Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Danh Đức Chúa Trời—Ý nghĩa và cách phát âm

Danh Đức Chúa Trời—Ý nghĩa và cách phát âm

Danh Đức Chúa Trời—Ý nghĩa và cách phát âm

MỘT trong những người viết Kinh-thánh đã hỏi: “Ai đã góp gió trong lòng tay mình? Ai đã bọc nước trong áo mình? Ai lập các giới-hạn của đất? Danh người là chi, và tên con trai người là gì? Nếu ngươi biết, hãy nói đi?” (Châm-ngôn 30:4). Làm thế nào chúng ta có thể biết được danh Đức Chúa Trời là gì? Đó là một câu hỏi quan trọng. Sự sáng tạo là một bằng chứng hùng hồn cho thấy Đức Chúa Trời hẳn phải hiện hữu, nhưng nó không nói lên cho chúng ta biết được danh của ngài là gì (Rô-ma 1:20). Thật ra, chúng ta không bao giờ có thể biết được danh Đức Chúa Trời trừ phi chính Đấng Tạo hóa nói cho chúng ta biết. Và ngài đã làm điều đó trong quyển sách riêng của ngài, Kinh-thánh.

Vào một dịp đáng ghi nhớ, Đức Chúa Trời đã tuyên bố danh riêng của ngài, lặp lại danh ấy cho Môi-se nghe. Môi-se ghi lại sự kiện quan trọng ấy trong Kinh-thánh và đã được bảo tồn đến ngày nay (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:5). Đức Chúa Trời còn dùng chính “ngón tay” mình khi viết danh của ngài. Sau khi truyền cho Môi-se những điều mà ngày nay chúng ta gọi là Mười Điều Răn, Đức Chúa Trời đã viết ra Mười Điều Răn ấy một cách kỳ diệu. Kinh-thánh ghi lại: “Khi Đức Giê-hô-va đã phán xong cùng Môi-se tại núi Si-na-i, bèn cho người hai bảng chứng bằng đá, bởi ngón tay Đức Chúa Trời viết ra” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18). Danh Đức Chúa Trời xuất hiện tám lần trong nguyên bản Mười Điều Răn (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17). Như vậy, chính Đức Chúa Trời đã tỏ danh ngài cho loài người bằng lời nói lẫn chữ viết. Vậy danh ấy là gì?

Trong tiếng Hê-bơ-rơ danh Đức Chúa Trời được viết là יהוה. Bốn chữ này, gọi là Bốn chữ cái Hê-bơ-rơ, được đọc từ phải sang trái theo tiếng Hê-bơ-rơ, còn trong ngôn ngữ thời nay bốn chữ đó có thể được viết là YHWH hay JHVH. Danh Đức Chúa Trời, được viết bằng bốn phụ âm này, xuất hiện gần 7000 lần trong nguyên bản “Cựu Ước” hay Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ.

Danh Đức Giê-hô-va là một dạng của động từ Hê-bơ-rơ ha·wahʹ (הוה), có nghĩa là “trở thành” và thật sự có nghĩa là “Đấng làm cho thành tựu” *. Bởi vậy, danh Đức Chúa Trời xác định ngài là Đấng thực hiện lời hứa và không bao giờ thất bại trong việc hoàn thành ý định của ngài. Chỉ có Đức Chúa Trời thật mới có thể mang một danh đầy ý nghĩa như thế.

Bạn có nhớ danh Đức Chúa Trời được dịch nhiều cách khác nhau ở Thi-thiên 83:18 như đã nêu ra trong phần trước (trang 5) không? Hai trong số những bản dịch đó chỉ dùng tước hiệu (“Chúa”, “Đấng Hằng hữu”) thay vì dùng danh Đức Chúa Trời. Nhưng hai bản còn lại dùng danh Ya-vê và Giê-hô-va và bạn có thể thấy được bốn chữ cái của danh Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, cách phát âm lại khác nhau. Tại sao?

Danh Đức Chúa Trời được phát âm như thế nào?

Sự thật là không ai biết chắc chắn danh Đức Chúa Trời ban đầu được phát âm như thế nào. Tại sao không? Ngôn ngữ đầu tiên được dùng để viết Kinh-thánh là tiếng Hê-bơ-rơ và khi viết chữ Hê-bơ-rơ người ta chỉ viết phụ âm chớ không viết nguyên âm. Do đó, khi những người được soi dẫn viết danh Đức Chúa Trời, tự nhiên họ cũng làm giống như vậy và chỉ viết phụ âm mà thôi.

Trong khi tiếng Hê-bơ-rơ cổ được dùng trong việc giao tiếp hàng ngày, thì điều này không gây khó khăn gì. Cách phát âm danh Đức Chúa Trời rất quen thuộc với dân Y-sơ-ra-ên và khi thấy danh ấy trong chữ viết, họ biết ngay là phải thêm những nguyên âm nào (như khi đọc tiếng Việt và thấy chữ tắt “T.B.”, người ta biết là “Tái Bút” và “v.v...” là “vân vân”).

Có hai điều xảy ra đã làm thay đổi tình trạng này. Trước tiên, người Do Thái bắt đầu có tư tưởng mê tín cho rằng đọc lớn tiếng danh Đức Chúa Trời là sai; vì vậy nếu gặp danh ấy trong khi đọc Kinh-thánh thì họ thế bằng từ Hê-bơ-rơ ʼAdho·naiʹ (“Chúa Tối Thượng”). Ngoài ra, theo dòng thời gian, tiếng Hê-bơ-rơ cổ không còn được dùng trong việc giao tiếp hàng ngày nữa và vì vậy cách phát âm nguyên thủy của danh Đức Chúa Trời trong tiếng Hê-bơ-rơ cuối cùng bị quên lãng.

Để bảo đảm cách đọc tiếng Hê-bơ-rơ không bị mất hẳn, các học giả Do Thái vào hậu bán thiên kỷ thứ nhất công nguyên đã nghĩ ra hệ thống các điểm để tượng trưng cho các nguyên âm không được viết ra và ghép chúng với những phụ âm trong toàn bộ Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Như vậy, cả những nguyên âm những phụ âm đều được viết ra và cách phát âm vào thời đó cũng được bảo tồn.

Khi gặp danh Đức Chúa Trời, thay vì đặt những dấu nguyên âm chính xác chung quanh bốn phụ âm của danh ấy, thì trong hầu hết các trường hợp, họ lại đặt những dấu nguyên âm khác để nhắc độc giả phải đọc là ʼAdho·naiʹ. Từ đó có cách viết Iehouah và cuối cùng Jehovah trở thành cách phát âm danh Đức Chúa Trời được chấp nhận trong tiếng Anh. Cách phát âm này giữ lại những thành phần chính yếu của danh Đức Chúa Trời trong nguyên bản tiếng Hê-bơ-rơ.

Bạn sẽ dùng cách phát âm nào?

Vậy những cách phát âm như Ya-vê do đâu mà có? Đó là những hình thức mà các học giả thời nay đã đưa ra trong khi cố suy đoán cách phát âm nguyên thủy của danh Đức Chúa Trời. Một số người, dầu không phải tất cả, nghĩ rằng người Do Thái sống trước thời Chúa Giê-su có lẽ đã phát âm danh Đức Chúa Trời là Ya-vê. Tuy nhiên, không ai có thể biết chắc. Cũng có thể họ đã phát âm như thế, nhưng cũng có thể không.

Tuy thế, nhiều người thích phát âm Giê-hô-va hơn. Tại sao? Bởi vì cách phát âm này thịnh hành và quen thuộc hơn Ya-vê. Tuy nhiên, chẳng lẽ dùng dạng gần giống với cách phát âm nguyên thủy lại không tốt hơn sao? Không hẳn như vậy, vì đó không phải là tục lệ đối với các tên trong Kinh-thánh.

Lấy một ví dụ đặc sắc nhất, hãy xem xét danh của Chúa Giê-su. Bạn có biết gia đình và bạn bè Chúa Giê-su đã gọi ngài như thế nào khi ngài lớn lên ở Na-xa-rét không? Sự thật là không một ai biết chắc, mặc dù có thể từa tựa như Yeshua (hay có lẽ Yehoshua). Nhưng chắc chắn không phải là Giê-su.

Tuy nhiên, khi những sự tường thuật về cuộc đời của ngài được ghi lại trong tiếng Hy Lạp, những người viết được soi dẫn đã không cố gắng giữ lại cách phát âm nguyên thủy trong tiếng Hê-bơ-rơ. Thay vì thế, họ dịch danh ngài sang tiếng Hy Lạp là I·e·sousʹ. Ngày nay, danh đó cũng được dịch theo những cách khác nhau tùy theo ngôn ngữ của độc giả Kinh-thánh. Người đọc Kinh-thánh tiếng Tây Ban Nha gặp danh Jesús (phát âm là Hes·soosʹ). Người Ý viết Gesù (phát âm là Djay·zooʹ). Và người Đức viết Jesus (phát âm là Yayʹsoos).

Chúng ta có buộc phải ngưng dùng danh Giê-su vì phần lớn hay thậm chí tất cả chúng ta đều thật sự không biết cách phát âm nguyên thủy của danh này không? Cho đến nay, không một dịch giả nào đề nghị như thế. Chúng ta thích dùng danh này vì nó xác định Chúa Giê-su Christ là người Con yêu dấu của Đức Chúa Trời và là đấng đã đổ huyết vì chúng ta. Chẳng lẽ chúng ta lại chứng tỏ sự tôn kính Chúa Giê-su bằng cách loại bỏ toàn bộ danh ngài ra khỏi Kinh-thánh và chỉ thay thế bằng một tước hiệu như “Thầy” hay “Đấng Trung Bảo” sao? Dĩ nhiên là không! Chúng ta có thể nói đến Chúa Giê-su khi dùng danh ngài theo cách chúng ta thường phát âm trong ngôn ngữ của mình.

Chúng ta có thể đưa ra những lời nhận xét tương tự đối với tất cả những tên chúng ta đọc thấy trong Kinh-thánh. Chúng ta phát âm những tên đó theo ngôn ngữ riêng của chúng ta chứ không cố bắt chước cách phát âm nguyên thủy. Vì vậy chúng ta đọc “Giê-rê-mi” chứ không phải Yir·meyaʹhu. Tương tự như vậy, chúng ta gọi tên Ê-sai, mặc dù vào thời ông người ta có lẽ biết nhà tiên tri này qua tên Yesha῾·yaʹhu. Ngay cả các học giả biết cách phát âm nguyên thủy của các tên này cũng dùng những cách phát âm hiện đại chứ không dùng cách phát âm cổ xưa khi nói về các tên đó.

Và với danh Giê-hô-va cũng giống như vậy. Ngay dù cách phát âm hiện tại là Giê-hô-va có lẽ không đúng với cách phát âm nguyên thủy, nhưng nó không làm mất đi tầm quan trọng của danh Ngài. Nó xác định Đấng Tạo hóa, Đức Chúa Trời hằng sống, Đấng Tối Cao mà Chúa Giê-su đã cầu nguyện: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh” (Ma-thi-ơ 6:9).

‘Danh đó không thể bị loại ra’

Trong khi nhiều dịch giả thích dùng cách phát âm Ya-vê, New World Translation (Bản dịch Thế Giới Mới) và một số bản dịch khác tiếp tục dùng Giê-hô-va vì người ta đã quen dùng danh này qua nhiều thế kỷ. Vả lại, hình thức này cũng duy trì bốn chữ cái của danh Đức Chúa Trời trong tiếng Hê-bơ-rơ YHWH hay JHVH như các hình thức khác. *

Trước đây, giáo sư người Đức là Gustav Friedrich Oehler đã quyết định tương tự với cùng một lý do. Ông bàn luận về những cách phát âm khác nhau và đi đến kết luận: “Từ giờ trở đi, tôi dùng chữ Giê-hô-va vì thực tế là ngày nay danh này đã được đưa vào ngữ vựng của chúng ta và không thể loại ra được”—Theologie des Alten Testaments (Thần học Cựu Ước, xuất bản lần thứ 2, năm 1882, trang 143).

Tương tự như thế, trong lời phụ chú ở trang 49 của quyển Grammaire de l’hébreu biblique (Văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ trong Kinh-thánh), xuất bản năm 1923, học giả dòng Tên là Paul Joüon nói: “Trong những bản dịch của chúng tôi, thay vì dùng danh Ya-vê (theo giả thuyết của một số người), chúng tôi dùng Jéhovah... là dạng thường được dùng trong tiếng Pháp”. Trong nhiều ngôn ngữ khác, các dịch giả Kinh-thánh cũng dùng dạng tương tự như được nêu trong khung ở trang 8.

Vậy dùng dạng giống như Ya-vê có sai không? Không sai gì cả. Chỉ có điều là có thể độc giả sẽ nhận ra danh Giê-hô-va nhanh hơn vì danh này là dạng đã được “đưa vào” trong hầu hết các thứ tiếng. Điều quan trọng là chúng ta dùng và tuyên bố danh đó cho người khác. “Hãy cảm-tạ Đức Giê-hô-va; hãy kêu-cầu danh Ngài; hãy rao mọi việc của Ngài ra trong các dân-tộc! Hãy xưng danh Ngài là tôn-trọng!” (Ê-sai 12:4).

Chúng ta hãy xem qua các thế kỷ, tôi tớ của Đức Chúa Trời đã hành động thế nào để phù hợp với mệnh lệnh đó.

[Chú thích]

^ đ. 5 Xin xem bản phụ lục 1A trong New World Translation of the Holy Scriptures (Bản dịch Kinh-thánh Thế Giới Mới), xuất bản năm 1984.

^ đ. 22 Xin xem bản phụ lục 1A trong New World Translation of the Holy Scriptures (Bản dịch Kinh-thánh Thế Giới Mới), xuất bản năm 1984.

[Khung nơi trang 7]

Các học giả đưa ra những ý kiến khác nhau về vấn đề danh YHWH được phát âm lúc ban đầu như thế nào

Nơi trang 74 của quyển The Mysterious Name of Y.H.W.H. (Danh YHWH bí ẩn), tiến sĩ M. Reisel nói rằng “cách đọc danh Đức Chúa Trời được viết bằng bốn chữ cái trong tiếng Hê-bơ-rơ lúc ban đầu rất có thể đã là YeHūàH hay YaHūàH”.

Tu sĩ D. D. Williams ở Cambridge cho rằng “chứng cớ không những cho biết mà còn gần như chứng minh rằng Ya-vê không phải là cách phát âm đúng của danh Đức Chúa Trời được viết bằng bốn chữ cái của tiếng Hê-bơ-rơ... Chính Danh này có lẽ đã được phát âm là JĀHÔH”—Zeitschrift für die alttestamentliche Wissenschaft (Tạp chí về Kiến thức Cựu Ước, năm 1936, số 54, trang 269).

Trong phần chú giải nơi trang 9 của cuốn Revised Segond Version (Bản Tu chỉnh Segond), bằng tiếng Pháp, lời bình luận ghi như sau: “Cách phát âm Ya-vê được dùng trong những bản dịch gần đây đã dựa theo một vài bằng chứng cổ xưa, nhưng những bằng chứng đó không hoàn toàn chắc chắn. Nếu xem xét những tên riêng mà có một phần là danh của Đức Chúa Trời, chẳng hạn tên tiếng Hê-bơ-rơ của nhà tiên tri Ê-li (Eliyahou) thì chúng ta sẽ thấy rằng cách phát âm cũng có thể là Yaho hay Yahou”.

Năm 1749, học giả Kinh-thánh người Đức là Teller có nói về những cách phát âm khác nhau của danh Đức Chúa Trời mà ông đã đọc thấy như sau: “Diodorus ở Silicy, Macrobius, Clemens Alexandrinus, Saint Jerome và Origenes viết là Jao; người Sa-ma-ri, Epiphanius, Theodoretus viết là Jahe hay Jave; Ludwig Cappel đọc là Javoh; Drusius đọc là Jahve; Hottinger đọc là Jehva; Mercerus đọc là Jehovah; Castellio đọc là Jovah và le Clerc đọc là Jawoh hay Javoh”.

Vậy, điều rõ ràng là cách phát âm nguyên thủy của danh Đức Chúa Trời không còn được biết đến nữa. Thật ra nó cũng không thật sự quan trọng. Nếu cách phát âm mà quan trọng thì chắc chắn chính Đức Chúa Trời đã gìn giữ nó cho chúng ta dùng. Điều quan trọng là dùng danh Đức Chúa Trời theo cách phát âm thông thường trong ngôn ngữ của chúng ta.

[Khung nơi trang 8]

Những dạng của danh Đức Chúa Trời trong các thứ tiếng cho thấy danh Giê-hô-va được quốc tế chấp nhận

Anh – Jehovah

Awabakal – Yehóa

Ba Lan – Jehowa

Bồ Đào Nha – Jeová

Bugotu – Jihova

Đan Mạch – Jehova

Đức – Jehova

Efik – Jehovah

Fiji – Jiova

Futuna – Ihova

Hà Lan – Jehovah

Hung-ga-ri – Jehova

Igbo – Jehova

Maori – Ihowa

Motu – Iehova

Mwala-Malu – Jihova

Narrinyeri – Jehovah

Nembe – Jihova

Nhật Bản – Ehoba

Petats – Jihouva

Phần Lan – Jehova

Pháp – Jéhovah

Quảng Đông – Yehwowah

Ru-ma-ni – Iehova

Samoan – Ieova

Sotho – Jehova

Swahili – Yehova

Tagalog – Jehova

Tahiti – Iehova

Tây Ban Nha – Jehová

Thụy Điển – Jehova

Tonga – Jihova

Venda – Yehova

Xhosa – uYehova

Ý – Geova

Yoruba – Jehofah

Zulu – uJehova

[Khung nơi trang 11]

“Giê-hô-va” được nhiều người biết là danh của Đức Chúa Trời ngay cả trong những bản văn không thuộc về Kinh-thánh.

Franz Schubert đã soạn nhạc cho bài ca “Toàn năng vô cùng” của Johann Ladislav Pyrker, trong đó danh Giê-hô-va xuất hiện hai lần. Danh ấy cũng được dùng ở phần kết màn cuối của vở nhạc kịch “Nabucco” của Verdi.

Ngoài ra, tác phẩm nhạc “Vua Đa-vít” của nhà soạn nhạc người Pháp Arthur Honegger làm nổi bật danh Giê-hô-va và tác giả trứ danh Pháp Victor Hugo đã dùng danh ấy trong hơn 30 tác phẩm của ông. Cả ông và Lamartine đều đã viết những bài thơ với nhan đề “Đức Giê-hô-va”.

Trong sách Deutsche Taler (Đồng tiền bạc Đức) do Ngân hàng liên bang Đức xuất bản năm 1967, có hình của một trong những đồng tiền xưa nhất mang danh “Giê-hô-va”, một đồng tiền Đức phát hành năm 1634 ở vùng đất của Công tước Silesia. Đối với bức hình bên mặt trái của đồng tiền nói trên, cuốn sách này viết: “Dưới danh GIÊ-HÔ-VA sáng chói là một cái khiên có hình vương miện và huy hiệu của dòng họ Silesia đang nhô lên khỏi đám mây”.

Trong bảo tàng viện tại Rudolstadt, Đông Đức, bạn có thể thấy danh GIÊ-HÔ-VA viết hoa ở trên cổ bộ áo giáp mà có lần vua Thụy Điển vào thế kỷ 17, là Gustavus II Adloph, đã mặc.

Như vậy, qua nhiều thế kỷ, dạng Giê-hô-va là cách phát âm danh Đức Chúa Trời đã được quốc tế công nhận và khi nghe đến danh ấy, người ta nhận ra ngay là nói về ai. Như giáo sư Oehler đã nói: “Ngày nay danh này đã được đưa vào ngữ vựng của chúng ta và không thể loại ra được”—Theologie des Alten Testaments (Thần học Cựu Ước).

[Hình nơi trang 6]

Chi tiết về một thiên sứ với danh Đức Chúa Trời, được tìm thấy trên mộ của Giáo hoàng Clement XIII ở Đại giáo đường Thánh Phê-rô, tòa thánh Vatican

[Hình nơi trang 7]

Nhiều đồng tiền được đúc có mang danh Đức Chúa Trời. Đồng tiền này đề năm 1661, xuất phát từ Nuremberg, Đức. Nguyên văn tiếng La-tinh: “Dưới bóng của cánh Ngài”

[Các hình nơi trang 9]

Thời xưa, danh Đức Chúa Trời dưới dạng bốn chữ cái trong tiếng Hê-bơ-rơ đã được dùng để trang trí nhiều thánh đường

Đại Giáo đường Fourvière, Lyons, Pháp

Nhà thờ chính tòa Bourges, Pháp

Nhà thờ ở La Celle, Dunoise, Pháp

Nhà thờ ở Digne, miền nam nước Pháp

Nhà thờ ở São Paulo, Brazil

Nhà thờ chính tòa Strasbourg, Pháp

Nhà thờ chính tòa Thánh Marcô, Venice, Ý

[Các hình nơi trang 10]

Danh Giê-hô-va được thấy trong một tu viện ở Bordesholm, Đức;

trên một đồng tiền Đức đề năm 1635;

trên cửa một nhà thờ ở Fehmarn, Đức;

và trên một bia mộ năm 1845 ở Harmannschlag, Lower Austria.