Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Mình đã sẵn sàng để hẹn hò chưa?

Mình đã sẵn sàng để hẹn hò chưa?

CHƯƠNG 1

Mình đã sẵn sàng để hẹn hò chưa?

“Mình bị áp lực từ mọi phía. Đã vậy xung quanh lại có biết bao anh chàng dễ thương”.—Quỳnh.

“Có mấy bạn nữ không ngại ‘bật đèn xanh’ với mình, mình thấy cũng khó từ chối. Nhưng nếu mà hỏi ba mẹ thì biết ngay ba mẹ sẽ nói gì”.—Phillip.

Ước muốn ở bên người mình thích và được người ấy xem là đặc biệt có thể rất mãnh liệt. Ngay cả một người rất trẻ cũng có cảm giác đó. Jenifer hồi tưởng: “Mình bắt đầu muốn có bạn trai khi mới 11 tuổi”. Còn Bích cho biết: “Ở trường ai cũng có bồ nên nếu không có thì mình chẳng khác nào kẻ lạc loài!”.

Còn bạn thì sao? Bạn đã sẵn sàng để hẹn hò chưa? Để trả lời câu hỏi này, trước hết hãy xem xét một câu hỏi cơ bản khác:

“Hẹn hò” là gì?

Hãy đọc những câu hỏi bên dưới và đánh dấu vào câu trả lời của bạn.

Bạn thường xuyên đi chơi với một người khác phái. Bạn có đang hẹn hò không?

□ Có

□ Không

Bạn và một người khác phái thích nhau. Hai bạn nhắn tin và nói chuyện điện thoại nhiều lần trong ngày. Bạn có đang hẹn hò không?

□ Có

□ Không

Lần nào đi chung với bạn bè, bạn cũng chỉ kè kè với một người khác phái. Bạn có đang hẹn hò không?

□ Có

□ Không

Có lẽ câu hỏi đầu tiên rất dễ trả lời, nhưng đến câu thứ hai và thứ ba thì bạn đắn đo một chút. Vậy, “hẹn hò” thật sự là gì? Hẹn hò là những cuộc gặp gỡ hoặc trò chuyện với một người khác phái mà bạn có cảm tình và người ấy cũng có cảm tình với bạn. Vì thế, câu trả lời cho ba câu hỏi trên là có. Dù là nói chuyện điện thoại hay gặp mặt, công khai hay bí mật, nếu bạn và một người khác phái dành tình cảm đặc biệt cho nhau và thường xuyên liên lạc với nhau thì đó là hẹn hò. Bạn đã sẵn sàng bước vào mối quan hệ đó chưa? Xem xét ba câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn tìm ra lời giải đáp.

Vì sao bạn muốn hẹn hò?

Trong nhiều nền văn hóa, hẹn hò là cách để hai người tìm hiểu nhau. Nhưng khi hẹn hò, hai người nên có ý định nghiêm túc là xem mình và người kia có thể tiến đến hôn nhân hay không.

Một số bạn bè đồng lứa của bạn xem nhẹ mục tiêu này. Có lẽ họ chỉ thích cặp kè cho vui chứ không hề có ý định kết hôn. Thậm chí có người còn xem đối phương chỉ là chiến lợi phẩm hay đồ trang sức để thêm oai với người khác. Nhưng những mối quan hệ hời hợt như thế thường chóng đến rồi đi. Một bạn nữ tên Hương nói: “Nhiều cặp hẹn hò rồi chia tay chỉ trong một hai tuần. Dần dần họ xem chuyện tình cảm chỉ là nhất thời. Suy nghĩ đó không giúp cho hôn nhân sau này của họ mà chỉ khiến họ dễ dàng ly dị hơn”.

Rõ ràng, khi hẹn hò với ai đó, bạn đang ảnh hưởng đến cảm xúc của người ấy. Vì vậy, phải chắc chắn là bạn có ý định nghiêm túc. Hãy thử nghĩ: Bạn có muốn người khác đùa giỡn với tình cảm của mình và xem đó như một món đồ, thích thì chơi còn chán thì bỏ? Bạn Trinh nói: “Đôi lúc mình nghĩ chuyện hẹn hò là để cho vui thôi, nhưng sẽ không vui chút nào nếu một người có ý định nghiêm túc còn người kia thì không”.

Bạn đã đủ lớn chưa?

Theo bạn, bao nhiêu tuổi thì có thể hẹn hò? ․․․․․

Giờ hãy hỏi cha mẹ câu hỏi trên, rồi ghi ra câu trả lời của họ: ․․․․․

Số tuổi mà bạn ghi có thể thấp hơn số tuổi do cha mẹ đưa ra. Hoặc có lẽ không! Có thể bạn là một trong nhiều bạn trẻ khôn ngoan chờ đợi cho đến khi đủ lớn để hiểu rõ về bản thân rồi mới hẹn hò. Bạn nữ tên Danielle, 17 tuổi, cũng làm thế. Danielle tâm sự: “Nhớ lại hai năm trước, mẫu người lý tưởng của mình khác hẳn so với hiện tại. Thậm chí đến giờ mình cũng chưa sẵn sàng có bạn trai. Khi thấy đã chững chạc được vài năm thì mình mới nghĩ tới chuyện đó”.

Cũng có lý do khác để bạn chờ đợi. Cụm từ “tuổi bồng bột” trong Kinh Thánh nói đến giai đoạn mà ước muốn tình dục và cảm xúc lãng mạn trỗi dậy mãnh liệt (1Cô-rinh-tô 7:36). Gần gũi với người khác phái khi còn ở độ tuổi này có thể thổi bùng ham muốn tình dục và dẫn đến hành vi sai trái. Hẳn bạn bè đồng lứa với bạn xem nhẹ điều này, và nhiều người nóng lòng trải nghiệm “chuyện ấy”. Nhưng bạn có thể suy nghĩ thấu đáo hơn! (Rô-ma 12:2). Suy cho cùng, Kinh Thánh thúc giục bạn “hãy chạy trốn sự gian dâm” (1 Cô-rinh-tô 6:18). Khi chờ đến lúc qua “tuổi bồng bột”, bạn sẽ tránh được “những điều tai hại”.—Truyền đạo 11:10.

Bạn đã sẵn sàng để kết hôn chưa?

Để trả lời câu hỏi trên, hãy thành thật tra xét bản thân qua những điểm sau:

Mối quan hệ với gia đình. Bạn đối xử ra sao với cha mẹ và anh chị em? Bạn có dễ nổi nóng, nói năng cộc cằn hay mỉa mai không? Họ sẽ nhận xét gì về bạn? Bạn đối xử với người nhà thế nào thì cũng sẽ đối xử với bạn đời tương lai thế ấy.—Đọc Ê-phê-sô 4:31.

Tính cách. Bạn là người lạc quan hay bi quan? Bạn phải lẽ hay khăng khăng làm theo ý mình? Bạn có giữ được bình tĩnh khi bị căng thẳng không? Bạn có kiên nhẫn không? Vun trồng bông trái thần khí của Đức Chúa Trời ngay từ bây giờ sẽ giúp bạn chuẩn bị cho đời sống hôn nhân sau này.—Đọc Ga-la-ti 5:22, 23.

Tài chính. Bạn có biết cách quản lý tiền bạc không? Hay thường mắc nợ? Bạn có giữ được việc làm không? Nếu không thì tại sao? Vì công việc? Vì chủ? Hay vì tính cách và thói quen của bạn? Nếu không thể tự lo tài chính cho bản thân, làm sao bạn có thể lo cho gia đình mình sau này?—Đọc 1 Ti-mô-thê 5:8.

Tình trạng thiêng liêng. Nếu là Nhân Chứng Giê-hô-va, bạn làm gì để duy trì mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời? Bạn có chủ động đọc Kinh Thánh, tham gia thánh chức và những buổi nhóm họp không? Người mà bạn sẽ kết hôn xứng đáng có được người bạn đời mạnh mẽ về thiêng liêng.—Đọc Truyền đạo 4:9, 10.

Điều bạn có thể làm

Hẹn hò khi chưa sẵn sàng giống như phải thi một môn mà bạn chỉ mới bắt đầu học. Thật không hợp lý chút nào! Bạn cần thời gian để học môn ấy nhằm biết những vướng mắc có thể gặp khi làm bài thi.

Hẹn hò cũng vậy. Như đã xem xét, hẹn hò không phải là chuyện nhỏ. Vì thế, trước khi tìm hiểu ai đó, bạn cần thời gian để học “môn” rất quan trọng là xây đắp tình bạn. Sau này, khi gặp được người phù hợp, bạn sẽ dễ biết cách xây đắp một mối quan hệ bền vững. Suy cho cùng, hôn nhân hạnh phúc là sự kết hợp giữa hai người bạn tốt.

Chờ đợi không cướp mất tự do của bạn. Ngược lại, bạn sẽ có thêm tự do để “vui mừng trong tuổi trẻ” (Truyền đạo 11:9). Ngoài ra, bạn có thời gian để trau dồi nhân cách và quan trọng nhất là cải thiện tình trạng thiêng liêng của bản thân.—Ai ca 3:27.

Trong thời gian này, bạn vẫn có thể chơi chung với người khác phái. Nhưng cách tốt nhất là gì? Chơi với nhóm bạn cả nam lẫn nữ và có người đáng tin cậy giám sát. Bạn Tammy nói: “Mình nghĩ nếu có nhiều bạn thì sẽ vui hơn”. Monica cũng đồng tình: “Chơi theo nhóm cũng có cái hay, vì bạn có thể thấy được những cá tính khác nhau”.

Ngược lại, nếu dành tình cảm cho ai đó quá sớm, bạn sẽ dễ bị tổn thương hơn. Vậy, đừng vội vàng mà hãy tận dụng khoảng thời gian này để học cách xây đắp và giữ vững tình bạn. Về sau, nếu muốn hẹn hò, bạn sẽ hiểu rõ hơn về bản thân và những điều mình cần nơi người bạn đời.

XEM THÊM VỀ ĐỀ TÀI NÀY TRONG TẬP 1, CHƯƠNG 2930

TRONG CHƯƠNG TỚI

Bạn đang muốn bí mật hẹn hò? Việc này có nhiều cạm bẫy hơn là bạn nghĩ.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

Người khôn khéo cân nhắc từng bước”.Châm ngôn 14:15.

MẸO

Để sẵn sàng hẹn hò và kết hôn, hãy đọc 2 Phi-e-rơ 1:5-7 và chọn một đức tính mà bạn cần rèn luyện. Sau một tháng, hãy xem bạn đã học được gì về đức tính ấy và cải thiện được bao nhiêu.

BẠN CÓ BIẾT...?

Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy những cặp kết hôn dưới 20 tuổi có nguy cơ ly dị trong vòng 5 năm.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Để sẵn sàng kết hôn, mình cần rèn luyện những đức tính sau: ․․․․․

Mình có thể rèn luyện những đức tính ấy bằng cách: ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

Bạn có thể gặp gỡ người khác phái trong những hoàn cảnh thích hợp nào?

Nếu em bạn còn quá nhỏ mà muốn hẹn hò, bạn có thể lý luận thế nào với em ấy?

Nếu bạn hẹn hò nhưng không có ý định kết hôn, điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến cảm xúc của người kia?

[Câu nổi bật nơi trang 18]

“Mình nghĩ là nên hẹn hò với người thật sự có ý nghĩa với bạn và bạn thấy có thể tiến tới hôn nhân. Bạn thật lòng quan tâm đến người ấy chứ không chỉ vì muốn hẹn hò”.—Ánh

[Hình nơi trang 16, 17]

Nếu hẹn hò mà không có ý định kết hôn, bạn chẳng khác nào đứa trẻ chơi chán một món đồ chơi rồi bỏ