Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao kháng cự cám dỗ?

Làm sao kháng cự cám dỗ?

CHƯƠNG 9

Làm sao kháng cự cám dỗ?

Karen vừa đến buổi họp mặt được mười phút thì thấy hai bạn nam bước vào và ôm mấy cái túi lớn. Nhìn là biết ngay trong ấy có gì. Trước đó Karen đã tình cờ nghe được hai bạn nói với nhau là sẽ tha hồ uống tại cuộc vui này.

Đột nhiên Karen nghe từ sau lưng một giọng nói quen thuộc: “Làm gì mà đứng như trời trồng vậy? Cậu đúng là chán phèo!”. Karen quay lại thì thấy Jessica đang cầm hai chai bia mới khui. Jessica giơ một chai ra trước mặt Karen và nói: “Đừng có bảo là còn nhỏ quá nên không được nha! Tận hưởng chút đi!”.

Karen muốn từ chối nhưng không ngờ lại khó đến thế. Jessica là bạn của Karen, và Karen cũng không muốn bị xem là “chán phèo”. Hơn nữa, Jessica ngoan hiền đến vậy mà còn uống được thì chuyện này có gì to tát? Karen tự nhủ: “Chỉ là bia thôi, có phải hút chích hay trai gái đâu”.

Ở tuổi thanh thiếu niên, bạn phải đối mặt với nhiều cám dỗ khác nhau. Trong số đó thường có liên quan đến người khác phái. Ramon, 17 tuổi, cho biết: “Bọn con gái trường mình bạo lắm. Tụi nó thích sờ mó và xem có thể tiến bao xa. Mình có phản đối thì tụi nó cũng cứ trơ trơ!”. Deanna, 17 tuổi, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bạn ấy kể: “Tự nhiên có một đứa con trai lạ hoắc đến quàng tay qua người mình. Mình đánh một cú thật đau vào tay nó và la: ‘Làm cái gì kỳ vậy?’”.

Có lẽ bạn cũng phải đối mặt với những cám dỗ, và dường như chúng không chịu buông tha bạn. Có thể ví việc liên tục bị cám dỗ giống như việc bị một người gõ cửa hoài, dù bạn đã để bảng “Xin đừng quấy rầy”. Bạn có thường phải nghe những “tiếng gõ cửa” như thế không? Chẳng hạn, bạn gặp phải cám dỗ nào dưới đây?

□ Hút thuốc lá

□ Xem tài liệu khiêu dâm

□ Uống rượu bia

□ Làm “chuyện ấy”

□ Dùng ma túy

□ Khác ․․․․․

Nếu đánh dấu ✔ vào bất cứ điều nào ở trên thì bạn cũng đừng nghĩ rằng mình không xứng đáng làm tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Bạn có thể học cách kiểm soát những ham muốn sai trái và kháng cự cám dỗ. Một điều hữu ích là nhận ra nguyên nhân khiến mình bị cám dỗ. Hãy xem xét ba yếu tố:

1. Sự bất toàn. Vì bất toàn nên ai cũng có khuynh hướng làm điều sai. Ngay cả một tín đồ thành thục là sứ đồ Phao-lô cũng thành thật thừa nhận: “Khi tôi muốn làm điều đúng thì điều xấu cũng ở trong tôi” (Rô-ma 7:21). Rõ ràng, ngay cả một người công chính đôi lúc cũng thấy mình có “sự ham muốn của xác thịt, sự ham muốn của mắt” (1 Giăng 2:16). Nhưng nếu cứ nuôi những ham muốn sai trái thì sẽ dẫn đến điều tai hại, như Kinh Thánh nói: “Ham muốn ấy được cưu mang thì sinh ra tội lỗi”.—Gia-cơ 1:15.

2. Môi trường xung quanh. Cám dỗ có ở khắp mọi nơi. Chị Trudy tâm sự: “Ở trường, ở chỗ làm, lúc nào người ta cũng nói về chuyện trai gái. Ti-vi và phim ảnh vẽ vời cho những chuyện đó thật hấp dẫn và thích thú. Hiếm khi chúng cho mình thấy hậu quả!”. Qua trải nghiệm, chị Trudy biết ảnh hưởng của bạn bè và truyền thông mạnh đến mức nào. Chị hồi tưởng: “Năm lên 16, tôi cứ nghĩ là mình đang yêu. Mẹ hết mực khuyên nhủ rằng nếu chuyện cứ tiếp diễn thế này thì kiểu gì tôi cũng sẽ có bầu. Tôi đã sốc khi nghe vậy, sao mẹ lại nghĩ thế chứ! Nhưng hai tháng sau, tôi có bầu”.

3. “Những đam mê của tuổi trẻ” (2 Ti-mô-thê 2:22). Cụm từ này bao hàm mọi ước muốn đặc trưng của tuổi trẻ như khao khát được người khác chấp nhận hay được khẳng định mình. Thật ra những ước muốn này không có gì sai, nhưng nếu không được kiểm soát, chúng có thể khiến bạn khó kháng cự cám dỗ hơn. Ví dụ, mong muốn khẳng định bản thân có thể khiến bạn quay lưng lại với những giá trị đạo đức được dạy ở nhà. Steve đã trải qua điều này khi 17 tuổi. Bạn ấy kể: “Mình chống lại bố mẹ và làm mọi việc họ dạy là không được làm, tất cả xảy ra sau khi mình làm báp-têm một thời gian ngắn”.

Cách kháng cự

Phải thừa nhận là những ảnh hưởng trên rất mạnh. Tuy nhiên, bạn có thể kháng cự cám dỗ. Bằng cách nào?

● Trước tiên, hãy xác định cám dỗ nào là khó cưỡng lại nhất. (Có lẽ bạn đã làm thế nơi trang 65).

● Sau đó, hãy tự hỏi: “Mình thường bị cám dỗ vào lúc nào nhất?”. Đánh dấu ✔ vào một trong những ô dưới đây:

□ Lúc đi học

□ Lúc ở một mình

□ Lúc đi làm

□ Khác ․․․․․

Biết thời điểm thường bị cám dỗ sẽ giúp bạn tránh ngay từ đầu. Ví dụ, hãy trở lại câu chuyện nơi đầu chương. Dấu hiệu nào cho Karen thấy trước là buổi họp mặt sẽ có vấn đề?

․․․․․

Bạn ấy đã có thể làm gì để tránh bị cám dỗ ngay từ đầu?

․․․․․

● Bạn đã xác định được cám dỗ mình gặp phải và thời điểm thường bị cám dỗ, giờ là lúc để hành động. Bước đầu tiên bạn cần làm là tìm cách hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với những điều dẫn đến cám dỗ. Hãy ghi ra những việc bạn có thể làm.

․․․․․

(Ví dụ: Nếu trên đường đi học về thường chạm trán với những đứa bạn rủ rê mình hút thuốc, bạn có thể đi đường khác để tránh mặt chúng. Nếu tài liệu khiêu dâm cứ “không mời mà đến”, bạn có thể cài chương trình để chặn nguồn gửi và những trang web tương tự. Bạn cũng có thể chọn những từ khóa cụ thể hơn khi tìm kiếm trên Internet).

Dĩ nhiên, bạn không thể tránh hết mọi cám dỗ. Sớm muộn gì bạn cũng phải đối mặt với một cám dỗ mạnh mẽ nào đó, có lẽ vào lúc không ngờ. Bạn phải làm sao?

Chuẩn bị trước

Khi bị “Sa-tan cám dỗ”, Chúa Giê-su cự tuyệt ngay lập tức (Mác 1:13). Tại sao? Vì ngài đã xác định sẵn lập trường về những vấn đề được nêu lên. Chúa Giê-su quyết tâm luôn vâng lời Cha (Giăng 8:28, 29). Ngài làm đúng như lời ngài nói: “Tôi từ trời xuống, không phải để làm theo ý tôi mà theo ý đấng phái tôi đến”.—Giăng 6:38.

Hãy ghi ra hai lý do bạn nên kháng cự cám dỗ mình thường gặp nhất và hai hành động sẽ giúp bạn kháng cự.

Lý do bạn nên kháng cự:

1 ․․․․․

2 ․․․․․

Những hành động sẽ giúp bạn kháng cự:

1 ․․․․․

2 ․․․․․

Hãy nhớ rằng khi chiều theo cám dỗ, bạn sẽ trở thành nô lệ cho những ham muốn của mình (Tít 3:3). Sao lại để cho chúng làm chủ mình? Hãy chín chắn để kiểm soát những ham muốn thay vì mặc cho chúng điều khiển (Cô-lô-se 3:5). Và cầu xin Đức Giê-hô-va giúp bạn tiếp tục làm thế.—Ma-thi-ơ 6:13. *

XEM THÊM VỀ ĐỀ TÀI NÀY TRONG TẬP 2, CHƯƠNG 15

TRONG CHƯƠNG TỚI

Dạo này bạn cảm thấy uể oải? Hãy xem làm sao bạn có thể cải thiện sức khỏe và hoạt bát trở lại!

[Chú thích]

^ đ. 43 Cũng xem Chương 3334 của sách này.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

“Đức Chúa Trời là đấng trung tín, ngài sẽ không để anh em bị cám dỗ quá sức mình, nhưng sẽ mở lối thoát, hầu anh em có thể chịu đựng trong lúc bị cám dỗ”.—1 Cô-rinh-tô 10:13.

MẸO

Hãy dùng trang 132 và 133 trong Tập 2 để chuẩn bị cách đáp lại khi bị người khác cám dỗ làm chuyện sai trái.

BẠN CÓ BIẾT...?

Đức Chúa Trời báo trước là Chúa Giê-su sẽ trung thành. Nhưng điều này không có nghĩa là Chúa Giê-su giống như rô-bốt, được lập trình sẵn để vâng lời. Thay vì vậy, ngài có tự do ý chí. Ngài chọn giữ trung thành chứ không phải được định trước để làm thế. Đây là một lý do ngài cầu nguyện tha thiết khi gặp thử thách.—Hê-bơ-rơ 5:7.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Để củng cố quyết tâm kháng cự cám dỗ, mình sẽ ․․․․․

Mình cần tránh những người, địa điểm và hoàn cảnh sau: ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Những tạo vật hoàn hảo có thể bị cám dỗ không?—Sáng-thế Ký 6:1-3; Giăng 8:44.

● Khi kháng cự cám dỗ, sự trung thành của bạn tác động đến người khác ra sao?—Châm-ngôn 27:11; 1 Ti-mô-thê 4:12.

[Câu nổi bật nơi trang 68]

“Điều giúp ích cho mình là biết đấng có quyền lực lớn nhất vũ trụ luôn ở bên cạnh và mình có thể kêu cầu ngài trợ lực bất cứ lúc nào!”.—Christopher

[Khung/Hình nơi trang 67]

Điều đáng suy nghĩ!

Hình kế bên là một chiếc la bàn. Kim của la bàn luôn chỉ về hướng bắc. Nhưng nếu bạn đặt một thỏi nam châm bên cạnh la bàn, kim của la bàn sẽ không chỉ đúng hướng nữa mà bị lệch về phía nam châm.

Lương tâm của bạn cũng giống như la bàn. Nếu được rèn luyện đúng cách, nó sẽ luôn chỉ về hướng “bắc” và giúp bạn quyết định khôn ngoan. Nhưng mối giao tiếp xấu, giống như nam châm, có sức hút có thể làm lệch lạc ý thức đạo đức của bạn. Bài học là gì? Hãy cố gắng tránh những người và hoàn cảnh có thể làm sai lệch ý thức đạo đức của bạn!—Châm-ngôn 13:20.

[Hình nơi trang 69]

Khi chiều theo cám dỗ, bạn sẽ trở thành nô lệ cho những ham muốn của mình