Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Danh Đức Chúa Trời và các dịch giả Kinh-thánh

Danh Đức Chúa Trời và các dịch giả Kinh-thánh

Danh Đức Chúa Trời và các dịch giả Kinh-thánh

GIÊ-SU và môn đồ tiên tri người ta sẽ bỏ đạo đấng Christ và vào đầu thế kỷ thứ hai, sau khi sứ đồ cuối cùng qua đời, thì chuyện này bắt đầu xảy ra một cách trầm trọng. Triết lý và học thuyết tà giáo xâm nhập vào hội thánh, nên hội thánh sinh ra chia rẽ, bè phái và làm sự tinh sạch của đức tin vào thời ban đầu bị ô uế. Và người ta ngưng dùng danh Đức Chúa Trời.

Khi sự bội đạo này lan rộng ra thì việc dịch Kinh-thánh từ tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp nguyên thủy sang những ngôn ngữ khác trở thành một nhu cầu. Các dịch giả đã dịch danh Đức Chúa Trời như thế nào trong các bản dịch của họ? Thông thường họ dùng từ tương đương là “Chúa”. Một bản dịch rất quan trọng vào thời đó là bản Vulgate do Jerome dịch sang tiếng La tinh dùng thường ngày. Jerome dùng chữ Dominus, tức “Chúa” để thay thế cho bốn chữ cái (YHWH).

Cuối cùng, những ngôn ngữ mới như Pháp, Anh và Tây Ban Nha bắt đầu phát triển ở Âu châu. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo ngăn cản việc dịch Kinh-thánh sang những ngôn ngữ mới này. Vì vậy, trong khi người Do Thái dùng Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ nguyên thủy nhưng lại không đọc danh của Đức Chúa Trời khi gặp danh ấy, thì hầu hết “tín đồ đấng Christ” nghe Kinh-thánh đọc từ bản dịch tiếng La tinh không có danh của Đức Chúa Trời.

Với thời gian, danh Đức Chúa Trời đã được dùng trở lại. Vào năm 1278, danh ấy xuất hiện trong tác phẩm tiếng La tinh Pugio fidei (Con dao của đức tin) do Raymundus Martini, một tu sĩ Tây Ban Nha biên soạn. Raymundus Martini đã dùng cách viết Yohoua. * Chẳng bao lâu sau, vào năm 1303, Porchetus de Salvaticis hoàn tất tác phẩm nhan đề Victoria Porcheti adversus impios Hebraeos (Porchetus thắng những người Hê-bơ-rơ không tôn kính Đức Chúa Trời). Trong đó, ông cũng đề cập đến danh Đức Chúa Trời qua nhiều cách viết khác nhau, Iohouah, Iohoua, Ihouah. Rồi vào năm 1518, Petrus Galatinus xuất bản một tác phẩm nhan đề là De arcanis catholicae veritatis (Về những bí ẩn liên quan đến sự thật của vũ trụ), trong đó, ông viết danh Đức Chúa Trời là Iehoua.

Danh Đức Chúa Trời xuất hiện lần đầu tiên trong Kinh-thánh Anh ngữ vào năm 1530, khi William Tyndale cho ấn hành bản dịch gồm năm quyển sách đầu của Kinh-thánh. Ông đưa danh Đức Chúa Trời thường được viết là Iehouah vào nhiều câu trong bản dịch, * và trong một lời ghi chú của lần xuất bản này, ông viết: “Iehovah là danh của Đức Chúa Trời ... Hơn nữa, hễ khi thấy chữ CHÚA viết hoa (trừ khi có sự nhầm lẫn trong việc ấn loát) thì đó chính là chữ Iehovah trong tiếng Hê-bơ-rơ”. Dựa vào điều này, người ta bắt đầu có thói quen dùng danh Giê-hô-va chỉ trong vài câu và viết “CHÚA” hay “ĐỨC CHÚA TRỜI” trong hầu hết những chỗ khác có bốn chữ cái trong bản tiếng Hê-bơ-rơ.

Năm 1611, bản dịch Authorized Version được xuất bản và trở thành bản dịch Anh ngữ được dùng rộng rãi nhất. Danh Đức Chúa Trời xuất hiện bốn lần (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3; Thi-thiên 83:18; Ê-sai 12:2; 26:4). “Jah”, chữ viết tắt của danh ấy trong thơ ca, xuất hiện nơi Thi-thiên 68:4. Và người ta thấy trọn danh ấy trong những địa danh như “Giê-hô-va Di-rê” (Sáng-thế Ký 22:14; Xuất Ê-díp-tô Ký 17:15; Các Quan Xét 6:24). Tuy nhiên, theo gương của Tyndale, những người dịch thuật trong hầu hết các trường hợp đã thay thế “CHÚA” hay “ĐỨC CHÚA TRỜI” cho danh của Đức Chúa Trời. Nhưng nếu danh Đức Chúa Trời có thể xuất hiện trong bốn câu đó, tại sao danh ấy không thể xuất hiện trong cả ngàn câu khác có danh đó trong tiếng Hê-bơ-rơ nguyên thủy?

Điều tương tự đã xảy ra trong Đức ngữ. Năm 1534, Martin Luther cho ấn hành toàn bộ bản dịch Kinh-thánh dựa trên những ngôn ngữ nguyên thủy. Không biết vì lý do gì, ông đã không dùng danh Đức Chúa Trời, nhưng thay vào đó ông dùng những chữ như HERR (“CHÚA”). Tuy vậy, ông biết danh Đức Chúa Trời vì vào năm 1526, trong một bài giảng về Giê-rê-mi 23:1-8, ông nói: “Danh Giê-hô-va này là danh riêng của Đức Chúa Trời thật”.

Năm 1543, Luther đã thẳng thắn viết: “Ngày nay, họ [những người Do Thái] cho rằng danh Giê-hô-va không thể đọc được. Điều này cho thấy họ không biết mình nói gì... Nếu người ta có thể dùng bút và mực viết danh ấy, thì tại sao họ lại không nói đến được, vì nói còn tốt hơn là dùng bút và mực để viết ra? Tại sao họ cũng không cho rằng danh Đức Chúa Trời không thể viết được, không thể đọc được, hay không thể nghĩ ra được? Khi xem xét mọi khía cạnh, ta thấy có sự gian trá gì đó”. Dầu vậy, Luther đã không sửa đổi gì trong bản dịch Kinh-thánh của ông. Tuy nhiên vào những năm sau đó, các bản dịch Kinh-thánh Đức ngữ khác đã ghi danh ấy nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3.

Trong những thế kỷ kế tiếp, các dịch giả Kinh-thánh đi theo một trong hai chiều hướng. Một số tránh dùng hẳn danh Đức Chúa Trời, trong khi những người khác lại dùng chữ Giê-hô-va hay Ya-vê rất nhiều nơi trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Chúng ta hãy xem xét hai bản dịch đã tránh dùng danh ấy và xem tại sao các dịch giả đã làm như vậy.

Tại sao họ đã loại bỏ Danh Đức Chúa Trời

Năm 1935, khi J. M. Powis Smith và Edgar J. Goodspeed xuất bản một bản dịch Kinh-thánh hiện đại, độc giả thấy rằng danh Đức Chúa Trời được thay thế bằng từ CHÚA hay ĐỨC CHÚA TRỜI ở hầu hết mọi chỗ. Lý do được giải thích ở lời tựa: “Trong bản dịch này, chúng tôi theo truyền thống Do Thái chính thống và thay thế từ ‘Ya-vê’, với từ ‘Chúa’ và nhóm từ ‘Đức Chúa Ya-vê’ với nhóm từ ‘Đức Chúa Trời’. Trong mọi trường hợp, chỗ nào từ ‘Chúa’ hay ‘Đức Chúa Trời’ thay thế cho chữ nguyên thủy ‘Ya-vê’, thì đều được viết bằng chữ hoa nhỏ”.

Vậy, cho những ai không muốn theo truyền thống của người Do Thái đọc YHWH, nhưng lại phát âm là “Chúa”, lời tựa nói: “Vì vậy, bất cứ ai muốn giữ lại hương vị của nguyên bản, thì chỉ cần đọc ‘Ya-vê’ ở nơi nào mà họ thấy chữ CHÚA hoặc ĐỨC CHÚA TRỜI”!

Khi đọc điều này, một câu hỏi lập tức gợi lên trong trí: Nếu việc đọc “Ya-vê” thay vì “CHÚA” có tác dụng giữ lại “hương vị của nguyên bản” thì tại sao những người dịch không dùng “Ya-vê” trong bản dịch của họ? Tại sao họ dùng từ ngữ riêng của mình ‘thay thế’ danh Đức Chúa Trời bằng chữ “CHÚA”, và như vậy đã làm mất đi hương vị của nguyên bản?

Các dịch giả nói rằng họ theo truyền thống Do Thái chính thống. Nhưng như thế có phải là khôn ngoan cho tín đồ đấng Christ không? Hãy nhớ là chính những người Pha-ri-si đã duy trì truyền thống Do Thái chính thống, chối bỏ Giê-su và bị ngài lên án: “Các ngươi đã vì lời truyền-khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 15:6). Sự thay thế như vậy thật sự làm giảm giá trị Lời của Đức Chúa Trời.

Vào năm 1952, bản dịch Revised Standard Version của Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ được xuất bản bằng tiếng Anh, và bản này cũng dùng các từ thay thế cho danh Đức Chúa Trời. Quyển Kinh-thánh này đã sửa lại bản American Standard Version nguyên thủy. Điều này đáng chú ý bởi vì bản nguyên thủy đã dùng danh Giê-hô-va trong khắp Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Vì vậy, việc bỏ đi danh ấy đã là một sự chệch hướng rõ rệt. Tại sao người ta lại làm vậy?

Trong lời mở đầu của bản Revised Standard Version, chúng ta đọc: “Ủy ban đã trở lại với cách dùng quen thuộc theo bản dịch King James Version [nghĩa là loại bỏ danh Đức Chúa Trời] vì hai lý do: 1) từ ‘Giê-hô-va’ không tiêu biểu chính xác cho bất kỳ hình thức nào của Danh Đức Chúa Trời đã từng được dùng trong tiếng Hê-bơ-rơ; và 2) việc dùng bất kỳ danh riêng nào cho Đức Chúa Trời có một và duy nhất, như thể là có những vị thần khác mà người ta phải phân biệt, đã bị bãi bỏ trong Do Thái giáo trước kỷ nguyên của đạo đấng Christ, và hoàn toàn không phù hợp với đức tin chung của Giáo hội đấng Christ”.

Đây có phải là những lý luận vững chắc không? Như đã được thảo luận trước đây, danh Giê-su không tiêu biểu chính xác cho hình thức danh nguyên thủy của Con Đức Chúa Trời mà các môn đồ ngài đã dùng. Thế nhưng Ủy ban đâu có tránh dùng tên ấy và đâu có thay vào đó một tước hiệu như “đấng Trung Bảo” hay “đấng Christ”. Thật vậy, những tước hiệu này được dùng, nhưng dùng thêm với danh Giê-su chứ không thay thế danh đó.

Còn lý luận cho rằng không có những thần khác mà người ta phải phân biệt với Đức Chúa Trời thật thì hẳn là sai lầm. Có đến hàng triệu vị thần được loài người thờ phượng. Sứ đồ Phao-lô ghi rằng: “Họ thờ nhiều ‘thần’ ” (I Cô-rinh-tô 8:5; Phi-líp 3:19). Dĩ nhiên chỉ có một Đức Chúa Trời thật, như Phao-lô có nói tiếp sau đó. Bởi vậy, việc dùng danh của Đức Chúa Trời thật là ích lợi để phân biệt ngài với mọi thần giả. Thêm nữa, nếu việc dùng danh Đức Chúa Trời là “hoàn toàn không thích hợp”, thì tại sao danh ấy xuất hiện gần 7.000 lần trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ nguyên thủy?

Thật ra, nhiều dịch giả không cảm thấy rằng danh ấy, với cách phát âm hiện đại, là không thích hợp trong Kinh-thánh. Họ đã đưa danh này vào các bản dịch của họ, và kết quả là họ luôn luôn có bản dịch tôn vinh Tác giả cuốn Kinh-thánh nhiều hơn và trung thành với nguyên bản hơn. Vài bản dịch có danh ấy được nhiều người dùng là bản Valera (tiếng Tây Ban Nha, xuất bản năm 1602), bản Kinh-thánh do Thánh-Kinh Hội xuất bản, bản Elberfelder nguyên thủy (tiếng Đức, xuất bản năm 1871), cũng như bản American Standard Version (tiếng Anh, xuất bản năm 1901). Một số bản dịch, đặc biệt là bản Kinh Thánh, Nguyễn thế Thuấn, cũng luôn luôn dùng danh của Đức Chúa Trời, nhưng viết là Yavê.

Bây giờ chúng ta đọc những lời bình luận của vài dịch giả dùng danh Đức Chúa Trời trong bản dịch của họ, và hãy so sánh lý luận của họ với lý luận của những người loại bỏ danh ấy.

Tại sao những người khác dùng Danh Đức Chúa Trời

Đây là lời bình luận của các dịch giả bản American Standard Version xuất bản năm 1901: “[Những nhà dịch thuật] đều đi đến kết luận là bản dịch tiếng Anh hay bất kỳ bản dịch nào khác của Cựu Ước không nên lệ thuộc vào sự mê tín dị đoan của người Do Thái cho rằng Danh Đức Chúa Trời quá thánh khiết không nên thốt lên... Danh để tưởng nhớ này, được giải thích trong Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14, 15 và được nhấn mạnh nhiều lần trong nguyên bản Cựu Ước, cho thấy Đức Chúa Trời là Đấng cá biệt, Đức Chúa Trời của sự giao ước, Đức Chúa Trời của sự mặc khải, Đấng Giải Cứu, Bạn của dân sự ngài... Danh riêng của ngài, cùng với rất nhiều điều thiêng liêng liên quan đến danh ấy, giờ đây đã được dùng lại y như nguyên bản”.

Cũng vậy, trong lời mở đầu của nguyên bản Đức ngữ Elberfelder Bibel chúng ta đọc: “Giê-hô-va. Đây là danh của Đức Chúa Trời Giao ước của Y-sơ-ra-ên mà chúng tôi giữ lại vì độc giả đã quen thuộc với danh này nhiều năm rồi”.

Steven T. Byington, dịch giả cuốn The Bible in Living English, giải thích vì sao ông dùng danh Đức Chúa Trời: “Cách viết và phát âm không quan trọng cho lắm. Điều tối quan trọng là cho thấy rõ ràng đây là một danh riêng. Có nhiều đoạn văn không thể hiểu đúng được nếu chúng ta dịch danh này bằng một danh từ chung như ‘Chúa’, hay còn tệ hơn nhiều, bằng một tĩnh từ được dùng như danh từ [thí dụ: Đấng Hằng hữu]”.

Trường hợp của một bản khác do J. B. Rotherham dịch là một trường hợp đáng chú ý. Ông dùng danh Đức Chúa Trời trong bản dịch nhưng thích chữ Ya-vê hơn. Tuy nhiên, trong một tác phẩm sau này, Studies in The Psalms (Những nghiên cứu về sách Thi-thiên), xuất bản năm 1911, ông đã trở lại với chữ Giê-hô-va. Tại sao? Ông giải thích: “Trong bản dịch sách Thi-thiên hiện nay, việc dùng chữ GIÊ-HÔ-VA, một danh kỷ niệm (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:18), không phải là vì vấn đề đọc chính xác hơn so với chữ Ya-vê, nhưng hoàn toàn dựa trên bằng chứng thực tế theo sự lựa chọn cá nhân để mong phù hợp với tai mắt công chúng về việc này. Điều chính yếu ở đây là danh của Đức Chúa Trời được dễ dàng nhận ra”.

Nơi Thi-thiên 34:3 những người thờ phượng Đức Giê-hô-va được khuyến khích: “Hãy cùng tôi tôn trọng Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy cùng nhau tôn cao danh của Ngài”. Làm thế nào người đọc có thể hưởng ứng hoàn toàn lời kêu gọi này khi đọc các bản dịch Kinh-thánh bỏ đi danh Đức Chúa Trời? Tín đồ đấng Christ sung sướng vì ít ra một số dịch giả đã can đảm đưa danh Đức Chúa Trời vào những bản dịch Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, và như vậy bảo toàn được cái mà hai ông Smith và Goodspeed gọi là “hương vị của nguyên bản”.

Tuy thế, hầu hết các bản dịch, ngay cả khi dùng danh của Đức Chúa Trời trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, lại bỏ danh ấy ra khỏi Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, tức phần “Tân Ước”. Lý do của việc loại bỏ này là gì? Việc đưa danh Đức Chúa Trời vào phần sau của Kinh-thánh có chính đáng không?

[Chú thích]

^ đ. 5 Tuy nhiên, trong những lần tái bản vài thế kỷ sau đó, danh Đức Chúa Trời được viết là Jehova.

^ đ. 6 Sáng-thế Ký 15:2; Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3; 15:3; 17:16; 23:17; 33:19; 34:23; Phục-truyền Luật-lệ Ký 3:24. Tyndale cũng đưa danh của Đức Chúa Trời vào câu Ê-xê-chi-ên 18:23 và Ê-xê-chi-ên 36:23 trong những bản dịch của ông. Các bản dịch này được thêm vào phần cuối của bản The New Testament, Antwerp, 1534.

[Câu nổi bật nơi trang 17]

Những người dịch bản Authorized Version chỉ giữ danh của Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, trong 4 câu, còn ở tất cả các chỗ khác họ thay thế bằng ĐỨC CHÚA TRỜI và CHÚA

[Câu nổi bật nơi trang 22]

Nếu việc dùng danh của Đức Chúa Trời là “hoàn toàn không thích hợp”, thì tại sao danh này lại xuất hiện gần 7.000 lần trong bản Kinh-thánh chính gốc phần tiếng Hê-bơ-rơ?

[Khung nơi trang 21]

Ghét Danh của Đức Chúa Trời?

Hiện nay không có bản dịch Kinh-thánh hiện hành nào trong ngôn ngữ Afrikaans (tiếng của người Nam Phi gốc Hòa Lan) dùng danh của Đức Chúa Trời. Điều này đáng ngạc nhiên, bởi vì nhiều bản dịch trong những ngôn ngữ của các bộ lạc ở quốc gia đó rất thường dùng danh ấy. Chúng ta hãy xem tại sao có tình trạng này.

Vào ngày 24-8-1878, tại cuộc họp của Hội những người Nam Phi thực thụ (G.R.A.), người ta khẩn thiết yêu cầu dịch Kinh-thánh sang tiếng Afrikaans. Sáu năm sau, điều này được đưa ra bàn thảo lần nữa, và kết cuộc người ta quyết định tiến hành việc dịch Kinh-thánh từ các ngôn ngữ nguyên thủy. Công việc được giao phó cho S. J. du Toit, giám thị giáo dục tại Transvaal.

Du Toit nhận được một văn thư chỉ thị, trong đó có những lời hướng dẫn như sau: “Danh riêng của Chúa là Giê-hô-va hay Ya-vê phải được giữ nguyên, không dịch ra [tức là không thay thế bằng chữ Chúa hay Đức Chúa Trời] trong toàn thể cuốn Kinh-thánh”. S. J. du Toit đã dịch bảy sách nhỏ của Kinh-thánh sang tiếng Afrikaans, và người ta thấy danh Giê-hô-va trong toàn thể bảy cuốn.

Những ấn phẩm khác của Nam Phi cũng có một thời in danh Đức Chúa Trời. Thí dụ, trong cuốn De Korte Catechismus (Sách Giáo lý Ngắn) của J. A. Malherbe, in năm 1914, có câu sau đây: “Danh cao cả của Đức Chúa Trời là gì?” Câu trả lời? “Giê-hô-va, chữ này được viết là CHÚA và viết bằng chữ hoa trong Kinh-thánh của chúng ta. [Danh] này không bao giờ được đặt cho bất kỳ tạo vật nào”.

Trong cuốn Die Katkisasieboek (một sách giáo lý do Hội đồng Liên đoàn Trường Ngày Chủ nhật thuộc Giáo hội Cải cách Hòa Lan ở Nam Phi xuất bản) có câu hỏi sau đây: “Có lẽ nào chúng ta không bao giờ dùng danh Giê-hô-va hay CHÚA sao? Đó là điều mà những người Do Thái làm... Đó không phải là ý nghĩa của điều răn... Chúng ta có thể dùng Danh của ngài, nhưng không bao giờ dùng cách bất kính”. Cho đến gần đây, cuốn Die Halleluja (một sách thánh ca) tái bản cũng có danh Giê-hô-va trong vài bài thánh ca.

Tuy nhiên, quần chúng không quen thuộc với bản dịch của du Toit và vào năm 1916 một Ủy ban dịch Kinh-thánh đã được chỉ định để lo công việc dịch và ấn hành bản Kinh-thánh bằng tiếng Afrikaans. Ủy ban này chủ trương loại bỏ danh Giê-hô-va ra khỏi Kinh-thánh. Năm 1971, Thánh-Kinh Hội của Nam Phi xuất bản một “bản dịch tạm” của vài sách trong Kinh-thánh bằng tiếng Afrikaans. Danh Đức Chúa Trời được đề cập đến trong lời giới thiệu, nhưng không được dùng đến trong bản văn. Tương tự như vậy, vào năm 1979, một bản dịch mới của Kinh-thánh phần “Tân Ước” và sách Thi-thiên được xuất bản và bản dịch này cũng loại bỏ danh của Đức Chúa Trời.

Hơn nữa, kể từ năm 1970 danh Giê-hô-va bị loại khỏi cuốn Die Halleluja. Ngày nay, bản tu chỉnh cuốn Die Katkisasieboek do Giáo hội Cải cách Hòa Lan ở Nam Phi tái bản lần thứ sáu cũng loại bỏ danh ấy.

Thật ra các cố gắng nhằm loại bỏ danh Giê-hô-va không chỉ giới hạn trong các cuốn sách mà thôi. Một nhà thờ Cải cách Hòa Lan ở Paarl trước đây có một viên đá đặt nền, trên đó có khắc những chữ GIÊ-HÔ-VA DI-RÊ (“Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp”). Bức hình chụp nhà thờ này cùng viên đá đặt nền ấy đã được đăng trong tạp chí Tỉnh Thức! số ra ngày 22-10-1974 bằng tiếng Afrikaans. Kể từ đó, người ta đã thay thế viên đá đặt nền ấy bằng viên đá khác với những chữ DIE HERE SAL VOORSIEN (“Chúa sẽ cung cấp”). Câu Kinh-thánh trích dẫn và ngày tháng ghi trên viên đá đặt nền ấy được giữ nguyên, nhưng danh Giê-hô-va đã bị xóa đi.

Bởi vậy, ngày nay nhiều người Afrikaans không biết danh của Đức Chúa Trời. Những thành viên nào của Giáo hội mà biết danh ấy lại tránh dùng danh ấy. Vài người thậm chí còn viện lẽ chống lại danh ấy, cho rằng danh của Đức Chúa Trời là CHÚA và buộc tội Nhân-chứng Giê-hô-va là bịa đặt ra danh Giê-hô-va.

[Các hình]

Một nhà thờ cải cách Hòa Lan ở Paarl, Nam Phi. Khởi đầu, danh Giê-hô-va được khắc trên viên đá đặt nền (hình trên bên phải). Sau đó danh này đã bị thay thế (hình trên bên trái)

[Hình nơi trang 18]

Danh của Đức Chúa Trời viết là Yohoua xuất hiện năm 1278 trong tác phẩm Pugio fidei như được thấy trong bản thảo này (thuộc thế kỷ thứ 13 hay 14) lấy từ thư viện Ste. Geneviève, Paris, Pháp (số 162b)

[Hình nơi trang 19]

Trong bản dịch 5 quyển sách đầu của Kinh-thánh xuất bản vào năm 1530, William Tyndale đã đưa danh của Đức Chúa Trời vào Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3. Ông giải thích việc sử dụng danh này trong một ghi chú trong bản dịch

[Nguồn tư liệu]

(Photograph courtesy of the American Bible Society Library, New York)