Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tín đồ đấng Christ và Danh Đức Chúa Trời

Tín đồ đấng Christ và Danh Đức Chúa Trời

Tín đồ đấng Christ và Danh Đức Chúa Trời

KHÔNG AI có thể nói một cách chính xác khi nào người Do Thái chính thống ngừng đọc lớn tiếng danh Đức Chúa Trời và thay thế bằng các từ ngữ Hê-bơ-rơ có nghĩa Đức Chúa Trời và Chúa Tối Thượng. Một số người tin rằng danh Đức Chúa Trời đã không còn được dùng hằng ngày từ lâu trước thời Chúa Giê-su. Nhưng có những bằng cớ vững chắc cho thấy thầy tế lễ thượng phẩm vẫn tiếp tục đọc danh ấy tại các buổi lễ ở đền thờ—đặc biệt là vào ngày Lễ Chuộc Tội—cho đến khi đền thờ bị hủy phá vào năm 70 CN. Do đó, khi Chúa Giê-su còn ở trên đất, người ta biết cách phát âm danh ấy, dù có thể người ta không dùng danh đó một cách rộng rãi.

Tại sao người Do Thái ngừng xưng danh Đức Chúa Trời? Có thể một phần là vì áp dụng sai điều răn thứ ba: “Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:7). Dĩ nhiên, điều răn này đã không cấm việc dùng danh của Đức Chúa Trời. Nếu cấm thì tại sao các tôi tớ thời xưa của Đức Chúa Trời như Đa-vít đã không ngần ngại dùng danh ấy mà vẫn được ân phước của Đức Giê-hô-va? Và tại sao Đức Chúa Trời xưng danh ấy ra cho Môi-se và bảo ông giải thích cho người Y-sơ-ra-ên biết ai là Đấng đã sai ông? (Thi-thiên 18:1-3, 6, 13; Xuất Ê-díp-tô Ký 6:2-8).

Tuy nhiên, đến thời của Chúa Giê-su, người ta có khuynh hướng mạnh mẽ là lấy các điều răn hợp lý của Đức Chúa Trời rồi đem ra giải thích theo cách hết sức phi lý. Thí dụ, điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn bắt buộc người Do Thái phải xem ngày thứ bảy của mỗi tuần lễ là ngày nghỉ, tức ngày Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11). Người Do Thái theo đạo Chính thống giáo đã diễn giải điều răn ấy theo cách dài dòng vô lý, đặt ra vô số luật lệ qui định ngay cả những điều nhỏ nhất mà người ta được phép hoặc không được phép làm trong ngày Sa-bát. Rõ ràng cũng với tinh thần này, điều răn hợp lý là không được coi thường danh Đức Chúa Trời đã bị họ diễn giải theo cách quá ư vô lý, thậm chí cho rằng danh đó cũng không được nói đến nữa. *

Chúa Giê-su và Danh Đức Chúa Trời

Chúa Giê-su có theo truyền thống không phù hợp với Kinh-thánh như thế không? Hầu như không bao giờ! Ngài chắc chắn đã không ngần ngại chữa bệnh trong ngày Sa-bát, dù điều đó có nghĩa là vi phạm luật do dân Do Thái đặt ra và ngay cả tính mạng của ngài cũng bị đe dọa nữa (Ma-thi-ơ 12:9-14). Quả thực, Chúa Giê-su đã lên án người Pha-ri-si là những kẻ giả hình vì truyền thống của họ vượt quá Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 15:1-9). Vì vậy, không thể có việc ngài tránh xưng danh của Đức Chúa Trời, nhất là vì tên ngài, Giê-su, có nghĩa là “Giê-hô-va là Sự Cứu rỗi”.

Vào một dịp nọ ở trong nhà hội, Chúa Giê-su đứng lên và đọc một phần của cuộn sách Ê-sai. Ngày nay chúng ta gọi đoạn ngài đọc là Ê-sai 61:1, 2, nơi mà danh của Đức Chúa Trời xuất hiện nhiều hơn một lần (Lu-ca 4:16-21). Liệu ngài có từ chối đọc danh Đức Chúa Trời ở đấy và thay bằng “Chúa” hay “Đức Chúa Trời” không? Dĩ nhiên là không. Làm thế có nghĩa là ngài theo các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái giữ truyền thống không phù hợp với Kinh-thánh. Trái lại, chúng ta đọc: “Ngài dạy như là có quyền, chớ không giống các thầy thông-giáo” (Ma-thi-ơ 7:29).

Thật vậy, như chúng ta đã biết qua các chương trước, ngài dạy các môn đồ cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Danh Cha được thánh” (Ma-thi-ơ 6:9). Và trong lời cầu nguyện vào đêm trước khi ngài bị giết, ngài nói cùng Cha ngài: “Con đã tỏ danh Cha ra cho những người Cha giao cho con từ giữa thế-gian... Lạy Cha thánh, xin gìn-giữ họ trong danh Cha, là danh Cha đã ban cho Con” (Giăng 17:6, 11).

Bàn về những lần Chúa Giê-su nhắc đến danh Đức Chúa Trời, sách Der Name Gottes (Danh của Đức Chúa Trời) giải thích nơi trang 76 như sau: “Chúng ta phải hiểu sự kiện rất ngạc nhiên là sự tiết lộ của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước chính là sự tiết lộ về danh ngài và được thấy rõ cho đến những phần cuối của Cựu Ước, đúng vậy, điều đó được tiếp tục đến tận những phần cuối của Tân Ước, thí dụ như Giăng 17:6 có viết: ‘Con đã tỏ danh Cha ra’ ”.

Vâng, thật phi lý hết sức khi nghĩ rằng Chúa Giê-su đã tránh dùng danh Đức Chúa Trời, đặc biệt khi ngài trích những đoạn Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ có ghi danh ấy.

Tín đồ đấng Christ thời ban đầu

Những người theo Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất có dùng danh của Đức Chúa Trời không? Chúa Giê-su đã ra lệnh cho họ đi đào tạo môn đồ trong muôn dân (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Nhiều người trong các dân không có một khái niệm nào về Đức Chúa Trời, Đấng đã tỏ mình ra cho dân Do Thái với danh là Giê-hô-va. Làm thế nào các tín đồ đấng Christ đã có thể giúp họ nhận biết Đức Chúa Trời thật? Gọi ngài là Đức Chúa Trời hay Chúa có đủ không? Không. Các dân tộc đều có thần và chúa riêng của họ (I Cô-rinh-tô 8:5). Các tín đồ đấng Christ đã làm sáng tỏ sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời thật và các thần giả bằng cách nào? Chỉ bằng cách dùng danh của Đức Chúa Trời thật.

Vì thế, môn đồ Gia-cơ đã đưa ra lời nhận xét trong một phiên họp của hội đồng trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem như sau: “Si-môn có thuật thế nào lần thứ nhứt, Đức Chúa Trời đã đoái-thương người ngoại, đặng từ đó lấy ra một dân để dâng cho danh Ngài. Điều đó phù-hiệp với lời các đấng tiên-tri” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:14, 15). Trong bài giảng nổi tiếng vào ngày Lễ Ngũ Tuần, sứ đồ Phi-e-rơ đã chỉ cho thấy phần trọng yếu trong thông điệp của tín đồ đấng Christ khi ông trích lời nhà tiên tri Giô-ên: “Ai cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu” (Giô-ên 2:32; Công-vụ các Sứ-đồ 2:21).

Chúng ta cũng thấy sứ đồ Phao-lô không nghi ngờ tầm quan trọng của danh Đức Chúa Trời. Trong lá thư gửi cho tín đồ tại thành Rô-ma, ông đã trích những lời trên của nhà tiên tri Giô-ên và tiếp tục khuyến khích anh em tín đồ đấng Christ bày tỏ đức tin nơi lời tiên tri đó bằng cách đi rao truyền danh của Đức Chúa Trời cho người khác để họ cũng có thể được cứu (Rô-ma 10:13-15). Sau này, trong lá thư gửi cho Ti-mô-thê, ông viết: “Phàm người kêu-cầu danh Chúa [Đức Giê-hô-va, NW] thì phải tránh khỏi sự gian-ác” (II Ti-mô-thê 2:19). Vào cuối thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Giăng dùng danh Đức Giê-hô-va khi ghi chép sách của ông. Nhóm từ “A-lê-lu-gia”, có nghĩa “Ngợi-khen Đức Giê-hô-va”, được lặp đi lặp lại nhiều lần trong sách Khải-huyền (Khải-huyền 19:1, 3, 4, 6).

Tuy nhiên, Chúa Giê-su và các môn đồ ngài đã tiên tri rằng sẽ có sự bội đạo xảy ra trong hội thánh tín đồ đấng Christ. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Cũng sẽ có giáo-sư giả trong anh em” (II Phi-e-rơ 2:1; cũng xem Ma-thi-ơ 13:36-43; Công-vụ các Sứ-đồ 20:29, 30; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3; I Giăng 2:18, 19). Những lời cảnh cáo này đã được ứng nghiệm. Một hậu quả là danh của Đức Chúa Trời bị đưa vào bóng tối. Thậm chí danh của ngài còn bị xóa khỏi các bản sao chép và bản dịch Kinh-thánh! Chúng ta hãy xem điều ấy đã xảy ra như thế nào.

[Chú thích]

^ đ. 4 Một số người đưa ra nguyên do khác: Người Do Thái có thể đã bị ảnh hưởng bởi triết lý Hy Lạp. Thí dụ, Philo, một triết gia Do Thái ở Alexandria, sống khoảng cùng thời với Chúa Giê-su, đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết gia Hy Lạp Plato, là người mà ông cho rằng được Đức Chúa Trời soi dẫn. Cuốn Lexikon des Judentums (Tự điển Do Thái giáo), dưới tựa “Philo”, nói rằng Philo “đã liên kết ngôn ngữ và tư tưởng của triết lý Hy Lạp (Plato) với đức tin được mặc khải của người Do Thái”, và trước hết ông “đã có ảnh hưởng rõ rệt đối với các cha của giáo hội tự xưng theo đấng Christ”. Philo dạy rằng Đức Chúa Trời là không thể định nghĩa được, do đó không thể có tên được.

[Hình nơi trang 14]

Người ta tìm thấy ở Vatican hình một thầy tế lễ thượng phẩm Do Thái. Hàng chữ trên mũ bằng tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa: “Sự thánh khiết thuộc về Đức Giê-hô-va”

[Hình nơi trang 15]

Như bản dịch Kinh-thánh tiếng Đức năm 1805 này cho thấy, khi Chúa Giê-su đọc cuộn sách Ê-sai trong nhà hội, ngài đã đọc lớn tiếng danh của Đức Chúa Trời (Lu-ca 4:18, 19)

[Hình nơi trang 16]

Phi-e-rơ và Phao-lô dùng danh của Đức Chúa Trời khi họ trích lời tiên tri của Giô-ên (Công-vụ các Sứ-đồ 2:21; Rô-ma 10:13)