Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sao mình cứ muốn mọi thứ phải hoàn hảo?

Sao mình cứ muốn mọi thứ phải hoàn hảo?

CHƯƠNG 27

Sao mình cứ muốn mọi thứ phải hoàn hảo?

Bạn có thấy bực tức nếu không đạt được điểm thi cao nhất không?

□ Có

□ Không

Bạn có thấy mình hoàn toàn vô dụng khi bị phê bình không?

□ Có

□ Không

Bạn có thấy khó kết bạn hoặc duy trì tình bạn vì tiêu chuẩn của mình quá cao không?

□ Có

□ Không

Nếu trả lời “có” cho một trong những câu hỏi trên, có lẽ bạn là người cầu toàn. Nhưng bạn thắc mắc: “Cố gắng làm mọi việc một cách hoàn hảo thì có gì sai?”. Tất nhiên là không sai. Kinh Thánh khen những người “khéo léo làm việc” (Châm ngôn 22:29). Nhưng người cầu toàn thì muốn mọi thứ phải hoàn hảo dù điều đó vượt quá khả năng của họ.

Jason, 19 tuổi, thừa nhận: “Vào năm cuối cấp, mình nghĩ nếu không đạt điểm cao nhất thì mình sẽ là kẻ thất bại. Mình cũng chơi đàn piano và từng đòi hỏi bản thân phải chơi giỏi như một nghệ sĩ”.

Có thể tính cầu toàn còn cản trở một người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Hãy thử nghĩ điều gì có thể xảy ra cho một bạn trẻ được xem là gương mẫu. Vì luôn được chú ý, bạn ấy cảm thấy như thể ai cũng đang chăm chú nhìn mình biểu diễn đi bộ trên dây. Đúng là mọi người trong hội thánh sẽ được lợi ích từ những gương tốt. Nhưng việc đòi hỏi bản thân phải hoàn hảo có thể khiến một bạn trẻ mất niềm vui trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Nếu điều này xảy ra thì người ấy cần xin sự giúp đỡ. Nhưng có lẽ người ấy ngại làm thế vì sợ mọi người sẽ thất vọng về mình. Thậm chí, người ấy muốn bỏ cuộc vì nghĩ rằng: “Nếu không thể đạt được tiêu chuẩn hoàn hảo thì cố gắng để làm gì?”.

Kháng cự tính cầu toàn

Người cầu toàn nghĩ là mình không bao giờ được mắc lỗi. Nhưng đó là một quan điểm sai lầm. Kinh Thánh thẳng thắn nói: “Mọi người đều phạm tội và thiếu hụt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Thế nên, chúng ta không thể nào là người hoàn hảo. Tin rằng mình có thể làm mọi thứ một cách hoàn hảo cũng vô lý như tin rằng mình có thể mọc cánh và bay. Điều đó không bao giờ xảy ra.

Làm sao bạn có thể tránh để tinh thần cầu toàn chi phối đời sống mình? Hãy thử những đề nghị sau:

Hiểu định nghĩa của sự thành công. Bạn có đang dốc sức để trở thành người giỏi nhất không? Kinh Thánh ví nỗ lực ấy như việc “đuổi theo luồng gió” (Truyền đạo 4:4). Thực tế là chỉ có vài người từng trở thành người giỏi nhất. Cho dù là vậy, không sớm thì muộn cũng có người khác giỏi hơn họ. Sự thành công có nghĩa là làm hết sức mình, chứ không phải làm tốt hơn người khác.Ga-la-ti 6:4.

Thực tế. Mong đợi của bạn nên phù hợp với khả năng giới hạn của mình. Lập ra tiêu chuẩn quá cao có thể cho thấy bạn thiếu khiêm tốn, thậm chí tự cao. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Tôi nói với mỗi người trong anh em rằng đừng nghĩ cao quá về mình” (Rô-ma 12:3). Vì vậy, hãy thực tế với những điều bạn mong đợi. Hãy nỗ lực hết mình nhưng không cầu toàn.

Đừng nghiêm trọng hóa vấn đề. Hãy thử làm điều mà bạn không có năng khiếu, chẳng hạn như chơi một nhạc cụ. Bạn sẽ mắc nhiều lỗi, nhưng hãy nhìn những lỗi ấy theo một hướng khác. Kinh Thánh nói “có kỳ vui cười” (Truyền đạo 3:4). Vậy nên, hãy tập xem nhẹ việc mắc lỗi vì nó chỉ là một phần của quá trình học hỏi. Phải thừa nhận là không dễ để chấp nhận những sai sót, nhưng hãy quyết tâm loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi tâm trí bạn.

Đức Giê-hô-va không đòi hỏi sự hoàn hảo, ngài chỉ muốn chúng ta trung thành với ngài (1 Cô-rinh-tô 4:2). Nếu nỗ lực giữ trung thành, bạn có thể thật sự hạnh phúc dù không hoàn hảo.

TRONG CHƯƠNG TỚI

Ngày nay, đồng tính luyến ái đang được chấp nhận rộng rãi. Làm thế nào bạn có thể tránh? Nói sao nếu bạn có cảm giác với người cùng phái?

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

Chẳng có người công chính nào trên đất luôn làm điều tốt và không bao giờ phạm tội”.​Truyền đạo 7:20.

MẸO

Hãy nghĩ đến một việc mà bạn do dự không muốn làm vì sợ không thể làm một cách hoàn hảo. Sau đó, định một ngày để hoàn thành việc ấy.

BẠN CÓ BIẾT...?

Đức Giê-hô-va là hoàn hảo, nhưng ngài không đòi hỏi sự hoàn hảo từ con người bất toàn. Ngài không có những mong đợi vô lý và thiếu thực tế nơi chúng ta.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Khi thấy mình bắt đầu chỉ trích bản thân, mình sẽ ․․․․․

Khi thấy mình bắt đầu chỉ trích người khác, mình sẽ ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Bạn hay đặt ra những mục tiêu không hợp lý nào cho bản thân?

● Đoạn Kinh Thánh nào cho thấy Đức Giê-hô-va không đòi hỏi tôi tớ ngài phải hoàn hảo?

● Tại sao bạn có thể bị xa lánh nếu là người cầu toàn?

● Trong tương lai, bạn sẽ phản ứng ra sao với những lỗi lầm của mình?

[Câu nổi bật nơi trang 226]

“Nỗ lực hết mình và cầu toàn là hai điều khác nhau. Một cái thì hợp lý còn một cái thì không”.—Megan

[Khung nơi trang 228]

Tính cầu toàn và mối quan hệ bạn bè

Có bao giờ bạn cắt đứt mối quan hệ với người khác vì họ không đạt chuẩn của bạn không? Hoặc bạn từng bị người khác xa lánh vì có tiêu chuẩn chọn bạn quá cao chưa? Kinh Thánh khuyên: “Đừng sống ngay lành thái quá, và cũng đừng cư xử khôn ngoan thái quá. Tại sao bạn muốn làm khổ mình?” (Truyền đạo 7:16, Đặng Ngọc Báu). Người cầu toàn “làm khổ mình” vì khiến cho bạn bè xa lánh. Một bạn nữ tên Amber nói: “Không ai thích chơi với một người luôn hạ thấp người khác. Mình đã thấy những người cầu toàn mất bạn tốt chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt”.

[Hình nơi trang 229]

Cố trở nên hoàn hảo thì vô ích như cố gắng bay