Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao có quá nhiều nội quy?

Tại sao có quá nhiều nội quy?

CHƯƠNG 22

Tại sao có quá nhiều nội quy?

Hãy viết ra một số nội quy trong gia đình bạn. ․․․․․

Bạn nghĩ những nội quy trong gia đình có luôn hợp lý không?

□ Có □ Không

Bạn khó tuân theo nội quy nào nhất? ․․․․․

Nội quy trong gia đình là những điều cha mẹ cho phép và không cho phép con cái làm. Chẳng hạn như điều bắt buộc là làm bài tập, làm việc nhà và về đúng giờ, điều hạn chế là dùng điện thoại, ti-vi và máy vi tính. Một số nội quy có thể nằm ngoài phạm vi gia đình, ví dụ như việc chọn bạn bè và cách cư xử ở trường.

Bạn có thấy mình bị những nội quy ấy kìm hãm không? Hãy xem ý kiến của một số bạn trẻ:

“Mình ghét về nhà đúng giờ! Mình phát bực khi thấy mấy đứa khác được về nhà trễ”.Allen.

“Thật phiền khi bị kiểm tra điện thoại. Mình bị đối xử như con nít vậy!”Elizabeth.

“Mình có cảm giác là ba mẹ không thích mình vui chơi với ai, cứ như là họ không muốn mình có bạn!”Nicole.

Dù các bạn trẻ thường không thích tuân theo nội quy của cha mẹ, nhưng phần lớn thừa nhận rằng một số nội quy giúp gia đình họ duy trì trật tự. Thật vậy, nội quy rất cần thiết. Nhưng tại sao lại có những nội quy gây khó chịu?

“Con không phải là con nít!”

Có lẽ bạn ghét nội quy vì thấy mình bị đối xử như con nít. Bạn muốn hét lên: “Con không phải là con nít!”. Nhưng cha mẹ biết nội quy mà họ đặt ra rất quan trọng, vì nó bảo vệ và giúp bạn chuẩn bị cho những trách nhiệm sau này.

Tuy nhiên, đôi khi bạn thấy mình đã lớn rồi mà nội quy trong nhà chẳng thay đổi gì. Có lẽ bạn thấy bị bó buộc giống như Hạnh: “Mình đã lớn rồi nhưng ba má không cho mình có sự lựa chọn, có tiếng nói riêng hay được làm người lớn”. Một bạn trẻ khác tên Allison có cùng cảm nghĩ: “Mình đã 18 tuổi rồi chứ có phải là đứa trẻ lên 10 đâu. Bố mẹ phải tin cậy mình hơn chứ!”.

Ngoài ra, thật khó tuân theo nội quy gia đình khi những thành viên khác được ưu ái hơn. Chẳng hạn, một thanh niên tên Khoa kể về em gái và em họ của mình: “Mấy đứa con gái có làm gì đi nữa thì cũng được ‘trắng án’!”.

Có cần nội quy không?

Có lẽ bạn muốn thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Nhưng điều đó có ích lợi gì cho bạn không? Các bạn trẻ khác được về nhà trễ, ăn mặc tùy ý, tung tăng với bạn bè bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu. Nhưng có lẽ vì cha mẹ của họ bận rộn đến nỗi không biết con cái mình đang làm gì. Dù sao đi nữa, Kinh Thánh cho thấy cách nuôi dạy con như thế sẽ không thành công (Châm ngôn 29:15). Vì lớn lên trong gia đình không có nội quy nên nhiều người chỉ nghĩ đến bản thân. Đó là một trong những lý do khiến thế giới ngày nay thiếu tình thương.—2 Ti-mô-thê 3:1-5.

Thay vì ghen tị với những bạn trẻ được tự do làm theo ý mình, hãy xem nội quy cha mẹ đưa ra là bằng chứng cho thấy họ yêu thương và quan tâm đến bạn. Khi đặt ra những giới hạn hợp lý, họ noi gương Đức Giê-hô-va, vì ngài nói rằng: “Ta sẽ ban sự thông hiểu, chỉ dẫn đường con phải đi. Ta sẽ ban lời khuyên bảo, mắt chăm chú dõi theo con”.—Thi thiên 32:8.

Tuy nhiên, nhiều khi bạn vẫn cảm thấy choáng ngợp với những nội quy của cha mẹ. Làm sao để bớt căng thẳng?

Nói chuyện cởi mở

Nói chuyện cởi mở là bí quyết giúp bạn có thêm tự do hoặc giảm bớt căng thẳng. Một số bạn trẻ có thể nói: “Mình đã cố gắng nói chuyện với ba mẹ nhưng chẳng được gì”. Nếu cảm thấy như thế thì hãy tự hỏi: “Mình có cần cải thiện cách nói chuyện không?”. Trò chuyện là bí quyết để (1) giúp người khác hiểu bạn hoặc (2) giúp bạn hiểu tại sao mình không được phép làm một điều gì đó. Thật vậy, nếu muốn được cha mẹ cho phép làm nhiều điều hơn, nhất định bạn phải có kỹ năng giao tiếp như người lớn. Bằng cách nào?

Tập kiềm chế cảm xúc. Giao tiếp tốt đòi hỏi tính tự chủ. Kinh Thánh nói: “Người ngu muội để cảm xúc bộc phát, người khôn ngoan bình tĩnh kiềm chế chúng” (Châm ngôn 29:11). Hãy tránh càu nhàu, hờn dỗi và cáu giận như trẻ con. Đúng là khi bị cha mẹ cấm đoán, có thể bạn muốn đóng sầm cửa hoặc dậm chân đi lại trong nhà. Nhưng thái độ như thế chỉ tạo thêm nội quy chứ không phải tự do.

Thử nhìn theo quan điểm của cha mẹ. Tracy là một tín đồ trẻ sống trong gia đình chỉ có mẹ. Bạn ấy chia sẻ: “Mình tự hỏi những nội quy của mẹ có lợi ích gì cho mình. Sau cùng, mình hiểu ra rằng mẹ đang cố dạy mình trở thành người tốt hơn” (Châm ngôn 3:1, 2). Khi thể hiện sự thấu cảm như thế, bạn sẽ có mối giao tiếp tốt với cha mẹ.

Ví dụ, giả sử bạn xin đi chơi mà cha mẹ không cho. Thay vì cãi lại, bạn có thể hỏi: “Nếu con đi chung với một bạn đàng hoàng tử tế thì sao?”. Có lẽ cha mẹ vẫn không cho phép bạn đi. Hãy cố hiểu cha mẹ lo lắng về điều gì, rồi bạn sẽ tìm ra cách để xin phép.

Xây dựng lòng tin cậy của cha mẹ. Hãy hình dung một người vay tiền ngân hàng. Nếu ông trả tiền đúng hạn, ngân hàng sẽ tin tưởng và sau này có thể cho ông vay thêm. Trong gia đình cũng tương tự, bạn có bổn phận phải vâng lời cha mẹ. Nếu chứng tỏ mình đáng tin trong những việc nhỏ, chắc chắn cha mẹ sẽ tin tưởng bạn hơn. Nhưng nếu cứ làm cha mẹ thất vọng thì đừng ngạc nhiên khi họ siết chặt kỷ luật hoặc không tin bạn nữa.

Khi vi phạm nội quy

Không sớm thì muộn bạn cũng vi phạm nội quy, chẳng hạn như không làm việc nhà, “nấu cháo” điện thoại hoặc về trễ (Thi thiên 130:3). Nếu thế, bạn phải giải thích với cha mẹ. Làm sao để tình hình không tệ hơn?

Nói thật. Đừng bịa chuyện. Vì nếu làm thế, cha mẹ sẽ càng mất lòng tin nơi bạn. Vậy, hãy thành thật và giải thích tường tận (Châm ngôn 28:13). Hãy tránh biện hộ hoặc xem nhẹ vấn đề, và nhớ rằng: “Lời đáp êm dịu làm nguôi cơn thịnh nộ”.—Châm ngôn 15:1.

Xin lỗi. Hãy cho thấy bạn ân hận vì đã làm cha mẹ lo lắng, phiền lòng hoặc thất vọng. Điều này có thể làm giảm hình phạt dành cho bạn. Tuy nhiên, bạn phải thật lòng hối lỗi.

Chịu trách nhiệm (Ga-la-ti 6:7). Có thể phản ứng đầu tiên của bạn là cãi lại, nhất là khi bạn thấy mình bị phạt vô lý. Tuy nhiên, việc chịu trách nhiệm trước những hành động của mình cho thấy bạn là người trưởng thành. Có lẽ điều quan trọng nhất bạn cần làm là lấy lại lòng tin của cha mẹ.

Trong ba điểm được đề cập nơi trang 187, bạn muốn áp dụng điểm nào nhất? Hãy viết ra. ․․․․․

Cha mẹ có trách nhiệm kiểm soát hành động của bạn trong một mức độ nào đó. Thế nên, Kinh Thánh có nhắc đến “điều răn của cha” và “lời dạy bảo của mẹ” (Châm ngôn 6:20). Nhưng bạn không nên cho rằng nội quy gia đình cướp mất niềm vui trong cuộc sống. Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng nếu vâng lời cha mẹ thì ‘mọi việc sẽ tốt đẹp với bạn’.—Ê-phê-sô 6:1-3.

XEM THÊM VỀ ĐỀ TÀI NÀY TRONG TẬP 1, CHƯƠNG 3

TRONG CHƯƠNG TỚI

Cha mẹ bạn có phải là người nghiện rượu hoặc ma túy không? Hãy xem cách đối phó với vấn đề này.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

Hãy hiếu kính cha mẹ... hầu cho mọi việc sẽ tốt đẹp với ngươi”.​Ê-phê-sô 6:2, 3.

MẸO

Nếu muốn có thêm tự do, trước tiên bạn hãy tuân thủ nội quy của cha mẹ. Khi thấy bạn có uy tín, cha mẹ sẽ cho phép bạn làm nhiều điều hơn.

BẠN CÓ BIẾT...?

Nghiên cứu cho thấy các bạn trẻ thường học giỏi, giao tiếp tốt và hạnh phúc hơn khi được cha mẹ yêu thương đặt ra nội quy

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Nếu vi phạm một nội quy nào đó, mình sẽ nói: ․․․․․

Mình có thể gây dựng lòng tin nơi cha mẹ bằng cách: ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

Tại sao đôi khi cha mẹ có vẻ như bao bọc bạn quá mức?

Tại sao đôi lúc bạn phản ứng thái quá khi bị cấm làm một điều nào đó?

Làm thế nào bạn có thể cải thiện cách nói chuyện với cha mẹ?

[Câu nổi bật nơi trang 183]

“Khi còn trẻ, bạn thường cho rằng mình biết tất cả. Do đó, bạn rất dễ bực bội khi bị cha mẹ kiểm soát. Nhưng nội quy của cha mẹ thật sự mang lại lợi ích tốt nhất cho bạn”.—Megan

[Khung nơi trang 186]

Có phải là thiên vị không?

Có bao giờ bạn tự hỏi: “Tại sao ba mẹ lại thiên vị?”. Nếu thế, hãy xem xét một thực tế: Đối xử công bằng không phải lúc nào cũng là bằng nhau và đối xử bằng nhau không phải lúc nào cũng là công bằng. Thật ra, vấn đề là: Bạn có bị bỏ bê không? Chẳng hạn, cha mẹ có cho lời khuyên, giúp đỡ và hỗ trợ khi bạn cần không? Nếu có, làm sao có thể nói bạn bị đối xử bất công? Vì mỗi đứa con có những nhu cầu khác nhau, nên cha mẹ không thể lúc nào cũng đối xử giống nhau. Đó là điều mà bạn Beth đã nhận ra. Giờ đây, ở tuổi 18, Beth chia sẻ: “Anh trai và mình có tính cách khác nhau nên cần sự quan tâm khác nhau. Đáng tiếc là lúc nhỏ, mình không hiểu điều này”.

[Khung/Hình nơi trang 189]

Trắc nghiệm

Hãy nói với cha mẹ!

Hai chương trước đã thảo luận về những điều bạn có thể làm khi bị la rầy và phải theo nội quy gia đình. Nói sao nếu bạn thấy cha mẹ khắt khe? Làm sao bạn có thể mở lời để nói với cha mẹ về điều đó?

Hãy chọn thời điểm mà bạn thấy thoải mái và cha mẹ không quá bận rộn.

Nói một cách chân thành và lễ phép, đừng để cảm xúc chi phối.

Nếu thấy cha mẹ la rầy thái quá, bạn có thể nói: “Con đang cố gắng làm theo lời ba mẹ, nhưng con hơi buồn vì cứ bị la hoài. Con có thể nói chuyện với ba mẹ về điều này được không?”.

Hãy viết ra cách bạn có thể mở lời để nói với cha mẹ về đề tài này.

․․․․․

MẸO: Hãy dùng Chương 21 để nói chuyện với cha mẹ. Có lẽ cha mẹ sẽ sẵn lòng thảo luận tài liệu này với bạn.

Nếu thấy mình không có đủ tự do, bạn có thể nói: “Con muốn chứng tỏ mình là người có trách nhiệm để ba mẹ cho con thêm tự do. Vậy ba mẹ nghĩ con nên làm gì?”.

Hãy viết ra cách bạn có thể mở lời để nói với cha mẹ về đề tài này.

․․․․․

MẸO: Hãy đọc Chương 3 trong Tập 1, sau đó liệt kê những câu hỏi mà bạn thắc mắc về chương ấy.

[Hình nơi trang 184, 185]

Vâng lời cha mẹ giống như trả nợ cho ngân hàng​—bạn càng đáng tin thì càng nhận được nhiều hơn