Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sao cha mẹ không cho mình thoải mái vui chơi?

Sao cha mẹ không cho mình thoải mái vui chơi?

CHƯƠNG 37

Sao cha mẹ không cho mình thoải mái vui chơi?

Cứ đi học sáng thứ hai là y như rằng bạn Allison ở Úc lại căng thẳng.

Bạn ấy tâm sự: “Đứa nào cũng khoe về những màn ăn chơi cuối tuần. Chuyện tụi nó kể có vẻ lý thú lắm, nào là tiệc tùng ở những đâu, chiếm được nụ hôn của bao nhiêu anh chàng, thậm chí cả vụ tẩu thoát khỏi cảnh sát... Nghe thì rợn cả gai ốc, nhưng mà vui! Tụi nó tung hoành đến năm giờ sáng mới về mà cha mẹ cũng chẳng để ý. Chả bù cho mình, lúc tụi nó còn chưa ‘xuất quân’ thì mình đã phải lên giường đi ngủ rồi!

Chưa hết, kể xong tụi bạn bắt đầu quay sang hỏi mình đã làm gì vào cuối tuần... Mình đi nhóm họp. Mình tham gia thánh chức. Cảm giác như mình đã bỏ lỡ những khoảnh khắc vui vẻ. Nên rốt cuộc mình thường bảo là mình chẳng làm gì cả. Thế là tụi nó hỏi sao lúc đó không đi chơi chung.

Thứ hai qua đi, tưởng là sẽ dễ thở hơn. Nhưng không đâu. Sang thứ ba, cả lớp lại rôm rả bàn tán về kế hoạch cho cuối tuần! Mình chỉ biết ngồi đó mà dỏng tai nghe. Mình thấy thật lạc lõng!”.

Bạn cũng đồng cảnh ngộ với Allison? Có lẽ bạn cảm thấy ngoài kia là cả một thế giới kỳ thú còn mình thì bị cha mẹ nhốt kín trong phòng, hay bạn tưởng tượng mình đang có mặt ở công viên giải trí nhưng lại chẳng được phép đụng vào bất cứ trò nào. Không phải bạn muốn ăn chơi thả cửa như bạn bè, chỉ là bạn ước giá như lâu lâu được vui chơi một chút! Ví dụ, cuối tuần này bạn thích tham gia hoạt động giải trí nào nhất?

□ Đi nhảy

□ Tiệc tùng

□ Xem ca nhạc

□ Xem phim

□ Khác

Giải trí là một nhu cầu thiết yếu. Sự thật là Đấng Tạo Hóa muốn bạn vui hưởng tuổi thanh xuân (Truyền-đạo 3:1, 4). Cha mẹ cũng muốn bạn vui vẻ, dù có lẽ đôi lúc bạn nghi ngờ điều đó. Tuy nhiên, hẳn cha mẹ có lý do chính đáng khi lo lắng hai điều sau: (1) bạn sẽ làm gì và (2) bạn sẽ giao du với ai.

Vậy phải làm sao nếu được bạn bè rủ đi chơi nhưng bạn không biết cha mẹ sẽ phản ứng thế nào? Hãy xem xét ba phương án và kết quả của chúng.

PHƯƠNG ÁN A KHÔNG XIN—CỨ ĐI

Có lẽ bạn chọn phương án này vì: Bạn muốn gây ấn tượng với bạn bè, chứng tỏ mình có bản lĩnh. Bạn nghĩ mình biết nhiều hơn cha mẹ, hoặc xem thường ý kiến của họ.—Châm-ngôn 14:18.

Kết quả: Có thể bạn bè sẽ ấn tượng, nhưng họ cũng biết sự thật về bạn: Bạn là người dối trá. Cha mẹ mà bạn còn lừa dối thì huống chi bạn bè. Nếu cha mẹ phát hiện ra, họ sẽ thất vọng và bị tổn thương, đồng thời còn siết chặt kỷ luật với bạn! Không vâng lời cha mẹ và cứ đi là một phương án dại dột.—Châm-ngôn 12:15.

PHƯƠNG ÁN B KHÔNG XIN—KHÔNG ĐI

Có lẽ bạn chọn phương án này vì: Bạn suy nghĩ về lời mời và thấy hoạt động này không phù hợp với tiêu chuẩn của mình, hoặc một số người trong đám bạn đó không tốt lắm (1 Cô-rinh-tô 15:33; Phi-líp 4:8). Mặt khác, có thể bạn muốn đi nhưng lại không dám xin cha mẹ.

Kết quả: Nếu không đi vì biết chắc là không tốt, bạn sẽ tự tin trả lời bạn bè. Nhưng nếu không đi chỉ vì không dám xin cha mẹ, có thể bạn sẽ ngồi ở nhà gặm nhấm nỗi buồn, nghĩ rằng mình là người duy nhất trên đời không được vui chơi.

PHƯƠNG ÁN C XIN—RỒI XEM

Có lẽ bạn chọn phương án này vì: Bạn nhận biết uy quyền của cha mẹ và xem trọng ý kiến của họ (Cô-lô-se 3:20). Bạn yêu thương cha mẹ và không muốn làm họ tổn thương khi lén lút đi chơi với bạn bè (Châm-ngôn 10:1). Bạn cũng có cơ hội trình bày nguyện vọng của mình.

Kết quả: Cha mẹ cảm nhận được tình yêu thương và lòng tôn trọng mà bạn dành cho họ. Nếu thấy nguyện vọng của bạn thích đáng, có thể họ sẽ đồng ý.

Lý do cha mẹ không cho phép

Nếu cha mẹ không cho phép thì sao? Có lẽ bạn bực bội. Nhưng nếu hiểu quan điểm của cha mẹ, bạn sẽ dễ chấp nhận hơn. Chẳng hạn, có thể họ nói “Không” vì một hoặc vài lý do sau:

Có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết hơn. Nếu được chọn, hẳn bạn muốn bơi ở bãi biển có người cứu hộ phải không? Tại sao? Vì khi chơi đùa dưới nước, bạn khó nhận ra những mối nguy hiểm xung quanh. Nhưng người cứu hộ ở vị trí tốt hơn nên dễ phát hiện nguy hiểm.

Tương tự, vì có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết hơn, cha mẹ có thể thấy những mối nguy hiểm mà bạn không lường trước. Như người cứu hộ trên bãi biển, mục đích của cha mẹ không phải là tước đi niềm vui của bạn, nhưng để giúp bạn tránh những mối nguy hiểm có thể cướp mất hạnh phúc của bạn.

Yêu thương bạn. Cha mẹ lúc nào cũng muốn bảo vệ bạn. Tình yêu thương thôi thúc họ nói “Được” nếu có thể, nhưng “Không” nếu buộc phải làm thế. Khi bạn xin phép họ làm gì đó, bản thân họ băn khoăn không biết có nên cho hay không vì chính họ sẽ là người chịu trách nhiệm nếu có chuyện xảy ra với bạn. Cha mẹ chỉ nói “Được” với bản thân và với bạn khi biết sẽ không có điều gì gây hại cho bạn.

Gia tăng cơ hội được chấp thuận

Bí quyết nằm ở bốn yếu tố sau:

Thành thật: Trước tiên, hãy thành thật tự hỏi: “Lý do mình muốn đi thật sự là gì? Chủ yếu vì đó là hoạt động mình thích, hay vì muốn hùa theo bạn bè? Có phải vì người mình để ý cũng sẽ có mặt ở đó?”. Rồi hãy thành thật với cha mẹ. Họ đã từng trải qua tuổi của bạn và hiểu rõ bạn, nên dù thế nào đi nữa họ cũng sẽ nhận ra động lực của bạn. Họ sẽ vui nếu bạn trung thực, còn bạn thì được lợi ích từ sự khôn ngoan của họ (Châm-ngôn 7:1, 2). Trái lại, nếu gian dối, bạn sẽ làm giảm lòng tin của cha mẹ và khó có cơ hội được chấp thuận.

Đúng thời điểm: Đừng hỏi cha mẹ tới tấp khi họ vừa đi làm về hay đang tập trung vào việc gì khác. Hãy xin phép vào lúc họ thư thả hơn. Nhưng đừng đợi đến phút chót rồi buộc họ phải trả lời ngay. Cha mẹ sẽ không hài lòng nếu phải vội vàng đưa ra quyết định. Thay vì vậy, hãy hỏi sớm để họ có thời gian suy nghĩ. Hẳn cha mẹ sẽ vui vì thấy bạn biết nghĩ cho họ.

Nội dung: Đừng mập mờ. Hãy giải thích rõ ràng nguyện vọng của mình. Cha mẹ sẽ không yên tâm nếu bạn trả lời: “Con không biết”, nhất là khi họ hỏi: “Có những ai ở đó?”, “Có người lớn quản lý không?” hay “Mấy giờ con về?”.

Thái độ: Đừng xem cha mẹ là kẻ đối đầu mà hãy xem là đồng đội, vì đúng là vậy. Nếu xem cha mẹ như người đứng về phía mình, cách bạn trình bày sẽ nhã nhặn hơn và họ cũng dễ đáp ứng nguyện vọng của bạn hơn. Tránh những cách nói như “Cha mẹ không tin con”, “Ai cũng đi hết”, hay “Cha mẹ của các bạn khác đều cho phép cả!”. Cho cha mẹ thấy mình đã đủ chín chắn bằng cách chấp nhận và tôn trọng quyết định của họ. Khi bạn làm thế, họ sẽ tôn trọng bạn. Và lần tới, cơ hội được cha mẹ chấp thuận có lẽ sẽ cao hơn.

XEM THÊM VỀ ĐỀ TÀI NÀY TRONG TẬP 2, CHƯƠNG 32

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

“Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha”.—Châm-ngôn 27:11.

MẸO

Nếu định dự một buổi họp mặt, hãy tính sẵn “kế thoát thân”. Trước khi đi, hãy nghĩ mình sẽ làm gì hoặc nói gì nếu cần phải ra về để giữ lương tâm trong sạch.

BẠN CÓ BIẾT...?

Bậc cha mẹ yêu thương sẽ chọn giải pháp an toàn. Nếu cha mẹ không hiểu bạn muốn xin gì hay không biết những chi tiết quan trọng, rất có thể họ sẽ không đồng ý.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Nếu lương tâm lên tiếng trước những gì mình thấy hoặc nghe khi đang xem phim hay họp mặt vui chơi, mình sẽ ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Tại sao đôi lúc bạn ngại cho cha mẹ biết mọi thông tin họ cần để quyết định?

● Nếu bạn giấu cha mẹ những chi tiết quan trọng để được cho phép, hậu quả có thể là gì?

[Câu nổi bật nơi trang 268]

“Hồi trước mình thật dại dột. Mình đã làm một số điều vì nghĩ là ‘vui’ nhưng sau này mới nếm mùi thương đau. Chúng ta sẽ phải trả giá cho những hành động của bản thân. Mình hối hận vì đã cãi lời cha mẹ”.—Brian

[Hình nơi trang 269]

Như người cứu hộ trên bãi biển, cha mẹ ở vị trí tốt hơn nên dễ phát hiện nguy hiểm