Danh Đức Chúa Trời và “Tân Ước”
Danh Đức Chúa Trời và “Tân Ước”
TRONG Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, tức phần “Cựu Ước”, vị thế danh Đức Chúa Trời không hề bị lung lay. Mặc dù người Do Thái cuối cùng ngừng phát âm danh ấy, nhưng tín ngưỡng của họ đã ngăn cản họ loại bỏ danh ấy khi sao lại những bản Kinh-thánh chép tay cổ hơn. Vì vậy, Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ nói đến danh Đức Chúa Trời nhiều hơn bất kỳ danh nào khác.
Đối với Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, tức phần “Tân Ước”, thì tình trạng lại khác hẳn. Những bản chép tay của sách Khải-huyền (quyển sách cuối của Kinh-thánh) dùng danh Đức Chúa Trời ở thể viết tắt “Gia” (trong chữ “Ha-lê-lu-gia”). Ngoài ra thì không có bản chép tay tiếng Hy Lạp cổ nào gồm các sách từ Ma-thi-ơ đến Khải-huyền mà chúng ta có ngày nay lại dùng nguyên danh Đức Chúa Trời. Phải chăng điều này có nghĩa danh ấy không xuất hiện ở đó? Nếu đúng như vậy thì thật đáng ngạc nhiên bởi vì các môn đồ của Chúa Giê-su nhận thức được tầm quan trọng của danh Đức Chúa Trời, và Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện cho danh Đức Chúa Trời được thánh. Vậy thì, điều gì đã xảy ra?
Để hiểu điều này, hãy nhớ rằng những bản Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp mà chúng ta có ngày nay không phải là những bản nguyên thủy. Những sách do chính tay Ma-thi-ơ, Lu-ca và những người khác viết ra đã được sử dụng nhiều và bị cũ rách. Vì vậy cần sao chép lại và khi các bản này bị hư rách đi, người ta lại dùng những bản sao đó để sao chép lại những bản khác. Điều này là tất nhiên
bởi vì người ta thường sao chép các bản sao để dùng chứ không phải để lưu trữ.Ngày nay còn hàng ngàn bản sao Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, nhưng hầu hết được sao chép trong thế kỷ thứ tư công nguyên hoặc sau đó. Điều này đưa ra câu hỏi là phải chăng có thể có một điều gì đó đã xảy ra cho bản văn Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp trước thế kỷ thứ tư đưa đến việc loại bỏ danh Đức Chúa Trời? Nhiều sự kiện chứng tỏ là có.
Danh ấy đã có ở đó
Chúng ta có thể tin chắc rằng sứ đồ Ma-thi-ơ đã đưa danh Đức Chúa Trời vào sách Phúc âm của ông. Tại sao? Bởi vì ban đầu ông viết sách ấy bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Vào thế kỷ thứ tư, Jerome, người dịch bản Vulgate tiếng La-tinh, thuật lại: “Ma-thi-ơ, cũng tên là Lê-vi, một người thâu thuế trở thành sứ đồ, người đầu tiên biên soạn sách Phúc âm của đấng Christ ở miền Giu-đê bằng tiếng Hê-bơ-rơ... Người ta không biết chắc ai đã dịch phần đó sang tiếng Hy Lạp. Hơn nữa, chính bản Hê-bơ-rơ này đang được lưu trữ tại thư viện ở Sê-sa-rê cho đến ngày nay”.
Vì Ma-thi-ơ viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, nên không thể tưởng tượng được là ông không dùng danh Đức Chúa Trời, đặc biệt khi ông trích dẫn các phần của “Cựu Ước” có ghi danh ấy. Còn những người khác dùng tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ quốc tế thời đó để viết phần thứ hai của Kinh-thánh cho độc giả trên khắp thế giới. Vì vậy, họ đã không trích dẫn từ những bản gốc tiếng Hê-bơ-rơ nhưng từ bản Septuagint tiếng Hy Lạp. Và ngay cả sách Phúc âm của Ma-thi-ơ cuối cùng đã được dịch sang tiếng Hy Lạp. Danh Đức Chúa Trời có xuất hiện trong các bản viết bằng tiếng Hy Lạp này không?
Vài mảnh rất cổ của bản Septuagint lưu hành vào thời Chúa Giê-su vẫn còn sót lại đến thời chúng ta. Điều đáng chú ý là người ta thấy danh riêng của Đức Chúa Trời trên các mảnh ấy. The New International Dictionary of New Testament Theology (Tân Tự điển Quốc tế về Thần học Tân Ước, quyển 2, trang 512) nói: “Những khám phá về bản văn gần đây khiến người ta nghi ngờ ý tưởng cho rằng những người biên soạn bản LXX [Septuagint] đã dịch bốn chữ cái YHWH ra kyrios. Bản chép tay LXX cổ nhất (những mảnh sót lại) mà hiện nay chúng ta có đã dùng chữ Hê-bơ-rơ để viết bốn chữ cái trong bản văn tiếng Hy Lạp. Những dịch giả Do Thái sau này đã giữ tục lệ đó khi dịch phần Cựu Ước trong những thế kỷ đầu công nguyên”. Vì thế, dù Chúa Giê-su và các môn đồ của ngài đọc Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ hay Hy Lạp, họ hẳn đã thấy danh Đức Chúa Trời.
Vì vậy, Giáo sư George Howard thuộc Đại học Georgia, Hoa Kỳ, bình luận như sau: “Khi bản Septuagint mà giáo hội theo Tân Ước đã sử dụng và trích dẫn có ghi danh của Đức Chúa Trời bằng tiếng Hê-bơ-rơ, chắc chắn những người viết Kinh-thánh phần Tân Ước đã đưa danh Đức Chúa Trời viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ vào trong các câu trích dẫn của họ” (Biblical Archaeology Review, tháng 3 năm 1978, trang 14). Họ đâu có thẩm quyền nào để làm khác hơn, phải không?
Danh Đức Chúa Trời vẫn còn trong các bản dịch phần “Cựu Ước” bằng tiếng Hy Lạp thêm một thời gian. Vào tiền bán thế kỷ thứ hai công nguyên, Aquila, một người Do Thái theo đạo đấng Christ đã dịch Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy Lạp, và trong bản dịch này ông đã viết danh Đức Chúa Trời bằng bốn chữ cái Hê-bơ-rơ cổ. Vào thế kỷ thứ ba, Origen viết: “Và trong những bản chép tay chính xác nhất, DANH ẤY đã xuất hiện bằng chữ Hê-bơ-rơ, không phải [những chữ] Hê-bơ-rơ ngày nay, nhưng là chữ cổ xưa nhất”.
Ngay cả trong thế kỷ thứ tư, Jerome viết trong lời tựa cho sách Sa-mu-ên và Các Vua: “Và cho đến ngày nay, chúng ta vẫn tìm thấy danh Đức Chúa Trời dưới dạng bốn chữ cái Hê-bơ-rơ [יהוה] cổ trong những bộ sách bằng tiếng Hy Lạp”.
Loại bỏ danh ấy
Tuy nhiên, vào lúc ấy, sự bội đạo mà Chúa Giê-su tiên tri đã thành hình, và mặc dù danh Đức Chúa Trời xuất hiện trong những bản chép tay, nhưng người ta dần dần ít dùng danh ấy (Ma-thi-ơ 13:24-30; Công-vụ các Sứ-đồ 20:29, 30). Kết quả là nhiều độc giả thậm chí đã không biết danh ấy là gì và Jerome thuật lại rằng vào thời ông “vì có sự giống nhau giữa các ký tự nên khi thấy bốn chữ cái Hê-bơ-rơ tượng trưng cho danh Đức Chúa Trời trong các sách tiếng Hy Lạp, một số người ít học nào đó quen đọc bốn chữ đó là ΠΙΠΙ”.
Ở những bản sao sau này của bản Septuagint, danh Đức Chúa Trời bị loại bỏ và được thay vào bằng những chữ như “Đức Chúa Trời” (The·osʹ) và “Chúa” (Kyʹri·os). Chúng ta biết điều này đã xảy ra vì những mảnh rất xưa của bản Septuagint có danh Đức Chúa Trời, trong khi cũng các câu Kinh-thánh ấy trong những bản sao chép sau này của bản Septuagint, người ta thấy danh Đức Chúa Trời đã bị loại bỏ ra.
Điều tương tự xảy ra cho phần “Tân Ước”, hay là Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp. Giáo sư George Howard nói tiếp: “Khi dạng chữ Hê-bơ-rơ dùng cho danh Đức Chúa Trời bị loại bỏ và được thay thế bằng tiếng Hy Lạp trong bản Septuagint, dạng chữ đó cũng bị loại khỏi các câu mà phần Kinh-thánh Tân Ước trích dẫn từ bản Septuagint ... Chẳng bao lâu, người ta không còn thấy danh Đức Chúa Trời trong các nhà thờ của dân ngoại, và danh ngài chỉ còn được thể hiện trong các chữ thay thế hay được các học giả nhớ đến mà thôi”.
Vì vậy, trong khi những người Do Thái từ chối phát âm danh Đức Chúa Trời, giáo hội bội đạo và tự xưng theo đấng Christ đã tìm được cách loại bỏ hoàn toàn danh ấy ra khỏi những bản chép tay của cả hai phần Kinh-thánh trong các bản viết bằng tiếng Hy Lạp, cũng như ra khỏi các bản dịch sang các thứ tiếng khác.
Cần phải có Danh ấy
Như chúng ta đã thấy trước đây, cuối cùng danh ấy được khôi phục trong nhiều bản dịch Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Nhưng còn Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp thì sao? Các dịch giả và những người học Kinh-thánh đi đến chỗ công nhận rằng nếu không dùng danh Đức Chúa Trời thì rất khó để hiểu được vài phần trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp một cách đúng đắn. Việc khôi phục lại danh ấy giúp ích rất nhiều trong việc làm cho phần Kinh-thánh được soi dẫn này được sáng sủa và dễ hiểu hơn gấp bội.
Lấy ví dụ, hãy xem xét những lời của Phao-lô gởi cho tín đồ ở thành Rô-ma trong bản Kinh-thánh của Thánh-Kinh Hội: “Vì ai kêu-cầu danh Chúa thì sẽ được cứu” (Rô-ma 10:13). Chúng ta phải kêu cầu danh ai để được cứu? Vì Giê-su thường được gọi là “Chúa”, và thậm chí một câu Kinh-thánh nói rằng: “Hãy tin Đức Chúa Giê-su, thì ngươi... sẽ được cứu-rỗi”, vậy chúng ta có nên kết luận rằng Phao-lô ở đây đang nói về Chúa Giê-su hay không? (Công-vụ các Sứ-đồ 16:31).
Không, chúng ta không nên. Một nguồn tham khảo bên dưới cho câu Rô-ma 10:13 trong bản Kinh-thánh của Thánh-Kinh Hội chỉ chúng ta đến Giô-ên 2:32 trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Nếu bạn xem nguồn tham khảo đó, bạn sẽ thấy rằng Phao-lô quả đã trích lời của Giô-ên trong lá thư gửi cho tín đồ ở Rô-ma. Giô-ên đã nói trong tiếng Hê-bơ-rơ nguyên thủy như thế này: “Ai cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu”. Đúng vậy, ở đây Phao-lô muốn nói rằng chúng ta phải kêu cầu danh Đức Giê-hô-va. Thế thì, trong khi chúng ta phải tin nơi Chúa Giê-su, sự cứu rỗi của chúng ta được gắn liền với sự quí trọng đúng cách danh Đức Chúa Trời.
Ví dụ này cho thấy việc loại bỏ danh Đức Chúa Trời khỏi Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp đã gây ra sự lẫn lộn giữa Giê-su và Giê-hô-va trong tâm trí của nhiều người. Việc loại bỏ này rõ ràng đã góp phần rất lớn vào sự phát triển thuyết Chúa Ba Ngôi!
Có nên khôi phục lại Danh ấy không?
Vì các bản chép tay hiện có không dùng danh Đức Chúa Trời, vậy một dịch giả có quyền để khôi phục danh ấy không? Có, người ấy có quyền. Hầu hết tự điển tiếng Hy Lạp đều công nhận rằng thường thì chữ “Chúa” trong Kinh-thánh ám chỉ Đức Giê-hô-va. Ví dụ, trong phần giải thích chữ Hy Lạp Kyʹri·os (“Chúa”), A Greek and English Lexicon of the New Testament (Một tự điển Hy Lạp và Anh về Tân Ước) của Robinson (in năm 1859) nói rằng chữ đó có nghĩa “Đức Chúa Trời như Chúa Tối Thượng và Đấng thống trị hoàn vũ mà bản Sept[uagint] thường thay thế cho chữ יהוה Giê-hô-va viết theo tiếng Hê-bơ-rơ”. Vì vậy tại những chỗ mà người viết
Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp trích dẫn Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, các dịch giả có quyền dịch chữ Kyʹri·os là “Giê-hô-va” ở bất kỳ chỗ nào mà danh Đức Chúa Trời xuất hiện trong tiếng Hê-bơ-rơ nguyên thủy.Nhiều dịch giả đã làm như thế. Ít ra cũng kể từ thế kỷ 14, nhiều dịch giả đã bắt đầu dịch Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp sang tiếng Hê-bơ-rơ. Họ đã làm gì khi gặp các câu trích dẫn từ “Cựu Ước” có danh Đức Chúa Trời? Thông thường, họ cảm thấy phải khôi phục danh Đức Chúa Trời vào bản văn. Nhiều bản dịch từng phần hay toàn bộ Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp sang tiếng Hê-bơ-rơ có danh Đức Chúa Trời.
Các bản dịch sang những ngôn ngữ hiện đại, đặc biệt những bản mà các nhà truyền giáo dùng, đã noi theo gương mẫu này. Vì thế, người ta thấy danh Giê-hô-va nhiều nơi trong nhiều bản Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp được dịch sang các tiếng Phi Châu, Á Châu, Mỹ Châu và các quần đảo Thái Bình Dương. Nhờ vậy độc giả có thể thấy rõ sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời thật và các thần giả. Danh ấy cũng xuất hiện trong những bản dịch sang các ngôn ngữ Âu Châu.
Một bản dịch đã mạnh dạn khôi phục danh Đức Chúa Trời dựa trên nguồn đáng tin cậy là bản New World Translation of the Christian Greek Scripture (Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp theo bản dịch Thế Giới Mới). Bản dịch này hiện có trong 27 ngôn ngữ, đã khôi phục danh Đức Chúa Trời trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp mỗi khi phần này trích dẫn một số câu Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ có ghi danh ấy. Dựa trên căn bản vững chắc, danh ấy xuất hiện 237 lần trong bản dịch Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp này.
Chống đối Danh ấy
Dù nhiều dịch giả cố gắng phục hồi danh Đức Chúa Trời trong Kinh-thánh, tôn giáo luôn luôn làm áp lực để loại bỏ danh ấy. Trong khi giữ danh ấy trong Kinh-thánh, người Do Thái đã từ chối phát âm danh ấy. Tín đồ bội đạo tự xưng theo đấng Christ trong thế kỷ thứ hai và thứ ba đã loại danh ấy ra khi sao chép các bản chép tay Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp và bỏ danh ấy khi dịch Kinh-thánh. Các dịch giả thời nay đã loại bỏ danh ấy cho dù bản dịch của họ dựa trên bản Hê-bơ-rơ nguyên thủy, nơi danh ấy xuất hiện gần 7.000 lần (6.973 lần trong Kinh-thánh phần tiếng tiếng Hê-bơ-rơ của bản New World Translation of the Holy Scriptures, bản năm 1984).
Đức Giê-hô-va nghĩ sao về những kẻ loại danh ngài ra khỏi Kinh-thánh? Nếu bạn là một tác giả, bạn nghĩ gì về một kẻ nào đó đã cố tình làm mọi cách để loại danh bạn ra khỏi quyển sách mà bạn đã sáng tác? Những dịch giả nào phản đối danh ấy vì cớ vấn đề phát âm hay truyền thống của người Do Thái, có thể được sánh với những người mà Chúa Giê-su đã nói “lọc con ruồi nhỏ mà nuốt con lạc-đà!” (Ma-thi-ơ 23:24). Họ vấp ngã vì những vấn đề nhỏ này, nhưng cuối cùng lại gây ra một vấn đề nghiêm trọng khác qua việc loại bỏ danh của đấng vĩ đại nhất trong vũ trụ ra khỏi quyển sách mà ngài đã soi dẫn.
Người viết Thi-thiên đã viết: “Đức Chúa Trời ôi! kẻ cừu-địch sẽ nói sỉ-nhục cho đến chừng nào? Kẻ thù-nghịch há sẽ phạm danh Chúa hoài sao?” (Thi-thiên 74:10).
[Khung nơi trang 25]
“CHÚA”—Chữ tương đương với “Giê-hô-va”?
Việc loại bỏ danh riêng của Đức Chúa Trời ra khỏi Kinh-thánh và thay thế bằng một tước hiệu như “Chúa” hay “Đức Chúa Trời” đã làm cho văn bản suy yếu và không đầy đủ ở nhiều điểm. Thí dụ, nó có thể đưa đến những phối hợp vô nghĩa của từ ngữ. Trong lời mở đầu, bản The Jerusalem Bible ghi rằng: “Nói ‘Chúa là Đức Chúa Trời’ chắc chắn là thừa [một sự lặp lại không cần thiết và vô nghĩa], còn khi nói ‘Ya-vê là Đức Chúa Trời’ thì lại không”.
Những sự thay thế như vậy cũng có thể dẫn đến những đoạn văn lủng củng. Trong bản Kinh Thánh Cựu Tân Ước do Trần Đức Huân dịch, chúng ta đọc nơi Thi-thiên 8:9: “Chúa ôi, lạy Chúa chúng tôi, danh Ngài vang dội khắp nơi địa cầu”. Thật tốt hơn biết bao khi danh Giê-hô-va được khôi phục vào bản văn như vậy! Vì vậy, bản Kinh-thánh của Thánh-Kinh Hội đã dịch là: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Chúa chúng tôi, danh Chúa đáng suy tôn làm sao trên khắp trái đất!”
Loại bỏ danh ấy cũng đưa đến sự lẫn lộn. Thi-thiên 110:1 nói: “Chúa đã phán về Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên phải Ta, cho đến kỳ Ta cho con đặt chân trên chiếc bệ là cổ quân thù” (Bản Diễn Ý). Ai đang nói với ai đây? Thật tốt hơn biết bao khi dịch: “Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng ta đặt kẻ thù-nghịch ngươi làm bệ chơn cho ngươi” (Kinh-thánh của Thánh-Kinh Hội).
Thêm vào đó, việc thay thế “Giê-hô-va” bằng từ “Chúa” đã loại bỏ điều cốt yếu ra khỏi Kinh-thánh: đó là danh riêng của Đức Chúa Trời. Quyển The Illustrated Bible Dictionary (Tự điển Kinh-thánh có hình, quyển 1, trang 572) viết: “Nói một cách chính xác, Ya-vê là ‘danh’ duy nhất của Đức Chúa Trời”.
The Imperial Bible-Dictionary (quyển 1, trang 856) mô tả sự khác biệt giữa “Đức Chúa Trời” (Elohim) và “Giê-hô-va” như sau: “[Giê-hô-va] ở mọi chỗ là một danh riêng, biểu thị Đức Chúa Trời cá biệt và chỉ một mình ngài mà thôi; trong khi Elohim có tính chất một danh từ chung nhiều hơn, thường biểu thị Đấng Tối Cao, chứ không nhất thiết hoặc không phải lúc nào cũng biểu thị Đấng ấy”.
J. A. Motyer, viện trưởng Đại học Trinity College ở Anh, nói thêm rằng: “Trong việc đọc Kinh-thánh, chúng ta bị mất mát rất nhiều nếu chúng ta quên nhìn bên trên chữ thay thế [Chúa hay Đức Chúa Trời] để thấy danh riêng và thân thiết của chính Đức Chúa Trời. Qua việc cho dân ngài biết danh ngài, Đức Chúa Trời có ý định tiết lộ cho họ cá tính sâu kín nhất của ngài” (Eerdmans’ Handbook to the Bible, trang 157).
Không, khi dịch người ta không thể lấy một tước hiệu thế cho tên riêng. Một tước hiệu không bao giờ có thể truyền đạt được ý nghĩa đầy đủ và phong phú của danh độc đáo của Đức Chúa Trời.
[Khung/Hình nơi trang 26]
Mảnh này của bản Septuagint (bên phải) chép hồi thế kỷ thứ nhất công nguyên và có ghi các đoạn Xa-cha-ri 8:19-21 và 8:23 đến Xa-cha-ri 9:4 được lưu trữ tại Viện Bảo tàng Do Thái ở Giê-ru-sa-lem. Trên mảnh này danh Đức Chúa Trời xuất hiện bốn lần, và mũi tên chỉ ba trong bốn lần đó. Trong bản chép tay Alexandrine (bên trái), một bản sao của bản Septuagint chép 400 năm sau đó, danh Đức Chúa Trời đã được thay thế trong cùng những câu ấy bằng KY và KC, những thể viết tắt của chữ Hy Lạp Kyʹri·os (“Chúa”)
[Khung nơi trang 27]
John W. Davis, một nhà truyền giáo ở Trung Hoa trong thế kỷ 19, đã giải thích tại sao ông tin rằng danh của Đức Chúa Trời phải có trong Kinh-thánh: “Nếu Thánh-linh nói Giê-hô-va ở những chỗ trong tiếng Hê-bơ-rơ, tại sao dịch giả lại không nói Giê-hô-va trong tiếng Anh hay tiếng Trung Hoa? Dịch giả có quyền gì để nói tôi sẽ dùng Giê-hô-va trong chỗ này và một chữ thay thế danh ấy trong chỗ kia?... Nếu người nào nói rằng có những trường hợp dùng Giê-hô-va là sai, hãy để người đó trình bày lý do tại sao; người đó phải lãnh onus probandi [trách nhiệm chứng minh điều mình nói là đúng] và sẽ thấy đó là một nhiệm vụ khó khăn, vì phải trả lời câu hỏi đơn giản này: Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu cho rằng việc dùng danh Giê-hô-va là sai trong bản dịch thì tại sao người viết được soi dẫn lại dùng danh ấy trong bản gốc?” (The Chinese Recorder and Missionary Journal, quyển VII, Thượng Hải, năm 1876).
[Hình nơi trang 23]
Bản New World Translation of the Christian Greek Scriptures dùng đúng danh Đức Chúa Trời 237 lần
[Các hình nơi trang 24]
Danh của Đức Chúa Trời tại một nhà thờ ở Minorca, Tây Ban Nha;
trên một pho tượng gần Paris, Pháp;
và trên Chiesa di San Lorenzo, Parma, Ý