Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Danh Cha được thánh”—Danh nào?

“Danh Cha được thánh”—Danh nào?

“Danh Cha được thánh”—Danh nào?

BẠN có phải là một người mộ đạo không? Vậy thì chắc chắn cũng như nhiều người khác, bạn tin có Thượng Đế. Và có lẽ bạn rất xem trọng lời cầu nguyện nổi tiếng dâng lên Đấng Chí Cao mà Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ của ngài. Đó là Lời Cầu nguyện của Chúa hay Kinh Lạy Cha. Lời cầu nguyện bắt đầu như vầy: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh” (Ma-thi-ơ 6:9).

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao Chúa Giê-su lại đặt việc làm “thánh” danh Đức Chúa Trời trước hết trong lời cầu nguyện này không? Sau đó, ngài mới đề cập đến những điều khác như Nước Đức Chúa Trời được đến, ý Đức Chúa Trời được thành tựu ở trên đất và xin Ngài tha tội cho chúng ta. Những lời cầu xin này khi được đáp ứng sẽ đem lại hòa bình vĩnh viễn trên đất và sự sống đời đời cho nhân loại. Bạn có thể nghĩ ra được điều gì quan trọng hơn điều đó không? Tuy nhiên, Chúa Giê-su bảo chúng ta trước hết hãy cầu nguyện cho danh Đức Chúa Trời được thánh.

Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giê-su dạy các môn đồ của ngài đặt danh Đức Chúa Trời trước hết trong lời cầu nguyện của họ. Danh đó rõ ràng rất quan trọng đối với ngài, vì ngài đã lặp lại danh ấy nhiều lần trong những lời cầu nguyện riêng của ngài. Vào một dịp khi đang cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời giữa dân chúng, người ta nghe ngài nói: “Cha ơi, xin làm sáng danh Cha!” Và chính Đức Chúa Trời đã đáp rằng: “Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa!” (Giăng 12:28).

Trong đêm trước khi Chúa Giê-su qua đời, các môn đồ nghe thấy ngài cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, và một lần nữa họ nghe ngài làm nổi bật tầm quan trọng của danh Đức Chúa Trời. Ngài nói: “Con đã tỏ danh Cha ra cho những người Cha giao cho con từ giữa thế-gian”. Sau đó, ngài lặp lại: “Con đã tỏ danh Cha ra cho họ, Con lại sẽ tỏ ra nữa” (Giăng 17:6, 26).

Tại sao danh Đức Chúa Trời lại quan trọng đến thế đối với Chúa Giê-su? Tại sao ngài cho thấy danh đó cũng quan trọng đối với chúng ta, bằng cách bảo chúng ta phải cầu nguyện cho danh đó được thánh? Để hiểu điều này, chúng ta cần phải biết tên đã được xem như thế nào vào thời Kinh-thánh được viết ra.

Tên vào thời Kinh-thánh được viết ra

Hiển nhiên Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã tạo nơi con người ước muốn đặt tên cho các vật. Người đầu tiên có một tên, là A-đam. Trong câu chuyện sáng tạo, một trong những điều đầu tiên mà A-đam đã làm là đặt tên cho các loài vật. Khi Đức Chúa Trời ban cho A-đam một người vợ, lập tức A-đam gọi nàng là “Người nữ” (’Ish·shahʹ trong tiếng Hê-bơ-rơ). Sau đó, ông đặt tên cho nàng là Ê-va, nghĩa là “Người sống” vì “là mẹ của cả loài người” (Sáng-thế Ký 2:19, 23; 3:20). Ngay cả ngày nay chúng ta cũng theo tập tục đặt tên cho người. Thật vậy, khó mà tưởng tượng được làm sao chúng ta có thể xoay xở nếu không có tên.

Tuy nhiên, vào thời dân Y-sơ-ra-ên, tên không chỉ là danh xưng mà thôi. Chúng có ý nghĩa. Chẳng hạn, tên Y-sác nghĩa là “Cười”, nhắc lại việc cha mẹ lớn tuổi của ông đã cười khi lần đầu tiên họ nghe nói là họ sẽ có con (Sáng-thế Ký 17:17, 19; 18:12). Tên Ê-sau có nghĩa là “Nhiều lông”, mô tả đặc điểm của người ông. Tên khác của ông là Ê-đôm, nghĩa là “Đỏ” hay “Đo Đỏ”, nhắc lại việc ông đã bán quyền trưởng nam để lấy một bát canh đỏ (Sáng-thế Ký 25:25, 30-34; 27:11; 36:1). Gia-cốp, mặc dầu chỉ nhỏ hơn người anh sinh đôi của mình là Ê-sau một chút, đã mua quyền trưởng nam của Ê-sau và đã được cha chúc phước dành cho con trưởng nam. Từ lúc sanh ra, tên của Gia-cốp có nghĩa là “Nắm gót” hay “Người chiếm vị” (Sáng-thế Ký 27:36). Tương tự như thế, tên Sa-lô-môn có nghĩa là “Thái-bình” vì trong suốt thời kỳ ông cai trị, dân Y-sơ-ra-ên được hưởng thái bình và thịnh vượng (I Sử-ký 22:9).

Vì vậy, cuốn The Illustrated Bible Dictionary (Tự điển Kinh-thánh có hình, quyển 1, trang 572) ghi như sau: “Một nghiên cứu về ‘tên’ trong Cựu Ước cho thấy tên mang nhiều ý nghĩa đến thế nào trong tiếng Hê-bơ-rơ. Tên không chỉ là danh xưng mà còn nói lên cá tính thật của người mang tên đó”.

Sự kiện Đức Chúa Trời xem tên là quan trọng có thể được thấy rõ qua việc ngài đã dùng một thiên sứ để hướng dẫn cha mẹ của Giăng Báp-tít và Chúa Giê-su trong việc đặt tên cho con của họ (Lu-ca 1:13, 31). Và đôi khi, ngài đổi tên hay đặt thêm tên cho một số người để chỉ cương vị của họ trong ý định của ngài. Chẳng hạn khi Đức Chúa Trời báo trước rằng tôi tớ ngài là Áp-ram (“Cha của sự hân hoan”) sẽ trở thành cha của nhiều dân tộc, ngài đã đổi tên ông thành Áp-ra-ham (“Cha của nhiều dân-tộc”), và đổi tên vợ Áp-ra-ham, là Sa-rai (“Thích tranh cãi”) thành Sa-ra (“Công-chúa”) bởi vì bà sẽ là mẹ của dòng dõi Áp-ra-ham (Sáng-thế Ký 17:5, 15, 16; so sánh với Sáng-thế Ký 32:28; II Sa-mu-ên 12:24, 25).

Chúa Giê-su cũng nhận ra tầm quan trọng của tên và ngài đã ám chỉ đến tên của Phi-e-rơ khi ngài ban cho ông đặc ân phụng sự (Ma-thi-ơ 16:16-19). Ngay cả những tạo vật thần linh cũng có tên. Có hai tên được nhắc đến trong Kinh-thánh là Gáp-ri-ên và Mi-chen (Lu-ca 1:26; Giu-đe 9). Và khi loài người đặt tên cho các vật vô tri vô giác như các vì sao, các hành tinh, các thành phố, núi non và sông ngòi, là vì bắt chước Đấng Tạo hóa của họ mà thôi. Thí dụ, Kinh-thánh nói Đức Chúa Trời gọi tên hết thảy các vì sao (Ê-sai 40:26).

Đúng vậy, tên có một địa vị quan trọng dưới mắt Đức Chúa Trời và ngài đã tạo ra con người với ước muốn nhận diện người ta hay vạn vật bằng các tên. Chính vì vậy mà thiên sứ, loài người, thú vật cũng như các vì sao và những vật vô tri vô giác khác đều có tên. Liệu có thích hợp không khi cho rằng Đấng Tạo hóa của mọi vật này lại để mình vô danh? Dĩ nhiên là không, đặc biệt theo quan điểm của người viết Thi-thiên: “Nguyện cả loài xác-thịt chúc-tụng danh thánh của Ngài cho đến đời đời vô-cùng” (Thi-thiên 145:21).

Cuốn The New International Dictionary of New Testament Theology (Tân Tự điển Quốc tế về Thần học Tân Ước, quyển 2, trang 649) nói: “Một trong những đặc điểm cơ bản và thiết yếu nhất của sự mặc khải của Kinh-thánh là sự kiện Đức Chúa Trời không phải không có danh: ngài có một danh riêng, qua danh đó người ta có thể, và sẽ cầu khẩn ngài”. Chắc chắn Chúa Giê-su nghĩ đến danh đó khi ngài dạy các môn đồ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh” (Ma-thi-ơ 6:9).

Sau khi xem xét tất cả những đặc điểm này, rõ ràng điều quan trọng là việc chúng ta biết danh Đức Chúa Trời là gì. Bạn có biết danh riêng của Đức Chúa Trời không?

Danh Đức Chúa Trời là gì?

Thật rất ngạc nhiên là phần lớn hàng trăm triệu tín đồ của các giáo hội tự xưng theo đấng Christ có lẽ đều thấy khó tìm được lời giải đáp cho câu hỏi này. Một số người có lẽ sẽ nói rằng danh Đức Chúa Trời là Giê-su Christ. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã cầu xin một đấng khác khi ngài nói: “Con đã tỏ danh Cha ra cho những người Cha giao cho Con từ giữa thế-gian” (Giăng 17:6). Ngài cầu xin Đức Chúa Trời trên trời như một người con nói chuyện với cha mình (Giăng 17:1). Chính danh của Cha ngài trên trời mới là danh phải được nên “thánh”.

Tuy nhiên, danh này đã không được dùng đến trong nhiều bản dịch Kinh-thánh hiện đại và trong các nhà thờ. Do đó, không những không được nên “thánh”, danh này còn không được hàng triệu người đọc Kinh-thánh biết đến. Để lấy thí dụ cho thấy cách các dịch giả Kinh-thánh sử dụng danh Đức Chúa Trời, hãy xem xét một câu Kinh-thánh có ghi danh này: Thi-thiên 83:18. Sau đây là cách câu này được dịch ra trong bốn bản Kinh-thánh khác nhau:

“Phải công nhận Ngài, danh cao là Chúa, mình Ngài tối thượng trên quả địa cầu” (Trần Đức Huân).

“Để dạy cho chúng biết rằng ngài, Ôi Đấng Hằng hữu, ngài là Đức Chúa Trời Tối Cao trên khắp thế giới” (A New Translation of the Bible, của James Moffatt, năm 1922).

“Cho chúng biết rằng chỉ có Người mang Danh Yavê, Đấng Tối Cao trên khắp cõi trần” (Nguyễn thế Thuấn).

“Hầu cho chúng nó biết rằng chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất” (Thánh-Kinh Hội).

Tại sao danh Đức Chúa Trời lại quá khác nhau trong các bản dịch này như vậy? Danh ngài là Chúa, Đấng Hằng hữu, Yavê, hay Giê-hô-va? Hay tất cả các danh xưng đó đều có thể chấp nhận được?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhớ rằng Kinh-thánh nguyên thủy không được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Những người viết Kinh-thánh là người Hê-bơ-rơ và phần lớn họ viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy Lạp được sử dụng vào thời của họ. Hầu hết chúng ta không nói được những ngôn ngữ cổ xưa đó. Nhưng Kinh-thánh đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ hiện đại và chúng ta có thể dùng những bản phiên dịch này khi chúng ta muốn đọc Lời Đức Chúa Trời.

Tín đồ đấng Christ có lòng kính trọng sâu xa đối với Kinh-thánh và tin tưởng đúng đắn rằng “cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn” (II Ti-mô-thê 3:16). Vì vậy, việc dịch Kinh-thánh là một trách nhiệm nặng nề. Nếu người nào tự ý thay đổi hay bớt đi một phần của nội dung Kinh-thánh, người đó sửa đổi Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn. Đối với những người như thế Kinh-thánh cảnh cáo như sau: “Nếu ai thêm vào sách tiên-tri nầy điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai-nạn đã ghi-chép trong sách nầy. Và kẻ nào bớt điều gì trong những lời ở sách tiên-tri nầy, thì Đức Chúa Trời sẽ cất lấy phần họ về cây sự sống” (Khải-huyền 22:18, 19; cũng xem Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:2).

Phần lớn những người dịch Kinh-thánh chắc chắn đều kính trọng Kinh-thánh và thành thật muốn người ta hiểu trong thời đại tân tiến này. Nhưng những người dịch không được soi dẫn. Phần lớn họ có những quan điểm mạnh mẽ về các vấn đề tôn giáo và có thể bị ảnh hưởng bởi những ý kiến và sở thích cá nhân. Họ cũng có thể có những sai lầm trong phán quyết.

Vì thế, chúng ta có quyền đặt ra vài câu hỏi quan trọng như: Danh thật của Đức Chúa Trời là gì? Tại sao các bản dịch Kinh-thánh khác nhau lại dùng những tên khác nhau cho Đức Chúa Trời? Một khi những câu hỏi này được giải đáp thỏa đáng, chúng ta có thể trở lại vấn đề đầu tiên của chúng ta là: Tại sao việc làm thánh danh Đức Chúa Trời quan trọng đến thế?

[Câu nổi bật nơi trang 4]

Thiên sứ, loài người, thú vật cũng như các vì sao và những vật vô tri vô giác khác đều có tên. Chẳng lẽ Đấng tạo ra vạn vật này lại vô danh sao?

[Câu nổi bật nơi trang 5]

Danh của Đức Chúa Trời rõ ràng có tầm quan trọng rất lớn đối với Chúa Giê-su, vì ngài thường lặp lại danh đó trong các lời cầu nguyện của mình