Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phụ lục—Phụ huynh thắc mắc

Phụ lục—Phụ huynh thắc mắc

PHỤ LỤC

Phụ huynh thắc mắc

“Làm sao để con chịu nói chuyện với mình?”

“Mình có nên quy định giờ con phải về nhà không?”

“Làm thế nào mình có thể giúp con có chế độ ăn uống hợp lý?”

Đó là một số trong 17 câu hỏi được giải đáp trong Phụ lục này. Phụ lục chia thành sáu phần và mỗi phần đều cho biết có thể tham khảo thêm ở chương nào trong Tập 1 và Tập 2 của sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực.

Bạn hãy đọc những phần này, và cùng thảo luận với người hôn phối nếu có thể. Rồi áp dụng các lời khuyên trong đó để giúp con cái. Những lời giải đáp mà bạn tìm thấy rất đáng tin cậy, vì chúng không dựa vào kiến thức sai lệch của loài người mà căn cứ vào Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh.—2 Ti-mô-thê 3:16, 17.

290  Trò chuyện

297  Kỷ luật

302  Độc lập

307  Tình dục và hẹn hò

311  Vấn đề cảm xúc

315  Tình trạng thiêng liêng

 TRÒ CHUYỆN

Mình cãi vã với người hôn phối hoặc con cái thì có sao không?

Bất đồng trong hôn nhân là chuyện khó tránh khỏi. Nhưng cách giải quyết tùy thuộc vào bạn. Những cuộc đấu khẩu của cha mẹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến con cái. Vấn đề nằm ở chỗ hôn nhân của bạn là hình mẫu mà rất có thể con cái sẽ bắt chước theo khi lập gia đình. Vậy, sao không tận dụng những lúc bất đồng để cho con thấy cách giải quyết hữu hiệu? Bạn có thể:

Lắng nghe. Kinh Thánh khuyên chúng ta “phải mau nghe, chậm nói, chậm nóng giận” (Gia-cơ 1:19). Đừng châm dầu vào lửa khi “lấy ác trả ác” (Rô-ma 12:17). Cho dù người hôn phối không chịu lắng nghe, bạn vẫn có thể làm thế.

Cố gắng giãi bày thay vì chỉ trích. Hãy điềm tĩnh cho người hôn phối biết hành động của người ấy ảnh hưởng thế nào đến bạn (“Em bị tổn thương khi anh...”). Hãy kiềm chế để không thốt ra những lời buộc tội và chỉ trích (“Anh chẳng quan tâm gì đến em”; “Anh không bao giờ chịu nghe em”).

Tạm ngưng. Trong một số trường hợp, tốt nhất là gác lại vấn đề, đợi đến khi cơn giận nguôi bớt rồi mới bàn tiếp. Kinh Thánh nói: “Khởi đầu tranh-cạnh, ấy như người ta mở đường nước chảy; vậy, khá thôi cãi-lẫy trước khi đánh lộn”.—Châm-ngôn 17:14.

Đôi bên xin lỗi nhau, và nếu cần thì xin lỗi con. Bạn Brianne, 14 tuổi, cho biết: “Sau những lần lời qua tiếng lại với nhau, ba mẹ thường xin lỗi mình và anh trai vì biết chuyện đó ảnh hưởng ra sao đến tụi mình”. Một trong những bài học quý giá mà bạn có thể dạy con là khiêm nhường nói câu xin lỗi.

Tuy nhiên, nếu trận khẩu chiến xảy ra giữa bạn và con thì sao? Hãy nghĩ lại xem phải chăng mình đã vô tình châm dầu vào lửa. Chẳng hạn, khi đọc về chuyện xảy ra nơi phần đầu Chương 2, trang 15, bạn thấy mẹ của Ruby đã góp phần gây ra xung đột như thế nào? Làm sao bạn có thể tránh cãi vã với con? Hãy thử:

● Tránh những câu trách mắng mang tính phóng đại như: “Con lúc nào cũng...” hay “Con chẳng bao giờ...”. Lời lẽ như vậy chỉ càng khích con chống trả lại. Suy cho cùng, nói thế là hơi quá, và con bạn biết điều đó. Có lẽ con cũng nhận thấy bạn thốt lên những lời ấy chủ yếu là do tức giận chứ không chỉ do lỗi của chúng.

● Thay vì mắng mỏ bằng những câu bắt đầu với từ “Con”, hãy cố gắng giải thích cho con hiểu lối cư xử của con tác động ra sao đến bạn. Chẳng hạn như: “Mẹ cảm thấy... khi con...”. Thật ra, từ tận đáy lòng, con vẫn xem trọng cảm xúc của bạn. Khi bạn cho con biết cảm nghĩ, có thể con sẽ dễ nghe lời hơn. *

● Dù biết là không dễ nhưng hãy kiềm chế cho đến khi bạn “hạ hỏa” (Châm-ngôn 29:22). Nếu nguyên do của xung đột liên quan đến việc nhà, hãy cùng trao đổi với con. Viết ra cụ thể trách nhiệm của con, và nếu cần thì ghi rõ con sẽ bị phạt thế nào nếu lơ là. Kiên nhẫn lắng nghe con trình bày, ngay cả khi bạn thấy con bộc lộ quan điểm không đúng. Đối với hầu hết bạn trẻ, một đôi tai biết lắng nghe sẽ hiệu quả hơn một bài thuyết giáo.

● Thay vì hoảng hốt cho là con muốn nổi loạn, hãy hiểu rằng phần lớn những gì bạn thấy đều nằm trong tiến trình phát triển của con. Có lẽ con cãi lại chỉ để chứng tỏ mình không còn là con nít. Do đó, hãy tránh sa vào cuộc cãi vã. Đừng quên là phản ứng của bạn khi bị khiêu khích có thể dạy con về tính nhẫn nhịn. Nếu bạn nêu gương, biết đâu con sẽ noi theo.—Ga-la-ti 5:22, 23.

XEM TẬP 1, CHƯƠNG 2; TẬP 2, CHƯƠNG 24

Con nên biết bao nhiêu về quá khứ của mình?

Giả sử bạn là một người cha và rơi vào tình huống này: Hai vợ chồng bạn đang ăn tối với con gái và một số người bạn. Bỗng dưng có người nhắc tới bạn gái cũ của bạn. Nghe vậy, con gái liền buông đũa và há hốc miệng kinh ngạc: “Ủa, hồi trước ba quen với người khác hả?”. Bạn chưa từng kể chuyện này cho con. Giờ con lại tò mò muốn biết. Bạn sẽ làm gì?

Thông thường, tốt nhất là giữ thái độ cởi mở khi con đặt câu hỏi. Suy cho cùng, những lúc con thắc mắc và lắng nghe bạn trả lời là dịp để đôi bên trò chuyện. Chẳng phải đó là điều mà hầu hết bậc cha mẹ đều mong muốn sao?

Nhưng bạn nên cho con biết bao nhiêu về quá khứ của mình? Đương nhiên là bạn muốn giữ kín những chuyện làm mình mất mặt. Dù vậy, nếu thích hợp, hãy tiết lộ một số vấn đề mà bạn từng phải tranh đấu để vượt qua. Điều đó có thể giúp ích cho con. Như thế nào?

Hãy xem một ví dụ. Sứ đồ Phao-lô từng hé lộ một chi tiết về bản thân: “Khi tôi muốn làm điều đúng thì điều xấu cũng ở trong tôi... Khốn khổ cho tôi!” (Rô-ma 7:21-24). Đức Giê-hô-va hướng dẫn Phao-lô ghi lại những lời chân thật ấy và bảo tồn trong Kinh Thánh nhằm giúp ích cho chúng ta. Và sự thật là chúng ta nhận được lợi ích, vì có ai mà không thấu hiểu cảm giác ấy?

Tương tự, khi nghe kể về những quyết định đúng đắn lẫn lỗi lầm của bạn, con cái sẽ tìm thấy sự đồng cảm nơi bạn. Đành rằng thời của bạn khác với bây giờ, nhưng thời gian có thể thay đổi chứ bản chất con người nói chung thì không, và các nguyên tắc Kinh Thánh cũng vậy (Thi-thiên 119:144). Thảo luận với con về những thử thách mà bạn từng đương đầu, và cách bạn vượt qua, có thể giúp con giải quyết vấn đề của riêng mình. Một em nam tên Cameron nói: “Khi biết bố mẹ cũng phải đối mặt với những khó khăn giống mình thì bạn thấy gần gũi với họ hơn. Rồi lần tới khi gặp một vấn đề nào đó, bạn sẽ nghĩ: ‘Không biết bố mẹ từng trải qua chuyện này chưa nhỉ?’”.

Lưu ý: Không nhất thiết phải kết thúc mỗi câu chuyện bằng một lời khuyên. Có lẽ bạn lo lắng con sẽ hiểu lầm hoặc thậm chí tưởng là mình cũng có quyền phạm lỗi giống cha mẹ. Nhưng thay vì đúc kết bài học cho con (“Đó là lý do tại sao con đừng bao giờ...”), hãy cho biết vắn tắt cảm nghĩ của bạn (“Giờ nghĩ lại, ba ước giá như mình không làm vậy vì...”). Khi ấy, con cái có thể tự rút ra bài học quý giá từ kinh nghiệm của bạn mà không có cảm giác bị thuyết giáo.—Ê-phê-sô 6:4.

XEM TẬP 1, CHƯƠNG 1

Làm sao để con chịu nói chuyện với mình?

Khi còn nhỏ, chắc lúc nào con cũng líu lo đủ chuyện với bạn. Bạn hỏi là con liền trả lời không chút ngại ngần. Mà thật ra nhiều lúc bạn chẳng cần hỏi con cũng tự động nói, như suối nguồn tuôn chảy vậy. Giờ con đến tuổi mới lớn thì khác, nói chuyện với con không khác nào múc nước nơi giếng cạn, dù cố gắng cách mấy cũng chẳng được gì. Bạn tự hỏi: “Sao con nói chuyện với bạn bè thì được mà không nói với mình?”.

Đừng vì sự im lặng của con mà nghĩ rằng con cho bạn ra rìa hay không muốn bạn can thiệp vào cuộc sống của chúng. Thật ra, con đang cần bạn hơn bao giờ hết. Điều đáng mừng là theo các nhà nghiên cứu, hầu hết các bạn trẻ vẫn quý trọng lời khuyên của cha mẹ, hơn là của bạn bè hay phương tiện truyền thông.

Vậy sao con lại khó nói lên suy nghĩ của mình đến thế? Hãy xem lý do một số bạn trẻ thấy ngại bộc bạch với cha mẹ. Rồi tự hỏi những câu hỏi bên dưới và đọc các câu Kinh Thánh viện dẫn.

“Mình không biết phải nói chuyện với ba khi nào nữa. Suốt ngày ba bận túi bụi, cả trong công việc lẫn hội thánh. Hình như mình chẳng bao giờ có dịp tâm sự với ba”.—Tài.

“Mình có vô tình khiến con hiểu lầm là mình bận đến nỗi không nói chuyện được không? Nếu vậy, mình phải làm sao để dễ gần hơn? Mình có thể dành ra khoảng thời gian nào để thường xuyên trò chuyện cùng con?”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7.

“Mình mếu máo kể cho mẹ nghe chuyện mình vừa cãi nhau ở trường. Tưởng mẹ sẽ an ủi, ai dè mẹ còn la mình nữa chứ. Kể từ đó, cho dù có chuyện gì quan trọng mình cũng không chia sẻ với mẹ”.—Kenji.

“Mình phản ứng ra sao khi con kể về một vấn đề nào đó? Cho dù con cần được sửa sai, mình có thể lắng nghe với lòng cảm thông rồi mới khuyên bảo không?”.—Gia-cơ 1:19.

“Bố mẹ cứ bảo là ‘Con nói đi, không sao đâu’, nhưng sau đó họ vẫn nổi giận như thường. Con cái sẽ mất lòng tin khi bố mẹ làm vậy”.—Ruby.

“Nếu con nói ra một chuyện khiến mình bực, làm sao mình có thể kiềm chế để không tỏ thái độ ngay lập tức?”.—Châm-ngôn 10:19.

“Mình từng thổ lộ nhiều chuyện thầm kín với mẹ, ai ngờ đâu mỗi lần nghe xong là mẹ lại đi kể với mấy người bạn. Cho nên cả một thời gian dài mình chẳng tin tưởng mẹ nữa”.—Thảo.

“Mình có quan tâm đến cảm xúc của con bằng cách tránh rỉ tai với người khác về những chuyện riêng tư mà con đã tâm sự không?”.—Châm-ngôn 25:9.

“Có nhiều điều mình muốn giãi bày với ba mẹ nhưng không dám mở lời. Ước gì ba mẹ gợi chuyện trước”.—Uyên.

“Mình có chủ động hỏi han con không? Lúc nào là tốt nhất để đôi bên trò chuyện cùng nhau?”.—Truyền-đạo 3:7.

Là bậc cha mẹ, chắc chắn bạn được lợi ích khi xây cầu nối với con qua những cuộc trò chuyện. Hãy xem trường hợp của em Junko, 17 tuổi, tại Nhật Bản. Em ấy kể: “Lần nọ, mình thú thật với mẹ là mình thấy thoải mái với bạn học hơn là anh em đồng đạo. Hôm sau, mình thấy một bức thư của mẹ trên bàn. Trong thư, mẹ kể hồi trước mẹ cũng khó tìm bạn ở hội thánh. Mẹ nhắc mình nhớ đến một số nhân vật trong Kinh Thánh, họ vẫn tiếp tục phụng sự Đức Chúa Trời ngay cả khi không có ai bên cạnh động viên, ủng hộ. Mẹ còn khen là mình đã cố gắng tạo dựng tình bạn với các anh chị em. Thật ngạc nhiên khi khám phá ra mình không phải người duy nhất đối mặt với vấn đề này, chính mẹ cũng từng như thế. Mình xúc động đến trào nước mắt. Những lời của mẹ đã khích lệ mình nhiều lắm, và mình càng có thêm sức mạnh để làm điều đúng”.

Kinh nghiệm của Junko cho thấy các em tuổi mới lớn thường cởi mở với cha mẹ khi biết chắc là suy nghĩ và cảm nhận của mình sẽ không bị lên án hay chỉ trích. Nhưng phải làm sao nếu con cáu gắt, thậm chí tức giận khi nói chuyện với bạn? Đừng ăn miếng trả miếng (Rô-ma 12:21; 1 Phi-e-rơ 2:23). Hẳn là không dễ, nhưng nếu muốn con nói năng và cư xử thế nào thì hãy nêu gương cho con thế ấy.

Hãy nhớ rằng: Giai đoạn dậy thì chính là bước chuyển mình để con thành người lớn. Các chuyên gia nhận thấy trong thời gian này, hành vi của các em thay đổi thất thường, khi thì già dặn, lúc lại như con nít. Nếu con của bạn cũng thế thì bạn có thể làm gì, nhất là khi con cư xử theo kiểu trẻ con?

Thay vì mắng con xối xả hay biến mình thành con nít khi đấu khẩu với chúng, hãy lý luận với con như với một người sắp trưởng thành (1 Cô-rinh-tô 13:11). Chẳng hạn, nếu con bắt đầu hành xử như trẻ con và nói “Sao lúc nào cũng cằn nhằn con hết vậy?”, có lẽ bạn sẽ nổi nóng mà mất kiểm soát. Khi ấy cuộc nói chuyện sẽ chuyển thành trận khẩu chiến. Trái lại, bạn có thể đề nghị: “Hình như con hơi bực rồi. Hay là khi nào con bớt giận thì mình nói chuyện sau?”. Cách này sẽ giúp bạn kiểm soát tình hình. Từ đó mở ra một cuộc trò chuyện chứ không phải cãi vã.

XEM TẬP 1, CHƯƠNG 12

 KỶ LUẬT

Mình có nên quy định giờ con phải về nhà không?

Để trả lời câu hỏi này, hãy hình dung bạn ở trong tình huống sau: Đã quá 30 phút so với giờ quy định con phải về nhà, và bạn nghe thấy tiếng cửa mở cọt kẹt. Bạn nghĩ thầm: “Chắc nó mong mình ngủ rồi đây”. Nhưng ngủ sao được, bạn đã ngồi gần cửa suốt từ lúc mà lẽ ra con phải có mặt ở nhà. Giờ cánh cửa mở toang, và con bắt gặp ánh mắt của bạn. Bạn sẽ nói gì? Bạn sẽ làm gì?

Có vài lựa chọn. Có thể bạn bỏ qua và nghĩ rằng: “Thanh niên bây giờ đứa nào chẳng vậy”. Hoặc rơi vào thái cực khác và tuyên phạt: “Từ nay trở đi con không được đi đâu chơi hết!”. Thay vì hành động hấp tấp, trước tiên hãy lắng nghe, biết đâu con có lý do chính đáng nên mới về trễ. Sau đó, bạn có thể tận dụng cơ hội này để dạy con một bài học quan trọng. Bằng cách nào?

Đề nghị: Bảo con là ngày mai bạn sẽ nói chuyện với con. Rồi vào lúc thích hợp, hãy cho con biết cách bạn định xử lý vấn đề. Một số cha mẹ đã thử cách sau: Nếu con về trễ thì lần tới sẽ phải về sớm hơn 30 phút so với giờ quy định. Nhưng nếu con thường xuyên về đúng giờ và chứng tỏ đáng tin cậy, bạn có thể cho con thêm tự do, chẳng hạn như thỉnh thoảng cho phép con về trễ hơn. Điều quan trọng, con biết rõ phải có mặt ở nhà vào mấy giờ và hình phạt là gì nếu không vâng lời. Sau đó, bạn cần thực thi đúng như vậy.

Tuy nhiên, hãy lưu ý lời Kinh Thánh khuyên: “Hãy cho mọi người thấy tính phải lẽ của anh em” (Phi-líp 4:5). Vậy trước khi quy định giờ về nhà, bạn có thể trao đổi với con, cho con cơ hội đề nghị giờ mà mình muốn và nêu lên lý do tại sao con chọn giờ đó. Hãy cân nhắc nguyện vọng của con. Nếu con đã chứng tỏ là có trách nhiệm và đưa ra đề nghị hợp lý, bạn có thể chiều theo.

Thói quen đúng giờ là một phần quan trọng trong cuộc sống. Vì vậy, quy định giờ về nhà không chỉ là cách giúp con tránh rắc rối. Khi làm thế, bạn đang dạy con một kỹ năng sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho con, ngay cả khi con đã ra ở riêng.—Châm-ngôn 22:6.

XEM TẬP 1, CHƯƠNG 3; TẬP 2, CHƯƠNG 22

Làm sao dàn xếp bất đồng với con về chuyện áo quần?

Hãy xem tình huống nơi trang 77 và tưởng tượng Heather là con gái bạn. Đập vào mắt bạn là bộ đồ “thiếu vải” mà con đang mặc. Bạn phản ứng ngay tức khắc: “Giờ một là thay đồ khác, hai là ở nhà không đi đâu hết!”. Có thể cách này có tác dụng. Dẫu sao con cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải vâng lời. Nhưng làm thế nào bạn có thể giúp con thay đổi suy nghĩ, chứ không chỉ thay quần áo?

● Thứ nhất, hãy nhớ rằng: Về hậu quả của việc ăn mặc thiếu đứng đắn, chắc hẳn con còn lo hơn cả bạn. Trong thâm tâm, con không hề muốn có bộ dạng lố bịch hoặc gây sự chú ý không đáng có. Hãy kiên nhẫn lý luận cho con thấy cách ăn mặc thiếu đứng đắn thật ra không có gì đẹp. * Khuyên con điều chỉnh cách ăn mặc.

● Thứ hai, hãy phải lẽ. Bạn có thể tự hỏi: “Phải chăng bộ đồ đó không phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh? Hay chỉ vì không hợp gu với mình?” (2 Cô-rinh-tô 1:24; 1 Ti-mô-thê 2:9, 10). Nếu chỉ là vấn đề sở thích, bạn có thể nhân nhượng không?

● Thứ ba, đừng chỉ nói với con là không được mặc kiểu này kiểu kia. Hãy giúp con biết trang phục nào thích hợp. Bạn có thể dùng phiếu thực tập nơi trang 82 và 83 để lý luận với con. Thời gian và nỗ lực bạn dành ra sẽ rất đáng công!

XEM TẬP 1, CHƯƠNG 11

Mình có nên cho con chơi điện tử không?

Trò chơi điện tử đã thay đổi rất nhiều so với thời bạn còn niên thiếu. Là bậc cha mẹ, làm sao bạn có thể giúp con nhận ra những mối nguy hiểm tiềm tàng và tránh chúng?

Sẽ không hiệu quả nếu bạn vơ đũa cả nắm hoặc khẳng định rằng chơi điện tử là hoàn toàn phí thời gian. Hãy nhớ rằng không phải tất cả trò chơi điện tử đều xấu. Tuy nhiên, chúng có thể khiến người ta mê mẩn. Nên hãy tìm hiểu xem con dành bao nhiêu thời gian để chơi điện tử và con thích chơi loại nào. Thậm chí bạn có thể hỏi con những câu như:

● Các bạn trong lớp con chơi trò nào nhiều nhất?

● Nội dung của trò đó là gì?

● Con nghĩ tại sao nhiều bạn thích trò đó đến vậy?

Có lẽ bạn sẽ thấy con rành về trò chơi điện tử hơn bạn nghĩ! Thậm chí con còn chơi trò mà bạn thấy là không chấp nhận được. Nếu vậy, đừng phản ứng thái quá. Đây là cơ hội để bạn giúp con rèn luyện khả năng nhận thức.—Hê-bơ-rơ 5:14.

Hãy đặt câu hỏi để giúp con xác định tại sao con thích chơi trò ấy dù nó không phù hợp. Chẳng hạn:

● Có phải con cảm thấy lạc loài khi ai cũng chơi trò ấy mà mình thì không được phép?

Một số thanh thiếu niên chơi trò nào đó để có chuyện tán gẫu với bạn bè. Nếu con bạn như vậy, hẳn cách bạn xử trí sẽ khác với khi bạn phát hiện ra con thích các trò có nội dung bạo lực đẫm máu hoặc vô luân.—Cô-lô-se 4:6.

Nhưng nếu điều con thích lại chính là nội dung không lành mạnh của trò chơi điện tử thì sao? Có thể một số em trẻ quả quyết là những cảnh máu me trên máy tính không ảnh hưởng gì tới mình, và lý luận: “Chỉ là trò chơi thôi mà, con có làm thật đâu!”. Nếu con bạn nghĩ thế, hãy hướng sự chú ý của con tới Thi-thiên 11:5. Câu này cho thấy rõ không chỉ người hung bạo nhưng cả người ưa sự hung bạo cũng không được Đức Chúa Trời chấp nhận. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho vô luân hay bất cứ hành vi sai trái nào mà Lời Đức Chúa Trời lên án.—Thi-thiên 97:10.

Nếu con gặp vấn đề về trò chơi điện tử, hãy thử:

● Không cho con chơi ở chỗ không có người qua lại, chẳng hạn như phòng ngủ.

● Quy định rõ ràng. Ví dụ, không được chơi khi chưa hoàn thành bài tập về nhà, chưa ăn tối xong hoặc chưa làm một số việc quan trọng khác.

● Nhấn mạnh lợi ích của các hoạt động đòi hỏi sự vận động thể chất.

● Quan sát con chơi, hoặc tốt hơn là thỉnh thoảng chơi chung với con.

Dĩ nhiên, để hướng dẫn con chọn trò chơi có nội dung phù hợp, bạn phải nêu gương trước. Vậy hãy tự hỏi: “Mình thường xem loại phim ảnh và chương trình ti-vi nào?”. Đừng nói một đằng làm một nẻo, nếu bạn sống hai mặt thì con sẽ nhận ra!

XEM TẬP 2, CHƯƠNG 30

Phải làm sao nếu con nghiện điện thoại, máy tính hay một thiết bị công nghệ khác?

Phải chăng con bạn tốn quá nhiều thời gian để lên mạng, luôn tay nhắn tin hoặc thân thiết với máy nghe nhạc hơn cả bạn? Nếu thế, bạn có thể làm gì?

Có lẽ bạn muốn tịch thu thiết bị của con. Nhưng đừng xem tất cả các thiết bị công nghệ là kẻ thù. Suy cho cùng, hẳn chính bạn cũng đang dùng một số thiết bị mà thời cha mẹ bạn chưa có. Do đó, thay vì tịch thu, trừ khi có lý do chính đáng, sao không tận dụng cơ hội này để dạy con dùng thiết bị công nghệ một cách khôn ngoan và có chừng mực? Bạn có thể làm thế bằng cách nào?

Hãy cùng ngồi lại để trao đổi vấn đề với con. Trước tiên, giãi bày mối lo lắng của mình. Rồi lắng nghe con nói (Châm-ngôn 18:13). Tiếp theo, tìm giải pháp thực tiễn. Đừng ngần ngại đặt ra những hạn chế cứng rắn, nhưng cũng cần phải lẽ. Một em trẻ tên Ellen kể: “Khi mình gặp vấn đề về việc nhắn tin, bố mẹ không tịch thu điện thoại mà đặt ra quy định để mình làm theo. Nhờ vậy, mình đã làm chủ được việc nhắn tin, ngay cả khi bố mẹ không ở bên giám sát”.

Nhưng nói sao nếu con tỏ thái độ phản kháng? Đừng cho rằng những lời bạn nói chỉ là nước đổ lá khoai. Thay vì thế, hãy kiên nhẫn và cho con thời gian suy nghĩ. Rất có thể con cũng nhận thấy những gì bạn nói là đúng và sẽ điều chỉnh lại. Nhiều bạn trẻ có cùng suy nghĩ với Hường: “Lúc đầu mình rất bực khi ba má nói là mình nghiện máy tính. Nhưng sau đó, càng nghĩ thì mình càng thấy ba má nói quả không sai”.

XEM TẬP 1, CHƯƠNG 36

 ĐỘC LẬP

Mình nên cho con tự do đến mức nào?

Có lẽ đây là một câu hỏi hóc búa khi bạn xem xét những vấn đề liên quan đến sự riêng tư. Chẳng hạn, nói sao nếu con trai bạn đang ở trong phòng và đóng kín cửa lại? Bạn có nên xông vào mà không gõ cửa? Hoặc giả sử con gái bạn vội đến trường mà bỏ quên điện thoại ở nhà, bạn có nên lén đọc tin nhắn của con?

Những câu hỏi trên không hề dễ trả lời. Là bậc cha mẹ, bạn có quyền biết cuộc sống của con diễn ra thế nào và có trách nhiệm bảo vệ con. Nhưng bạn không thể cứ mãi làm “trực thăng” bay lượn lờ để theo dõi và giám sát nhất cử nhất động của con. Làm thế nào bạn có thể giữ thăng bằng?

Thứ nhất, hãy hiểu rằng khi con ở tuổi mới lớn muốn được riêng tư thì không phải lúc nào điều đó cũng có nghĩa là con đang làm chuyện mờ ám. Thông thường, đây là một phần trong quá trình phát triển của con. Sự riêng tư giúp con tập bước đi trên đôi chân của mình bằng cách tự tạo dựng tình bạn và xử lý vấn đề với “lý trí” (Rô-ma 12:1, 2). Sự riêng tư giúp các bạn trẻ phát triển khả năng suy xét, một phẩm chất không thể thiếu của người trưởng thành có trách nhiệm. Ngoài ra, khi được riêng tư, người trẻ cũng có cơ hội suy nghĩ kỹ trước các quyết định hoặc tìm lời giải đáp cho những câu hỏi khó.—Châm-ngôn 15:28.

Thứ hai, đừng quên là nếu bạn cố kiểm soát con từng li từng tí, có thể con sẽ tức tối và nổi loạn (Ê-phê-sô 6:4; Cô-lô-se 3:21). Vậy chẳng lẽ bạn phải dễ dãi sao? Không, dù sao bạn vẫn là cha mẹ. Thế nhưng, mục tiêu của bạn là giúp con có một lương tâm được rèn luyện (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7; Châm-ngôn 22:6). Suy cho cùng, hướng dẫn hiệu quả hơn là giám sát.

Thứ ba, hãy trao đổi với con. Lắng nghe con bày tỏ tâm tư. Đôi lúc bạn có thể nhân nhượng không? Nói với con là bạn sẽ cho con được riêng tư phần nào, miễn là con không phụ lòng tin của bạn. Giải thích hình thức kỷ luật khi con không vâng lời, và thực thi nếu cần. Hãy yên tâm là bạn có thể cho con không gian riêng mà không cần phải từ bỏ vai trò làm cha mẹ.

XEM TẬP 1, CHƯƠNG 315

Mình có nên cho con nghỉ học không?

“Giáo viên của con dạy chán phèo!”, “Con phải làm cả đống bài tập!”, “Chỉ để lên lớp thôi mà con đã trầy trật rồi, cố mà làm chi?”. Vì những cảm giác ngán ngẩm như thế, một số bạn trẻ muốn bỏ học trong khi chưa có những kỹ năng cần thiết để kiếm sống. Nếu con muốn bỏ học, bạn phải làm sao? Hãy thử:

Xem lại quan điểm của chính bạn về giáo dục. Bạn có nghĩ đi học là phí thời giờ không? Bạn xem đó là một cực hình mà mình phải chịu cho đến ngày có thể theo đuổi những mục tiêu quan trọng hơn? Nếu thế, có lẽ cái nhìn của bạn về việc học đã ảnh hưởng đến con. Thật ra, một nền giáo dục toàn diện có thể giúp con có “sự khôn-ngoan thật và sự dẽ-dặt [“suy xét”, BDM]”, là những phẩm chất mà con cần để đạt được mục tiêu.—Châm-ngôn 3:21.

Tạo điều kiện học tập. Một số người học thiếu hiệu quả chỉ vì không có môi trường học thích hợp. Điều kiện học lý tưởng có thể bao gồm bàn học ngăn nắp với đầy đủ ánh sáng và công cụ nghiên cứu. Bạn có thể giúp con tiến bộ, về mặt học tập lẫn thiêng liêng, bằng cách bố trí cho con có môi trường tốt để tập trung ngẫm nghĩ về những ý tưởng mới.—So sánh 1 Ti-mô-thê 4:15.

Hỗ trợ. Hãy xem giáo viên và những nhà tư vấn học đường là đồng minh, chứ không phải kẻ đối đầu. Gặp gỡ và biết tên họ. Nói chuyện với họ về những mục tiêu của con cũng như những thử thách con đang đương đầu. Nếu con học hành lẹt đẹt, hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân. Chẳng hạn, có phải con sợ bị bạn bè bắt nạt nếu học giỏi không? Hay mối quan hệ giữa con với giáo viên không tốt? Về các môn học thì sao? Các môn đó khuyến khích con phấn đấu học tập hay làm con choáng ngợp? Phải chăng cũng có nguyên nhân khác liên quan đến thể chất, chẳng hạn như mắt yếu hoặc khiếm khuyết khả năng học?

Khi bạn càng hỗ trợ con, về mặt học tập lẫn thiêng liêng, con càng có cơ hội thành công.—Thi-thiên 127:4, 5.

XEM TẬP 1, CHƯƠNG 19

Làm sao mình biết con đã sẵn sàng để ra ở riêng chưa?

Serena, cô gái được nhắc đến nơi Chương 7, sợ phải ra ở riêng. Một lý do là gì? Serena thú thật: “Ngay cả khi mình muốn tự bỏ tiền túi để mua đồ thì ba cũng không để mình làm vậy. Ba nói trả tiền là việc của ba. Cho nên cứ nghĩ tới việc phải tự trang trải đời sống là mình thấy ngán rồi”. Chắc chắn ba của Serena làm thế là vì thương con, nhưng theo bạn thì anh có đang giúp con gái biết cách quán xuyến gia đình trong tương lai không?—Châm-ngôn 31:10, 18, 27.

Con cái của bạn có được bao bọc đến mức thiếu những kỹ năng cần thiết để sống tự lập không? Làm sao bạn nhận ra? Hãy xem xét bốn kỹ năng sau, như đã được đề cập dưới tiểu đề “Mình đã trang bị đầy đủ chưa?” nơi Chương 7, nhưng với cái nhìn của bậc cha mẹ.

Trang trải đời sống: Con lớn của bạn có biết chi phí cho thức ăn, chỗ ở và những nhu cầu thiết yếu của gia đình là bao nhiêu không? (Rô-ma 13:7). Nếu được bạn cho phép dùng thẻ tín dụng thì con có biết dùng một cách có trách nhiệm không? (Châm-ngôn 22:7). Con có biết tiết kiệm và tiêu xài trong khoản mình có không? (Lu-ca 14:28-30). Con có cơ hội cảm nhận niềm vui khi mua một món đồ bằng tiền của chính mình không? Và đã bao giờ trải nghiệm niềm vui còn to lớn hơn nữa khi dành thời gian và tiền của để giúp người khác?—Công vụ 20:35.

Kỹ năng làm việc nhà: Con gái và kể cả con trai của bạn có biết đi chợ, nấu ăn không? Bạn có dạy con dọn dẹp nhà cửa và giặt ủi quần áo không? Nếu được phép lái xe, con có biết những thao tác bảo trì đơn giản như thay nhớt, bu-gi hoặc bánh xe không?

Kỹ năng giao tiếp: Khi những đứa con lớn của bạn nảy sinh bất đồng, bạn luôn đứng ra làm trọng tài phân xử và giải quyết vấn đề? Hay bạn dạy con tự thương thảo để đi đến “hiệp định hòa bình” rồi báo lại cho bạn sau?—Ma-thi-ơ 5:23-25.

Thói quen học hỏi Kinh Thánh cá nhân và thờ phượng: Bạn bắt con phải theo niềm tin của mình hay giúp con tự xây dựng đức tin? (2 Ti-mô-thê 3:14, 15). Thay vì luôn trả lời những thắc mắc của con về tôn giáo và đạo đức, bạn có dạy con rèn luyện khả năng suy xét không? (Châm-ngôn 1:4). Bên cạnh đó, hãy xem lại thói quen học hỏi của mình, đó có phải là mẫu mực mà bạn muốn con noi theo không? *

Chắc chắn bạn phải mất nhiều thời gian và công sức để dạy con những khía cạnh trên. Thế nhưng, bạn sẽ thấy phần thưởng thật xứng đáng khi đến ngày con trưởng thành và rời xa mái ấm thân thương.

XEM TẬP 1, CHƯƠNG 7

 TÌNH DỤC VÀ HẸN HÒ

Mình có nên nói chuyện với con về vấn đề giới tính không?

Thời nay, con cái tiếp cận với đề tài tình dục từ tương đối sớm. Cách đây rất lâu, Kinh Thánh đã báo trước “những ngày sau cùng sẽ là một thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu”. Trong thời kỳ này, người ta “thiếu tự chủ” và “ham mê lạc thú thay vì yêu mến Đức Chúa Trời” (2 Ti-mô-thê 3:1, 3, 4). “Tình dục ngẫu hứng” là một trong những xu thế chứng tỏ lời tiên tri này đang ứng nghiệm chính xác.

Thế giới ngày nay khác xa với thời bạn còn trẻ. Nhưng nhìn chung thì các vấn đề vẫn không thay đổi. Do đó, đừng hoang mang khi thấy những ảnh hưởng xấu bủa vây xung quanh con. Thay vì thế, hãy quyết tâm giúp con làm theo lời sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ đạo Đấng Ki-tô cách đây gần 2.000 năm: “Hãy mang trọn bộ khí giới mà Đức Chúa Trời ban, hầu anh em có thể đứng vững trước những mưu kế của Kẻ Quỷ Quyệt” (Ê-phê-sô 6:11). Sự thật là nhiều em Nhân Chứng rất đáng khen vì đang nỗ lực đấu tranh để làm điều đúng dù sống trong một môi trường đầy dẫy ảnh hưởng tiêu cực. Làm sao bạn có thể giúp con làm điều tương tự?

Một cách là trò chuyện cởi mở với con. Bạn có thể chọn những chương phù hợp trong Phần 4 của Tập 1 hoặc Phần 1 và 7 của Tập 2. Những chương này đều chứa các câu Kinh Thánh gợi suy nghĩ. Trong đó cũng ghi lại kinh nghiệm có thật của những người kiên quyết làm điều đúng và nhận được ân phước, hoặc những người lờ đi luật pháp của Đức Chúa Trời và phải trả giá đắt. Ngoài ra, các nguyên tắc Kinh Thánh trong những chương này có thể giúp con nhận ra việc sống theo luật pháp của Đức Chúa Trời là một đặc ân to lớn. Sao không lên kế hoạch để cùng con xem lại những tài liệu này càng sớm càng tốt?

XEM TẬP 1, CHƯƠNG 23, 2532; TẬP 2, CHƯƠNG 4-6, 2829

Mình có nên cho con hẹn hò không?

Không sớm thì muộn con bạn cũng sẽ đối mặt với chuyện hẹn hò. Phillip kể: “Mình thậm chí chẳng cần làm gì cả! Mấy bạn nữ cứ thế chủ động xin làm quen, mình không biết phải làm sao nữa. Rất khó để từ chối vì có vài bạn xinh lắm!”.

Là cha mẹ, điều tốt nhất bạn có thể làm là chuyện trò tâm tình với con về đề tài hẹn hò (có thể dựa vào Chương 1 của Tập 2). Hỏi han xem con cảm thấy thế nào về những áp lực mình gặp ở trường hay thậm chí trong hội thánh. Đôi khi những cuộc trò chuyện như thế có thể diễn ra trong khung cảnh thoải mái, chẳng hạn như khi “ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7). Dù trong hoàn cảnh nào, hãy nhớ “mau nghe, chậm nói”.—Gia-cơ 1:19.

Nếu con tâm sự với bạn là đang để ý một người khác phái, đừng hốt hoảng. Một em gái tuổi mới lớn chia sẻ: “Khi phát hiện ra mình có bạn trai, ba rối cả lên! Ba đe mình bằng một loạt những câu chất vấn là mình đã sẵn sàng kết hôn chưa. Dĩ nhiên ở tuổi này thì nghe vậy chỉ càng khiến mình muốn kéo dài mối quan hệ để chứng tỏ ba mẹ đã lầm!”.

Sẽ rất nguy hiểm nếu con cái biết là không nên nhắc đến chuyện hẹn hò với bạn. Chúng có thể âm thầm hẹn hò mà bạn không hề hay biết. Một em gái nói: “Cha mẹ mà phản ứng thái quá thì chỉ càng làm con cái muốn giấu giếm mối quan hệ. Chúng không những không ngưng mà lại càng lén lút hơn”.

Kết quả sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn nói chuyện thẳng thắn với con. Brittany, 20 tuổi, cho biết: “Bố mẹ mình rất cởi mở khi nói về chuyện hẹn hò. Họ quan tâm xem mình cảm mến ai, và mình thích thế! Bố sẽ nói chuyện với người đó. Nếu có bất cứ điều gì đáng lo ngại, bố mẹ sẽ cho mình biết. Thường thì mình quyết định chấm dứt tình cảm, trước khi bắt đầu hẹn hò”.

Sau khi đọc Chương 2 của Tập 2, có lẽ bạn thắc mắc: “Liệu con mình có đang bí mật hẹn hò với ai không?”. Hãy xem lý do một số em trẻ muốn giữ kín chuyện hẹn hò, rồi suy nghĩ về những câu hỏi bên dưới.

“Một số bạn không tìm thấy sự đồng cảm trong gia đình nên tìm đến bờ vai ủi an của người yêu”.—Quỳnh.

Là cha mẹ, làm thế nào bạn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tình cảm cho con? Có điều gì bạn cần cải thiện trong khía cạnh này không? Nếu có thì đó là gì?

“Năm mình lên 14, một du học sinh xin làm quen với mình. Mình đồng ý vì nghĩ rằng được ở trong vòng tay ấm áp của một chàng trai thì cũng hay hay”.—Diane.

Nếu Diane là con gái bạn, bạn sẽ xử trí thế nào?

“Nhờ có điện thoại di động mà giờ đây chuyện bí mật hẹn hò dễ như chơi. Cha mẹ chẳng mảy may hay biết chuyện gì đang diễn ra!”.—Nhi.

Khi cho con cái dùng điện thoại di động, bạn cần thận trọng ra sao?

“Âm thầm hẹn hò càng dễ hơn nữa khi cha mẹ không quan tâm sát sao xem con cái làm gì và với ai”.—Thomas.

Làm thế nào bạn có thể vừa gần gũi bảo ban con, vừa cho con có tự do hợp lý?

“Thường cha mẹ không có ở nhà cùng lúc với con cái. Hoặc là họ quá dễ dãi nên cho con thích đi chơi với ai cũng được”.—Nicholas.

Hãy nghĩ đến người mà con chơi thân nhất. Bạn có thật sự biết chúng làm gì khi gặp gỡ nhau không?

“Con cái có thể giấu giếm chuyện hẹn hò nếu cha mẹ quá khắt khe”.—Phong.

Miễn là không vi phạm luật pháp và nguyên tắc trong Kinh Thánh, làm thế nào bạn có thể ‘cho mọi người thấy tính phải lẽ của mình’?—Phi-líp 4:5.

“Hồi mới bước vào tuổi thiếu niên, mình rất tự ti và khao khát được người khác chú ý. Mình bắt đầu e-mail qua lại với một bạn trong hội thánh kế cận và nảy sinh tình cảm. Bạn ấy cho mình cảm giác mình rất đặc biệt”.—Linda.

Bạn có thể nghĩ ra một số cách khác tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của Linda ngay từ trong gia đình không?

Sao không thử dùng phần này và Chương 2 của Tập 2 để nói chuyện với con? Biện pháp tốt nhất để con cái không bí mật hẹn hò là trò chuyện thân tình và thẳng thắn.—Châm-ngôn 20:5.

XEM TẬP 2, CHƯƠNG 1-3

 VẤN ĐỀ CẢM XÚC

Mình nên xử trí ra sao khi con nói đến chuyện tự tử?

Tại một số nơi trên thế giới, tình trạng tự tử trong giới trẻ là một vấn nạn đáng báo động. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, tự tử là nguyên nhân đứng thứ ba gây ra cái chết cho thanh thiếu niên độ tuổi từ 15 đến 25, và trong hai thập kỷ qua, tỉ lệ tự tử trong vòng các em từ 10 đến 14 tuổi tăng gấp đôi. Những bạn trẻ có nguy cơ tự tử cao nhất thường là người bị rối loạn tâm lý, từng tự tử bất thành và có người thân trong gia đình tự tử. Sau đây là một số dấu hiệu cảnh báo cho thấy có lẽ một bạn trẻ đang nghĩ đến chuyện kết liễu cuộc đời:

● Xa lánh gia đình và bạn bè

● Thay đổi thói quen ăn uống và ngủ nghỉ

● Không còn hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đây

● Thay đổi tính cách rõ rệt

● Lạm dụng rượu bia hoặc ma túy

● Cho đi những món đồ quý giá

● Nói đến cái chết hoặc tập trung vào những đề tài liên quan tới cái chết

Một trong những sai lầm lớn nhất của cha mẹ là lờ đi những dấu hiệu cảnh báo như trên. Không nên xem nhẹ bất cứ nguy cơ nào. Đừng vội cho rằng đó là những biểu hiện bình thường của tuổi mới lớn.

Bạn cũng đừng ngại tìm sự giúp đỡ khi con bị trầm cảm hoặc mắc một chứng rối loạn tâm lý khác. Nếu nghi ngờ là con đang muốn tìm tới cái chết, hãy hỏi con. Thật sai lầm khi cho rằng nhắc đến chuyện tự sát chỉ càng thôi thúc các em thực hiện ý định. Khi cha mẹ hỏi đến, nhiều bạn trẻ như được dịp để dốc đổ nỗi lòng. Do đó, nếu con thừa nhận là đang nuôi ý định tự tử, hãy tìm hiểu xem con đã lên kế hoạch hay chưa và chi tiết ra sao. Kế hoạch càng chi tiết thì bạn càng phải can thiệp cấp bách.

Đừng nghĩ rằng chứng trầm cảm của con sẽ tự động biến mất. Cho dù con có vẻ không còn u sầu thì cũng không nên lầm tưởng rằng vấn đề đã được giải quyết. Trái lại, đó có thể là thời điểm nguy hiểm nhất. Tại sao? Vì đang lúc chìm ngập trong cảm giác chán chường, có lẽ con suy sụp đến mức chẳng thể làm gì. Thế nhưng, khi cảm giác ấy vơi đi và năng lượng hồi phục, có lẽ con sẽ có sức để thực hiện ý định tự tử.

Thật đau lòng khi một số bạn trẻ nghĩ đến chuyện kết liễu đời mình trong lúc bế tắc cùng cực. Bằng cách nhanh chóng nhận thấy các dấu hiệu và phản ứng kịp thời, người lớn và cha mẹ có thể “an ủi người buồn nản” và trở thành chỗ dựa vững chắc cho các em.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14.

XEM TẬP 1, CHƯƠNG 1314; TẬP 2, CHƯƠNG 26

Mình có nên che giấu nỗi đau trước mặt con không?

Mất đi người hôn phối là một nỗi đau thắt lòng mà bạn phải trải qua. Và trong lúc này, con cái cũng cần được bạn nâng đỡ. Làm thế nào bạn có thể vừa giúp con đương đầu với mất mát vừa không gạt đi cảm xúc của mình? Sau đây là một số gợi ý:

Đừng che giấu cảm xúc. Những bài học quý báu nhất mà con cái rút ra được trong cuộc sống phần nhiều là nhờ quan sát bạn. Học cách đương đầu với nỗi đau cũng nằm trong số đó. Vì vậy, đừng nghĩ rằng mình phải mạnh mẽ và cố giấu đi nỗi đau trước mặt con. Làm thế chỉ càng khiến con bắt chước theo. Trái lại, khi thấy bạn bộc lộ cảm xúc đau buồn, con sẽ học được là bộc lộ cảm xúc thường tốt hơn đè nén, và con cũng biết cảm giác buồn bã, bực bội hay thậm chí tức giận là điều bình thường.

Khuyến khích con giãi bày nỗi lòng. Hãy khuyến khích con thổ lộ những điều chất chứa trong lòng, nhưng cũng đừng ép con. Nếu thấy con ngại ngần, hãy thảo luận Chương 16 với con. Bạn cũng có thể kể con nghe những ký ức tươi đẹp về người hôn phối. Cho con biết bạn cảm thấy khó khăn thế nào khi nghĩ đến chuỗi ngày trước mắt. Nếu lắng nghe bạn bày tỏ tâm tư, con sẽ biết cách bắt chước theo.

Biết giới hạn của bản thân. Dĩ nhiên bạn muốn trở thành nơi nương tựa vững chãi cho con trong giai đoạn khó khăn này. Dù vậy, hãy nhớ rằng chính bạn cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi mất người bạn đời yêu dấu. Trong một thời gian, sức mạnh tinh thần và thể chất của bạn hẳn đã giảm sút phần nào (Châm-ngôn 24:10). Do đó, có lẽ bạn cần đến sự trợ giúp của người thân hay bạn bè đáng tin cậy. Châm-ngôn 11:2 nói: “Sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng”. Vì thế, nhận biết giới hạn của bản thân và nhờ người khác giúp đỡ chứng tỏ bạn là người khôn ngoan.

Chính Đức Giê-hô-va là đấng mang lại sự trợ giúp tốt nhất. Ngài hứa với những người thờ phượng ngài rằng: “Ta, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, sẽ nắm tay hữu ngươi, và phán cùng ngươi rằng: Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”.—Ê-sai 41:13.

XEM TẬP 1, CHƯƠNG 16

Làm thế nào mình có thể giúp con có chế độ ăn uống hợp lý?

Nếu con mắc chứng rối loạn ăn uống *, bạn phải làm sao? Trước hết, hãy cố gắng hiểu tại sao con ra nông nỗi ấy.

Trong số những người mắc chứng rối loạn ăn uống, nhiều người tự ti về ngoại hình, cầu toàn và mong đợi quá mức nơi bản thân. Đừng góp phần khiến con cảm thấy như thế. Thay vì vậy, hãy trấn an con.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11.

Ngoài ra, hãy xem lại quan điểm của chính bạn về thức ăn và cân nặng. Qua lời nói và hành động, bạn có vô tình cho thấy mình chú trọng thái quá đến các vấn đề đó không? Hãy nhớ rằng thanh thiếu niên rất quan tâm đến ngoại hình của mình. Khi trêu chọc con về vẻ ngoài tròn trịa và phổng phao, có thể bạn đang gieo vào trí óc non nớt của con những ý nghĩ tai hại.

Sau khi tha thiết cầu nguyện về vấn đề này, hãy ân cần trò chuyện với con. Để làm thế, bạn có thể:

● Cân nhắc nội dung và thời điểm nói chuyện.

● Nêu rõ mối lo ngại cũng như mong muốn giúp đỡ của mình.

● Đừng ngạc nhiên nếu mới đầu con từ chối sự giúp đỡ.

● Kiên nhẫn lắng nghe.

Quan trọng nhất, cả gia đình hãy chung vai sát cánh để giúp con chiến thắng chứng bệnh này!

XEM TẬP 1, CHƯƠNG 10; TẬP 2, CHƯƠNG 7

  TÌNH TRẠNG THIÊNG LIÊNG

Khi con bước sang tuổi thiếu niên, làm sao mình có thể tiếp tục dạy con những điều thiêng liêng?

Kinh Thánh cho biết Ti-mô-thê được dạy những điều thiêng liêng “từ thuở thơ ấu”. Là bậc cha mẹ, hẳn bạn cũng làm điều tương tự cho con (2 Ti-mô-thê 3:15). Tuy nhiên, khi con bước sang tuổi thiếu niên, cách dạy của bạn có lẽ cần thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới. Trong quá trình phát triển, con bắt đầu lĩnh hội các khái niệm phức tạp và trừu tượng mà trước giờ chưa hiểu rõ. Hơn bao giờ hết, đây là lúc bạn cần giúp con vận dụng “lý trí”.—Rô-ma 12:1.

Trong lá thư gửi cho Ti-mô-thê, Phao-lô đề cập đến những điều Ti-mô-thê “đã học và được giúp để tin” (2 Ti-mô-thê 3:14). Giờ đây có lẽ con bạn cần được thuyết phục để tin những sự thật trong Kinh Thánh mà con biết từ nhỏ. Để động đến lòng con, bạn cần làm nhiều hơn là chỉ nói con phải làm gì hay tin gì. Con cần tự mình tìm hiểu. Bạn có thể giúp đỡ thế nào? Trước tiên, hãy tạo càng nhiều cơ hội càng tốt để con thảo luận và lý luận một số câu hỏi như:

● Có những bằng chứng nào giúp mình tin chắc là Đức Chúa Trời hiện hữu?—Rô-ma 1:20.

● Làm sao mình biết những điều cha mẹ dạy từ Kinh Thánh là sự thật?—Công vụ 17:11.

● Điều gì khiến mình tin chắc tiêu chuẩn của Kinh Thánh đem lại lợi ích cho mình?—Ê-sai 48:17, 18.

● Làm sao mình biết các lời tiên tri trong Kinh Thánh sẽ ứng nghiệm?—Giô-suê 23:14.

● Tại sao mình tin chắc là không gì trong thế gian có thể sánh bằng “giá trị cao quý của sự hiểu biết về Đấng Ki-tô Giê-su”?—Phi-líp 3:8.

● Giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su có ý nghĩa gì đối với mình?2 Cô-rinh-tô 5:14, 15; Ga-la-ti 2:20.

Có lẽ bạn ngại đưa ra những câu hỏi như thế cho con suy nghĩ vì sợ chúng không trả lời được. Nhưng làm vậy chẳng khác nào bạn ngại nhìn vào đồng hồ xăng trên xe vì sợ nó báo là hết xăng. Giả sử như thế thật thì chẳng phải tốt hơn là bạn biết để ứng phó sao? Tương tự, hiện tại, khi con vẫn còn ở nhà, là thời điểm để bạn giúp con tìm tòi lời giải đáp cho những câu hỏi liên quan đến đức tin và rồi được thuyết phục để tin. *

Hãy nhớ rằng không có gì sai khi con cái tự hỏi: “Tại sao mình tin?”. Diane, 22 tuổi, đã làm thế khi ở tuổi thiếu niên. Chị kể lại: “Mình muốn có lập trường kiên định về những gì mình tin. Khi tìm được câu trả lời rõ ràng và xác đáng, mình tự hào vì là một Nhân Chứng Giê-hô-va! Nếu có ai hỏi tại sao mình không làm thế này thế kia, thay vì trả lời là ‘Đạo mình không cho phép’, mình sẽ trả lời là ‘Vì mình thấy không nên’. Nói cách khác, quan điểm của Kinh Thánh đã trở thành quan điểm của mình”.

Đề nghị: Khi có vấn đề nảy sinh, bạn có thể giúp con vận dụng lý trí theo tiêu chuẩn Kinh Thánh bằng cách khuyến khích con đặt mình vào vai trò của cha mẹ. Giả sử con xin phép bạn tham dự một buổi họp mặt mà bạn (và có lẽ chính con) biết là không thích hợp. Thay vì chỉ trả lời: “Không được”, bạn có thể nói: “Con hãy đặt mình vào vị trí của mẹ. Suy nghĩ về buổi họp mặt con muốn tham dự rồi tra cứu (có thể dùng Chương 37 của sách này và Chương 32 của Tập 2). Ngày mai mẹ con mình nói chuyện tiếp. Mẹ sẽ đóng vai của con và xin phép đi dự buổi họp mặt, còn con đóng vai của mẹ và cho biết có nên đi hay không nhé”.

XEM TẬP 1, CHƯƠNG 38; TẬP 2, CHƯƠNG 34-36

Con không còn yêu thích những điều thiêng liêng nữa. Mình phải làm sao đây?

Trước hết, đừng vội kết luận là con đã bỏ đức tin. Trong nhiều trường hợp là có lý do nào đó tiềm ẩn. Ví dụ, có lẽ con bạn

● Phải đương đầu với áp lực bạn bè và sợ trở nên khác biệt khi áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh

● Thấy các bạn trẻ khác (ngay cả anh chị em) quá xuất sắc trong việc sống phù hợp với Kinh Thánh nên nghĩ rằng không sao theo được

● Khao khát có bạn nhưng không hòa hợp được với anh em đồng đạo

● Thấy trong hội thánh có những bạn trẻ sống hai mặt

● Đang hình thành nhân cách riêng nên cảm thấy phải đặt nghi vấn về những điều cha mẹ xem trọng

● Thấy bạn cùng lớp sống buông thả mà dường như không gặp hậu quả gì

● Cố gắng lấy lòng cha/mẹ không cùng đức tin

Đáng chú ý là những ví dụ trên cho thấy vấn đề thường không nằm ở giáo lý. Hoàn cảnh mới là điều khiến cho việc sống theo đức tin trở thành một thử thách, ít nhất là trong hiện tại. Vậy bạn có thể làm gì để khích lệ con?

Linh động nhưng không dễ dãi. Hãy cố gắng hiểu nguyên nhân làm con nản lòng và điều chỉnh sao cho con có môi trường tốt hơn để tiến bộ về thiêng liêng (Châm-ngôn 16:20). Ví dụ, phiếu thực tập nơi trang 132 và 133 của Tập 2 có thể giúp con thêm tự tin để đối mặt với bạn bè cùng lớp. Hay nếu con cảm thấy lẻ loi, bạn có thể chủ động giúp con tìm những mối giao tiếp lành mạnh.

Tìm người cố vấn cho con. Đôi khi người trẻ được lợi ích nếu có một người lớn, không phải thành viên trong gia đình, khích lệ và giúp đỡ. Bạn có biết người nào mạnh mẽ về thiêng liêng có thể động viên con không? Sao không sắp xếp để anh chị ấy có dịp tiếp xúc với con? Mục đích của bạn không phải là né tránh trách nhiệm. Nhưng hãy nghĩ đến trường hợp của Ti-mô-thê. Ti-mô-thê nhận được rất nhiều lợi ích từ gương của sứ đồ Phao-lô, và Phao-lô cũng được rất nhiều lợi ích khi có Ti-mô-thê làm bạn đồng hành.—Phi-líp 2:20, 22.

Chừng nào con còn chung sống dưới mái nhà thì chừng nấy bạn còn có quyền đòi hỏi con giữ theo nề nếp thiêng liêng của gia đình. Nhưng suy cho cùng thì mục tiêu của bạn là khắc ghi vào lòng con tình yêu thương với Đức Chúa Trời, chứ không phải bắt con làm cách máy móc. Để giúp con gắn bó với tổ chức của Đức Giê-hô-va, hãy làm gương tốt cho con noi theo. Nên phải lẽ chứ đừng quá kỳ vọng nơi con. Tìm cho con một người cố vấn và tạo cơ hội để con có những mối giao tiếp lành mạnh. Có lẽ một ngày nào đó con sẽ thốt lên những lời như người viết Thi-thiên: “Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, đồn-lũy tôi, Đấng giải-cứu tôi”.Thi-thiên 18:2.

XEM TẬP 1, CHƯƠNG 39; TẬP 2, CHƯƠNG 3738

[Chú thích]

^ đ. 23 Dù vậy, đừng khiến con bị dằn vặt vì mặc cảm tội lỗi mà phải nghe lời bạn.

^ đ. 64 Con cái ở tuổi mới lớn thường rất chú trọng đến vẻ bề ngoài, nên hãy thận trọng để con không mặc cảm về ngoại hình.

^ đ. 168 Là một bệnh xuất phát từ tâm lý. Người bệnh có biểu hiện là tự ép buộc mình phải ăn hoặc từ chối ăn mà không căn cứ theo nhu cầu tự nhiên của cơ thể, gây tác hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

^ đ. 188 Chương 36 của Tập 2 có thể giúp con vận dụng lý trí để vun đắp niềm tin vững chắc nơi sự hiện hữu của Đức Chúa Trời.