Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Điều gì đang xảy ra với cơ thể mình?

Điều gì đang xảy ra với cơ thể mình?

CHƯƠNG 6

Điều gì đang xảy ra với cơ thể mình?

“Chiều cao của mình tăng rất nhanh và giai đoạn đó rất đau. Dù cao hơn thì thích thật nhưng chân mình hay bị chuột rút. Mình ghét cảm giác đó!”.—Phong.

“Bạn biết cơ thể mình đang thay đổi và mong là không ai để ý. Nhưng khi một người khen là hông của bạn sẽ ‘mắn đẻ’ thì bạn chỉ có nước muốn độn thổ đi cho rồi!”.—Trân.

Đã bao giờ bạn cùng gia đình chuyển đến một khu xóm mới chưa? Sự thay đổi đó rất khó phải không? Thật vậy, bạn đã bỏ lại đằng sau mọi thứ quen thuộc như nhà cửa, trường học và bạn bè. Rất có thể bạn cần thời gian để thích nghi với hoàn cảnh mới.

Ở tuổi dậy thì, giai đoạn mà bạn trưởng thành về thể chất, là lúc bạn trải nghiệm một trong những thay đổi lớn nhất của cuộc đời. Theo nghĩa nào đó, bạn đang chuyển tới một “khu xóm” hoàn toàn mới. Điều này vô cùng thú vị! Nhưng quá trình chuyển tiếp lên tuổi trưởng thành có thể gây ra cảm xúc lẫn lộn và không dễ cho bạn thích nghi. Điều gì diễn ra trong quá trình đầy lý thú nhưng cũng hỗn loạn này?

Dành cho bạn nữ

Tuổi thanh thiếu niên là một thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ. Một số thay đổi sẽ rất dễ thấy. Ví dụ, nội tiết tố kích thích lông mọc ở vùng kín. Bạn cũng sẽ thấy sự nở nang của ngực, hông, đùi và mông. Cơ thể bạn dần không còn vẻ của một bé gái mà ra dáng thiếu nữ hơn. Nhưng bạn không cần phải lo lắng, vì điều này hoàn toàn bình thường. Nó chứng tỏ cơ thể bạn đang chuẩn bị cho thời điểm có thể trở thành mẹ.

Sau khi tuổi dậy thì bắt đầu một thời gian, bạn sẽ có chu kỳ kinh nguyệt. Nếu không được chuẩn bị đầy đủ thì giai đoạn quan trọng này có thể làm bạn sợ hãi. Samantha nhớ lại: “Mình hoàn toàn chưa sẵn sàng khi bắt đầu có kinh nguyệt. Mình cảm thấy dơ bẩn. Mình cọ khắp người khi tắm và nghĩ: ‘Mình thật kinh tởm’. Nghĩ về việc có kinh nguyệt mỗi tháng trong những năm sắp tới làm mình sợ kinh khủng!”.

Nhưng hãy nhớ rằng, chu kỳ kinh nguyệt là bằng chứng cho thấy khả năng sinh sản của bạn đang phát triển. Dù nhiều năm sau bạn mới sẵn sàng làm mẹ nhưng lúc này bạn đang trở thành phụ nữ. Tuy nhiên, những chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của bạn có thể bất ổn. Kelli nói: “Điều tệ nhất mà mình phải đối phó là tính khí thay đổi thất thường. Thật bực bội khi không biết tại sao ban ngày mình rất vui nhưng tới đêm thì khóc sướt mướt”.

Nếu bạn đang cảm thấy giống như vậy thì hãy kiên nhẫn. Với thời gian, bạn sẽ điều chỉnh được. Annette, 20 tuổi, nói: “Cuối cùng mình cũng chấp nhận đây là bước cần thiết để trở thành phụ nữ và nó xảy ra vì Đức Giê-hô-va đã ban cho mình khả năng sinh con. Phải mất một thời gian để chấp nhận, và điều này rất khó với một số bạn nữ; nhưng rồi bạn sẽ học cách chấp nhận những thay đổi”.

Bạn có đang trải qua một số thay đổi về thể chất được thảo luận ở trên chưa? Hãy viết ra các thắc mắc của bạn về những thay đổi đó.

․․․․․

Dành cho bạn nam

Nếu bạn là nam, tuổi dậy thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến ngoại diện của bạn. Ví dụ, da bạn có lẽ thường bị nhờn, dẫn tới việc nổi mụn và mụn đầu đen. * Matt, 18 tuổi, nói: “Thật khó chịu và bực bội khi nổi mụn. Đây là một trận chiến mà bạn phải đấu tranh để chống lại chúng. Bạn không biết liệu những cái mụn ấy có biến mất hay để lại sẹo, và có khiến mọi người giảm sự tôn trọng với bạn hay không”.

Tuy nhiên, mặt tích cực là bạn thấy mình trở nên to con hơn, mạnh hơn và vai bắt đầu rộng ra. Trong độ tuổi này, lông sẽ mọc ở chân, ngực và nách; râu cũng sẽ xuất hiện trên mặt bạn. Lượng lông trên cơ thể không liên quan đến độ nam tính của bạn, đó đơn giản là do di truyền.

Ở giai đoạn này, mọi thứ có lẽ ngoài tầm kiểm soát của bạn vì không phải tất cả bộ phận trên cơ thể sẽ phát triển đồng đều. Bạn cảm thấy như tay chân mình cứ lóng ngóng. Một bạn trẻ tên Dũng nói: “Cứ như não của mình nói một đằng mà tay chân lại làm một nẻo”.

Ngoài ra, giọng bạn sẽ trầm hơn, nhưng quá trình này diễn ra từ từ. Trong một thời gian, giọng nói to và trầm đột ngột bị chen vào những tiếng the thé làm bạn xấu hổ. Nhưng đừng lo lắng về điều đó vì dần dần, giọng bạn sẽ ổn định. Tính khôi hài trong lúc này sẽ giúp bạn bớt ngượng ngùng.

Khi hệ sinh sản của bạn phát triển, kích thước cơ quan sinh dục dần lớn hơn và lông sẽ mọc xung quanh. Tinh dịch cũng sẽ bắt đầu được sản sinh. Chất dịch này chứa hàng triệu tinh trùng siêu nhỏ được xuất ra khi giao hợp. Một tinh trùng có khả năng thụ tinh với một trứng của người nữ và tạo thành em bé.

Tinh dịch tăng dần trong cơ thể bạn. Một số tự tiêu đi nhưng đôi khi, một số được xuất ra ban đêm khi bạn ngủ. Quá trình này thường được gọi là mộng tinh. Việc xuất tinh như thế là bình thường, ngay cả Kinh Thánh cũng đề cập đến (Lê-vi 15:16, 17). Điều này cho thấy hệ sinh sản của bạn đang hoạt động và bạn đang phát triển thành người đàn ông.

Bạn có đang trải qua một số thay đổi về thể chất được thảo luận ở trên chưa? Hãy viết ra các thắc mắc của bạn về những thay đổi đó.

․․․․․

Đối phó với cảm xúc mới

Khi hệ sinh sản phát triển, cả nam và nữ đều bắt đầu chú ý nhiều hơn đến bạn khác phái. Matt nói: “Khi tới tuổi dậy thì, mình chợt nhận ra xung quanh có thật nhiều bạn nữ dễ thương. Điều đó thật khó chịu, vì mình biết là không thể làm gì cho đến khi lớn hơn”. Chương 29 trong sách này sẽ thảo luận chi tiết về khía cạnh ấy. Trong giai đoạn này, bạn cần nhận ra tầm quan trọng của việc tập kiềm chế ham muốn tình dục (Cô-lô-se 3:5). Dù không dễ nhưng bạn có thể chọn không chiều theo ham muốn đó!

Có lẽ bạn phải đối phó với những cảm xúc khác vào tuổi dậy thì, chẳng hạn như tự ti. Ngoài ra, sự cô đơn và trầm cảm nhất thời cũng là điều thường gặp ở người trẻ. Những lúc như thế, bạn nên nói chuyện với cha mẹ hay một người lớn đáng tin cậy. Hãy viết ra tên của một người lớn mà bạn có thể chia sẻ cảm xúc.

․․․․․

Sự phát triển quan trọng nhất

Sự phát triển quan trọng nhất không phải là chiều cao, hình dáng hay khuôn mặt mà là sự hình thành nên con người của bạn, tức là tinh thần, cảm xúc và trên hết là tâm linh. Sứ đồ Phao-lô nói: “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, suy nghĩ như con trẻ, suy luận như con trẻ; nhưng nay là người trưởng thành, tôi đã bỏ những đặc tính của con trẻ” (1 Cô-rinh-tô 13:11). Bài học rõ ràng là chỉ nhìn giống người lớn thì chưa đủ. Bạn phải học cách hành động, nói năng và suy nghĩ như người lớn. Đừng quá lo lắng về những điều đang xảy ra với cơ thể mà bỏ bê việc trau dồi con người bề trong.

Cũng hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời “nhìn trong lòng” (1 Sa-mu-ên 16:7). Kinh Thánh nói rằng vua Sau-lơ cao lớn và đẹp trai nhưng lại thất bại trên cả cương vị nhà vua lẫn người đàn ông (1 Sa-mu-ên 9:2). Ngược lại, Xa-ki-ơ tuy thấp nhưng lại có nghị lực để thay đổi đời sống và trở thành môn đồ Chúa Giê-su (Lu-ca 19:2-10). Rõ ràng, những gì ở bên trong mới là quan trọng nhất.

Không có cách nào an toàn để tăng tốc hay kìm hãm quá trình phát triển về thể chất. Do đó, thay vì căm ghét và sợ hãi những thay đổi, bạn hãy tiếp nhận chúng với tính khôi hài. Tuổi dậy thì không phải là một căn bệnh và bạn không phải là người đầu tiên trải qua. Chắc chắn bạn sẽ vượt qua giai đoạn sóng gió này và rồi trở thành một người trưởng thành!

TRONG CHƯƠNG TỚI

Nói sao nếu bạn không thích hình ảnh của mình trong gương? Làm sao để có quan điểm thăng bằng về vẻ bề ngoài của mình?

[Chú thích]

^ đ. 15 Các bạn nữ cũng trải nghiệm điều này. Vấn đề thường được kiểm soát nếu chăm sóc da tốt.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

Xin ca ngợi ngài vì con được tạo nên cách diệu kỳ, thật đáng sợ thay!”.​Thi thiên 139:14.

MẸO

Khi cơ thể bắt đầu phát triển, hãy tránh những kiểu trang phục khêu gợi. Hãy luôn ăn mặc “với lòng khiêm tốn và óc suy xét”.—1 Ti-mô-thê 2:9.

BẠN CÓ BIẾT...?

Tuổi dậy thì có thể bắt đầu sớm vào lúc 8 tuổi, hoặc trễ hơn vào lúc 14 tuổi hay thậm chí lớn hơn. Đó cũng là chuyện bình thường.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Khi tiến đến tuổi trưởng thành, phẩm chất mà mình cần trau dồi nhất là: ․․․․․

Để chăm lo cho sự phát triển về tâm linh, mình sẽ ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

Tại sao rất khó đối phó với những thay đổi về thể chất và cảm xúc ở tuổi dậy thì?

Bạn thấy điều gì khó nhất trong giai đoạn chuyển tiếp này?

Tại sao tình yêu thương mà bạn dành cho Đức Chúa Trời có thể giảm đi trong tuổi dậy thì? Bạn có thể làm gì để điều này không xảy ra?

[Câu nổi bật nơi trang 61]

“Khi ở tuổi thanh thiếu niên, bạn sẽ nhiều lần cảm thấy bất an, và bạn không bao giờ biết chắc cơ thể mình sẽ thay đổi ra sao. Nhưng khi lớn lên, bạn biết cách chấp nhận, thậm chí thích thú trước những thay đổi đó”.—Annette

[Khung nơi trang 63, 64]

Làm sao nói với cha mẹ về vấn đề tình dục?

Nếu có thắc mắc về những vấn đề liên quan đến tình dục, mình sẽ không hỏi ba mẹ”.—Beth.

“Mình không có gan để nhắc đến chuyện đó”.—Duy.

Nếu cảm thấy giống như Beth và Duy thì bạn đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bạn muốn biết về tình dục, nhưng người có câu trả lời lại là người mà bạn không muốn hỏi, đó là cha mẹ bạn! Bạn lo lắng:

Cha mẹ sẽ nghĩ sao về mình?

“Mình không muốn bố mẹ nghi ngờ vì mình hỏi về điều này”.—Trúc.

“Ba mẹ muốn bạn lúc nào cũng ngây thơ, và ngày bạn hỏi họ về vấn đề tình dục là lúc bạn mất đi hình ảnh đó”.—Beth.

Cha mẹ sẽ phản ứng như thế nào?

Mình sợ ba mẹ sẽ vội vàng kết luận trước khi mình nói xong và họ sẽ bắt đầu lên lớp một hồi dài”.—Hường.

“Ba mẹ mình không giỏi che giấu cảm xúc, nên mình sợ nhìn thấy nét mặt thất vọng của họ. Thật ra, lúc mình đang nói thì ba cũng chuẩn bị sẵn trong đầu một bài thuyết giảng cho mình”.—Pam.

Cha mẹ sẽ hiểu sai lý do mình hỏi không?

“Họ có lẽ phản ứng thái quá và bắt đầu hỏi: ‘Con có bị cám dỗ làm chuyện bậy bạ không?’ hay ‘Các bạn gây áp lực cho con hả?’. Nhưng bạn chỉ tò mò mà thôi”.—Lisa.

“Ba luôn tỏ ra lo lắng khi mình đề cập đến một anh chàng nào đó. Ba sẽ đi thẳng vào vấn đề tình dục. Mình nghĩ: ‘Ba, con chỉ nói là cậu ấy dễ thương. Con đâu có nói gì về hôn nhân hay tình dục!’”.—Vy.

Hẳn là cha mẹ cũng thấy ngượng để nói với bạn về tình dục như khi bạn nói với họ! Theo kết quả của một cuộc khảo sát, 65% bậc cha mẹ cho biết là họ có nói với con về tình dục, nhưng chỉ có 41% người con nhớ là có những cuộc thảo luận như thế.

Thực tế, có lẽ cha mẹ ngại nói với bạn về tình dục. Trong nhiều trường hợp, ông bà của bạn cũng đã không nói với họ! Dù là lý do gì đi nữa, hãy cố gắng thông cảm cho cha mẹ. Bạn có thể mạnh dạn nói về chuyện đó trước. Có lẽ điều ấy sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Bằng cách nào?

Nhập đề

Cha mẹ bạn có nhiều hiểu biết và lời khuyên về vấn đề tình dục. Bạn chỉ cần biết cách bắt đầu cuộc nói chuyện. Hãy thử cách sau:

1 Thẳng thắn nói lên nỗi sợ cho cha mẹ biết. “Con do dự nói về điều này vì con sợ ba mẹ sẽ nghĩ...”.

2 Sau đó cho cha mẹ biết lý do bạn nói chuyện với họ. “Nhưng con có một thắc mắc và con muốn nghe câu trả lời của ba mẹ”.

3 Rồi nói ra vấn đề. “Con muốn hỏi là...”.

4 Khi kết thúc cuộc thảo luận, hãy tạo cơ hội để bạn có thể nói với họ về điều này trong tương lai. “Nếu có thắc mắc khác, con có thể hỏi ba mẹ được không?”.

Dù bạn biết cha mẹ sẽ đồng ý nhưng nếu nghe chính họ nói ra như thế, bạn sẽ thấy dễ dàng và thoải mái hơn khi cần nói chuyện vào lần sau. Vậy, hãy thử xem! Có thể bạn sẽ đồng ý với Trina, 24 tuổi, khi bạn ấy nói: “Lúc nói chuyện với mẹ, mình nhớ là đã mong cuộc thảo luận ấy không diễn ra. Nhưng giờ thì mình vui vì mẹ đã rất thẳng thắn và cởi mở. Điều đó đúng là một sự bảo vệ!”.

[Hình nơi trang 59]

Tạm biệt tuổi thơ có thể giống như chuyển nhà đi nơi khác, nhưng bạn có thể thích nghi