xa lạ đến nỗi khó phân biệt Ngài với các luật thiên nhiên”. Ông nói thêm:

“Đối với tôi, hình như nếu dùng từ vựng “Đức Chúa Trời” thì chỉ có lợi ích khi từ ấy biểu thị một Đức Chúa Trời quan tâm, một đấng tạo hóa và một đấng lập pháp, đấng không những lập ra luật thiên nhiên và các luật điều hành vũ trụ mà còn lập ra những tiêu chuẩn về thiện và ác, một đấng nào đó quan tâm đến hành động của chúng ta, nói vắn tắt, một đấng nào đó thích hợp để chúng ta tôn thờ.... Đây là Đức Chúa Trời mà trong suốt dòng lịch sử được nhiều người đàn ông và đàn bà coi trọng” (Dreams of a Final Theory).

[Hình nơi trang 187]

Môi-se ý thức rằng dù có sống lâu chừng nào chăng nữa, phải có liên hệ với Đấng Tạo Hóa thì đời sống mới có ý nghĩa thật

[Hình nơi trang 190]

Tìm được ý nghĩa lâu dài cho đời sống mở ra vô vàn cơ hội