Cuốn sách tiên tri
Cuốn sách tiên tri
Con người chú ý đến tương lai. Họ tìm những nguồn tiên đoán đáng tin cậy về nhiều vấn đề khác nhau, từ việc tiên đoán thời tiết đến sự thăng trầm của kinh tế. Tuy nhiên, khi người ta hành động theo những lời tiên đoán này, họ thường bị thất vọng. Kinh-thánh có ghi nhiều lời tiên đoán hay tiên tri. Những lời tiên tri ấy chính xác đến mức độ nào? Những lời ấy có phải là lịch sử được viết trước khi xảy ra không? Hay đó là lịch sử ngụy mạo là lời tiên tri?
THEO lời kể lại, chính khách La Mã là Cato (234-149 TCN) có lần đã nói: “Tôi ngạc nhiên khi ông thầy bói này không cười to khi gặp một ông thầy bói khác”.1 Quả thật, cho đến ngày nay người ta vẫn nghi ngờ các thầy bói và chiêm tinh gia. Họ thường tiên đoán bằng những lời mơ hồ nên có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Nhưng về các lời tiên tri trong Kinh-thánh thì sao? Chúng ta có lý do gì để nghi ngờ không? Hay là có căn bản để tin tưởng?
Không chỉ phỏng đoán dựa theo dữ kiện
Những người có kiến thức rộng có thể cố dựa theo những xu hướng thời thế để tiên đoán chính xác về những điều tương lai, nhưng không phải lúc nào họ cũng nói đúng. Cuốn sách Future Shock ghi nhận: “Mỗi xã hội phải đương đầu không những với những điều tương lai có lẽ sẽ mang lại, mà còn với những điều tương lai có thể mang lại, và họ thường bất đồng ý kiến về những điều họ muốn tương lai mang lại”. Cuốn sách nói thêm: “Dĩ nhiên, không ai có thể ‘biết’ tương lai sẽ ra sao theo nghĩa tuyệt đối. Chúng ta chỉ có thể dự đoán và suy luận tương lai sẽ ra sao và cố gắng suy đoán những điều gì có thể xảy ra”.2
Nhưng những người viết Kinh-thánh đã không chỉ “suy đoán” những điều có thể xảy ra trong tương lai. Và chúng ta cũng không thể nói rằng những lời tiên đoán của họ là mơ hồ và có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Ngược lại, nhiều lời tiên tri của họ được trình bày một cách hết sức rõ rệt và với chi tiết lạ thường, đôi khi nói trước về một biến cố mà đa số người hoàn toàn không ngờ đến. Thí dụ, chúng ta hãy xem những gì Kinh-thánh báo trước về thành Ba-by-lôn xưa.
Sẽ bị ‘chổi hủy-diệt quét đi’
Thành Ba-by-lôn cổ xưa trở thành “sự vinh-hiển các nước” (Ê-sai 13:19). Thành phố rộng lớn này nằm trên vị trí chiến lược dọc theo con đường thông thương từ Vịnh Ba Tư đến Địa Trung Hải, nên được dùng như trung tâm thương mại cho việc buôn bán giữa Đông và Tây theo đường biển và đường bộ.
Đến thế kỷ thứ bảy TCN, Ba-by-lôn được xem là thủ phủ vô địch của Đế Quốc Ba-by-lôn. Thành phố nằm ở hai bên bờ sông Ơ-phơ-rát, và sông được dùng làm hào sâu và rộng với một mạng lưới kênh đào. Ngoài ra, thành phố cũng có hai tường bảo vệ khổng lồ, hỗ trợ bằng nhiều tháp phòng thủ. Vì thế mà dân trong thành cảm thấy rất an toàn.
Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ tám TCN, trước khi Ba-by-lôn đạt đến thời phồn vinh nhất, thì nhà tiên tri Ê-sai báo trước rằng Ba-by-lôn sẽ bị ‘chổi hủy-diệt quét đi’ (Ê-sai 13:19; 14:22, 23). Ê-sai cũng miêu tả chi tiết thành phố Ba-by-lôn sẽ sụp đổ như thế nào. Những kẻ xâm chiếm sẽ làm con sông—tức nguồn của cái hào bảo vệ—bị “khô đi”, khiến cho thành dễ bị chinh phục. Ê-sai còn nêu danh người chiếm thành phố—“Si-ru”, một vị vua hùng mạnh của nước Phe-rơ-sơ, mà ‘trước mặt người các cửa thành sẽ mở, cấm không được đóng lại’ (Ê-sai 44:27 đến 45:2).
Đây quả là những lời tiên đoán mạnh bạo. Nhưng lời này có được ứng nghiệm không? Lịch sử cho chúng ta câu trả lời.
‘Không cần đánh trận’
Hai thế kỷ sau khi Ê-sai ghi lời tiên tri, vào ban đêm, ngày 5 tháng 10 năm 539 TCN, các quân Mê-đi và Phe-rơ-sơ đóng trại gần Ba-by-lôn, dưới quyền chỉ huy của Đại Đế Si-ru. Nhưng những người Ba-by-lôn rất tự tin. Theo sử gia người Hy Lạp là Herodotus (thế kỷ thứ năm TCN), họ tích trữ lương thực đủ ăn trong nhiều năm.3 Họ cũng có Sông Ơ-phơ-rát và các bức tường to lớn của Ba-by-lôn để che chở họ. Tuy vậy, theo Bia sử của Na-bô-nê-đô thì vào chính đêm đó, “quân lính của Si-ru vào thành Ba-by-lôn mà không cần đánh trận”.4 Làm sao chuyện đó xảy ra được?
Herodotus giải thích rằng ở trong thành phố, dân chúng “nhảy múa và làm lễ vui chơi”.5 Nhưng ở ngoài thành phố thì Si-ru đã rẽ nước sông Ơ-phơ-rát. Khi nước rút xuống, quân lính lội qua lòng sông, nước lên đến đùi. Họ đi qua các bức tường cao lớn và xông vào cái mà Herodotus gọi là “cửa thành mở ra sông”, những cửa thành bị bỏ ngỏ.6 (So sánh Đa-ni-ên 5:1-4; Giê-rê-mi 50:24; 51:31, 32). Những sử gia khác, kể cả Xenophon (khoảng năm 431–352 TCN), cùng với các bản hình nêm mà các nhà khảo cổ tìm thấy, xác nhận rằng Ba-by-lôn đã bị Si-ru đột ngột đánh chiếm.7
Như thế lời tiên tri của Ê-sai về Ba-by-lôn đã được ứng nghiệm. Hay là không phải vậy? Có thể nào đây thực sự không phải là lời tiên đoán mà là lời tường thuật ghi lại sau khi sự kiện đã xảy ra hay không? Thật ra thì chúng ta có thể đặt cùng câu hỏi này về những lời tiên tri khác trong Kinh-thánh.
Có phải lịch sử ngụy mạo là lời tiên tri không?
Nếu các nhà tiên tri trong Kinh-thánh—kể cả Ê-sai—chỉ việc chép lại lịch sử cho giống lời tiên tri, thì những người này không khác gì là những kẻ gian dối khéo léo. Nhưng họ có động cơ gì để gian dối như thế? Những nhà tiên tri thật đã sẵn sàng nói rằng họ không thể bị mua chuộc (I Sa-mu-ên 12:3; Đa-ni-ên 5:17). Và chúng ta đã xem xét bằng chứng khó chối cãi là những người viết Kinh-thánh (trong số này có nhiều người cũng là nhà tiên tri) là những người đáng tin cậy, không che giấu ngay cả những lỗi lầm xấu hổ của chính mình. Thật khó tin là những người như thế lại đi lập mưu gian dối từng chút một, lấy lịch sử mà gọi là lời tiên tri.
Chúng ta nên xem xét thêm một điều nữa. Nhiều lời tiên tri trong Kinh-thánh cũng gay gắt lên án dân đồng xứ với các nhà tiên tri, kể cả các thầy tế lễ và vua chúa. Thí dụ, Ê-sai mạnh mẽ lên án tình trạng đạo đức suy đồi của dân Y-sơ-ra-ên—của cả vua lẫn dân—vào thời ông (Ê-sai 1:2-10). Những nhà tiên tri khác đã mạnh dạn vạch trần tội lỗi của các thầy tế lễ (Sô-phô-ni 3:4; Ma-la-chi 2:1-9). Thật là khó tưởng tượng là họ lại bịa đặt ra những lời tiên tri nghiêm khắc lên án dân chúng và các thầy tế lễ đồng mưu với họ.
Ngoài ra, làm thế nào mà các nhà tiên tri—nếu quả thật họ chỉ là những kẻ gian dối khéo léo—lại có thể khiến người khác tin những điều mình đặt ra? Ở Y-sơ-ra-ên, mọi người được khuyến khích học đọc và học viết. Từ tuổi thơ ấu, trẻ con được dạy cách đọc và viết (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-9). Dân chúng được khuyến giục đọc Kinh-thánh ở nhà (Thi-thiên 1:2). Mỗi tuần, vào ngày Sa-bát, Kinh-thánh được đọc trước công chúng ở các nhà hội (Công-vụ các Sứ-đồ 15:21). Vì thế nên chúng ta rất khó tin rằng cả một nước biết đọc, biết rành Kinh-thánh, lại có thể bị lừa bịp bởi một sự giả dối như thế.
Ngoài ra, Ê-sai còn tiên tri những điều khác nữa về sự sụp đổ của Ba-by-lôn, bao gồm một chi tiết đã không thể nào được ghi lại sau khi lời tiên tri được ứng nghiệm.
“Nó sẽ chẳng hề có người ở nữa”
Điều gì phải xảy ra cho Ba-by-lôn sau khi thành ấy sụp đổ? Ê-sai tiên tri: “Nó sẽ chẳng hề có người ở nữa, trải đời nọ sang đời kia không ai ở đó; người A-rạp không đóng trại tại đó, những kẻ chăn cũng chẳng cầm bầy mình ở đó” (Ê-sai 13:20). Lời tiên tri nói rằng một thành phố nằm trên vị trí thuận lợi như thế sẽ không bao giờ có dân ở nữa thì nghe có vẻ kỳ lạ. Có thể nào Ê-sai ghi những lời này sau khi ông thấy Ba-by-lôn nằm hoang vu không?
Sau khi Si-ru chiếm lấy Ba-by-lôn thì thành đó vẫn có người ở trong nhiều thế kỷ—dù thành phố không được phồn vinh như trước. Hãy nhớ rằng trong các cuộn sách tìm thấy ở vùng Biển Chết, có toàn bộ sách Ê-sai được chép vào thế kỷ thứ hai TCN. Vào khoảng thời gian mà bản đó được ghi chép, người Parthia chiếm lấy thành Ba-by-lôn. Vào thế kỷ thứ nhất CN, có một nhóm người Do Thái định cư ở Ba-by-lôn, và người viết Kinh-thánh là Phi-e-rơ đã viếng thăm những người ở đó (I Phi-e-rơ 5:13). Đến lúc ấy, cuộn Ê-sai tìm thấy ở vùng Biển Chết đã có gần hai thế kỷ rồi. Vậy đến thế kỷ thứ nhất CN, Ba-by-lôn vẫn chưa hoàn toàn hoang vu, nhưng sách Ê-sai đã được hoàn tất rất lâu trước đó. *
Như được tiên tri, sau này Ba-by-lôn trở thành một “đống hư-nát” (Giê-rê-mi 51:37). Theo học giả người Hê-bơ-rơ là Jerome (thế kỷ thứ tư CN) thì đến thời ông Ba-by-lôn là một khu vực săn bắn, nơi ở của “đủ loại thú rừng”.9 Cho đến ngày nay Ba-by-lôn vẫn không có dân ở.
Ê-sai đã chết trước khi thành Ba-by-lôn bị bỏ hoang. Nhưng tàn tích của thành phố hùng mạnh xưa kia, nằm khoảng 80 cây số về phía nam Baghdad ở nước I-rắc thời nay, âm thầm làm chứng về sự ứng nghiệm những lời của Ê-sai: “Nó sẽ chẳng hề có người ở nữa”. Nếu có sự tu bổ nào ở Ba-by-lôn thì cũng chỉ hấp dẫn du khách mà thôi, nhưng “con và cháu” của Ba-by-lôn thì không còn nữa (Ê-sai 13:20; 14:22, 23).
Như vậy nhà tiên tri Ê-sai đã không ghi lại những lời tiên đoán mơ hồ có thể áp dụng cho bất cứ biến cố nào trong tương lai. Ông cũng không lấy lịch sử mà viết lại thành lời tiên tri. Hãy thử nghĩ: Tại sao một kẻ giả dối lại dám “tiên tri” một điều hoàn toàn ngoài vòng kiểm soát của mình—tức là thành Ba-by-lôn hùng mạnh sẽ không bao giờ có dân ở nữa?
Lời tiên tri về sự suy sụp của Ba-by-lôn chỉ là một thí dụ trong Kinh-thánh mà thôi. * Nhiều người nhận thấy rằng sự ứng nghiệm các lời tiên tri trong Kinh-thánh là bằng chứng cho thấy Kinh-thánh có nguồn gốc siêu phàm. Có lẽ bạn sẽ đồng ý rằng cuốn sách tiên tri này ít nhất cũng đáng cho mình xem xét. Chúng ta biết chắc một điều: Những lời tiên tri rõ rệt, nghiêm chỉnh và chi tiết của Kinh-thánh rất khác biệt với những lời tiên đoán mơ hồ hay gây kinh ngạc của những thầy bói thời nay.
[Chú thích]
^ đ. 24 Có bằng chứng đáng tin rằng Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ—kể cả sách Ê-sai—được viết rất lâu trước thế kỷ thứ nhất CN. Sử gia Josephus (thế kỷ thứ nhất CN) cho biết rằng rất lâu trước thời ông, người ta đã công nhận những sách nào chính thức thuộc về Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ.8 Hơn nữa, bản Septuagint là một bản dịch Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy Lạp, đã bắt đầu được dịch vào thế kỷ thứ ba TCN và được hoàn tất vào thế kỷ thứ hai TCN.
^ đ. 28 Muốn đọc thêm về những lời tiên tri trong Kinh-thánh và các sự kiện lịch sử xác minh sự ứng nghiệm của những lời tiên tri ấy, xin xem trang 117-133 trong sách The Bible—God’s Word or Man’s?, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.
[Câu nổi bật nơi trang 28]
Những người viết Kinh-thánh có phải là người nói tiên tri một cách chính xác hay là những kẻ giả dối khéo léo?
[Hình nơi trang 29]
Tàn tích của thành Ba-by-lôn xưa