Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Danh Đức Chúa Trời qua các thời đại

Danh Đức Chúa Trời qua các thời đại

Danh Đức Chúa Trời qua các thời đại

GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời muốn loài người biết và dùng đến danh ngài. Điều này thật rõ ràng qua việc Đức Chúa Trời tiết lộ danh ngài cho hai người đầu tiên trên đất. Chúng ta biết A-đam và Ê-va đã rất quen thuộc với danh của Đức Chúa Trời vì theo nguyên bản tiếng Hê-bơ-rơ thì sau khi sinh Ca-in, Ê-va đã thốt lên rằng: “Nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ, tôi mới sanh được một người” (Sáng-thế Ký 4:1).

Sau đó chúng ta đọc thấy rằng những người trung thành như Hê-nóc và Nô-ê đều “đi cùng Đức Chúa Trời” (Sáng-thế Ký 5:24; 6:9). Như vậy, ắt hẳn họ cũng đã biết danh của Đức Chúa Trời. Danh ấy đã tồn tại qua trận nước lụt lớn cùng với người công bình Nô-ê và gia đình ông. Dù ít lâu sau đó có sự phản nghịch lớn ở Ba-bên, những tôi tớ thật của Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục dùng danh ngài. Danh ấy xuất hiện hàng trăm lần trong luật pháp mà Đức Chúa Trời đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Chỉ riêng trong sách Phục-truyền Luật-lệ Ký, danh đó xuất hiện 551 lần.

Trong thời các quan xét, rõ ràng dân Y-sơ-ra-ên đã không hề tránh né việc dùng danh của Đức Chúa Trời. Thậm chí họ cũng dùng danh ấy trong việc chào hỏi nhau. Chúng ta đọc (trong nguyên bản tiếng Hê-bơ-rơ) về việc Bô-ô chào những thợ gặt của mình: “Nguyện Đức Giê-hô-va ở cùng các ngươi!”. Họ đã đáp lời ông: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho ông!” (Ru-tơ 2:4).

Trong suốt lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên cho đến lúc họ trở về xứ Giu-đa sau khi bị lưu đày ở Ba-by-lôn, họ vẫn thường dùng danh của Đức Giê-hô-va. Vua Đa-vít, người mà Đức Chúa Trời lấy làm vừa lòng, đã dùng danh ngài rất nhiều lần—danh ấy xuất hiện hằng trăm lần trong các bài thi-thiên do ông viết (Công-vụ các Sứ-đồ 13:22). Danh của Đức Chúa Trời còn được ghép vào nhiều tên riêng của người Do Thái. Thật thế, chúng ta đọc thấy A-đô-ni-gia (“Chúa tôi là Gia”—“Gia” là chữ viết tắt của Giê-hô-va), Ê-sai (“Sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va”), Giô-na-than (“Đức Giê-hô-va ban cho”), Mi-chê (“Ai giống như Gia?”) và Giô-suê (“Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”).

Ngoài Kinh-thánh

Ngoài ra còn có những bằng chứng từ các nguồn khác ngoài Kinh-thánh cho biết về việc sử dụng danh thánh cách rộng rãi thời xưa. Theo bài tường thuật trong Israel Exploration Journal (Tập San Khảo Sát Do Thái, quyển 13, số 2), vào năm 1961, người ta phát hiện một cái hang cổ dùng làm mộ cách Giê-ru-sa-lem một khoảng ngắn về hướng tây nam. Trên vách hang có khắc những chữ Hê-bơ-rơ xuất hiện từ hậu bán thế kỷ thứ tám trước công nguyên (TCN). Những chữ đó có những câu như: “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của cả trái đất”.

Năm 1966, một bài tường thuật được đăng trong tập san Israel Exploration Journal (quyển 16, số 1) nói về những mảnh gốm vỡ có chữ Hê-bơ-rơ mà người ta tìm thấy ở A-rát, miền nam Do Thái. Những chữ trên các mảnh gốm này được viết vào hậu bán thế kỷ thứ bảy TCN. Một mảnh trong số đó là bức thư riêng gửi đến một người tên Eliashib. Lá thư bắt đầu: “Gửi đến chúa tôi Eliashib: Nguyện Đức Giê-hô-va ban cho người sự bình an”. Và lá thư kết thúc với câu: “Người ngụ trong nhà của Giê-hô-va”.

Năm 1975 và 1976, các nhà khảo cổ khai quật tại Negeb đã khám phá ra một đống chữ khắc bằng tiếng Hê-bơ-rơ và Phê-ni-xi trên những vách tường bằng vữa, trên các vại lớn và những bình đá. Trong những chữ khắc đó có chữ Hê-bơ-rơ dành cho Đức Chúa Trời, cũng như danh của Đức Chúa Trời, YHWH, bằng mẫu tự Hê-bơ-rơ. Gần đây, ngay tại Giê-ru-sa-lem, người ta đã tìm thấy một cuộn bạc nhỏ, dường như đã có từ thời trước khi bị lưu đày ở xứ Ba-by-lôn. Các nhà khảo cứu nói rằng khi cuộn bạc được mở ra, họ thấy trên đó có danh của Đức Giê-hô-va viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ (Biblical Archaeology Review [Tạp chí Khảo cổ Kinh-thánh], tháng 3 và tháng 4, 1983, trang 18).

Một thí dụ khác về việc dùng danh của Đức Chúa Trời được thấy trong cái gọi là Những lá thư ở La-ki. Những lá thư này viết trên những mảnh gốm được người ta tìm thấy trong những năm từ 1935 đến 1938 trong tàn tích của thành La-ki, một thành trì kiên cố được miêu tả là có vai trò quan trọng trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên. Dường như một sĩ quan đóng tại tiền đồn xứ Giu-đa đã viết những lá thư đó cho thượng cấp tên là Yaosh ở La-ki, có lẽ trong giai đoạn chiến tranh giữa người Y-sơ-ra-ên và người Ba-by-lôn vào cuối thế kỷ thứ bảy TCN.

Trong số tám mảnh gốm còn đọc được, bảy mảnh bắt đầu lời nhắn tin với lời chào như: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban cho chúa tôi sức khỏe dồi dào trong mùa này!” Cả thảy, danh của Đức Chúa Trời xuất hiện 11 lần trong bảy lá thư đó. Điều này cho thấy rõ ràng rằng danh của Đức Giê-hô-va đã được dùng hàng ngày vào cuối thế kỷ thứ bảy TCN.

Ngay cả những nhà cầm quyền ngoại giáo cũng biết và dùng danh Đức Chúa Trời khi nói về Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên. Vì thế, trên Bia đá Mô-áp có ghi lại lời vua Mê-sa của xứ Mô-áp đã khoác lác nói về chiến công của mình khi chống lại Y-sơ-ra-ên, và ngoài những điều khác ra, ông nói: “Kê-mốt nói với ta rằng: ‘Hãy đi, chiếm lấy thành Nê-bô của Y-sơ-ra-ên!’ Vậy nên ta lên đường vào ban đêm và chiến đấu từ lúc bình minh cho đến giữa trưa, chiếm lấy thành và tàn sát hết thảy... Và ta lấy từ đấy những [bình] của Đức Giê-hô-va, kéo về trước mặt Kê-mốt”.

Bàn về việc dùng danh Đức Chúa Trời trong những tài liệu ngoài Kinh-thánh nói trên, cột 538 trong quyển 3 của cuốn Theologisches Wörterbuch zum Alten Testament (Tự Điển Thần học Cựu Ước) có viết: “Vì thế, khoảng 19 bằng chứng trong các tài liệu về danh Đức Chúa Trời viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ dưới dạng jhwh chứng tỏ Bản M[asora] đáng tin cậy về khía cạnh này; người ta tin có thể có nhiều bằng chứng hơn, nhất là trong các văn thư lưu trữ Arad-Archives”. (Dịch từ tiếng Đức).

Danh của Đức Chúa Trời không bị quên lãng

Người ta quen thuộc và tiếp tục dùng danh của Đức Chúa Trời mãi cho đến thời của Ma-la-chi, người sống khoảng 400 năm trước thời Chúa Giê-su. Trong sách mang tên ông, Ma-la-chi đã làm nổi danh Đức Chúa Trời, dùng danh ấy cả thảy 48 lần.

Với thời gian, nhiều người Do Thái sống xa xứ Y-sơ-ra-ên và một số không còn đọc được Kinh-thánh bằng tiếng Hê-bơ-rơ nữa. Vì vậy, vào thế kỷ thứ ba TCN, người ta bắt đầu dịch phần Kinh-thánh có lúc bấy giờ (phần “Cựu Ước”) sang tiếng Hy Lạp, là ngôn ngữ quốc tế mới. Nhưng người ta không bác bỏ danh Đức Chúa Trời. Các dịch giả giữ lại danh đó, viết dưới dạng tiếng Hê-bơ-rơ. Các bản chép tay cổ xưa của bản tiếng Hy Lạp Septuagint vẫn được bảo tồn đến thời chúng ta đã chứng thực cho điều này.

Tuy vậy, khi Chúa Giê-su ở trên đất, thì tình thế lúc bấy giờ như thế nào? Làm sao chúng ta biết ngài và các môn đồ có dùng danh Đức Chúa Trời hay không?

[Hình nơi trang 12]

Trong bức thư này, viết trên một mảnh gốm vỡ vào hậu bán thế kỷ thứ bảy TCN, danh của Đức Chúa Trời đã xuất hiện hai lần

[Nguồn tư liệu]

(Picture by courtesy of the Israel Department of Antiquities and Museums)

[Hình nơi trang 13]

Người ta cũng thấy danh Đức Chúa Trời trong những Lá Thư ở thành La-ki và trên Bia đá Mô-áp