Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sao mình với cha mẹ suốt ngày cãi vã?

Sao mình với cha mẹ suốt ngày cãi vã?

CHƯƠNG 2

Sao mình với cha mẹ suốt ngày cãi vã?

Trong trường hợp nơi đầu chương này, Ruby đã góp phần gây ra tranh cãi qua ba cách. Đó là những cách nào? Ghi câu trả lời ra bên dưới rồi so sánh với khung  “Đáp án” nơi trang 20.

․․․․․

Đó là tối thứ tư. Sau khi làm xong việc nhà thì cuối cùng Ruby, 17 tuổi, cũng được giải lao! Ruby bật ti-vi rồi thả người xuống chiếc ghế yêu thích.

Y như rằng, mẹ tiến tới với vẻ mặt hầm hầm: “Ruby! Sao con lại phí thời gian ngồi đây xem ti-vi? Đáng lẽ con phải giúp em làm bài tập chứ. Con chẳng bao giờ nghe lời cả!”.

“Lại nữa rồi”, Ruby lầm bầm.

Mẹ chống nạnh: “Vừa nói gì đấy?”.

“Con có nói gì đâu”, Ruby thở dài, mắt nhìn lên ngao ngán.

Giờ mẹ thật sự nổi giận: “Đừng nói với mẹ bằng cái giọng đó!”.

“Chứ mẹ nói với con bằng giọng gì?”, Ruby bật lại.

Thế là hết giải lao... một trận cãi vã khác bùng nổ.

Bạn có thấy cảnh trên quen quen không? Bạn và cha mẹ có hay cãi nhau không? Nếu vậy, hãy dành vài phút phân tích hoàn cảnh của mình. Thường chủ đề nào hay châm ngòi cho xung đột nhất? Đánh dấu ✔ vào câu trả lời của bạn hoặc ghi trên dòng “Khác”.

□ Thái độ

□ Việc nhà

□ Cách ăn mặc

□ Giờ phải về nhà

□ Giải trí

□ Bạn bè

□ Bạn khác phái

□ Khác ․․․․․

Dù chủ đề là gì đi nữa thì cãi nhau chỉ khiến bạn, cha mẹ, thêm mệt mỏi. Dĩ nhiên, bạn có thể im lặng và giả vờ đồng ý với mọi điều cha mẹ nói. Nhưng Đức Chúa Trời có muốn bạn làm vậy không? Không. Đúng là Kinh Thánh khuyên bạn “hiếu kính cha mẹ” (Ê-phê-sô 6:2, 3). Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng khuyến khích bạn phát triển khả năng suy luận và vận dụng “lý trí” (Châm-ngôn 1:1-4; Rô-ma 12:1). Khi làm thế, bạn sẽ không thể tránh khỏi việc có lập trường riêng, và một số lập trường khác với cha mẹ. Dù vậy, trong những gia đình áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh, cha mẹ và con cái có thể trò chuyện trong hòa khí, ngay cả khi mỗi người có một ý.—Cô-lô-se 3:13.

Làm sao bạn có thể bày tỏ quan điểm của mình mà không biến cuộc nói chuyện bình thường thành trận khẩu chiến? Thật dễ để nói: “Đó là lỗi của cha mẹ. Tại họ lúc nào cũng cằn nhằn!”. Nhưng hãy suy nghĩ: Bạn có thể thay đổi người khác không? Vậy sao bạn có thể bắt cha mẹ thay đổi? Thật ra, người duy nhất bạn có thể thay đổi là chính bạn. Và điều đáng mừng là nếu bạn làm phần của mình để xua bớt bầu không khí căng thẳng, hẳn cha mẹ sẽ bình tĩnh lại và nghe bạn nói.

Vậy hãy xem làm sao bạn có thể dập tắt tranh cãi. Nếu áp dụng những đề nghị dưới đây, kỹ năng trò chuyện bạn mới học được hẳn sẽ khiến cha mẹ và chính bạn phải ngạc nhiên.

Suy nghĩ trước khi đáp. Đừng vội nói ra suy nghĩ của mình khi cảm thấy bị chọc giận. Ví dụ, giả sử mẹ nói: “Sao con không rửa chén? Con chẳng bao giờ nghe lời cả!”. Có thể bạn hấp tấp đáp lại: “Sao mẹ cứ càu nhàu hoài vậy?”. Nhưng hãy vận dụng khả năng suy luận. Cố hiểu cảm xúc nằm sau những lời mẹ nói. Khi dùng những cụm từ “lúc nào cũng” hay “chẳng bao giờ”, thường ý của cha mẹ không thật sự như vậy. Tuy nhiên, chúng bộc lộ một cảm xúc tiềm ẩn. Chẳng hạn là gì?

Có thể mẹ bạn đang bực vì phải gánh quá nhiều việc nhà. Mẹ có lẽ chỉ muốn yên tâm là có con đỡ đần. Trong trường hợp đó, nói “Sao mẹ cứ càu nhàu hoài vậy?” không dẫn đến đâu mà chỉ khiến tình hình tệ đi! Vậy, sao không trấn an mẹ? Ví dụ, bạn có thể nói: “Dạ, con biết rồi. Con đi rửa liền đây”. Phải thận trọng: Đừng nói với giọng mỉa mai. Hãy đáp lại cách thông cảm, rất có thể mẹ sẽ dịu lại và cho biết vấn đề thật sự là gì. *

Cha mẹ có thể nói một câu khiến bạn bực mình. Hãy ghi ra câu đó.

․․․․․

Giờ hãy suy nghĩ cách đáp lại cho thấy bạn thông cảm với cảm xúc nằm sau câu nói của cha mẹ.

․․․․․

Nói năng lễ phép. Mai đã rút ra bài học về tầm quan trọng của cách nói năng với mẹ. Mai cho biết: “Dù bất đồng về chuyện gì đi nữa, điều mẹ không thích là giọng điệu của mình”. Nếu bạn thường rơi vào trường hợp như vậy, hãy tập nói nhỏ nhẹ và từ tốn, tránh tỏ thái độ bực bội bằng cái nhìn lên ngao ngán hay cử chỉ khác (Châm-ngôn 30:17). Nếu thấy mình sắp mất tự chủ, hãy thầm cầu nguyện ngắn gọn (Nê-hê-mi 2:4). Dĩ nhiên không phải để xin Đức Giê-hô-va “làm cho bố mẹ đừng cằn nhằn nữa”, nhưng để giúp bạn kiềm chế, không thêm dầu vào lửa.—Gia-cơ 1:26.

Bên dưới, hãy ghi ra vài câu nói, nét mặt hay cử chỉ bạn thường mắc phải và nên tránh.

Câu nói:

․․․․․

Nét mặt và cử chỉ:

․․․․․

Lắng nghe. Kinh Thánh cho biết: “Hễ lắm lời, vi-phạm nào có thiếu” (Châm-ngôn 10:19). Vì vậy, hãy để cha mẹ có cơ hội nói và chú ý lắng nghe họ. Đừng xen ngang để biện hộ cho hành động của mình. Cứ lắng nghe đã. Khi họ nói xong, bạn sẽ tha hồ đặt câu hỏi hay giải thích quan điểm của mình. Trái lại, nếu cứ nhất quyết nói liền, bạn chỉ khiến vấn đề trầm trọng hơn. Cho dù bạn muốn nói thêm, lúc đó nên là “kỳ nín-lặng”.—Truyền-đạo 3:7.

Sẵn sàng xin lỗi. Nói “Con xin lỗi” luôn là thích hợp vì ắt hẳn bạn đã làm gì đó góp phần gây ra tranh cãi (Rô-ma 14:19). Thậm chí bạn cũng có thể xin lỗi vì đã để xung đột nảy sinh. Nếu cảm thấy khó nói trực tiếp, hãy ghi cảm xúc của mình ra giấy. Sau đó sẵn lòng làm hơn thế bằng cách thay đổi bất cứ thái độ nào đã góp phần châm ngòi cho tranh cãi (Ma-thi-ơ 5:41). Ví dụ, nếu trận khẩu chiến bùng nổ do bạn chểnh mảng việc nhà, sao không khiến cha mẹ ngạc nhiên bằng cách chu toàn việc đó? Cho dù bạn không thích việc đó đi chăng nữa, nhưng chẳng phải thà hoàn thành nó còn hơn phải chịu trận khi cha mẹ thấy việc vẫn còn sao? (Ma-thi-ơ 21:28-31). Hãy nghĩ đến những lợi ích bạn nhận được khi làm phần của mình để giảm bớt căng thẳng với cha mẹ.

Những gia đình hạnh phúc cũng có mâu thuẫn, nhưng họ biết cách giải quyết cho êm thấm. Khi áp dụng những đề nghị được nêu trong chương này, bạn sẽ thấy ngay cả những đề tài khó nói, bạn vẫn có thể trao đổi với cha mẹ mà không cần cãi cọ!

TRONG CHƯƠNG TỚI

Bạn nghĩ đáng lẽ cha mẹ phải cho mình thêm tự do? Nếu vậy bạn nên làm gì?

[Chú thích]

^ đ. 26 Để biết thêm thông tin, xin xem Tập 2, Chương 21.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

“Người nhân nghĩa suy nghĩ trước khi trả lời”.—Châm-ngôn 15:28, BPT.

MẸO

Khi cha mẹ đang nói với bạn, hãy tắt nhạc, để sách hoặc tạp chí sang một bên và chăm chú nhìn vào mắt họ.

BẠN CÓ BIẾT...?

Nỗ lực giải quyết hoặc ngăn chặn xung đột sẽ khiến đời sống bạn dễ chịu hơn. Thật thế, Kinh Thánh nói: “Người nhân từ làm điều tốt lành cho chính mình”.—Châm-ngôn 11:17, NTT.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Trong chương này, đề nghị mà mình cần cố gắng áp dụng nhất là: ․․․․․

Mình quyết tâm bắt đầu áp dụng đề nghị này từ (ghi ngày tháng) ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Tại sao một số bạn trẻ tự hào về “thế thượng phong” của họ trong các cuộc tranh cãi?

● Tại sao Giê-hô-va Đức Chúa Trời xem người hay tranh cãi là dại dột?—Châm-ngôn 20:3.

Bạn sẽ nhận được những lợi ích nào khi cố gắng giảm bớt căng thẳng với cha mẹ?

[Câu nổi bật nơi trang 18]

“Đôi lúc mẹ ôm mình và nói ‘Mẹ xin lỗi’. Sau đó cả hai có thể bỏ qua mọi chuyện. Mình cũng cố gắng bắt chước mẹ. Dẹp sĩ diện sang một bên và thật lòng nói ‘Con xin lỗi’ rất hiệu quả, dù mình phải công nhận là không dễ”.​—Lauren

[Khung nơi trang 20]

 Đáp án

1. Giọng mỉa mai (“Lại nữa rồi”) chỉ đổ thêm dầu vào lửa khiến mẹ càng bực.

2. Với nét mặt (mắt nhìn lên ngao ngán), Ruby chỉ gây thêm vấn đề.

3. Cãi trả (“Chứ mẹ nói với con bằng giọng gì?”) thường phản tác dụng.

[Hình nơi trang 19]

Cãi nhau với cha mẹ giống như chạy trên máy chạy bộ, bạn mất nhiều năng lượng nhưng lại chẳng đi đến đâu