Đứng giữa hai nền văn hóa—Phải làm sao đây?
CHƯƠNG 22
Đứng giữa hai nền văn hóa—Phải làm sao đây?
Có phải cha hoặc mẹ bạn là người nhập cư?
□ Phải □ Không
Ngôn ngữ hay văn hóa trong trường bạn có khác với ở nhà không?
□ Có □ Không
“Vì gia đình mình là người Ý nên thích biểu lộ tình cảm nồng nhiệt. Giờ cả nhà lại ở Anh Quốc. Tại đây ai cũng lịch sự và sống quy củ. Mình cảm thấy lạc lõng giữa hai nền văn hóa, không phải người Anh mà cũng chẳng phải người Ý”.—Giosuè, Anh Quốc.
“Ở trường, thầy giáo muốn mình nhìn vào mắt thầy khi nói chuyện. Nhưng nếu mình làm thế với bố thì lại bị mắng là hỗn. Mình thấy lúng túng khi đứng giữa hai nền văn hóa”.—Patrick, sinh tại Pháp, bố mẹ là người An-giê-ri nhập cư.
Khi cha mẹ bạn rời quê hương đến một đất nước xa lạ, họ phải đối mặt với những thách thức to lớn. Bỗng nhiên cha mẹ phải sống giữa những người khác ngôn ngữ, văn hóa, trang phục, và trở nên khác biệt trước mắt người xung quanh. Vì thế, có lẽ họ vấp phải thành kiến và cách đối xử thiếu tôn trọng của người khác.
Chuyện đó có xảy ra với gia đình bạn không? Bên dưới liệt kê một số khó khăn mà các bạn trẻ trong hoàn cảnh ấy phải đương đầu. Hãy đánh dấu ✔ kế bên vấn đề bạn thấy khó nhất.
□ Bị cười nhạo. Một chị tên Noor cho biết khi còn nhỏ, chị theo gia đình di cư từ Jordan đến Bắc Mỹ. Chị kể: “Vì cách ăn mặc khác với người ta nên chúng tôi bị trêu chọc. Đã vậy chúng tôi còn không hiểu cách nói đùa của người Mỹ”.
□ Cảm giác lạc loài. Cô bạn Nadia nói: “Mình sinh ra ở Đức. Vì ba mẹ là người Ý nên mình nói tiếng Đức giọng Ý. Mấy bạn trong trường thấy vậy thì gọi mình là ‘nhỏ ngoại quốc ngớ ngẩn’. Rồi khi về Ý chơi, mình lại nói tiếng Ý lai Đức. Mình cảm thấy như ‘đứa con lạc loài’, dù đi tới đâu cũng là người nước ngoài”.
□ Khoảng cách văn hóa trong gia đình. Ana lên tám khi cùng cả nhà chuyển đến Anh Quốc. Bạn ấy tâm sự: “Mình và em trai gần như tự động thích nghi với cuộc sống ở Luân Đôn. Nhưng đó là cả một thách thức với bố mẹ, vì họ sinh ra và lớn lên trên hòn đảo nhỏ Madeira của Bồ Đào Nha”.
Khi cùng cha mẹ rời Cam-pu-chia đến sống ở Úc, Voen mới ba tuổi. Chị cho biết: “Ba mẹ mình không mấy thích nghi với môi trường mới. Ba thường cáu gắt và giận dữ khi mình không hiểu ý ba”.
□ Rào cản ngôn ngữ với người thân. Ian tám tuổi khi gia đình bạn ấy dọn từ Ecuador đến New York. Sau khi ở Hoa Kỳ sáu năm, Ian bộc bạch: “Mình nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Tây Ban Nha. Thầy cô nói tiếng Anh, bạn bè nói tiếng Anh và em trai cũng nói tiếng Anh nốt. Giờ trong đầu mình chỉ toàn tiếng Anh, chẳng còn chỗ cho tiếng Tây Ban Nha nữa”.
Lee sinh ra ở Úc, và cha mẹ là người Cam-pu-chia. Bạn ấy tâm sự: “Mỗi khi muốn giãi bày tâm tư với bố mẹ, mình cứ ấp a ấp úng, không kiếm đâu ra từ”.
Chị Noor, được nhắc ở trên, cho biết: “Ba nhất quyết bắt chúng tôi nói tiếng Ả Rập khi ở nhà, nhưng chúng tôi không muốn chút nào. Học tiếng mẹ đẻ chẳng khác gì tự chất thêm gánh nặng. Bạn bè ai cũng nói tiếng Anh. Trên ti-vi cũng toàn tiếng Anh. Sao chúng tôi phải nói tiếng Ả Rập?”.
Bạn có thể làm gì?
Lời của các bạn trẻ nói trên cho thấy không chỉ mình bạn phải đương đầu với thử thách. Thay vì tìm cách giải quyết, có thể bạn cố xóa bỏ mọi dấu vết của văn hóa truyền thống
để hòa mình vào nền văn hóa mới mẻ xung quanh. Tuy nhiên, cách đó hẳn sẽ khiến cha mẹ phiền lòng, còn bạn thì thất vọng. Vậy sao bạn không học cách đối mặt với khó khăn và tận dụng hoàn cảnh của mình? Hãy xem xét các đề nghị sau:Nhìn nhận đúng về những lời cười nhạo. Dù bạn làm gì đi nữa cũng không bao giờ được lòng tất cả mọi người. Những kẻ thích cười nhạo người khác sẽ luôn kiếm cớ để làm thế (Châm-ngôn 18:24). Đừng phí sức thay đổi cái nhìn thành kiến của họ. Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn nhận xét: “Kẻ nhạo báng không thích bị khiển trách” (Châm-ngôn 15:12, GKPV). Lời lẽ thành kiến chỉ chứng tỏ sự thiếu hiểu biết của người nói, chứ không phải thiếu sót của người bị nói.
Chống lại cảm giác lạc loài. Ước muốn được thuộc về một nơi nào đó, như một gia đình hay một nền văn hóa, là cảm xúc tự nhiên. Nhưng thật sai lầm khi cho rằng văn hóa hay gốc gác gia đình quyết định giá trị con người bạn. Người ta thường dựa vào những yếu tố đó để đánh giá bạn, nhưng Đức Chúa Trời không như vậy. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Đức Chúa Trời không hề thiên vị, nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ ngài và làm điều đúng thì được ngài chấp nhận” (Công vụ 10:34, 35). Nếu gắng công làm hài lòng Đức Giê-hô-va, bạn sẽ được ngài xem như người thân trong gia đình (Ê-sai 43:10; Mác 10:29, 30). Còn gì tuyệt hơn triển vọng ấy?
Rút ngắn khoảng cách văn hóa trong gia đình. Hầu như trong mỗi gia đình, cha mẹ và con cái đều có những bất đồng về quan điểm. Với hoàn cảnh của bạn, sự bất đồng có lẽ còn lớn hơn, vì cha mẹ muốn bạn giữ theo truyền thống quê nhà, nhưng bạn thì muốn hòa nhập với lối sống tại nơi ở mới. Cho dù là vậy, nếu muốn thành công trong đời, bạn phải “hiếu kính cha mẹ”.—Thay vì bác bỏ những phong tục truyền thống vì thấy không hợp với mình, hãy cố gắng hiểu tại sao cha mẹ trân trọng những điều ấy (Châm-ngôn 2:10, 11). Hãy tự hỏi: “Những phong tục ấy có trái nguyên tắc Kinh Thánh không? Nếu không, điều gì khiến mình không thích chúng? Làm thế nào mình có thể lễ phép bày tỏ cảm nghĩ với cha mẹ?” (Công vụ 5:29). Nếu biết nói lưu loát ngôn ngữ mẹ đẻ, bạn sẽ dễ thấu hiểu tâm tư của cha mẹ và thổ lộ cảm xúc của mình hơn. Qua đó, bạn cho cha mẹ thấy mình hiếu kính họ.
Vượt qua rào cản ngôn ngữ trong gia đình. Một số gia đình nhận thấy nếu nói toàn tiếng mẹ đẻ khi ở nhà thì con cái sẽ có lợi thế là thông thạo cả hai ngôn ngữ. Sao không thử áp dụng cách đó? Có lẽ bạn cũng muốn nhờ cha mẹ dạy viết ngôn ngữ của họ. Stelios, lớn lên ở Đức nhưng cha mẹ là người Hy Lạp, chia sẻ: “Hồi trước, ngày nào ba mẹ cũng thảo luận một câu Kinh Thánh với mình. Ba mẹ đọc câu đó, rồi mình viết ra. Giờ mình có thể đọc và viết cả tiếng Hy Lạp lẫn tiếng Đức”.
Có lợi ích nào khác? Giosuè, bạn nam được đề cập ở trên, cho biết: “Mình học tiếng mẹ đẻ vì muốn thắt chặt tình
cảm với bố mẹ và nhất là gần gũi hơn với họ về mặt thiêng liêng. Biết nói ngôn ngữ của bố mẹ giúp mình hiểu cảm xúc của họ và cũng giúp họ hiểu mình”.Cầu nối, không phải rào cản
Bạn sẽ xem sự khác biệt về văn hóa là rào cản chia cắt hay nhịp cầu kết nối bạn với người khác? Nhiều tín đồ trẻ nhận ra họ có thêm lý do để rút ngắn khoảng cách văn hóa. Họ muốn chia sẻ tin mừng về Nước Trời cho những người nhập cư khác (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20). Salomão, di dân đến Luân Đôn khi lên năm, bày tỏ: “Thật vui làm sao khi có thể giải thích Kinh Thánh trong hai ngôn ngữ! Mình đã gần như quên hết tiếng Bồ Đào Nha, nhưng giờ mình phụng sự trong hội thánh Bồ Đào Nha và có thể nói trôi chảy cả tiếng Anh lẫn tiếng mẹ đẻ”.
Chị Noor, được nhắc đến ở trên, nhận thấy nhu cầu có thêm người rao giảng trong tiếng Ả Rập. Chị nói: “Tôi đang theo học các khóa [tiếng Ả Rập] và gắng sức nhặt nhạnh lại những gì đã quên. Quan điểm của tôi đã thay đổi. Giờ tôi muốn được chỉ cho cách phát âm đúng, và sẵn sàng học hỏi”.
Nếu hiểu rõ hai nền văn hóa và nói được hai hoặc ba thứ tiếng, bạn có một lợi thế thật sự. Vốn hiểu biết về hai nền văn hóa giúp bạn đồng cảm với người khác và có thể giải đáp thắc mắc của họ về Đức Chúa Trời (Châm-ngôn 15:23). Preeti, người Ấn Độ nhưng sinh tại Anh Quốc, cho biết: “Nhờ hiểu cả hai nền văn hóa nên mình thấy tự tin hơn trong thánh chức. Mình hiểu được niềm tin và quan điểm của người ta, bất kể họ là người Ấn Độ hay Anh Quốc”.
Bạn có thể xem hoàn cảnh của mình là lợi thế thay vì bất lợi không? Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va yêu thương bạn vì chính con người bạn chứ không phải vì gốc gác gia đình bạn. Như những bạn trẻ được đề cập trong bài này, bạn có thể dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình để giúp người đồng hương biết về Đức Chúa Trời yêu thương và chẳng thiên vị không? Khi làm thế, bạn sẽ có hạnh phúc thật sự!—Công vụ 20:35.
CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT
“Đức Chúa Trời không hề thiên vị”.—Công vụ 10:34.
MẸO
Nếu vì khác biệt chủng tộc mà bạn bị bạn bè trêu chọc, đừng để bụng nhưng hãy tỏ ra hài hước. Khi bạn làm thế, hẳn họ sẽ không còn hứng thú chọc bạn nữa.
BẠN CÓ BIẾT...?
Nếu thông thạo hai ngôn ngữ, bạn sẽ có nhiều cơ hội kiếm được việc làm hơn.
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!
Để hiểu ngôn ngữ của cha mẹ hơn, mình sẽ ․․․․․
Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․
BẠN NGHĨ SAO?
● Tại sao biết về văn hóa truyền thống của cha mẹ giúp bạn hiểu rõ bản thân hơn?
● Khi so sánh mình với những bạn không sống trong gia đình đa văn hóa, bạn có những lợi thế nào?
[Câu nổi bật nơi trang 160]
“Lòng mình vui sướng khi được giúp đỡ người khác. Mình có thể giải thích Kinh Thánh cho người nói tiếng Nga, Pháp và Moldova”.—Oleg
[Hình nơi trang 161]
Bạn có thể xem sự khác biệt về văn hóa là nhịp cầu kết nối bạn với người khác