Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lý do chúng ta phải biết danh Đức Chúa Trời

Lý do chúng ta phải biết danh Đức Chúa Trời

Lý do chúng ta phải biết danh Đức Chúa Trời

“AI KÊU-CẦU danh Chúa [Giê-hô-va] thì sẽ được cứu” (Rô-ma 10:13). Bằng những lời này, sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết danh Đức Chúa Trời. Lời của Phao-lô đưa chúng ta trở lại câu hỏi ban đầu: Tại sao trong lời Cầu nguyện Mẫu, Chúa Giê-su đặt việc ‘hiển thánh’ hay ‘tôn thánh’ danh Đức Chúa Trời lên trên nhiều việc quan trọng khác? Để hiểu điều này, chúng ta cần hiểu rõ hơn ý nghĩa của hai chữ then chốt.

Trước hết, chữ ‘hiển thánh’, hay ‘tôn thánh’ thực sự có nghĩa gì? Theo nghĩa đen, từ này có nghĩa là “làm nên thánh”. Thế nhưng, danh Đức Chúa Trời không phải đã là thánh rồi sao? Dĩ nhiên, danh ngài đã thánh rồi. Khi chúng ta làm thánh danh Đức Chúa Trời, chúng ta không làm cho danh ấy được thánh hơn. Đúng hơn, chúng ta nhìn nhận danh ngài là thánh, biệt riêng danh ngài ra, hết sức tôn kính danh ngài. Khi cầu cho danh Đức Chúa Trời được thánh, chúng ta trông đợi đến lúc mà mọi tạo vật sẽ tôn kính danh ngài là thánh.

Thứ hai, nói một cách chính xác, chữ “danh” có hàm ý gì? Chúng ta đã biết rằng Đức Chúa Trời có danh là Giê-hô-va, và danh ngài xuất hiện hàng ngàn lần trong Kinh-thánh. Chúng ta cũng đã thảo luận về tầm quan trọng của việc khôi phục danh Đức Chúa Trời vào đúng vị thế của danh đó trong Kinh-thánh. Nếu danh ấy không có ở đó thì làm thế nào lời của người viết Thi-thiên được ứng nghiệm: “Hỡi Đức Giê-hô-va, phàm ai biết danh Ngài sẽ để lòng tin-cậy nơi Ngài; vì Ngài chẳng từ-bỏ kẻ nào tìm-kiếm Ngài” (Thi-thiên 9:10).

Tuy vậy, ‘biết danh Đức Chúa Trời’ có phải chỉ cần biết trong trí rằng danh Đức Chúa Trời là YHWH trong tiếng Hê-bơ-rơ hay Giê-hô-va trong tiếng Việt là đủ không? Không, việc biết danh Đức Chúa Trời có ý nghĩa nhiều hơn thế. Khi Môi-se ở trên núi Si-na-i, “Đức Giê-hô-va ngự xuống trong đám mây, đứng gần bên Môi-se và hô danh Giê-hô-va”. Việc hô danh Giê-hô-va này bao hàm điều gì? Ấy là sự diễn tả các đức tính của ngài: “Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:5, 6). Không lâu trước khi chết, Môi-se lại nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Tôi sẽ tung-hô danh Giê-hô-va”. Tiếp theo là gì? Ông đề cập đến một vài đặc tính cao cả của ngài, và rồi ôn lại những gì Đức Chúa Trời đã thực hiện cho dân Y-sơ-ra-ên vì danh ngài (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:3-43). Vậy thì, biết danh Đức Chúa Trời có nghĩa là học biết những gì danh ngài tượng trưng và thờ phượng Đức Chúa Trời mang danh đó.

Vì Đức Giê-hô-va gắn liền danh ngài với các đức tính, ý định và hành động của ngài, nên chúng ta có thể hiểu được tại sao Kinh-thánh nói rằng danh Đức Chúa Trời là thánh (Lê-vi Ký 22:32). Danh ngài là oai nghiêm, rất lớn, đáng kính sợ và cao cả vô cùng (Thi-thiên 8:1; 99:3; 148:13). Đúng vậy, danh Đức Chúa Trời có ý nghĩa nhiều hơn là một danh hiệu. Danh đó miêu tả ngài như một nhân vật. Danh đó không chỉ là một danh tạm thời để rồi sau đó được thay thế bởi một tước hiệu như là “Chúa”. Chính Đức Giê-hô-va đã phán với Môi-se: “Giê-hô-va... Ấy đó là danh đời đời của ta, ấy sẽ là kỷ-niệm của ta trải qua các đời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15).

Loài người dù cố gắng đến mấy cũng không bao giờ loại bỏ được danh Đức Chúa Trời khỏi trái đất. “Vì từ nơi mặt trời mọc cho đến nơi mặt trời lặn, danh ta sẽ là lớn giữa các dân ngoại. Trong khắp mọi nơi, người ta sẽ dâng hương và của-lễ thanh-sạch cho danh ta; vì danh ta sẽ là lớn giữa các dân ngoại, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy” (Ma-la-chi 1:11; Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16; Ê-xê-chi-ên 36:23).

Vì vậy, việc làm thánh danh Đức Chúa Trời là quan trọng hơn bất cứ vấn đề nào khác. Mọi ý định của Đức Chúa Trời đều liên hệ đến danh ngài. Nhân loại bắt đầu có vấn đề khi Sa-tan trước nhất xúc phạm danh Đức Giê-hô-va qua việc gọi ngài là kẻ nói dối và không đủ khả năng cai trị loài người (Sáng-thế Ký 3:1-6; Giăng 8:44). Chỉ khi nào danh Đức Chúa Trời được biện minh một cách chính đáng, thì nhân loại mới hoàn toàn được giải thoát khỏi các hậu quả tai hại của lời nói dối của Sa-tan. Đó là lý do tại sao tín đồ đấng Christ tha thiết cầu xin cho danh Đức Chúa Trời được nên thánh. Nhưng họ cũng có thể làm nhiều điều để làm thánh danh ngài.

Chúng ta có thể làm thánh danh Đức Chúa Trời bằng cách nào?

Một cách là nói cho người khác biết về Đức Giê-hô-va và cho họ thấy nước của ngài, do Giê-su Christ cai trị là hy vọng duy nhất cho nhân loại (Khải-huyền 12:10). Nhiều người đang làm công việc này cho thấy các lời Ê-sai tiên tri được ứng nghiệm thời nay: “Trong ngày đó các ngươi sẽ nói rằng: Hãy cảm-tạ Đức Giê-hô-va; hãy kêu-cầu danh Ngài; hãy rao mọi việc của Ngài ra trong các dân-tộc! Hãy xưng danh Ngài là tôn-trọng! Hãy ca-tụng Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm những công-việc rực-rỡ: nên phô cho thế-gian đều biết!” (Ê-sai 12:4, 5).

Một cách khác nữa là tuân giữ luật pháp và các điều răn của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy giữ làm theo các điều-răn ta: Ta là Đức Giê-hô-va. Đừng làm ô danh thánh ta, thì ta sẽ được tôn thánh giữa dân Y-sơ-ra-ên: Ta là Đức Giê-hô-va làm cho các ngươi nên thánh” (Lê-vi Ký 22:31, 32).

Việc dân Y-sơ-ra-ên tuân giữ luật pháp Đức Giê-hô-va đã làm thánh danh ngài như thế nào? Luật pháp được ban cho dân Y-sơ-ra-ên dựa trên căn bản danh ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:2-17). Vì vậy, khi họ tuân giữ Luật pháp, họ bày tỏ sự tôn vinh và kính trọng danh đó. Hơn nữa, dân Y-sơ-ra-ên được gọi bằng danh Đức Giê-hô-va (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:10; II Sử-ký 7:14). Khi họ hành động đúng đắn, thì ngài được ngợi khen, cũng giống như một đứa trẻ hành động đúng đắn thì cha nó được tiếng tốt.

Ngược lại, khi dân Y-sơ-ra-ên vi phạm Luật pháp Đức Chúa Trời, họ làm ô danh ngài. Vì vậy, các tội như cúng tế cho thần tượng, thề dối, áp bức kẻ nghèo khó và tà dâm được mô tả trong Kinh-thánh như là xúc phạm đến danh Đức Chúa Trời (Lê-vi Ký 18:21; 19:12; Giê-rê-mi 34:16; Ê-xê-chi-ên 43:7).

Tương tự như vậy, tín đồ đấng Christ được ban cho điều răn nhân danh Đức Chúa Trời (Giăng 8:28). Và họ cũng được kết hợp với “một dân để dâng cho danh Ngài [Giê-hô-va]” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:14). Do đó, tín đồ đấng Christ thành thật cầu nguyện “Danh Cha được thánh” sẽ làm thánh danh đó trong đời sống của riêng mình qua việc vâng giữ tất cả các điều răn của Đức Chúa Trời (I Giăng 5:3). Điều này cũng bao gồm việc vâng giữ các điều răn của Chúa Giê-su, con Đức Chúa Trời, đấng luôn luôn làm sáng danh Cha ngài (Giăng 13:31, 34; Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20).

Vào đêm trước khi bị xử tử, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh với tín đồ đấng Christ về tầm quan trọng của danh Đức Chúa Trời. Sau khi thưa cùng Cha ngài: “Con đã tỏ danh Cha ra cho họ, Con lại sẽ tỏ ra nữa”, ngài tiếp tục cắt nghĩa “để cho tình yêu-thương của Cha dùng yêu-thương Con ở trong họ, và chính mình Con cũng ở trong họ nữa” (Giăng 17:26). Việc các môn đồ học biết danh Đức Chúa Trời bao hàm việc chính họ phải hiểu biết tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã giúp họ hiểu điều này để họ có thể trở nên quen thuộc với Đức Chúa Trời như người Cha yêu thương của họ (Giăng 17:3).

Danh ấy ảnh hưởng đến bạn như thế nào?

Tại cuộc họp của các sứ đồ và trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem trong thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Gia-cơ nói: “Si-môn có thuật thế nào lần thứ nhứt, Đức Chúa Trời đã đoái-thương người ngoại, đặng từ đó lấy ra một dân để dâng cho danh Ngài”. Nếu như bạn không dùng hoặc không mang danh đó thì bạn có thể được nhận diện là những người mà Đức Chúa Trời đã lấy ra để làm “một dân để dâng cho danh Ngài” không? (Công-vụ các Sứ-đồ 15:14).

Mặc dù nhiều người miễn cưỡng dùng danh Giê-hô-va, và nhiều dịch giả Kinh-thánh loại bỏ danh đó ra khỏi bản dịch của họ, nhưng hằng triệu người trên khắp thế giới đã sung sướng nhận lấy đặc ân mang danh Đức Chúa Trời. Không những họ dùng danh đó trong sự thờ phượng mà còn cả trong lời nói hằng ngày. Họ cũng rao báo danh đó cho những người khác nữa. Nếu có ai nói với bạn về Đức Chúa Trời của Kinh-thánh và dùng danh Giê-hô-va, bạn sẽ liên kết họ với nhóm tôn giáo nào? Trên thế giới chỉ có một nhóm dùng tên Đức Chúa Trời thường xuyên trong sự thờ phượng giống y như những người thờ phượng thời xưa đã dùng. Họ là Nhân-chứng Giê-hô-va.

Những tín đồ đấng Christ này mang danh Nhân chứng Giê-hô-va, một danh dựa trên Kinh-thánh. Danh này cho biết họ là ‘một dân để dâng cho danh Đức Chúa Trời’. Họ hãnh diện mang danh đó, vì ấy là danh mà chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban cho những người thờ phượng thật. Nơi Ê-sai 43:10, chúng ta đọc: “Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy-tớ ta đã chọn”. Đức Chúa Trời đang nói về ai đây? Hãy xem xét một vài câu trước đó.

Trong các câu 5 đến 7 cùng đoạn này, Ê-sai nói: “Đừng sợ, vì ta ở cùng ngươi: ta sẽ khiến dòng-dõi ngươi đến từ phương đông, và nhóm-họp ngươi từ phương tây. Ta sẽ bảo phương bắc rằng: Hãy buông ra! và bảo phương nam rằng: Chớ cầm lại làm chi! Hãy đem các con trai ta về từ nơi xa, đem các con gái ta về từ nơi đầu-cùng đất, tức là những kẻ xưng bằng tên ta, ta đã dựng nên họ vì vinh-quang ta; ta đã tạo-thành và đã làm nên họ”. Trong thời chúng ta, những câu Kinh-thánh trên nói về dân riêng của Đức Chúa Trời mà ngài đã nhóm lại từ mọi nước để ngợi khen và làm chứng nhân cho ngài. Vì vậy, danh Đức Chúa Trời không những làm cho nhân loại nhận biết ngài mà còn giúp nhận ra các đầy tớ thật của ngài ở trên đất ngày nay.

Ân phước nhận được nhờ biết danh Đức Chúa Trời

Đức Giê-hô-va che chở những ai yêu mến danh ngài. Người viết Thi-thiên nói: “Bởi vì người trìu-mến ta, nên ta sẽ giải-cứu người; ta sẽ đặt người lên nơi cao, bởi vì người biết danh ta” (Thi-thiên 91:14). Ngài cũng nhớ đến họ: “Bấy giờ những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va nói cùng nhau, thì Đức Giê-hô-va để ý mà nghe; và một sách để ghi-nhớ được chép trước mặt Ngài cho những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài” (Ma-la-chi 3:16).

Bởi vậy, các lợi ích do sự hiểu biết và yêu mến danh Đức Giê-hô-va mang lại không chỉ giới hạn trong đời sống này. Đối với người vâng lời ngài, Đức Giê-hô-va hứa ban cho sự sống đời đời hạnh phúc trong địa đàng trên đất. Đa-vít đã được soi dẫn để viết: “Vì những kẻ làm ác sẽ bị diệt; còn kẻ nào trông-đợi Đức Giê-hô-va sẽ được đất làm cơ-nghiệp. Song người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật” (Thi-thiên 37:9, 11).

Làm sao có được điều này? Chúa Giê-su đã cho câu trả lời. Trong cùng Lời Cầu nguyện Mẫu, sau khi dạy chúng ta cầu nguyện: “Danh Cha được thánh”, ngài thêm: “Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời” (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Đúng vậy, Nước Đức Chúa Trời do Chúa Giê-su Christ cai trị sẽ làm thánh danh Đức Chúa Trời và cũng mang lại những tình trạng tốt đẹp cho trái đất này. Nước này sẽ loại trừ sự gian ác, chiến tranh, tội ác, đói kém, đau ốm và chết chóc (Thi-thiên 46:8, 9; Ê-sai 11:9; 25:6; 33:24; Khải-huyền 21:3, 4).

Bạn có thể vui hưởng sự sống đời đời trong nước đó. Bằng cách nào? Bằng cách học biết Đức Chúa Trời. “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3). Nhân-chứng Giê-hô-va sẽ vui mừng giúp bạn có được sự hiểu biết dẫn đến sự sống đó (Công-vụ các Sứ-đồ 8:29-31).

Chúng tôi hy vọng các điều trình bày trong sách mỏng này đã thuyết phục bạn tin rằng Đấng Tạo hóa có một danh riêng rất cao quí đối với ngài. Danh đó cũng phải rất cao quí đối với bạn. Mong bạn ý thức rõ tầm quan trọng của sự hiểu biết và việc dùng danh đó, đặc biệt trong việc thờ phượng.

Mong bạn cũng sẽ nhất quyết nói như nhà tiên tri Mi-chê đã mạnh dạn nói cách đây nhiều thế kỷ: “Mọi dân-tộc ai nấy bước theo danh của thần mình; và chúng ta sẽ bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng!” (Mi-chê 4:5).

[Câu nổi bật nơi trang 28]

‘Biết danh Đức Chúa Trời’ có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ biết một cách đơn giản danh ngài là Giê-hô-va

[Câu nổi bật nơi trang 30]

Danh Đức Giê-hô-va là ‘oai nghiêm, rất lớn, đáng kính sợ và cao cả vô cùng’. Tất cả các mục đích của Đức Chúa Trời đều liên hệ đến danh ngài

[Khung nơi trang 29]

Trong một bài đăng trong tạp chí Anglican Theological Review (Phê bình về Thần học của Anh giáo vào tháng 10-1959), tiến sĩ Walter Lowrie đã làm nổi bật việc cần biết danh Đức Chúa Trời. Ông viết: “Trong các mối tương quan giữa con người, điều hết sức quan trọng là biết được tên riêng, tên cá nhân của người chúng ta yêu mến, người chúng ta đang nói chuyện với, hoặc ngay cả người mà chúng ta nói đến. Nói một cách chính xác, mối quan hệ giữa con người với Đức Chúa Trời cũng vậy. Một người không biết danh Đức Chúa Trời thì không thực sự hiểu biết ngài như một người, không trò chuyện quen biết với ngài (cuộc trò chuyện ấy được hiểu là sự cầu nguyện), và người đó không thể yêu ngài, nếu như người đó chỉ biết ngài như một sức mạnh vô tình”.