Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có thể hạnh phúc trong gia đình đơn thân không?

Có thể hạnh phúc trong gia đình đơn thân không?

CHƯƠNG 25

Có thể hạnh phúc trong gia đình đơn thân không?

“Những bạn có đầy đủ cha mẹ thì được có phòng riêng và quần áo mới. Còn mình thì phải ở chung phòng với người khác và hiếm khi được mua quần áo mình thích vì mẹ không có đủ tiền. Mình thấy giống như người hầu vì phải lo hết việc nhà khi mẹ đi làm. Mình không có tuổi thơ như bao đứa trẻ khác”.—Shalonda, 13 tuổi.

Hiển nhiên, một gia đình có cả cha lẫn mẹ đầy yêu thương thì thật lý tưởng. Nếu có cả hai thì họ thường cùng nhau hướng dẫn, bảo vệ và chu cấp cho con cái nhiều hơn. Kinh Thánh nói: “Hai người hơn một, vì họ được phần thưởng tốt cho công lao chung”.—Truyền đạo 4:9.

Thế nhưng, ngày nay gia đình có cả cha lẫn mẹ dường như rất hiếm. Chẳng hạn như tại Hoa Kỳ, hơn một nửa em trẻ dưới 18 tuổi thường phải sống trong gia đình chỉ có cha hoặc mẹ.

Một số bạn trẻ cảm thấy xấu hổ khi sống trong gia đình chỉ có mẹ. * Số khác thì thấy choáng ngợp trước những áp lực và khó khăn. Nếu không có cha, bạn phải đối mặt với những áp lực nào? Hãy viết ra vấn đề mà bạn thấy phiền nhất.

․․․․․

Vì thiếu tình yêu thương và sự chăm sóc của cha, phải chăng đời bạn chỉ toàn bất hạnh? Không phải vậy. Bất hạnh hay không tùy thuộc vào quan điểm của bạn về hoàn cảnh. Châm ngôn 15:15 nói: “Chuỗi ngày của người buồn phiền đều là xấu cả, nhưng người có lòng hớn hở dự tiệc luôn luôn”. Câu Kinh Thánh này ngụ ý rằng tâm trạng của một người thường chịu tác động bởi thái độ nhiều hơn là hoàn cảnh. Bạn có thể làm gì để “có lòng hớn hở” bất chấp hoàn cảnh của mình?

Kháng cự cảm xúc tiêu cực

Trước hết, đừng để lời nói tiêu cực của người khác khiến bạn buồn nản. Ví dụ, một số giáo viên có thái độ vô tâm với những học sinh không có cha. Họ cho rằng những em này có hạnh kiểm xấu là do môi trường gia đình không tốt. Nhưng hãy tự hỏi: “Những người nói như thế có biết rõ về mình và gia đình mình không? Hay họ chỉ lặp lại những điều người khác nói?”.

Điều đáng chú ý là cụm từ “trẻ mồ côi cha” xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh. Không có lần nào cụm từ này được dùng để hạ thấp phẩm giá của một người. Thật ra, trong những câu ấy, Đức Giê-hô-va bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với các em trẻ sống trong gia đình đơn thân. *

Mặt khác, một số người có thể quá thận trọng khi nói chuyện với bạn. Ví dụ, họ ngại dùng từ “cha”, “hôn nhân”, “ly dị” hoặc “qua đời” vì sợ những từ ấy sẽ làm bạn khó chịu hoặc ngượng ngùng. Cách cư xử như thế có làm bạn bực bội không? Nếu có, hãy tế nhị cho họ biết là không cần phải làm vậy. Tony, 14 tuổi, chưa bao giờ biết cha mình là ai. Tony nói rằng người ta không muốn dùng một số từ khi nói chuyện với bạn ấy. Tuy nhiên, Tony đã dùng những từ đó để nói chuyện với họ. Bạn ấy chia sẻ: “Mình muốn họ biết là mình không xấu hổ với hoàn cảnh của mình”.

Tránh suy nghĩ: “Giá như...”

Việc cha mẹ ly hôn hoặc người cha thân yêu qua đời sẽ để lại cảm giác đau buồn và mất mát. Nhưng rồi với thời gian, bạn vẫn phải chấp nhận hoàn cảnh của mình. Kinh Thánh khuyên: “Chớ hỏi rằng: ‘Sao ngày trước tốt hơn bây giờ?’” (Truyền đạo 7:10). Sarah, 13 tuổi, có cha mẹ đã ly hôn khi bạn ấy lên 10, nói rằng: “Đừng nghĩ ngợi quá nhiều về hoàn cảnh của mình, hoặc cảm thấy vấn đề mình gặp là do không có cha, hoặc nghĩ rằng những đứa trẻ có cả cha lẫn mẹ thì thật sung sướng”. Đây là một lời khuyên thiết thực. Suy cho cùng, những gia đình “lý tưởng” cũng gặp vấn đề.

Hãy hình dung gia đình của bạn là một đội chèo thuyền. Thật lý tưởng nếu có đủ thành viên trong đội. Tuy nhiên, trong gia đình không đủ thành viên thì những người khác phải nỗ lực hơn một chút. Điều này không có nghĩa là gia đình ấy sẽ thất bại. Chỉ cần các thành viên còn lại hợp sức, con thuyền sẽ tiếp tục về đến đích.

Làm tròn trách nhiệm

Bạn có thể làm gì để làm tròn trách nhiệm của mình? Hãy xem xét ba gợi ý sau:

Tập tiết kiệm. Tiền bạc là vấn đề lớn của hầu hết các gia đình đơn thân. Bạn có thể giúp gì? Bạn Tony được đề cập ở trên nói: “Các bạn học thường đòi cha mẹ mua giày dép và quần áo đắt tiền. Họ không chịu đi học nếu không có những thứ đó. Còn mình, dù không có đồ mới nhưng mình luôn sạch sẽ và gọn gàng. Mình giữ gìn thứ mình có. Mẹ đã làm việc vất vả rồi nên mình không muốn tạo thêm gánh nặng cho mẹ”. Bạn có thể bắt chước sứ đồ Phao-lô, ông nói: “Tôi đã học cách thỏa lòng... Trong mọi việc và mọi hoàn cảnh, tôi học bí quyết để thỏa lòng”.—Phi-líp 4:11, 12.

Một cách khác là tránh lãng phí (Giăng 6:12). Một bạn trẻ tên Nhân chia sẻ: “Ở nhà, mình cẩn thận không làm hư hoặc mất đồ để không phải tốn tiền mua lại hoặc sửa chữa. Mình cũng tắt những thiết bị điện và bóng đèn khi không dùng đến. Nhờ vậy mà bớt được tiền điện”.

Tự giác. Nhiều người mẹ không muốn lập nội quy hoặc nhờ con cái làm việc nhà. Tại sao? Vì họ muốn bù đắp việc thiếu vắng cha bằng cách cho con sống thoải mái hơn. Họ lý luận: “Mình không muốn con bị thiệt thòi với các bạn”.

Hẳn bạn thấy thích khi được bù đắp như vậy, nhưng điều đó chỉ tạo thêm gánh nặng cho mẹ. Thay vì thế, hãy có tính tự giác như Tony, bạn ấy nói: “Mẹ làm việc tại bệnh viện và quần áo cần phải phẳng phiu nên mình ủi đồ cho mẹ”. Chẳng phải đó là việc của phụ nữ sao? Tony đáp: “Nhiều người nghĩ vậy, nhưng chỉ cần giúp được mẹ thì mình cứ làm”.

Thể hiện lòng biết ơn. Ngoài cách trên, bạn có thể biểu lộ lòng biết ơn để giúp mẹ lên tinh thần. Một người mẹ nói: “Ngày nào tôi về nhà với tâm trạng mệt mỏi và buồn nản thì con gái thường dọn sẵn bữa tối cho tôi. Còn con trai thì ôm lấy tôi”. Những hành động ân cần này đã giúp người mẹ ấy ra sao? Chị nói: “Tôi hoàn toàn lấy lại tinh thần”.

Trong ba điểm trên, bạn cần cải thiện điểm nào nhất? Hãy viết ra. ․․․․․

Sống trong gia đình đơn thân sẽ giúp bạn trau dồi những phẩm chất như thương xót, bất vị kỷ và đáng tin cậy. Ngoài ra, Chúa Giê-su nói: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận” (Công vụ 20:35). Bạn sẽ vô cùng hạnh phúc nếu hết lòng giúp đỡ mẹ.

Hiển nhiên, thỉnh thoảng bạn vẫn mong ước có cha. Nhưng bạn có thể cố gắng làm cho hoàn cảnh của mình tốt hơn. Đó là điều Nia đã làm. Bạn ấy chia sẻ: “Sau khi ba mất, có người nói với mình rằng hạnh phúc tùy thuộc vào hành động và thái độ chứ không phải hoàn cảnh. Mình luôn ghi nhớ những lời này và không để hoàn cảnh đánh bại mình”. Bạn cũng có thể lạc quan như thế. Hãy nhớ rằng, hoàn cảnh không quyết định hạnh phúc của bạn. Hành động và thái độ mới quan trọng.

XEM THÊM VỀ ĐỀ TÀI NÀY TRONG TẬP 1, CHƯƠNG 4

[Chú thích]

^ đ. 6 Dù chương này chủ yếu đề cập đến những gia đình chỉ có mẹ, nhưng các nguyên tắc được thảo luận cũng áp dụng cho gia đình chỉ có cha.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

Hãy quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình”.Phi-líp 2:4.

MẸO

Nếu cảm thấy mình không thể đảm đương hết các trách nhiệm, hãy tế nhị đề nghị cha/mẹ thử cách sau:

Liệt kê những việc nhà mà mỗi thành viên trong gia đình cần làm.

Nếu cần, chia bớt việc nhà cho những thành viên khác.

BẠN CÓ BIẾT...?

Đảm nhận trách nhiệm trong nhà có thể giúp bạn trưởng thành nhanh hơn so với những bạn có đầy đủ cha mẹ, vì các bạn ấy thường có ít trách nhiệm hơn.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Mình sẽ kháng cự cảm xúc tiêu cực bằng cách: ․․․․․

Nếu có người quá thận trọng vì sợ mình bị tổn thương, mình sẽ nói: ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

Tại sao một số người có thành kiến với những bạn chỉ có cha hoặc mẹ?

Tại sao cha/mẹ ngại nhờ bạn làm việc nhà?

Bạn có thể biểu lộ lòng biết ơn cha/mẹ bằng cách nào?

[Câu nổi bật nơi trang 211]

“Từ khi ba mẹ ly dị, hai mẹ con mình thường trò chuyện và gần gũi với nhau hơn”.—Mỹ Lan

[Hình nơi trang 210, 211]

Gia đình đơn thân giống như con thuyền thiếu một tay chèo. Những thành viên còn lại phải nỗ lực hơn, nhưng họ có thể thành công nếu cùng hợp sức