Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao đối phó với căng thẳng ở trường?

Làm sao đối phó với căng thẳng ở trường?

CHƯƠNG 18

Làm sao đối phó với căng thẳng ở trường?

“Khi đi học, mình bị áp lực nhiều đến nỗi thường muốn khóc và hét lên thật to”.—Sharon.

“Căng thẳng chuyện trường lớp không giảm khi bạn lớn hơn, chỉ khác ở nguyên nhân mà thôi”.—Trí.

Bạn cảm thấy cha mẹ không hiểu mình căng thẳng đến mức nào khi ở trường? Có thể cha mẹ nói rằng bạn đâu phải lo trả nợ, trang trải chi phí, nuôi sống gia đình hoặc làm hài lòng chủ. Dù vậy, bạn vẫn thấy rằng tại trường, mình phải chịu áp lực đâu kém gì cha mẹ, thậm chí còn hơn nữa.

Nội việc di chuyển từ nhà đến trường, rồi từ trường về nhà cũng đủ gây căng thẳng. Bạn Tara sống ở Hoa Kỳ cho biết: “Trên xe buýt đưa rước học sinh thường xuyên xảy ra đánh nhau. Tài xế phải dừng lại và bắt mọi người xuống xe. Mỗi lần như vậy, chúng mình bị trễ ít nhất nửa tiếng”.

Căng thẳng có giảm bớt khi bạn đặt chân đến trường không? Hầu như không! Có lẽ bạn bị căng thẳng do:

Áp lực từ thầy cô.

“Thầy cô cứ kỳ vọng mình học thật giỏi và đạt điểm cao nhất. Mình thấy bị áp lực vì muốn làm vừa lòng họ”.Xuân Lan.

“Lúc nào giáo viên cũng đòi hỏi học sinh phải học cho xuất sắc, nhất là những bạn có tiềm năng”.Hạnh.

“Dù bạn đã đặt những mục tiêu có ý nghĩa trong đời, một số giáo viên khiến bạn cảm thấy như mình chẳng ra gì nếu không theo đuổi con đường học vấn mà họ thấy là có triển vọng”. *Naomi.

Áp lực từ thầy cô ảnh hưởng thế nào đến bạn?

․․․․․

Áp lực từ bạn bè.

“Ở trung học, lũ học trò được tự do hơn và cũng nổi loạn hơn. Nếu không hùa theo tụi nó thì bạn sẽ bị chê là đồ cù lần”.Kevin.

“Ngày nào mình cũng bị rủ rê uống rượu bia và trải nghiệm ‘chuyện ấy’. Đôi lúc thật khó cưỡng lại”.Aaron.

“Mình 12 tuổi, và điều làm mình căng thẳng nhất là bị tụi bạn ép phải có bạn trai. Đứa nào cũng nói: ‘Chừng nào cậu mới chịu cặp bồ?’”.—Alexandria.

“Mình từng bị mấy đứa cùng lớp gán ghép với một cậu bạn. Mình không chịu thì bị tụi nó đồn là chỉ thích người cùng giới. Lúc đó mình mới mười tuổi!”.Christa.

Áp lực từ bạn bè ảnh hưởng thế nào đến bạn?

․․․․․

Áp lực khác. Đánh dấu ✔ kế bên điều làm bạn căng thẳng nhất hoặc ghi ra điều đó.

□ Chuyện thi cử

□ Bài tập

□ Kỳ vọng của cha mẹ

□ Kỳ vọng của bản thân

□ Nạn bạo lực và quấy rối tình dục

□ Khác ․․․․․

Bốn bước để giảm căng thẳng

Thực tế cho thấy không ai đi học mà không bị căng thẳng. Dù vậy, căng thẳng quá mức có thể khiến bạn cảm thấy như bị áp bức. Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn viết: “Bị áp bức quá đỗi người khôn cũng trở thành dại” (Truyền-đạo 7:7, ĐNB). Nhưng bạn có thể tránh được kết cuộc ấy. Bí quyết là biết cách đối phó với căng thẳng.

Đối phó với căng thẳng giống như nâng tạ. Để đạt kết quả tốt nhất, người tập tạ phải chuẩn bị kỹ. Anh phải lắp tạ vừa sức mình và nâng lên đúng cách. Nếu theo những bước trên, anh sẽ có được cơ bắp rắn chắc. Còn nếu không, anh có thể bị rách cơ hoặc thậm chí gãy xương.

Tương tự, bạn có thể đối phó với căng thẳng và hoàn thành tốt công việc mà không gây hại cho bản thân. Bằng cách nào? Hãy làm những bước sau:

1. Xác định nguyên nhân. Một câu châm ngôn nói: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình; nhưng kẻ ngu-muội cứ đi luôn, và mắc phải vạ” (Châm-ngôn 22:3). Thế nhưng, bạn chỉ có thể “ẩn mình”, hay tránh khỏi căng thẳng, khi đã xác định được nguyên nhân. Do đó, hãy xem lại phần mà bạn đã đánh dấu ✔. Lúc này đây, điều gì khiến bạn căng thẳng nhất?

2. Tra cứu. Chẳng hạn, nếu cả núi bài tập làm bạn căng thẳng, hãy xem những đề nghị nơi Chương 13, Tập 2. Nếu gặp sức ép làm chuyện thiếu đứng đắn với một bạn khác giới, bạn sẽ tìm thấy lời khuyên hữu ích nơi Chương 2, 515, Tập 2.

3. Đừng chần chừ. Vấn đề thường không biến mất nếu bạn chỉ lờ đi chúng. Trái lại, chúng có thể trở nên nghiêm trọng hơn và khiến bạn càng căng thẳng. Vì vậy, khi đã tìm ra cách đối phó với một vấn đề căng thẳng, đừng trì hoãn mà hãy bắt tay thực hiện ngay. Chẳng hạn, nếu là Nhân Chứng Giê-hô-va và cố gắng sống theo tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh Thánh, hãy cho bạn bè biết điều đó càng sớm càng tốt. Làm thế có thể giúp bạn bớt căng thẳng. Mỹ, 20 tuổi, chia sẻ: “Ngay từ đầu năm học, mình chủ động nói chuyện với các bạn về những đề tài có thể mở ra cơ hội giải thích tiêu chuẩn Kinh Thánh. Mình thấy là càng để lâu thì càng ngại nói cho bạn bè biết mình là Nhân Chứng. Do đó, điều có ích là mình cho mọi người biết lập trường và giữ vững lập trường ấy trong suốt năm học”.

4. Tìm sự giúp đỡ. Ngay cả lực sĩ cử tạ khỏe nhất cũng có sức lực giới hạn. Bạn cũng vậy. Nhưng bạn không phải mang gánh nặng một mình (Ga-la-ti 6:2). Hãy tâm sự với cha mẹ hoặc một tín đồ thành thục. Đưa họ xem những câu trả lời mà bạn đã ghi trong chương này. Sau đó, xin họ cho ý kiến.

Căng thẳng có lợi?

Có thể bạn khó tin nhưng đôi khi căng thẳng cũng có lợi. Tại sao? Đó là dấu hiệu cho thấy bạn siêng năng và có ý thức trách nhiệm. Hãy lưu ý cách Kinh Thánh miêu tả một người dường như không bao giờ biết căng thẳng: “Ngươi sẽ nằm cho đến chừng nào? Bao giờ ngươi sẽ ngủ thức-dậy? Ngủ một chút, chợp mắt một chút, khoanh tay nằm một chút..., thì sự nghèo-khổ của ngươi sẽ đến như kẻ đi rảo, và sự thiếu-thốn của ngươi tới như người cầm binh-khí”.—Châm-ngôn 6:9-11.

Heidi, 16 tuổi, kết luận: “Trường học có vẻ là nơi đáng sợ, nhưng sau này tại sở làm bạn cũng sẽ gặp những áp lực tương tự”. Phải công nhận là đương đầu với căng thẳng không dễ. Tuy nhiên, nếu biết cách đối phó thì vấn đề căng thẳng chẳng những không gây hại cho bạn mà còn tôi luyện bạn trở nên mạnh mẽ hơn.

TRONG CHƯƠNG TỚI

Phải chăng bỏ học là giải pháp?

[Chú thích]

^ đ. 11 Để biết thêm thông tin, xin xem Chương 20 của sách này.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

“Hãy trao hết mọi lo lắng cho ngài, vì ngài quan tâm đến anh em”.—1 Phi-e-rơ 5:7.

MẸO

Chia những vấn đề khiến bạn căng thẳng thành hai loại: một loại nằm trong tầm kiểm soát của bạn, loại kia thì không. Trước hết, giải quyết những vấn đề mà bạn có thể kiểm soát. Rồi khi tất cả vấn đề ấy không còn nữa, nếu thật sự có ngày đó, bạn hẵng nghĩ đến những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát.

BẠN CÓ BIẾT...?

Ngủ đủ, ít nhất tám tiếng một đêm, không những giúp bạn đối phó với căng thẳng mà còn cải thiện trí nhớ.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Để bớt căng thẳng, nhất định mình sẽ đi ngủ lúc ․․․․․ nếu được.

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Tại sao tính cầu toàn chỉ khiến bạn thêm căng thẳng?

● Nếu quá căng thẳng, bạn có thể tâm sự với ai?

[Câu nổi bật nơi trang 132]

Ngày nào ba cũng cùng mình cầu nguyện trước khi đưa mình đến trường. Nhờ đó mình luôn cảm thấy an toàn”.—Liz

[Hình nơi trang 131]

Nâng tạ đúng cách giúp cơ thể thêm khỏe mạnh, đối phó với căng thẳng đúng cách giúp ý chí mạnh mẽ hơn