Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao hòa thuận với anh chị em?

Làm sao hòa thuận với anh chị em?

CHƯƠNG 6

Làm sao hòa thuận với anh chị em?

Trong thang điểm từ 1 đến 5, với 1 là “xa cách” và 5 là “gắn bó”, bạn đánh giá mối quan hệ của mình với anh chị em đạt mức mấy? ․․․․․

Một số bạn gắn bó khăng khít với anh chị em của mình. Chẳng hạn như Felicia, 19 tuổi, nói: “Em gái mình Irena, 16 tuổi, là một trong những bạn chí cốt của mình”. Carly, 17 tuổi, kể về người anh trai 20 tuổi là Eric: “Anh em mình rất hợp rơ. Chúng mình không bao giờ lời qua tiếng lại với nhau”.

Ngược lại, nhiều bạn ở trong tình cảnh giống Loan và My. Loan cho biết: “Đụng chuyện gì chị em mình cũng cãi nhau, kể cả những chuyện không đâu”. Hoặc có lẽ bạn cảm thấy như Alice, 12 tuổi. Bạn ấy than phiền về người anh trai 14 tuổi là Dennis: “Ảnh suốt ngày chọc tức mình! Ảnh ‘đột nhập’ vào phòng mình và ‘mượn’ đồ mà chẳng thèm hỏi một câu. Anh Dennis không khác gì con nít!”.

Bạn có hay bị anh chị em chọc tức không? Dĩ nhiên cha mẹ bạn là người có trách nhiệm giữ cho gia đình êm ấm, nhưng sớm muộn gì bạn cũng phải học cách sống hòa thuận với người khác. Bạn có thể học điều đó ngay từ khi còn ở nhà.

Hãy suy nghĩ về những lần bạn và anh chị em cãi cọ. Bạn thường đụng độ với họ về chuyện gì nhất? Trong những chuyện liệt kê bên dưới, hãy đánh dấu ✔ vào chuyện khiến bạn giận sôi lên!

Đồ đạc cá nhân. Anh/chị/em mình “mượn” đồ mà không hỏi.

Tính tình xung khắc. Anh/chị/em mình ích kỷ, không nghĩ đến người khác hoặc tìm cách kiểm soát cuộc sống mình.

Sự riêng tư. Anh/chị/em mình vào phòng mà không gõ cửa, đọc trộm e-mail hoặc tin nhắn của mình.

Khác ․․․․․

Nếu anh chị em cứ làm bạn khó chịu, chỉ đạo từng li từng tí hay can thiệp vào sự riêng tư của bạn, có thể bạn thấy khó mà không nuôi lòng oán giận. Nhưng một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Bóp mũi ra máu; chọc giận sinh ra cãi lộn” (Châm-ngôn 30:33, BDM). Như bóp mũi làm chảy máu, nếu bạn cứ nuôi lòng oán giận thì chắc chắn cơn giận sẽ bùng nổ. Khi đó vấn đề sẽ chỉ tệ hơn (Châm-ngôn 26:21). Làm sao bạn có thể ngăn chặn cảm xúc bực bội, không để chúng bùng phát thành một trận khẩu chiến nảy lửa? Bước đầu tiên là xác định nguyên nhân thật sự.

Đâu là nguyên nhân thật sự?

Vấn đề giữa các anh chị em giống như mụn, dấu hiệu bên ngoài là một vết đau khó coi, nhưng nguyên nhân là nhiễm trùng dưới da. Cũng vậy, cuộc cãi vã với anh chị em thường chỉ là bề nổi của vấn đề, còn nguyên nhân sâu xa nằm bên dưới.

Vì muốn hết mụn nên có lẽ bạn cố nặn cho bằng được. Nhưng làm thế bạn chỉ đang điều trị triệu chứng, có thể để lại sẹo hoặc khiến da nhiễm trùng nặng hơn. Giải pháp tốt hơn là điều trị nhiễm trùng, như vậy sẽ ngăn mụn tái phát. Vấn đề giữa các anh chị em cũng tương tự. Nếu xác định được nguyên nhân sâu xa, bạn sẽ giải quyết tận gốc vấn đề thay vì tập trung vào chuyện xảy ra. Bạn cũng áp dụng lời khuyên khôn ngoan của vua Sa-lô-môn: “Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận”.—Châm-ngôn 19:11.

Ví dụ, trong trường hợp của Alice, bạn ấy than phiền về anh trai là Dennis: “Ảnh ‘đột nhập’ vào phòng mình và ‘mượn’ đồ mà chẳng thèm hỏi một câu”. Đó là chuyện xảy ra. Nhưng theo bạn nguyên nhân thật sự là gì? Rất có thể liên quan đến sự tôn trọng. Alice có thể giải quyết vấn đề bằng cách nói Dennis đừng bao giờ vào phòng hay sử dụng đồ của mình nữa. Nhưng khi làm thế, Alice chỉ đang “điều trị triệu chứng” và hẳn sẽ dẫn đến những cuộc tranh cãi khác. Tuy nhiên, nếu Alice giải thích cho Dennis hiểu là cần tôn trọng sự riêng tư và đồ đạc cá nhân của bạn ấy, chắc chắn mối quan hệ giữa hai anh em sẽ được cải thiện.

Học cách giải quyết và tránh mâu thuẫn

Dĩ nhiên, xác định nguyên nhân sâu xa mới chỉ giúp một phần. Bạn có thể làm gì để giải quyết vấn đề và tránh xung đột trong tương lai? Hãy cố gắng thực hiện sáu bước sau.

1. Thỏa thuận một số “điều lệ”. Hãy xem lại chuyện dẫn đến mâu thuẫn mà bạn đã đánh dấu. Rồi cùng anh chị em thỏa thuận một vài “điều lệ” giúp giải quyết gốc rễ của vấn đề. Giả dụ, nếu các bạn đụng độ vì chuyện đồ đạc cá nhân, Điều 1 có thể là: “Luôn xin phép trước khi lấy đồ của người khác”. Điều 2 có thể là: “Nhận thức rằng anh chị em có quyền nói ‘Không’ khi mình mượn đồ”. Khi lập các “điều lệ”, hãy nhớ mệnh lệnh của Chúa Giê-su: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng phải làm cho họ” (Ma-thi-ơ 7:12). Như vậy các “điều lệ” bạn lập ra sẽ hợp tình hợp lý. Rồi hãy hỏi xem cha mẹ có đồng ý với các “điều lệ” đó không.—Ê-phê-sô 6:1.

2. Tuân thủ các “điều lệ”. Sứ đồ Phao-lô viết: “Vậy anh dạy người khác mà không dạy chính mình sao? Anh giảng: ‘Đừng trộm cắp’, anh có trộm cắp không?” (Rô-ma 2:21). Bạn có thể áp dụng nguyên tắc này thế nào? Ví dụ, nếu bạn muốn anh chị em tôn trọng sự riêng tư của mình thì bạn cũng phải gõ cửa trước khi vào phòng họ hoặc xin phép trước khi đọc e-mail hay tin nhắn của họ.

3. Đừng vội tự ái. Tại sao đây là lời khuyên khôn ngoan? Vì một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu-muội” (Truyền-đạo 7:9). Nếu dễ tự ái, bạn chỉ tự làm khổ mình. Thế nào anh chị em cũng sẽ có lúc nói hoặc làm gì đó khiến bạn bực bội. Nhưng hãy tự hỏi: “Trước đây chẳng phải mình cũng từng làm họ bực như thế sao?” (Ma-thi-ơ 7:1-5). Jenny kể: “Hồi 13 tuổi, mình nghĩ mình là nhất, ý kiến của mình mới quan trọng và người khác phải nghe theo. Em gái mình cũng đang trải qua giai đoạn như vậy nên mình cố gắng không để bụng những gì nó nói”.

4. Tha thứ và quên đi. Những vấn đề nghiêm trọng thì cần trao đổi và giải quyết. Nhưng có cần “hỏi tội” anh chị em về mỗi lỗi họ mắc không? Bạn sẽ làm Giê-hô-va Đức Chúa Trời vui lòng khi sẵn sàng “bỏ qua tội phạm” (Châm-ngôn 19:11). Alison, 19 tuổi, nói: “Hầu như không có bất đồng nào mà mình và em gái Rachel không giải quyết được. Cả hai đều nhanh chóng xin lỗi và cho nhau biết mỗi người nghĩ điều gì là nguyên nhân của cuộc tranh cãi. Đôi lúc mình cứ tạm gác vấn đề sang hôm sau. Thường khi thức dậy, mình cảm thấy dễ bỏ qua hơn, thậm chí không cần làm cho ra lẽ nữa”.

5. Nhờ cha mẹ phân xử. Nếu bạn và anh chị em không thể tự hòa giải một vấn đề quan trọng, bạn có thể nhờ cha mẹ làm “sứ giả hòa bình” (Rô-ma 14:19). Nhưng hãy nhớ rằng khả năng tự giải quyết mâu thuẫn là một cột mốc trong cuộc đời bạn, cho thấy bạn đang trên bước đường tiến tới sự trưởng thành.

6. Quý những tính tốt của anh chị em. Hẳn anh chị em có những đức tính khiến bạn khâm phục. Hãy ghi ra một tính tốt mà bạn quý nơi mỗi người.

Tên

․․․․․

Tính đáng quý

․․․․․

Thay vì cứ nghĩ mãi về lỗi lầm của anh chị em, sao không tìm dịp cho họ biết bạn khâm phục tính tốt nào đó của họ?—Thi-thiên 130:3; Châm-ngôn 15:23.

Kinh Thánh cũng nói rằng không phải lúc nào anh chị em ruột cũng là bạn thân nhất của bạn (Châm-ngôn 18:24). Tuy nhiên, bạn có thể thắt chặt tình bạn với anh chị em nếu “tiếp tục chịu đựng” ngay cả khi “có lý do để phàn nàn” về họ (Cô-lô-se 3:13). Khi làm vậy, rất có thể bạn sẽ đỡ bực bội về anh chị em hơn. Và họ cũng đỡ khó chịu về bạn hơn!

TRONG CHƯƠNG TỚI

Làm sao bạn biết mình đã thật sự sẵn sàng để ra ở riêng?

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

“Hãy cho mọi người thấy tính phải lẽ của anh em”.—Phi-líp 4:5.

MẸO

Nếu bạn cảm thấy khó hòa thuận với anh/chị/em, hãy suy nghĩ tích cực là người ấy đang giúp bạn trau dồi những kỹ năng sống hữu ích!

BẠN CÓ BIẾT...?

Khi ra ở riêng, sẽ có lúc bạn phải tiếp xúc với những người khiến bạn bực mình, ví dụ như đồng nghiệp và người khác tỏ ra thô lỗ, vô ý tứ và ích kỷ. Ngay khi còn ở nhà, bạn có thể học cách cư xử hòa nhã trong những hoàn cảnh như thế.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Mình có thể thỏa thuận với anh chị em một số “điều lệ” sau: ․․․․․

Anh chị em sẽ đỡ khó chịu về mình hơn nếu mình ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Tại sao cần phân biệt sự khác nhau giữa chuyện xảy ra và nguyên nhân sâu xa?

● Theo bạn, việc có anh chị em mang lại lợi ích thế nào?

[Câu nổi bật nơi trang 46]

“Nếu không có hai đứa em, mình chẳng thể nào có được những ký ức tươi đẹp nhất trong đời. Mình muốn gửi lời nhắn nhủ tới những bạn có anh chị em: ‘Hãy trân trọng anh chị em của mình!’”.—Thùy Anh

[Khung nơi trang 42]

Trắc nghiệm

Xác định nguyên nhân thật sự

Bạn muốn tiến bộ trong việc xác định nguyên nhân sâu xa của những vấn đề với anh chị em? Nếu vậy, hãy đọc dụ ngôn của Chúa Giê-su về người con trai bỏ nhà đi và phung phí tài sản (Lu-ca 15:11-32). Hãy để ý cách người anh phản ứng khi người em trở về, rồi trả lời những câu hỏi sau.

Chuyện gì đã khiến người anh phản ứng như thế? ․․․․․

Theo bạn, nguyên nhân sâu xa là gì? ․․․․․

Người cha cố gắng giải quyết vấn đề như thế nào? ․․․․․

Người anh cần làm gì để giải quyết vấn đề? ․․․․․

Giờ hãy nhớ lại một cuộc cãi vã gần đây với anh chị em, rồi trả lời những câu hỏi bên dưới. ․․․․․

Chuyện gì đã châm ngòi cho cuộc cãi vã? ․․․․․

Theo bạn, nguyên nhân sâu xa là gì? ․․․․․

Để giải quyết vấn đề và tránh xung đột trong tương lai, bạn có thể thỏa thuận một số “điều lệ” nào với anh chị em? ․․․․․

[Hình nơi trang 43]

Vấn đề giữa các anh chị em giống như mụn, bạn cần chữa tận gốc thay vì chỉ điều trị triệu chứng