Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vũ trụ của chúng ta đã xuất hiện như thế nào?—Cuộc tranh luận

Vũ trụ của chúng ta đã xuất hiện như thế nào?—Cuộc tranh luận

Chương Hai

Vũ trụ của chúng ta đã xuất hiện như thế nào?—Cuộc tranh luận

CÁC phi hành gia thích thú chụp hình trái đất khi nó lù lù hiện ra qua cánh cửa sổ của con thuyền không gian. Một phi hành gia nói: “Đó là phần thú vị nhất khi bay trong không gian”. Nhưng Trái Đất của chúng ta dường như rất nhỏ bé khi so sánh với Thái Dương Hệ. Mặt trời có thể chứa được một triệu trái đất mà vẫn còn dư chỗ! Tuy nhiên, những sự kiện ấy về vũ trụ có liên hệ gì đến đời sống của bạn và ý nghĩa của nó?

Hãy tưởng tượng chúng ta đang du hành không gian để thấy được mối quan hệ của Trái Đất và Mặt Trời trong vũ trụ. Mặt Trời của chúng ta chỉ là một trong hằng hà sa số tinh tú trong một cánh hình xoắn ốc của dải thiên hà Milky Way; * mà chính dải thiên hà này lại chỉ là một phần rất nhỏ của vũ trụ. Mắt trần có thể thấy được vài vệt sáng, mà kỳ thực lại là những thiên hà khác, chẳng hạn như thiên hà mỹ lệ và lớn hơn là Andromeda. Milky Way, Andromeda và khoảng 20 thiên hà khác được giữ lại với nhau nhờ hấp lực mà hợp thành một chòm; tất cả các thiên hà này chỉ là một vùng nhỏ trong một chòm siêu đẳng rộng bao la. Vũ trụ chứa đựng vô số những chòm siêu đẳng, nhưng không phải thế là hết.

Những chòm thiên hà phân bố không đều trong không gian. Trên bình diện rộng lớn, các chòm này trông giống như những bức màn mỏng và dây dợ, bao bọc những khoảng không bao la giống hình bong bóng. Vài phần của các chòm thiên hà rộng và dài đến nỗi chúng trông giống như những bức vạn lý trường thành. Điều này có thể làm ngạc nhiên những người tin rằng vũ trụ của chúng ta tự tạo ra do một vụ nổ ngẫu nhiên. Một nhà báo cao cấp của tạp chí Scientific American kết luận: “Chúng ta càng thấy rõ tất cả các chi tiết huy hoàng của vũ trụ, thì càng khó giải thích bằng một thuyết đơn giản cách vũ trụ đã hình thành”.

Bằng chứng cho thấy có sự bắt đầu

Tất cả các vì sao bạn thấy đều ở trong dải thiên hà Milky Way. Mãi cho đến thập niên 1920, thì dường như đó là thiên hà độc nhất. Tuy nhiên, có lẽ bạn biết là kể từ thời ấy những cuộc quan sát bằng viễn vọng kính lớn hơn đã chứng minh điều ấy là sai. Vũ trụ của chúng ta chứa ít nhất 50.000.000.000 thiên hà. Chúng tôi không muốn nói 50 tỷ tinh tú—nhưng muốn nói có ít nhất 50 tỷ thiên hà, mỗi cái có hàng tỷ tinh tú như Mặt Trời của chúng ta. Song, số lượng thiên hà khổng lồ, tuy là con số lớn đến mức làm người ta sửng sốt, lại không rung chuyển sự tin tưởng của khoa học trong thập niên 1920 bằng chính sự kiện là tất cả các thiên hà đều chuyển động.

Những nhà thiên văn học đã phát hiện một sự kiện lạ lùng: Khi cho ánh sáng từ các thiên hà đi xuyên qua lăng kính, người ta nhận thấy chiều dài của những làn sóng ánh sáng dãn ra; điều này chứng tỏ các thiên hà dạt ra xa chúng ta với tốc độ cao. Một thiên hà càng xa, thì dường như nó dạt ra xa trái đất càng nhanh. Điều đó chứng tỏ vũ trụ đang nở rộng! *

Cho dù chúng ta không phải là những nhà thiên văn chuyên nghiệp hoặc tài tử, chúng ta vẫn có thể thấy rằng vũ trụ nở rộng sẽ có những hàm ẩn sâu sắc về quá khứ—và có lẽ cũng về tương lai riêng của chúng ta nữa. Một cái gì đó hẳn đã phải khởi đầu quá trình nở rộng của vũ trụ—một lực đủ sức thắng được trọng lực vô cùng mạnh của toàn thể vũ trụ. Bạn có đủ lý do để hỏi: ‘Đâu là nguồn của động năng đó?’

Dù hầu hết các khoa học gia cho rằng vũ trụ lúc khởi đầu là một vùng dầy đặc rất nhỏ (một điểm kỳ dị), nhưng chúng ta không thể tránh né được vấn đề căn bản là: “Nếu vào một thời điểm trong quá khứ, vũ trụ đã một thời ở trong trạng thái kỳ dị, có kích thước cực tiểu và tỷ trọng lớn vô cực, thì chúng ta phải hỏi là: cái gì đã tồn tại trước đó và cái gì ở bên ngoài vũ trụ.... Chúng ta phải đối diện với vấn đề về Sự khởi đầu” (Sir Bernard Lovell).

Điều này hàm ý là ngoài một nguồn năng lượng vô biên ra, cũng còn cần phải có trí thông minh và khả năng tiên liệu, bởi vì tốc độ nở rộng dường như được điều chỉnh tinh vi. Ông Lovell nói: “Nếu vũ trụ nở rộng nhanh thêm một phần triệu triệu, thì bây giờ mọi vật thể trong vũ trụ đã tản mát hết.... Và nếu tốc độ chậm đi một phần triệu triệu, thì các hấp lực đã làm vũ trụ suy sụp trong vòng một tỷ năm hiện hữu đầu tiên. Ngoài ra, sẽ không có các ngôi sao trường thọ và không có sự sống”.

Cố giải thích sự khởi đầu

Hiện nay các chuyên gia có thể giải thích được gốc tích của vũ trụ không? Nhiều khoa học gia thấy khó chấp nhận ý tưởng là một trí tuệ thông minh hơn đã tạo ra vũ trụ, nên họ suy đoán là bằng một quá trình nào đó vũ trụ tự tạo nên từ hư vô. Bạn có thấy điều này hợp lý không? Những sự suy đoán như thế thường là một biến dạng nào đó của một giả thuyết (biểu mẫu vũ trụ bành trướng) * do nhà vật lý học Alan Guth đề xướng vào năm 1979. Tuy nhiên, gần đây hơn, tiến sĩ Guth thừa nhận rằng thuyết của ông “không giải thích được vũ trụ đã nảy sinh từ hư vô như thế nào”. Tiến sĩ Andrei Linde nói thẳng hơn trong bài báo in trong tạp chí Scientific American: “Giải thích điểm kỳ dị lúc khởi thủy này—khi nào nó bắt đầu và ở đâu—vẫn còn là vấn đề nan giải nhất trong ngành vũ trụ học ngày nay”.

Nếu các chuyên gia không thật sự giải thích được nguồn gốc hoặc sự phát triển lúc đầu của vũ trụ, thì chúng ta không nên tìm sự giải thích ở một nơi nào khác sao? Quả thật, bạn có lý do vững chắc để xem xét một số bằng chứng nhiều người đã bỏ qua, nhưng lại cho bạn một nhận thức thật sự về gốc tích vũ trụ. Bằng chứng này bao gồm những độ chính xác của bốn lực căn bản, là nguyên nhân gây nên tất cả những thuộc tính và biến đổi có ảnh hưởng đến vật chất. Khi nghe nói đến những lực căn bản, vài người có thể do dự, vì nghĩ rằng: ‘Điều ấy chỉ dành riêng cho các nhà vật lý’. Không hẳn vậy. Những sự kiện cơ bản này đáng xem xét vì có ảnh hưởng đến chúng ta.

Sự điều hưởng tinh vi

Bốn lực căn bản chi phối những hoạt động cả trong vũ trụ bao la lẫn trong các cấu trúc nguyên tử cực nhỏ. Vâng, mọi vật chúng ta thấy chung quanh đều bị chi phối.

Các nguyên tố thiết yếu cho sự sống (nhất là cacbon, oxy, và sắt) không thể tồn tại nếu bốn lực căn bản trong vũ trụ không được điều hưởng chính xác. Chúng ta đã đề cập một lực là trọng lực. Một lực khác là điện từ lực. Nếu điện từ lực yếu hơn khá nhiều, thì nó sẽ không giữ được các điện tử ở chung quanh nhân của nguyên tử. Vài người có thể tự hỏi: ‘Điều đó có nghiêm trọng không?’ Thưa có, bởi vì các nguyên tử không thể tổ hợp thành phân tử. Trái lại, nếu lực này mạnh hơn nhiều, các điện tử sẽ kẹt lại trong nhân của nguyên tử. Do đó không thể có những phản ứng hóa học giữa các nguyên tử—nghĩa là không có sự sống. Ngay cả dưới quan điểm này, thì rõ ràng là sự tồn tại và sự sống chúng ta tùy thuộc vào sự điều hưởng tinh vi của điện từ lực.

Và hãy xem xét trên tầm mức vũ trụ: Sự khác biệt chút ít về điện từ lực sẽ ảnh hưởng đến mặt trời và vì thế mà biến đổi ánh sáng chiếu xuống trái đất, làm cho hiện tượng quang hợp trong cây cối khó khăn hoặc không thể được. Điều đó cũng làm nước mất đi những thuộc tính độc đáo thiết yếu cho sự sống. Vì thế một lần nữa, sự điều hưởng tinh vi của điện từ lực quyết định chúng ta sẽ sống hay không.

Điều thiết yếu không kém là mối tương quan giữa cường độ của điện từ lực và ba lực kia. Thí dụ, vài nhà vật lý học tính ra rằng lực này mạnh hơn trọng lực 10.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000.- 000.000 (1040) lần. Thêm một số không vào đằng sau con số này có thể là một thay đổi dường như nhỏ (1041). Song điều ấy có nghĩa là trọng lực sẽ yếu đi theo tỷ lệ tương ứng, và tiến sĩ Reinhard Breuer nhận định về tình huống do sự thay đổi đó gây ra: “Khi trọng lực yếu hơn, thì những vì sao sẽ nhỏ hơn, và áp suất của trọng lực bên trong những vì sao sẽ không đưa nhiệt độ lên đến mức cao vừa phải để những phản ứng tổng hợp hạt nhân xảy ra: mặt trời sẽ không thể chiếu sáng”. Bạn có thể tưởng tượng điều ấy sẽ có nghĩa gì cho chúng ta!

Điều gì xảy ra nếu trọng lực mạnh hơn theo tỷ lệ tương ứng, để cho con số trên chỉ có 39 số không (1039) mà thôi? Ông Breuer viết tiếp: “Chỉ có một thay đổi nhỏ cỡ này, thì tuổi thọ của một ngôi sao như mặt trời sẽ giảm hẳn đi”. Các khoa học gia khác cho rằng sự điều hưởng tinh vi này thậm chí còn chính xác hơn nữa.

Quả thật, hai đặc tính lạ lùng của mặt trời và những vì sao khác là năng suất và tính ổn định dài hạn. Bạn hãy xem một thí dụ đơn giản. Chúng ta biết là để có năng suất cao, thì bộ máy xe hơi cần một tỷ số chính xác giữa nhiên liệu và không khí; các kỹ sư thiết kế những hệ thống điện toán và cơ khí phức tạp để đạt được hiệu suất tối đa. Nếu chỉ có một cái máy mà đã thế, thì những tinh tú “cháy sáng”, đạt được hiệu suất cao chẳng hạn như mặt trời thì sao? Những lực chủ chốt liên hệ được điều hưởng chính xác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự sống. Độ chính xác đó lại tình cờ xảy ra ư? Gióp, một người đàn ông thời xưa, được chất vấn như sau: “Ngươi có biết luật của các từng trời sao? Có thể lập chủ quyền nó dưới đất chăng?” (Gióp 38:33). Không ai làm được điều đó. Vậy thì độ chính xác ấy ra từ đâu?

Hai lực hạt nhân

Cấu trúc vũ trụ bao gồm nhiều điều khác, ngoài sự điều hưởng chính xác của trọng lực và điện từ lực. Hai lực vật lý khác cũng gắn liền với sự sống chúng ta.

Hai lực này hoạt động trong nhân của nguyên tử, và chúng cho bằng chứng là có sự suy tính trước. Hãy xem lực hạt nhân mạnh, là lực kìm giữ các proton và neutron lại với nhau trong nhân của nguyên tử. Nhờ sự liên kết này mà những nguyên tố khác nhau có thể thành hình—các nguyên tố nhẹ (như khí heli và oxy) và các nguyên tố nặng (như vàng và chì). Dường như nếu lực kìm giữ này chỉ yếu đi hai phần trăm thôi, thì chỉ có khí hyđro mới tồn tại. Trái lại, nếu lực này mạnh hơn chút ít, thì chỉ có thể tìm được các nguyên tố nặng hơn, nhưng không thấy khí hyđro. Đời sống chúng ta có bị ảnh hưởng không? Nếu vũ trụ thiếu khí hyđro, thì mặt trời sẽ không có nhiên liệu nó cần để tỏa ra năng lượng thiết yếu cho sự sống. Và dĩ nhiên, chúng ta sẽ không có nước hay thực phẩm, vì khí hyđro là thành phần thiết yếu của cả hai.

Lực thứ tư trong cuộc thảo luận này, gọi là lực hạt nhân yếu, chi phối sự phân rã phóng xạ. Lực này cũng chi phối hoạt động nhiệt hạch tâm trong mặt trời. Bạn có thể hỏi: ‘Lực này có được điều hưởng tinh vi không?’ Nhà toán học kiêm vật lý học Freeman Dyson giải thích: “Lực yếu này yếu hơn lực hạt nhân hàng triệu lần, mà lại chỉ yếu vừa phải để cho khí hyđro trong mặt trời cháy ở một tốc độ chậm và đều. Nếu lực yếu ấy mạnh hơn hay yếu đi nhiều, thì bất kỳ hình thể sống nào tùy thuộc vào những vì sao giống như mặt trời, sẽ gặp khó khăn”. Vâng, tốc độ cháy chính xác này giữ cho địa cầu được ấm áp—nhưng không bị thiêu hủy—và bảo toàn mạng sống của chúng ta.

Hơn nữa, các khoa học gia tin rằng lực yếu này đóng một vai trò trong những vụ nổ của sao siêu mới; theo họ những vụ nổ ấy là quá trình sinh ra và phân bố hầu hết các nguyên tố. Nhà vật lý học John Polkinghorne giải thích: “Nếu các lực hạt nhân đó khác đi chút ít về bất kỳ phương diện nào, những vì sao sẽ không thể làm ra các nguyên tố cấu tạo nên bạn và tôi”.

Có thể nói đến nhiều điều khác nữa, nhưng rất có thể bạn đã hiểu được vấn đề. Bốn lực cơ bản này có một mức độ điều hưởng tinh vi lạ lùng. Giáo sư Paul Davies viết: “Nhìn khắp chung quanh, dường như chúng ta thấy bằng chứng là thiên nhiên đã biết cách bố trí khít khao”. Vâng, độ điều hưởng chính xác của các lực cơ bản này khiến mặt trời có thể tồn tại và hoạt động; khiến hành tinh vui thú của chúng ta có nước để duy trì sự sống, có bầu khí quyển thật thiết yếu cho sự sống, và có vô số nguyên tố hóa học quý báu trên đất. Nhưng bạn hãy tự hỏi: ‘Tại sao lại có sự điều hưởng chính xác đến thế, và do đâu?’

Những đặc điểm lý tưởng của trái đất

Sự tồn tại của chúng ta cũng đòi hỏi sự chính xác về những khía cạnh khác nữa. Hãy xem kích thước và vị trí tương đối của Trái Đất đối với Thái Dương Hệ. Quyển sách Gióp trong Kinh-thánh đặt những câu hỏi khiến người đọc phải hạ mình xuống như: “Khi ta đặt nền trái đất, thì ngươi ở đâu?... Ai đã định độ lượng [kích thước, NW] nó,... ngươi có biết chăng?” (Gióp 38:4, 5). Hơn bao giờ hết, các câu hỏi ấy đòi hỏi phải giải đáp. Tại sao? Bởi vì những điều kỳ lạ đã được phát hiện về Trái Đất của chúng ta—bao gồm kích thước và vị trí của nó trong Thái Dương Hệ.

Không có hành tinh nào như Trái Đất được tìm thấy ở nơi khác trong vũ trụ. Đành rằng các khoa học gia kể ra bằng chứng gián tiếp là vài vì sao có nhiều vật bay chung quanh chúng, là những vật lớn hơn trái đất hàng trăm lần. Tuy vậy, trái đất có kích thước vừa phải để chúng ta có thể tồn tại. Theo nghĩa nào? Giả thử trái đất lớn hơn chút ít, thì trọng lực sẽ mạnh hơn và khí hyđro, một loại khí nhẹ, sẽ tích tụ lại, không thể thoát khỏi trọng lực của trái đất. Như thế, bầu khí quyển sẽ không thích hợp với sự sống. Mặt khác, giả dụ trái đất nhỏ đi chút ít, khí oxy cần cho sự sống sẽ thoát ra ngoài không gian và nước trên mặt địa cầu sẽ bốc hơi hết. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều không thể sống được.

Trái Đất cũng cách Mặt Trời một khoảng lý tưởng, một yếu tố thiết yếu giúp sự sống sinh sôi nảy nở. Nhà thiên văn John Barrow và nhà toán học Frank Tipler nghiên cứu “tỷ số của đường bán kính Trái Đất với khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời”. Họ kết luận rằng sự sống con người sẽ không tồn tại “giả thử tỷ số này hơi khác đi chút ít”. Giáo sư David L. Block viết: “Giả sử Trái Đất gần Mặt Trời thêm chỉ 5 phần trăm, thì những tính toán cho thấy rằng một hiệu ứng nhà kính không kiểm soát nổi [nhiệt độ quá nóng bỏng trên trái đất] đã xảy ra cách đây khoảng 4.000 triệu năm. Mặt khác, giả sử Trái Đất được đặt xa Mặt Trời thêm chỉ 1 phần trăm nữa, thì băng giá không kiểm soát nổi [những tảng băng khổng lồ bao phủ phần lớn diện tích trái đất] đã xảy ra cách đây khoảng 2.000 triệu năm” (Our Universe: Accident or Design?)

Ngoài sự chính xác nêu trên, có thể kể thêm sự kiện là Trái Đất quay quanh trục của nó mỗi ngày một lần, một vận tốc vừa vặn để sinh ra nhiệt độ ôn hòa. Ngôi Sao Kim quay quanh trục mất 243 ngày. Bạn hãy nghĩ xem, giả sử Trái Đất cũng mất một thời gian dài như thế! Chúng ta không thể chịu nổi những nhiệt độ quá cao và quá thấp do ngày và đêm dài như thế gây ra.

Một chi tiết thiết yếu nữa là quỹ đạo của Trái Đất chung quanh Mặt Trời. Những sao chổi có quỹ đạo rộng hình ellip. Mừng thay, Trái Đất lại không ở trong trường hợp như thế. Quỹ đạo Trái Đất gần như là hình tròn. Một lần nữa, điều này giúp chúng ta tránh khỏi cái chết do nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp.

Chúng ta cũng không thể bỏ qua vị trí của Thái Dương Hệ. Giả sử nó gần trung tâm của dải thiên hà Milky Way hơn, thì hấp lực của những vì sao lân cận sẽ làm méo mó quỹ đạo Trái Đất. Ngược lại, giả sử Thái Dương Hệ ở ngay rìa của dải thiên hà của chúng ta, thì bầu trời ban đêm sẽ không có một áng sao. Tuy ánh sao không thiết yếu cho sự sống, nhưng nó không tăng thêm vẻ mỹ lệ của bầu trời ban đêm hay sao? Và căn cứ vào các khái niệm hiện nay về vũ trụ, các khoa học gia đã tính được là ở rìa của dải thiên hà Milky Way không có đủ các nguyên tố hóa học cần thiết để hình thành một thái dương hệ như của chúng ta. *

Định luật và sự trật tự

Nhờ kinh nghiệm riêng, có lẽ bạn biết rằng mọi vật có khuynh hướng trở thành vô trật tự. Như bất cứ người chủ nhà nào cũng đã từng nhận biết, đồ vật có khuynh hướng hư hỏng hoặc phân rã khi không ai gìn giữ. Các khoa học gia gọi khuynh hướng này là “nguyên lý thứ hai của nhiệt động học”. Chúng ta thấy tác dụng của nguyên lý này hàng ngày. Nếu bỏ mặc, thì một chiếc xe hơi hay chiếc xe đạp mới sẽ thành phế liệu. Một tòa nhà bỏ hoang sẽ trở thành một đống đổ nát. Còn vũ trụ thì sao? Nguyên lý ấy cũng áp dụng ở đó nữa. Vì thế bạn có thể nghĩ rằng trật tự khắp vũ trụ rốt cuộc sẽ trở thành hoàn toàn vô trật tự.

Tuy nhiên, điều này dường như không xảy ra trong vũ trụ, như giáo sư toán Roger Penrose đã khám phá khi nghiên cứu về trạng thái của tính hỗn độn (hay entropi) trong vũ trụ quan sát được. Một cách diễn giải hợp lý các phát hiện như thế là kết luận rằng vũ trụ lúc khởi đầu vốn ở trong một trạng thái trật tự và hiện nay vẫn còn có trật tự đến cao độ. Nhà thiên văn vật lý Alan Lightman lưu ý rằng các khoa học gia “thấy sự kiện vũ trụ được tạo ra trong một điều kiện có trật tự cao độ như thế là một điều bí ẩn”. Ông nói thêm: “Bất kỳ giả thuyết nào về vũ trụ mà muốn thành công, thì rốt cuộc phải giải thích được vấn đề entropi”—tại sao vũ trụ lại không trở nên hỗn độn.

Thật ra thì sự tồn tại của chúng ta đối nghịch với định luật được công nhận này. Vậy tại sao chúng ta sống trên trái đất? Như đã nói trên, đó là câu hỏi căn bản chúng ta nên muốn được giải đáp.

[Chú thích]

^ đ. 4 Đường kính của dải thiên hà Milky Way dài khoảng một tỷ tỷ ki-lô-mét—vâng, 1.000.000.000.000.000.000 ki-lô-mét! Ánh sáng phải mất 100.000 năm mới băng qua được, và riêng thiên hà này đã có hơn 100 tỷ ngôi sao!

^ đ. 8 Vào năm 1995, các khoa học gia chú ý đến hoạt động kỳ lạ của một vì sao xa nhất (SN 1995K) từng được quan sát khi vì sao này nổ tung trong thiên hà của nó. Như những sao siêu mới trong những thiên hà gần đó, vì sao này sáng rực lên, rồi tắt lịm dần, nhưng trong một khoảng thời gian lâu hơn là người ta từng phát hiện trước đó. Tạp chí New Scientist biểu diễn hiện tượng này bằng đồ thị và giải thích: “Dạng của đường cong biểu diễn ánh sáng... kéo dài theo thời gian bằng đúng y khoảng thời gian người ta dự kiến, nếu thiên hà này dạt ra xa chúng ta với tốc độ gần bằng nửa vận tốc ánh sáng”. Kết luận là gì? Đây là “bằng chứng rõ nhất trước nay là vũ trụ thật sự đang nở rộng”.

^ đ. 13 Thuyết bành trướng suy đoán về điều đã xảy ra trong khoảnh khắc sau khi vũ trụ bắt đầu. Những người ủng hộ thuyết bành trướng cho rằng vũ trụ lúc khởi đầu là siêu vi mô rồi nở rộng ra nhanh hơn vận tốc ánh sáng, một lời khẳng định không thể kiểm chứng được trong phòng thí nghiệm. Thuyết bành trướng vẫn còn đang được tranh luận.

^ đ. 34 Các khoa học gia đã khám phá sự trật tự và sự hòa hợp lạ lùng của các nguyên tố. Những bằng chứng lý thú được trình bày trong phần phụ lục “Những đơn vị kiến trúc của vũ trụ”, trang 26.

[Khung nơi trang 15]

Cố đếm các vì sao

Người ta ước tính là dải thiên hà Milky Way có hơn 100.000.000.000 (100 tỷ) ngôi sao. Bạn hãy hình dung một quyển bách khoa tự điển dành ra một trang để nói về một ngôi sao—còn Mặt Trời và các hành tinh khác trong Thái Dương Hệ chiếm một trang. Thì bộ tự điển ấy cần bao nhiêu quyển để nói về tất cả những vì sao trong dải Milky Way?

Giả sử những quyển trong bộ tự điển bách khoa này có bề dày trung bình, thì người ta tính rằng hết thảy những giá sách trong Thư Viện Công Cộng New York, có chiều dài tổng cộng là 412 ki-lô-mét, cũng không đủ chỗ chứa bộ tự điển ấy!

Bạn phải mất bao lâu mới xem xong những trang sách đó? Quyển sách Coming of Age in the Milky Way giải thích: “Lật từng trang sách, với tốc độ là một trang một giây, sẽ mất trên mười ngàn năm”. Tuy nhiên, những vì sao tạo thành thiên hà của chúng ta chỉ là một phần nhỏ của những ngôi sao trong con số phỏng chừng 50.000.000.000 (50 tỷ) thiên hà trong vũ trụ. Nếu bộ tự điển bách khoa dành một trang cho mỗi vì sao trong số này, thì tất cả những giá sách trong những thư viện trên trái đất cũng không đủ chỗ chứa. Quyển sách này lưu ý: “Chúng ta càng biết nhiều về vũ trụ bao nhiêu, thì chúng ta lại càng nhận thấy chúng ta biết ít bấy nhiêu”.

[Khung nơi trang 16]

Jastrow—Về sự khởi đầu

Giáo sư ngành thiên văn và địa chất học của viện đại học Columbia là Robert Jastrow viết: “Ít có nhà thiên văn nào đã có thể dự kiến là biến cố này—sự sinh ra đột ngột của vũ trụ—sẽ trở thành sự kiện khoa học được chứng minh, nhưng những cuộc khảo sát bầu trời bằng viễn vọng kính đã buộc họ phải đi đến kết luận đó”.

Rồi ông bình luận về những hàm ẩn quan trọng: “Chứng cớ của ngành thiên văn về sự khởi đầu của vũ trụ khiến các khoa học gia phải lúng túng, vì họ tin rằng mọi hậu quả đều có một nguyên nhân tự nhiên... Nhà thiên văn người Anh, E. A. Milne, viết: ‘Chúng ta không thể đề ra ý kiến nào về tình thế [lúc khởi đầu], vì không ai đã quan sát và chứng kiến hành động sáng tạo của Đức Chúa Trời’ ” (The Enchanted Loom—Mind in the Universe).

[Khung nơi trang 17]

Bốn lực vật lý cơ bản

1. Trọng lực—một lực rất yếu trên bình diện nguyên tử. Nó tác dụng vào những vật thể lớn—hành tinh, tinh tú, thiên hà.

2. Điện từ trường—hấp lực chủ chốt giữa proton và điện tử, nhờ đó mà những phân tử hình thành. Tia chớp là một bằng chứng về sức mạnh của lực ấy.

3. Lực hạt nhân mạnh—lực này kìm giữ proton và neutron lại với nhau trong nhân của nguyên tử.

4. Lực hạt nhân yếu—lực này chi phối sự phân rã của những nguyên tố phóng xạ và hiệu suất của hoạt động nhiệt hạch của mặt trời.

[Khung nơi trang 20]

“Tổ hợp những sự trùng hợp”

“Nếu lực hạt nhân yếu mà mạnh hơn chút ít, thì khí heli không sinh ra được; nếu lực này hơi yếu đi, thì hầu hết khí hyđro sẽ biến thành khí heli”.

“Để vũ trụ vừa có khí heli lại vừa có cả những sao siêu mới nổ tung, thì thời cơ ấy rất ngắn ngủi. Sự tồn tại của chúng ta tùy thuộc vào tổ hợp những sự trùng hợp này và vào điều còn khó xảy ra hơn nữa, là sự trùng hợp của những mức năng lượng hạt nhân, do [nhà thiên văn Fred] Hoyle tiên đoán. Khác với hết thảy những thế hệ trước, chúng ta biết mình từ đâu đến. Nhưng, như tất cả những thế hệ trước, chúng ta vẫn không biết tại sao mình hiện hữu” (New Scientist).

[Khung nơi trang 22]

“Kích thước, thành phần nguyên tố, quỹ đạo gần như là hình tròn của Trái Đất, khoảng cách tuyệt hảo giữa Trái Đất và Mặt Trời, một vì sao lâu đời, hết thảy là các yếu tố lý tưởng tạo nên các điều kiện đặc biệt trên trái đất; nhờ có các điều kiện này mà nước đã có thể tích tụ được trên mặt đất” (Integrated Principles of Zoology, in lần thứ bảy). Không có nước, thì sự sống không thể xuất hiện trên trái đất.

[Khung nơi trang 24]

Chỉ tin những gì bạn thấy chăng?

Nhiều người có lý trí chấp nhận sự hiện hữu của những vật họ không thấy được. Vào tháng 1 năm 1997, tạp chí Discover tường thuật rằng những nhà thiên văn học đã dò ra được khoảng 12 vật thể mà họ kết luận là những hành tinh bay trên quỹ đạo chung quanh các ngôi sao xa vời.

“Cho đến bây giờ, cách duy nhất người ta biết có những hành tinh mới này là vì trọng lực của chúng làm nhiễu loạn sự chuyển động của các ngôi sao mẹ”. Đúng thế, đối với các nhà thiên văn học, tác dụng thấy được của trọng lực là căn bản để tin rằng có những thiên thể không thấy được.

Bằng chứng có được do suy luận—không phải do sự quan sát trực tiếp—đủ là căn bản để các khoa học gia chấp nhận những gì chưa thấy. Nhiều người tin vào một Đấng Tạo Hóa kết luận rằng họ có căn bản tương tự để chấp nhận điều họ không thể thấy.

[Khung nơi trang 25]

Sir Fred Hoyle giải thích trong sách The Nature of the Universe (Bản chất của vũ trụ): “Để tránh né được vấn đề về sự sáng tạo, thì điều kiện cần thiết là hết thảy vật chất trong vũ trụ phải xưa vô hạn, nhưng điều này không thể có được.... Hyđro dần dà biến thành heli và những nguyên tố khác... Vậy thì tại sao vũ trụ gần như hoàn toàn là hyđro? Nếu vật chất xưa vô hạn, thì điều này hoàn toàn không thể được. Vì thế, khi xem xét bản chất của vũ trụ hiện nay, thì rõ ràng không thể tránh né được vấn đề về sự sáng tạo”.

[Hình nơi trang 12, 13]

Mặt Trời của chúng ta (ô vuông) không nghĩa lý gì trong dải thiên hà Milky Way, như được minh họa ở đây cùng với thiên hà hình xoắn ốc NGC 5236

Dải Milky Way có hơn 100 tỷ vì tinh tú, và chỉ là một trong hơn 50 tỷ thiên hà trong vũ trụ mà khoa học khám phá ra

[Hình nơi trang 14]

Nhà thiên văn học Edwin Hubble (1889-1953) nhận thức rằng sự chuyển vị về phía đỏ của ánh sáng từ những thiên hà xa xăm chứng tỏ vũ trụ đang nở rộng và vì thế nó có sự bắt đầu

[Hình nơi trang 19]

Sự điều hưởng tinh vi của các lực chi phối mặt trời tạo nên điều kiện vừa phải cho sự sống của chúng ta trên đất